Biển Đông với Cấp cao ASEAN-20
Hoàng Dũng Nhân
SGTT: Thủ tướng Hun Sen nói với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, nước ông chia sẻ quan điểm rằng các tranh chấp Biển Đông không nên được “quốc tế hóa”. Tuy nhiên, các nước ASEAN khác rất có thể vẫn đưa vấn đề này ra Thượng đỉnh hai ngày của khối.
Theo TTXVN, ngày 2/4 trong các cuộc họp trước thềm Cấp cao 20, các ngoại trưởng ASEAN đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải; giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS). Trong một số văn kiện quan trọng vừa ký kết, các ngoại trưởng ASEAN khẳng định phải thực thi đầy đủ DOC, sớm nâng lên thành Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Các ngoại trưởng cũng hoan nghênh kết quả của Nhóm Công tác SOM ASEAN về xây dựng các thành tố của COC, làm cơ sở để trao đổi giữa ASEAN với Trung Quốc.
Việt Nam, Philippines đưa Biển Đông ra Hội nghị
Năm nay, với Thượng đỉnh ASEAN-20 tại Phnom Penh, hồ sơ tranh chấp Biển Đông giữa TQ và một số nước ASEAN vẫn được đề cập như một vấn đề thời sự. Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Lê Công Phụng (hiện là chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Asean) cho biết: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể sẽ đề cập đến vấn đề tranh chấp Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh lần này. Vì vấn đề Biển Đông không chỉ Việt Nam mà các nước khác cũng quan tâm nên nhiều khả năng phía Việt Nam sẽ đưa vấn đề này ra bàn bạc. Trước đó, phía Philippines cũng tuyên bố, họ sẽ thúc đẩy COC trên Biển Đông tại Phnom Penh bất chấp việc chủ nhà CPC tuyên bố đưa vấn đề Biển Đông ra khỏi nghị trình chính thức của Hội nghị.
Liên quan đến chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa/Trường Sa, trong thời gian qua, VN đã liên tục tố cáo hàng loạt các động thái của Bắc Kinh nhằm biến việc TQ chiếm đóng trên thực tế hàng chục năm nay các đảo thuộc Hoàng Sa/Trường Sa thành sự đã rồi. Chuẩn bị các văn kiện trình lên Cấp cao, ngoại trưởng Phạm Bình Minh tái khẳng định hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông, trong đó có an ninh và an toàn hàng hải là nguyện vọng và lợi ích chung của khu vực và tất cả các nước; các bên liên quan cần giải quyết hòa bình các tranh chấp, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, thực hiện đầy đủ DOC, sớm xây dựng thành COC.
Trước đó (30/3), người phát ngôn BNG Việt Nam Lương Thanh Nghị đã tố cáo Trung Quốc cho tổ chức cuộc đua thuyền buồm gọi là “Cúp Ty Nam”, xuất phát từ Tam Á, phía nam đảo Hải Nam, đến quần đảo Hoàng Sa. Đối với Việt Nam, hành động này «vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại chính cam kết của Trung Quốc là không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông ». Ngày 15/3, BNG Việt Nam đã lên tiếng phản đối một loạt hành động của TQ liên quan đến Hoàng Sa, trong đó có chủ trương của Tổng cục Du lịch Trung Quốc tổ chức du lịch đến Hoàng Sa. Việt Nam cũng tố cáo việc Tập đoàn dầu khí TQ CNOOC gọi thầu thăm dò dầu khí gần đảo Cù Mộc (Tree Island mà TQ gọi là đảo Triệu Thuật), một trong những hòn đảo chính của quần đảo Hoàng Sa, đồng thời phản đối Hải quân TQ tập trận bắn đạn thật trong vùng này.
Trong khi đó, theo các hãng tin nước ngoài, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã yêu cầu CPC đừng thúc đẩy các cuộc thảo luận về các tranh chấp trên Biển Đông “quá nhanh” để tránh cho vấn đề trở nên phức tạp thêm. Ông Sry Thamrong, cố vấn của Thủ tướng Hun Sen đã tiết lộ như vậy với các phóng viên. Thủ tướng Hun Sen nói với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào: nước ông chia sẻ quan điểm của TQ rằng các tranh chấp trên Biển Đông không nên được “quốc tế hóa”; nhưng ông Hun Sen đã nói với ông Hồ, CPC cũng có khó khăn trong việc ngăn cản các quốc gia khác đưa vấn đề ra hội nghị thượng đỉnh Asean, bởi vì các nước Asean khác có quyền và rất có thể họ vẫn đưa vấn đề này ra Hội nghị Thượng đỉnh ở Phnom Penh.
Không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ ASEAN
Theo giới phân tích trong và ngoài nước, đã đến lúc Việt Nam cần phải hiệu chỉnh chiến lược, cần kết hợp mọi nguồn lực để đưa vấn đề Hoàng Sa/Trường Sa ra trước công luận quốc tế, trên mọi diễn đàn, chứ không nên bó hẹp trong khuôn khổ ASEAN. Theo Thạc sĩ Luật Hoàng Việt, Đại học Luật TP.HCM, hầu hết cộng đồng quốc tế đều phản đối đường lưỡi bò mà phía Trung Quốc đưa ra vì nó vô lý cũng như không có cơ sở nào trong luật pháp quốc tế, chưa nói đến yêu sách đường lưỡi bò này còn đi ngược lại nguyên tắc đất thống trị biển của luật biển quốc tế. Đây là sự vi phạm quyền chủ quyền cũng như quyền tài phán của Việt Nam nên chúng ta cần phải xem xét việc đưa ra công luận, hoặc một cơ quan tài phán quốc tế nào đó.
Vì Trung Quốc chơi ván bài không rõ ràng, nên phải có chính sách linh hoạt để đấu tranh trong quá trình vận động thế giới, đặc biệt là về vấn đề an ninh cho tất cả khu vực chứ không chỉ chủ quyền của các hòn đảo. Theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine (Hoa Kỳ), vừa qua Việt Nam đã có những cách làm rất tốt. Ví dụ như cùng hợp tác với Philippines về vấn đề Biển Đông. Philippines có thể thay Việt Nam đẩy mạnh vấn đề này ở ASEAN để Việt Nam khỏi đối đầu với Trung Quốc hay CPC. Nhưng không phải chỉ có duy nhất Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN này là nơi Việt Nam có thể nêu ra hồ sơ Biển Đông.
Trên đây là bản gốc. Bản đăng trên SGTT ở đây.
Thế nào mà,tôi thấy 3D nhà mình toàn đứng cạnh Thủ tướng Thái ở hầu hết các hội nghị. Mà bà ấy xinh duyên thật. Ước gì mình được như anh ấy.
Trả lờiXóa