Chuyến đi miền núi cuối năm
KTS. Trần Thanh Vân
Chúng tôi thức dậy lúc nửa đêm,
đúng hai giờ sáng thì lên đường.
Đây là lần đầu tiên tôi tham gia
hoạt động này, một hoạt động từ thiện giúp đỡ các cháu học sinh và nhà trường ở
vùng sâu vùng xa tại một số tỉnh Miền núi, gồm có quần áo, sách vở, thậm chí có
lúc còn dựng lại các lớp học đã bị hư hỏng, dột nát.
Tôi được biết, công việc này đã
diễn ra trong vài năm nay, khởi xướng bởi một nhóm người hảo tâm, cóp nhặt bởi
rất nhiều người, túi tiền của họ không dầy, nhưng tấm lòng của họ thì thật đáng
trân trọng.
Trời hôm nay không lạnh lắm,
nhưng sương mù vẫn nhiều, càng đi gần về phía các rặng núi đá tỉnh Hòa
Bình, sương mù càng dầy đặc hơn. Bốn
chiếc xe nối nhau rẽ sương mù mà đi. Cảnh núi rừng huyền ảo làm cho tôi hoàn
toàn tỉnh táo. Lâu lắm rồi tôi mới có dịp lên miền núi trong đêm thế này. Thật vậy, mấy năm gần đây tôi không có dịp đi
lên miền núi, nhất là đi ban đêm, phần vì sức khỏe không được tốt, phần vì bận
việc gia đình, nhưng tôi luôn theo rõi hoạt động này và tâm niệm sẽ phải đi một
chuyến.
Lần này thì tôi được toại nguyện.
Sáng hôm qua khi về quê thăm mộ
chồng và con, rồi trồng hoa tươi trên mộ, tôi đã thắp nén hương và khấn anh
rằng, anh hãy phù hộ cho tôi làm những việc nho nhỏ có hiệu quả. Lúc 3 giờ sáng
hôm nay đi qua nghĩa trang tiến về phía Hòa Bình theo đường Quốc lộ 6, ngồi
trên xe tôi lại thầm khấn anh và xin phép anh cho tôi được công bố chuyến đi
tất niên này cho nhiều người cùng biết. Đó là thắc mắc mà bấy lâu nay khiến tôi
không yên lòng chút nào.
Đường đi thật không dễ, quãng Hà
Nột Hòa Bình hơn 80 Km thì đường thật tốt, xe chạy bon bon, thỉnh thoảng gặp
một chiếc xe tải đi ngược chiều, đèn pha sáng trưng, chúng tôi đi chậm lại một
chút rồi tránh nhau thật dễ dàng. Đoàn chúng tôi đến Hòa Bình lúc 4 giờ sáng,
đoàn xe qua cầu sông Đà lên bờ bắc thành phố. Sau khi nhận nốt 600 chiếc bánh
chưng lên chất đây các xe, rồi mọi người nghỉ ngơi ăn sáng qua loa là đã gần 5
giờ.
Từ đây đoàn xe bắt đầu gặp đường xấu, từ thị
trấn huyện Đà Bắc trở đi đường không chỉ xấu hơn, mà liên tục có những khúc
cong, lên dốc, mặt đường gồ ghề, có chỗ bị xói lở từ mùa mưa năm ngoái chưa kịp
sử chữa. Đến đây tốc độ chậm hẳn lại, có lúc sương mù dầy đặc, điện thoại di
động mất sóng, xe nọ không bám sát được với xe kia.
Gần 9 giờ sáng thì chúng tôi đến
nơi. Đây là trường Phổ thông cấp I và II xã Đồng Nghê, huyện Đà Bắc tỉnh hòa
Bình, ở cách xa Hà Nội 180Km, cách sông Đà 90 Km. Trường miền núi thật hay, cả
trường cấp I cấp II có và vỡ lòng có cả thảy 500 học sinh, chia thành 4 cơ sở
để cho các cháu đi lại đỡ vất vả và có
gần 100 giáo viên ở tập thể, họ từ dưới thị trấn lên, có thầy cô Kinh, có người
Thái, có cả người Mường
Sau khi chuyển vội quà Tết từ
trên các xe xuống, gồm có bánh chưng, mứt Tết, kẹo, cặp sách và áo mũ khăn
quàng chống rét cho các cháu ở mọi lứa tuổi, đoàn cán bộ nhà trường, chính
quyền địa phương, trẻ già nam nữ ra đón đoàn và góp sức rất đông.
Mặc dù đã có một nhóm tiền trạm
đến từ hôm qua, nhưng khi thấy đoàn xe hùng hậu tiến vào sân trường, ông chủ
tịch xã vẫn hỏi giọng cảm động.:
- “Các bác từ đâu đến ạ?”
Ông Việt Anh thay mặt đoàn trả
lời
- “Chúng tôi ở Trung tâm hỗ trợ người nghèo và
tổ chức sự kiện của Hà Nội”
Và rồi, trong khí rộn ràng thấm đẫm tình thương yêu đùm bọc
giữa con người với con người ấy
mọi người hòa vào nhau, thông
cảm, cười nói rất nhanh và không ai căn vặn “Anh là ai?” “Anh ở đâu đến” nữa.
Quà quá nhiều, chia mãi, chia mãi
mới hết.
Lúc thay mặt các cháu học sinh và
thay mặt chính quyền địa phương, ông Chủ tịch xã Đồng Nghê phát biểu những câu
rất đầm ấm, rất tình cảm.
Thay đoàn từ thiện, ông Việt Anh
trưởng đoàn đáp lại, chỉ nói:
“Thưa bà con, quà này là của
nhiều người đóng góp lại, chứ không phải của riêng chúng tôi. Xin bà con và các
chau đón nhận. Có nhiều người muốn đến thăm bà con mà không đến được. Tôi xin
thay mặt mọi người gửi đến bà con lời chúc mừng năm mới hạnh phúc”
Đúng 12 gờ thì thủ tục tặng quà
kết thúc. Mọi người nghỉ ngơi hồ hởi chờ bữa cơm trưa và sẽ ở lại chơi đến 3
giờ chiều mới ra về.
Riêng tôi, vì bận nhiều việc nên
đã xin về trước. Trên đường về tôi chỉ bứt rứt một điều: Những hoạt động
này, những tấm lòng này sao mà đáng quý
thế? Nhưng tại sao họ vẫn phải lén lút, phải dấu diếm nghi binh?
Trưa hôm kia, trước khi lên đường
tất cả quà bánh tặng phẩm mua tại Hà Nội đã được chất lên các xe phân tán gọn
nhẹ hết. Riêng 600 chiếc bánh chưng thì lúc 4 giờ sáng cả đoàn đến nhận tại
tỉnh Hòa Bình để khỏi bị dòm ngó. Ông Việt Anh nói với tôi rằng: “Chúng tôi giữ
bí mật cho đến lúc khởi hành chị ạ. Các lần trước chúng tôi bị làm phiền cản
trở nhiều nên lần này phải rút kinh nghiệm.”
Tôi cười buồn trả lời ông:
“Tôi sẽ gửi bài tường thuật ngay
và sẽ hỏi công luận rằng tại sao một hành động nhường cơm sẻ áo như thế này
cũng bị cấm đoán”.
Tôi thật không chịu nổi và xin
mọi người trả lời giúp cho!
Bài và ảnh: Trần Thanh Vân
Ở Mỹ học sinh bắt buộc phải có chương trình thiện nguyện, cho nên không lạ khi tỷ phú của họ làm từ thiện rất nhiều chứ không phải để giành cho con cháu họ. Bill Gate, Waren Buffet quá vĩ đại, Tôi kính phục nghiêng mình trước tài năng trí tuệ của họ và tôi sẵn sàng quỳ gối trước tấm lòng nhân ái của con người.
Trả lờiXóaNhững tâm lòng Vàng (Vàng thật) thật đáng trân quí. Còn câu hỏi "tại sao một hành động nhường cơm sẻ áo như thế này cũng bị cấm đoán” của KTS Thanh Vân, tôi xin mượn 2 câu thơ (không nhớ tác giả) để trả lời: "...Câu hỏi ấy chẳng ai đáp được/ Hòn đá cười lăn dưới chân mình".
Trả lờiXóaLàm thiện nguyện chia cơm sẻ áo lại phải làm lén lút . Thật không hiểu nổi . Nhưng không sao . Những cái tâm trong sáng, những tấm lòng bác ái cao cả, những việc làm thiện nguyện vẫn như sao băng trên bâu trời u ám , phá tan những nghi ngờ. Các vị như KTS Trần Thanh Vân và đoàn đang " đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an bình vào nơi tranh chấp, đem ủi an đến chốn u sầu " ( Kinh Hòa Bình của CG ) Đấng Tối Cao sẽ trả công bội hậu cho quí vị .
Trả lờiXóaKhông như những cưỡng chế thì công khai hùng hùng hổ hổ của kẻ cướp ngày, chẳng còn một chút lòng nhân ..
Chị Thanh Vân ơi. Cám ơn bài tường thuật của chị, em đọc mà vui quá!
Trả lờiXóaEm không ngạc nhiên vì sao những chuyện tốt lành thế này lại bị cấm đoán trong xã hội mình, chị ạ. Nhưng em ngạc nhiên là chính ở những xã hội có sự cấm đoán phi lý và phi nhân như thế, thì lòng nhân ái 'tự nhiên' của con người lại phát triển mạnh hơn, bền bỉ hơn và lây lan hơn; với sự quảng đại, nhạy cảm, sáng tạo và cả dũng cảm nhiều hơn.
Em nhớ cái thời sau 1975 ở miền Nam, ngay chính trong cảnh cơm nhà không đủ ăn (hồi đó còn ăn bo bo, khoai lang), cuộc sống vô cùng vất vả, lại còn bị nghi ngờ, dò xét, hạch hỏi từng bước chân... thì bọn thanh niên ở Sài Gòn tụi em lại hăng hái đi làm thiện nguyện nhiều hơn bao giờ hết. Hoàn toàn tự phát, tự kết nối, tự rủ rê nhau, thành hình rất nhiều nhóm nhỏ (đếm không xuể), không có tổ chức chặt chẽ nào cả, không có 'lãnh đạo' nào cả ngoài trừ tình bạn trong sáng giữa những người trẻ với nhau. Các hoạt động thiện nguyện hồi đó rất đa dạng: thăm viếng, săn sóc các bệnh nhân nghèo tại tư gia hay trong các bệnh viện; thường xuyên đến các trại phong, tổ chức các đêm vui Trung thu, Tết, hoặc các lớp học thêm cho thiếu nhi ở đó; thăm viếng các cụ già ở các nhà dưỡng lão, các trẻ em bị bại não hay tật nguyền ở các trung tâm; giúp đỡ tận tình các gia đình nghèo có người thân mới qua đời, các gia đình neo đơn vì chồng hay cha đi học tập; làm quen và giúp đỡ thường xuyên các người già hay trẻ em lang thang bụi đời...
Ban đầu thì tất nhiên tụi em cũng phải lén lén lút lút. Những bạn nhiệt tình nhất hay bị theo dõi và hỏi thăm. Các vị lãnh đạo ở các địa phương hay các trại, các bệnh viện nhìn tụi em bằng con mắt nghi ngại... Nhưng dần dần, em cảm thấy rõ là cái 'khí thế' nhân ái và tươi tắn đó của những người trẻ, ngay giữa thời buổi cực kỳ khó khăn đó, đã làm bộ mặt xã hội ít là ở Sài Gòn thay đổi nhiều lắm.
Em thấy rõ là chính quyền và các đoàn thể Nhà nước như Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên, Đoàn TNCSHCM... dần dần cũng nhìn bọn em bằng con mắt khác, thân thiện và gần gũi hơn. Theo em thì chính cái phong trào thiện nguyện tự phát, bất ngờ và rộng khắp đó của bọn thanh niên Sài Gòn đã lan dần vào guồng máy chính quyền. Các "nhà tình thương", "lớp học tình thương", các lớp giáo dục đặc biệt dành cho trẻ khuyết tật... dần dần ra đời với sự công nhận chính thức của nhà nước. (Hì hì, chính trong dịp này mà em được trở thành một giáo viên dạy trẻ khuyết tật, có 'biên chế' hẳn hoi chứ không còn lang thang cái phận 'phó thường dân Nam bộ' như hồi đó bọn em hay nói đùa nữa. Và cũng giống nhiều cặp bạn trẻ khác, em và bà xã em quen nhau, nên duyên vợ chồng, chính nhờ qua các họat động thiện nguyện thế này).
Một nhận xét nữa làm em rất vui, là chính các bậc phụ huynh trong gia đình của bọn em dần dần cũng cảm thấy bớt sợ, bớt buồn bã lo lắng vì thời cuộc, ngày càng tỏ ra hài lòng và hưởng ứng với đám trẻ, cảm thấy vui sống và lạc quan hơn, yêu thích con cái mình cùng các bạn trẻ hồn nhiên nhiệt tình của chúng hơn. Điều đó em thấy rõ lắm. Em tin rằng nếu hỏi lại những người lớn tuổi về giai đoạn đó ở Sài Gòn cách riêng hay toàn miền Nam nói chung, nhiều người sẽ công nhận rằng đó là một thời vô cùng đau khổ, nhưng đồng thời cũng là một... "mùa hồng ân"!
(Phải ngắt bài ra làm đôi vì sợ dài. Hi hi, em vừa ốm dậy, chưa khỏe hẳn nhưng sao thấy hứng chí quá, xin chị Vân và các bác thông cảm nhé).
Từ sau 1986 khi bắt đầu chính sách mở cửa, nhất là từ sau 1990 khi bắt đầu các chương trình xuất cảnh ODP và HO, đời sống kinh tế ở miền Nam cách riêng và cả nước nói chung khá lên hẳn, đặc biệt ở các thành phố lớn. Em lấy làm tiếc vì lớp trẻ sau này lớn lên không còn dễ dàng thấy 'người nghèo' ở ngay quanh mình mà được động mối từ tâm nữa. Cái 'thế giới nghèo đói' đã trở nên 'dễ phớt lờ' hơn bởi tấm màn che của sự sung túc phồn vinh có khi giả tạo và tạm bợ. Thời gian và sinh hoạt của các bạn trẻ bị cuốn hút vào điều gọi là "kinh tế thị trường". Một số bạn gia đình khá giả thì bắt đầu biết hưởng thụ những tiện nghi của văn minh, một số may ra có chí thì lao đầu vào việc thi đua học tập để gầy dựng sự nghiệp. Những người nghèo đói, bị thiệt thòi trong xã hội, vốn là "hồng ân" cho chúng ta, giờ thì chúng ta phải biết 'mở mắt ra' mới thấy được họ.
Trả lờiXóaĐọc bài của chị Thanh Vân và nhìn những tấm hình (hình ở đây và vài chỗ khác trên mạng), em hơi tiếc là những người thiện nguyện ở đây không phải là lớp thanh niên mới lớn nữa. Tất cả là những người đã trưởng thành, đã đi làm, đã xếp vào hàng 'trung niên', hoặc cả những vị đã lớn tuổi như chị Vân. Như bác ẩn danh đã viết trong nhận xét đầu tiên của bài này, ở Mỹ người ta rất hiểu giá trị của sự thiện nguyện nên xem đó là một đòi hỏi bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông. Em tiếc là ngành giáo dục của chúng ta chưa chú trọng đủ đến mảng này - mà phải thực lòng để điều đó trở thành sự tự nguyện, hồn nhiên và vô vị lợi đúng nghĩa cho lớp trẻ, chứ đừng dại dột lồng chính trị vào.
Nhưng em vẫn rất vui nghĩ rằng qua những công việc thiện nguyện thế này, cả 'một thế hệ những người lớn ở Hà Nội' quả là đang... "hồi xuân". Sự hồi xuân này nếu kiên trì bền bỉ và được lây lan rộng khắp, em tin là sẽ đem đến một cuộc hồi xuân mới cho cả dân tộc, cả đất nước! Cứ kiên trì, với sự hồn nhiên nhiệt tình, em tin chắc chắn rồi đây cả những nhà chức trách đa nghi nhất cũng sẽ bị thuyết phục. "Xã hội dân sự" bắt đầu bằng chính những hành động cụ thể thế này đây chứ không phải từ lý luận, hình như trên khắp thế giới ở đâu cũng vậy cả.
Em nghĩ trong hiện tình nguy nan này của đất nước, không phải chúng ta cần hiện đại hóa công nghiệp hóa, cần phát triển và làm giàu, cần sắm sửa vũ khí tân kỳ hiện đại hay tìm liên kết đồng minh bằng mọi giá... mà có thể bảo vệ được tổ quốc đâu. Cái "sức mạnh mềm" nhưng vô địch mà chúng ta cần có chính là tình tương trợ nhân ái giữa mọi thành phần trong xã hội, là sự yêu thương đoàn kết cùng nhau chia ngọt sẻ bùi của toàn dân. Có lần em đọc ở đâu đó nói về một nguyên nhân quan trọng bậc nhất - dù không dễ nhận ra và ít được nói đến - đã dẫn đến sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết: đó là sự phát triển đã đem đến quá nhiều ưu đãi cho chỉ một thiểu số sống ở các thành thị nhưng lại đã hoàn toàn bỏ quên một số đông những cộng đồng nghèo khó sống ở các vùng miền xa xôi hẻo lánh, chủ yếu là các sắc tộc 'không phải Nga'.
Xin cám ơn những việc làm thiện nguyện của các bác ở Hà Nội cách riêng và của mọi anh chị em đồng bào, ở cả trong lẫn ngoài nước.
"Việt Nam không đòi xương máu
Việt Nam kêu gọi thương nhau
Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu
"Việt Nam trên đường tương lai,
Lửa thiêng soi toàn thế giới
Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời
"Tình yêu đây là khí giới,
Tình thương đem về muôn nơi
Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người
(lời bài hát Việt Nam! Việt Nam! của Phạm Duy)
Cám ơn Comment dài và chí tình của Ha Le. Chị đi được một chuyến cũng thấy hạnh phúc lắm. Đúng là mình đã trẻ ra.
XóaNgày mai tiễn ông Táo về Trời rồi, chị Vân có bánh chưng ngon mà không gửi tặng hai cháu gái được. Ha Le nói với hai cháu: "Bác Vân chúc mừng năm mới và hẹn gửi quà Tết năm sau nhé"
Chị Vân ơi. Cám ơn chị vẫn luôn nhớ đến và dành cho bọn em tình cảm đặc biệt. Em xin chị, đừng gởi quà gì cho bọn em bên này, không thì em buồn chịu không nổi đâu! Cuốn sách bác Diện tặng, mỗi lần nhìn đến em lại khóc!
XóaMỗi dịp Tết ở quê hương thì bên em lại nhằm mùa Đông, vất vả đến nỗi em chả hiểu có chịu đựng nổi đến... ngày về hưu không (hic, 15 năm nữa lận!). Lạnh đến... nứt cả xương. Và mùa Đông thì các buildings nó chóng bẩn lắm. Người ra kẻ vào cứ vác tuyết và các hạt muối (loại muối chống đông đá rải trên các lối đi để bớt nguy hiểm vì trơn trượt) làm sàn nhà lót gạch hay lót thảm rất mau lem luốc. Thế là đêm nào em cũng phải đánh vật với máy cái máy giặt sàn nặng chịch, vốn thiết kế cho người lao động phương Tây to khỏe gấp đôi em! Cực, nhưng cái 'cực lòng' mới là nặng nề. Bao nhiêu mùa Đông làm việc một mình ngoài trời tuyết bên này mà tự nhiên bật khóc nức nở vì nhớ đến mùa Tết ở quê hương. Có nấc òa lên cũng chả lo ai bắt gặp, cứ thoải mái mà khóc.
Khóc, vì tụi em không làm được gì thêm cho quê hương, cho đồng bào, chị ạ. Bên này nhiều người như em lắm, chiếm đa số đấy. Họ âm thầm làm lụng, (có thời giờ đâu mà ăn to nói lớn trên các diễn đàn chống nọ chống kia cách ồn ào và cực đoan?), nhưng có thể giúp được gì cho quê hương thì em tin họ rất sẵn lòng. Và họ đã từng âm thầm giúp như vậy hàng bao năm nay. Hãng em có những ông bà cụ đã 70, con cháu ổn định thành đạt cả rồi vẫn chưa chịu về hưu, đêm đêm vẫn khoác áo lạnh đi làm. Họ bảo mình còn kiếm tiền được để gởi về Việt Nam giúp dân mình, sao lại nghỉ? Nằm không ở nhà lãnh tiền hưu thì cũng đến chết sớm vì buồn thôi!
Nếu Nhà nước mạnh dạn mở hết cỡ cánh cửa hòa giải dân tộc, em tin Việt Nam mình sẽ mau khá lắm. Những việc thiện nguyện làm đổi mới bộ mặt tinh thần của xã hội như thế này sẽ có rất đông người hưởng ứng, cả trong lẫn ngoài nước, kẻ góp của người góp công; mà là hưởng ứng với niềm vui tự nguyện, với tình yêu thương trong sáng. Có gì đâu mà sợ 'mất ổn định chính trị' chỉ vì những thiện nguyện yêu nước thương nòi thế này nhỉ? Chính những người ở nước ngoài như em rất cần được dịp nhịn bớt tiêu xài chút ít để đóng góp cho các em nghèo ở các vùng khó khăn trong nước, từng miếng bánh chưng bánh tét, từng gói quà nhỏ, từng chiếc áo ấm chống rét, từng cuốn tập cây bút... Cần lắm, vì khi cho đi chính là lúc được nhận lại. Những việc thiện nguyện như thế đó giúp cuộc sống tha hương của người hải ngoại bọn em được sáng lên, ấm lên, hạnh phúc thêm lên, giữa xứ lạ quê người!
Hu hu em đang khóc nữa rồi chị Vân ơi.