Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

BÌNH LUẬN CỦA LS. TRẦN VŨ HẢI VỀ NHỮNG Ý KIẾN CỦA GS. ĐẶNG HÙNG VÕ


Bình luận của LS Trần Vũ Hải về những ý kiến

của GS Đặng Hùng Võ

LS Trần Vũ Hải

Cuộc trao đổi giữa Giáo sư Đặng Hùng Võ với đại diện những người dân bị thu hồi đất tại Văn Giang – Hưng Yên tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT) chiều ngày 08/11/2012 tập trung vào 02 Tờ trình của Bộ TN-MT mà  ông đã ký số 14/TTr-BTNMT ngày 12/03/2004 để Thủ tướng ký quyết định 303/QĐ-TTg ngày 30/03/2004; số 99/TTr.BTNMT ngày 29/06/2004 để Thủ tướng ký quyết định 742/QĐ-TTg, giáo sư Đặng Hùng Võ thừa nhận những điểm sau:

1. Ông ký 02 Tờ trình này trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định là trái pháp luật, vì thẩm quyền quyết định những nội dung liên quan là Chính phủ (không phải là Thủ tướng Chính phủ) theo quy định tại những thời điểm này.

2. Hai Tờ trình này (để thẩm tra nội dung đề nghị từ UBND tỉnh Hưng Yên) đã không thẩm tra việc phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đai đã được duyệt cho tỉnh Hưng Yên, thực tế những nội dung này không phù hợp với Quy hoạch đã duyệt. Nói cách khác, các quyết định liên quan của Thủ tướng Chính phủ (do ông Võ tham mưu) không phù hợp quy hoạch theo quy định của Luật đất đai tại thời điểm đó.

3. Quyết định 742/QĐ-TTg tuy có tiêu đề là quyết định giao đất, nhưng thực chất là quyết định thu hồi đất, không phải là quyết định giao đất và ông Võ có sai sót khi không làm rõ trong Tờ trình này. Quyết định 742/QĐ-TTg không có hiệu lực ngay với các hộ dân Văn Giang vì không ghi tên các hộ dân và diện tích đất cụ thể của họ bị thu hồi.

4. Biên bản thẩm định hồ sơ đất đai đề ngày 20/06/2004 (là ngày chủ nhật) được coi do Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên lập và cấp cho ông Võ có ghi: “Biên bản lập xong vào hồi 17 giờ cùng ngày, đọc cho mọi người cùng nghe nhất trí ký tên”. Nhưng trong 35 người tham gia, chỉ có ông Bùi Thế Cử – cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường ký tên, nhưng không đóng dấu. Vì vậy, biên bản này không có giá trị.

5. Tờ trình số 211/TT-UB ngày 25/02/2004 của UBND tỉnh Hưng Yên để xin xét duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2004, 2005 là trình không đúng thời điểm theo quy định của Nghị định 68/2001/NĐ-CP và Thông tư 1842/2001/TT-TCĐC (nếu điều chỉnh bổ sung kế hoạch năm 2004 phải trình sau ngày 01/07/2003 và trước ngày 15/09/2003; điều chỉnh bổ sung kế hoạch năm 2005 phải trình sau ngày 01/07/2004 và do đó phải theo điều chỉnh của luật Đất đai năm 2003).

LS Trần Vũ Hải và GS Đặng Hùng Võ. Ảnh: VNExpress.

Tuy nhiên, giáo sư Đặng Hùng Võ đã giải thích rằng do Dự án xây đường liên tỉnh Hưng Yên – Hà Nội đã được xác định là dự án trọng điểm, mang lại lợi ích cho tỉnh Hưng Yên và nhân dân Văn Giang. Hưng Yên là tỉnh nghèo, khi có nhóm nhà đầu tư cho Dự án này nên cần phải tạo mọi điều kiện cho họ, cuộc sống không đợi luật. Nói cách khác, giáo sư Võ cho rằng tuy làm trái luật nhưng mục đích vì nước vì dân. Ngoài ra, từ 15/03/1993 đến 30/06/2004, đã có hơn 3.000 văn bản Thủ tướng Chính phủ ký sai thẩm quyền liên quan đến đất đai. Trường hợp ông ký 02 Tờ trình sai không phải là ngoại lệ.

Chúng tôi hoan nghênh ông Đặng Hùng Võ đã thừa nhận lỗi và trách nhiệm của mình, nhưng thấy cần phải làm rõ về những lý do nêu trên của ông Võ:

1. Dự án xây dựng đường liên tỉnh Hưng Yên – Hà Nội thực chất là một dự án xây đường quốc lộ. Tuy nhiên, chúng tôi không thấy dự án này trong quy hoạch về giao thông đường bộ đang có hiệu lực của toàn quốc và tỉnh Hưng Yên tại thời điểm 2004. Nếu là một Dự án giao thông trọng điểm, lẽ ra Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) phải có ý kiến đề xuất, phê duyệt hoặc trình duyệt. Nhưng đến 30/06/2004, chưa thấy Bộ GTVT có ý kiến như vậy. Phải chăng đây là dự án chui?

2. Nhà đầu tư mà ông Võ nói chính là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (VIHAJICO), thành lập tháng 08/2003, vốn điều lệ 70 tỷ đồng, không có cổ đông nào có kinh nghiệm về xây dựng giao thông đường bộ. Một nhà đầu tư như vậy khó có thể tin cậy để giao 02 Dự án có giá trị gần 4500 tỷ đồng (theo dự toán tại thời điểm năm 2004), trong đó có một Dự án giao thông trọng điểm.

3. Thực chất nhóm nhà đầu tư trên chỉ mong muốn 500 ha đất để làm khu đô thị với giá đền  bù rẻ mạt, đường giao thông mới nếu xây cũng chỉ phục vụ tăng giá trị cho Khu đô thị. Thực tế, mặc dù đã được giao đất làm đường, nhà đầu tư này vẫn chưa làm xong đường theo cam kết (hoàn thành trong năm 2009), và chưa thấy có dấu hiệu con đường này  sẽ hoàn thành trong thời gian sắp tới.

4. Khi BộTN-MT được thành lập tháng 11/2002, Chính phủ đã chấn chỉnh việc ban hành quyết định liên quan đến đất đai không phù hợp Luật đất đai. Cụ thể Nghị định 66/2001/NĐ-CP đã sửa đổi Nghị định số 04/2000/NĐ-CP, theo đó Chính phủ đã thay thế Thủ tướng Chính phủ để quyết định các vấn đề về đất đai. Nghị định 91/2002/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của BộTN-MT đã nhắc lại điều đó (BộTN-MT trình Chính phủ, không trình Thủ tướng Chính phủ để ban hành những quyết định về đất đai). Như vậy, ông Võ phải biết rõ điều đó và khi nhận nhiệm vụ Thứ trưởng BộTN-MT vào năm 2002 phải tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ về nội dung này, không thể lấy lý do thông lệ trái luật để trình sai địa chỉ và trái  luật Đất đai.

Chúng tôi hi vọng giáo sư Đặng Hùng Võ sẽ nhận thức được những vấn đề trên để  thành thật nhận lỗi và trách nhiệm./
T.V.H.
____________________

 + 1325. Thư ngỏ của nông dân Văn Giang gửi GS Đặng Hùng Võ;  + ; + 1160. Kiến nghị Số 03 – Ecopark, Văn Giang; + 1094. Kiến nghị Số 02 liên quan đến dự án Ecopark;  + 999. Thư Xin ý kiến thẩm định pháp lý của LS Trần Vũ Hải liên quan dự án Ecopark;  +  982. Dự án Ecopark không xứng đáng được nhận giải Kiến trúc Xanh;  + 971. Vụ Ecopark: LS Trần Vũ Hải đề nghị Văn phòng CP cung cấp thông tin; + 963.Vụ Ecopark-Văn Giang: Đơn tố giác nghi vấn giả tài liệu của Chính phủ;+ 959. Vụ Ecopark-Văn Giang: LS Trần Vũ Hải trao đổi với GS Đặng Hùng Võ.

Nguồn: Ba Sàm.
 

4 nhận xét :

  1. Người dân được làm tất cả mọi điều mà luật pháp không cấm và ngược lại nhà nước chỉ được làm những điều mà pháp luật cho phép. Tất cả những quyết định trái luật của nhà nước là không có giá trị pháp luật (bất kể quyết định đó là vì nước vì dân hay vì một nhóm lợi ich nào đó). Việc ông Võ thú nhận là "từ 15/03/1993 đến 30/06/2004, đã có hơn 3.000 văn bản Thủ tướng Chính phủ ký sai thẩm quyền liên quan đến đất đai" là cơ hội tốt cho người dân (bị oan sai từ 3.000 văn bản trái pháp luật trên) tiếp tục đấu tranh, giành công lý cho bản thân mình. Cám ơn LS Hải!

    Trả lờiXóa
  2. thực sự giáo sư võ vẫn chưa thành tâm với bà con nông dân và với chính mình. giáo sư nói đã xem biên bản thẳm định hồ sơ đất đai, một biên bản có 35 người tham gia chỉ có 01 người ký với hàm tt và gs hẳn fải biết không hợp lệ chứ? hơn nữa lại nói rằng dự án này mang lại lợi ích ykinh tế cho hưng yên vậy với dự án này khi trình fê duyệt ông võ có biết nó mang lại bao nhiêu tỷ ddoongfy cho ngân sách không? mọi người còn nhớ thười điểm 01/8/2008 hà tây veeff haef nội đêm ngày tỉnh hà tây duyệt dự án để chạy trước cái ngày này.không ấn tượng. biết cỏ lợi ích cá nhân không chỉ nguiwf trong cuộc mới biêt.

    Trả lờiXóa
  3. Thực ra ông Võ đã bị đẩy đến đường cùng mới chịu xuống nước đó thôi, trước cuộc gặp ông mạnh miệng tuyên bố " đây là chuyện thường ngày ở huyện...". Là một người tham gia soạn thảo luật mà cố ý làm trái luật, đẩy không biết bao nhiêu nhân dân vào cảnh màn trời chiếu đất mà ông cả gan nói chuyện thường ngày ở huyện hả ông Võ? Dân làm trái luật đi tù, những người soạn luật cố ý làm sai luật xử thế nào ông Võ nhỉ?Hãy làm gì đó để chuộc lại lỗi với nhân dân để sống những ngày hưu bớt ray rức lương tâm ông Võ ạ!

    Trả lờiXóa
  4. Làm đường giao thông nối Hà Nội với Hưng Yên thì đích thị là quốc lộ rồi. Thế thì phải căn cứ vào quy hoặch giao thông, hoặc chí ít cũng phải có có ý kiến của Bộ GTVT chứ! Không ai làm đường quốc lộ bằng cách "đổi đất lấy hạ tầng" cả, nhất lại là đổi cho một doanh nghiệp không dính dáng gì đến giao thông. Làm đường giao thông ở Văn Giang thực chất chỉ là tấm lá chắn nhằm che khuất dự án Ecopark có mục đích là phân lô bán nền.
    Anh Võ ký tờ trình, dù anh không phải là người quyết định thì tính liên đới chịu trách nhiệm của anh vẫn có. Anh nói Quốc hội nên hợp thức hoá cái sai này thì thật nực cười, vì như thế thì còn gì là kỷ cương phép nước!
    Sai thì phải sửa sai chứ không hợp pháp hóa cái sai thành cái đúng. Còn đường giao thông, hãy giao Bộ GTVT khảo sát, làm luận chứng kỹ thuật, giá thành xây dựng, giá đền bù cho dân.... . Ngoài ra không cần thiết phải cố xây bằng mọi giá cái "đô thị sinh thái Ecopark" làm gì. Hãy trả lại cho nông dân màu xanh, đừng để nông dân đói rách, chết ngợp bởi các khối bê tông của Ecopark. Không lẽ cứ chỗ nào sát vách Hà Nội là làm đô thị?
    Anh Võ à, anh đã thấy được lỗi của mình, nhưng phải thấy hết được hậu quả của cái sai đó. Anh nghỉ hưu, có lương hưu gần chục triệu đồng, được sở hữu vài chục tỉ đồng do vợ trước chia của khi ly hôn, chắc chắn anh không khổ như nông dân mất đất nên nói anh phải hiểu thấu nỗi khổ của họ để có quyết định dũng cảm thì cũng khó. Chỉ kêu gọi anh ở lương tâm, chứ pháp luật thì có công thức hẳn hoi rồi.

    Trả lờiXóa