Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

BBC ĐƯA TIN VỀ MỘT CỤ BÀ 74 TUỔI CHẾT KHI ĐI KHIẾU NẠI Ở HÀ NỘI

Các nhân chứng nói công an Hà Nội có mặt rất đông tại hiện trường
Cụ bà Thanh Hóa 'chết khi đi khiếu nại'

Cập nhật: 11:46 GMT - thứ hai, 12 tháng 11, 2012 

Một cụ bà với nhiều thành tích cách mạng chết 'trong lúc bị công an Hà Nội đưa đi' sau khi giăng khẩu hiệu khiếu kiện về chế độ lương hưu, theo lời kể của nhân chứng.
Tin ban đầu nói nạn nhân là bà Hà Thị Nhung, 74 tuổi, người từ tỉnh Thanh hóa, một vị lão thành cách mạng với nhiều thành tích và huân chương kháng chiến hạng nhì.

Theo lời bà Lê Hiền Đức, một nhà vận động nhân quyền tại Việt Nam nói với BBC hôm 12/11/2012 qua điện thoại, vụ việc xảy ra tại khu tập trung người khiếu kiện ở vườn hoa Lý Tự Trọng, Hà Nội.

Bà Hiền Đức cho biết bà nghe thấy tiếng khóc lóc của nhiều người trong điện thoại vào lúc 8 giờ sáng và nói rằng có một người bị xỉu, sắp chết và hiện tại công an đang bao vây dày đặt khu vực.  "15 phút sau, khi tôi đến thì công an giăng hàng ra rất đông."
 
Những người đi khiếu kiện vẫn đang ngồi đợi công bố nguyên nhân cái chết của bà Nhung 
trong khuôn viên bệnh viện Saint Paul



Bà Nguyễn Thị Cúc, một người có mặt tại hiện trường nói với BBC rằng người bị chết là bà Hà Thị Nhung, 74 tuổi, người tỉnh Thanh hóa và là một lão thành cách mạng với nhiều thành tích.

Bà Trần Thị Quỳnh Mai, một người cũng trong đoàn đi khiếu nại nói cho đến tối 11/11, bà Nhung vẫn khỏe mạnh và ăn uống tốt, minh mẫn ở nơi trọ tạm thời.

"Trước đó, bà Nhung đến làm việc tại trụ sở tiếp dân nhưng kết quả không tốt nhưng kết quả không tốt, muốn kêu oan mà không biết kêu ai," bà Mai kể.

"Bác ấy không có tiền, được một bác trai ở Bình Thuận cũng đi khiếu kiện cho vay tiền mới có tiền ở trọ."

Theo lời kể của bà Cúc, vào lúc sáng 12/11, bà Nhung cùng vài người căng khẩu hiệu và hát tại vườn hoa Lý Tự Trọng vì bức xúc trước vấn đề khiếu nại không được giải quyết khiến bà phải lên Hà Nội từ ngày 8/11.

Được một lúc, công an xuất hiện và dắt tay bà Nhung ra khỏi khu vực vườn hoa.

Trong lúc bị công an đưa đi, bà Nhung quỵ xuống đường, theo lời kể.

"Bà con đi khiếu kiện đã chạy lại xoa thuốc cho bà nhưng không sống được," bà Cúc nói.

"Sau đó công an đến, chúng tôi không cho đem xác bà đi nhưng công an không cho giữ lại."
"Bà Nhung chỉ đứng trong khu vực vườn hoa, không xuống đường và không gây rối trật tự."

Cũng theo bà Cúc, hiện tại xác bà Nhung đang được giữ tại bệnh viện Xanh Pôn.

Khoảng hơn 20 công an mặc đồng phục đang trực tại khu vực này để tránh người ngoài được tiếp xúc.

"Bệnh viện hiên đang đóng kín cửa, không cho ai vào cả," bà Cúc nói thêm. 

Lão thành cách mạng đi ăn xin

Bà Nguyễn Thị Cúc cũng đi khiếu nại cùng với bà Nhung.

"Tôi cũng có 24 năm và 5 tháng công tác, có huân chương kháng chiến hạng ba, còn bị tai nạn 81%" bà Cúc nói.

"Từ năm 86 đã thu sổ hưu của tôi và tôi đã thắc mắc từ tháng Mười năm 86 đến giờ, Nhà nước vẫn không giải quyết, không trả lương cho tôi."

"Từ năm 2005, nhà có sổ đỏ của tôi cũng bị cướp. 8 năm rồi cũng không ai giải quyết đúng cho tôi."

Bà Cúc cũng cho biết chủ tịch ủy ban thị trấn, ông Đinh Trọng Lượng đã giữ giấy sử dụng đất của nhà bà trong bốn năm và khi giao thì đòi phá nhà bà.

"Ông ấy phá nhà xong thì đến năm 2006, ông ấy giao giấy quyền sử dụng đất cho tôi thì tôi phát hiện sơ đồ bản vẽ bị tẩy xóa," bà Cúc kể. 

"Tôi khiếu kiện lên tỉnh cũng bao che, ở huyện cũng bao che."

"Tôi ra Viện khoa học Hình sự giám định giấy thì đúng là bị tẩy xóa cơ học và viết lại. Tôi về tỉnh trình bày thì tôi bị yêu cầu phải chấm dứt khiếu nại."

Khi được BBC hỏi thời gian qua làm sao để sinh sống, bà Cúc nói bà phải đi ăn xin để kiếm sống.

Hiện tại con cái bà cũng không có việc làm và cháu bà thì không có tiền đi học.

Bà Trần Thị Quỳnh Mai, một trường hợp khác thì nói với BBC bà đi khiếu kiện giúp cho anh trai bà, ông Trần Văn Hoa, có sử dụng một diện tích đất 5000 mét vuông, được cấp giấy chứng nhận.

"Tuy nhiên các cán bộ đã lấy đất của anh trai tôi để cấp cho người khác," bà nói.

"Chúng tôi đã kiện từ hồi năm 2001 tới nay." 

"Vẫn tin đường lối Đảng"

Mặc dù trần tình rằng bản thân phải đi ăn xin, và "Đảng và Nhà nước chẳng ai quan tâm đến," bà Cúc nói bà vẫn "tin đường lối của Đảng và tin sẽ giải quyết cho tôi nên tôi vẫn đang kiên trì đấu tranh."

Khi được hỏi tại sao bà chưa tìm đến luật sư, bà Cúc nói do bà không có tiền và vì tin tưởng đường lối của Đảng nên cũng không muốn tìm đến ai cả.

"Bây giờ tôi cũng không biết là kêu đến đâu được, tôi cũng cứ tin tưởng, đi đúng đường lối và chủ trương của Đảng. Nhưng bây giờ tôi yếu lắm rồi. Tôi chắc cũng chả được mấy năm nữa, tôi năm nay 74 rồi."

Nguồn: BBC Tiếng Việt.
Xem thêm tại trang Lê Hiền Đức, tại đây 

Mời nghe audio về cái chết của cụ Nhung, 76 tuổi, dân oan Thanh Hóa.
và video clip người dân chứng kiến: 

  

1 nhận xét :

  1. Thật tội cho bà cụ. Đến tuổi này rồi đáng lý ra phải đang xum vầy vui vẻ bên con cháu. Thế mà...

    Tôi đọc bên RFI cũng có nói về vụ này. Là do công an xô té.

    Thông tin bên RFI:

    http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20121112-ha-noi-mot-ba-cu-khieu-kien-thiet-mang-khi-bi-cong-an-xo-day

    Trả lờiXóa