Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

HỘI THẢO BIỂN ĐÔNG: VIỆT NAM THỂ HIỆN YẾU ỚT

Hội thảo Biển Đông: Việt Nam thể hiện yếu ớt

Hội thảo quốc tế về tranh chấp Biển Đông diễn ra từ 13-15/3 do Asia Society và Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) đồng tổ chức ở New York, Mỹ đã thu hút các học giả quốc tế từ Mỹ, Singapore, Philippines và Việt Nam. Riêng Trung Quốc đã cử một trung tướng đến tham dự và đưa ra những phát ngôn mập mờ về một thứ lợi ích cốt lõi đầy đe dọa tại Biển Đông.



Chủ đề trong Hội thảo Biển Đông đã tập trung vào các nhân tố nòng cốt đưa ra giải pháp hòa bình tại Á-Thái Bình Dương. Điều này đồng nghĩa với việc tranh chấp tại khu vực này đã được đưa ra mổ xẻ theo các chủ đề chính như nguồn gốc của tranh chấp ở Biển Đông; quan hệ Mỹ-Trung ở Biển Đông; vai trò của luật pháp và quản trị quốc tế; quan điểm của ASEAN về Biển Đông và hệ quả đối với hòa bình và an ninh khu vực và các bài học, đề xuất chính sách.

Ngay bài phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ tại Singapore ông J. Stapleton Roy đã đưa ra tình huống nan giải của Mỹ khi rơi vào thế: vừa giữ trung lập tại Biển Đông nhưng cũng không thể không can thiệp vào những vấn đề của Philippines đang phải đối mặt với Trung Quốc tại Trường Sa và vùng biển phụ cận châu Á – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, vị đại sứ cũng nhắc đến vấn đề cấp thiết của Quy tắc ứng xử Biển Đông COC cũng như những trở ngại đế từ thái độ khiêu khích “tiêu cực” của chính quyền Bắc Kinh.
 
Trong khi đó, cựu Thứ trưởng ngoại giao Mỹ, phụ trách khu vực Đông Á Thái Bình Dương ông Christopher Hill đã đưa ra một biểu tượng nguy hiểm mà chính quyền Bắc Kinh mắc phải đó là trộn lẫn vấn đề tranh chấp lãnh hải với ngủ nghĩa dân tộc, trong đó biểu hiện rõ nhất là cuộc biểu tình chống Nhật trong tháng năm 2012.
 
Trong diễn giải chi tiết về tình trạng tranh chấp tại Biển Đông, ông Henry Bensurto đến từ Bộ Ngoại giao Philippines đã nhấn mạnh đến mối quan hệ lịch sử ngàn năm với Trung Quốc là một vốn liếng quan hệ nền tảng, tuy nhiên, chỉ trong 100 năm, tình thế đã xấu đi. Trong đó, việc cô lập từng nước vào thế tranh chấp song phương đang khiến tình trạng tồi tệ hơn. “Nếu như hơn 2 thập kỷ trước, giữa Trung Quốc và Việt Nam có tranh chấp, chúng tôi im lặng, vì đó là vấn đề song phương, thì bây giờ, đó lại là vấn đề mà chúng tôi đang phải đối mặt” - ông Henry nói. Về COC, ông Henry cũng đã nhấn mạnh đến nội dung và tính pháp lý mới là nhân tố quyết định chứ không phải chỉ là một bản thỏa thuận được lập ra như một giải pháp tình thế.
 
Vấn đề Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế cũng được ông Hoàng Tinh - Giáo sư trường ĐH Chính sách công Lý Quang Diệu nhấn mạnh như một sự kiện cho thấy Trung Quốc sẽ không thể lảng tránh, bởi đây đã là một vấn đề quốc tế.
 
Trong khi đó, đại diện của Trung Quốc, Trung tướng thuộc Học Viện quốc phòng Trung Quốc ông Chu Thành Hổ đã có 1  bài phát biểu gây tranh cãi nhất trong ngày đầu tiên diễn ra hội thảo và… biến mất trong các hội nghị thảo luận chi tiết 2 ngày sau đó. Vẫn với giọng điệu mập mờ, ông Chu vẫn kêu gọi hợp tác Mỹ - Trung, cùng tôn trọng lợi ích cốt lõi của hai bên. Ông này cũng hùng hồn tuyên bố rằng Trung Quốc không hề muốn gây hấn hay tạo bất ổn trên Biển Đông, có chăng chỉ là bảo vệ lợi ích cốt lõi của nước này. Cho đến nay, lợi ích cốt lõi của Trung Quốc tại Biển Đông vẫn chưa được làm rõ trước cộng đồng quốc tế bằng các luận cứ pháp lý và xuất hiện dưới hình dạng một chiếc lưỡi bò bao trùm lên các khu vực trọng yếu của vùng biển này.
 
Về phía Việt Nam, trình bày quan điểm của mình tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Hà,Vụ trưởng Vụ Luật pháp và điều ước quốc tế thuộc Bộ Ngoại cho biết tình huống “khó xử” giữa Việt Nam và Trung Quốc tai Hoàng Sa và nhấn mạnh COC - một văn bản làm nền tảng cho các giải pháp xử lý tranh chấp tại Trường Sa giữa ASEAN và Trung Quốc cũng đang gặp khó bởi thái độ “đã sẵn sàng” nhưng “chờ thời điểm chín muồi” mà Bắc Kinh đưa ra.
 
Hầu hết câu hỏi dành cho ban cử tọa đều nhắc đến sự phi lý của “đường lưỡi bò” của Trung Quốc và đại biểu Philippines đã đưa ra được những luận cứ chắc chắn, thuyết phục về COC trong vấn đề tranh chấp Biển Đông. Riêng một câu hỏi Việt Nam liệu có đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế như Philippines đã làm không, bà Hà cho biết đây không phải chỉ là một con đường duy nhất mà còn có nhiều cách khác. Cho đến nay, biện pháp Ngoại giao của Việt Nam trước hành động leo thang của Trung Quốc vẫn là các phản đối ngoại giao đơn lẻ và chưa có hoạt động nào gây sự chú ý của công luận quốc tế như những gì Philippines đã đạt được.

Vân Du 
Nguồn: SM.
 

5 nhận xét :

  1. Chúng ta phải thông cảm với phản ứng chính thức của giới cầm quyền hiện nay. Tôi nghĩ là họ rất khó xử trong việc cân bằng giữa lợi ích cá nhân (vâng, tôi luôn đặt lợi ích cá nhân lên trước), lợi ích của thể chế, và lợi ích quốc gia - nhân dân. Thế yếu quá, cả về quốc phòng, kinh tế, chính trị lẫn hệ tư tưởng, lịch sử dẫn đến cái vòng kim cô trên đầu, không có cách nào giải được. Giữ nguyên được thực trạng - status quo - đã là thành công với chính quyền hiện nay, chứ nên quên chuyện thu hồi được Hoàng Sa hay đảo đã mất tại Trường Sa đi. Không mất thêm nữa là may. Hiện nay TQ tuy ngang ngược nhưng thực tế chưa dùng đến biện pháp vũ lực chiếm đóng, và tôi cũng chưa thấy tín hiệu cho thấy họ sẽ dùng vũ lực để chiếm đoạt. Họ có thể dùng ảnh hưởng để ép chính quyền VN vào thế khó để có lợi trên bàn đàm phán. Do đó nên phản ứng yếu đuối của chính phủ là có thể tạm chấp nhận được. Tôi cho rằng hiện nay giới cầm quyền vẫn chưa phải quyết định một trong hai lựa chọn: theo TQ để giữ Đảng, hay cải cách dân chủ để phát huy nội lực chống phương Bắc. Chỉ nếu TQ làm quá bất chấp nỗ lực của phía cầm quyền VN chúng ta mới biết câu trả lời đích xác. Đành chờ vậy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vấn đề là tàu cộng không chỉ chiếm giữ hoàng sa và một số đảo trường sa, mà tàu cộng còn muốn chiếm cả.
      Có nhiều cách khác nhau để giải quyết vấn đề, một trong cách đó là biếu luôn cho tàu cộng! đúng không ?

      Xóa
    2. Hội thảo với hội thiếc ...ở khu chợ chỗ tôi ở những bà tám vỉa hè bình luận ;" Vì gữi tình hòa hiếu với ộng bạn vàng đã biếu không các đảo từ lâu rồi chỉ còn cấp sổ đỏ chủ quyền là xong thôi .."

      Xóa
  2. Nếu có mất đảo mất biển thì cả nước này mất chứ mấy ông ổng mất gì mà phản đối. Campuchia trong dịp hội nghị Asean vừa qua là một thực tế chứng minh cho điều đó!

    Trả lờiXóa
  3. Theo nhiều nguồn tin thì VN đang chuẩn bị đưa vấn đề Biển Đông ra LHQ vào tháng 5-6 này cho nên bà con hãy đợi đấy nhé !

    Trả lờiXóa