Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

ĐÀO TIẾN THI: THẤY GÌ QUA CUỘC ĐÀN ÁP BIỂU TÌNH NGÀY 9.12?

 THẤY GÌ QUA CUỘC ĐÀN ÁP BIỂU TÌNH  NGÀY 9 THÁNG 12? 
(Nhật ký biểu tình ngày 9-12-2012) 
Đào Tiến Thi 
Giọt máu oan cừu đỏ núi sông 
(Võ Liêm Sơn) 
PHẦN I: BỊ BẮT 
Sau cuộc đàn áp thô bạo ngày 5-8-2012, thì ngay cả những người tích cực nhất cũng chán nản, buông xuôi, phó mặc số phận đất nước về đâu thì về. Nhưng lòng người đâu đâu có dễ yên như thế. Liền trong thời gian rất ngắn, một khoảng một tuần, Trung Cộng giáng liền 3 đòn chí mạng vào nền độc lập chủ quyền của Việt Nam: phát hành hộ chiếu in bản đồ lưỡi bò mà trong đó Việt Nam mất gần hết phần Biển Đông của mình (22-11-2012[1]), tuyên bố khám xét tàu thuyền trong vùng “chủ quyền” (tức đường lưỡi bò, 28-11), cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của ta (nơi cách đảo Cồn Cỏ có 43 hải lý, 30-11). Vì vậy, cuộc biểu tình ngày 9-12-22012 nổ ra như một hành động tất yếu, tức nước vỡ bờ.

Theo thông lệ của hai kỳ biểu tình trước (hè 2011 và hè 2012), mỗi khi thằng anh Trung Cộng đánh vỗ mặt đểu quá thì Đảng và Nhà nước ta cũng để cho dân ta mở mồm tí chút, tức là thả lỏng một vài cuộc biểu tình đầu (5-6-2011, 1-7 và 8-7-2012, như tiếng “ắng” lên của con chó bị đánh đau. Tuy lần này không ai hy vọng được như thế nữa nhưng một số bác có kinh nghiệm vẫn cho rằng cuộc ngày 9-12 này cũng không đến nỗi quá rắn, tức là họ sẽ đàn áp ở mức “chấp nhận” được. Lúc đầu tôi cũng tin như thế.

Nhưng rồi tôi cảm thấy thấy lần này sẽ khủng bố mạnh hơn, bắt đầu từ trận mưa comment, dấu hiệu phá đám bất thường của an ninh diễn ra trong suốt ngày 8-12 trên Ba Sàm (entry Thông báo tổ chức mít tinh phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc, ngày 7-12, cho đến giờ này – 10g ngày 11-12 – có 1421 comment !). Bọn khủng bố bằng bàn phím này giả vờ là người yêu nước để gây nhiễu, khiến ai (chưa có kinh nghiệm) muốn đi biểu tình cũng có phần hoang mang và nản lòng. (Tôi sẽ có bài bàn riêng về chuyện này, nếu có điều kiện).

Và cho đến tối 8-12, những tin tức trên mạng càng cho tôi nhận định về sự quyết tâm đàn áp của chính quyền. Đặc biệt, chiều tối, bác công an khu vực đi họp cuộc họp khẩn cấp về báo cho tôi biết, rằng ngày mai sẽ căng thẳng và khuyên tôi đừng đi nữa. Nhưng tôi vẫn quyết tâm. Tôi cho vào ba lô bàn chải răng, khăn mặt, thuốc men và cả một bộ quần áo ngủ, đề phòng bị bắt giữ qua đêm. Vợ tôi lo lắng bảo: “Biết bị bắt rồi còn đi làm gì?”. Tôi bảo: “Có những việc biết rõ là nguy hiểm nhưng không thể không làm. Nếu mình không đi thì ai đi? Hy vọng giữ được nước bây giờ thực ra chỉ còn vài phần trăm thôi, nhưng còn làm được gì thì vẫn phải làm”. Cho đỡ tủi hổ.

Sáng sớm vợ tôi đi chợ về, đã thấy hai thanh niên đầy khả nghi đứng bên kia đường, đối diện ngõ vào nhà tôi. Ngõ vào nhà tôi ngắn ngủn, chỉ độ hai chục mét nên thỉnh thoảng vợ tôi lại giả vờ ra quan sát và vẫn thấy hai tên ấy. Vợ tôi rất lo, vì hôm nay thằng bé (Đào Lê Tiến Sỹ) đi thi, lỡ nó tưởng đi biểu tình mà tóm rồi giữ chân luôn thì gay quá. Lúc thằng bé đi, vợ tôi lại theo ra. Thằng bé đi khỏi thì hai thanh niên cũng nhổ neo. Có lẽ thấy về nó đi về phía Cầu Giấy, không phải hướng Nhà hát Lớn nên chúng bỏ? Thực ra ban đầu tôi không tin họ là an ninh, vì có thể có sự ngẫu nhiên nào đó. Nhưng về sau cháy Sỹ kể: lúc đang làm bài thi, bỗng thầy giám thị hỏi: “Có Đào Lê Tiến Sỹ đi thi đây không?”. “Có. Thưa thầy có việc gì ạ?”. Giám thị: “Không biết. Thấy trên Khoa điện xuống hỏi”. Thi xong, cô giáo bí thư đoàn của Khoa Văn hỏi: “Em còn đi đâu không?”. “Không ạ”. “Ừ, đừng đi đâu đấy nhé!”. Vậy thì rất có thể hai thanh niên chầu trực nói trên là người nhà nước rồi. Họ không canh tôi mà canh cháu Sỹ. Họ sợ thanh niên hơn.

Sợ trong khi chờ xe bus sẽ gặp rắc rối, và nếu đến sớm cũng dễ gặp rắc rối, tôi đợi sát giờ mới gọi một taxi. Cậu lái xe ngạc nhiên khi thấy tôi đội mũ bảo hiểm và chỉ đến Nhà hát Lớn mà lại đeo ba lô như là đi xa. Tôi nói luôn cho cậu biết là tôi đi biểu tình. Hoá ra cậu thanh niên này chả hề biết những chuyện Trung Cộng gây hấn. Tôi nói tôi đi biểu tình nhiều lần rồi, từng bị bắt rồi, hôm nay phòng trước bị bắt nên trong ba lô này là các vật dụng tối thiểu cần dùng nếu bị bắt. Cậu hết sức ngạc nhiên. Ngạc nhiên về những sự kiện cậu chưa hề nghe. Ngạc nhiên tại sao chống xâm lược mà lại bị bắt. Lúc đến nơi, tôi bảo cho tôi xuống chỗ công viên Tao Đàn, đối diện Nhà hát Lớn, nhưng từ xa thấy nhiều công an ở đó, sợ vạ lây, cậu xin tôi xuống khi còn cách cả trăm mét. Tôi vui lòng. Lúc này là 8g45.

Các bậc cấp và khu vực trống trước Nhà hát Lớn đã được dành cho chương trình ca nhạc “Khát vọng Trẻ” (sao lại có một chủ đề chung chung như vậy?), trống nhạc đã nổi lên bì bùng, nhưng chỉ lóp ngóp vài người. Xung quanh vườn hoa Tao Đàn có một số công an áo xanh lượn lờ.

Không thấy một đám tụ tập nào có vẻ là người đi biểu tình, tôi rảo bước quanh vườn hoa Tao Đàn. Gặp được mỗi bác Tô Oanh (Bắc Ninh), người tôi đã gặp trong mấy cuộc biểu tình trước. Rủ bác ngồi đâu uống nước chờ đợi giờ G nhưng bác nói đang có việc bận. Tôi kiếm được một hàng trà chén trong công viên, vừa uống vừa quan sát. Cách giờ G vài phút vẫn không thấy ai, tôi tiến đến chỗ mép vườn hoa, tiếp cận đám thanh niên đang tụ tập ở bên kia bãi trống trước Nhà hát Lớn để xem có ai “người mình” ở đấy không. Chỉ thấy hầu hết là những thanh niên mặc bluson đen hoặc xanh sẫm, giông giống nhau cả, không có dáng dấp người đi biểu tình, có lẽ họ đi cổ động hay họ chính là các nghệ sỹ đi biểu diễn chương trình “Khát vọng Trẻ” này. Nhưng có lẽ đều không phải, vì sau này tôi thấy lực lượng bắt cóc người biểu tình cũng ăn mặc kiểu như thế. Tôi đánh bạo băng sang, hy vọng gặp “người mình” hoặc có “người mình” ở đâu đó sẽ nhận ra tôi. Thì đúng vậy. Đứng lẫn trong đám thanh niên và cảnh sát này có chị Hiền Giang, bác Lê Hùng và một vài người quen nữa. Tôi mừng rỡ, nhưng lúc này công an đã bắt đầu đuổi “người lạ” ra khỏi khu vực. Chúng tôi bắt đầu lúng túng. Đứng thì không được mà đi khỏi chỗ này thì biết ai khởi sự cho. Tôi rút lá cờ trong túi đưa cho bác Lê Hùng, bảo: “Chú lớn tuổi nhất ở đây, chú tung cờ để tập hợp đi”. Bác Lê Hùng nhận cờ nhưng còn lưỡng lự. Bỗng nhiên chúng tôi phát hiện ngay bên kia đường có khoảng hai chục người, vẻ rất quen, đã tập hợp lại. Chúng tôi ào sang. Gặp anh Nguyễn Tường Thuỵ, các em Minh Hằng, Hạnh, Lê Anh Hùng, Trương Ba Không, cháu Phương và nhiều người quen khác. Vui trào nước mắt! Cờ, biểu ngữ nhanh chóng được tung ra và những tiếng hô đanh thép “Đả đảo Trung Quốc xâm lược” đã vang lên bất ngờ. Không biết nhiều người nấp ở đâu mà trong mấy phút đã lên đến năm, sáu chục người. Tuy còn ít mà tiếng hô nghe đã vang dội. Có lẽ lòng người tức tưởi bấy lâu, như cái lò xo bị nén chặt, giờ thành năng lượng bật lên, nên thật mãnh liệt. Xe công an cũng nhanh chóng áp sát và phát ra những tiếng chói gắt: “A “nô”, đồng bào chú ý... Vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương rõ ràng và kiên quyết bảo vệ chủ quyền “nãnh” thổ, giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng phương pháp đối thoại hoà bình... Yêu cầu không đứng dưới “nòng” đường... Mọi hành vi cản trở các “nực nượng nàm” nhiệm vụ, gây rối trật tự công cộng sẽ bị xử phạt...”. Chao ôi, một đoạn văn lủng củng, chẳng ra lý lẽ gì cả, chỉ nặng về đe doạ người biểu tình. Người đọc thì ngọng líu ngọng lo. Có lẽ đây là những lời củ chuối nhất so với tất cả các lời “thuyết phục” trong các cuộc biểu tình trước đó. Có người tức quá quát lên: “Giải thích thế à, hả? Tôi cũng tức nghẹn trong lòng. Biểu tình không là hoà bình, là ngoại giao thì là cái gì? Chúng tôi có ai đem vũ khí không? Có ai làm sướt một lỗ chân lông của một thằng Tàu nào không?

Đoàn người không tụ tập lâu mà tuần hành luôn dọc phố Tràng Tiền, mỗi lúc một đông. Trước khi bị khủng bố có lẽ đến 400 người (nhưng sau biết rằng trong số này có đến 1/4 là an ninh chìm). Tôi thầm nghĩ cứ tốc độ này khi về đến chỗ cắt Điện Biên Phủ - Trần Phú sẽ được đến sáu, bảy trăm. Những tiếng hô lần này nghe phẫn uất lạ  thường. Bởi vì chỉ từ tháng tám đến nay Trung Cộng đã ra đòn liên tiếp, bao nhiêu là trò ÁC, BẨN, THÂM ĐỘC và chúng được MẶC SỨC TUNG HOÀNH vì người dân Việt Nam ta đã bị/ được Đảng và Nhà nước ta khoá mồm, khoá tay rồi.

Minh Hằng, sau 5 tháng tù đày (mà phần lớn thời gian ở tù, cô tuyệt thực), lúc mới ra tù thân tàn ma dại, mà hôm nay lại lẫm liệt như hè năm ngoái. Chỉ có mái tóc thì bạc đến nửa, khiến tôi vô cùng xót xa. Và câu khẩu hiệu cô hô nếu ai để ý cũng có khác năm ngoái: “Đả đảo TRUNG CỘNG xâm lược”. Tôi lại gần bảo: “Em hô vừa phải thôi, giữ sức, vì không thể khoẻ như năm ngoái được. Mà em gọi “Trung Cộng” là chính xác lắm”. Minh Hằng bảo: “Đúng thế. Mình nói Trung Cộng nghĩa là không có nhân dân Trung Quốc trong đó. Nhân dân Trung Quốc không có tội, họ cũng khốn khổ vì nhà cầm quyền Trung Cộng”. Tôi cảm phục sự nhận thức của cô.

Tôi thấy một chị có tuổi, cao lớn, chống nạng, thêm một cháu thanh niên dìu đi. Chị đi rất khó khăn, nhưng tinh thần rất hăng hái, tiếng hô của chị vang, đanh, đầy phẫn nộ. Tôi thấy chị quen quen nhưng không thể nhớ chị là ai. Hỏi cháu thanh niên dìu chị, cháu bảo cũng không biết. Nhưng rồi có người giới thiệu ngay cho tôi chị là chị Hài, người trong bức ảnh nổi tiếng về cuộc biểu tình chống Trung Cộng đầu tiên cách đây đúng 5 năm. Tôi bảo: “Chị trong bức ảnh đó thật dũng mãnh. Nhưng hôm nay trông chị già đi nhiều quá, em không nhận ra được”. Chị bảo: “Từ hai linh bảy mà lại”. Thực ra 5 năm đâu phải dài. Chị vốn là dân oan, đã từng đi khiếu kiện khắp nơi. Ngoài nỗi đau Tổ quốc, chị còn nỗi đau và nỗi nhọc nhằn vô tận của người dân oan, bảo không già nhanh sao được.

Vào đường Tràng Thi một đoạn, cuộc tuần hành đang khí thế thì bỗng nhốn nháo. Hàng loạt thanh niên chạy huỳnh huỵch, luồn lách qua đám đông. Những thanh niên này áo bluson đen hoặc xanh sẫm, không hề đeo băng đỏ, rất giống một số thanh niên lúc đứng trước sân Nhà hát Lớn. Có người hô “Bắt người. Đả đảo bắt người”. Tôi chưa rõ chúng bắt ai và bắt ở chỗ nào nhưng cũng vội hô theo “Đả đảo bắt người”. TIếng hô tiếng quát hỗn loạn. Tôi còn đang ngơ ngác thì thấy hai tên nắm hai cánh tay tôi kéo đi, nắm nhẹ thôi, như là kiểu quen nhau. Tôi quát “Làm gì thế” và vằng mạnh cánh tay theo phản xạ tự nhiên. Cả hai tên tuột ra. Chúng tuột tay hay là chúng bỏ tôi để chạy lên hỗ trợ cho đám bắt đang bị chống trả quyết liệt kia thì không rõ. Mà bọn này ở đâu ra đông thế? Chúng bắt người có vẻ rất chuyên nghiệp (sẽ nói thêm ở phần sau). Có mấy cú bắt mà tôi không thể nhìn rõ nạn nhân là ai, vì nó nhanh quá và đám an ninh chìm thì đông quá. Tôi nhận cháu Phương bị chúng bắt rất hung hãn và cháu thì chống trả rất quyết liệt. Người bị bắt thứ hai mà tôi thấy được, cũng là người sau cùng trước khi đến lượt tôi là cô Hạnh. Tôi lao cứu cô nhưng chả ăn thua gì. Rồi không khí bỗng nhiên chìm xuống bất ngờ. Chỉ có  tiếng cãi cọ trên xe, còn dưới đường mọi người đã dạt đâu gần hết. Tôi có thể sẽ không bị bắt nếu yên lặng bỏ đi. Trên xe cũng có vẻ chật lắm rồi, không cần bắt thêm nữa. (Xe này bé, cỡ xe 24 chỗ, có lẽ không gọi là xe bus được). Nhưng tôi cảm thấy bỏ đi hay cứ đứng nhìn tuyệt vọng thì tủi hổ quá nên lại tiếp tục hô to: “Đả đảo bắt người trái phép! Đả đảo bắt người trái phép!”. Thế là xuất hiện ngay 3 tên nhào vào bắt tôi. Tôi quát to: “Buông ra. Chúng mày là ai?” Một tên giật biểu ngữ của tôi, nhưng tôi giữ được. Một tên bảo: “Mời bác lên xe”. Tôi nhìn thẳng vào mặt nó, quát to: “Mời hay bắt? Côn đồ thế à? Bắt người trái phép không xấu hổ à?”. Một tên bảo: “Thì mời chú lên xe mà”. Tôi bảo: “A, mời kiểu côn đồ có khác! Thôi để tôi tự đi”. Một tên nói: “Ờ, có thế chứ. Nhẹ nhàng vẫn dễ chịu hơn”. Tôi tức trào tận cổ, không thể tìm ra câu nào đáp lại cho xứng đáng, nhưng rồi cũng nói được một câu: “Ừ, nhẹ nhàng với côn đồ vậy, vì chả còn cách nào khác”. Đến sát cửa xe có một tên công an sắc phục nữa tiếp tay. Chúng ấn tôi vào chiếc ghế ngay sau ca bin.

Tôi là người bị bắt cuối cùng. Bên dưới chật ních và vẫn đang cãi cọ om sòm. Hình như cháu Phương vừa bị đánh, đang phản ứng gay gắt. Anh Tường Thuỵ vốn nho nhã điềm đạm, hôm nay cũng bừng bừng lửa giận. Anh Trương Dũng bị chúng giật máy ảnh phản ứng quyết liệt nhất. Tôi nhận ra hai tên vừa bắt mình liền lấy máy ảnh ra chụp nhưng chúng ngăn lại. Sau một hồi cãi nhau với anh Dũng, một tên bảo đồng bọn: “Thôi cho chụp thoải mái đi, có gì mà sợ”. Không khí trong xe vì thế trở nên trật tự. Tôi lấy máy ảnh chụp hai tên lúc nãy. Sau này mới biết sở dĩ chúng tự tin cho chụp là vì về trại Lộc Hà chúng thu máy ảnh và xoá hết, “không sợ” là phải.   

(Còn nữa) 
Đ.T.T

[1] Tạm tính từ khi mình “phát hiện”.

5 nhận xét :

  1. Cận cảnh xô đẩy, giựt cờ tổ quốc, cướp biểu ngữ của người biểu tình tại Sài Gòn ngày 9/12/2012

    Xem video clip quay cận cảnh:

    http://www.youtube.com/watch?v=34Joumj_DMM

    Trả lờiXóa
  2. KTS Trần Thanh Vânlúc 10:59 12 tháng 12, 2012

    Chào anh Đào Tiến Thi, hôm tang lễ chồng tôi, ngày 7/12/2012, anh có đến cùng nhiều bạn bè thân quý khác, tôi lờ mờ nhận biết hết, nhưng nghẹn ngào chưa cám ơn các anh chị được lời nào.
    Sáng ngày 9/12, tôi đang ở trong quê thanh toán các khoản chi tiêu cho tang lễ, thì nhận được tin anh đã "đực rước lên xe" sang tham quan trại Lộc Hà. Tôi vội cử thằng cháu chồng tôi, đi cùng con trai anh và nhiều bạn khác sang trại Lộc Hà, nhưng chỉ gặp được mỗi mình em Đoan Trang được thả ra do bị "bắt nhầm"
    Hôm nay đọc bài này của anh, tôi còn được "gặp" thêm em Bùi Hằng và nhiều người khác, mà hôm tang lễ cũng đã có mặt.
    Cám ơn các bạn.
    Chúng ta yêu nước, chúng ta căm thù bọn giặc bá quyền lăm le cướp nước ta. Chúng ta giận và thương những cậu công an ngu xuẩn và bất lực. Họ không phải bọn bán nước, họ cũng vì đồng lương hàng ngày mà nhẫn tâm làm theo lệnh của bọn xấu.
    Mong sao đến lúc họ tỉnh ngộ, nhất định đến lúc họ tỉnh ngộ. Cái gì sẽ xẩy ra? Anh và tôi đều biết

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cảm ơn chị Trần Thanh Vân. Em với chị chỉ lờ mờ biết nhau qua các cuộc biểu tình, nhưng về quan điểm, tình cảm thương nước thương nòi thì đã khá đồng cảm qua việc bày tỏ ý kiến trên các báo "lề dân" từ lâu.
      Sáng nay em đọc bài Đôi lời tâm sự cùng các bạn trí thức, em mới được biết rõ hơn về anh Lê Tiến Thiện - chồng chị, anh thực là một trí thức đáng kính trọng. Giá như lúc sinh thời của anh, em được quen biết thì sẽ học hỏi được ở anh rất nhiều. Tiếc thay.
      Chúc chị vượt qua nỗi đau mất mát để đi tiếp con đường mà anh đã đi và chị đang đi.
      TB: Giờ em cũng mới biết chị còn một cháu đang học phổ thông. Em là một nhà giáo, nếu cháu cần tư vấn, giúp đỡ về vấn đề học tập, trong khả năng của mình, em xin sẵn sàng giúp cháu.

      Xóa
  3. Chung toi rat cam on cac anh chi, khong quan than minh vi tinh yeu que huong dat nuoc VN minh.Chung toi tin rang nhan dan ta phai thang, Vn se co ngay sanh vai cung cac dan toc tien tien tren the gioi. Cang dung bao luc thi cang chung to su kem coi bat luc cua nha cam quyen chu khong the noi la suc manh.trong cuoc dau tranh vi To quoc Viet Nam dan chu, tu do, hanh phuc la con duong lau dai va cung phai co nhieu hy sinh. Neu khong co cac anh chi nhung nguoi tri thuc chan chinh di dau thi dat nuoc nay bao gio moi mo mat ra duoc. Chung toi se noi guong cac anh cac chi.

    Trả lờiXóa
  4. TRỜI ĐẤT! BÁC XUÂN DIỆN VÀ MỌI NGƯỜI XEM NÈ. CHỊU NỔI KHÔNG!!!

    Đảng nặng lời với báo vụ 'TQ cắt cáp'

    Cơ quan phụ trách báo chí hàng đầu của Đảng đã nặng lời chỉ trích các báo khi đưa tin Trung Quốc cắt cáp và dọa sẽ có hình thức 'kỷ luật'.

    "...Bản chất của vấn đề được hiểu là hai tàu dã cào của Trung Quốc đã vô tình chạy qua đuôi của tàu Bình Minh gây đứt cáp chứ không phải là chủ trương cắt cáp của Trung Quốc."

    Xem chi tiết bản tin của BBC:

    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/12/121212_ban_tu_tuong_khien_trach_bao_chi.shtml

    Trả lờiXóa