Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

TƯỞNG NIỆM LIỆT SĨ TRƯỜNG SA: BƯỚC CHUYỂN 14.3.2012 - 14.3.2013

Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh mặc áo Tưởng niệm 64 liệt sĩ Hải chiến Trường Sa. Sáng 12.3.2013

Tưởng niệm liệt sĩ Trường Sa:

Bước chuyển 14/3/2012 – 14/3/2013

Võ Văn Tạo

Cùng với thông tin dồn dập trên nhiều tờ báo “quốc doanh” (chưa kể báo “ngoài quốc doanh” – phong phú và sâu sắc hơn) suốt mấy tuần qua về sự kiện tội ác quân Trung Quốc xâm lược bất ngờ xả súng dã man, sát hại 64 người lính hải quân Việt Nam đang xây dựng cơ sở đồn trú bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa ngày 14/3/1988, chiếm giữ trái phép đảo Gạc Ma đến nay, thông tin về lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hải quân Việt Nam hy sinh ở Trường Sa 25 năm trước vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc sẽ diễn ra vào 14/3 tới ở TP Đà Nẵng làm nức lòng mọi người Việt Nam yêu nước. Thân nhân các anh hùng, liệt sĩ cũng đỡ buồn tủi phần nào. Lễ tưởng niệm, dù chỉ dưới danh nghĩa Hội Cựu chiến binh (CCB), Thành đoàn, BLL Trường Sa và Đài PTTH cấp địa phương là TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức, chứ chưa phải Thành ủy (tuy có “bật đèn xanh”) hay UBND TP Đà Nẵng hoặc cơ quan, tổ chức trung ương đứng ra chủ trì, thông tin trên cũng cho thấy, so với dịp này năm ngoái, đã có bước chuyển biến mới.

1 
Cựu chiến binh Trường Sa tưởng niệm đồng đội đã hy sinh

Là một trong không nhiều người tỏ tường “Kế hoạch vinh danh, tri ân liệt sĩ Gạc Ma – Trường Sa” bất thành năm 2012, người viết bài này càng thấu hiểu và đánh giá cao ý nghĩa của bước chuyển biến này. Chỉ một năm trước thôi, hầu hết “báo quốc doanh” dè dặt, tránh né đề cập đến sự kiện 14/3/1988 bi tráng. Nêu đích danh Trung Quốc là kẻ xâm lược lại càng không dám. Riêng Báo Thanh Niên cùng Hội CCB ngành Dầu khí VN và Bộ Tư lệnh Vùng 4 hải quân hồ hởi lên kế hoạch chuẩn bị đón tiếp và tặng quà thân nhân 64 liệt sĩ tại trụ sở Lữ đoàn 146 hải quân (Lữ Trường Sa) trong khuôn viên Bộ tư lệnh Vùng 4 hải quân ở bán đảo Cam Ranh. Chương trình, kế hoạch được bàn thảo kỹ lưỡng mọi khâu chi tiết nhất với lãnh đạo Phòng Chính trị và Ban Chính sách Vùng 4 hải quân, rồi đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng cũng “chuẩn tấu”, nhưng khi trình lên thượng cấp” lại bị… cấm! dù Báo Thanh Niên cố vớt vát xin lùi sau 14/3 khoảng một tuần cho đỡ “nhạy cảm”.

Thông thường, nếu Đà Nẵng tổ chức tưởng niệm 14/3 là sáng kiến của địa phương (cần nhắc lại sự kiện Đà Nẵng ra nghị quyết phản đối Trung Quốc thành lập cái gọi là “Thành phố Tam Sa” (gồm cả Hoàng Sa và Trường sa của Việt Nam) năm 2007, nhưng Khánh Hòa lại “ngậm hột thị”. Trong khi Đà Nẵng mất hoàn toàn Hoàng Sa vào tay Trung Quốc từ  năm 1974 thì Khánh Hòa mới bị Trung Quốc cướp mất đảo Gạc Ma  năm 1988), thì phút chót, Hà Nội vẫn có thể lạnh lùng phán cộc lốc: “Dẹp!” – và Đà Nẵng không thể bất tuân. Nhưng, với diễn biến tình thế hiện nay, người viết bài này không nghĩ điều đó sẽ xảy ra, bởi 2 lý do chính yếu:

Thứ nhất: sức ép không thể cản cưỡng từ công luận, nhất là các CCB, lão thành cách mạng và cộng đồng mạng xã hội… bất bình gay gắt trước thái độ quỵ lụy, bạc nhược trước nhà cầm quyền Bắc Kinh hung bạo xảo quyệt, vô ơn đến bị ổi lâu nay của Hà Nội đối với các anh hùng, liệt sĩ và nhân dân chống Trung Quốc xâm lược

Thứ hai: mới cách nay chưa đầy tháng, Hà Nội vừa bị Bắc Kinh lừa cho vố đau hơn nhổ vào mặt. Trong khi Hà Nội duy trì lập trường cấm tiệt việc đả động lại quá khứ Bắc Kinh gây hấn, xâm lược, xấu chơi… cúc cung tuân thủ cam kết giữa 2 bên từ Hội nghị Thành Đô 9/1990 ô nhục, thì dịp 17/2/2013 vừa qua, nhân 34 năm cuộc chiến biên giới Trung – Việt năm 1979, báo chí “quốc doanh” Trung Quốc lại nhất loạt rầm rộ lu loa về cái gọi là kỷ niệm “cuộc kháng chiến chống lại quân Việt Nam xâm lược 1979”, hàng loạt lễ tưởng niệm hoành tráng và quy củ trên nhiều tỉnh, thành Trung Quốc, với sự tham dự của hàng vạn CCB Trung Quốc. Vụ lừa đảo trắng trợn và bị ổi trên làm chính Đinh Thế Huynh, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương – kẻ đặt cái vòng kim cô quỵ lụy Bắc Kinh lên đầu giới truyền thông “quốc doanh” Việt Nam – khi trả lời báo chí cũng không thể biện bạch.

Rõ ràng, qua hai cái mốc 14/3 năm 2102 và 2013, bộ mặt xảo trá của Bắc Kinh ngày càng hiện nguyên hình và đòi hỏi đúng đắn và chính đáng ngày càng mãnh liệt của đông đảo người Việt Nam yêu nước đã dạy cho lãnh đạo Việt Nam một bài học sâu sắc: không sức mạnh nào che nổi sự thật, không thế lực hắc ám nào đè bẹp được lòng yêu nước!

Đáng trách là ở chỗ, hơn một phần tư thế kỷ trước, không phải các tổ chức hội đoàn như Hội CCB, tổ chức Đoàn TNCS, Ban liên lạc Trường Sa hay cơ quan như Đài PTTH Đà Nẵng gọi thanh niên địa phương lên đường nhập ngũ và hy sinh, mà là theo chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức quân sự và chính quyền địa phương trực tiếp thực hiện. Nếu phải lẽ, ít nhất lễ tưởng niệm cũng phải được Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng và Quân chủng hải quân Việt Nam đứng ra liên danh chủ trì. Không biết đến 13/3/2014 tới đây, điều đó có thành sự thật?

V.V.T.
Nguồn: Ba Sàm.
 

3 nhận xét :

  1. Lãnh đạo VN đừng bao giờ để bọn Tầu nó chơi xỏ như đợt kỷ niệm 34 năm ngày bọn chó Tầu tấn công ăn cướp ỏa các tỉnh Biên giới phía Bắc nữa!
    Trong khi chúng nó rẩm rộ tổ chức các buổi lễ nhân ngày này nhằm đổi trắng thay đen sự ăn cướp của chúng, thì lãnh đạo VN lại cấm nhân dân VN tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống năm đó. Thật là hổ thẹn.
    Nhưng sự thật đã chiến thắng, công luận đã chiến thắng. Việc tổ chức tưởng niệm 64 chiến sĩ HQ VN bị bọn Tầu sát hại năm 1988 là thắng lợi bước đầu của lẽ phải. Lãnh đạo VN không thể làm ngơ mãi. Từ năm sau (2014) nhất định chúng ta sẽ làm rầm rộ hơn ngày 17.2.1979 và ngày 14.3.1988!

    Trả lờiXóa
  2. Nên nhớ, TQ luôn muốn hiện thực hoá cái lưỡi bò ở Biển Đông và cưỡng chiếm Senkaku của Nhật Bản.

    Biến vùng không tranh chấp thành có tranh chấp, sau đó dùng vũ lực để cưỡng đoạt là lá bài của TQ. TQ cũng đang chơi bài "biến không thành có" với đảo Senkaku của Nhật Bản. Nhưng Nhật Bản cũng rắn, nói thẳng luôn: Senkaku là của Nhật, không có gì tranh chấp về đảo đấy với TQ cả.

    Ở Biển Đông cũng vậy, TQ đang chơi bài biến không tranh chấp thành có, nguỵ biện kiểu "quyền sở hữu lịch sử". Bỗng dưng ông TQ nói đảo đấy là của ông TQ, rồi biến đảo không tranh chấp thành có tranh chấp. Sau đấy, TQ giả vờ hạ giọng "thỉn" bằng cách đề nghị "gác tranh chấp, cùng khai thác". Nếu nước nào đồng ý, thì có nghĩa là đã công nhận là "có tranh chấp". Như thế là rơi vào tròng của TQ bẩn rồi.

    Việt Nam phải kiên quyết khẳng định chủ quyền, từ chối các kiểu đề nghị thương lượng (đảo, biển của tôi nên rứt khoát tôi không nhân nhượng) và hợp tác mập mờ, tránh các cạm bẫy "biến không thành có", "gác tranh chấp, cùng khai thác" ... của Tàu bẩn.

    Trả lờiXóa
  3. Công An Cấm Không Cho Người Dân Tưởng Niêm Liệt Sỹ Hy Sinh Chống TQ xâm lược biên giới phía bắc


    http://www.youtube.com/watch?v=1dO5yYRlR3w

    http://www.youtube.com/watch?v=_1eAJO2mjs0

    http://www.youtube.com/watch?v=yfotXyRkxhk

    http://www.youtube.com/watch?v=zIU8xqm2p2k

    Trả lờiXóa