Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

CHÙM BÀI NGOẠI GIAO: Bài 2 - CHUYỂN ĐỐI Ở MIẾN ĐIỆN: KÉO CƯA LỪA XẺ

Chuyển đổi ở Myanmar: Kéo cưa lừa xẻ

Dù lạc quan hay hoài nghi, những ngày này, cộng đồng quốc tế đều đặt hy vọng vào sự chuyển đổi mô thức phát triển ở Myanmar. Tuy khó khăn vẫn còn ở phía trước nhưng đáng mừng là bạn đã có đường băng để cất cánh! Đáng lạc quan hơn nữa là trong Tổ Lái của bạn có những người có tâm và có tầm, chứ không chỉ suốt ngày lo đấu đá nội bộ, bỏ khoang lái ra tranh giành chỗ với hành khách (!)
Tuần Việt Nam - "Mùa xuân Myanmar" rõ là đang bừng nở nhưng liệu có còn không nguy cơ về một cơn gió lạnh cuối đông có thể làm những đài hoa mới hé lụi tàn? 

Hướng xuất ngoại đầu tiên của Dow (quý Bà) Aung San Suu Kyi sang Na Uy và Anh quốc vào tháng 6 tới đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy nhà lãnh đạo đối lập này, một chính khách vừa trúng cử quốc hội, tin tưởng vào tương lai của quá trình dân chủ hóa đất nước Myanmar.

Khi Thủ tướng Anh David Cameron đưa ra lời mời vào tuần trước, bà Suu Kyi thẳng thắn: "Nếu cách đây hai năm, tôi đã nói rằng, cám ơn lời mời, nhưng rất tiếc là tôi không thể nhận lời. Còn giờ đây, tôi lại nói rằng, vâng, có thể tôi sẽ tới Anh quốc, và đó là một tiến triển quan trọng".

Sau 24 năm, đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên của bà sau hàng chục năm bị giam cầm và quản thúc tại gia. Tháng 12 năm ngoái ngoại trưởng Hillary Clinton cũng đã ngỏ lời mời bà Suu Kyi viếng thăm Hoa Kỳ và theo khẳng định mới đây nhất của bà Clinton, lời mời đó vẫn còn tính thời sự.

Và cũng sau 28 năm, lần đầu tiên, một nguyên thủ Myanmar - Tổng thống Thein Sein thăm chính thức Nhật Bản từ 20-24 tháng này và Tổng thống Sein sẽ có cuộc họp thượng đỉnh song phương với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda. Hai bên sẽ kết thúc hồ sơ về viện trợ phát triển của Nhật cho Miến. Ông Sien cũng sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Nhật Bản - Mekong, diễn ra cùng ngày.

Một nguồn tin ngoại giao châu Âu vừa cho biết EU "đã đồng ý về nguyên tắc" việc tạm ngưng các biện pháp trừng phạt kinh tế Myanmar trong vòng một năm. Tuy nhiên Bruxelles vẫn duy trì cấm vận vũ khí đối với quốc gia này.

Theo giới quan sát, đây là những bước tiến quan trọng trong việc chấm dứt các biện pháp nhằm cô lập Myanmar mà cộng đồng quốc tế đã áp đặt từ nhiều năm qua.

Dân tộc này sẽ hết trầm luân?

Bàn tay tế độ duy nhất của (Dow) Suu Kyi có đủ để cứu vớt Myanmar ra khỏi bể trầm luân? Bà Suu Kyi đã cố giữ không cho các đảng viên của mình quá hăng say men chiến thắng khi Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) giành đa số ghế trong bầu cử quốc hội bổ sung vừa qua.

Hãy nghe chính lời của quý Phu nhân: "Các đảng viên NLD và người ủng hộ hân hoan vào lúc này là điều bình thường. Tuy nhiên, phải tránh hoàn toàn những phát biểu, cách xử sự và hành động có thể gây tổn hại và phiền muộn cho những đảng phái khác cùng người dân. Tôi muốn mọi đảng viên NLD phải bảo đảm rằng chiến thắng của nhân dân là một chiến thắng có phẩm giá".

Một giảng viên từ Ðại học Oxford đã làm phép so sánh: nếu bà Suu Kyi là một Nelson Mandela của Á Châu thì phải chăng bà đã gặp được một de Klerk qua Tổng thống Thein Sein. Tiễng vỗ tay chỉ có thể vang lên nếu có hai bàn tay. Hai bàn tay đó được kết nối trong cuộc gặp lần đầu tiên giữa hai người vào 19/8 năm ngoái và lần thứ hai 11/4 mới đây. Liệu tiếng vỗ tay này còn vang bao xa?
 

Nếu Myanmar tiếp tục con đường dân chủ bằng cách hòa giải thực sự từ bên trong, kết nối thông thoáng với Hoa Kỳ, EU và các nước láng giềng, thay vì để vùng đất đầy nguồn tài nguyên của đất nước cho một mình Trung Quốc khai thác, thì liên bang này sẽ phát triển thành một trung tâm năng lượng và tài nguyên, quy tụ được tiểu lục địa Trung-Ấn và Đông Nam Á vào một quần thể năng động.

Báo "Nhân Dân", cơ quan ngôn luận của ĐCS Việt Nam mới đây nghi nhận các động thái của một số quốc gia phương Tây trong quan hệ với Myanmar, đánh giá các động thái đó là sự cổ vũ tiến trình dân chủ ở nước này. Theo tờ "Nhân Dân", những chuyển biến ở quốc gia sẽ giữ ghế chủ tịch ASEAN vào năm 2014 đang mở ra giai đoạn phát triển mới không chỉ ở Myanmar mà còn cả trong khu vực ĐNÁ.

Tuy đang chứng kiến một giai đoạn đầy hấp dẫn trong bước chuyển đổi của cả một dân tộc, nhưng dư luận không thể không nhìn vào các khía cạnh phức tạp hơn của một đất nước đang bước ra ánh sáng sau bao thế hệ chìm đắm trong cô lập và lạc hậu; hậu quả tất yếu của tệ nạn này là tham nhũng và bị ngoại bang đè đầu cưỡi cổ.

Năm nay 66 tuổi, lãnh tụ đối lập có vấn đề về sức khỏe. Không ai biết bà Su Kyi có thể đại diện cho đảng mình vào mùa bầu cử 2015 trong cuộc đấu tranh giành 75% số ghế còn lại trong quốc hội hay không. Nhưng nói chung với đa số người dân Miến, Dow Suu (quý Phu nhân Suu) gần như là một á thánh, và trên đôi vai gầy của á thánh đó đang đè nặng tương lai của cả một dân tộc.

Bà Aung San Suu Kyi
Chuyển đổi không diễn ra trong một đêm
 

"Khi một hệ thống cần thay đổi, thì không thể làm việc đó chỉ trong một đêm. Một số nước từng cố gắng chuyển đổi trong một đêm đều đã đi xuống." Đó là phát biểu của chính Tổng thống Sein khi ông nói về tương lai còn trắc ẩn trên con đường tiến tới dân chủ của quốc gia đa chủng tộc này.

Myanmar là một vương quốc lớn đã hình thành và phát triển xung quanh thung lũng trung tâm sông Irrawaddy. Tên của thung lũng này trong tiếng của bộ tộc Miến là Myanmar, vì vậy đó cũng là tên chính thức của quốc gia. Tuy nhiên, khoảng 1/3 số dân Myanmar không phải là người Miến Điện.

Khu vực biên giới của người thiểu số chiếm tới 7 trên tổng số 14 bang của Myanmar. Các khu vực xung quanh thung lũng Irrawaddy là nơi cư ngụ của người Chin, Kachin, Shan, Karen và Karenni - những dân tộc có lực lượng quân đội chính quy và bán chính quy. Đất nước có tới 11 nhóm vũ trang và các nhóm này đã từng đánh nhau với lực lượng quốc gia từ đầu Chiến tranh Lạnh.

Nhưng vì sao một chế độ quân sự bỗng dưng thay đổi? Theo Ko Ko Gyi, thuộc tổ chức Thế hệ 88, năm diễn ra phong trào nổi dậy của sinh viên, thì "đó là vì lý do kinh tế, với lại Myanmar sẽ là chủ tịch ASEAN vào năm 2014, và cuối cùng, quốc gia này muốn có những lực lượng khác để đối trọng với Trung Quốc".

Những người hoài nghi cho rằng chính quyền Myanmar đã dùng 45 chiếc ghế đại biểu quốc hội lần này để đổi lấy cảm tình của cộng đồng quốc tế, một cái giá không đắt, và đã thành công. Hoa Kỳ loan báo sẽ giảm nhẹ trừng phạt, còn Liên hiệp châu Âu sẽ công bố chính thức việc này vào ngày 23/4 tới.

Liệu với 43 ghế trên tổng số 664 ghế ở quốc hội, đảng NLD của bà Suu Kyi có gây được ảnh hưởng? Làm thế nào để sửa đổi Hiến pháp khi mà phải cần có 75% đại biểu ủng hộ để tránh việc quân đội nắm quyền trở lại trong trường hợp khủng hoảng, và cản trở bà Aung San Suu Kyi ra tranh cử tổng thống?

Trong khi đó, những người lạc quan lại tin rằng công cuộc cải cách ở Myanmar sẽ bền vững vì có nguồn gốc sâu xa hơn là những lý do kinh tế. Tiến trình này là mắt xích trong hàng loạt các động thái mềm dẻo gần đây như việc làm sống lại Thỏa thuận đóng quân tại Darwin (Australia), đẩy nhanh quá trình hình thành Hiệp định Đối tác xuyền Thái Bình Dương (TPP), nâng cấp hệ thống "các quan hệ đối tác chiến lược" để hỗ trợ các nước nhỏ và vừa trong những cố gắng bảo vệ chủ quyền và lãnh hải trên Biển Đông, cổ vũ tiến trình dân chủ hóa nói chung...

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên bao la và dân số 48 triệu người, nếu Mianma có thể quy tụ tất cả các sắc tộc trong những thập kỷ tới, đất nước này có cơ may tiến gần đến việc trở thành một cường quốc trung bình. Điều này không nhất thiết gây tổn hại đến các lợi ích của Trung Quốc, nhưng lại có thể giải phóng thương mại cho toàn châu Á và thế giới Ấn Độ Dương.

Dù lạc quan hay hoài nghi, những ngày này, cộng đồng quốc tế đều đặt hy vọng vào sự chuyển đổi mô thức phát triển ở Myanmar. Tuy khó khăn vẫn còn ở phía trước nhưng đáng mừng là bạn đã có đường băng để cất cánh! Đáng lạc quan hơn nữa là trong Tổ Lái của bạn có những người có tâm và có tầm, chứ không chỉ suốt ngày lo đấu đá nội bộ, bỏ khoang lái ra tranh giành chỗ với hành khách (!)


5 nhận xét :

  1. Bác Diện cho đăng bài này để rộng đường dư luận :
    22/04/2012
    Nghịch lý trong chính sách đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài tại Việt Nam


    Trần Văn Tùng

    Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông

    Giáo dục từ xưa đến nay được thừa nhận là một cơ chế hiệu quả để lựa chọn nhân tài. Các triều đại phong kiến Việt Nam đã áp dụng cơ chế này thông qua thi cử, lựa chọn ra các vị quan lại trong triều. Ở Việt Nam nhiều năm qua đã không như thế, nhiều người học giỏi không chắc có việc làm theo đúng chuyên môn đào tạo và sở trường của mình do đó, một bộ phận tài năng sau một quá trình được đào tạo tìm kiếm công việc ở nước ngoài. Không riêng gì ở Việt Nam, tình trạng này đã xảy ra ở nhiều nước lớn, thí dụ Liên Xô và Đông Âu trong thời kỳ chuyên chính vô sản, hoặc sau khi hệ thống XHCN sụp đổ; Trung Quốc và Ấn Độ trong nhiều thập kỷ qua. Nguồn nhân lực tài năng chỉ có thể phát huy được khả năng trong điều kiện công nghệ luôn thay đổi, thể chế chính trị kinh tế dân chủ và mở cửa, cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ hiện đại. So sánh với một số nước trên thế giới, tất cả các khâu từ tuyển chọn, bồi dưỡng đào tạo và sử dụng nhân tài ở Việt Nam đều có những vấn đề cần phải thay đổi.
    ...........
    http://boxitvn.blogspot.com/2012/04/nghich-ly-trong-chinh-sach-ao-tao-boi.html

    Trả lờiXóa
  2. Bài của bác Nguyễn Thiều Quang thiệt là hay (hay cả đến... đấu ngoặc kép)! Xin cám ơn tác giả và trang Tuần Việt Nam!

    Tôi cũng nghĩ rằng để chữa căn bệnh chia rẽ ly tán ngặt nghèo trong lòng một quốc gia như Myanmar, cần phải có - ít là một - "á thánh" như bà Aung San Suu Kyi. Bao nhiêu năm dài bà và những người ủng hộ bà bị tù tội, bị đàn áp tàn nhẫn như vậy, thế mà giờ, những lời đẩu tiên bà cất lên khi có được tiếng nói quyền lực lại là những lời hỏa hợp hòa giải.

    Bệnh của Myanmar nặng hơn của Việt Nam. Việt nam mình chưa đến nỗi có những rạn nứt trầm trọng mối dây liên đới các sắc tộc. Nhưng dù sao, nếu VN chưa đến nỗi phải cần tới "á thánh", thì cũng vẫn quá cần có những... "chân phước" (theo kiểu nói của Công giáo - chân phước thì thấp hơn á thánh một bậc).

    Tha thứ được những mối uất hận và khổ đau quá khứ vì nghĩa lớn, vì ích chung, điều đó có thể là khó, thậm chí rất khó. Nhưng, xin mượn lại lời tuyệt vời của Dow Suu: "... phải tránh hoàn toàn những phát biểu, cách xử sự và hành động có thể gây tổn hại và phiền muộn cho những đảng phái khác cùng toàn thể người dân... Chiến thắng của nhân dân phải là một chiến thắng có phẩm giá".

    Trả lờiXóa
  3. Công dân miệt vườn Nam Bộlúc 01:37 23 tháng 4, 2012

    May mà bà San Syu Kyi còn sống. Bà là tượng trưng cho khát vọng dân chủ ở Myanmar. Chế độ quân nhân độc tài ở Myanmar tưởng chừng tiêu diệt được khát vọng dân chủ của người dân. Nhưng không phải thế, người dân Myanmar vẫn âm thầm học hỏi dân chủ, vẫn bến bỉ đấu tranh và họ đã thành công.
    Mối đe dọa từ TQ cũng làm cho họ thức tỉnh. Tôi nghĩ cái tinh thần hiện tại của VN cũng không khác Myanmar là mấy. Khát khao dân chủ sẽ làm cho nhân dân VN dành lấy nền dân chủ một cách hòa bình không đổ máu.

    Trả lờiXóa
  4. "Chiến thắng của nhân dân phải là một chiến thắng có phẩm giá" . Đúng vậy.

    Trả lờiXóa
  5. Tôi thầm cảm ơn những người trí thức các chú các bác các anh các chị các em... Tương lai dân tộc vẫn còn nhìn thấy, còn soi dắt qua những con người như các vị... Xin cám ơn!

    Trả lờiXóa