Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

ĐÃ CÓ THỂ KHÉP LẠI CÂU CHUYỆN "CANH GÀ THỌ XƯƠNG"

Sự thật về chữ “canh” trong “canh gà Thọ Xương” 

Thứ tư 17/10/2012   23:41

ANTĐ - Theo PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, để nói về tiếng gà báo canh người ta viết chữ 更, bát canh cũng có thể viết là 更. Tuy nhiên, xét về văn cảnh trong cả 4 câu, thì chữ "canh" ở đây được hiểu là tiếng gà báo canh.
Sau sự việc của cô giáo Thủy - trường THCS Lomonoxop, trên một số diễn đàn mạng, có một số ý kiến cho rằng, "canh gà Thọ Xương" là nói về ẩm thực, ý kiến này nhận được vô số lời bàn luận bởi từ trước tới nay, "canh gà Thọ Xương" luôn được giảng dạy và được hiểu là tiếng gà gáy báo canh. 

Thậm chí có người đọc còn lấy dẫn chứng rằng: “trong sách Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh cũng chép bài thơ này. Xin lưu ý, Dương Khuê viết thơ bằng chữ Nôm, nỏ phải chữ Quốc ngữ. Nguyên văn viết chữ Canh là (bát canh, món canh), không phải (canh khuya, canh chầy)”. 

Để làm rõ hơn thực hư của chữ “canh” trong “canh gà Thọ Xương” đang gây xôn xao dư luận, PV ANTĐ đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Theo PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh, hiện có 2 luồng ý kiến, một cho rằng, đây là bài ca dao của người Việt đã được văn bản hóa, có ý kiến cho rằng đây là bài thơ của nhà thơ Dương Khuê - hiệu là Vân Trì.

PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh đã tìm trong sách
Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư tiên sinh ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm và chưa tìm thấy bài thơ như trên, mà bài thơ này nằm trong cuốn Vân Trì thi thảo (mang ký hiệu VHv. 2482, đang lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm). 

Bài thơ có tên đề là Hà Nội t cảnh với 4 câu thơ chữ Nôm:“Phất phơ ngọn trúc trăng tà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh () gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Tiếng chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”.
 

4 câu thơ chữ Nôm được viết trong Vân Trì thi thảo,
chữ "canh" được đánh dấu bằng vòng tròn đỏ

Về chữ “canh” trong câu “canh gà Thọ Xương”, theo PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh, viết chữ 更 để nói về tiếng gà báo canh, không có chữ Canh 羹 (bát canh, món canh) như ý kiến mà độc giả nêu ra; còn canh (món ăn) cũng có thể viết là chữ 更 này. Trong văn cảnh của bài thơ này thì nên hiểu “canh” là canh giờ, “canh gà Thọ Xương” là tiếng gà gáy báo canh ở Thọ Xương - Hà Nội. Còn chữ “canh” là 羹, theo từ điển được hiểu là món canh, hoặc là nấu canh.

Xét từ ý bài thơ trong cuốn
 Vân Trì thi thảolà tả cảnh Tây Hồ vào lúc trăng tà các sư thỉnh chuông chùa cũng là lúc gà gáy báo canh, như vậy nên mới có câu “tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương”. Theo quan niệm tính giờ ngày xưa, đêm có 5 canh: Canh 1 là từ 19h - 21h, Canh 2 là từ 21h - 23h, Canh 3 là từ 23h - 1h, Canh 4 là từ 1h - 3h, Canh 5 là từ 3h - 5h.


Theo PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh, trong văn cảnh của bài thơ này thì nên hiểu “canh” là canh giờ, “canh gà Thọ Xương” là tiếng gà gáy báo canh ở Thọ Xương - Hà Nội
 .
PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh đưa ra thêm dẫn chứng trong Tổng tập ca dao người Việt (Quốc ngữ) cũng có những bài gắn “tiếng chuông” với “tiếng gà gáy báo canh”, như: 
Có thương thì thương, không thương thì nói
Làm chi lần lần lữa lữa, như hẹn nợ thêm buồn
Trên chùa đã động tiếng chuông
Gà Thọ Xương đã gáy, chim trên nguồn đã kêu”, 
hay:

"Đêm năm canh gà kia gáy thúc
Gió nam phong thổi giục cây sầu",...

PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh cho rằng, việc hiểu “canh gà Thọ Xương” trong bài thơ Hà Nội Tây cảnh hay trong bài ca dao (Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ) là "bát canh gà" thì ông chưa được học!

Từ sự việc này, PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh cho biết thêm, ví như từ “vấn nạn”
, trên các phương tiện thông tin đại chúng, hay dùng từ “vấn nạn”, như những câu “tham nhũng đã trở thành vấn nạn của xã hội”, hay “bệnh thành tích trong giáo dục là vấn nạn hiện nay”,... ông tin chắc rằng, người viết hay nói từ này chưa tra cứu nghĩa gốc từ “vấn nạn”. Theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh thì “vấn nạn” nghĩa là: đặt lời hỏi để làm rầy người ta, Hán Việt tự điển của Thiều Chửu thì “vấn nạn” là vặn hỏi lẽ khó khăn. Còn Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) chưa có mục từ “vấn nạn”. PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh cũng nhấn mạnh, hiện trong xã hội, còn nhiều từ được hiểu sai, dùng sai đã gây nên những sự cố đáng tiếc!

Thu Hà 
Nguồn: An Ninh thđô.

Lời đính chính trên FB Phan Quang Minh:
ĐÍNH CHÍNH: Hôm qua tôi có share một stt của bác Le Quang về việc Vũ Bằng (được cho là) đã viết tay một bài thơ liên quan đến món "canh gà Thọ Xương". Cũng trong stt của bác Lê Quang, tôi có đọc được và cũng đưa lên stt comment của một bác (xin được giấu tên) cho rằng trong sách Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh có tại thư viện Viện Hán Nôm có chép bài thơ Hà Nội tức cảnh của Dương Khuê bằng chữ Nôm, trong đó chữ Canh được viết là là 羹 (bát canh) chứ không phải 更 (canh khuya). Cũng chính bác xin giấu tên này là tác giả của giả thuyết được đưa lên mạng mấy hôm nay, cho rằng trong sách trên có chép bài thơ Tối ức Thọ Xương thang (Nhớ nhất canh Thọ Xương) của Dương Khuê. Tôi đã nhờ anh Xuân Diện ở Viện Hán Nôm tra lại cuốn sách trên, nhưng anh Diện cho biết không hề có. Hôm nay, bác Lê Quang và bác xin giấu tên kia đã khẳng định đây chỉ là trò đùa. Và những câu thơ (được cho là của Dương Khuê) trong bài Tối ức Thọ Xương thang hoàn toàn là do bác kia tự phóng tác ra. Stt của Lê Quang có hơn 300 người share, sau đó xuất hiện cả trên các blog khác với tốc độ lan truyền chóng mặt.

Vậy xin nói lại cho rõ, rằng những vấn đề trên hoàn toàn không có thực, chỉ là trò đùa của hai bác nói trên. Rất mong mọi người cẩn trọng trong việc đưa và phát tán những thông tin này, tránh gây ra ngộ nhận cho người đọc. (Nguồn: FB Phan Quang Minh).



Mời xem lại: ĐÃ TÌM THẤY CÂU THƠ "CANH GÀ THỌ XƯƠNG" TRONG "DƯƠNG GIA PHẢ KÝ"

Tễu: Như thế, thật là đđầy, chắc chắn, khả tín để có thể kết luận: Dương Khuê là tác giả của bài thơ viết về Hà Nội, mà ngày nay được phổ biến với bốn câu: Gió đưa cành trúc la đà / Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ. Và "canh gà Thọ Xương" chỉ có thể là tiếng gà gáy báo sang canh ở Thọ Xương - Hà Nội.   

Vì những lđó,  chủ đề "Canh gà Thọ Xương"có lẽ nên khép lại ở đây! 

P/S: Bây giờ là 3h45, tức là giữa canh năm, mong trời mau sáng đđến Thư viện, cầm trên tay văn bản này để tận mắt trông thấy bài thơ.  


08h30, ngày 18 tháng 10, tôi đã mượn cuốn sách Vân Trì thi thảo (VHv. 2482) và đã đọc được bài thơ Hà Nội tcảnh ở trang 25b. Nay xin xác nhận với chư vị! (hình ảnh cầm trên tay văn bản VHv.2482). 

11h30: Chuyết Chuyết tiên sinh cung cấp thêm tư liệu về chữ "Canh gà": 

“Canh gà” là một từ được dịch từ cụm “kê canh”, hay “ngũ kê canh”, “ngũ thời canh”. Trong tiếng Hán, “ngũ kê canh” có hai nghĩa.

1. Tiếng gà kêu báo canh trong đêm. Quách Hiến đời Hán trong bài Động minh ký ghi: “gà đêm giữ chức, theo dịp trống canh mà gáy không thôi, từ đêm cho đến sáng, canh một là một tiếng, canh năm là năm tiếng, nên gọi là ‘ngũ thời kê’” (有司夜鸡,随鼓节而鸣不息,从夜至晓,一更为一声,五更为五声。亦曰五时鸡). Hoàng Tuân Hiển đời Thanh trong bài “Sơn ca” có câu:  vãn thủy Tây lưu tưởng vô pháp, tòng kim bất dưỡng ngũ canh kê 挽水西流想无法,从今不养五更鸡 nghĩa là “tưởng chẳng có cách nào kéo được nước chảy về Tây, từ nay chẳng nuôi gà báo năm canh nữa”. 

Chú thích: “gà đêm giữ chức”, theo truyền thuyết thời cổ thần gà (gọi là Thiên Kê) giữ chức vụ (hữu ti) báo thời gian ban đêm.

2. Ngũ canh kê: cái lồng làm bằng gỗ, trúc hay kim loại, trong có đặt đèn dầu, tiện cho việc đặt bếp nấu thức ăn trong đêm, tức là một loại lò chuyên dùng ban đêm. Ba Kim trong bài “Thu” có câu: “anh hãy rót cho cậu ta một chén trà nóng [đang nấu] trên lò (ngũ canh kê) nhé” (“你把五更鸡上煨的春茶给他倒一杯).

*Tranh dân gian Đông H. Chữ trên tranh: Dạ xướng ngũ canh hòa

Đến đây, mời chư vị thưởng thức bài Quan họ lời cổ "Đêm qua nhớ bạn" 
qua giọng ca Quý Tráng & Thúy Cải:

Đêm hôm qua, mình tôi nhớ bạn 
Tôi buồn về ai
Tai tôi nghe con gà cầm canh nó gáy 
Buồn lại ngâm câu thơ
Dế nó lại giăng theo.... 



************************************************************************************************************************


Thư cám ơn của Ông Dương Nghiệp Bảo 

20/10/2012 
Thân gửi anh Nguyễn Xuân Diện, 

Mấy hôm trước chúng tôi có theo dõi vụ tranh luận sôi nổi về đề tài "canh gà Thọ Xương". Blog Hiệu Minh có hỏi ý kiến chúng tôi, nhưng anh đã giúp gỡ rối và chứng minh rất cụ thể, hầu làm sáng tỏ "một vụ thắc mắc trong Văn Học Cổ VN ". Chúng tôi rất cảm kích và ngưỡng mộ những ý kiến và dẫn chứng của anh (nói riêng), và Viện Hán Nôm (nói chung). Thay mặt gia tộc họ Dương, chúng tôi thành thật cám ơn anh rất nhiều.

Dương Nghiệp Bảo

__________________________________
Đọc thêm: Câu chuyện "canh gà", Nguyễn Xuân Diện trả lời PV của RF
trước khi PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh công bố bản Nôm trên. 

Câu chuyện “canh gà”
2012-10-20
Chương trình VHNT kỳ này xin giới thiệu bốn câu thơ đơn giản nhưng lại là đề tài cho nhiều câu chuyện bên lề khó quên. Hai chữ “canh gà” trong câu thơ vốn mang ý nghĩa là thời khắc vào ban đêm thì lại được không ít người diễn giải trệch ra thành một món canh thịt gà, có nguồn gốc từ xóm Thọ Xương Hà Nội. 

Trong kho tàng văn học Việt Nam bốn câu thơ:

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương
Mịt mùng khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày An Thái mặt gương Tây Hồ

đã được rất nhiều người, nhiều thế hệ nhớ tới như một phẩm vật văn hóa quý giá được lưu truyền trong dân gian.

Bốn câu thơ đơn giản này lại là đề tài cho nhiều câu chuyện bên lề khó quên. Hai chữ “canh gà” trong câu thơ vốn mang ý nghĩa là thời khắc vào ban đêm thì lại được không ít người diễn giải trệch ra thành một món canh thịt gà, có nguồn gốc từ xóm Thọ Xương Hà Nội. Từ những ý tưởng trái nghịch này, hai chữ canh gà ra tới hải ngoại với một căn cước mới bằng tiếng Anh là “chicken soup”, từ đó nhiều khi người đọc bối rối không biết cái bát súp gà kia tại sao lại chiếm thời gian của nhiều người đến thế.

Thật ra điểm mấu chốt của bài thơ khiến người ta thường lầm lẫn vì nghĩ rằng nó là bốn câu ca dao được truyền miệng qua nhiều thế hệ. Tác giả của bốn câu thơ thân quen này là ai và điều gì làm cho nó nổi tiếng như vậy?

Mặc Lâm mời quý vị theo dõi câu chuyện này qua cuộc trao đổi giữa chúng tôi và TS Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện để tìm hiểu thêm về một tác giả mà chính ông Diện do cơ duyên trong khi đi nghiên cứu đã tìm thấy câu trả lời thú vị từ một dòng họ nức tiếng của đất Hà Thành. 

Của tác giả Dương Khuê 

Mặc Lâm: Thưa xin chào TS. Như chúng ta đã biết vài ngày qua dư luận đã dấy lên một cơn lốc phản ứng trước việc một cô giáo bỏ qua chi tiết sai trong một bài luận văn của một học sinh khi em này viết rằng “canh gà Thọ Xương” là một món canh gà rất ngon. Cô giáo này cho biết là do sơ ý chứ không phải vì thiếu kiến thức hay chủ quan trong vấn đề giảng dạy.

Nhân câu chuyện lầm lẫn này chúng tôi được biết TS là người có cơ may tiếp cận được với các văn bản có liên quan đến bài thơ này từ rất sớm chứng minh bốn câu thơ này là của một tác giả uyên thâm, đó là cụ Dương Khuê chứ không phải là ca dao như nhiều người thường nghĩ. Câu chuyện bắt đầu như thế nào thưa TS?

TS Nguyễn Xuân Diện: Khoảng năm 1993 tôi có đưa một bạn sinh viên của ngành Hán Nôm tới Vân Đình tức là thủ phủ của huyện Ứng Hòa mà ngày xưa là huyện Ứng Thiên, bây giờ là huyện Ứng Hòa của Hà Nội để làm một bài luận văn tốt nghiệp đại học về sự nghiệp giáo dục của Dương Lâm, vì lúc ấy tôi cũng tranh thủ nghiên cứu về thơ văn của các tác giả họ Dương.

Ở đây nhân vật mà tôi muốn đề cập đến là tác giả Dương Khuê. Ngoài chuyện quan tâm đến ca trù thì tôi có để ý đến một số thơ văn khác của cụ nghè Vân Đình tức là cụ Dương Khuê.

Lúc bấy giờ một cụ trưởng tộc họ Dương đã trao cho chúng tôi một bản photo của cuốn Dương Gia Phả Ký. Cuốn Dương Gia Phả Ký này là một bản đánh máy bằng chữ quốc ngữ trên giấy Tây do Dương Thiết Thiệu Cương vào cuối mùa hạ Quý Sửu tức là năm 1943 1973 và đã được một nhà nghiên cứu về gia phả học rất nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975 do Nhã Dã Lan Nguyễn Đức Dụ in ấn. Cuốn Dương Gia Phả Ký này gồm có 122 trang, ngoài việc chép các sinh hoạt của gia tộc họ Dương bắt đầu từ cụ Dương Phan Quang thì còn chép rất nhiều thơ văn, đối liễn của các tác giả họ Dương này.

Bắt đầu từ trang 106 thì có chép thi ca của cụ Dương Khuê, tức cụ nghè Vân Đình biệt hiệu là Vân Trì. Cũng ngay trang này ở bài thứ hai thì có bài Hà Thành Tức Cảnh có bốn câu thơ có một vài chữ khác với bài thơ mà chúng ta vẫn thường bắt gặp đó là:

Phất phơ cành trúc trăng tà
Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương
Mịt mùng khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày An Thái mặt gương Tây Hồ

Căn cứ vào đề từ của bài thơ chúng ta thấy Hà Thành ở đây tức là Hà Nội và như vậy Thọ Xương là địa danh thuộc Hà Nội.

Mặc Lâm: Thưa xin được ngắt lời TS, còn chữ An Thái thì có người cũng viết là Yên Thái, có gì khác  nhau giữa hai danh từ này?

TS Nguyễn Xuân Diện: Trong văn bản viết thì An Thái thực ra là Yên Thái vì trong chữ Hán thì chữ An và chữ Yên viết là một chữ nhưng có hai âm đọc. Đấy là cái văn bản mà chúng tôi được thấy bài thơ này trong Dương Gia Phả Ký và từ đó đến nay thì luôn luôn chúng tôi để ý tìm trong các thi văn của các tác giả họ Dương ở Vân Đình. Trong kho sách của Viện Nghiên Cứu Hán Nôm cũng như trong các trang thư cá nhân khác, tuy nhiên chúng tôi chưa tìm thấy bài thơ này viết bằng văn bản Hán Nôm.

Trong cuốn “Tâm trạng Dương Lâm - Dương Khuê” xuất bản lần đầu vào năm 1995 và tái bản năm 2005 của tác giả Dương Thiệu Tống, cụ là giáo sư Tiến sĩ và là cháu nội của cụ Dương Lâm đã cho biết bài thơ đó chép theo Dương Gia Phả Ký và cuốn Luận đề về Dương Khuê mà cuốn này lại do Nguyễn Duy Diễn xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1960.

Như vậy ngay từ năm 1960 thì tài liệu Luận đề về Dương Khuê đã khẳng định Hà Thành Tức Cảnh là của Dương Khuê nhưng lần giở xa xôi hơn nữa thì trong cuốn Văn Đàn Bảo Giám là tuyển tập thi ca do Trần Trung Duyên Viên sưu tập, cụ Dương Bá Trạc đề tựa, sau đấy cụ Tản Đà cũng đề tựa vào năm 1934 có ba tập xuất bản từ năm 1926 cho đến năm 1938 thì trọn bộ. Bài Hà Thành Tức Cảnh được chép trong các sách đó cũng ghi tác giả là Dương Khuê. Văn Đàn Bảo Giám xuất bản sau khi Dương Khuê tạ thế khoảng 2-30 năm. Như vậy khi Văn Đàn Bảo Giám xuất hiện thì các con cháu của các cụ Dưong Lâm và Dương Khuê vẫn còn đang sống và do đó rất đáng tin.

Tôi cho rằng bài thơ Hà Thành Tức Cảnh mà sau đó người ta cứ tưởng là một bài ca dao thì đích thực là của tác giả Dương Khuê.

Mặc Lâm: Thưa TS nhiều người rất bối rối vì sự xuất hiện của câu thơ khác hẳn những gì mà chúng ta đang bàn ở đây vì địa danh thì gống nhưng địa điểm danh thắng thì hoàn toàn khác đó là câu:

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương.
TS có giải thích thế nào về cái khác nhau giữa Trấn Võ và Thiên Mụ?

TS Nguyễn Xuân Diện: Khi người ta đọc câu:

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương
Mịt mùng khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ…

Theo như cụ Hoàng Đạo Thúy thì nói bài này ở Hà Nội, thế nhưng trong một bút ký của học giả Phạm Quỳnh trong những ngày ở Huế có tả một đoạn nói về Thiên Mụ và học giả Phạm Quỳnh có bình là: “cả hồn thơ xứ Huế như chan chứa trong hai câu ca ấy. Chùa Thiên Mụ là cái danh lam có tháp bảy tầng ở ngay bờ sông Hương. Làng Thọ Xương thì ở bên kia song, ban đêm nghe tiếng chuông chùa với tiếng gà gáy xa đưa văng vẳng giữa khoảng trời nước long lanh mà cảm, đọc thành câu ca ấy mới rõ cái tính tình người xứ Huế”.

Như vậy cụ học giả Phạm Quỳnh đã dùng ý tứ của cụ Dương Khuê để viết lại cho hợp với địa danh của Huế có chùa Thiên Mụ và làng chài Thọ Xương, hay còn gọi là Thọ Khương, hay Thọ Cương, hoặc là Long Thọ Cương. Theo như nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thanh của Viện Hán Nôm thì cho rằng Phạm Quỳnh viết dựa trên câu thơ của Dương Khuê hoặc từ kinh nghiện văn hóa dân gian bản địa.

Đấy là quá trình truyền bản của mấy câu thơ liên quan đến

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương…
 

Không phải 'canh gà' 

Mặc Lâm: Sau khi cô giáo dạy văn cho điểm tám đối với bài viết về canh gà của một học sinh mô tả đây là loại súp gà rất ngon thì dư luận lại đưa ra nhiều câu chuyện minh chứng cho bài viết của em học sinh này là đúng.
Đáng chú ý là một bài viết cho rằng còn trong thư viện của Viện Hán Nôm với ký hiệu hẳn hoi cũng của cụ Dương Khuê tên là “Vân Đình Tiến sĩ Dưong Khuê Thượng thư Tiên sinh”, nhưng cụ kể câu chuyện của mình về hai chữ “canh gà” là do cụ viết ca ngợi món canh gà rất ngon tại ngõ Thọ Xương Hà Nội. Việc này thực hư thế nào thưa TS?

TS Nguyễn Xuân Diện: Mấy người trên mạng nói là đã đến Viện Hán Nôm và tìm cuốn này với ký hiệu là A.2185, trong đó có chép bài thơ gọi là Tối Ức Thọ Xương Thang tức là nhớ nhất món canh Thọ Xương của cụ Dương Khuê. Đấy chỉ là những điều họ bày đặt ra cho vui vẻ trong thời gian căng thẳng như thế này thôi chứ không phải là một câu chuyện thật.

Mặc Lâm: Cũng có một câu chuyện trên mạng kể rằng bốn câu thơ này nói về món canh gà trong thực đơn của nhà văn Vũ Bằng vì nhà văn này từng nổi tiếng với những món ngon Hà Nội… Câu chuyện này rõ ràng là khó tin vì nhà văn Vũ Bằng chỉ là một hậu bối so với sự xuất hiện của bốn câu thơ này. TS thấy sao?

TS Nguyễn Xuân Diện: Có người cho rằng canh gà là một món ăn nhưng không ai đưa ra một tác phẩm nào chứng minh rằng đúng là món canh gà trong câu thơ này. Có một tác giả là Lê Quang, kể một câu chuyện rất lâm ly khi ông ấy đến gặp một cụ già năm nay đã 95 tuổi cho biết là ngày xưa đã giao du với Nguyễn Bính, Đinh Hùng và các nhà thơ khác.

Tác giả Lê Quang kể một câu chuyện là khi ông ấy đến hỏi cụ già ấy về canh gà Thọ Xương thì cụ ấy đã rón rén mở một tập tài liệu ra trong đó có những trang thủ bút của nhà văn Vũ Bằng đã hoen mực và ông ấy viết là Canh gà Thọ Xương là một cái tên trong các món ăn Hà Nội lúc bấy giờ.

Tất nhiên người cung cấp câu chuyện không có một bức ảnh cho thấy cái gọi là thủ bút ấy của nhà văn Vũ Bằng. Khi công dân mạng người ta dồn quá thì anh này thú nhận là anh ta bịa ra cho vui thôi.

Mặc Lâm: Để kết thúc câu chuyện về canh gà hôm nay theo TS thì chi tiết văn chương nào chứng minh rằng canh gà Thọ Xương là nói về thời gian mà hoàn toàn không dính líu gì tới món ăn như những người thích đùa nêu ra …
 
TS Nguyễn Xuân Diện: Trong tình hình hiện nay chúng ta có thể khẳng định một cách chắc chắn là bốn câu thơ này vốn xuất phát từ bốn câu:

Phất phơ cành trúc trăng tà
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương
Mịt mùng khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày An Thái mặt gương Tây Hồ

vốn là của Vân Trì Dương Khuê người ở Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội.

Trong câu Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương thì nó đã dựng lên một tiểu đối trong phép làm thơ lục bát rất đẹp. “Tiếng chuông Trấn Võ” đối với “Canh gà Thọ Xương”. Tiếng chuông gồm có chuông sáng và chuông chiều nói về quy định  thời gian trong nhà chùa. Canh gà thì nói về thời khắc chia thời gian trong đêm. Như vậy tiếng chuông Trấn Võ là một cách để người ta chỉ thời gian của sinh hoạt về tôn giáo. Canh gà Thọ Xương là tiếng gà gáy trong các vùng quê ven Hồ Tây thì đấy là tiếng báo giờ trong dân gian, nó tạo nên một tiểu đối và cả bài thơ tả một cảnh yên bình, đẹp đẽ và thơ mộng của Hồ Tây chứ không thể lẫn vào món canh gà như là bát canh, bát súp gà được.

Mặc Lâm: Xin cám ơn TS Nguyễn Xuân Diện.

Thưa quý thính giả, vậy là chúng ta có thể yên tâm khi đã có tài liệu khả tín về bốn câu thơ dễ thương này. Hy vọng rằng từ nay, mỗi khi nghe tiếng võng kẽo kẹt trưa hè của ai đó đưa con bằng bốn câu lục bát chân phương này chúng ta sẽ không nghe mùi hương ngào ngạt từ một chị gà mái nào đó mà thay bằng mùi hương hoa bưởi, hoa lài của một Hà Nội lung linh tiếng chuông chùa Trấn Võ.

Dù hiểu bài thơ bằng cách nào cũng cho thấy tình yêu thương của người dân ba miền đã thấm đẫm cái hồn cốt Trấn Võ, Thọ Xương vào sâu trong đời sống của họ. Yên Thái tuy ngày nay không còn tiếng chày vào buổi sáng mịt mùng nhưng Tây Hồ vẫn đời đời lung linh sắc xám của những buổi sáng đẫm sương Hà Nội.
Nguồn: RFA Việt ng.
 

24 nhận xét :

  1. Thế là quá đã rồi . Thưởng thức món " canh gà Thọ Xương " thật là thú vị ! Cám Ơn Bác Tễu !

    Trả lờiXóa
  2. Chưa ổn, tôi không rõ "canh gà thọ xương" là canh mấy. Bài thơ rõ ràng tả cảnh ban đêm "phất phơ ngọn trúc trăng tà". Nhưng gà thường vào chuồng rất sớm vì "quáng gà" và không cất tiếng gáy ban đêm, mà chỉ gáy buổi sáng sớm khoảng canh năm. Có vị nào cao kiến xin giải thích giùm. Không thể nói "Gà Thọ Xương" gáy báo canh được, vì đã có mõ làng làm việc đó.
    Cám ơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Canh gà" là nói canh 5, tức là khoảng thời gian từ 3 đến 5 giờ sáng. Khoảng thời gian này gà thường gáy.

      Xóa
  3. “Tương Bần, cà Láng, dưa La,
    Cá rô đầm Sét, canh gà Thọ Xương”.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em rất quan tâm đến 2 câu thơ này xin bác phạm thành Long cung cấp thêm tt là 2 câu này là ca dao hay trích từ bài thơ nào?

      Xin chân thành cảm ơn

      Xóa
    2. Hai câu này do Le Quang bịa ra, nói là trong sổ tay của Vũ Bằng để loè thiên hạ.
      Sau đó, chuyện ngày một lớn, Le Quang phải thú nhận là do mình bịa ra.

      Xóa
    3. Câu ca dao đúng phải là: "Dưa La, cà Láng , nem Báng, tương Bần
      Nước mắm Van Vân, cá rô Đầm Sét".lkk

      Xóa
  4. Tôi xin góp 2 ý sau đây:
    *
    Gà có gáy đêm, và nhiều con gáy rộ lên làm nhiều, mới có từ ngữ "gà gáy canh." Có thực gà gáy 2 giờ một lần không thì không rõ, nhưng ít nhất nửa đêm có gáy, và gần sáng cũng gáy. Bắt đầu có 1 con gáy, rồi cả làng các con gà trống đều gáy cả, rồi dần ngớt đi.
    Mõ làng có gõ cầm canh hay không, các con gà trống không mấy để ý điều đó. Chúng chỉ để ý đến tiếng gáy của nhau thôi.
    *
    Tiếng nói luôn luôn tiến hoá. Từ "vấn nạn" mới có chừng 2 chục năm nay thôi. Từ "kinh nghiệm" thì mới có sau năm 1954. Cứ tham khảo tra cứu các sách báo thì thấy. Sách báo một thời những năm 1954-1964 thì bị tịch thu đốt hết, cũng như sau 1975, nên khó mà tra cứu. Nếu biết tiếng Hán thì thấy tiếng Việt xài từ Hán với nghĩa khác đi nhiều. Vì vậy, không thể nói là xài sai, nói sai được. Đó là lẽ thường. Tôi xa ViệtNam từ khi chưa có từ "vấn nạn, lăn tăn, bị hay, vi tính, phần cứng, thân phụ," vân vân, nhưng vẫn dễ dàng đón nhận chúng như bà con trong nước đang xài.
    TAMỹ

    Trả lờiXóa
  5. Bác Nặc danh nói gà "không cất tiếng gáy ban đêm" là không đúng.
    Ngày xưa ở quê, những năm cuối cấp (lớp 9 và 12) tôi học rất khuya, thường phải một hai giờ sáng mới đi ngủ. Từ khoảng 22h đến 2 giờ gà gáy hai lần. Tôi không để ý nên không rõ chính xác giờ gà gáy là giờ nào. Nhưng cũng có thể là gà gáy báo sang canh, canh hai qua canh ba (23 giờ), và canh ba qua canh bốn (1 giờ). Thường thì gà gáy lần 2 là tôi chuẩn bị đi ngủ.
    Còn gà gáy canh năm thì đa số ai cũng biết. Ở thôn quê ngày xưa, người dân thường thức dậy lúc ba rưỡi bốn giờ sáng để nấu nướng chuẩn bị ra đồng. Dân Thiên Chúa giáo thức khoảng lúc ba giờ nấu nồi cơm rồi đi nhà thờ. Thời đó rất ít người có đồng hồ, và gần như không có đồng hồ báo thức, nên bà con chủ yếu nghe tiếng gà gáy để thức dậy. Và như vậy, có thể kết luận gà gáy tầm ba giờ sáng (báo canh bốn qua canh năm).

    Trả lờiXóa
  6. Cám ơn Bác Diện đã vất vả thức gần đến sáng để tìm ra được chân lý bài thơ.Báo chí cần thông tin rộng rãi để mọi người cùng biết để không còn những hiểu sai nội dung bài thơ.Nhân đây tôi có một câu chữ Hán của Khổng tử mong Bác diễn giải giúp vì tôi biết nhiều người chắc cũng không hiểu rõ nội dung dẫn đến hiểu sai hoặc xuyên tạc.Đó là câu : " TAM THẬP NHI LẬP , TỨ THẬP NHI CHI BẤT HOẶC , NGŨ THẬP NHI CHI THIÊN MỆNH " Theo tôi hiểu thì nội dung là : Người đến tuổi 30 mới bắt đầu sự nghiệp , đến 40 tuổi thì mới nhận thức được đúng sai ai tốt ai xấu ít sai lầm ,đến 50 tuổi mới biết được quy luật của tạo hóa. Vậy nhờ Bác cắt nghĩa thêm , nội dung toàn bộ câu này của Khổng tử có NHẤT THẬP , NHỊ THẬP , LỤC THẬP ,BÁT THẬP ,CỬU LẬP ..không ? và nhân thức quy luật tạo hóa là nhận thức gì vậy ??? Mong Bác giải thích giúp.Cám ơn Bác

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Gấu xem lại mấy câu chữ đã dẫn "NGŨ THẬP NHI TRI THIÊN MỆNH" .
      THeo tôi chữ "CHI " bác Gấu phải viết là " TRI" mới đúng,vì TRI là tri thức,sự hiểu biết,nhận biết .
      Ngũ thập tri thiên mệnh -người năm mươi tuổi đã đoán biết mệnh Trời.
      Còn " CHI " viết trong câu chữ Hán là " Chi,hồ ,giả ,giã "thôi ,không phải là tri -nhận biết.

      Xóa
  7. Khổ thật bác Tễu nhỉ.

    Gày gáy báo canh hay canh gà để ăn thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến thế giới loài người. Vậy mà VN bàn sôi nổi thế.

    Trả lờiXóa
  8. Chính xác đây là cảnh buổi sáng sớm, canh 5 (từ 3 đến 5 giờ sáng), lúc này là lúc "trăng tà", không phải tả cảnh ban đêm. Hơn nữa tiếng chuông chùa tôi cho là không ai gõ vào ban đêm, nửa đêm, có thể vào buổi chiều cuối ngày. Nhưng rõ ràng đây là tiếng chuông đầu tiên trong ngày, vì các sư sãi thường dậy khá sớm để tụng kinh niệm phật trong khung cảnh tĩnh mịch, thanh khiết của buổi sáng sớm, nên canh 5 là hợp lý. Thời nay các sư sãi vẫn dậy sớm để tụng kinh niệm phật, vào khoảng 4, 5 giờ gì đó. Mặt khác, câu cuối nói rõ "nhịp chày Yên Thái mặt gương tây Hồ" là đề cập đến tiếng giã gió làm giấy ở Yên Thái lan tỏa trên mặt nước hồ Tây phẳng lặng vào buổi sáng sớm. Không ai làm việc này vào ban đêm cả. Bắt đầu một ngày làm giấy gió là buổi sáng sớm thuộc khoảng canh 5. Cảnh mõ làng đi giao canh (giờ) theo tôi hiểu chỉ có ở các vùng nông thôn xưa trong mỗi làng xã, còn ở Hà nội không có. Mà nếu có thì (chắc không gọi mõ làng) phải chia ra thành nhiều "khóm phường" chứ mõ nào rao nổi khắp cả Hà thành (cho dù có vài chục đến cả trăm người). Nếu vậy tôi đã phải được nghe ở đâu đó (trong gia đình thời các cụ kỵ) hay đọc được trong các tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết của các bậc kỳ văn Hà nội xưa và gần đây. Tuy nhiên tuyệt nhiên chưa thấy, không biết, không nghe nói có mõ rao ở Hà nội xưa bao giờ. Còn chuyện "canh súp gà", có lẽ nếu ở Thọ Xương có (mà cũng có thể có thật, vì các quán ẩm thực ở Hà nội xưa và nay thì có rất nhiều, đặc biệt là ở khu vực xung quanh Hồ tây, mà bất kỳ ai ở Hà nội hiện nay đều biết và đều đã từng ít nhất một lần thưởng thức), thì cũng không ai nấu, bán và ăn canh gà vào buổi sáng sớm (canh 5) cả. Có ăn cũng chỉ từ trưa trở đi, chủ yếu là vào cuối ngày cho đến nửa đêm (khoảng 0-1 giờ) là cùng (kiểu ăn quà đêm). Ăn sáng (rất sớm) bằng canh gà có vẻ không hợp lý. Ăn vào chiều muộn mùa đông, canh nóng sẽ hợp lý hơn. Vả lại, với những bậc tao nhân mặc khách chốn Hà thành, trước một khung cảnh thiên nhiên đẹp huyền ảo và tĩnh lặng, đang thư thái và sâu lắng trong tâm hồn, không ai lại có thể phàm phu tục tử, thô thiển đến mức đưa cả chuyện ăn uống vào khung cảnh như vậy (cho dù có quán canh gà đâu gần đó, cho dù thực sự có món "canh gà ở Thọ Xương" như bạn Phạm Thành Long và một số người dẫn chứng có món này). Việc có và việc sử dụng nó là hia việc hoàn toàn khác nhau, không phải cứ thấy "có" ở chỗ kia (“Tương Bần, cà Láng, dưa La, Cá rô đầm Sét, canh gà Thọ Xương”) là suy ra nó ở chỗ này ("Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương") - Một sự suy diễn .... không biết phải nói thế nào (thậm chí có ai đó đã comment rằng vào những năm 1970 ở trong nam có một vị dân biểu nào đó (VNCH) từng phát biểu trước quốc hội hiểu về món canh gà Thọ Xương trong bài thơ tả cảnh Tây Hồ, cũng đủ thấy mỹ cảm là cả một vấn đề mang tính giáo dục, văn hóa và tri thức).
    Ai đã từng ngắm cảnh Hồ Tây (thời nay) vào buổi chiều tối cuối thu sang đông, tiết trời se lạnh và có sương chiều, dù rất đẹp và nên thơ (nhưng cũng không thể đẹp bằng cũng cảnh đó ở ngày xưa khi chưa có các cao ốc với đủ các loại đèn màu và xe cộ ầm ỹ ở xung quanh khu vực Hồ Tây), và đã từng trải nghiệm qua cảnh buổi sáng sớm (đúng vào khoảng giữa hay cuối canh 5) ở Hồ Tây, cũng ở khoảng thời tiết như trên và ở "thời hiện đại" ngày nay (mà đã có thể thấy còn huyền ảo thơ mộng hơn cảnh buổi chiều nêu ở trên rất nhiều rồi, vì lúc đó vắng người, ít xe cộ và ánh sáng đèn, còn buổi chiều lại rất đông người, có khi đông nhất trong ngày), nhưng vẫn không thể nào so sánh được với cảnh hết sức nên thơ "mịt mù khói tỏa ngàn sương" của ngày xưa được. Nếu có óc tưởng tượng tốt (theo A. Anhstanh, trí tưởng tượng còn hơn cả sự hiểu biết: "Imagination is more important than knowledge"), sẽ hình dung dễ dàng cảnh buổi sáng sớm Tây Hồ xưa khi chưa được "văn minh hóa" nó kỳ ảo, nên thơ đến thế nào, nó "tức cảnh" tâm trạng con người ra sao, để thấy không thể có cái chuyện ăn uống gì ở đây được.lkk

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác đã giải thích hữu lý nhưng vẫn chưa ổn vì chữ "trăng tà". Phải hiểu ch̃ư "trăng tà" như thế nào đây? Là trăng đã mờ khi mặt trời lên hay là trăng lưỡi liềm như trong chữ hán goị là "tà nguyệt", ví dụ trong "Tây Du Ký" có nói tới " Tà Nguyệt Tam Tinh Động". Tà Nguyệt Tam Tinh là trăng liềm với ba ngôi sao, ngụ ý chỉ chữ TÂM 心.
      VN

      Xóa
    2. Tà nghĩa là góc nghiêng thấp: góc tà (trong quân sự còn gọi là góc ngẩng, dùng cho góc ngếch của nòng pháo). Hồ Tây là ở phía tây, phía mặt trăng và mặt trời "lặn" mà ta thường thấy. Buổi sáng sớm là lúc trăng đã "lặn" về tây. Vào canh 5 trăng chưa khuất hẳn sau chân trời, còn "treo lơ lửng", hơi ngếch cao trên đường chân trời, có thể ví giống như "xế bóng" mặt trời, ở đây là "xế bóng trăng". Hiện tượng trăng tà nếu để ý kỹ vẫn thấy vào buổi sáng sớm khi mặt trời đã ló lên khỏi chân trời. Nhưng nhiều khi ánh sáng của mặt trời che lấp ánh sáng trăng yếu ớt nên khó hay không thấy, nhất là vào mùa hè. Mùa đông đêm có vẻ dài hơn, trời có vẻ tối hơn sẽ thấy rõ hơn. Tóm lại, trăng tà là trăng chưa lặn hẳn sau đường chân trời, đang lơ lửng ở một góc thấp (thường < 40 độ) so với đường chân trời. Chúc vui vẻ.lkk

      Xóa
  9. Thấy các bác tranh luận nhiều quá về "canh gà " thật tình choa từ khi nhỏ đến giờ chưa thấy đâu nói nấu "canh gà " chỉ thấy "canh cua " canh suông " " v v hoặc nói nồi " miến gà" cũng không thấy nói "canh miến gà " mà "canh"ẩm thực thường là có rau "con sâu đổ rầu nồi canh " mà có chăng là "súp gà " mà "súp" là tiếng Tây đã Việt hóa rồi ,mà chữ "nôm" thì các Cụ thường có thể dùng từ "đồng âm " thôi chứ đâu các cụ đều dịch từ tiếng Hán mà đúng cả nghĩa lẫn cả âm >nôm na là cha mách qué" nên các vị cũng đừng đùa không đúng chỗ. như bác Quang Minh đã dẫn

    Trả lờiXóa
  10. Rân Ngu "Tự Ro" Đenlúc 13:04 18 tháng 10, 2012

    "bác Lê Quang và bác xin giấu tên kia đã khẳng định đây chỉ là trò đùa. Và những câu thơ (được cho là của Dương Khuê) trong bài Tối ức Thọ Xương thang hoàn toàn là do bác kia tự phóng tác ra.

    Xin lỗi các bác, về hành động này, em chỉ nói được một câu: "Đồ vô ý thức."

    Các bác lưu ý cho, em mới đổi tên em lại một tí cho xứng với tầm cao mới của thời đại mới.

    Trả lờiXóa
  11. Tôi cũng mừng là ý nguyên gốc là vậy, gà gáy sang canh chứ không phải món canh gà. Nếu là món canh gà thì bài thơ mất đi bao nhiêu thi vị.

    Trả lờiXóa
  12. Là dân mù chữ Hán-Nôm nên tôi dành phải phó thác sự hiểu biết cho các chuyên gia như „chú Tễu“ nhà minh. (Tôi hơn chú 1 giáp nhưng rất kính nể chú).

    Tuy nhiên phải thấy rằng khi mổ xẻ ra thì vấn đề cũng khá phức tạp, bởi chữ „Canh“ trong tiếng Việt có nhiều nghĩa khác nhau, lại được diễn giải khi thì theo gốc Hán, lúc thì theo kiểu chữ Nôm. Trong khi các chuyên gia Hán Nôm và sử học còn có những ý kiến trái ngược nhau thì việc một cô giáo trẻ mới ra nghề vấp váp đâu có phải là chuyện gì quá nặng nề mà cả xã hội phải xúm vào ném đá đến nỗi cô bé phát ốm, phải bỏ nghề. Tôi thấy cô giáo Thủy có lòng tự trọng, biết xấu hổ về những sai lầm của cô (Trong khi vẫn có học giả cho là cô không sai). Cách xử sự của cô giáo Thủy còn đáng kính hơn bao kẻ gây ra những tội lỗi tầy đình cho đất nước, nhưng vẫn nhơn nhơn đi đó đi đây giảng giải về đạo đức.

    Quay trở lại vấn đề chữ nghĩa và báo chí. Một ông quan to của đảng và chính phủ, ông Vương Đình Huệ có nói“ Tôn chỉ mục đích có rồi sao không theo? Báo của tổ chức này sao lại nói về lĩnh vực khác? Vì sao báo Tiếp thị lại đi viết về chính trị“ (Tại vì bộ trưởng Tài chính lại nói về Báo chí chớ sao)

    Nếu ông Huệ có lý (mà chắc chắn là có lý vì ông ta nắm vài triệu tỷ, muốn cho ai thì cho) thì báo ANTĐ có bàn đến chữ „Canh“ cũng chỉ là bàn đến chữ „canh gác“, „canh phòng“, „canh giữ“ v.v. chứ quyết không thể là „canh ăn“ (dành cho báo BÀ NỘI TRỢ), hay thời gian ( đề tài của DIỄN ĐÀN THẾ KỶ ).

    Như vậy nếu cô giáo có giảng cho học sinh: „Canh gà Thọ Xương“ tức là: „Canh phòng, không cho bọn gà ở xứ Thọ Xương, Ấu Triệu, Nhà Chung, dậy sớm, ra Hồ Gươm tụ tập đông người vào các buổi sáng chủ nhật“, thì cũng khó mà bẻ được.

    Chữ „canh“ trong trường hợp này phải viết thế nào hả chú Tễu?

    Thọ

    Trả lờiXóa
  13. việc học thời nay vậy sao ? bỡi vì từ xưa ai cũng biết canh gà Thọ xương là chĩ giờ giấc .

    Trả lờiXóa
  14. Bác nặc danh 15:26 ngày 18-10 ở trên tôi thấy là .cô giáo giải thích thế thì phải "ốm" chứ 'sao không ốm được .đủ thấy cô ăn năn chừng nào ? tôi còn được nghe có cô dạy văn khi nói về "Hải Thượng Lãn Ông " cô giải thích với học trò là "ông già lười trên biển " thì các bác nói sao khi trong giáo dục lại có hiện tượng như thế nó hệ lụy tới giáo dục thế nào ?

    Trả lờiXóa
  15. Kính chào quí vị!
    Trước hết cho tôi (kẻ hậu sinh) xin vô cùng cảm ơn đến toàn thể quý vị. Những người yêu văn hóa văn học nước nhà luôn muốn làm cho tiếng Việt của chúng ta ngày một trong sáng hơn.
    Qua câu chuyện về “bát canh gà” hay “tiếng gà gáy chuyển canh”, của Cô giáo và em học sinh THCS vừa rồi, mà quý vị trên Blog “ Tễu” cùng TS Trịnh Khắc Mạnh, Nguyễn Xuân Diện, đã cho tôi thấy cách nhìn nhận cảm thụ văn học nói chung và ca dao tục ngữ được thêm phần đa dạng. Nhưng cách cảm thụ nào cũng có chỗ đúng chỗ sai (khó có thể tránh được). Vì nó được nhìn nhân thông qua lăng kính chủ quan của mỗi người thế mới cần có sự hướng dẫn, định hướng của các bậc tiền bối (các nhà nghiên cứu, các nhà sư phạm…) cho giới hậu sinh (học sinh và người chưa biết gồm cả tôi).
    Theo tôi riêng về bốn câu thơ: “
    Gió đưa (Phất phơ) cành (ngọn) trúc la đà,
    Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.
    Mịt mù khói tỏa ngàn sương,
    Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
    Của tác giả họ Dương hay dân gian, dù sao cũng phải khẳng định luôn bốn câu thơ này tả cảnh đẹp về Hồ Tây (HT) của Hà Nội (HN) đã có rất lâu rồi, chắc muộn nhất cũng phải vào thời nhà Nguyễn, như đại đa số chúng ta đã biết. Con riêng tôi hiểu và cảm nhận bốn câu thơ trên như sau ( bỏ qua ý nghĩa tứ thơ, hiểu theo trực nghĩa mà bài thơ đem lại). Ngoài tả cảnh đẹp về HT của HN, cảnh sinh hoạt thường ngày của con người sống quanh HT ra. Có phải chăng? Tác giả muốn khẳng định vẻ đẹp trong sáng, tĩnh lặng của HT (Mặt gương) là vĩnh cửu dù cho quanh nó luôn có sự chuyển động ( vận động) của yếu tố khách quan là gió, là sương khói, yếu tố chủ quan là tiếng chuông, tiếng gà gáy chuyển canh, là tiếng lao động sản xuất như nhịp chày giã dó để làm giấy của làng Yên Thái (không phải tiếng giã gạo hay tiếng gõ vào mạn thuyền của người đánh cá). Tóm lại dù cho sự vận động (chuyển động) có tốt có xấu, xô bồ của đời sống (cuộc sống) thế nào đi chăng nữa thì HT vẫn tĩnh lặng, vẫn tinh khôi trong sạch không bao giờ thay đổi như một tấm gương của thu đô ta. (Còn nữa)

    Trả lờiXóa
  16. Còn riêng về phần cô giáo và các em học sinh của câu chuyện trên (văn bản giảng dạy là chữ quốc ngữ ngày nay). Đây có thể là do sự sơ xuất (không thể tránh) của cô giáo chứ không thể nói cô giáo lại hiểu “canh gà Thọ Xương” là món ăn được. Vì chắc cô giáo (chúng ta) xưa cũng đã từng học bốn câu thơ này và hiểu đây là tiếng gà gáy chuyển canh chứ không phải món ăn. Có chăng, khi dạy xong cô giáo nói chơi cho bớt căng thẳng sau giờ học, thì một số em học sinh tưởng nhầm, hoặc thiếu tập trung thì cho là thật. Nên khi làm bài mới trình bày như vậy. Sau đó khi chấm bài cô giáo không chữa lại rõ ràng. Kết quả là có chuyện để bàn.
    Còn đứng về mặt nghiên cứu thư tịch chữ Hán Nôm: Có ý kiến đưa ra là chữ viết ( tượng hình) chữ “canh” là món ăn hay là hình thức xác định thời gian trước đây. Ai cũng có thể đúng hoặc sai. Vì sao:
    (chú ý tôi chỉ nói trên khía cạnh một số bác hiểu là món ăn)
    Chữ viết như nhau nhưng nghĩa khác nhau. Chúng ta đều biết chữ viết của ta là vay mượn của chữ hán Trung Quốc cổ (cách đọc của ta và bên TQ từ trước đến nay hoàn toàn khác nhau). Theo nghĩa chữ Hán từ “canh” ở đây là cách tính thời gian, còn nôm là món ăn. Vậy ta nên hiểu theo cách nào:
    - Nếu là cách thứ nhất là chỉ thời gian, thôi ta không bàn
    - Còn cách thứ hai theo một số bác đã đưa ra những văn chứng cụ thể, Từ tác giả của bài thơ (cụ nghè họ Dương) rồi cả câu thơ nhớ bát canh ở Thọ Xương của cụ ( Tối ức Thọ Xương thang), rồi đây là thơ nôm thì lấy và hiểu theo chữ nôm.v.v. Thì xin hỏi quý vị Thọ Xương là địa danh nào của Hà Nội ( trước nhưng năm 1945). Theo tôi được biết thì Thọ Xương là huyện có 8 tổng 116 xã, phường, trại của thời Nguyễn. Còn trên nữa thì Huyện Thọ Xương xưa là Huyện Vĩnh Xương cùng huyện Vĩnh Thuận thuộc Phủ Phụng Thiên, kinh thành Thăng Long xưa Hà Nội ngày nay. Không thấy địa danh hành chính nào ghi Thọ Xương là làng, xã, thôn của Thăng Long- Hà Nội. Mà chỉ có ở phủ Lạng Giang xứ Kinh Bắc xưa chứ không phải Thăng Long cùng thời mới có thôn và xã Thọ Xương. Nói vậy các bác lại nói rằng “ tác giả tức cảnh sinh tình, ngắm cảnh Hồ Tây lại nhớ bát cánh của làng Thọ Xương xứ Kính Bắc’’ ( cũng có thể) vậy thì các bác hãy tìm hiểu hộ xem điều đó có dẫn chứng nào liên quan tới cuộc đời của tác giả không (vì thông thường thơ là nỗi lòng của các tác giả viết ra nó. Nhất đây lại là một nhân vật uyên thâm về văn thơ như cụ nghè Vân Đình). Còn là món canh của Thọ Xương Hà Nội thì chắc phải nổi tiếng lắm. Nỗi tiếng nên mới vào thơ ca cũng có thể vì là món ăn “đặc chưng” của người Thọ Xương, được phổ biến trên cả huyện có khi cả kinh thành chứ chẳng đùa. Có khi lại là món tiến vua ở Huế như chim Sâm Cầm Hồ Tây ( Tiếng Chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương). Vậy sao nổi tiếng thế mà chưa thấy có sự ghi chép nào về món ăn đó (ngoài đề mục các bác đã nêu). Rồi cả các nhà nghiên cứu về HN nổi tiếng sau này, đã đề cập rất nhiều đến các món ăn, rồi sản vật của thủ đô nhưng chưa hề nhắc đến món canh gà là đặc sản của Thọ Xương cả. Tại sao?
    Lại có ý kiến khác sẽ cho là đây là lối chơi chữ của tiền nhân để lại cho hậu thế. Thì tôi lại phải hiểu đây là món “cao xương gà” vì thọ là lâu dài. Mà xương động vật ninh nâu quá thì sẽ có cao thôi!
    Tóm lại theo tôi câu chuyện Canh Gà Thọ Xương chúng ta nên kép lại ở đây thôi. Cứ để cái đẹp nó trường tồn, đừng nên mặc thêm lớp áo cho bài thơ nữa. Xin Chân Thành Cảm ơn quý Vị.!!! (hết)

    Trả lờiXóa
  17. Tiến sĩ Diện có khẳng định chắc chắn bài ca trên có trước cả câu ca trong Huế:
    Gió đưa cành trúc la đà
    Tiếng chuông Linh Mụ, canh Gà Thọ Xương
    không?

    Trả lờiXóa