Chuyện vãn trên đường lên Lũng Cú
Vũ Xuân Tửu
Nhà
văn Lê Văn Thảo (Dương Ngọc Huy), từ Sài Gòn ra, làm mộ cho anh trai, ở cục thống
kê Yên Bái, rồi ghé qua Tuyên Quang, rủ tôi trở lại Lũng Cú. Nói trở lại, là vì
năm 2009, tôi đã có chuyến đưa các nhà văn Nam Bộ: LVT (Sài Gòn), Lê Chí (Cần
Thơ), Vũ Hồng (Bến Tre), lên thăm Lũng Cú rồi. Nhà văn LVT nói, có anh nhà báo
Nam Bộ đã từng đi nhiều nước thế giới và các tỉnh nước Nam, rồi rút ra kết
luận, du lịch thì nên đến Hà Giang, chỗ nào cũng thấy đẹp! Ngoài bảy mươi tuổi,
mà nhà văn còn trở lại với Lũng Cú, điểm cực bắc của tổ quốc, thì thật đáng nể.
Qua
khỏi thành phố Hà Giang, đứng dưới chân dốc Pắc Sum nhìn lên, thấy dòng chữ
trắng, gắn nổi trên sườn núi: “Cao nguyên đá Đồng Văn- Công viên địa chất toàn cầu”.
Sang thu, biên thùy chớm lạnh. Mấy hôm nay lại có mưa nhỏ và nhiều sương mù,
nên đường xá lên vùng cao càng thêm khó khăn, nhưng anh Thành, lái xe của Văn
phòng Hội Nhà văn Việt Nam, quả là tay lái lụa, khiến chúng tôi an tâm mà ngắm
cảnh, chụp ảnh, quay phim. Đến Quản Bạ thì trời vừa tối, chúng tôi nghỉ lại thị
trấn Tam Sơn, khách sạn ngay dưới chân núi Cô Tiên, nhìn lên Cổng Trời, thấy
đèn pha ô-tô bị sương mù chặn đứng, nom như ông già đang bưng đôi đĩa đèn, dò
dẫm xuống núi vậy. Chúng tôi ngả lưng trên giường, chuyện phím:
-
Hồi trong rừng (căn cứ cách mạng), có người nhờ săn bắn thú, nuôi cán bộ, bộ
đội, mà suýt được phong anh hùng. Có hồi, đoàn cán bộ tuyên truyền cao cấp của
TQ sang ta, rồi vô Nam
tìm hiểu tình hình chiến trường. Trước khi lên đường, bác Hồ tặng cho bình tông
nước sâm, thế mà trên đường hành quân, nó dùng để rửa chân… Vào đến căn cứ Nam
Bộ, có thằng bị sốt, ta nấu cháo bột ngọt, nhưng nó không ăn được, đổ cả nồi,
với thái độ xấc xược. Ta đã họp và phân tích, trước kia bọn quan lại phong kiến
hách dịch. Bây giờ là cộng sản mà cũng thế sao? Thế là nó khóc!
Trên
sườn đồi, những thửa ruộng bậc thang lúa đã chín vàng. Nhà văn LVT mải miết qua
ca-mê-ra. Mấy đám ruộng đã gặt, chỉ còn trơ gốc rạ, đồng bào xếp đứng những gồi
rạ trên mặt ruộng, nom như đàn búp bê xinh xinh, cùng rủ mớ tóc vàng, diện váy
vàng, ngơ ngác.
-
Nghe nói, bác với ông Dương Văn Minh có họ hàng?- tôi tò mò hỏi.
-
Anh em con chú bác mà. - ổng trả lời.
-
Làm sao mà cách mạng lại thuyết phục được một ông tổng thống đầu hàng?
-
Từ hồi những năm 60 mươi (tk 20), cách mạng đã phái em ổng là Dương Thanh Nhật
(đại tá quân đội) vào Củ Chi, với nhiệm vụ móc nói với đại tướng DVM rồi. Như
vậy, ổng tham gia cách mạng từ trước, chứ đâu phải tới thời điểm sát nút ngày
30/4. Cách mạng giao nhiệm vụ phải làm cho được tổng thống Việt Nam
cộng hòa. Ban đầu, ổng không nhận, sợ mang tiếng là tổng thống đầu hàng. Nhưng
cách mạng khuyên, nên chịu hy sinh cho đất nước. Theo hiến pháp VNCH, thì chỉ
tổng thống mới cầm đầu quân đội và mới có thể ra lệnh hạ vũ khí đầu hàng. Một
kịch bản đã được chuẩn bị trước, khi cách mạng đưa xe tăng vào dinh Độc Lập,
thì ổng phải tập hợp nội các ở phòng họp, chờ sẵn. Sau đó, đưa sang đài phát
thanh để tuyên bố đầu hàng và yêu cầu quân sỹ hạ vũ khí.
-
Quả là một chiến tích phi thường. Nếu ông ta mà ra lệnh tử thù, thì quân sỹ,
dân chúng hai bên sẽ thiệt mạng vô kỳ kể, lại còn bao nhiêu phương tiện chiến
tranh, nhà cửa, cầu cống, phố xá sẽ bị phá hủy.
-
Sau ngày giải phóng Sài Gòn, ông Lên Duẩn vô Nam, gặp ổng, biểu rằng, một mình
anh bằng cả quân đoàn! Mấy năm sau chiến tranh, đời sống khó khăn quá, ông Võ
Văn Kiệt đem cho ổng 500 đồng, mà hồi đó, cái xe hon-đa chỉ năm, sáu chục đồng
thôi à. (Tôi quên không hỏi là phụ cấp hàng tháng, hay chỉ một lần thôi). Ổng
trị bệnh bên Pháp, trước khi về, các cựu tướng lĩnh VNCH đòi gặp, chất vấn
rằng, quân đội nghe lời ông, ông bảo hạ vũ khí là hạ vũ khí, nếu ông bảo tử thủ
là tử thủ. Thế mà bây giờ, ông còn dẫn các doanh nghiệp nước ngoài về tái thiết
Việt Nam,
thì làm sao đánh đổ? Ổng trả lời, việc chế độ đổ hay còn là do dân. Ông là
người chống Cộng, nhưng phải có trách nhiệm xây dựng đất nước. Về sau, nhà nước
cho tiền để sửa biệt thự Hoa Lan, để đón ổng về nghỉ dưỡng, nhưng không kịp.
Đến
huyện lỵ Mèo Vạc, ghé nhà hàng ăn trưa, tôi hỏi chủ quán số điện thoại của anh
Viên, trưởng công an huyện. Bà chủ mau mắn bảo, mấy anh đang ăn trên gác. Thế
là tôi chạy lên, cùng uống chén rượu chào nhau. Công an huyện Mèo Vạc là nơi
tôi công tác, cách đây gần ba chục năm rồi. Bây giờ là lớp cán bộ mới, khi tôi
tự giới thiệu, một anh sỹ quan trẻ, nâng chén rượu trịnh trọng: “Mời cựu đội
trưởng an ninh một chén”, khiến tôi rất cảm động.
Nhà văn Lê Văn Thảo đứng trước Nhà Vương |
Đứng
trên Mã Pì Lèng, chúng tôi bồi hồi ngắn dòng sông Nho Quế xanh thăm thẳm, chảy
dưới chân núi. Sông này, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy vào Việt Nam qua Lũng
Cú, chia 3 xã biên giới của huyện Mèo Vạc (Hà Giang), gồm: Thượng Phùng, Xín
Cái, Sơn Vỹ nằm bên tả ngạn, giáp 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc). Kia
là đỉnh Sư Tử Sơn, cao 1736 mét, dưới chân là Mỏ Pàng, hồi chiến tranh biên
giới có toán phỉ Lý Nhè Lùng ở đó. Chúng tự xưng là đội du kích Hoàng Văn Hoan,
thỉnh thoảng lại mò sang đặt mìn trên đường Mã Pì Lèng, đánh xe ô-tô khách và
xe tải. Bọn bên kia huấn luyện, cứ thấy xe mui xanh, đầu trắng là ô-tô Din của
Liên Xô. Bọn chúng còn viết truyền đơn, cho người vượt biên buôn bán mang về,
với nội dung đả kích Lê Duẩn. Chúng tôi lại viết truyền đơn, cho chuyển sang,
giải thích thuyết phục, bằng lời lẽ ngắn gọn, dễ hiểu. Về sau, một nhóm người Mông
xin trở về, chủ yếu là đàn bà và trẻ em. Cấp trên đồng ý, bộ đội biên phòng dọn
mìn một tuyến đường nhỏ và quy ước, nếu dưới chân núi phía bờ sông Nho Quế đốt
lửa, thì trên núi phía Sư Tử Sơn cũng đốt lửa đáp lại là đúng ám hiệu. Lần mò
vào biên giới, tuy biên phòng đã dọn mìn sạch, nhưng đi vẫn ghê ghê, chúng tôi
đốt một đóng lửa, rồi vội vã chạy ra xa, nấp sau tảng đá, sợ TQ tương kế tựu kế
mà nã pháo sang thì nguy. Pháo nó bắn chuẩn lắm. Một lúc, thấy trên núi có đám
khói bay lên. Chúng tôi chạy ra hoa chân múa tay, rồi cũng thấy đám người trên
núi lốc nhốc chạy xuống. Chúng tôi lao lên, vừa cõng, vừa bế trẻ con, dắt díu
đàn bà, con gái, chạy như bay xuống núi.
Thấm
thoát thế mà đã mấy chục năm, cảnh cũ người xưa đã khác. Tôi nhớ NXP, cán bộ an
ninh nằm vùng Thượng Phùng, biết mấy thứ tiếng dân tộc, phía TQ săn lùng ráo
riết, có đêm phải chuyển chỗ ngủ mấy nơi. Nhưng bên ta, tay trưởng huyện không
ưa NXP, bảo là đã bị TQ mua chuộc. Thế là NXP đứng giữa hai làn đạn. Về sau,
không rõ vì lý do gì mà bỏ ngành, về quê ngoại thành Hà Nội, làm nghề đông y châm
cứu. Trong xã hội này, có lẽ, không gì thâm hiểm bằng thủ đoạn quy kết chính
trị!
Chúng
tôi định ngủ đêm lại Lũng Cú, như lần trước, nhưng tới nơi, thấy nhà nghỉ Cực
Bắc hoang tàn, không đón khách nữa. Nghe nói, nó sắp được bàn giao cho huyện.
Thế là, chúng tôi đành đội mưa, leo lên cột cờ Lũng Cú. Cột cờ mới được sửa
chữa, nâng cấp năm 2010. Nhà văn LVT mở bản đồ định vị GPS, thấy ngay vị trí cạnh
chân cột cờ. Cái anh vệ tinh thật kỳ tài, y như có ngàn con mắt thần vậy, mình đi
đâu nó cũng dõi theo! Chúng tôi gắng vạch màn mưa mà quay ca-mê-ra và chụp ảnh
cột cờ thiêng liêng của tổ quốc. Xung quanh, mưa giăng trắng đục như sữa, cảm
tưởng như mình đang ở tận trên chín tầng trời. Trên đỉnh núi Rồng, có cái hộp
kính gắp vào vách đá, lưu giữ hình con bọ ba thùy, bé tý xíu như con kiến, vậy
mà có tuổi 500 triệu năm. Nghĩa là, núi này cũng có tuổi thọ từ ngần ấy thời
gian trở lên. Đó là một vạch nối sự sống dài vô tận.
Chúng
tôi đành quay lại thị trấn Đồng Văn nghỉ qua đêm. Đường phố thị trấn đã có biển
tên bằng cả hai thứ chữ Việt và Anh, biểu hiện du lịch phát triển. Chợ Đồng
Văn, xây dựng từ năm 1932, nằm bên đường Phố Cổ, nay trở thành điểm du lịch,
còn chợ mới thì mở bên kia suối. Phòng
lễ tân khách sạn Hoàng Ngọc cũng treo mấy cái đồng hồ báo giờ thủ đô các nước lớn. Trên cái các-vi-dít
của khách sạn cũng ghi bằng tiếng Anh, có cả email và blog rồi thì là số điện
thoại tel, hotline và fax… Thật thú vị, tiện lợi. Chả bù cho thời chiến tranh,
biên giới, chúng tôi từng công tác ở đây, nằm trong những ngôi nhà tường trình,
đầy bọ chó…
Xuống
Sà Phìn, thăm lại dinh nhà Vương, nay đã có nhà nghỉ, 4 phòng, ghi cả bằng
tiếng Anh (mothel) của Vương Quỳnh Sèo. Tôi xin số điện thoại, để liên hệ kỳ
sau.
Đường
qua Phố Cao, sương mù phủ kín, Thành bật cả đèn pha, nhưng cũng chỉ nhìn thấy
trước đầu xe vài ba mét, ngó sang đồng hồ chỉ tốc độ, thấy kim nhúc nhíc quanh
con số 30 km/h. Ngồi ghế sau mà lo thót tim. Nhưng cũng có cái hay, sương mù
che kín vực sâu, núi cao, nên cũng đỡ choáng ngợp. Lại nhớ chuyện, hồi chiến
tranh biên giới, đoàn ô-tô kéo pháo của bộ đội chạy đêm, toàn tay lái trẻ, từ
thị xã Hà Giang cứ dò dẫm theo ánh đèn pha dọi trên mặt đường mà leo. Sáng hôm
sau, trời hửng, tan sương, cánh lái xe nhìn thấy hun hút cực sâu, vời vợi núi
cao, đâm choáng, không dám lái xe nữa. Đơn vị phải cho bộ đội đi kèm…
-
Có hồi, nhà nước tính trao huân chương cho ông Dương Văn Minh đó. Ông Nguyễn
Khoa Điềm đã lo xong cả, nhưng bên quân đội không nhất trí, nên thôi. - nhà văn
LVT kể tiếp.
-
Thì cũng là vấn đề tế nhị, chả nhẽ… - tôi đưa đẩy.
-
Nhưng cái vụ đầu hàng, không hay bằng cái vụ TQ. Bởi vì Mỹ rút, thì sớm muộn
Thiệu cũng đổ thôi. Nhưng trước khi giải phóng chừng nửa tháng, phía TQ thông
qua môi giới, muốn gặp ổng, chừng một giờ. Ổng không chịu, họ lại rút xuống còn
mười lăm phút cũng được, nhưng ổng vẫn cự tuyệt. Nếu ổng chấp nhận, chắc TQ sẽ
thế chân Mỹ ngay từ lúc đó rồi. Có lẽ, vì thế mà ngay sau giải phóng hoàn toàn
miền Nam, TQ xúi Pôn-pốt
đánh biên giới Tây Nam
chăng?
-
Không biết ông Hoàng Văn Hoan và Lê Duẩn mâu thuẫn vấn đề gì? Nhưngviệc ông HVH
chạy sang TQ, rồi lập cả đội du kích vũ trang ở biên giới nữa, thì thật khó
hiểu, hay là TQ lợi dụng tên tuổi ông để làm bình phong chống Việt Nam?
-
Nghe kể, khi được bỏ án tử hình vắng mặt, ông HVH có xin về nước, phía VN cũng
nhất trí, nhưng TQ ra điều kiện, nếu VN tổ chức đón tiếp công khai, trọng thể,
thì mới cho trở về. Thấy vậy, HVH bảo, như thế là họ ép ta, ép được cái này sẽ
ép tiếp cái khác. Thôi, không về nữa, chết ở bên này cũng được. Sau khi ổng
mất, gia đình có đưa hài cốt về nước thì phải.
-
Thế thì, ông ta cũng vẫn còn tinh thần dân tộc, vì nước? A, lại thêm bí ẩn một
cuộc đời.
Qua
thị xã Hà Giang, có đoạn xe chạy 90 km/h, hẳn anh lái xả ga cho đỡ chồn chân.
Thế là nội trong một ngày, xe ô-tô có thể chạy 300 km, từ Lũng Cú về tới thành
phố Tuyên Quang, chả bù cho mấy chục năm trước, chúng tôi thường phải đi trong
một tuần, qua mấy chặng chờ mua vé xe khách.
- Cái
anh tình báo Việt Nam cũng hoạt động thiệt tài, bà luật sư Ngô Bá Thành, thành
phần chuẩn bị cho lực lượng thứ ba bảo, mãi sau mới biết cô thư ký của mình
cũng là Việt Cộng.
Đêm,
thành phố Tuyên Quang đã nghẽn đường, bởi các đoàn xe đèn rồng trung thu. Hôm
nay mới là mùng 5 tháng Tám, Nhâm Thìn, nhưng xe đèn trung thu đã rước cả tuần
rồi, chắc phải chơi quá rằm trung thu mới thôi. Thành vừa lái xe, vừa quay
ca-mê-ra, trong tiếng trống, tiếng nhạc rộn ràng và ánh điện lung linh khắp phố
phường.
Chia
tay ở Tuyên, nhà văn LVT bảo tôi, khi nào rảnh, vô trỏng, ông sẽ xách ô-tô đón
đi chơi lòng vòng... Chà, té ra ông mạnh cả về sức khỏe và tiềm lực kinh tế,
chứ sức tôi chỉ có thể xách được xe đạp thôi, đâu “xách’ nổi ô-tô như ông…
TP. Tuyên Quang, 21/9/2012
V.X.T
*Tác giả gửi trực tiếp tới T-blog.
Một thời lạc bước
Trả lờiXóaCảm ơn Tác giả và Trang chủ
Vực sâu, xây xẩm mặt mày,
Vực đời dồn chứa cả thời vàng, thau;
Rời „Nhân nghĩa“, phụ „Đồng bào“,
Nhất thân „thất túc“ * – Hận bao nhiêu đời?!
* „Nhất thất túc thành thiên cổ hận,
Tái hồi đầu thị bách niên thân.“
Xin lỗi Tiến sỹ NXD và bạn xem mạng, tôi nhầm từ Phố Cao, thiếu dấu sắc, chính là Phố Cáo, tên một xã, thuộc huyện Đồng Văn (Hà Giang) và nó cũng được đặt tên cho con dốc dài và cao trên đường "Hạnh phúc", chạy qua xã Phố Cáo. Hồi chiến tranh biên giới, chúng tôi thường cuốc bộ qua dốc này nhiều lần. Dốc dài lắm, mệt bã người, chúng tôi đếm được độ 30 khúc cua và dốc ngắn hợp lại mà thành, kéo dài từ Phố Cáo sang Sủng Là, chân dốc có xóm Lũng Cẩm rất nên thơ. Từ xóm này, ngước nhìn lên, thấy núi Pù Chù Lủng cao sừng sững. Trên đỉnh dốc là đường rẽ vào thị trấn Phó Bảng, cách 5 km, trước đây là huyện lỵ Đồng Văn. Hai bên đường dốc Phố Cáo có chợ Lán Xì (còn gọi là Tiền Chua)bán bò, ngựa và hàng TQ, rồi doanh trại dã chiến của bộ đội và đồn biên phòng. Bên dốc một cái hang nhỏ.
Trả lờiXóaCó chuyện vui thế này, hồi đó, xảy ra vụ án mạng, nạn nhân là đàn bà. Anh em đi khám nghiệm về, rửa ảnh (đen trắng) treo lên bờ rào cho khô. Có mấy người ngó xem hình cái ấy đã bị trương lên... và ra vẻ hiểu biết, phán: Đây là cái hang Phố Cáo, lạ gì!
Vũ Xuân Tửu