Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

TS. NGUYỄN THÀNH SƠN: THÍ ĐIỂM BAUXITE ĐÃ THÀNH THÍ MẠNG

Thư ngỏ gửi Bộ trưởng Công thương: 
Thí điểm bauxite đã thành thí mạng
Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn viết thư ngỏ gửi Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng
 về vấn đề bauxite. “Hà Nội, ngày 11/3/2013.
Kính gửi anh Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Công Thương,
Tôi là Nguyễn Thành Sơn, may mắn đã biết và đôi khi có làm việc với anh từ năm 1977 (khi tôi còn làm ở Vụ Kế hoạch - Bộ Điện Than), chắc anh vẫn nhớ.
Tối qua, tôi đã lắng nghe anh trả lời phỏng vấn của VTV1 về bauxite. Tôi xin phép được trao đổi với anh một số ý sau:
Trước hết anh nói: “Trữ lượng bauxite của Việt Nam khoảng 10-11 tỷ tấn” là sai mất rồi. Con số 10-11 tỷ tấn chỉ là tiềm năng về bauxite, dứt khoát không phải trữ lượng. Theo chuẩn đánh giá của Mỹ, trữ lượng bauxite của Việt Nam chỉ bằng 1/5 con số đó thôi. Việt Nam không phải là “một trong số ít nước được đánh giá có trữ lượng bauxite lớn trên thế giới” đâu anh ạ. Đó chỉ là đánh giá của những người không hiểu thế nào là “trữ lượng” thôi.
Về việc phải nhập khẩu nhôm: Là Bộ trưởng Công thương, anh thừa biết ngành luyện kim của Việt Nam như thế nào? Kim loại nào cũng phải nhập. Dễ làm như gang thép mà mấy chục năm nay rồi có cạnh tranh nổi đâu, càng làm càng kém hiệu quả. Giá điện ở Việt Nam anh quá thuộc rồi. Với nền kinh tế Việt Nam, “mơ” công nghiệp nhôm cũng giống như “mơ” về giá điện 600 đồng/KWh. Anh nói, hằng năm ta phải chi hơn 1 tỷ USD nhập nửa triệu tấn nhôm. Tôi sẵn sàng cá với anh, trên Tây Nguyên, nếu Vinacomin tự làm ra được nửa triệu tấn nhôm (như loại đang phải nhập) sẽ tốn hơn 2,5 tỷ USD kia. Việc nhập nhôm không phải lý do chính đáng để phải triển khai hai dự án bauxite như anh nói đâu.
Về chủ trương: Mọi chủ trương của Đảng và Nhà nước đều hướng đến mang lại lợi ích tối đa cho dân tộc, cho nền kinh tế. Dù Đảng và Nhà nước đã có chủ trương về bauxite-nhôm, nhưng khi triển khai một cách “quyết liệt” như Vinacomin và Bộ Công thương đã làm mà không thấy hiệu quả và lợi ích, thì Bộ và Vinacomin phải có trách nhiệm báo cáo lại với Đảng và Nhà nước chứ? Tôi thấy, trong quá trình triển khai chủ trương về bauxite-nhôm, Bộ và Vinacomin đã mắc nhiều sai lầm đáng tiếc nên dẫn đến tình trạng hiện nay. Nếu anh thu xếp được thời gian, tôi sẽ trình bày riêng với anh về chủ đề này.
Về dự án thí điểm: Anh đã nói đúng, “ở giai đoạn hiện nay, chúng ta mới đầu tư thí điểm hai dự án khai thác bauxite và chế biến thành alumin tại Tân Rai (Lâm Ðồng) và Nhân Cơ (Ðắk Nông)”. Chắc Vinacomin chưa kịp báo cáo với anh, cái gọi là “thí điểm hai dự án” của “quả đấm thép” Vinacomin đã bổ sung vào nợ công của Việt Nam hơn 1,2 tỷ USD rồi đấy. Nếu cứ ‘quyết liệt’ làm nốt Nhân Cơ thì nợ công sẽ tăng thêm gần 2 tỷ kia. Đến tình trạng như hiện nay, đối với Bộ Công thương, có thể coi đó là hai dự án “thí điểm”, nhưng đối với Vinacomin đó là hai dự án “thí mạng” rồi anh Hoàng ạ. Để trả nợ cho hai dự án “thí điểm” này, gần 140.000 lao động của Vinacomin (trong đó có tôi) sẽ phải làm việc cật lực 20 năm may ra mới “xong” (tôi chỉ còn phải làm hơn 1 năm nữa thôi).
Bên trong nhà máy khai thác bauxite Tân Rai.
Về nguyên nhân chậm tiến độ: Là người của Vinacomin, tôi thấy nguyên nhân chủ yếu của việc chậm tiến độ hai dự án là do chủ đầu tư quá nóng vội, “quyết liệt” làm cho bằng được, còn nhà thầu thì hứa hão. Là cấp trên của Vinacomin, Bộ Công thương không nên trách chủ đầu tư “chưa thực hiện thật tốt công tác thông tin tuyên truyền, giải thích”. Tôi biết Vinacomin rất tích cực trong việc tuyên truyền giải thích. Chỉ có điều, những thông tin mà dư luận quan tâm thì Vinacomin “lờ” đi, không “tuyên truyền”, còn những vấn đề được Vinacomin “giải thích” thì dư luận đã đoán được trước như cảng Kê Gà rồi.
Thiệt hại hàng trăm triệu USD do chậm tiến độ thì đã rõ, tôi không thấy anh nhắc đến. Nhưng, lợi ích của việc chậm tiến độ như anh nói là “chúng ta phải chấp nhận kéo dài nhưng đổi lại yên tâm hơn về mức độ an toàn công trình” thì tôi không tin. Mức độ an toàn của bùn đỏ trước hết do công nghệ thải bùn “khô” hay “ướt” quyết định, chứ không phụ thuộc vào mấy lớp vải địa kỹ thuật của nhà thầu dùng. Tôi thấy Bộ Công thương sau khi đi khảo sát ở Hungary về vẫn phê duyệt công nghệ thải bùn “ướt” là một sai lầm cố ý. Người Hungary có khuyên chúng ta cứ làm “ướt” không? Anh nói “dư luận xã hội chưa đồng thuận với việc triển khai dự án, nên giai đoạn đầu của quá trình thi công có một số hạng mục phải tạm giãn tiến độ chờ xem xét”. Tôi thấy, qui trách nhiệm chậm tiến độ cho dư luận xã hội là không nên. Nếu Bộ “xem xét” mọi việc đều đúng thì chẳng có dư luận nào “chưa đồng thuận” cả. Còn nếu dư luận xã hội sai, việc gì Bộ phải “xem xét” (anh cứ hỏi anh Lê Dương Quang - bạn tôi).
Về chất lượng công trình: Tôi thấy dự án Tân Rai mới chỉ chạy 30-40% công suất thiết kế mà anh đã khẳng định “sản xuất thử thành công sản phẩm alumin đầu tiên với chất lượng được đánh giá cơ bản đạt yêu cầu”.
Về phương pháp đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án: Anh nói “cần phải dựa trên những tính toán dài hạn” là rất đúng. Để thực hiện lời của anh, thế giới từ những năm 1980 đã phát minh ra một số cái gọi là NPV, B, C, IRR... Nếu có ai đó, lấy giá bán alumin tại thời điểm hôm nay (liên quan đến B) so sánh với chi phí (liên quan đến C) tại thời điểm ngày mai thì họ đã sai. Anh nên cho Vinacomin công khai xem chi phí làm ra 1 tấn alumin ở Tân Rai như thế nào để dạy cho người ta cách tính.
Về hiệu quả kinh tế-xã hội của dự án: Anh nói (cũng như nhiều người giống anh đã nói): “Ðối với doanh nghiệp thì hiệu quả kinh doanh là mục tiêu chủ yếu, nhưng đối với xã hội điều lớn hơn mà tất cả chúng ta mong đợi là hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội đối với phát triển vùng, phát triển ngành và phát triển nền kinh tế”. Anh cứ hỏi anh Vũ Đức Đam thì biết, nếu ngành than ở Quảng Ninh thua lỗ, tình hình Quảng Ninh sẽ như thế nào? Bản thân bauxite Tân Rai hay Nhân Cơ không có lãi thì lấy gì để “lan tỏa” cho Lâm Đồng hay Đắk Nông? Đối với hai dự án bauxite này, các “tham mưu” đang vận động anh xin Chính phủ giảm tiền đền bù, giảm phí môi trường, giảm thuế xuất khẩu... thì tôi không hiểu cái gọi là “hiệu quả tổng hợp về kinh tế-xã hội” là cái gì? Anh cho rằng “hãy để dự án vận hành một thời gian rồi chúng ta sẽ có cơ sở xem xét và đánh giá hiệu quả của dự án. Ðó là cách tiếp cận khách quan và phù hợp” là “vòng vo tam quốc” cho vui thôi. Tôi không rõ, trước khi các anh ký trình Thủ tướng xin được triển khai “quyết liệt” hai dự án thí điểm thì các anh đã “tiếp cận khách quan và phù hợp” đến như thế nào trong mục “đánh giá hiệu quả của dự án”?
Về việc dừng cảng Kê Gà: Tôi thấy người đặt câu hỏi rất đúng và trúng, còn anh trả lời cũng rất hay và khéo... Nhân đây, tôi xin nhắc đến cái gọi là “quy hoạch bauxite” của Bộ Công thương. Năm ngoái, khi anh Khanh “rà soát”, “hiệu chỉnh” xong, tôi đã gửi các anh (và cả anh Hoàng Trung Hải nữa) nhận xét về cái quy hoạch hiệu chỉnh đó. Với phương pháp luận và tư duy quy hoạch như vậy, cảng Kê Gà không phải là dự án duy nhất sẽ bị Thủ tướng “tuýt còi” đâu.
Về hậu quả của hai dự án: Nghe anh nhắc đến bùn đỏ tôi cũng mừng. Nhưng, tôi không rõ “nhiều bài học về môi trường, không chỉ trong nước mà cả trên thế giới” được anh nhắc đến nó như thế nào? Tôi biết chắc chắn, bùn đỏ nếu được đổ thải ra ngoài trên độ cao 800-900m trên mực nước biển và ở đầu nguồn nước như ở Tân Rai và Nhân Cơ, sẽ chỉ an toàn khi được thải “khô” như cả thế giới đang làm.
Về xử lý bùn đỏ: Tối qua tôi thấy gương mặt anh vẫn hơi buồn khi nhắc đến thành công của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam “đang hoàn thiện đề tài ở quy mô thử nghiệm, để chuyển sang quy mô công nghiệp việc nghiên cứu xử lý bùn đỏ để thu hồi xút, sản xuất sắt xốp, xỉ”... Tôi cũng mạn phép nhắc đến “tính hiệu quả kinh tế” của việc xử lý bùn đỏ. Việc thu hồi xút chẳng ai dại gì làm như Viện hàn lâm của Việt Nam cả. Trong sách giáo khoa của Liên Xô, họ dạy là xút phải cố gắng thu hồi tối đa trong nhà máy trước khi thải ra ngoài cùng bùn đỏ. Việc sản xuất “sắt xốp, xỉ” từ bùn đỏ từ Tây Nguyên đã “thành công” cũng là tin tham khảo thôi anh ạ, ai cũng biết rồi... Quặng sắt Thạch Khê có hàm lượng Fe2O3 còn cao hơn 2-3 lần so với bùn đỏ, nằm ngay sát bờ biển (thuận lợi đủ thứ), không hiểu 10 năm nữa có ra được sắt “xốp” không?
Vài lời tâm sự, chắc đã làm anh mất nhiều thời gian.
Tôi gửi thư ngỏ vì cách đây chưa lâu, tôi có gửi tới anh (qua đường bưu điện) phương án “Đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh của Vinacomin” do tôi “sáng tác” nhưng không thấy được anh hồi âm.
Kính chúc anh sức khỏe và thành công.
Kính thư,
TS Nguyễn Thành Sơn”

10 nhận xét :

  1. Một nhà báo ở Cuba đã tuyên bố sẽ thành lập một tờ báo độc lập bất chấp luật cấm của chế độ CS độc tài. Nên chăng các nhân sĩ trí thức chân chính của Việt Nam cũng nên thành lập một tờ báo độc lập mang tên" TỔ QUỐC '.Nhờ bác Tễu chuyển tới các nhân sĩ trí thức giùm. Xin cảm ơn.

    Trả lờiXóa
  2. TS Nguyễn Thanh Sơn đã có một bài viết có lập luận chặt chẽ chính xác, nhưng than ôi, những người CS đã bất chấp tất cả để ăn và phá thôi. Cảm ơn TS Nguyễn Thanh Sơn.

    Trả lờiXóa
  3. TS Nguyễn Thành Sơn thật kiên nhẫn hết biết, TS ơi ông Bộ này người là không tim không óc chứ ai mà lại nói lại làm những điều nguy hại cho đất nước như vậy được. Dân ngày càng tàn mạt mà các ông bộ cứ 'huy hoàng' mãi sao họ không một chút gì xấu hổ ha?

    Trả lờiXóa
  4. Hôm qua tôi cũng nghe anh Vũ Huy Hoàng trả lời trong chuyên mục “dân hỏi bộ trưởng trả lời”, tôi thấy ý kiến của anh Hoàng chẳng một tí nào thuyết phục cả.
    Dự án bauxite Tây Nguyên ngay từ đầu đã phạm luật, bộ công thương cứ vòng vo. Nay thất bại đã đã nhìn thấy rõ mà bộ công thương vẫn cố bám lấy. Tốt nhất là đề xuất chính phủ cho dừng dự án, để Tây Nguyên không bị hủy hoại cả về môi trường lẫn văn hoá, để người dân các dân tộc Tây Nguyên có cuộc sống an bình bên những vườn café và rừng xanh của mình.
    Con số giải quyết được 1500 lao động từ dự án mà các anh đưa ra không phải là con số giải quyết việc làm bền vững cho người dân Tây Nguyên. Các anh bị lỗ thì sẽ chẳng có gì bù đắp được, công nhân sẽ đói, sẽ thất nghiệp, đất canh tác không còn, rừng bị hủy diệt, tác động môi trường đến cả những vùng nằm ngoại dự án, ảng hưởng tiêu cực sẽ lan tràn cả vùng.
    Nếu có làm thì các anh hãy cam kết bằng giấy trắng mực đen trước dân, trước pháp luật là sẽ cắp cặp vào nhà tù được không? Việc định tội các anh khi mà dự án lỗ sẽ không khó, vì các anh đã tiêu tốn tiền của dân vào những ảo vọng ngông cuồng.

    Trả lờiXóa
  5. Ba Cầu Muối, Saigonlúc 20:38 12 tháng 3, 2013

    " Thí điểm thành thí mạng " ! TS Nguyễn Thanh Sơn chẳng còn gì để mất. Nói huỵch toẹt ra chẳng cần dấu diếm nữa . BT Vũ Huy Hoàng phát biểu của CP về bauxite vẫn cố đấm ăm xôi . Xôi hẩm cũng chẳng còn nữa đâu ô . BT ạ . Mọi sự đã rõ ràng . Con cọp bauxite mà ông tham mưu cho CP thực sự đang vật ông xuống hay có người băn hạ con cọp để nó trở thành cái ghế nhồi bọc da cọp cho ông ngồi ? Người trong cuộc như TS Nguyễn Thanh Sơn tố con bài chót lại thêm Ts Tô văn Trường vạch hết cái sai trong vụ bauxite ra cho cả nước biết . Ô BT còn muốn tiếp tục nữa để kiếm một con dê chuộc tội như BT Đinh La Thăng kiếm một Dương chí Dũng cho nhưng con tàu nát của Vinalines chăng ?

    Trả lờiXóa
  6. "Vừa ăn vừa phá, phá tàn canh". trích NGUYỄN BÁ THANH

    Trả lờiXóa
  7. Ông TS này giỏi mà không hiểu gì cả. Có làm vậy chúng nó mới ăn được và lại được quan thầy Tàu cộng xoa đầu khen ngoan. Vả lại làm càng to, đầu tư càng nhiều tiền thì tiền bỏ túi mới càng nhiều lên được. Sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi.
    Sắp tới chúng còn đầu tư đường tàu cao tốc, nhà máy điện hạt nhân, đường HCM trên biển ( có đi qua Hoàng sa, Trường Sa ) ...nữa đấy.

    Trả lờiXóa
  8. Nếu Chính phủ và Bộ trưởng cam đoan nếu dự án thất bại thì các thành viên phải bỏ tiền ra đền bù cho tiền thuế của nhân dân đã được đầu tư vào hai dự án trên thì hãy làm thí điểm nốt. Tiền thuế của nhân dân là mồ hôi và xương máu chứ không phải là vỏ hến đâu!!!

    Trả lờiXóa
  9. Tôi nghe nói các nhà khoa học Nhật bản đang nghiên cứu để xây dựng công trình của thế kỉ 21 là XD một chiếc thang máy lên không trung, chưa biết độ cao chính xác sẽ thực hiện được là bao nhiêu, nhưng mục đích là kinh doanh du lịch, muốn con nguời ai cung được lên không trung thưởng ngoạn vẻ đẹp của trai đất mà không phải tốn chi phi như đi tàu vũ trụ.
    Vậy Việt nam là cái nôi của các công trình xứng tầm hoặc nhất nhì thê giới như cầu Mỹ Thuận, đại lộ Thăng Long, con đường gốm sứ Hà nội, hay Chùa Bái Đính...nói chung đã ở VN thì cái gì cũng nhất...
    cho nên các công trình dự án của VN tất nhiên là phải thất thoát và phá hoại cũng nhất, cho nên các nhà khoa học,TS, PGS-TS có tham gia đóng góp tâm huyết thì cũng như muối bỏ biển.( cái này dân gian bảo là"nước đổ đầu vịt")tôi cũng làm trong VINACOMIN, thấy TS Sơn là người tâm huyết, TS có tầm hiểu biết và trình độ thật,nhưng lại phải ngồi nghiên cứu bể Than SÔNG HỒNG, chắc dự án này cũng khoảng 10-20năm cũng chưa dọn đường, còn một số TS giấy lại được làm cán bộ lãnh đạo Tập đoàn, chẳng bao giờ quan tâm đến đời sống CN nghành than mà năm nào cũng chiến sỹ thi đua, nhận bằng khen Bộ hay chính phủ...ăn tục nói phét, chém gió, nhậu nhẹt và nhận phong bì thì nhanh. Nói túm lại đay là hê thức của một sản phẩm (Hậu duệ,Tiền tệ,Quan hê,) + (lợi ích nhóm+bè phái)+ (tham nhũng)+ (cán bộ phải là Đảng Viên hoặc phải học cao cấp chính trị HCM)CON SÂU làm giàu nồi canh Đảng viên= HỆ THỨC CỦA THẾ KỶ 21.
    QUA BÀI VIẾT CỦA TS SƠN NÓI RIÊNG VÀ MỘT SỐ BÀI VIẾT CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC NÓI CHUNG, TÔI CÓ NHẬN XÉT RẰNG" DỰ ÁN BAUXITE TRƯỚC SAU CŨNG SẼ LÀM, NHƯNG THỜI ĐIỂM NÀY CHƯA PHÙ HỢP, (CÁI NÀY CÁC NHÀ KHOA HỌC ĐÃ PHÂN TÍCH), CÒN SỰ VIỆC DỰ ÁN ĐÃ VÀ ĐANG HOẠT ĐỘNG THÌ VIỆC ĐÃ SẢY RA RỒI, KHÔNG NÊN CHI TRÍCH HAY ĐẤU ĐÁ LẪN NHAU NỮA, NHÀ NƯỚC VÀ CP , BỘ CÔNG THƯƠNG HAY VINACOMIN NÊN NGỒI LẠI VỚI NHAU (NHƯ KIỂU NỐI LẠI VÒNG ĐÀM PHÁN) ĐỂ HỘI THẢO,ĐỂ NGHIÊN CỨU , CHƯNG CẦU CÁC NHÂN SĨ TRÍ THỨC, NHÀ KHOA HỌC ĐÀM ĐẠO MỘT CÁCH NGHIÊM TÚC, CÔNG KHAI, KHÔNG QUY CHỤP ĐỂ ĐƯA RA BÀI TOÁN KINH TẾ HỮU HIỆU NHẤT, NÊN HAY KHÔNG NÊN KHAI THÁC, KHAI THÁC CẦM CHỪNG HAY CẢI TỔ CÔNG NGHỆ,LÀM SẢN PHẨM KHÁC, HAY VÀ VÂN VÂN, CÁI NÀY DO KẾT QUẢ CỦA CUỘC HỘI THẢO GIỮA NHÀ NƯỚC, BỘ NGHÀNH -VINACOMIN VỚI ÁC NHÀ KHOA HỌC -TS-GS TÂM HUYẾT.
    VÀ NGƯỜI CÓ QUYỀN QUYẾT ĐỊNH CUỐI CÙNG PHẢI LÀ NGƯỜI BIẾT LẮNG NGHE, THẤU HIỂU, ĐƯA RA QUYẾT SÁCH CUỐI CÙNG.
    NẾU ĐƯỢC VẬY TÔI TIN LÀ CBCNV NGHAN THAN CUNG NHƯ DƯ LUẬN CẢ NƯỚC QUAN TÂM SẼ PHỤC VÀ BIỂU DƯƠNG. BỞI VÌ CÓ CÂU "NGU ,KHÔNG BIẾT NGU MỚI LÀ NGU,. NGU, BIẾT NGU KHÔNG PHẢI LÀ NGU"

    Trả lờiXóa