Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

NGUYỄN XUÂN DIỆN: LỄ HỘI ĐẦU XUÂN ĐANG MẤT ĐI Ý NGHĨA ĐÍCH THỰC

Lễ hội đầu xuân ở Việt nam đang mất đi ý nghĩa đích thực

.

Khách hành hương đi hái lộc đầu xuân tại chuà Trấn Quốc 14/02/2013 (Reuters)
Khách hành hương đi hái lộc đầu xuân tại chuà Trấn Quốc

Anh Vũ
 
Sau Tết Nguyên đán, một mùa lễ hội đang mở ra khắp nơi tại Việt Nam. Cũng như nhiều năm gần đây, không ít người có tâm huyết với văn hóa truyền thống ở Việt Nam không khỏi băn khoăn lo lắng về tình trạng biến tướng, thương mại hóa xô bồ trong các họat động lễ hội, vốn được coi là nơi hội tụ sức sống của văn hóa của dân tộc Việt Nam.


Mùa lễ hội đầu xuân ở Việt Nam, mới chỉ bắt đầu được ít ngày nhưng cũng đã xuất hiện trở lại những lộn xộn làm mấy đi ý nghĩa cao đẹp của họat động văn hóa này. 

RFI phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, Viện nghiên cứu Hán Nôm tại Hà Nội về hiện trạng họat động lễ hội đầu xuân ở Việt Nam.

 

RFI : Xin thân chào Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, thưa anh, chắc hẳn đầu xuân này anh cũng đã tham dự nhiều lễ hội. Xin anh cho biết một vài nhận xét về họat động lễ hội đầu xuân năm nay tại Việt Nam ?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện: Sau những ngày Tết Nguyên Đán, lễ hội ở khắp nơi đã được mở ra, từ lễ hội làng, lễ hội vùng rồi lễ hội quốc gia. Có những lễ hội chỉ kéo dài trong một ngày, có những lễ hội kéo dài vài ngày, thậm chí có những lễ hội được kéo dài hết cả ba tháng mùa xuân, đó là lễ hội Chùa Hương và lễ hội Yên Tử. Một mùa lễ hội đang đến và chúng ta thấy cũng giống như mọi năm thì năm nay lễ hội đầu xuân ở Việt Nam đã được mở ra khắp tất cả các nơi. Gần như là tỉnh nào cũng có những lễ hội lớn.

Trong truyền thống của chúng ta thì lễ hội chính là một phần của văn hóa và đạo đức của toàn xã hội. Đây là một dịp để người ta tưởng nhớ đến tổ tiên, cầu phúc và để ôn lại lịch sử, thể hiện niềm tôn kính đối với các vị anh hùng dân tộc, với Phật với Thánh. Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng lễ hội chính là một cái nơi hội tụ sức sống của dân tộc, sức sống của văn hóa Việt Nam từ ngàn xưa để lại. Thực trạng của lễ hội trong mấy năm gần đây cho thấy có rất nhiều vấn đề, để lại một cái sự ưu tư lo lắng, lo lắng lắm, trong lòng những người nghiên cứu văn hóa và những người còn thiết tha với nền văn hóa lâu đời và đầy truyền thống nhân bản của Việt Nam hôm nay.

RFI : Cụ thể những lo lắng của các anh đó là những điều gì ?


TS Nguyễn Xuân Diện : Các lễ hội đã được mở ra rất nhiều. Những cái lễ hội đầu xuân này thường là những lễ hội gắn với truyền thống và lịch sử của đất nước. Nhưng những điều này thực sự là không được những nhà tổ chức hay là những nhà quản lý văn hóa, ở đây là Bộ Văn hóa, quan tâm cổ vũ cho cái điều đó. Cái nền cảnh của những truyền thống lịch sử của đất nước thì như một cái cớ để cho những người làm công tác quản lý văn hóa mà cụ thể là Bộ Văn hóa, sở Văn hóa của các tỉnh, dựa vào đấy để làm lên những cái lễ hội ầm ĩ lòe loẹt, thu hút sự quan tâm của mọi người với một sự ồn ào và sự lệch lạc, đem lại những cái lo lắng lớn lắm.

Chẳng hạn như chuyện về tâm linh, chuyện về văn hóa thì gần đây ở trong nước ta đã dấy lên rất là nhiều. Nhưng mà thực sự ra, những người làm quản lý văn hóa của Việt Nam chỉ dựa vào những cái hào quang của truyền thống lịch sử để mà cổ súy cho những cái lệch lạc, mê lầm của dân chúng.

Tôi lấy ví dụ như là lễ hội đền trần tổ chức vào đêm 14 tháng Giêng. Đáng lẽ đây phải là nơi để giáo dục hào khí Đông A và tinh thần yêu nước thì ngườii ta lại biến chuyện đó thành ra lại cổ súy cho cái chuyện ấn triện, thăng tiến rồi lợi lộc, rồi mua quan bán chức, thậm chí có sự tham gia của cả lãnh đạo cao cấp. Đáng lẽ ra đền Trần Thương ở tỉnh Hà Nam hay là đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh phải là những nơi ở đó giáo dục tinh thần tận tụy và liêm chính, trách nhiệm đối với kho dự trữ của Nhà nước, thì lại thành ra nơi mặc cả, vay mượn mua bán quàng xuyên.

Vừa rồi mùng bảy tháng Giêng lễ hội Tịch điền và tới đây nữa là lễ hội Đàn Xã tắc, đáng lẽ phải là nơi giáo dục lòng kính trọng đối với những người làm nông nghiệp, trọng nông thuần phác thì lại biến ra thành những nơi tụ tập đông người, lòe loẹt, cờ đèn kèn trống. Thật là vô cùng lo ngại đấy.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng có phát biểu trên báo chí là: Ở đâu mà lòng người bất an thì, xã hội bất trắc thì mê tín dị đoan cũng có cơ hội nhiều, như cỏ dại gặp đất hoang. Tôi thấy rằng qua nhìn cái tâm thế của những người đi lễ hội ở Việt Nam hôm nay trong mùa xuân này, thậm chí mới chỉ có 10 ngày nay thôi, chúng ta thấy rằng là chưa có bao giờ mà lòng người lại bất an, xã hội lại bất trắc như hôm nay.

Người dân gần như không tìm được niềm tin nơi trần thế cho nên đành phải tìm kiếm trong niềm tin hoang mang vũ trụ. Các nhà quản lý thì cũng không làm được việc gì để mà định lại các chuẩn tắc cho lễ hội hoặc là hướng dẫn mọi người đi lễ hội như thế nào, gần như bỏ mặc người dân trong một cái cuộc hành hương đi vào lễ hội, tín ngưỡng như là đi vào bến lú sông mê như hiện nay.

RFI: Còn một thực tế, nhiều năm qua hoạt động lễ hội vẫn cứ nhếch nhác và biến tướng theo hướng thương mại hóa. Đây là do người dân không hiểu được hết giá trị của lễ hội hay là do cách quản lý của cơ quan văn hóa cứ để thả nổi ?

TS Nguyễn Xuân Diện: Về vấn đề này có cả hai. Thứ nhất người dân không hiểu hết giá trị của lễ hội. Các nhà quản lý văn hóa phải chịu trách nhiệm trong vấn đề này. Bởi vì ở các lễ hội như thế, người dân không dược hướng dẫn một cách tỉ mỉ, không được giáo dục truyền thống một các sâu sắc và chuẩn tắc. Những nhà quản lý văn hóa thì gần như mới chỉ làm được cái việc như thu xếp chỗ gửi xe, rồi thu tiền nơi ăn ở.

Chính vì vậy người ta đi đến lễ hội, đã không bằng sự chính tâm như ngày xưa mà người ta đến với lễ hội với những lời cầu khẩn rất là quyết liệt nhưng mà đầy mê lầm, bằng những mâm phàm tục để mặc cả với thần thánh, bằng những đồng tiền lẻ rải khắp lên tượng Phật tượng Thánh và bằng những cuộc nhậu nhẹt say sưa bên những bàn nhậu thịt thú rừng, ở cả đất Phật Hương Sơn lẫn bên chùa Yên Tử.

Sau đó là xả rác không thương tiếc. Họ đi đến lễ hội chỉ là để chen chân như vậy thôi. Những lời khấn nguyện với Phật thánh cầu nguyện cho quốc thái dân an, tri ân thì không được người dân thực tâm thực hiện đâu. Cái này trách nhiệm là của các nhà quản lý văn hóa.

Những nhà nghiên cứu thì rất lo lắng rằng các cơ quan văn hóa hiện nay chỉ lo làm thế nào cho nó không xảy ra chết người, lo làm sao cho có an ninh trong lễ hội thôi, chứ còn hướng dẫn về mặt văn hóa thực sự, về sự tích của các ngôi đền, ngôi chùa, về phép tắc khi đến cửa Phật cửa thánh thì không được cơ quan quản lý văn hóa hoặc là các nhà đền người ta hướng dẫn. Tôi cho là trách nhiệm này của cả người dân và kể cả các cơ quan quản lý văn hóa.

Xin thành thật cảm ơn TS Nguyễn Xuân Diện.

Nguồn: RFI Việt ng.
 

5 nhận xét :

  1. Xin cảm ơn TS Diện đã nói thay lòng chúng tôi. Chính vì sự tha hoá này nên đã từ lâu tôi k còn hứng thú đi lễ, đi chùa nữa. Sự tha hoá này thậm chí còn được tiếp tay đắc lực của một số quan chức CQ địa phương và cả đám thầy chùa nữa.

    Trả lờiXóa
  2. Đảng đang dẫn dắt cả một dân tộc đi vào con đường tha hóa, người ta lợi dụng lễ hội mục đích chỉ là kiếm tiền, đập di tích cũ để xây mới thì mới rút được nhiều tiền, chạy quyền, chạy chức cũng bằng tiền. Con em nông dân tốt nghiệp đại học loại giỏi cứ thử không tiền nằm nhà xem ai có gọi đi làm không. Kể cả sắp chết, để rơi ngoài hành lang nếu không tiền thì bác sỹ nhìn thấy họ cũng mặc kệ. Vậy con đường XHCN chỉ là con bài họ sử dụng nhằm thâu tóm tài nguyên đất nước, đất đai của dân để bán rẻ lấy tiền tham nhũng bỏ túi mà thôi. Tiền vay nước ngoài thật nhiều cũng để tham nhũng để mặc cho nhân dân gánh nợ, cứ hạ cánh là an toàn. Nếu bỏ điều 4 Hiến pháp thì còn đâu tài sản mà thâu tóm nữa, bởi đất đai là của nhân dân, tài sản không phải của riêng những kẻ tham nhũng làm cạn kiệt tài nguyên đất nước mặc cho nhân dân trở thành nô lệ...

    Trả lờiXóa
  3. Ý kiến trả lời RFI của TS. Nguyễn Xuân Diện quả là những đánh giá tổng kết chính xác về sự "hư hỏng" của hệ thống Lễ hội ở Việt Nam không phải chỉ trong mùa xuân 2013. Theo tôi thì sự hư hỏng đó đồng nghĩa với sự phản văn hóa một cách rất tệ hại. Nó bắt nguồn từ "lỗi hệ thống" (chữ của nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An). Cái "lỗi hệ thống" ấy nó làm đảo lộn mọi giá trị, trong đó đáng lo ngại nhất là giá trị văn hóa, đạo đức. Những ai có tâm huyết nhưng không rõ nguyên nhân sâu xa của nó thì chỉ phàn nàn quanh chữ "xuống cấp"...Trong lúc này có rất nhiều người lo lắng cho tương lai của dân tộc nhưng cũng không biết làm thế nào mà chỉ khoanh tay mà nhìn một cách xót xa!
    Phải cải cách cả hệ thống chính trị một cách quyết liệt thì may chăng mới ổn định dần dần được mọi mặt trong đó có văn hóa, có lễ hội. Còn nếu không thì cứ chữa chỗ này nó lại tòi ra chỗ kia. Vá víu mãi chả ăn thua!

    Trả lờiXóa
  4. Tôi sinh ra ở miền Nam, từ nhỏ đến khi trưởng thành thì hầu như chỉ sống ở môi trường đô thị, và lại thuộc gia đình theo đạo Công giáo từ nhiều thế hệ trước. Ba lý do trên khiến tôi rất ít có cơ hội tham dự một lễ hội truyền thống nào của dân tộc mình. Đó là điều tôi hết sức tiếc. Tôi tự nhủ mình chỉ mới hiểu tầm quan trọng của các lễ hội - đối với văn hóa và đạo đức của toàn xã hội và đối với riêng 'tâm hồn Việt Nam' của mình - qua lý thuyết thôi, chứ không thể nào được sống, được cảm nhận trọn vẹn nếu không có cộng đồng.

    Lễ hội là món quà vô cùng quý giá mà chỉ khi mình thực sự sống giữa, sống với một cộng đồng cụ thể và sống động, thì mình mới nhận được trọn vẹn. Lễ hội ví như bầu sữa mẹ dưỡng nuôi tâm hồn của mỗi thành viên trong cộng đồng, suốt từ thời thơ ấu đến tận tuổi già. Điều đó làm cho các thành viên gắn kết với nhau trong tình anh chị em ruột thịt và tình hiếu thảo đối với Bà Mẹ chung. Nghĩa đồng bào và lòng yêu nước sẽ được hun đúc từ đó, suốt đời không phai.

    Trong thời đại này, thời mà xin tạm gọi là "đa nguyên" về văn hóa, triết lý, tín ngưỡng..., việc phục hồi lại tinh thần cao quý của các lễ hội truyền thống theo tôi là một thử thách không nhỏ. Làm sao đừng đánh mất những tinh hoa của truyền thống mà đồng thời lại có thể thích nghi với những trào lưu tư tưởng hiện đại; làm sao có thể tìm được mẫu số chung cho quá nhiều khuynh hướng khác nhau, đôi khi trái ngược nhau... quả thực không dễ dàng. Sứ mạng của các nhà hoạt động văn hóa nước mình - lúc này và mai đây - thực nặng nề, có thể nói là một cuộc "tập đại thành" vô cùng công phu. Có lẽ phải ý thức thật rõ điều đó thì chúng ta mới chọn được những vị thực sự tài đức để gánh vác trách nhiệm của hai Bộ quan trọng trong chính phủ: Bộ Văn hóa và Bộ Giáo dục.

    Trả lờiXóa
  5. P. THƯỜNG DÂN NAM bỘlúc 02:07 22 tháng 2, 2013

    Tất cả các lễ hội quan trọng có đông người tham gia đều được chính trị hóa phục vụ cho Đảng . Nhà CQ lợi dụng lễ hội để hướng nhân dân vào những vui chơi giải trí, thương mại chứ không chú ý tới giá trị tâm linh, và nhất là để nhất thời quên đi những khó khăn về kinh tế, chính trị.
    NCQ nhất thiết phải kiểm soát được các lễ hội vì tâm lí sợ đám đông và sợ những kẻ lợi dụng đám đông . Các giáo án giáo dục về văn hóa , nhất là văn hóa cổ truyền xây dựng trên những chỉ đạo hết sức chặt chẽ của BTGTW. Đ phải kiểm soát được tư tưởng của Dân . Nội dung đích thực của lễ hợi rất hời hợt vì không được chú trọng, chỉ chú trọng vào cái hào nhoáng bên ngoài và mục đích chính trị.

    Trả lờiXóa