Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

SƠN TÙNG - SEN XANH MỘT ĐÓA

Sen xanh một đoá
Trần Vũ Long

Ông là một nhà văn có tên tuổi bởi những tác phẩm của ông đã viết ra. Nhưng, nếu chỉ có vậy thì chưa đủ để làm nên một cái tên Sơn Tùng. Cái tên đó được mọi người biết đến và kính trọng bởi nhân cách con người ông. Một cuộc đời sống trọn vẹn với dân tộc, với con người, với văn chương. Một cuộc đời sống ngay thẳng, dám nói và dám viết, dám đấu tranh với những cái xấu cái ác để rồi chịu nhiều thiệt thòi.

Tôi có hai điều lo ngại khi chọn nhân vật để viết chân dung. Thứ nhất là viết về một người có mối quan hệ thân thiết với mình. Bởi nếu bài viết không hay, không lột tả được chân dung của người đó…quả thật là ngại. Điều thứ hai là viết về nhân vật nổi tiếng. Vì, trước đó sẽ có nhiều bài viết về con người ấy, và như thế khó để tìm ra một góc nhìn mới, cách viết mới không bị trùng lặp, bạn đọc không có cảm giác nhàm chán. Nhân vật trong bài viết này, thuộc vào điều lo ngại thứ hai của tôi. Ông là nhà văn Sơn Tùng.

Tôi có thể viết gì về nhà văn Sơn Tùng đây, khi đã có quá nhiều bài báo viết về ông. Ngay lúc này, trước mặt tôi là một cuốn sách dày ngót nghét nghìn trang, tập hợp hàng trăm bài báo viết về nhà văn Sơn Tùng. Trong đó là những bài viết của nhiều vị tướng lĩnh, lãnh đạo cao cấp, các nhà văn, nhà báo, nhân sĩ trí thức có tên tuổi. Cuốn sách có nhan đề “Hiện tượng Sơn Tùng trong văn học Việt Nam hiện đại”, do anh em, bạn bè biên soạn, sau khi ông trở bệnh nặng. Không biết người biên soạn dùng hai chữ “hiện tượng” để nói về sự nghiệp văn chương hay để nói về con người ông. Với cá nhân tôi, ông đúng là hiện tượng trong làng văn. Tôi không bàn luận đến sự nghiệp văn chương của ông. Bởi đánh giá một nhà văn có phải là hiện tượng trong nền văn học nước nhà hay không thì có lẽ tôi chưa đủ tầm để làm cái việc đó. Và, cái sự cảm với văn chương là vô cùng, không định lượng. Việc đó hãy để cho cỗ máy thời gian cùng nguyên liệu là tác phẩm của nhà văn tự vận hành. Nhưng điều quan trọng hơn, và tôi tin là như thế, với một người suốt đời tôn thờ chữ Tâm như ông thì cái sự nổi tiếng hay hai chữ “hiện tượng” chỉ là thứ ảo ảnh phù du mà thôi. Với tôi, nhà văn Sơn Tùng là một hiện tượng trong làng văn bởi chính sự dấn thân và cống hiến của ông cho văn chương khiến người ta phải nể trọng. Từ một thương binh nặng, chỉ cần nỗ lực vượt qua bệnh tật để sinh hoạt hàng ngày thôi đã là việc hết sức khó khăn rồi; đằng này ông lại cầm bút viết văn và trở thành nhà văn có tên tuổi với khối lượng tác phẩm khiến cho người ta phải giật mình kính nể.

Từ trước đến giờ, tôi có ba lần được gặp nhà văn Sơn Tùng:

Lần thứ nhất. Cách đây đến hai mươi năm, ông đến để thăm và chia buồn với bố tôi khi bà nội tôi vừa mới mất. Tôi vẫn còn nhớ, vợ ông đã đèo ông đến bằng chiếc xe đạp cọc cạch. Và, tôi vẫn còn nhớ dáng hình cùng với bộ quần áo ông mặc. Hồi đó, tôi chỉ là một đứa trẻ, đứng lấp ló từ xa để nhìn ông đang trò chuyện cùng bố. Về sau này, qua sách báo, phim ảnh, qua lời kể của bố, tôi mới biết đó là Sơn Tùng, một nhà văn rất nổi tiếng. Kẻ hậu sinh xin mạn phép nhà văn được dùng hai chữ “nổi tiếng”, mặc dù có thể ông không thích nó, nhưng thật khó để tìm từ khác thay thế một cách trọn vẹn. Ngay từ hồi đó tôi bắt đầu đọc những tác phẩm của ông, bởi sau mỗi lần in sách ông đều gửi tặng cho bố tôi. Chữ ký đề tặng của ông luôn làm tôi ngạc nhiên, mỗi khi cầm những cuốn sách đó. Giải thích về chữ ký đặc biệt của mình, ông bảo đó là cây tùng mọc thẳng trên núi, nhưng cũng có thể xem như một nén nhang thắp trên mộ những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Trên mỗi trang sách ký tặng, bao giờ ông cũng ghi một câu nói tâm đắc, như: “Mắt mù không đáng sợ. Sợ nhất kẻ tim mù!” hay “Thành nhân trước khi thành nghiệp”. Có lẽ chỉ với trang sách đề tặng đó thôi đã phần nào khắc hoạ được cốt cách con người ông.

Lần thứ hai. Đó là mùa hè năm 2011, ông đến Hội Nhà văn Việt Nam để nhận danh hiệu Anh hùng lao động của Chủ tịch nước. Có lẽ đối với rất nhiều người, trước ngày nhà văn Sơn Tùng được nhận danh hiệu cao quý đó, từ lâu ông đã thực sự trở thành một người anh hùng. Một anh hùng hy sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Một anh hùng vượt qua những cơn đau thể xác, miệt mài cống hiến cho nền văn học Việt Nam. Và đặc biệt, một anh hùng về nhân cách và phẩm giá con người. Hôm đó, khi chiếc xe ôtô chở nhà văn Sơn Tùng tiến vào sân trụ sở Hội Nhà văn, tất cả các đồng nghiệp, anh em bè bạn đang đứng đợi, ùa đến vây quanh. Tác giả của Búp sen xanh được bế ra từ ôtô trong vòng tay của người thân và bè bạn. Đã mấy năm nay ông bệnh nặng phải nằm viện thường xuyên. Ngồi trên xe lăn, ông nhìn mọi người rồi chảy nước mắt mà không nói được. Cả hội trường thực sự xúc động, vang dậy tràng pháo tay, khi chiếc xe lăn của nhà văn Sơn Tùng tiến vào. Người đi sau đẩy chiếc xe, không ai khác chính là vợ ông, bà Phan Thị Hồng Mai, một người phụ nữ đã từ lâu cũng được phong anh hùng ở trong lòng những người yêu mến, kính trọng. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, một người bạn thân thiết, thủy chung từ trong bom đạn, thân tình chào đón và thăm hỏi vợ chồng nhà văn Sơn Tùng. Suốt mấy năm qua, khi nhà văn Sơn Tùng luôn trong tình trạng nguy kịch, chiến đấu quyết liệt với bệnh tật để giành lại sự sống, Chủ tịch nuớc Nguyễn Minh Triết vẫn luôn đến thăm, lúc ở bệnh viện, khi ở nhà để động viên một người bạn, một người anh mà ông vô cùng kính trọng. Chủ tịch nước từng nói với mọi người rằng: “Đối với tôi, anh Sơn Tùng là một đại sư phụ”. Còn nhà thơ Hữu thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nói trong buổi lễ hôm đó rằng: “Nhà văn viết bằng tài năng, viết bằng cảm xúc thăng hoa thì có nhiều. Nhưng nếu ai muốn biết nhà văn đã viết bằng máu như thế nào thì xin hãy đến gặp Sơn Tùng… Tấm gương trong sáng của người anh hùng, nhà văn Sơn Tùng là sách ở ngoài sách, là chữ ở ngoài chữ, là lời ở ngoài lời”. Lâu rồi, tôi mới lại thấy một buổi lễ tôn vinh nhà văn diễn ra trong không khí xúc động, nhận được sự quan tâm của nhiều nhà văn, độc giả và báo giới đến vậy. Lần gặp thứ hai này tôi cũng chỉ lặng lẽ đứng từ xa nhìn ông với một tâm trạng đầy xúc động. Còn ông thì cũng chẳng nói được, chỉ những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má trước tình cảm của mọi người dành cho mình.H

Lần thứ ba. Trước tết Nhâm thìn khoảng hai tháng, tôi và một người bạn đến nhà thăm ông. Trước khi đến ngõ Văn Chương, trên phố Khâm Thiên, trong đầu tôi lại nhớ đến những trang sách mà ông ký tặng cho bố tôi. Phía cuối mỗi trang sách đó, ông luôn đề hai chữ “Ngõ Văn” hoặc “Chiếu Văn”. Đã không ít lần tôi tự hỏi tại sao lại có cái tên ngõ hay thế. Phải chăng đó là nơi lui tới của các tao nhân mặc khách trước đây. Để bây giờ cũng có một văn nhân ẩn mình trong ngõ Văn. Và hình như, đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến con ngõ này. Nó khác hẳn với những gì tôi nghĩ trước đây, mỗi khi đọc được hai chữ “ngõ Văn” trong sách của ông. Đó là một con ngõ rất rộng nhưng ồn ào, náo nhiệt. Trường học và chợ búa xen kẽ. Người xe đi lại tấp nập. Căn nhà của ông nằm trên tầng hai của một khu tập thể cũ nát. Vậy mà mấy chục năm qua, ông đã nhiều lần từ chối lời đề nghị phân nhà của các vị lãnh đạo cao cấp, của các cơ quan đoàn thể, rồi cũng có lần ông nhường lại tiêu chuẩn cho một gia đình già cả neo đơn bên hàng xóm. Đối với ông, mọi thứ tiện nghi hay danh vọng chỉ là cái vỏ bọc tầm thường. Ông chỉ luôn tâm niệm và hướng tới một điều là giữ cho tâm hồn mình trong sáng, ngay thẳng, sống nhân nghĩa và làm điều thiện. Dẫu cho thân thể tàn phế nhưng không tàn phế tâm hồn. Ông bảo, ăn mày ở cửa quan thì cũng giống như ăn mày ở ngoài đường, nên suốt đời không được ngửa tay xin ai cái gì. Cũng có lần, một người bạn Nhật Bản đến thăm ông, đã không khỏi ngạc nhiên và xúc động khi thấy điều kiện sống của một nhà văn tên tuổi, một thương binh nặng lại quá khó khăn như vậy. Với sự ngưỡng mộ, kính trọng của mình, ông bạn người Nhật muốn tặng nhà văn Sơn Tùng một ngôi nhà. Nhưng rồi, nhà văn Sơn Tùng đã cảm ơn và từ chối rằng, mục đích sống của đời ông không phải vì ngôi nhà hay vì những thứ vật chất nào khác. Nếu chỉ vì những mục đích đó thì có thể ông đã có được những thứ ấy từ lâu rồi. Có lẽ nhà văn Sơn Tùng là một tính cách đặc trưng cho tính cách của người dân xứ Nghệ. Và dẫu ông có xa quê hương gần trọn đời người thì bản tính đó vẫn không bị hoà tan, không bị pha loãng với những tính cách ở vùng miền khác. Chính vì vậy ông có vô số những người bạn thực sự yêu quý và kính trọng ông. Cũng chính tính cách đó mà không ít kẻ ganh ghét nhưng vẫn phải nể ông. Trong căn nhà chật hẹp này, với mọi đồ vật đều nhẵn bóng bởi nước men thời gian, đã từng chứng kiến sự hiện diện của biết bao tầng lớp người trong xã hội. Họ là những vị quan chức, tướng lĩnh số một của đất nước. Họ là những văn nghệ sĩ có tên tuổi. Họ là những vị khách từ một đất nước xa xôi, hay từ một miền nào đó của tổ quốc mà ông không hề quen biết. Họ là những người dân lao động chân lấm tay bùn, buôn thúng bán mẹt. Họ cũng có thể là một người tâm thần hay một giang hồ hảo hán. Vâng, không biết có bao nhiêu con người như thế đã đến đây. Họ đến đây chính vì ông là Sơn Tùng. Họ đến vì ông là một nhà văn nổi tiếng. Nhưng quan trọng hơn, họ đến vì có một nhân cách đáng quý: thẳng thắn và kiên trung, nhẹ nhàng và nhân ái, đang hiện hữu trong căn nhà tềnh toàng này giữa thời buổi phải trái, trắng đen, thật giả lẫn lộn. Có người bảo, họ đến chỉ để nhìn thấy mặt ông Sơn Tùng thế nào mà thôi. Tất cả những con người đó đều trở thành thượng khách trong căn nhà này. Không phân biệt nghèo hèn, chức vị. Căn nhà này cũng nổi tiếng trong làng văn vì đã tồn tại một Chiếu văn. Họ đến đây bằng một tình người, bằng một tình yêu văn chương nghệ thuật, bằng một tấm lòng với con người, với dân tộc. Đó là những: Văn Cao, Đặng Đình Hưng, Minh Giang, Siêu Hải, Tân Trà, Mạc Phi, Nguyễn Trọng Phấn, Đào Phan, Phan Ngọc, Phí Văn Bái, Hoàng Kính, Mai Hồng Niên, Cao Ngọc Thắng, Thiên Sơn… Mỗi tuần một lần, họ đến đây để nghe tác phẩm, tâm sự và những trăn trở của bạn mình. Để rồi cùng trao đổi, góp ý cho nhau. Căn nhà này cũng đã từng cưu mang nhiều văn nghệ sĩ khi hoạn nạn giữa buổi nhiễu nhương. Có người bạn lớn hơn nhà văn Sơn Tùng nhiều tuổi, nhưng vì yêu bạn mình quá đã viết một bài điếu văn để khóc bạn, nhỡ sau này có chết trước lại không được dự đám tang của bạn. Còn có người thì tự hào mà nói rằng: “Cuộc đời tôi có ba lần may mắn. May mắn thứ nhất là được chụp ảnh với Bác Hồ. May mắn thứ hai được chụp ảnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Còn may mắn thứ ba là được chụp ảnh với Sơn Tùng”. Cách đây không lâu, khi ông được đưa từ bệnh viện về, có một người hàng xóm chạy sang. Anh ta quỳ gối từ ngoài cửa, vừa khóc, vừa vái lạy rồi lê gối vào đến giường nhà văn Sơn Tùng: “Ông ơi, con thương ông quá. Con là thằng chẳng ra gì, suốt ngày rượu chè cờ bạc, đánh vợ đánh con. Nhờ có ông dạy bảo mà con đã thay đổi. Con đã biết đi làm, kiếm tiền nuôi vợ con. Bây giờ ông ra nông nỗi này. Con thương ông quá ông ơi”. Cũng có khi, nửa đêm, một người tâm thần đập cửa ầm gọi tên ông. Nhà văn Sơn Tùng vẫn bình thản ra mở cửa mời anh ta vào, rồi hỏi đêm hôm vác dao đến đây làm gì. Người đàn ông kia trả lời: “Tự nhiên cháu nghĩ đến bác nên đến để thăm. Bây giờ bác nghỉ, cháu xin phép về”. Sơn Tùng là thế đó.

Có nhiều người đến thăm, tỏ vẻ ái ngại cho điều kiện sinh hoạt của ông, rồi những thiệt thòi từ cuộc sống, chèn ép đến từ cõi người này, thậm chí phải kêu lên rằng cuộc đời này sao quá tàn nhẫn với những tấm lòng chân thật, ngay thẳng. Nhưng không, xin chớ vội chạnh lòng. Tâm ông đã thiền. Dẫu có khó khăn từ cuộc sống, dẫu có sóng gió do cõi người mang đến, ông đều bất chấp và vượt qua. Ông chấp nhận và vui vẻ với những gì mình có. Chính vì vậy mà ông luôn sống một cuộc đời thanh bạch, thanh nhàn và thanh thản. Nguyên nhân của đau khổ không phải vì sống ở trên đời này, mà chính là vì một sự nhận thức nông cạn của con người đối với đời sống. Chúng ta cần phải cởi bỏ mọi tư  tưởng của một cái "tôi" và có vậy ta mới nhận được niềm vui. Một hạnh phúc vĩnh cửu chỉ sống mạnh trong một tâm hồn giải thoát. Và những tâm hồn giải thoát chỉ có thể thực hiện, một khi ta biết giới hạn.

Sự nghiệp văn chương của ông chủ yếu với hai đề tài: Viết về danh nhân, đặc biệt là viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và viết về đề tài chiến tranh. Có thể nói, Sơn Tùng là nhà văn viết về Hồ chí Minh hay nhất, nhiều nhất và công phu nhất. Ông là người đầu tiên đã khai mở cách viết mới, cách nhìn nhận mới về Bác Hồ một cách chân thực và sinh động để lại dấu ấn trong lòng công chúng yêu văn học. Ông chính là một người anh hùng cầm bút, cho chúng ta những cảm nhận sâu sắc về một nhân cách và phẩm giá của một con người và của một nhà văn. Ông chính là một tấm gương sáng của sự dấn thân, dâng hiến cho đời và cho nghề văn. Đó là một sự dấn thân cao đẹp và “vẹn tròn” như chiếc nón bài thơ quê hương mà ông đã viết trong bài thơ “Gửi em chiếc nón bài thơ” từ hơn 40 năm trước, sau này được nhạc sĩ Lê Việt Hoà phổ thành bài hát rất nổi tiếng.

Nhà văn Sơn Tùng quan niệm: “Đạo là gốc của văn. Văn nhân đích thị dấn thân hành đạo”. Và tôi thực sự thấu hiểu câu nói đó khi bước vào căn phòng làm việc của ông. Ngay ở cửa ra vào phòng làm việc có dán một lá bồ đề đã khô. Ở vị trí trang trọng nhất của căn phòng là một ban thờ, gồm bốn bức ảnh của các danh nhân đất Việt: Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du và Hồ Chí Minh.

Và lần thứ ba này tôi cũng chỉ lặng lẽ nhìn ông nằm đó với một thân hình gầy gò, chân bị co lại. Ông đâu có nói được, chỉ phều phào mà không thành tiếng. Rồi ông lại khóc khi nghe anh bạn tôi đọc những bài thơ của ông. Trước khi ra về, tôi đã nắm chặt tay ông. Tôi thầm mong ông tiếp tục sống. Dẫu biết rằng cuộc sống hiện tại thật là nghiệt ngã đối với ông. Nhưng tôi vẫn thầm mong như vậy, để tự nhủ với mình rằng có một nhân cách, một tấm lòng như thế vẫn còn  hiện hữu trên cõi đời này.

T.V.L
*Tác giả gửi trực tiếp tới Blog Tễu.

8 nhận xét :

  1. Tôi cũng đã được nghe kể nhiều về nhân cách của nhà văn Sơn Tùng. Có thể nói, đó là một nhân cách vô cùng đáng kính, để nhiều người học tập.

    Trả lờiXóa
  2. Chừng nào người Việt phân biệt được và thôi thờ những giá trị giả đây trời!

    Trả lờiXóa
  3. Sao ngày nay Xứ Nghệ ngày càng ít đi những con người tầm cỡ vậy.Thật đáng buồn!

    Trả lờiXóa
  4. Không biết ông Sơn Tùng này có phải là ông Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước VNDCCH tại CHDC Đức của những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước không nhỉ?
    Ts Diện hoặc có ai biết rõ xin cho 1 hồi âm.
    Xin trân trọng cám ơn

    Trả lờiXóa
  5. Hãy giữ tâm thiền như nhà văn Sơn Tùng nhá. Cầu mong ông luôn thân tâm an tịnh cho đến ngày cuối của cuộc đời!

    Trả lờiXóa
  6. “Đạo là gốc của văn. Văn nhân đích thị dấn thân hành đạo”. Đúng lắm TS ơi, Hiểu thế thì không nên buồn nữa!

    Trả lờiXóa
  7. Tôi biết anh Sơn Tùng hơn 30 năm trước, đó là một con người nhân hậu, có khí tiết, dám nói ra nhiều điều mà người ta cố tình bưng bít, chính vì vậy anh chịu nhiều thiệt thòi. Trong chiến tranh anh là phóng viên chiến trường. Sơn Tùng là một thương binh nặng, suốt đời sống cuộc đời thanh bạch. Anh là một con người có nghị lực phi thường chiến đấu với thương tật để viết văn, không mấy người có thể làm được việc đó. Tôi nghĩ mọi người biết đén Sơn Tùng và kính trọng anh vì nhân cách con người anh nhiều hơn là sự nghiệp văn chương.

    Trả lờiXóa