Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

CHÙM BÀI NGOẠI GIAO: Bài 3 - TRIỀU TIÊN PHÓNG VỆ TINH...

Triều Tiên phóng vệ tinh: nguyên nhân và hệ quả?

Hoàng Dũng Nhân

Tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng bị nổ tung chỉ một phút sau khi rời giàn phóng. Hội đồng Bảo an triệu tập phiên họp khẩn cấp, trong khi giới chuyên gia lo ngại Triều Tiên sẽ cho thử hạt nhân để cứu vãn tình thế.

Theo AFP, hiện Bộ tư lệnh phòng không Bắc Mỹ (NORAD) và Hàn Quốc thông báo: Hỏa tiễn của Triều Tiên bị nổ tung sau khi rời giàn phóng Tongchang-ri cách biên giới Trung Quốc 50 cây số. Tầng một của tên lửa rơi xuống biển Hoàng Hải tại một tọa độ cách Seoul 165 cây số về hướng tây. Tầng ba và tầng hai không hoạt động đã rơi xuống biển. Hàn Quốc thông báo hải quân đang tiến hành tìm vớt xác hỏa tiễn và vệ tinh vừa bị rơi.

Phóng hỏa tiễn để làm gì?

Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật và Kim Chính Vân (Kim Jong-Un) là bộ tam trong bầu trời quyền lực của CHDCND Triều Tiên hơn nửa thế kỷ nay được tôn vinh như chúa ba ngôi Cha, Con và Thánh thần mỗi khi cả chính quyền lẫn người dân ở đây ngợi ca Lãnh tụ vĩ đại (đối với Kim ông), Lãnh đạo kính mến (đối với Kim bố) và nay là vị Tướng quân được mô tả có diện mạo oai phong, thông minh, uyên bác, không khác gì ông nội (với ông Kim cháu). Chưa đầy 30 tuổi, Kim Jong-Un đã được bầu làm Chủ tịch cơ quan đầy quyền lực là Quân ủy Trung ương, trong cuộc hội nghị bất thường của đảng Lao động vào ngày 12/4 vừa qua.


Trước đó, Kim Jong-Un cũng đã được phong là Tổng tư lệnh tối cao quân đội; được bầu làm Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Triều Tiên, một chức vụ lập ra sau khi cha ông là Kim Jong-Il, "Tổng bí thư vĩnh viễn" qua đời. Ngay sau những sự kiện được quốc tế đánh giá là nhằm hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực của Đảng cho con trai cố lãnh đạo Kim Jong-Il, tờ "Rodong" - cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên đã gọi ông Kim Jong-Un là "nhà lãnh đạo vĩ đại và là vị tướng được thiên đình cử xuống".

Như vậy, nguyên nhân sâu xa của vụ phóng vệ tinh có thể là để khẳng định tính liên tục, khuếch trương thanh thế mới của ông Kim cháu nhân dịp giỗ Kim ông. Trong thời gian ông Kim bố lãnh đạo Triều Tiên, từ 1994 đến 2011, chính quyền Bình Nhưỡng đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân. Tuần báo Nhật Bản Shukan Bunshun hôm 12/4 mới đây tiết lộ, cố lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Il đã để lại một bản di chúc, trong đó nhấn mạnh Bắc Triều Tiên phải phát triển các vũ khí nguyên tử, sinh học, tên lửa đạn đạo. Di chúc có đoạn: "Luôn luôn nhớ rằng phát triển liên tục và duy trì vũ khí nguyên tử, tên lửa đạn đạo và vũ khí sinh học là phương cách duy nhất để bảo vệ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Không bao giờ được mất cảnh giác".

Trên phương diện chính thức, CHDCND Triều Tiên tuyên bố, vụ phóng tên lửa  này nhằm mục đích phát triển kinh tế và sử dụng không gian một cách hòa bình, đồng thời khẳng định hành động này là hợp pháp và thế giới phải thừa nhận quyền của mỗi quốc gia có chủ quyền. Nhưng Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc lại không nghĩ thế! Theo một số chuyên gia quân sự phương Tây, công nghệ mà Triều Tiên thí nghiệm lần này có thể sẽ được áp dụng cho việc phóng các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) nhằm xây dựng hệ thống phóng tên lửa cho vũ khí hạt nhân một khi nước này chế tạo được đầu đạn hạt nhân.

Về nguyên nhân trực tiếp, CHDCND Triều Tiên khẳng định, việc phóng vệ tinh này là để kỷ niệm ngày sinh nhật của Lãnh tụ Kim Nhật Thành đã sáng lập ra Triều Tiên hiện nay. Phó Giám đốc Cơ quan phát triển không gian của Triều Tiên Ryu Kum-Chol khẳng định với AFP, việc phóng vệ tinh là món quà của nhân dân Triều Tiên dâng lên Kim Nhật Thành. Những ngày này, bộ máy tuyên truyền của đất nước "thiên lý mã" quảng cáo rầm rộ cho việc phóng tên lửa, truyền thông liên tục giương cao khẩu hiệu "2012 là năm rực rỡ quang vinh!", "2012 là năm phồn vinh hùng mạnh!"

Liệu có thể lý giải thực chất điều gì xẩy ra đằng sau những lời phát ngôn khi mạnh mẽ khi thận trọng của các bên liên quan từ thời điểm sau khi CHDCND Triều Tiên đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ hồi tháng 2/2012 và tiếp theo sau đó là tuyên bố của Triều Tiên về vụ phóng tên lửa mà nếu nước này tạm ngừng thì sẽ được nhận 240.000 tấn lương thực của Hoa Kỳ? Tại sao tất cả các nước, kể cả một cường quốc như Hoa Kỳ, hay là nước được coi như có nhiều ảnh hưởng nhất đến Triều Tiên như Trung Quốc đều phải "đôn đáo" xung quanh vụ phóng vệ tinh này? Nỗi lo sợ của các nước liên quan là có thật hay ảo?

Đằng sau những quan ngại tiềm ẩn

Hôm 12/4, ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton cảnh báo Triều Tiên là HĐBA/LHQ sẽ hành động thêm nữa nếu Bình Nhưỡng vẫn tiến hành phóng tên lửa mà nhiều người tin rằng đó là một cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Phát biểu tại Washington sau khi họp với những người tương nhiệm trong khối G-8, ngoại trưởng Clinton nói Triều Tiên có thể chọn giữa cô lập và quan hệ mật thiết hơn với cộng đồng quốc tế. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon thúc giục Triều Tiên hãy lắng nghe lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, hủy bỏ vụ phóng vệ tinh này. Ông cũng nói vụ phóng tên lửa rõ ràng vi phạm một nghị quyết của HĐBA/LHQ nhằm ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Từ Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda lặp lại lời kêu gọi Bình Nhưỡng hoãn vụ phóng, đồng thời tuyên bố rằng các lực lượng Nhật Bản sẵn sàng bắn hạ bất kỳ hỏa tiễn nào nếu nó bay chệch hướng qua lãnh thổ Nhật Bản. Hàn Quốc cũng đặt các lực lượng nước mình trong tình trạng cảnh giác cao và đe dọa sẽ bắn hạ hỏa tiễn nếu nó cho thấy là đâm xuống lãnh thổ Nam Triều Tiên. Ngay cả Nga cũng kêu gọi Triều Tiên đình chỉ hành vi chống lại cộng đồng quốc tế này, đồng thời cảnh báo sẽ khởi động hệ thống phòng thủ tên lửa nếu vệ tinh TT có nguy cơ rơi xuống lãnh thổ Nga. Philippines, nước nằm gần địa điểm rơi các thiết bị phục vụ giai đoạn phóng đầu tiên, đã đổi hướng chuyến bay của ba hãng hàng không và yêu cầu ngư dân tránh khu vực nguy hiểm nói trên.

Một người dân Hàn Quốc theo dõi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên

Đằng sau các tuyên bố mạnh mẽ này là các động thái ngoại giao thận trọng của hầu hết các bên liên quan che dấu những lo ngại tiềm ẩn. Dư luận quốc tế chú ý đến chương trình nghị sự trong các cuộc gặp giữa ngoại trưởng ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong hai ngày 7-8/4 tại TQ. Cả Bắc Kinh, Tokyo và Seoul đều thống nhất đã tiếp tục kêu gọi Bình Nhưỡng thay đổi vào phút chót, song cả ba bên cũng bàn cách phối hợp với nhau và với các nước khác khi việc phóng vệ tinh vẫn diễn ra. Tuy nhiên, cả ba vẫn thận trọng vì lo ngại kịch bản 2009 có thể tái diễn nếu HĐBA/LHQ lên án Triều Tiên. Lúc bấy giờ, Triều Tiên đã đáp trả bằng một vụ thử hạt nhân, đồng thời kéo lùi đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cho đến nay chưa nhóm lại được.

Điều nghịch lý là mặc dù có quan hệ "môi hở răng lạnh" với Triều Tiên, nhưng Trung Quốc là nước đang gặp nhiều phiền toái trong chuyện này. Tình thế lưỡng nan của Trung Quốc có thể được mô tả như sau. Bắc Kinh khó có thể thuyết phục Bình Nhưỡng đừng "diễu võ giương oai", vì trong các năm 1982, 1987, Trung Quốc cũng đã từng "lấy giỗ làm chạp", tức là cũng nhân ngày giỗ Mao Trạch Ðông cho phóng vệ tinh lên quỹ đạo. Rồi những năm sau này 1992, 1997, 2002, 2007, Trung Quốc đều phóng vệ tinh mỗi lần đại hội đảng. Bây giờ lấy cớ gì để TQ cản được Kim Jong-Un "báo hiếu" nhân kỷ niệm sinh nhật của ông nội?

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn phải bảo đảm với Nhật Bản và Hàn Quốc là không nên quá lo lắng về hành động của Kim Jong-Un. TQ muốn giúp chính phủ hai nước trấn an dân chúng của họ. Vì vậy, ngoại trưởng Trung Quốc phải mời ngoại trưởng hai nước kia sang họp để hạ nhiệt các phản ứng của lân bang, đồng thời thăm dò xem hai chính phủ có nghĩ đến chuyện tăng ngân sách quốc phòng hay không. Giả sử Nhật Bản và Hàn Quốc nhân dịp này cũng muốn chế tạo đủ tên lửa và bom hạt nhân làm đối trọng thì viễn cảnh ấy không mấy tốt đẹp đối với TQ. Ông Dương Thiết Trì muốn tìm kiếm sự thông cảm của hai người hàng xóm đối với ảnh hưởng hạn chế của Trung Quốc lên các quyết định gây náo động của Triều Tiên.

Tại một tuyên bố được cho là bất thường hôm 25/3, Tổng thống Obama đánh giá, với kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên, tình hình Đông Bắc Á đang đứng bên bờ vực. Ông Obama thẳng thắn bày tỏ sự thiếu tin tưởng vào chính sách của Trung Quốc đối với Triều Tiên. Tổng thống Mỹ cho rằng đã đến lúc TQ phải thay đổi chiến lược.

Trong lúc đó tờ "Đại Công báo" (Hong Kong) ngày 11/4 muốn "giải oan" cho những chỉ trích nhằm đến TQ như sau: "Trong vấn đề Triều Tiên, Trung Quốc nâng tay trên thì sợ rơi, ngậm miệng thì sợ tuột mất; lúc nào cũng như đi trên băng mỏng, chỗ nào cũng ngại gặp vực sâu... Nhiều lần TQ bị đẩy đến chảo lửa của những tranh chấp gay gắt".

Cho dù có các phản ứng gay gắt từ ngoại trưởng đến tổng thống, nhưng giới quan sát cho rằng Hoa Kỳ chẳng có nhiều lý do để lo ngại vụ phóng vệ tinh lần này của Bắc Triều Tiên. Với sức mạnh và trình độ kỹ thuật quân sự áp đảo của Hoa Kỳ, trên toàn cầu cũng như tại khu vực, không có chính quyền nào chủ động gây hấn với Hoa Kỳ, cho dù đây đó có những tuyên bố rất "nổ" về khả năng nhấn chìm các cuộc tập trận Mỹ-Hàn trong biển lửa.

Vậy tại sao Mỹ vẫn "đôn đáo"? Cũng như Trung Quốc, Hoa Kỳ cũng muốn làm an lòng dân chúng Hàn Quốc và Nhật Bản, là những mắt xích trọng yếu trong chiến lược "xoay trục" sang Châu Á-TBD của Mỹ, đồng thời Hoa Kỳ cũng chứng tỏ nước Mỹ thành tâm chia sẻ mối quan tâm của các đồng minh "ruột". Và chừng nào Đông Á nói chung và Đông Bắc Á nói riêng "đang trên bờ vực" thì chừng đó, sự trở lại châu Á của Mỹ được nhiều nước hoan nghênh.

Nguồn: Tuần Việt Nam.

 

1 nhận xét :

  1. Công dân miệt vườn Nam Bộlúc 20:11 22 tháng 4, 2012

    Nhóc con Kim Jong Un muốn cả thế giới chú ý tới hăn đấy mà. Hắn lừa được cả thế giới. Có ngày hắn phải ăn đòn !

    Trả lờiXóa