Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Nhật ký biểu tình: THẾ LÀ LẠI XUỐNG ĐƯỜNG

 THẾ LÀ LẠI XUỐNG ĐƯỜNG
(Nhật ký biểu tình ngày 1-7-2012 tại Hà Nội)
Đào Tiến Thi
Khi thấy lời kêu gọi xuống đường ủng hộ Quốc hội ra Luật biển, thực tình tôi không hào hứng. Bởi vì ở đất nước mình, như người ta vẫn thường nói, tuy có một rừng luật nhưng người ta lại thực thi bằng luật rừng. Những cái luật chỉ để cho người mình còn chả thực thi thì thực thi ngoài biển mênh mông kia thế nào? Cái khác ở đây có lẽ chỉ là ở ngoài biển, chính phủ ta chẳng thể dùng luật rừng với thiên hạ được, mà ngược lại, bị thiên hạ dùng luật rừng. ‘Thiên hạ” nói ở đây, nếu nói theo chữ nghĩa của một vị tướng nhà ta, đó là “Nước Trung Quốc XHCN láng giềng”, cái nước mà theo ông tướng này, “nếu Việt Nam cần sự ủng hộ, đồng cảm, hợp tác và phát triển thì còn có ai hơn[i], thế nhưng dân ta lại quen gọi nó là “Tàu khựa”, một kẻ cướp biển khủng khiếp nhất đối với ngư dân Việt Nam.
Không hào hứng nên không có ý định đi. Ấy thế mà chỉ mấy hôm sau, ngày 28-6, khi nghe cái tin Trung Quốc thông báo mời thầu 9 lô dầu khí nằm sâu trong vùng biển của Việt Nam (trong đó có cả những lô mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN và các đối tác hoạt động từ lâu), thì tự nhiên máu trong người trào sôi. Tôi mím môi, nắm tay đấm mạnh xuống bàn (để khỏi phải đập vỡ một cái gì đó). Thế này thì mất dạy quá chừng! Không biết dùng từ ngữ nào để diễn tả nữa. Vào mạng xem dư luận, thấy ngay cả một số báo “lề Đảng” cũng còn phải căm giận, căm giận từ cái tiêu đề: Trung Quốc mời thầu phi pháp: Ngang ngược và tráo trở (Tuổi trẻ), Việc Trung Quốc mời thầu 9 lô dầu khí là trắng trợn (Dân trí). v.v.. 
Xuống đường thôi, không cần băn khoăn nữa! Nhưng mà năm ngoái mình đã hứa với cán bộ an ninh và mấy bác cán bộ xóm thế nào nhỉ? À, khi họ cầm cái trát không số của chính quyền Hà Nội thuyết phục tôi, tôi dù phê phán gay gắt cái quyết định sai trái ấy nhưng vẫn hứa: tôi sẽ tạm chấp hành nhưng nếu Trung Quốc lại có hành động vi phạm nghiêm trọng, thì tôi vẫn đi biểu tình và làm tất cả những gì có thể làm được để bảo vệ Tổ quốc. Vậy là mình xuống đường lần này không hề sai lời hứa ấy, vì Trung Quốc đã vi phạm rất nghiêm trọng.
Nhưng lại gặp phải một lấn cấn khác: thằng con trai năn nỉ đòi đi. Năm ngoái nó đã đòi đi mấy lần không được, nghĩ cũng tội. Vì khi tôi quyết định xuống đường thì đã là lúc nhà cầm quyền đàn áp. Có cả những hành động đàn áp tàn ác và đểu cáng. Tôi không muốn tuổi trẻ non nớt của nó phải chịu đựng những cái đó (nhất là ở một xã hội được coi là “vô cùng tốt đẹp”). Cuối cùng thì lần này tôi cũng đồng ý cho nó đi. Là thanh niên rồi, phải dấn thân vì Tổ quốc, phải tập đương đầu với cả những cái ác, cái đểu nữa. Nhưng vợ tôi vẫn hết sức lo lắng. Lòng người mẹ nào chẳng “của đau con xót”. Lỡ nó bị giam cầm, đánh đập, tra khảo hay tư giấy về trường thì mẹ nó đau khổ đến mức nào. Tôi an ủi: “Riêng ngày mai anh nghĩ chắc “các cụ” xử nhẹ với đồng bào thôi. Bởi vì “các cụ” bị “thằng anh” chơi đểu quá, “các cụ” cũng cú lắm chứ”.
Sáng chủ nhật mưa tầm tã. Thằng bé vào mạng bỗng thốt nhiên kêu lên: “Có thông báo hoãn bố ơi”. Tôi bảo: “Hoãn là hoãn thế nào. Chắc là do trời mưa quá mà một số phân vân thôi. Kệ họ, thế nào cũng vẫn có người đi”.
7g40 hai bố con đã có mặt ở Bờ Hồ. Đường vắng. Chúng tôi tiến mau về điểm hẹn. Qua các nhà hàng sát vở hồ, thấy hơi nhiều nhân viên "bảo vệ" và họ dõi theo chúng tôi hơi không bình thường. Trời đã ngớt mưa nhưng sao vườn hoa Lý Thái Tổ vắng tanh, chỉ có một xe công an 113 đỗ gần đấy. Gọi điện cho một biểu tình viên tích cực thì cậu này nói mưa quá, chẳng biết có ai đi không. Tôi bảo: “Mưa gì đâu, chỉ lất phất. Trời đẹp thế này”. Hai bố con đang đi lang thang thì gặp GS.VS. Hoàng Xuân Phú. Anh Phú bảo vừa gặp Ba Sàm đằng kia, Ba Sàm nói có lẽ không có biểu tình. Hai anh em đều chung nhận định: Nếu hôm nay không biểu tình thì bỏ mất cơ hội cực kỳ quý giá. Vì cái đòn 9 lô thầu vừa rồi của Tàu làm "các cụ" nhà mình choáng váng lắm nên thế nào cũng phải "lỏng tay" với dân mình. Còn sau khi định thần lại, tình hình sẽ khác ngay.
Đang thất vọng thì thằng con đã chỉ tay sang sân tượng đài Lý Thái Tổ, rằng có người rồi. Chúng tôi vội băng qua.
Chẳng mấy chốc đã nhộn nhịp. Mọi người tranh thủ bắt tay, thăm hỏi, chụp ảnh. Được gặp lại hầu hết các “biểu tình viên” yêu nước quen thuộc: Đại tá Nguyễn Văn Quang, GS. Ngô Đức Thọ, Nghệ sỹ giang hồ Tạ Trí Hải, TS. Nguyễn Quang A, Nhà văn Nguyễn Trường Thụy, bác Khánh (nhưng không có bác Trâm, vì chỉ riêng bác Khánh "vượt tường lửa" mới đến được), bác Nghiêm Ngọc Trai, Hoạ sỹ Mai Xuân Dũng, Hiếu “Gió”, Phương Bích, Chí Tuyến, Nguyễn Khắc Toàn,... Độc đáo và cảm động nhất là hình ảnh cụ Lê Hiền Đức, người nhỏ thó, ngồi trên xe lăn, ai cũng lại hỏi thăm và xin được chụp ảnh cùng. Cũng thấy vắng một số “biểu tình viên” quen thuộc: Chí Đức, Kim Tiến (chiều vào mạng mới biết 2 bạn này vào tận Sài Gòn tham gia biểu tình trong ấy nhưng Chí Đức bị bắt ngay, còn Kim Tiến bị áp tải về nhà), Gốc Sậy (TS. Nguyễn Hồng Kiên), Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Quang Thạch,...
Trời ngớt mưa được lúc thì lại mưa to hơn, các khẩu hiệu giấy không dùng được. Khoảng 8g30 đã được cỡ trăm người. Thế là êm rồi. Tạnh mưa thế nào cũng đông nữa. Công an lảng vảng nhưng cũng không bắc loa yêu cầu giải tán nên mọi người tiếp tục giao lưu, không phải xuống đường vội vã như mọi lần.
9g00 bắt đầu tuần hành. Những tiếng hô lệnh khởi đầu chắc khỏe của những nam thanh niên làm cả đoàn người phấn chấn. Sau đó những tiếng hô lệnh tập trung vào mấy cháu gái còn rất trẻ, không biết có phải sinh viên không. Giọng các cháu khỏe và chứa đầy nhiệt huyết làm tôi chạnh nhớ giọng hô của Minh Hằng và bé Cải năm ngoái. Minh Hằng mới ở tù ra (về tội biểu tình), chắc là cũng biểu tình ở trong ấy, nhưng chả biết đã đủ sức khỏe để hô hét như trước không. (Chiều về đọc báo thì thấy tin cô ấy bị bắt ngay lúc từ Vũng Tàu đến Sài Gòn). Có một ông già đặc biệt phấn khích là GS. Ngô Đức Thọ. Hôm nay cụ bỗng nhanh nhẹn như thanh niên, lúc chạy tít lên đầu để chụp ảnh, lúc xuống cuối để chỉnh đốn hàng ngũ. Khi bắt đầu vào đường Điện Biên Phủ, sắp tiếp cận “trại Tàu”, chính cụ chạy lên đầu hô lệnh thật to: “Đả đảo Trung Quốc xâm lược!” ba lần liền. Cụ ghé tai tôi bảo: “Hôm nay chúng nó biết điều lắm, nhưng giả sử chúng nó cứ đem súng ra bắn, thì ai được chết cũng đáng”.
Điều đặc biệt lần này là tuy ít khẩu hiệu nhưng có những khẩu hiệu thật “độc”:
HÃY HÀNH ĐỘNG XỨNG ĐÁNG VỚI TIỀN THUẾ CỦA DÂN
Hay khẩu hiệu:
TỔ QUỐC GỌI CHÚNG CON CÓ MẶT
VÌ BÌNH YÊN XÃ TẮC SƠN HÀ
Những khẩu hiệu này xác định cái điều tối thiểu hay cái điều thiêng liêng làm người.
Vừa chợp đến chỗ cắt Điện Biên Phủ - Trần Phú thì công an đã chặn. Tiếng loa phát ra từ trong ca bin một chiếc xe cảnh sát. Một giọng nữ. Không có vẻ hăm dọa như mọi lần, mà ngọt như giọng bà Nghị Quế. Đoạn đầu cũng công nhận mấy cái đểu của “ông anh vàng” (tất nhiên họ chỉ dùng từ “sai trái” chứ không dùng từ “đểu” như tôi), sau đó có một câu ghi nhận “tinh thần” của đồng bào, rồi kế đó lại vẫn trên phương châm “đã có Đảng và Nhà nước lo”, tuy không dùng những chữ như thế nữa, mà “mềm” hơn, đại khái như phải có giải pháp khôn khéo, không thể manh động. Và cuối cùng lại vẫn là yêu cầu giải tán để đảm "bảo an ninh trật tự". Cụ Lê Hiền Đức, J.B. Nguyễn Hữu Vinh và một số anh em dấn lên phản đối. Một ông to lớn không mặc sắc phục hùng hổ xông ra cản, bị anh Vinh phản ứng gay gắt: “Anh là ai mà anh dám ngăn cản đường đi của chúng tôi”. Ông này bảo: “Tôi làm nhiệm vụ bảo vệ ở đây”. Anh Vinh: “Ai công nhận cho anh đang làm nhiệm vụ khi không sắc phục, không thẻ, không biển số, không băng đỏ”, và anh Vinh đẩy hắn ra để tiến lên. Tôi giữ lấy anh Vinh, khuyên anh bình tĩnh để đối thoại có đầu có cuối. Tôi cố nhã nhặn với một ông sỹ quan “mặt sắt” đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, xem ra là cấp cao nhất ở đây: “Anh ạ, anh có thấy hành động “mời thầu” của Tàu có khác nào nó thông báo bán nhà mình không, anh có thấy 90 triệu người Việt Nam mình bị sỷ nhục không?” Anh ta bảo: “Tôi từng là người lính, tôi biết cả chứ”. Tôi bảo: “Vậy thì chúng ta phải phản ứng. Một mình chính phủ không đủ. Phải có tiếng nói của dân nữa. Anh hãy cho bà con đứng trong vườn hoa Lê nin, hướng về phía Đại sứ quán Trung Quốc hô ít khẩu hiệu để tỏ rõ tinh thần của dân tộc Việt Nam ta, thế thôi”. Anh ta lắc đầu quậy quậy. Phương Bích và Hoàng Tiến Cường hình như cũng vừa làm cuộc vận động không thành, quay về kéo tay tôi bảo thôi anh ạ, không cần, ta quay về Bờ Hồ. Tôi nghe theo nhưng vẫn tiếc. Giá như mấy bác lớn tuổi có danh vọng lên thuyết phục, đồng thời bà con cứ tràn lên sao lại chẳng được? Nhiều lần trước cũng cứ trò đẩy đi xô lại và nhiều khi họ cũng nhượng bộ mà. Nhưng có lẽ hôm nay các bác nhân sỹ, trí thức lớn tuổi thấy được như thế này đã là nhiều lắm rồi, nên không đòi hỏi gì hơn chăng?
Chỗ này đã rất gần nhà tôi, nhưng hai bố con không về ngay mà tiếp tục cùng đoàn trở lại Bờ Hồ.
Gặp lại GS. Hoàng Xuân Phú, tôi bảo: “Hôm nay liệu được 300 không anh?". Anh Phú bảo: "Phải hơn thế. Hội nghị 100 người trông chỉ tí teo thôi". Chắc anh Phú ước đúng, vì anh là nhà toán học, lại hay đi hội nghị.
Vì không đến sát được “trại Tàu”, nên ban đầu không khí mệt mỏi và buồn thiu, chẳng ai hô gì nữa. Nhưng mấy phút sau đã lấy lại được khí thế. Mấy cháu gái đã nói trên lại hô rất khỏe. Cây tre Minh Hằng người ta đốn chưa xong thì cả mấy cây măng đã mọc lên rồi. Thật là con cháu Bà Trưng, Bà Triệu. Tôi cũng thật phục cái chú cầm lá cờ "khủng" suốt hành trình đi và về. Lá cờ này chắc là rất nặng, nhất là lúc đẫm nước mưa, thế mà chú ấy không chỉ giương cao mà luôn phất qua phất lại, đủ bốn phương tám hướng.
Trước khi ra về bỗng nghe tiếng Lê Dũng gắt mắng cậu an ninh vẫn cứ đeo bám chú ấy suốt cuộc biểu tình hôm nay. Nhưng hỏi lại, Lê Dũng mắng không phải vì cái tội đeo bám lúc nãy mà mắng cái tội vây nhà hôm qua và sáng sớm nay. Mình nhân đó bảo cậu an ninh: “Sao các cậu lại đi làm cái việc sai trái thế”. Cậu ta bảo: “Chúng cháu thực hiện chủ trương của nhà nước thôi”. Tôi bảo: “Đừng nên cái gì cũng lấy "chủ trương" ra làm lá chắn. Các cậu cũng có khối óc, có trái tim, cũng là con người có Tổ quốc chứ có phải là cái dùi cui, cái khẩu súng đâu”. Cậu ta cúi đầu im lặng khiến tôi lại thấy thương thương.
Trên đường về, lúc vừa xuống xe bus, một ông có tuổi đang ngồi trong quán bật dậy hỏi: "Có thuê nhà trọ không?". Tôi hết sức ngạc nhiên. Thì ra hai bố con vẫn giữ nguyên áo cờ, làm ông ta nhầm tưởng là dân oan mất đất từ quê lên. Đi thêm mấy bước, lại có một bà ngồi bán hàng bên đường hỏi: "Đi kiện đất đai hả?". Tôi bảo: "Vâng, đi kiện, đi biểu tình đây. Chúng tôi là dân oan mất đất". Thực ra khi nói thế, tôi chỉ đùa lại theo ý hiểu nhầm của bà ta thôi. Nhưng con trai tôi bảo: "Kể ra cũng đúng là thế bố ạ. Mình chả đi biểu tình vì mất đất, mất biển là gì?".
Ôi, con trai của tôi. Con đã trở thành người con, người công dân đáng tin cậy. Cảm ơn con nhiều lắm.
Đ.T.T



Chùm ảnh kèm theo bài viết:

Con cháu Bà Trưng Bà Triệu
Hai chữ đồng bào ân nghĩa nặng
Tổ quốc 4000 năm dãi gió dầm mưa
Mưa thì mưa
"Vệ sinh là yêu nước", thế chống xâm lược có là yêu nước không?
Mỗi người dân ngẩng cao đầu thì Tổ quốc mới ngẩng cao đầu

Đồng chí
Bài và ảnh do tác giả gửi Tễu-Blog.
Bài: Đào Tiến Thi. Ảnh: Nguyễn Lân Thắng và Đào Tiến Thi.
Chú thích ảnh: Đào Tiến Thi.

9 nhận xét :

  1. Cám ơn bác Đào Tiến Thi. Mấy bữa nay tôi đọc biết bao nhiêu bài, bao nhiêu tin về cuộc biểu tình 1/7 mà vẫn nóng lòng muốn đọc nữa, muốn xem hình ảnh nữa... Đọc mà bao nhiêu buồn vui lẫn lộn, nước mắt
    chưa kịp ráo thì lại trào dâng...

    Lần này... đặc biệt cám ơn các bạn trẻ, trong đó có con trai của bác Đào Tiến Thi.

    Trả lờiXóa
  2. Chào bác Ha Le,
    Tôi cũng ngóng bác quá chừng! Không thấy bác còm kiếc gì, tôi lại thấy lo lo, buồn buồn.

    Bác vẫn khỏe chứ?!

    Tễu

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Diện ơi. Đa tạ tâm tình tri âm tri kỷ của bác.

      Không biết các vị độc giả khác thì sao, nhưng tôi đoán không ít người như tôi: ... "nín cả thở" vì lo lắng cho bác. Sự lo lắng và cảm giác đau xót vì bất lực khiến tôi phát ốm luôn đó bác nè! (hì hì, đọc thư giãn cuối tuần, mắc cười lắm mà cười hổng nổi thì là ốm rùi còn gì?).

      Sự bạo ngược của chính quyền Trung quốc, tôi nghĩ dù sao vẫn là dịp may vì đó là cơ hội thức tỉnh toàn dân tộc, trong lẫn ngoài nước, chẳng khác nào gáo nước lạnh tạt vào mặt giữa mùa Đông làm cả đoàn dân Việt phải tỉnh giấc miên trường! Tình cảnh bi đát của những người nông dân mất đất, trong cái rủi có cái may, vì là cơ hội thức tỉnh lương tâm toàn xã hội...

      Nhưng dân tộc mình sẽ đi về đâu nếu không tìm lại được suối nguồn khôn ngoan hàng nghìn năm của tiên tổ? Đường vì thế mà còn rất dài...

      Hãy bảo trọng bác Diện nhé. Rất mong hiên trà này sẽ tiếp tục những cuộc trao đổi về văn hóa, về những tấm gương lịch sử...

      Tôi quí, tôi yêu những người bạn trong nước vô cùng!

      Xóa
  3. Cảm ơn bác Thi vì đã cung cấp cho bạn đọc nhiều bài viết rất công phu, sâu sắc và vô cùng hấp dẫn.
    Những tấm ảnh mà bác chụp được thật tuyệt vời - nhất là những tấm ảnh tràn đầy nhiệt huyết yêu nước của hai bố con bác.

    Trả lờiXóa
  4. Trích:
    "Kể ra cũng đúng là thế bố ạ. Mình chả đi biểu tình vì mất đất, mất biển là gì?".

    Cháu nói chẳng sai vào đâu được bác Thi ạ!

    TH

    Trả lờiXóa
  5. GS Ngô Đức Thọ: “Hôm nay chúng nó biết điều lắm, nhưng giả sử chúng nó cứ đem súng ra bắn, thì ai ĐƯỢC chết cũng đáng”. Đọc câu này mà lặng cả người! Than ôi, nếu mất tổ quốc thì mất tất cả! Đến phải quẳng cả bút nghiên đi mà liều chết một phen!...

    Trả lờiXóa
  6. Nhìn hình ảnh các cháu nhỏ mặc áo mang cờ Tổ quốc vung tay hô to khẩu hiệu đả đảo TQ xâm lược mà thấy ấm lòng. Chính các cháu mới là thế hệ mà dân tộc VN đang mong chờ.
    Ước gì đội ngũ thanh niên tình nguyện mặc áo xanh cũng có được cái dũng khí như vậy, chư không phải lúc nào cũng răm rắp hành động theo "định hướng".
    Người ta đã ví sinh viên như ngòi nổ của cách mạng mà.

    Trả lờiXóa
  7. Nhân vụ Hoàng Sa - Trường Sa, em bàn chuyện ngoài lề 1 tý. Em có 2 đứa em họ cũng hơn 20 tuổi, tên trong khai sinh của 2 đứa là Hoàng Sa & Trường Sa. Lần biểu tình trước, các bạn in & mặc áo Trường Sa - Hoàng Sa bị bắt, nếu có cơ hội ở gần & đi biểu tình, em đăng ký mặc áo thay các bạn bị bắt hôm trước. An ninh bắt em sẽ khai là mặc áo tên em họ, chắc cũng được tha nhỉ @_@

    Trả lờiXóa
  8. Cảm ơn đông bào đi biêủ tình đại diên cho 90 triêụ ngươì VN. Cảm ơn hai bô con anh Dào Tiên Thi. Dúng là HÔ PHỤ SINH HÔ TƯ.

    Trả lờiXóa