LTS: Từ những góp ý về việc xây dựng bảo tàng Lịch sử quốc gia mà chúng tôi ghi nhận được, xin giới thiệu hai ý kiến có tính đại diện dưới đây. Hai phát biểu có những điểm trái ngược nhau, nhưng chúng tôi xin đăng nguyên vẹn trong tinh thần “để rộng đường dư luận”.
.
.
Dự án bảo tàng Lịch sử quốc gia: những dấu hỏi lớn
SGTT.VN - Theo tờ trình của bộ Xây dựng, mục tiêu của dự án bảo tàng Lịch sử quốc gia là xây dựng một bảo tàng hiện đại với diện tích lớn, đáp ứng tốt việc lưu giữ, sưu tầm, trưng bày hiện vật; phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu, phổ biến tri thức lịch sử, văn hoá, khoa học của đất nước. Với những mục tiêu như vậy, sự ra đời của bảo tàng Lịch sử quốc gia không có lý gì không đáng mừng. Nhưng khi thông tin về công trình này được đăng tải trên một số tờ báo mấy ngày gần đây, dư luận và đặc biệt là giới khoa học tỏ ra lo nhiều hơn vui. Vì sao?
.
.
Bảo tàng Hà Nội đìu hiu chờ tới năm 2014 mở cửa trở lại. Ảnh: Quốc Dũng |
Nhan nhản bài học nhãn tiền
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, giáo sư – viện sĩ Phan Huy Lê, chủ tịch hội Sử học Việt Nam cho biết ông đã biết về dự án này từ nhiều năm nay, nhưng con số hơn 11.000 tỉ đồng đầu tư và kế hoạch khởi công vào tháng 11 tới theo ông là cần cân nhắc kỹ, bởi: “Tình trạng vừa thừa vừa thiếu của bảo tàng ở Việt Nam hiện nay khiến chúng tôi lo lắm. Con số hàng ngàn tỉ đồng đó liệu có thực sự đem lại những chuyển biến tích cực trong đời sống văn hoá của người dân, hay sẽ tiếp tục là một sự phí phạm?”
Chuyện vừa thừa vừa thiếu của hệ thống bảo tàng tại Việt Nam đã được rất nhiều chuyên gia đặt ra. Với bài học nhãn tiền của bảo tàng Hà Nội, công trình hơn 2.000 tỉ đồng đang tạm đắp chiếu, giới khoa học hy vọng những người có trách nhiệm đã ít nhiều thấm thía.
Đừng lãng phí tiền dân!
Tôi và nhiều độc giả đều phản đối kế hoạch xây dựng các công trình hoành tráng và cho rằng nó chưa nên làm trong giai đoạn hiện nay, khi mà có nhiều khoản khác đang cần vốn ngân sách Nhà nước... Ngoài ra rất nên tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia hay các nhà thông thái nước ngoài, kể cả kinh nghiệm của họ trong những việc tương tự.
(Nguyễn Hoàng Hải, nguyen_hoanghai@...)
Tôi và rất nhiều người nghĩ rằng tại sao ở Việt Nam ta cái gì cũng muốn làm cho hoành tráng, trong khi thực tế cuộc sống và chất lượng sống thì thuộc vào hàng thấp của thế giới. Hiện người dân đang phải chịu nhiều sức ép như bệnh viện thì dồn ép 4 – 5 người trên một giường, còn các trường mầm non và tiểu học còn thiếu, mỗi khi vào năm học phụ huynh và học sinh vô cùng vất vả để tìm chỗ học cho con, dẫn đến phải lót tay tạo ra tệ nạn. Đường sá ở các vùng ven thành phố thì quá kém, nắng thì người dân ở đây phải chịu hít bụi, còn mưa xuống thì phải chịu cảnh lầy lội trở thành con đường đau khổ. Người dân còn phải chịu đựng nhiều thứ khác nữa, vậy mà các bộ ngành lại vẽ ra một bảo tàng quốc gia đến gần 600 triệu USD – một số tiền khổng lồ. Trong khi đó hiện chúng ta có rất nhiều bảo tàng chưa sử dụng hết và chưa sử dụng đúng mục đích, như bảo tàng Hà Nội vừa xây đã xuống cấp. Có quá nhiều thứ cần thiết hơn cần phải được đầu tư xây dựng thì lại không thấy làm!(Võ Tá Luân, vo12luan@....com)
PGS.TS Nguyễn Văn Lực, giám đốc bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, cho biết: “Mặc dù bảo tàng chúng tôi và dự án bảo tàng Lịch sử quốc gia có những đặc thù riêng, nhưng công tác xây dựng và chuẩn bị để ra đời một bảo tàng quốc gia thì không có gì khác: vẫn phải theo lộ trình song song, vừa xây dựng công trình vừa xây dựng nội dung bên trong. Cùng với sự tham vấn của các chuyên gia trong và ngoài nước, chúng tôi dự kiến trong vòng sáu kế hoạch năm năm mới có thể làm xong cơ bản công việc thu thập và trưng bày toàn bộ bức tranh thiên nhiên Việt Nam vào công trình này”. Những công trình được coi là điểm sáng trong hơn 100 bảo tàng khắp Việt Nam như bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hay bảo tàng Hồ Chí Minh, đều được thực hiện công việc xây dựng công trình và tổ chức trưng bày song song trong hơn mười năm.
Thiếu nhất là nhân sự
Một lo lắng khác mà các chuyên gia trong đó có chuyên gia nước ngoài đặt ra là vấn đề nhân sự. Qua trao đổi bằng thư điện tử, bà Christine Hemmet, chuyên gia bảo tàng Quai Branly (Pháp), người đã gắn bó và có những đóng góp không nhỏ đối với công tác bảo tàng ở Việt Nam, cho biết: “Tôi đã từng chia sẻ với các giáo sư Việt Nam rằng cái thiếu để làm bảo tàng ở đất nước các bạn không phải là thiếu cái để trưng bày, vì văn hoá các bạn rất phong phú và thú vị. Về kinh phí, tôi thấy các bạn cũng đang có những chiến lược quốc gia lớn cho vấn đề này. Nhưng cái các bạn đang rất thiếu là những chuyên gia bảo tàng có chuyên môn tốt”.
Chúng tôi đưa ra quan điểm rằng đã có sự hợp nhất bảo tàng Lịch sử Việt Nam và bảo tàng Cách mạng để hướng tới một công trình chung là bảo tàng Lịch sử quốc gia, như vậy có thể yên tâm rằng công trình mới sẽ có ngay đội ngũ chuyên gia từ hai bảo tàng vốn có uy tín của Việt Nam. Bà Christine đánh giá: “Nguồn nhân lực trước hết phải đáp ứng được nhu cầu quy mô của công trình mới. Đáp ứng ở đây không phải là đủ về số lượng mà về chất lượng. Nhân lực của hai bảo tàng đó có đủ cho bảo tàng mới hay không thì tôi không biết, nhưng nếu không đủ sẽ phải có thêm và như vậy phải có được một đội ngũ được đào tạo tốt để làm việc. Qua cọ xát của tôi tại Việt Nam, thực sự là nguồn nhân lực bảo tàng đa số khi vào làm việc phải đào tạo lại. Hơn nữa một bảo tàng mới nghĩa là phải có một phác hoạ từ tổng thể tới chi tiết nội dung của riêng nó. Nói cách khác đây là một công trình hoàn toàn mới. Nếu không tư duy như vậy chắc chắn sẽ gặp những khó khăn trong tổ chức hoạt động”.
Không ít nhà khoa học, khi chúng tôi đặt vấn đề về sự kiện này đã từ chối trao đổi vì lý do không có nhiều hiểu biết về sự việc. Với một công trình như thế này, giới khoa học là người trong cuộc, mà người trong cuộc lại không có nhiều thông tin về một dự án quốc gia thì quả là đáng suy nghĩ…
Độ nặng của con số hơn 11.277 tỉ đồng không chỉ là câu hỏi: giải ngân khoản tiền ở thời điểm này có phải là một quyết định đúng đắn? Độ nặng của con số này còn là một câu hỏi lớn hơn: tiêu hết chừng đó tiền của (chắc chắn trên thực tế còn cao hơn), liệu chúng ta sẽ có được một bảo tàng Lịch sử quốc gia thực sự? Niềm tin của nhân dân vào những dự án đầu tư trong mọi lĩnh vực đã đổ vỡ khá nhiều, vì vậy phản ứng từ dư luận là một cách để những người có trách nhiệm bình tĩnh hơn trong việc triển khai các dự án tiêu tốn hàng trăm triệu đôla, trong lúc còn khá nhiều hạng mục có tầm quan trọng không kém cũng cần được đầu tư, như giáo dục, y tế...
Dung P.
.
.
Phan Cẩm Thượng (nhà nghiên cứu văn hoá)
Đâu cứ nhà to mới thành bảo tàng
Đi tham quan bảo tàng từ lâu là nhu cầu của con người ở mọi nơi, vì không ai có thể đi hết, biết hết thế giới và lịch sử. Bảo tàng chính là một thế giới thu nhỏ, để người ta tiện học hỏi. Muốn như vậy, hiện vật bảo tàng phải chủ yếu là hiện vật gốc, có hệ thống nghiên cứu chính sách và khách quan, trong khả năng có thể, lại luôn đổi mới theo những phát hiện khoa học cập thời nhất. Mặt khác, bảo tàng là nơi người ta đến giải trí với kiến thức.
Với những điểm trên mà áp vào nước ta, thì thấy hoạt động của bảo tàng ở ta còn sơ khai, nhiều nơi chỉ như... cái kho chứa đồ. Các bảo tàng lớn trong nước đều ít thay đổi, ít tính khoa học và hiện vật gốc nguyên bản cũng rất thiếu.
Phản ứng của dư luận về việc không nên đầu tư quá lớn cho xây dựng bảo tàng thời điểm này vì quá lãng phí, là phản ứng tự nhiên. Mọi nguồn kinh phí đều từ đóng góp của nhân dân, trong khi bảo tàng không có chức năng sản xuất, phục vụ nhu cầu hiện hữu, mà chỉ là môi trường lưu trữ quá khứ và học tập, giá trị của nó là lâu dài, cho tương lai. Vì không thấy được giá trị đó nên người ta không hưởng ứng việc xây thêm bảo tàng. Trên thực tế, thì nước ta vừa thừa lại vừa thiếu bảo tàng. Ví dụ thiếu bảo tàng lịch sử tự nhiên, bảo tàng nghệ thuật hiện đại.
Để đi đến một bảo tàng, cần bắt đầu từ những sưu tập và nghiên cứu lâu dài, có chiều sâu từ những lĩnh vực khoa học xã hội và tự nhiên. Đến một mức độ nhất định của sự tích tụ hiện vật và kiến thức thì cần một không gian trưng bày.
Không có hai yếu tố trên thì xây càng to càng lãng phí, rồi lại đi bảo quản cái nhà đó còn mệt hơn! Bảo tàng cần một đội ngũ những người làm khoa học nhất định phục vụ cho công tác nghiên cứu thực địa, đời sống, rồi đem về bảo tàng hoạt động thường nhật với công chúng, như vậy bảo tàng thực ra là nơi công bố các nghiên cứu khoa học tự nhiên và xã hội thường xuyên. Hình như mặt này hiện nay ở ta là số không.
Mỗi một lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội cần một số loại bảo tàng nhất định. Ví dụ nghệ thuật thì có bảo tàng nghệ thuật, khoa học tự nhiên và xã hội có bảo tàng không gian, nhân học, lịch sử tự nhiên… Lại có những bảo tàng chuyên ngành, như bảo tàng vũ khí, phục trang, tiền tệ... Ngoài bảo tàng, xã hội còn có những trung tâm tri thức hình thức đơn giản, nhất thời hơn, là triển lãm, trưng bày sưu tập, gallery (không nên chỉ hiểu là phòng tranh). Thực tế có những trưng bày kéo dài hàng chục năm mà không thành bảo tàng nhưng vẫn có giá trị. Các ngôi đình đền chùa cũng chính là những bảo tàng lịch sử văn hoá của dân tộc ở quy mô địa phương hay làng xã.
Như vậy muốn thu hút người xem, thì bảo tàng cần đáp ứng nhu cầu tức thời và lâu dài. Ví dụ nông dân rất cần bảo tàng nông nghiệp, qua đó người ta học hỏi, rút kinh nghiệm, so sánh về chăn nuôi, trồng trọt, giống má, từ trong lịch sử đến ngày nay, một cách thực tiễn. Nếu có bảo tàng vậy, người nông dân nào không muốn xem?
.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy (nguyên giám đốc bảo tàng Dân tộc học).
Trước hết phải hiểu được nhu cầu công chúng
Ngoài một vài bảo tàng ở Hà Nội, TP.HCM, nhất là các bảo tàng chuyên đề, đa số các bảo tàng ở nước ta chưa thu hút khách tham quan. Có nhiều lý do nhưng chủ yếu là vì chất lượng các hoạt động của bảo tàng, nhất là chất lượng trưng bày không được tốt. Các trưng bày chủ yếu phục vụ cho các ngày lễ lớn nên ít đầu tư công sức và kinh phí. Các trưng bày thường xuyên thường rất ít kinh phí, và nhất là không chú trọng đến hiện vật, các câu chuyện liên quan đến hiện vật và các sự kiện lịch sử. Tức là không chú ý đến các dữ liệu lịch sử thông qua hiện vật, mà điều đó lại là đặc trưng nhất của bảo tàng.
Từ sự phản ứng của dư luận về việc không nên đầu tư quá lớn cho xây dựng bảo tàng thời điểm này vì quá lãng phí, tôi nghĩ rằng việc đầu tư cho văn hoá phải có một tầm nhìn xa, phải đi trước một bước. Vì vậy, việc đầu tư cho một bảo tàng như bảo tàng Lịch sử quốc gia là cần thiết. Hiện nay có một xu hướng là các tỉnh đều muốn xây các bảo tàng lớn, nhưng chúng ta cũng cần lưu ý rằng, nhiều khi những bảo tàng nhỏ nhưng có giá trị cao lại thu hút được rất nhiều khách. Chúng ta nên khuyến khích các địa phương có nhiều bảo tàng chuyên đề nhỏ với hiệu quả cao.
Tuy nhiên để khởi động một dự án bảo tàng, hiện vật là vấn đề quan trọng hàng đầu. Chẳng hạn như bảo tàng Lịch sử quốc gia đã rất may mắn được kế thừa một số lượng hiện vật khổng lồ từ bảo tàng Cách mạng Việt Nam và bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Vấn đề là làm thế nào để nghiên cứu bổ sung thông tin cho các hiện vật này, và sử dụng hiện vật để trưng bày một cách khéo léo. Các bảo tàng ở nước ta thường trưng bày giống như sách giáo khoa lịch sử, nặng về tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng một cách đơn điệu và máy móc. Hiện vật phải là linh hồn của bảo tàng, của trưng bày. Thông qua đó giúp người xem cảm nhận được các sự kiện lịch sử và tạo những trải nghiệm cảm xúc. Một vấn đề khác là nguồn nhân lực thực hiện các hoạt động của bảo tàng cần phải được đào tạo lại để cập nhật được với sự tiến bộ, không những về kỹ thuật, mà quan trọng hơn là các quan niệm mới về trưng bày.
Mặt khác, để thu hút người xem, đặc biệt là thế hệ trẻ thì bảo tàng trước hết phải hiểu được nhu cầu của công chúng là gì. Từ đó, xây dựng các chương trình hoạt động phù hợp. Các bảo tàng, nhất là các bảo tàng tỉnh cần được đầu tư thích đáng về cả nguồn nhân lực lẫn nguồn kinh phí. Chỉ có như vậy mới có thể tạo ra được những trưng bày và những hoạt động hấp dẫn công chúng. Bảo tàng phải luôn luôn đổi mới, thật sự năng động. Cũng không nên biến bảo tàng thành một nơi xa lạ với công chúng. Bảo tàng phải là nơi giao lưu, gặp gỡ và trải nghiệm của công chúng. Người ta cảm thấy các trưng bày của bảo tàng, các hoạt động của bảo tàng có gì đó liên quan đến họ, gắn liền với họ thì họ mới tìm đến bảo tàng.
Kim Yến – Hương Lan (ghi)
Một số dự án xây mới các bảo tàng từ 2011 – 2020 Tháng 7.2005, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, ba bảo tàng quốc gia sẽ được xây dựng, bao gồm: bảo tàng Lịch sử quốc gia, bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và bảo tàng Sinh thái Hạ Long. Bên cạnh đó một số bảo tàng chuyên ngành hiện đang lưu giữ nhiều bộ sưu tập quý hiếm có giá trị nghiên cứu khoa học, thu hút khách tham quan và phát triển du lịch sẽ được nâng cấp, mở rộng phạm vi hoạt động bao gồm: bảo tàng Lịch sử TP.HCM, bảo tàng Hải dương học, bảo tàng Địa chất Việt Nam và bảo tàng Điêu khắc Chăm. Việc xây dựng mới bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam sẽ được thực hiện trong ba giai đoạn (2011 – 2012, 2014 – 1017, 2018 – 2020) trên diện tích 39ha tại khu vực Mỹ Đình, đại lộ Thăng Long theo mô hình tổng hợp đa năng: du lịch – giải trí – bảo tàng. Theo tin từ FPT, đơn vị này đang nuôi tham vọng xây dựng một bảo tàng công nghệ thông tin Việt Nam. P.V |
OOiiii trời! Chuyện cũ rích đó mà có gì mới đâu. Mấy bố vẽ vời để kiếm chác đó mà...
Trả lờiXóaTheo tôi, cái Bảo Tàng Lịch Sử hiện nay quá bé cần phải thay là đúng rồi. Nhưng đâu có cần phải xây thêm. Đổi cái Bảo tàng LS với Bảo tàng Hà Nội thế là ổn. Có đầu tư thì đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại cho hai Bảo Tàng này + đội ngũ chuyên viên mạnh + đội ngũ thuyết minh miễn phí cho học sinh các cấp 1, 2, 3 để cho học sinh ta biết thêm sử nhà. Chứ thấy tình hình bây giờ trình độ sử của các em ẹ quá.
Trả lờiXóahttp://laodong.com.vn/Van-hoa/Bao-tang-la-quyen-luc-mem-khong-phai-sach-giao-khoa/83353.bld
Trả lờiXóahttp://laodong.com.vn/Van-hoa/Phai-thay-doi-hoan-toan-tu-duy-lam-bao-tang/83354.bld