Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

TRUNG QUỐC TỰ CHO QUYỀN HOÀNH HÀNH TRÊN BIỂN ĐÔNG

RFI: Trung Quốc tự cho quyền chận bắt và trục xuất tàu nước ngoài tiến vào Biển Đông

Tàu hải giám Trung Quốc số 84 và số 17 trên Biển Đông. Ảnh chụp ngày 26/05/2011 ngoài khơi tỉnh Phú Yên (miền Trung Việt Nam)
Tàu hải giám Trung Quốc số 84 và số 17 trên Biển Đông. Ảnh chụp ngày 26/05/2011 ngoài khơi tỉnh Phú Yên (miền Trung Việt Nam)
Reuters/Petrovietnam

Trọng Nghĩa
 
Mối lo ngại về nguy cơ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông bị tham vọng chủ quyền của Trung Quốc giới hạn như vừa được chính nước này xác nhận. Theo báo chí Trung Quốc, vào hôm nay, 29/11/2012, tỉnh Hải Nam, địa phương được Bắc Kinh trao quyền quản lý Biển Đông, vừa thông qua các quy định mới cho phép cảnh sát biên phòng quyền « lên tàu, tịch thu giữ và trục xuất các tàu ngoại quốc xâm phạm trái phép vùng biển của tỉnh ». Quyết định này bị coi là một động thái mới của Trung Quốc trong mưu toan độc chiếm Biển Đông.

Theo nhật báo Anh ngữ China Daily, sau khi được tỉnh Hải Nam thông qua vào hôm thứ Ba, 27/11, hệ thống quy định này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2013. Sắp tới, tỉnh Hải Nam sẽ công bố toàn bộ các quy định.

Trước mắt, báo chí Trung Quốc tiết lộ, trong số các hoạt động bị coi là trái phép, có việc xâm nhập vùng biển của tỉnh mà không có phép, dừng lại hay thả neo bất hợp pháp, phá hoại các hệ thống bảo vệ bờ biển… và « thực hiện các chiến dịch quảng cáo gây nguy hại cho an ninh quốc gia Trung Quốc ».

Bình thường ra, các quy định trên đây không có gì đáng nói. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là tỉnh Hải Nam chính là địa phương nơi chính quyền Trung Quốc vừa cho thành lập đơn vị hành chánh « Thành phố Tam Sa », có trách nhiệm quản lý hầu như toàn bộ vùng Biển Đông mà Bắc Kinh cho là thuộc quyền sở hữu của họ, bất chấp các tuyên bố chủ quyền của Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Đài Loan.

Nói cách khác, phạm vi hoạt động của cảnh sát biên phòng tỉnh Hải Nam bao trùm một diện tích khoảng 2 triệu cây số vuông biển đảo, bao trùm các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và Trung Sa. 

Khi được hỏi về sự kiện này, ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào hôm nay đã khẳng định : « Đó là quyền hợp pháp của một Nhà nước có chủ quyền để thực hiện công việc quản lý hàng hải ». 

Còn Hoàn cầu Thời báo thì dẫn lời ông Lý Triệu Kiệt (Li Zhaojie), một giáo sư tại Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh), dự đoán rằng các quy định mới được thông qua có thể dẫn đến việc thực thi chặt chẽ quyền trục xuất tàu ngoại quốc bị cho là thâm nhập bất hợp pháp vào lãnh thổ của Trung Quốc. 

Theo vị giáo sư này, đó là các quyền được một công ước Liên Hiệp Quốc thừa nhận : « Trong quá khứ, khi tàu nước ngoài vi phạm công ước Liên Hiệp Quốc, điều tốt nhất mà lực lượng tuần tra có thể làm là đuổi họ ra khỏi vùng biển của Trung Quốc. Quy định mới sẽ thay đổi tình trạng này, và cung cấp cho lực lượng tuần tra phương tiện pháp lý để thực sự làm công việc của mình ». 

Báo China Daily còn tiết lộ là Lực lượng Hải giám Trung Quốc có kế hoạch cử thêm tàu tuần tra xuống Biển Đông. 

Theo giới quan sát, quyết định tự cho quyền chận bắt các tàu ngoại quốc đi vào vùng lưỡi bò mà Bắc Kinh đòi chủ quyền là một hành động leo thang mới của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, sẽ làm tình hình căng thẳng thêm lên. 

Động thái này nối tiếp theo một hành đông bị coi là khiêu khích khác : Thể hiện các yêu sách chủ quyền trong hộ chiếu mới, trong đó có việc in tấm bản đồ 9 đường gián đoạn. Hành vi này ngày càng bị nhiều nước phản đối.

Nguồn: RFI.
BBC: TQ sẽ khám tàu nước ngoài ở Biển Đông?
Cập nhật: 10:31 GMT - thứ năm, 29 tháng 11, 2012

TQ đã có nhiều tàu hải giám hoạt động tại Biển Đông và Hoa Đông

Cảnh sát Hải Nam đã được trung ương trao quyền ‘khám xét tàu thuyền’ đi vào vùng mà Trung Quốc coi là ‘lãnh hải’ của họ ở Biển Đông.

Các hãng thông tấn nước ngoài từ Bắc Kinh hôm 29/11/2012 cho hay từ 1 tháng 1/2013, cảnh sát tỉnh Hải Nam sẽ “lên tàu và khám xét” thuyền bè nước ngoài.
Họ cũng sẽ cầm giữ tàu thuyền mà phía Trung Quốc cho là “vi phạm lãnh hải” của Trung Quốc.

Cho tới nay, các nguồn nước ngoài đều trích dẫn bản tiếng Anh của báo Trung Quốc, tờ China Daily nói các quy định mới cho phép Hải Nam thực hiện việc khám xét và bắt giữa tàu thuyền nước ngoài từ năm mới.

Tuy vậy, hiện không rõ Trung Quốc muốn nói đến cả các tàu khách và tàu hàng hay các loại tàu thuyền nào nữa.

Dù thế, hãng tin Reuters khi đưa tin này đã viết đây là động thái có thể sẽ làm tăng thêm căng thẳng trong vùng biển ‘Nam Trung Hoa đang tranh chấp’.

Trang của SkyNews ở Anh thì đăng tấm bản đồ ‘lưỡi bò’ với chú thích hiện Trung Quốc ‘đang đòi chủ quyền gần hết biển Nam Trung Hoa’.

SkyNews cũng nói họ nhìn thấy ảnh vệ tinh ghi nhận các hoạt động xây cất của cả Trung Quốc và Philippines đang tăng mạnh ở một hòn đảo thuộc Trường Sa.

'Thật là quá thể'

"Nếu đúng thế thì đây sẽ là lo ngại cho Philippines và cộng đồng quốc tế"
Raul Hernandez

Bài của phóng viên Mark Stone từ Bắc Kinh nói tuy các chuyên gia không lo sợ sẽ có xung đột quân sự ngay lập tức tại khu vực Biển Đông, hoạt động ‘gần sát nhau’ của hải quân các nước có thể làm nổ ra vấn đề nghiêm trọng hơn.

Báo chí quốc tế cũng nói Trung Quốc sẽ “thay thế các tàu hải giám mới” để hoạt động trong vùng biển Đông và Hoa Đông, nơi hiện họ có tranh chấp với Nhật Bản về Điếu Ngư/Senkaku.

Reuters hôm 29/11 trích lời giới chức Philippines nói hành động của Trung Quốc từ năm 2013 sẽ “vi phạm quyền hàng hải quốc tế”.

Tàu cá của Trung Quốc tại vùng Trường Sa
Trung Tướng hải quân Juancho Sabban nói:

“Thật là quá thể. Trong khi chúng tôi đang tìm mọi biện pháp hòa bình thì họ lại làm thế.”

Còn ông Raul Hernandez, phát ngôn viên cho Bộ Ngoại giao Philippines thì nói Bộ của ông còn đang kiểm chứng tin báo chí về quy định mới của Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông nói, nếu đó là sự thật thì “đây sẽ là lo ngại cho Philippines và cộng đồng quốc tế”.

Cho đến chiều 29/11 giờ Hà Nội, chưa thấy giới chức Việt Nam lên tiếng về chuyện này.

Động thái mới đây nhất của Trung Quốc cho in đường lưỡi bò trong hộ chiếu điện tử mới cấp cho công dân họ đã gây ra phản đối và hành động đáp trả của nhiều nước châu Á, gồm cả Việt Nam.

Trong những năm qua, đã nhiều lần Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên Biển Đông thuộc vùng gần Hoàng Sa và có lúc đòi tiền chuộc rồi mới thả họ về.

Nhưng chuyện công bố để cảnh sát Hải Nam lên tàu và khám xét là diễn biến mới.

Nguồn: BBC.
 

6 nhận xét :

  1. Đe dọa các nước nhỏ Trung quốc tiến thêm một bước "chơi bài ngửa "với Hợp chủng quốc Hoa kỳ "Khi mà ngài Bộ trưởng Hoa Kỳ đã nhận được "binh Pháp Tôn tử "một nhã ý của Trương quang Liệt

    Trả lờiXóa
  2. THẾ NÀY THÌ NGUY TO RỒI!
    Những kẻ cầm quyền Trung cộng thật là đê tiện: "miệng thì Nam mô... nhưng bụng thì một bồ dao găm". Chúng nói một đường, làm một nẻo, nhưng mặt chúng vẫn tỉnh bơ, thật là những kẻ vô liêm sỉ. Thế này thì nguy t0 rồi bà con ơi! Các nước có tranh chấp trên Biển Đông với Trung cộng hãy hợp sức lại với nhau, đặc biệt là Nhật bản, để đối phó với gã khổng lồ tham lam chuyên đi ăn hiếp các nước nhỏ bé...

    Trả lờiXóa
  3. Trung Quốc thật không hổ danh là một con cáo già nham hiểm.
    Tham vọng của Trung Quốc là trở thành một cường quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương,ngang hàng với Mỹ ở khu vực này.Trung Quốc đã mở chiến dịch ngoại giao rộng lớn để tăng ảnh hưởng,hợp tác từ các nước phát triển ở phương tây,cải thiện với các nước trong khu vực,đặc biệt là lôi kéo các nước Đông Nam Á để tách rời thế "chân kiềng"thế"quần lang đấu hổ".Trong khi đó Trung Quốc tập trung gây sức ép với Việt Nam về mọi phương diện.Phải chăng Trung Quốc cho rằng Việt Nam là điểm yếu và dễ lấn chiếm nhất?Có thể đúng như vậy,vì có thể Trung Quốc coi Việt Nam đang là nước còn khó về quân sự,đơn độc về chính trị và quá cả tin về mối quan hệ,cũng như luôn nhún nhường,yếu ớt trong việc bảo vệ chủ quyền?
    Chấn Phong.

    Trả lờiXóa
  4. Sẽ có ngày TRUNG QUỐC tuyên bố Quả cầu là của nó và nó có toàn quyền quyết định!!!

    Trả lờiXóa
  5. Thật kỳ lạ trong đối sách của ta,là thành viên trong Asean và là một trong bốn nước bị thăng Tàu lấn át nhiều nhất mà không tự mình tìm sự dàn xếp thống nhất trước với những thành viên có liên quan khác là Philipin, Malaisia, Brunei, Indonesia .Nội bộ dàn xếp ổn thoả xong mới có thể tìm kiếm thêm sự đồng thuận của các nước khác trong khối .Từ đó mới có thể nhân danh Asean ( với ý kiến đa số đồng thuận ,vì có thể Cămpu phản thùng )để nói chuyện với thằng Tàu được tránh tình trạng ông chẳng bà chuộc ngay trong khối.
    Đề xuất của Philipin họp riêng 4 nước là hợp lý ,kịp thời ,Mong rằng chúng ta tích cực phối hợp với họ để hội nghị có kết quả tốt đẹp.

    Trả lờiXóa
  6. Hải quân Asean mà trọng tâm là hải quân các nước có tranh chấp lãnh thổ lãnh hải với thằng Tàu cần có một cơ chế hợp nhất tuần tra chung vùng lãnh thổ của Asean.Đó là đối sách tốt nhất để đương đầu với hải quân Tàu ,với tư cách này thì Hoa kỳ và thế giới mới có thể dễ dàng can thiệp hỗ trợ .

    Trả lờiXóa