Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

VIỆT NAM ĐĂNG CAI ASIAD 2019 - BUỒN VÀ LO

Nghe tin Việt Nam giành quyền đăng cai ASIAD 2019 quá hoang mang lo lắng

Tổ chức sự kiện thể thao: Lợi bất cập hại

Sau World Cup 2010, Nam Phi thu về bằng một phần mười tiền đầu tư. Sân Tổ chim phục vụ Olympic của Trung Quốc giờ chỉ bán vé cho khách tham quan, còn Hy Lạp nhiều lần suýt vỡ nợ từ sau Olympic Athen 2004.

>Nước chủ nhà thường lỗ nặng vì ASIAD
>Việt Nam giành quyền đăng cai ASIAD 2019

Khi nhắc đến các sự kiện thể thao tầm cỡ như Olympic hay World Cup, phần lớn mọi người đều cho rằng đó là một mỏ vàng với lượng khách du lịch vô tận và hàng tấn tiền được chi ra khắp các con phố của nước chủ nhà. Tuy nhiên, đó chỉ là một số trường hợp hiếm hoi. World Cup 2010 ở Nam Phi chỉ thu được khoản lời bằng một phần mười chi phí đầu tư, còn Olympic Athens 2004 để lại cho Hy Lạp khoản thâm hụt ngân sách gấp hai lần giới hạn của eurozone và nợ công cao nhất Liên minh châu Âu (EU).

Theo giới truyền thông, một trong các sự kiện thể thao thành công nhất từng được tổ chức là Thế vận hội Olympic mùa hè 1988 tại Seoul (Hàn Quốc). Trong giai đoạn 1981 - 1988, số người có việc làm của Hàn Quốc đã tăng lên hơn 300.000, thu nhập cả nước thêm 12,4% và GDP bình quân đầu người tăng từ 2.300 USD lên 6.300 USD. Tăng trưởng ấn tượng sau sự kiện này đã đưa Hàn Quốc vào nhóm các nước công nghiệp mới (NIC).

Đây cũng là kỳ Olympic có lợi nhuận lớn nhất trong lịch sử với 479 triệu USD, cao hơn tới 125 triệu USD so với dự đoán. Tổng cộng, nước này thu về 987,5 triệu USD, trong khi chi phí là 847,7 triệu USD, lợi nhuận sổ sách 139,8 triệu USD. Đó là chưa kể đến hơn 300 triệu USD tiền tài trợ của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp nước này.

 Sân Tổ chim giờ chỉ để cho khách tham quan và làm công viên tuyết. Ảnh: China Daily
Nhưng World Cup 2010 tổ chức tại Nam Phi là kỳ World Cup tốn kém nhất lịch sử với chi phí lên tới 33 tỷ rand (4,8 tỷ USD). Nước chủ nhà đã cho xây 5 sân vận động, một sân bay và nhiều tuyến đường phục vụ giao thông. Riêng sân vận động Green Point ở thành phố Cape Town đã tiêu tốn khoảng 352 triệu USD. Cuối cùng nước này lãi hơn 500 triệu USD, bằng một phần mười chi phí đầu tư. Tăng trưởng kinh tế của Nam Phi sau đó cũng chậm lại, từ 4,6% trong quý I, xuống 3,2% và 2,6% hai quý tiếp theo.

Kỷ lục về kỳ Thế vận hội tốn kém nhất thuộc về Olympic Bắc Kinh 2008 với chi phí gần 300 tỷ NDT (40 tỷ USD). Nước này đã cho xây dựng nhiều tuyến tàu điện ngầm mới, một nhà ga sân bay, đường sắt loại nhẹ, đường bộ và nhiều điểm thi đấu thể thao khác. Nổi tiếng nhất là Sân vận động Olympic (Sân Tổ chim) gần 100.000 chỗ ngồi với chi phí 423 triệu USD. Tổng cộng, nước này thu lãi hơn 1 tỷ NDT (146 triệu USD).

Kể từ khi giành quyền đăng cai Olympic, giai đoạn 2001 - 2006, GDP nước này tăng với tốc độ trung bình 12,2% hàng năm. Thu nhập bình quân đầu người cũng tăng hơn gấp đôi lên 6.300 USD. Tổng cộng, Olympic đã tạo ra hơn 1,8 triệu việc làm cho nước này.
Tuy nhiên, sau Olympic, hàng loạt công trình mới xây của Trung Quốc đã bị bỏ hoang. Sân vận động quốc gia Tổ chim chỉ tổ chức được một buổi trình diễn của diễn viên Thành Long, một trận bóng đá, buổi diễn opera và sau đó làm công viên tuyết. Đội bóng quốc gia nước này cũng từ chối chọn đây làm sân nhà và hiện "Tổ chim" chỉ để cho khách tham quan vào xem với giá 7 USD. Thậm chí, vì ít sử dụng, nhiều chỗ trong sân vận động này còn bị tróc sơn rất nặng nề, còn số người bán hàng rong xung quanh lúc nào cũng áp đảo cả du khách nước ngoài.

Chịu hậu quả nặng nề nhất từ việc làm chủ nhà một sự kiện thể thao có lẽ là Hy Lạp. Năm 2004, Hy Lạp chi 15 tỷ USD để tổ chức Olympic Athens, gấp đôi dự kiến ngân sách ban đầu là 6 tỷ USD. Chỉ riêng chi phí an ninh đã là hơn 1,2 tỷ USD, gấp năm lần khoản chi cho Olympic Sydney 2000. Khi Hy Lạp giành quyền đăng cai, nước này đã thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận quốc tế. Đây là quốc gia nhỏ nhất từng tổ chức sự kiện này và ngân sách Hy Lạp cũng chưa bao giờ cân bằng trong suốt 40 năm qua.

Để phục vụ cho Olympic, nước chủ nhà đã không tiếc tiền xây dựng hàng loạt công trình như Sân vận động Olympic, đường ray xe điện nối các điểm thi đấu ở Athens, khu Phức hợp thể thao Olympic, Nhà thi đấu bóng rổ Helliniko, Khu phức hợp ven biển Faliro và nâng cấp hàng loạt tuyến giao thông tại Athens.

Tuy nhiên, sau khi Olympic kết thúc, hơn một nửa số công trình này vẫn bị bỏ hoang đến bây giờ. Trung tâm thể thao dưới nước cạn trơ đáy, khu phức hợp thể thao Olympic bị vẽ bậy đầy tường, còn sân thi đấu bóng chuyền bãi biển giờ hoang vu như sa mạc.

Tồi tệ nhất là việc bội chi cho Olympic khiến thâm hụt ngân sách nước này năm 2004 tăng lên 6,1% GDP, gấp hai lần giới hạn của eurozone. Nợ công lên đến 110,6% GDP (hiện là 165,3% GDP), cao nhất EU. Kể từ đó, kinh tế Hy Lạp tuột dốc không phanh, nhiều lần đứng trước nguy cơ vỡ nợ và phải liên tục thắt chặt để đổi lấy các gói cứu trợ của EU/IMF. 2012 được dự đoán là năm suy thoái thứ 5 liên tiếp của nước này kể từ 2008. Tỷ lệ thất nghiệp cũng leo lên mức kỷ lục 25,1% trong tháng 7 vừa qua.

Hà Thu (tổng hợp)
Nguồn: VNE.

10 nhận xét :

  1. TQ có sân tổ chim, ta phải xây tổ cò để ghi - nét, nghèo là nghèo thế nào, đi vay nợ xây cho oách, nay đã trúng thầu cưỡi hổ miễn bàn, cùng lắm thì con cháu sau này chả nợ, ăn chơi sợ gì mưa dơi, lo tiền một lo có vận động viên nào đạt chuẩn mới là mười, hay lại thuê nốt? cuối cùng có tí lợi nhưng răng không còn là chắc chắn.
    Đúng là một người lo cả nước được nhờ, ngược lại có khi làm cả nước lo hơn.

    Trả lờiXóa
  2. Trong tình hình kinh tế cực kỳ khó khăn như hiện nay. Đáng lẽ số tiền đó dùng cho mục đích hỗ trợ dân sinh thì tốt hơn. 150 triệu USD đó chỉ là kinh phí ban đầu, ai bảo đảm sẽ không phát sinh thêm ? Các nước tổ chức Asiad đều phải bỏ ra hàng tỷ USD. Năm ngoái, nước chủ nhà Trung Quốc đã tiêu tốn tới hơn 18 tỷ USD cho Asiad Quảng Châu. Với số tiền hàng tỷ USD như thế sẽ là con số khủng so với nền kinh tế còn bé nhỏ của Việt Nam. DUBAI (là quốc gia giàu có; là nước xuất khẩu dầu mỏ; là thiên đường nghỉ dưỡng của các đại gia, các tỷ phú đô la khắp 5 châu với những khách sạn 7 sao sang trọng) đã bỏ cuộc rồi đó.


    Mời xem bài báo:

    http://www.baomoi.com/3100-ty-dong-cho-Asiad-2019-tai-Viet-Nam/55/9718642.epi

    Trả lờiXóa
  3. Nếu trưng cầu ý kiến nhân dân chắc ít người đồng ý Việt nam dăng cai asia

    Trả lờiXóa
  4. Châu Á đã quá ngán ngẩm ASIAD rồi , chỉ có Việt nam vì ngớ ngẩn nên một mình lao vào đăng cai . Chắc chắn khoản đầu tư vài chục tỉ đôla sẽ để lại cho VN một khoản nợ khổng lồ , nhưng cũng chắc chắn sẽ để lại trong túi các quan chức Chính phủ một khoản tiền rất lớn . Đó là điều khỏi cần bàn cãi ! Có cần phải đưa ra Quốc hội đang họp để xem xét lại việc đăng cai vô bổ này không ! Cứ thấy như SEAGAM với cái sân Mỹ Đình ở HN và mấy chục Nhà thi đấu ở các địa phương bị xà xẻo lúc thi công , đến nay không khai thác được đã là bài học đau đớn chưa nguôi ngoai , giờ lại tiếp tục đi vào vết xe đổ ư ? Thôi xin đừng vin vào ảo tưởng tốp 10 ASIAD để kiếm chác nữa , các quan ạ ! Người dân biết tỏng cái mưu đồ đen tối của các ông rồi ! Xin hãy lên tiếng phản đối việc đăng cai này hỡi các ông bà dân biểu ! Chỉ có những kẻ được ăn chia trong vụ này mới im lặng thôi !

    Trả lờiXóa
  5. Những người tổ chức bị nhủn não...dân quá nghèo vào bệnh viện 3,4 bệnh nhân nằm 1 giường, học sinh đi học nhịn ăn, xĩu lên, xĩu xuống, công nhân không đủ dinh dưỡng teo cơ, tương lai thế hệ thanh niên VN là những khúc gỗ mục...đất nước biết nương dựa vào đâu...

    Trả lờiXóa
  6. Tôi còn nghe dân Nga phàn nàn: "Một trong những yếu tố đẩy nhanh quá trình sụp đổ Liên bang xô-viết là việc đăng cai Đại hội Olimpic Moscow năm 1980". Liên-xô đã đổ vào sự kiện này hàng chục tỷ đô-la để sau đó là nền kinh tế kiệt quệ, hàng hóa khan hiếm, với cảnh những cửa hàng thực phẩm trống rỗng, người dân phải dùng tem phiếu mua thịt và bơ, sữa.

    Trả lờiXóa
  7. Ngàn năm Thăng Long Hà Nội chuẩn bị bao lâu, tiêu bao nhiêu tiền cũng chỉ 10 ngày rồi sau đó ... Asiad từ nay tới đó chỉ có 6 năm , trong lúc quốc khố teo tóp, nợ nần chống chất, phát triển kinh tế không kềm được đà tuột dốc, kinh tế khó khăn, công nhân nhiều người thất nghiệp, nhiều doanh nghiệp giải thể , nhiều CLB bóng đá lao đao muốn chết. Các ngài muốn sai Vũ như Tô xây cung điện trăm nóc , xây nhà trăm gian cho thiên hạ tới coi chơi mà nhân dân khóc than sao ?

    Trả lờiXóa
  8. Ngân khố nhà nước đã cạn, thậm chí ông Bộ trưởng Tài chính còn nói trước QH là không có tiền chi bù theo lộ trình cho người hưởng lương, dù là đồng lương chết đói! Mà nền thể thao VN thì lụn bại, đi olympic có được cái huy chương nào đâu, có đáng mời thiên hạ tới khoe mẽ không! Thế mà còn cố ném tiền vào sự kiện tổ chức Asiad để làm gì, trong khi nhiều QG còn giàu có hơn ta cũng bỏ?! Đa số người dân bất bình và không ủng hộ việc tổ chức Asiad này! Chỉ nhóm lợi ích có điều kiện tham nhũng, xà xẻo kinh phí trong các dự án, xây dựng...là ủng hộ thôi!

    Trả lờiXóa
  9. Ông Hoàng Vĩnh Giang phải trả lời trước nhân dân khi làm asiad người dân được lợi gì? Hậu quả để lại ông có chịu trách nhiệm không?

    Trả lờiXóa
  10. Đây lại là cơ hội cho bè lũ tham nhũng , chứ dân chúng tôi giờ chả ai còn lòng dạ nào xem ASIAD : nào là chuẩn bị nộp phí xe đạp điện , nộp phạt xe không chính chủ, lại còn tiền học cho con , tiền viện phí (đã tăng cao) ,....và còn nhiều các loại phí nữa đè lên cổ dân. Thu nhập chẳng được là bao , mà tiền lại lạm phát 2 con số, asiad nỗi gì?

    Trả lờiXóa