Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

ĐÀO TIẾN THI: SUY NGHĨ VỀ VAI TRÒ CỦA TRÍ THỨC HÔM NAY ....


SUY NGHĨ VỀ VAI TRÒ CỦA TRÍ THỨC HÔM NAY
TỪ LỚP VĂN THÂN, SỸ PHU NỬA CUỐI THẾ KỶ XIX

Đào Tiến Thi

Hai vai tơ tóc bền trời đất
Một gánh cương thường nặng núi sông
(Phan Văn Trị)
Sau hôm Nguyễn Chí Đức bị đánh (do đi dự phiên toà “công khai” xử Đoàn Văn Vươn), tôi gọi điện hỏi thăm. Dù đang bị đau cả thể xác lẫn tinh thần nhưng Chí Đức chỉ nói qua về mình, còn chủ yếu anh đề cập các vấn đề của đất nước với một nỗi lo lắng khôn nguôi. Cuối cuộc nói chuyện, Chí Đức buồn bã bảo tôi: “Em sợ rằng trong khoảng 5 năm nữa, lớp các bác nhân sỹ, trí thức lớn hôm nay sẽ vãn đi hoặc là đã quá già mà không có lớp kế tục. Nếu chỉ có những người như bọn em thì dầu có hăng hái cũng chẳng mấy tác dụng”.
Nỗi lo của Chí Đức cũng là nỗi lo của tôi. Thực ra thì đội ngũ trí thức có tinh thần phản biện, đóng góp vào công cuộc tiến bộ xã hội và bảo vệ đất nước vẫn không ngừng tăng lên, nhưng những người có uy lực thì vẫn là số ít. Ấy là những bậc trí thức vốn trước đó có một vị thế nhất định ở “lề phải”. Khi tham gia “lề trái – lề dân”, họ có sức mạnh riêng, nhưng họ lại phải hai lần dũng cảm để bước qua: trước khi chấp nhận những phiền toái, tai ương đến với mình, họ phải chấp nhận từ bỏ hầu hết những bổng lộc đã có.
Cho nên ngoài số vẫn đang trong cơn mê dài (mê danh, mê lợi, mê quyền lực, mê bổng lộc bề trên) đáng khinh bỉ, thì thật cũng khó mà trách những người biết cả nhưng lẩn tránh trách nhiệm xã hội, rút vào “tháp ngà khoa học” hoặc phiêu du tháng ngày.
Cũng từ vấn đề Chí Đức đặt ra, tôi bất giác nghĩ đến tình huống nếu bây giờ Trung Cộng tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược thì liệu dân tộc này đã chắc gì làm được một cuộc kháng chiến như triều Nguyễn nửa cuối thế kỷ XIX? Cuộc kháng chiến ấy, theo hình dung của nhà thơ Bế Kiến Quốc:
Thuở ấy non sông lâm trận giặc
Pháo mã bâng khuâng lạc thế cờ
Vua thì nhu nhược, triều đình nát
Lòng ai trung nghĩa hoá bơ vơ.
Thực tế thuở ấy, tuy rằng vua (Tự Đức) nhu nhược, tuy rằng kháng chiến một cách cầm chừng nhưng vẫn còn là kháng chiến. Đặc biệt thuở ấy có tầng lớp văn thân, sỹ phu là linh hồn của cuộc chiến tranh giữ nước, dù có thể không trực tiếp tham gia đánh giặc.
Đốc học Nam Định Phạm Văn Nghị (1805 – 1880) vốn sức yếu nhưng nghe tin Pháp đánh Đà Nẵng (1858), đã tự chiêu mộ trong đám học trò và thanh nhiên yêu nước được một đội quân 300 người xin vua đi chiến đấu. Vào đến Huế thì quân Pháp đã rút khỏi Đà Nẵng, vào đóng quân ở Gia Định; ông lại xin vào Gia Định nhưng Tự Đức bắt ông trở về (vì triều đình đang muốn “hoà” với giặc Pháp).
Trương Định (1820 – 1864) vốn chỉ là một quản cơ đồn điền – một chức nhỏ trong quân đội làm nhiệm vụ chiêu mộ dân nghèo đi khai hoang, gặp lúc đất nước có giặc đã tự chiêu mộ được 6000 nghĩa binh, đánh địch suốt vùng Gò Công – Tân An. Khi triều đình Huế ký hoà ước Nhâm tuất (1862), yêu cầu ông bãi binh, ông đã nói một câu nổi tiếng: “Triều đình Huế không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc chúng ta[1].
Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) là nhà thơ chiến sỹ vẫn còn phảng phất hào khí Đồng Nai thời đi mở đất. Suốt từ những ngày đầu Pháp đánh Gia Định cho đến khi vua Hàm Nghi bị bắt (1888), thơ văn ông là nguồn cổ vũ to lớn đối với cuộc chiến đấu của nhân dân Lục tỉnh.
Phan Văn Trị (1830 – 1910) đỗ đạt, tài cao nhưng gặp buổi loạn không ra làm quan, ở nhà dạy học và bốc thuốc, đồng thời chiến đấu bằng ngòi bút trong cuộc Nam Kỳ kháng chiến. Ông nổi tiếng với 10 bài hoạ để đập lại Tôn Thọ Tường – một trí thức có tài nhưng thân Pháp, tuyên truyền cho tư tưởng đầu hàng.
Hoàng Diệu (1828 – 1882) là một quan văn, nhưng ngay khi nhận chức tổng đốc Hà Nội (1880) đã ra sức lo bố phòng, chuẩn bị đánh giặc. Trong cuộc giữ thành ngày 25-4-1882, ông là người trực tiếp chỉ huy chiến đấu cho đến khi vỡ trận (trong khi các quan võ dưới quyền ông bỏ chạy ngay từ phút đầu). Trước khi thắt cổ tự tận, ông để lại bức Di biểu đầy huyết lệ: “Thành mất không sao cứu được, nghĩ thẹn với nhân sỹ đất Bắc lúc sinh thời. Thân chết có quản gì, nguyện theo Nguyễn Tri Phương xuống đất.
Nguyễn Trường Tộ (1830 – 1871) vừa là nhà Nho, vừa là một người Công giáo, một người hiểu biết thế giới phương Tây, cho nên liên tiếp đưa ra các kiến nghị nhằm chấn hưng đất nước. Nếu vua Tự Đức nghe theo ông thì không những nước ta thoát khỏi cuộc nô dịch của thực dân Pháp, mà có thể thoát cả đêm trường trung cổ[2]. Làm phiên dịch trong các cuộc đàm phán giữa triều Nguyễn với thực dân Pháp, nắm rõ tình hình quân Pháp, lại nhằm đúng lúc Pháp bối rối trong chiến tranh Pháp – Phổ (1870 – 1871), ông đã vạch ra kế hoạch đánh úp Gia Định để lấy lại Nam Kỳ, nhưng tiếc rằng kế hoạch chưa được duyệt thì ông mất.
Nguyễn Lộ Trạch (1853 – 1895), cũng giống như Nguyễn Trường Tộ, luôn luôn đưa ra kiến nghị mong triều đình Huế thực thi cải cách. Trong Thời vụ sách (Kế sách đối với thời cuộc), ông đề ra một loạt biện pháp cấp bách để phòng thủ và phát triển đất nước, trong đó có việc đưa con em tài giỏi ra nước ngoài học khoa học thực nghiệm và cơ khí phương Tây, mở rộng ngoại giao với các nước châu Âu, nhất là ĐứcAnh để kiềm chế Pháp. Trong khi triều Nguyễn cứ loay hoay lo đi chuộc lại Lục tỉnh (Nam Kỳ) thì theo Nguyễn Lộ Trạch, Lục tỉnh có thể lấy lại nếu thế nước mạnh lên và nhất là từ nay đừng để xảy ra sự việc như Lục tỉnh nữa.
Sơ qua một vài gương “trung nghĩa hoá bơ vơ” như trên để thấy cái không khí bi thương nhưng anh dũng của dân tộc ta thời ấy, đồng thời cũng thấy rằng họ không hẳn đã “bơ vơ”. Phải nói rằng, dù vua quan nhà Nguyễn hèn nhát, từng bước bán rẻ cơ đồ cho ngoại bang, nhưng nhân dân và văn thân, sỹ phu ta đã làm cho thực dân Pháp phải lao đao khốn đốn. Chúng phải mất 25 năm (1858 – 1883) mới cơ bản chiếm xong nước ta và sau đó còn phải mất gần 30 năm nữa để “bình định”. Bởi sau khi nhà vua 14 tuổi Hàm Nghi xuất bôn và xuống chiếu Cần vương (1885) thì cả nước lại bùng lên một phong trào kháng chiến sôi nổi, mạnh mẽ chưa từng thấy, kéo dài cho đến tận những năm cuối cùng của thế kỷ XIX.
Các văn thân, sỹ phu thuở ấy đều xuất thân Nho học. Tuy rằng học thuyết Nho giáo đến lúc này đã trở nên bảo thủ, bất cập với thời đại, nhưng bù lại, ý thức trách nhiệm với đời do Nho giáo hun đúc cộng với lòng yêu nước nồng nàn đã cho họ tầm vóc của những người trượng phu của thời đại. Nhiều văn thân, sỹ phu đã hy sinh một cách lẫm liệt vì nghĩa lớn.
Còn bây giờ? Cứ tình hình này mà không được cải thiện thì khi Trung Cộng tấn công, kịch bản diễn ra sẽ hết sức tồi tệ, thậm chí chúng ta hôm nay có thể rất đáng xấu hổ với hậu thế. Tôi hình dung đó là cái cảnh trên “thượng tầng” thì “Ngọn cờ ngơ ngác trống canh trễ tràng”, còn bên dưới thì binh lính hoang mang, lòng dân ly tán. Lấy đâu ra những Trương Định, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Xuân Ôn, Phan Đình Phùng, Nguyễn Quang Bích,...?
Tất nhiên, ngày nay nếu “non sông lâm trận giặc” thì các nhân sỹ, trí thức không có lợi thế như các văn thân, sỹ phu thời trước: tất cả đều tay không tấc sắt. Chỉ có “ba tấc lưỡi” làm vũ khí duy nhất. Nhưng “ba tấc lưỡi” ở vào những tình thế khẩn cấp nhiều khi cũng không còn giá trị. Vậy thì phải làm gì? Câu trả lời là phải tích cực khai dân trí từ bây giờ. Phải cho đông đảo nhân dân ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình đối với đất nước. Cách đây hơn 100 năm, Cụ Phan Bội Châu đã viết: “Nước vốn là gia tài của dân ta. Có cái gia tài không gì lớn bằng như thế, có một tổ nghiệp vô lượng vô biên như thế, mà ta nỡ bỏ hoang như ruộng đá (...) đem hết trách nhiệm mất còn của nước gửi gắm cho một số rất ít người, nào vua nào quan kia. Giặc đến chỉ hỏi vua và quan, còn ta chỉ nhởn nhơ trong cái vũng danh lợi của loài sên loài nhặng, vui thú trong cái chốn dục vọng ăn uống gái trai. Đến nỗi hỏi có nước không, nước còn không lại cứ mơ mơ màng màng không biết trả lời ra sao”. Xem thế thì đa số dân ta ngày nay “cổ hủ” biết bao khi vẫn nghĩ “đã có Đảng và Nhà nước lo”.
Cũng có một điều mừng là các bác trí thức – quan chức cũ đứng về phía “lề trái – lề dân” vẫn tiếp tục đông lên, trong đó có cả những “danh” lớn: Nghệ sỹ Kim Chi, TS. Nguyễn Đình Lộc (nguyên Bộ trưởng Tư pháp), Thiếu tướng công an Phạm Chuyên (nguyên Giám đốc Công an Hà Nội), nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (nguyên Uỷ viên Bộ chính trị, Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương Đảng),... Chẳng có ai vận động được các bác cả. Mà chẳng qua là sự phản tỉnh, để rồi cuối cùng  trở về với nhân dân, với dân tộc. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có những vần thơ thật da diết, đặc biệt bài thơ mới đây: Đất nước những tháng năm thật buồn.
Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta
Trong không gian đầy sợ hãi?
Bây giờ lá cờ trên cột cờ Đại Nội
Có còn bay trong đêm?
Sớm mai còn giữ được màu đỏ?
Bây giờ con cá hanh còn bơi trên sông vắng
Mong gặp một con cá hanh khác?
Giá như sự phản tỉnh ấy đến với cả những người đương chức? Thì đất nước lo gì không có những Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Tôn Thất Thuyết, Phan Đình Phùng,...?
Non sông cứ mỗi ngày lại “lâm trận giặc” (cả “nội xâm” và ngoại xâm) sâu hơn.
Trước mắt, một mùa hè lại đang đến. Chẳng biết hè này Trung Cộng sẽ giở những chiêu trò gì nữa để tiếp tục áp chế chủ quyền của ta? Nhưng có một điều biết trước: Dù Trung Cộng ngang ngược đến đâu, Đảng và Nhà nước ta vẫn chủ trương “kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn” như tướng Nguyễn Chí Vịnh đã hứa với Trung Cộng hồi mùa thu 2011, sau khi có hàng loạt cuộc biểu tình vào mùa hè năm ấy.
Và nhiệm vụ lại đặt trên vai các vị nhân sỹ, trí thức. Làm gì đây? Kiến nghị? – Không ai nghe. Biểu tình? – Bị cấm ngặt. Nhưng chẳng nhẽ bó tay? Không thể bó tay, bởi vì:
Một gánh cương thường nặng núi sông.



[1] Trong các sách giáo khoa ngày trước câu này là : “Triều đinh nghị hoà thì cứ nghị hoà, Định không nỡ ngồi nhìn giang sơn chìm đắm”.
[2] Trong Thiên hạ đại thế luận, những điều kiến nghị nhà nước phong kiến của Nguyễn Trường Tộ thật gần gũi chúng ta hôm nay. Ví dụ đoạn sau đây:
“Hiện nay tình hình trong nước rối loạn (...) tiền của sức lực của dân đã kiệt quệ, việc cung ứng cho quân binh đã mệt mỏi, trong triều đình quần thần chỉ làm trò hề cho vui lòng vua, che đậy những việc hư hỏng trong nước, ngăn chặn những bậc hiền tài, chia đảng lập phái khuynh loát nhau, những việc như vậy cũng đã nhiều; ngoài các tỉnh thì quan tham lại nhũng xưng hùng xưng bá tác phúc tác oai, áp bức tàn nhẫn kẻ cô thế, bòn rút mỡ dân, đục khoét tuỷ nước, việc đó đã xảy ra từ lâu rồi. Những kẻ hận đời, ghét kẻ gian tà, những kẻ thất chí vong mạng, phần nhiều ẩn núp nơi thảo dã, chính là lúc Thắng, Quảng sẽ thừa cơ nổi dậy. Thế mà sao đối ngoại thì không có cách nào để động đến một mảy may lông của quân Pháp, cũng chẳng thuyết phục được ai để giải vây cho, lại đi tàn sát dân mình, giận cá chém thớt, khiến cho dân bị cái hại “cháy nhà vạ lây”. Thật đúng như câu nói: “đào ao đuổi cá”, “nối giáo cho giặc”. Cây cối trước hết tự nó hủ mục sau mới bị sâu đục; nước mình trước hết không biết tự giữ thể diện thì người ta mới khinh mình; dân loạn bên trong, rồi kẻ địch mới nhân đó mà vào. Như thế loạn không phải chỉ từ bên ngoài mà ở ngay trong nước vậy. Than ôi! Dân chúng phụng sự quan trên, đóng thuế nạp tô, để mong được sống yên thân, thế mà bây giờ lại lấy những thứ nuôi sống người đó để làm hại người, nỡ khiến dân chúng vấp phải họa binh đao, nỡ tranh giành cái nhỏ mà bỏ cái lớn, cũng như muốn bảo tồn cành lá mà lại đem đẵn cả cội gốc. Cho nên mới nói: không sợ thế giặc ngang tàng mà sợ lòng người rời rạc. Lòng người đã rời rạc, đã muốn chóng mất, thì dù có thành trì bằng kim loại, có ao nước sôi cũng phải bỏ mà chạy, ai ở đó chịu chết mà giữ cho”.

16 nhận xét :

  1. Em thấy bác Thi nói tới Nguyễn Trường Tộ, em đã đọc nhận xét về ông này trên SACHHIEM, theo đó thì ông Tộ này không đáng được khen như thế. Chả biết ý bác thế nào.
    Ví dụ như những bài này:
    1/Nguyễn Trường Tộ:
    Phản Biện Bài Viết Của Ông Nguyễn Đình Đầu
    Phan Văn Vương
    Link: http://sachhiem.net/index.php?content=showrecipe&id=5095
    2/Nguyễn Trường Tộ,
    biện chính với Gs Hoàng Kỳ
    Bùi Kha
    link: http://sachhiem.net/index.php?content=showrecipe&id=5082
    3/Nguyễn Trường Tộ:
    Đối Luận Với Bà Lê Thị Lan & Ông Trần Hữu Tá
    Bùi Kha
    link: http://sachhiem.net/index.php?content=showrecipe&id=5066
    4/Nguyễn Trường Tộ:
    Đối Luận Với TS, GM Nguyễn Thái Hợp
    Bùi Kha
    link: http://sachhiem.net/index.php?content=showrecipe&id=5065

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng đã đọc nhiều ý kiến phê phán Nguyễn Trường Tộ, đặc biệt là ý kiến của Bùi Kha trong một chuyên luận xuất bản thành sách cách đây mấy năm, gần như phủ định toàn bộ những gì trước đây nói về Nguyễn Trường Tộ trong sử sách chính thống của ta.
      Tôi nghĩ thế này: Chẳng ai có thể toàn vẹn cả. Nguyễn Tri Phương là một người đã lẫm liệt tuẫn tiết trong cuộc giữ thành Hà Nội ngày 20-11-1873 nhưng cũng là một con người bảo thủ, cứng nhắc và nóng nảy. Tôn Thất Thuyết là một con người chuyên quyền, độc đoán mà có lúc Phan Đình Phùng đã chống lại rất dữ dội... Trường hợp Nguyễn Trường Tộ, với những cứ liệu của Bùi Kha đưa ra chưa chắc đã chính xác, nhưng giả sử là chính xác thì cũng cần thấy Nguyễn Trường Tộ đảm đương một việc hết sức phức tạp: làm phiên dịch đồng thời có vai trò trung gian trong đàm phán giữa triều đình và Pháp. Theo Bản trần tình ngày 13-5-1863 thì ông đã phải rất khôn khéo ngay cả trong lời dịch để tránh cho vua mình bị xúc phạm hoặc tránh phía thực dân Pháp nổi nóng. Còn riêng những cải cách mà Nguyễn Trường Tộ đưa ra thì rõ ràng nhiều mặt ông đã vượt các nhà Nho đương thời.

      Xóa
    2. Bạn Nguyễn Vân,

      Chúng ta còn lạ gì những người của Sách Hiếm và Giao Điểm như Trần Chung Ngọc, Nguyễn Mạnh Quang... Những người này chống Công giáo 1 cách cực đoan lắm. Có thể những lý lẽ và những dẫn chứng của họ có khi là sự thật và có giá trị, nhưng vì cách họ rủa xả Công giáo như vậy nên rất khó mà thuyết phục đối với những người chỉ cần 1 chút tư duy. Cho nên không lạ gì khi những người họ cố phủ định những gì viết về Nguyễn Trường Tộ chỉ vì một ly do duy nhất: Nguyễn Trường Tộ là người Công Giáo!

      Xóa
  2. Anh Đào tiến Thi có bài viết này rất có tâm, ngắn gọn, ý tứ sáng sủa. Ở anh có nỗi lo về sự "cạn kiệt" tầng lớp trí thức thức tỉnh, và nguy cơ TC. Đó là nỗi lo chính đáng.
    Tôi muốn được nói thêm, TC không đáng lo ngại lắm. Cái đáng lo nhất là chúng ta, và những người lãnh đạo không biết hướng phải đi và đến là thế nào. Không đổi mới căn bản, rằng vẫn còn tư duy theo kiểu phải giữ nguyên điều 4 trong HP và trong đời sống của hiện thực chính trị thì đất nước này cũng đã nguy rồi. Ngoại giao chỉ là cái diễn tiến của nội trị. Nếu lo được "nội trị" thì bên ngoài không có gì đáng lo lắng nữa

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ý kiến rất đúng của Bác nguyenhuycanh, cảm ơn tác giả Đào Tiến Thi

      Xóa
  3. Thật là tâm huyết và chí lí!
    Thực hổ thẹn với mình.

    Trả lờiXóa
  4. Gia Hương công chúalúc 21:20 29 tháng 4, 2013

    Trung Quốc bắt đầu đưa người du lịch trái phép ra Hoàng Sa

    Đại diện Ủy ban Biên giới Quốc gia nhấn mạnh: “Việc Trung Quốc tổ chức đưa khách du lịch tới quần đảo Hoàng Sa là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

    Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch trên”.

    Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối kế hoạch tổ chức cho du khách tới tham quan quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

    http://dantri.com.vn/the-gioi/trung-quoc-bat-dau-dua-nguoi-du-lich-trai-phep-ra-hoang-sa-724825.htm

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chúng ta đã nhịn hết mức rồi nhưng TQ cứ lấn ta mãi. Sao ta không đưa vấn đề TS, HS ra tòa án quốc tế như Philippine đã làm?

      Xóa
  5. Tri thức không được trọng dụng, dù luôn được nghe câu nói :HIền tài là nguyên khí của Quốc gia"! Thời nay là thời buổi cạnh tranh của các thế lực vì mục tiêu chính là đồng tiền dù bất chính!

    Trả lờiXóa
  6. Nghe bác Đào Tiến Thi nói mà rùng mình lo sợ. Bác Thi nói thật chính xác. Ngày xưa, mặc dù nhà nước thời đó khiếp sợ giặc nhưng vẫn còn có tầng lớp trí thức dũng cảm. Ngày nay, đa số trí thức sống cho bản thân và gia tộc mình thì thật đáng ngại cho vận mệnh đất nước.

    Tôi lo lắng cho tương lai chừng vài ba chục năm nữa, lúc đó những người trí thức biết lo lắng cho vận mệnh đất nước già yếu đi. Lúc đó lớp hậu sinh còn ai biết lo như những vị nhân sĩ trí thức hiện nay ?

    Trả lờiXóa
  7. Cảm nhận nỗi lòng nặng trĩu của TS về tình hình đất nước. Vâng cũng hy vọng rằng chỉ một số ít quan tham và bán nước, còn lại nhiều lắm các cán bộ trong mọi lĩnh vực, đặc biết là các lực lượng vũ trang, bộ đội sẽ thức tỉnh sơm và nhận diện đâu là lẽ phải, và chúng ta cầm súng để bảo vệ dân, bảo vệ đất nước chứ ko thể cầm súng bắn dân để một số kẻ hưởng lợi, và làm Chiêu Thống đem giặc dày xéo mồ mả ông cha.

    Trả lờiXóa
  8. Nghĩ nhất quán, một phong cách!

    Trả lờiXóa
  9. Bạn bè mình tuổi ngoài 30, ai cũng lo cơm áo gạo tiền, đa phần chẳng biết đến trang báo lề dân,đọc các trang blogs... không quan tâm đến vấn đề chính trị. Nếu ai cũng thờ ơ với đất nước như thế, thì Việt Nam rất đáng lo ngại khi lớp tri thức già mai một. Rất ít lớp trẻ dám lên tiếng vì sự tiến bộ XH, lo cho lãnh thổ của Việt Nam đang có nguy cơ bị lấn chiếm. Từ ngày đọc báo lề dân, bloggers, mình càng trân trọng các bác, anh chị trí thức biết lo lắng cho vận mệnh đất nước.Hy vọng ngày càng có nhiều người có cùng suy nghĩ như mình.

    Trả lờiXóa
  10. Theo thiển nghĩ của tôi thì dân tộc ta có lịch sử ngàn năm thì thời thế tạo anh hùng đời nào cũng có hiện nay nhiều người tâm huyết đang ẩn mình vì thời cơ chưa chín muồi.

    Trả lờiXóa
  11. Người dưới ánh đèn thấy rõ tất cả mọi vật,nhưng họ không thấy gì trong bóng tối sau ánh đèn. Người trong bóng tối, thấy rõ trong bóng tối và thấy rất rõ những gì bên dưới ánh đèn. Người trí thức ngày nay họ thấy rất rõ những gì đã và đang xảy ra trong nước, ngoài biên giới, trên biển đông...nhưng họ không nói ra là vì bọn người nông cạn dưới ánh đèn mù quáng, đang đưa đất nước tới bờ vực thẩm mà không biết hổ thẹn với lương tâm, họ bỏ tù và giết tất cả những ai đối kháng với họ, chính vì thế mà trí thức còn sợ chưa dám đứng lên.

    Trả lờiXóa
  12. Xin cảm ơn tác giả ĐÀO TIẾN THI , người mà tôi luôn mến mộ về nhân cách .Những vấn đề mà Bác đã nêu lên trong bài viết cũng là những tâm tư chung của mỗi người VIỆT NAM yêu nước và lo lắng trăn trở cho vân mệnh của dân tộc đang lung lay và chông chênh như hiện nay trước dã tâm không ngừng nghỉ của Trung Cộng . sẽ ra sao nếu ngày mai tiếng súng lại nổ trên biển Đông . sẽ ra sao nếu Trung Cộng bằng cách sử dụng “ Diễn biến Hòa Bình “ và quyền lực mềm đang dần biến Việt Nam trở thành một TÂY TẠNG hay TÂN CƯƠNG thứ hai của họ . Và sẽ ra sao nếu một sáng mai khi trở dậy chúng ta được cho biết rằng VIỆT NAM đã chính thức trở thành ngôi sao thứ 6 trên lá quốc kỳ Trung Hoa.
    Thật đau lòng và cay đắng về điều mà trong lịch sử hàng ngàn năm nay đế quốc trung hoa luôn gặp thất bại trước một dân tộc tuy nhỏ bé , dân số và , kẻ sỹ cũng ít hơn nhưng luôn kiên cường , dũng cảm và đoàn kết . Nhưng nay ở thế kỷ 21 họ đang thắng thế trước vẫn dân tộc đó với dân số đông và kẻ sỹ cũng nhiều hơn nhưng thiếu đoàn kết và phân hóa hơn bao giờ hết.
    Điểu mà các triều đại Trung Hoa không thể làm được qua các cuộc xâm lăng chinh phạt tàn khốc với âm thanh rùng rợn đầy chết chóc của gươm đao . nhưng nay họ đang thắng thế bằng một cuộc chinh phạt khác , loại vũ khí khác với âm thanh nhẹ nhàng , êm ái và hiệu quả không kém đó là …..Đồng tiền , một loại quyền lực mềm, đầy quyến rũ , dễ chấp nhận nhưng hậu quả thật khôn lường.
    Việc góp phần chặn đứng mưu đồ nham hiểm của TRUNG CỘNG đối với đân tộc ta thuộc về quyết tâm , trí tuệ , sức lực và sự đoàn kết của mỗi người dân VIỆT NAM , và một lần nữa “ Gánh Nặng Non Sông “ lại được đặt trên vai của kẻ sỹ , những Nhân Sỹ , Trí Thức, những người luôn đi tiên phong trên mỗi chặng đường của lịch sử dân tộc . Và nếu thế hệ hôm nay không làm được điều này thì mai đây màu sắc mà con cháu chúng ta được nhìn là màu đỏ rực của đèn lồng Trung Hoa ,và âm thanh chúng được nghe hàng ngày là bài hát “ Đông Phương Hồng “ xa lạ. Điều này có làm chúng ta hổ thẹn với tổ tiên và con cháu hay không – Câu trả lời là ở mỗi người chúng ta.
    Đôi lời mọn xin ngỏ
    Kính chúc Hai Bác: ĐÀO TIẾN THI và TS NGUYỄN XUÂN DIỆN cùng gia quyến luôn mạnh khỏe – bình an.
    Xin Kính chúc các vị NHÂN SỸ , TRÍ THỨC cùng toàn thể Nhân Dân VIỆT NAM mạnh khỏe , anh dũng , đoàn kết và trường tồn .

    Để gió cuốn đi

    Trả lờiXóa