Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 rất được người dân quan tâm. Trong ảnh: người dân theo dõi thông tin trên báo chí buổi sáng trên đường Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Quyền công dân có thể bị giới hạn
TS Đặng Minh Tuấn | 20/03/2013 06:06 (GMT + 7)
TT - Theo nội dung của điều 26 và điều 31 dự
thảo sửa đổi hiến pháp, một số quyền con người, quyền công dân như tự do
ngôn luận, tự do báo chí, hội họp, biểu tình... có thể bị giới hạn
“theo quy định của pháp luật”.
Việc giới hạn các quyền trong khuôn khổ pháp luật là một nền tảng của xã
hội pháp quyền, trong đó các quyền tự do của một người chỉ có thể được
bảo đảm khi các quyền đó không xâm phạm đến các quyền của người khác,
lợi ích và đạo đức chung của xã hội. Với lý do như vậy, dự thảo hiến
pháp dường như có lý khi vẫn giữ quy định giới hạn các quyền hiến định
trong khuôn khổ “pháp luật”. Nhưng thực chất những nhận thức này có đúng
đắn và đầy đủ hay chưa?
Thu hẹp các quyền hiến định
Cần khẳng định rằng các quyền hiến định không phải là các quyền tuyệt đối, mà có thể bị giới hạn trong khuôn khổ tôn trọng các quyền của người khác, lợi ích cộng đồng hoặc các giá trị đạo đức xã hội (điều 16, 17 dự thảo). Tuy nhiên, để tránh sự lạm dụng, tùy tiện của các cơ quan nhà nước, việc giới hạn các quyền hiến định phải dựa trên những điều kiện rất cụ thể nhằm mục đích phòng, chống sự tùy tiện, lạm dụng của các cơ quan nhà nước trong việc giới hạn các quyền được ghi nhận trong Hiến pháp.
Việc giới hạn này phải được thực hiện theo một quy trình dân chủ. Để đảm bảo điều kiện này, hiến pháp các nước thường chỉ trao cho nghị viện - cơ quan dân cử - thẩm quyền giới hạn các quyền hiến định bằng việc ban hành một đạo luật.
Cần khẳng định rằng các quyền hiến định không phải là các quyền tuyệt đối, mà có thể bị giới hạn trong khuôn khổ tôn trọng các quyền của người khác, lợi ích cộng đồng hoặc các giá trị đạo đức xã hội (điều 16, 17 dự thảo). Tuy nhiên, để tránh sự lạm dụng, tùy tiện của các cơ quan nhà nước, việc giới hạn các quyền hiến định phải dựa trên những điều kiện rất cụ thể nhằm mục đích phòng, chống sự tùy tiện, lạm dụng của các cơ quan nhà nước trong việc giới hạn các quyền được ghi nhận trong Hiến pháp.
Việc giới hạn này phải được thực hiện theo một quy trình dân chủ. Để đảm bảo điều kiện này, hiến pháp các nước thường chỉ trao cho nghị viện - cơ quan dân cử - thẩm quyền giới hạn các quyền hiến định bằng việc ban hành một đạo luật.
|
.
Tuy nhiên, với cách quy định như trong dự thảo, không chỉ Quốc hội mà các cơ quan nhà nước khác cũng có thể ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hạn chế các quyền hiến định của người dân, bởi vì khái niệm “pháp luật” trong dự thảo được hiểu rất rộng, không chỉ là luật của Quốc hội, mà còn bao gồm nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước khác. Quy định trao quyền cho các cơ quan nhà nước từ trung ương xuống địa phương có quyền giới hạn các quyền hiến định của người dân mở đường cho thực trạng phổ biến hiện nay là các quyền hiến định của người dân bị hạn chế một cách khá tùy tiện.
Ví dụ như công dân có quyền biểu tình, nhưng Chính phủ ban hành nghị định 38/2005/NĐ-CP đặt ra nhiều hạn chế đối với quyền biểu tình của người dân thông qua quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng để giải tán các cuộc “tập trung đông người ở nơi công cộng” và quy định “thủ tục đăng ký” trao cho UBND cấp có thẩm quyền “có trách nhiệm xem xét, giải quyết việc đăng ký tập trung đông người”. Sau đó, Bộ Công an ban hành thông tư số 09/2005/TT-BCA nhằm hướng dẫn thi hành một số điều của nghị định, trong đó tiếp tục đặt ra nhiều hạn chế và quy trình khó khăn cho người dân khi thực hiện quyền biểu tình. Chính những hạn chế này đã khiến nhiều người đề xuất xây dựng luật biểu tình. Các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, khiếu nại và tố cáo cũng bị hạn chế theo cách thức tương tự. Như vậy, các quyền hiến định thiêng liêng đã bị thu hẹp qua nhiều tầng nấc của các văn bản pháp luật.
Thiếu quy định bảo hiến
Để tránh việc các cơ quan nhà nước, kể cả nghị viện ban hành các văn bản pháp luật (hoặc có hành vi khác) hạn chế hoặc xâm phạm các quyền hiến định một cách tùy tiện, hiến pháp các nước thường trao cho tòa án hiến pháp (hoặc hội đồng hiến pháp/hoặc các tòa án tư pháp) thẩm quyền phán quyết các hành vi bất hợp hiến. Các thiết chế tài phán hiến pháp độc lập này có thể xem xét tính bất hợp hiến các đạo luật của nghị viện, các văn bản pháp luật, quyết định, hành vi của các cơ quan nhà nước khác.
Trong khi đó, một cơ quan tài phán hiến pháp độc lập không được thiết lập trong dự thảo hiến pháp, cho dù một cơ quan có tên gọi tương tự - hội đồng hiến pháp được quy định trong dự thảo. Hội đồng hiến pháp thiếu tính độc lập và khả năng tài phán các hành vi vi hiến. Ngoài ra, các công dân cũng không thể khiếu kiện lên hội đồng hiến pháp về các hành vi vi hiến của các cơ quan công quyền. Do đó, hội đồng hiến pháp không có khả năng bảo vệ các quyền hiến định của người dân khi bị các cơ quan nhà nước vi phạm.
Nhưng ngay cả khi có một cơ quan tài phán tương tự, thì cơ quan này cũng khó có thể thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các quyền hiến định của người dân với cách ghi nhận của Hiến pháp các quyền “... theo quy định của pháp luật”. Nhiệm vụ của cơ quan bảo hiến là phán quyết về tính hợp hiến hay bất hợp hiến của các văn bản pháp luật, nhưng Hiến pháp lại quy định tự tước bỏ tính tối cao của Hiến pháp so với các văn bản pháp luật khác. Nói một cách khác, không thể phân biệt trật tự pháp luật giữa các quyền hiến định (quyền tối cao, do Hiến pháp ghi nhận) và các quyền luật định (do pháp luật quy định).
Để Hiến pháp bảo vệ các quyền chính trị - dân sự cơ bản của con người, dự thảo cần phải được điều chỉnh theo định hướng sau:
- Lược bỏ các quy phạm “theo quy định của pháp luật” trong các điều dự thảo về quyền con người, quyền công dân như điều 26, 31 của dự thảo.
- Bổ sung điều 15 dự thảo: ... “việc giới hạn các quyền con người, quyền công dân do luật định”.
- Thành lập tòa án hiến pháp/hội đồng hiến pháp độc lập thực hiện chức năng tài phán các hành vi vi phạm hiến pháp (kể cả các văn bản pháp luật) theo quy trình tư pháp.
Không bỏ sót ý kiến tâm huyết của người dân
Tại cuộc họp ban chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân TP.HCM góp
ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, chiều 19-3 bà Nguyễn Thị Quyết Tâm -
chủ tịch HĐND TP, trưởng ban chỉ đạo - cho biết TP đã tiến hành đưa tận
tay người dân bản dự thảo để tất cả nhân dân TP cùng tham gia đóng góp.
Đây là hoạt động quan trọng trong việc phổ biến dự thảo và tiếp thu ý
kiến góp ý cho dự thảo của nhân dân TP.
Ban chỉ đạo cũng cho biết sau thời hạn nộp lại bản góp ý
Hiến pháp cho các tổ dân phố như quy định, các ý kiến của nhân dân TP
đóng góp Hiến pháp vẫn sẽ được tiếp nhận, chuyển về trung ương. Đồng
thời các tổ dân phố, khu dân cư... nếu còn những ý kiến góp ý cho dự
thảo vẫn được khuyến khích tổ chức hội nghị góp ý, gửi về cho ban chỉ
đạo của TP. “Điều này sẽ làm cho việc tổng hợp ý kiến của nhân dân thêm
khó khăn, nhưng là việc cần làm để không bỏ sót ý kiến, tâm huyết của
người dân góp ý cho dự thảo Hiến pháp” - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng
định.
VIỄN SỰ
|
Cộng đồng doanh nhân chạnh lòng
Tại hội thảo “Cộng đồng doanh nghiệp VN đóng góp xây
dựng Hiến pháp” do Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) tổ chức
ngày 19-3, nhiều ý kiến đề nghị cần minh bạch hóa khả năng can thiệp của
Nhà nước vào thị trường. Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng luật sư
Quang và cộng sự, cho rằng doanh nghiệp VN vẫn phụ thuộc rất nhiều vào
Nhà nước nên tâm lý ỷ lại, xin cho còn nhiều. Lỗi là do nhiều khi Nhà
nước can thiệp mạnh, vì vậy cần quy định rõ cách thức can thiệp của Nhà
nước để tránh việc can thiệp vô nguyên tắc vào thị trường.
Theo ông Lê Duy Bình, giám đốc Công ty Economica
Vietnam, giới doanh nhân không khỏi chạnh lòng khi không hề thấy tên
mình trong nền tảng quyền lực nhà nước. Ngay điều 2 dự thảo hiến pháp:
“tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh
giai cấp công nhân với nông dân và đội ngũ trí thức” đã tạo cảm giác
cộng đồng doanh nhân vẫn bị phân biệt đối xử, vai trò, đóng góp của họ
chưa được đánh giá tương xứng.
Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI, bày tỏ: “Mừng vì trong
dự thảo hiến pháp không còn phân biệt thành phần kinh tế, không nêu kinh
tế nhà nước chủ đạo”. Luật gia Vũ Xuân Tiền, chủ tịch hội đồng thành
viên Công ty tư vấn VFAM, cho rằng thời gian qua kinh tế quốc doanh dù
đã giữ một tỉ lệ lớn về nguồn lực vốn, đất đai, được hưởng nhiều ưu đãi
phi thị trường, nhưng do yếu kém quản lý, cụm từ “giữ vai trò chủ đạo”
đã bị lợi dụng, tạo những nhóm lợi ích, gây thiệt hại lớn về vốn và tài
nguyên.
|
Nguồn: TUỔI TRẺ.
Tôi cũng đồng ý với ý kiến về hướng điều chỉnh sửa đổi hiến pháp mà tác giả bài này đã đề nghị. Các vấn đề nêu trong Hiến pháp, Luật và Pháp luật cần được phân định rõ ranh giới và phạm vi điều chỉnh nếu không rất dễ bị rối loạn và lũng đoạn. Nên chăng bác Tễu tìm hiểu và giới thiệu thêm về cách thức thực hiện các vấn đề này của một số nước tiêu biểu để tham khảo và nâng cao nhận thức cho bạn đọc.
Trả lờiXóaXin cảm ơn!