Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

GS. THUYẾT: TÔI ỦNG HỘ TÊN NƯỚC LÀ CỘNG HÒA DÂN CHỦ VIỆT NAM

'Đổi lại tên nước là trở về đúng bản chất chế độ'


"Trước đây những ai có ý kiến đổi tên nước thường bị quy kết là suy thoái tư tưởng. Theo tôi, cái tên không phải là chỉ dấu cho một sự đổi hướng", giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trao đổi với VnExpress về đề xuất đổi tên nước.
> Đề xuất tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

- 30 năm qua, nhiều lần các nhân sĩ, trí thức góp ý về tên nước và bày tỏ mong muốn trở lại với tên do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt năm 1945. Ông nghĩ gì trước đề xuất đổi tên nước thành Việt Nam Dân chủ Cộng hòa?

- Theo tôi, chúng ta nên trở lại với tên đầu tiên đã đặt khi mới giành được độc lập. Tên gọi này thể hiện đúng bản chất của chế độ là Cộng hòa Dân chủ. Thể chế Xã hội chủ nghĩa cũng là một kiểu nhà nước dân chủ, tuy nhiên tên Cộng hòa Dân chủ khái quát và phổ biến hơn. Lúc khối Xã hội chủ nghĩa phát triển mạnh nhất, trên thế giới cũng chỉ có 5 nước có tên Xã hội chủ nghĩa là Liên Xô, Anbani, Nam Tư, Rumani và Tiệp Khắc; còn các nước Xã hội chủ nghĩa khác lấy tên là Cộng hòa Nhân dân, Cộng hòa Dân chủ hoặc Cộng hòa Dân chủ nhân dân.

Ngoài ra, lúc đó có 2 nước không thuộc khối Xã hội chủ nghĩa cũng có cụm từ Xã hội chủ nghĩa trong tên nước là Myanma (từ năm 1974 đến 1988) và Lybia. Hiện, trên thế giới chỉ còn Việt Nam và Sri Lanka có cụm từ Xã hội chủ nghĩa trong tên nước, nhưng ta biết rằng quan niệm về Xã hội chủ nghĩa của Sri Lanka không giống Việt Nam.

Trở lại với tên gọi đầu tiên, giống như nhiều nền dân chủ khác trên thế giới, Việt Nam sẽ tranh thủ được sự đồng tình, thiện cảm của bạn bè quốc tế hơn. Những ai muốn đến với Việt Nam nhưng cảm thấy xa lạ vì cái tên thì nay sẽ không e dè nữa.

Đối với đông đảo kiều bào nước ngoài, kể cả những người đã ra đi trước năm 1945 thì cái tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn là một tên gọi quen thuộc, gần gũi. Nó cũng sẽ tạo điều kiện để nhiều kiều bào xích lại gần hơn với đất nước. 

- Song, có ý kiến cho rằng nếu lấy tên đó thì có nghĩa Việt Nam đang xa rời mục tiêu lên chủ nghĩa xã hội và việc thay đổi cũng sẽ gây phức tạp, tốn kém tiền của?
.
Ngày 12/4, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trình Thường vụ Quốc hội dự thảo Hiến pháp mới. Trong đó bên cạnh cách viết cũ tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, xuất hiện phương án mới, phản ánh chính xác hình thức chính thể và chủ quyền quốc gia về lãnh thổ: “(1) Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. (2) Tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Phương án này thể hiện ý kiến nhiều tầng lớp nhân dân. Tên gọi ấy được khẳng định trong Hiến pháp 1946, 1959 và chỉ được thay đổi bởi Hiến pháp 1980. Về mặt pháp lý, đến thời điểm này, tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được sử dụng nhiều hơn so với tên nước hiện nay.
 - Một số người lo ngại sự đổi hướng nhưng tôi cho rằng điều đó không chính đáng. Bởi từ khi giành được chính quyền năm 1945, Việt Nam vẫn xác định con đường xây dựng Xã hội chủ nghĩa. Điều đó không hề phụ thuộc vào việc tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Cái tên cũng giống như bức tượng Phật trong nhà. Có tượng hay không có tượng, tượng gỗ hay tượng đồng thì thế gian vẫn có Phật. Cái tên không phải là chỉ dấu cho một sự đổi hướng nào. Lấy tên nào thì mục tiêu của chúng ta vẫn là xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Đương nhiên, đổi tên nước sẽ dẫn đến việc chi tiêu một khoản tiền nhất định để đổi con dấu, biển hiệu của cơ quan nhà nước, giấy tờ giao dịch... Tốn kém là có, nhưng cũng không lớn đến nỗi không nên làm. Nếu so sánh thì lợi ích đem lại lớn hơn nhiều. Và cũng phải cân nhắc, những gì không nhất thiết phải đổi như đồng tiền chẳng hạn thì không nên đổi. 

- Cùng với nhiều đề xuất, việc đưa ra 2 phương án lựa chọn tên nước cho thấy điều gì qua 3 tháng lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp? 

- Trước khi có chủ trương sửa đổi Hiến pháp, nhiều đại biểu Quốc hội đã bàn đến việc trở lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Song, lúc đó những ai nói ra ý kiến ấy thường bị quy kết là suy thoái về mặt tư tưởng. Điều đó làm tôi rất ngạc nhiên vì tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra.

So sánh với những gì chỉ mới diễn ra trong 1 - 2 tuần trước, đã có thể thấy việc đề xuất đổi tên nước đánh dấu bước chuyển trong nhận thức của những người chủ trì sửa đổi Hiến pháp. Điều đó cũng cho thấy Ủy ban Dự thảo Hiến pháp sửa đổi bước đầu đã tiếp thu nghiêm túc ý kiến của người dân và đấy là tín hiệu tốt.

Mấy hôm nay, đọc kiến nghị của Chính phủ về sửa đổi Hiến pháp, tôi cũng thấy rất mừng và rất ủng hộ những kiến nghị này. Ví dụ, Chính phủ kiến nghị những quy định giới hạn quyền công dân thì phải do "luật định" chứ không phải do "pháp luật" (hiểu theo nghĩa rất rộng) quy định. Thứ hai, Chính phủ kiến nghị việc thu hồi, trưng mua đất của dân phải trả ngang với giá thị trường.

Những quan điểm này không mới nhưng khi được cơ quan hành chính cao nhất của đất nước nêu ra thì rất đáng mừng vì nó phù hợp với mong muốn của người dân. Tôi mong những suy nghĩ này được đẩy xa hơn, ví dụ như công nhận chế độ đa sở hữu về đất đai, đặc biệt là đất ở - vốn không phải tư liệu sản xuất nên không thể công hữu hóa. Đất đai chiếm trên 75% các vụ khiếu kiện, nếu giải quyết tốt vấn đề này sẽ tháo gỡ được những khó khăn lớn và góp phần quan trọng ổn định xã hội. 

- Tán thành với đề xuất đổi tên nước, ông có góp ý gì thêm? 

- Tôi ủng hộ việc trở lại tên nước lúc mới giành độc lập. Song, tên này cần sửa lại cho đúng ngữ pháp tiếng Việt, là "Cộng hòa Dân chủ Việt Nam". Năm 1945, chúng ta còn chịu nhiều ảnh hưởng tiếng Hán (Trung Quốc) nên cấu trúc của tên nước đặt năm ấy là theo ngữ pháp tiếng Hán. Bây giờ, nên gọi cho đúng hơn.

Tên nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện để những ai còn lấn cấn trong việc xích lại gần với chúng ta sẽ cảm thấy không còn rào cản nữa.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: "Ngày 2/9/1945, trong bản Tuyên ngôn Độc lập đọc trước cuộc mít tinh tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố sự ra đời của một Nhà nước mới trên trường quốc tế - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tên nước sau đó đã được Quốc hội khóa I xác nhận trong bản Hiến pháp đầu tiên - Hiến pháp 1946. Tên gọi này phù hợp với thể chế của Việt Nam là thể chế Cộng hòa Dân chủ - chế độ do dân làm chủ, mọi việc thực hiện theo bản Hiến pháp do toàn dân phúc quyết và hệ thống pháp luật do những đại diện mà dân bầu ra ban hành.
Tên nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa ra đời năm 1976. Hồi đó không có thảo luận trong nhân dân mà do Quốc hội quyết định trong hoàn cảnh đất nước vừa thống nhất và trong niềm hứng khởi trước chiến thắng lịch sử thể hiện sức mạnh của chế độ Xã hội Chủ nghĩa. Lúc đó, Đảng cũng đổi tên từ Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhà nước còn mở một cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới để thay bài Tiến quân ca".

Nguyễn Hưng thực hiện
Nguồn: VNE.

Tễu: Vậy là những ai có ý kiến đổi tên nước thì không phải là suy thoái tư tưởng nữa rồi! Hi ..hi...

28 nhận xét :

  1. Tui đồng ý với GS Thuyết . Cũng nên đổi quốc kỳ vì nó giống cờ tàu khựa quá !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng đấy, để nhỡ có nhầm một ngôi sao như hồi nào thì cũng chẳng sao

      Xóa
  2. Trong ý nghĩa của chữ " Cộng Hòa " ( Res Publica , Republique, Republic ) đã có Dân Chủ . Theo tôi chỉ cần ' CỘNG HÒA VIÊT NAM "
    là đủ . CHDC Đức đã thống nhất với CHLB Đức .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi đồng ý với CD Saigon! Đã mất công đổi thì đơn giản chỉ cần Cộng hòa VN thôi, dài loằng ngoằng mà thực chất không giống thế để làm gì. Có dân chủ thực hay không thì phải "rà vô" mọi hoạt động của cuộc sống mới rõ, chứ cưỡi ngựa xem hoa qua cái tên nước đâu phải là thứ người dân cần.

      Xóa
  3. Theo tôi "Việt nam dân chủ cọng hòa" mới đúng cấu trúc tiếng việt,còn nói "Cọng hòa dân chủ Việt nam" thì có khác chi cấu trúc tiếng hán trong "Cọng hòa nhân dân Trung hoa" hay trong tiếng pháp "République démocratique du Việt nam"

    Trả lờiXóa
  4. Ông Ts Thuyết này nói lạ ! Sao ông lại bảo cái tên nước do cụ Hồ đặt là ảnh hưởng Hán văn nhỉ ? Chính cách đặt tính ngữ "Cộng hòa dân chủ" trước danh từ
    Việt Nam mới là kiểu ngữ pháp Hán ngữ và Nga ngữ đó.Tên VNDCCH như cụ Hồ đặt là đúng với ngữ pháp tiếng Việt (định ngữ đứng sau danh từ để bổ nghĩa
    cho danh từ )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lấy lại tên nước VNDCCH như Cụ Hồ đặt là đúng và cần thiết với 2 lý do rất chính đáng là :
      - Tên này mới đúng với ngữ pháp tiếng Việt (Thành phần bổ nghĩa cho danh
      từ luôn đứng sau danh từ . Đây là cái khác cơ bản với tiếng Hán, tiếng Nga, tiếng Pháp .Ở đây tính ngữ "Dan chủ cộng hòa" bổ nghĩa cho danh từ Việt Nam ,nên khi cần nói tắt là Việt Nam không cần thành phần bổ nghĩa cũng vẫn được)
      - Lấy lại tên VNDCCH là ghi công cụ Hồ đã đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước VNDCCH và đánh dấu bước ngoặt phá bỏ chế độ nô lệ nửa phong kiến nửa thuộc địa , để chuyển sang thời kì lịch sử mới của dân tộc,tuy sau đó chúng ta còn phải hy sinh mấy chục năm nữa mới giành được chiến thắng hoàn toàn , nhưng đây cũng là hoàn cảnh kẻ thù "bắt buộc ta phải nâng cao tay súng " dù ta đâu có muốn...

      Xóa
  5. Xin sửa lỗi chính tả "La République démocratique du Việt nam".

    Trả lờiXóa
  6. Nếu tên nước được đổi thành VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA là một điều hợp lòng Dân, hết sức tốt đẹp.
    Đổi tên nước, bỏ cụm tính từ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA SÁO RỖNG, có thể tạo ra bước chân đầu tiên trên con đường thay đổi to lớn hơn trong tương lai ( như Myanma chẳng hạn )
    HÃY CỨ HY VỌNG !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sẽ đổi thôi vì sau đó sẽ có lý do chính đáng để đổi tiền mà ?

      Xóa
  7. Thật đúng là :
    " Bắt phanh trần phải phanh trần
    Cho may ô mới được phần may ô " Phải không Bác TỄU

    Trả lờiXóa
  8. Việt Nam dan chủ cộng hòa
    Ấy là tên nước dân ta ghi lòng.
    Cách mạng dân tộc thành công
    Việt Nam nổi giữa cộng đống anh em.
    Nên về tên cũ đã quen
    Đúng với đạo lý ngàn năm nhớ nguồn.

    Trả lờiXóa
  9. Sao Cụ Thuyết lại Kỵ tiếng Hán quá như thế Nếu bỏ tiếng hán như cụ nghĩ thì từ ngữ nước ta mẩt" quá nửa .Tôi thiển nghĩ tên Việt nam dân chủ cộng hòa "nó thuần việt và còn mang một ý nghĩa Lịch sử sâu sắc ..Và với Bác thì sự trong Sáng tiếng Việt đặt lên hàng đầu ngày càng được bác chú trọng

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi đồng ý với bác, nhưng theo tôi hai khái niệm "Tiếng Hán" (Hán ngữ) với "từ Hán Việt"là hoàn toàn khác nhau vì : "từ Hán Việt" là những từ tiếng Hán đã được du nhập vào tiếng Việt và đã được việt hóa bằng âm đọc
      tiếng Việt không phải âm đọc của tiếng Hán nữa, thậm chí có từ còn biến cả nghĩa nữa , như vậy đâu còn là Tiếng Hán nữa mà ta phải thay .(Cũng ví như những người Việt gốc Hán vậy mà) Chính kho từ vựng H.V này đã làm cho
      tiếng Việt phong phú cả về từ vựng lẫn ngữ nghĩa và cả sắc thái tu từ nữa. Nhiều người cực đoan không hiểu, cứ thấy "từ Hán Việt" là đòi thay bằng từ thuần Việt . Nếu vậy thì tên nước VNDCCH phải đổi thành: "Vượt nôm (VN)đầu đen chúa(DC)không có vua (CH)" để cho ''trong sáng " tiếng Việt ! Và tên TS NMT phải diễn thành: Nguyễn Rõ (minh) Nói (thuyết)thì nghe "Trong sáng" ra phết đấy nhỉ (!?)

      Xóa
  10. Theo tôi nên giữ tên cũ Việt nam dân chủ cộng hòa.Cái tên đó khẳng định trước hết đây là nhà nước của dân, do dân làm chủ rồi mới đến hình thức tổ chức là chế độ cộng hòa.

    Trả lờiXóa
  11. Việc đột nhiên Ủy ban sửa đổi Hiến pháp đưa ra ý kiến về việc đổi tên nước, thực chất là chuyển trọng tâm sự chú ý của nhân dân sang vấn đề khác, giảm áp lực vào TRỌNG TÂM là ĐIỀU 4.
    Đề nghị bà con và nhất là giới nhân sĩ - trí thức không xa rời TRỌNG TÂM LÀ ĐIỀU 4.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cực chuẩn!
      Bác Xuân Diện đưa cảnh báo này lên trên đê! Đồng thời chuyển các bài về "Điều 4" Hiến pháp cũng lên đê!

      Xóa
  12. Tôi đồng ý với GS Nguyễn Minh Thuyết. Nếu để "Việt Nam dân chủ cộng hoà" sẽ rất bất tiện, ngay cả khi dịch ra tiếng Anh. Đổi lại là "Cộng hoà dân chủ Việt Nam" là rất chuẩn, khi dịch sang tiếng Anh sẽ là "Democratic Republic of Viet Nam". Tên như thế là chuẩn không cần chỉnh.
    Cám ơn GS Nguyễn Minh Thuyết!

    Trả lờiXóa
  13. P. THƯỜNG DÂN NAM bỘlúc 03:11 16 tháng 4, 2013

    Thay đổi một chút vỏ mà ruột vẫn thế . Chẳng qua là giấu đi cái XHCN và thay vào đó bằng Dân Chủ . Lại còn nhằm đánh lừa thế giói ! Lập trường của Gs Thuyết dường như xa dần KN 72 ? Xem như thế thì ĐCSVN không có thực tâm trả lại quyền cho Nhân Dân. Có thay đổi vài cái tên, nhưng mọi cái vẫn là như cũ . Vẫn là XHCN , vẫn là Đảng nắm hết quyền lãnh đạo, vẫn là tam quyền phân công chứ không phân lập . Vẫn là Đảng ngồi trên Tổ Quốc ! Thôi thế thì tay đổi làm gì ? Chẳng đánh lừa được ai . RSV đổi thành DRV hay RDV cũng ông TBT Đảng đòi đón tiếp theo nghi lễ Quốc Trưởng, chỉ làm cho thế giới nực cười !

    Trả lờiXóa
  14. Tuy nhiên,với tư cách một chuyên gia về ngôn ngữ, GS Thuyết cho biết tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt theo trật tự từ tiếng Hán (Trung Quốc). “Từ giữa thế kỷ XX trở về trước, chúng ta chịu nhiều ảnh hưởng của tiếng Hán. Các tên gọi như Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay Việt Nam độc lập đồng minh hội, Việt Nam tuyền truyền giải phóng quân v.v… đều là cách diễn đạt theo tiếng Hán. Bây giờ phải gọi lại là Cộng hòa Dân chủ Việt Nam mới đúng ngữ pháp tiếng Việt”, GS Thuyết phân tích.
    (Báo Giáo dục VN, ngày 15/4/2013)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tính từ đi sau danh từ mới là chuẩn ngữ pháp Việt, chẳng hạn: tiếng Việt thuần sẽ diễn đạt "Núi cao" chứ không diễn đạt "cao Núi" Vậy thì tên nước đổi lại VNDCCH là chuẩn đó. mà tốt nhất là ngắn gọn VIỆT NAM CÔNG HÒA thôi.

      Xóa
  15. Hoàn toàn nhất trí với giáo sư Thuyết.
    Tôi bỏ phiếu cho giáo sư.

    Trả lờiXóa
  16. Ngữ pháp tiếng Việt khá mơ hồ. Đừng cãi nhau về nó. Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  17. Theo tôi, tên nước cần đặt là Cộng hòa Việt Nam.
    Vũ Xuân Tửu

    Trả lờiXóa
  18. Tôi ủng hộ đổi Quốc hiệu nhân dịp thay Hiến pháp lần này, ngay cả thay lời (hoặc đổi) Quốc ca, Quốc kỳ càng tốt.
    Việt Nam đang ở thời kỳ cần Đổi mới thực sự để bước vào khí thế mới. Đổi mới này phải cho thấy rõ tinh thần hoà giải dân tốc thực sự, xoá bỏ mọi rào cản về thực tế lịch sử đất nước đau thương đã qua. Và vì thế không nên và không cần phải “quay về” bất kỳ cái gì của trước đây. Không cần phải nêu chế độ chính trị trong Quốc hiệu.
    Tôi đề xuất Quôc hiệu : VIỆT NAM VĂN HIẾN
    Quốc hiệu này chắc chắn sẽ khơi gợi lòng tự hào dân tộc, tự hào với nền văn hiến của nước nhà với tất cả con dân Việt.

    Trả lờiXóa
  19. Đổi tên nước là 1 việc quan trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia lên cần phải nghiên cứu kỹ.nếu có tốn kém về kinh tế thì ko sao nhưng nếu sai lầm để nước ngoài lấy cớ để xâm phạm lãnh thổ thì nguy hiểm lắm.ngày cố thủ tướng Phạm văn Đồng ký công hàm 1958 nước ta tên là VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA đấy.chỉ sợ"1 bộ phận không nhỏ"nào đó đi đêm với trung cộng về vấn đề này thì việt nam mất nhiều lắm.

    Trả lờiXóa
  20. Chừng nào thay đổi sang chế độ dân chủ hãy nghĩ đến thay đổi tên nước. Thay đổi hình thức chỉ có khổ dân, phải thay đổi giấy tờ, đổi tiền.... Dân chịu hết.

    Trả lờiXóa