Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

Trần Thị Kim Anh: CỘT ĐÁ CHÙA DẠM KHÔNG PHẢI LÀ LINGA (DƯƠNG VẬT)

Cột đá chùa Dạm là một Phật tràng
Trần Thị Kim Anh
- bài gửi riêng NXD- Blog

Về cột đá chùa Dạm, cũng như Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, tôi cũng có ý kiến phủ nhận đây là một linga. 

Nữ sĩ Trần Thị Kim Anh
Gần đây tôi có bài viết về chùa Một Cột trong đó có đưa ra ý kiến về kiến trúc Kinh tràng Phật tràng ở Phật giáo thời Đinh - Lê - Lý, trong đó có cho rằng Chùa Một cột nguyên là một Phật tràng - một loại hình kiến trúc Phật giáo thời cổ. Xin được dẫn lại một đoạn trong bài viết này:

“Ban sơ, khi xây dựng chùa Diên Hựu, trước chùa, người ta cho dựng một cột đá lớn trên mặt đất, với đỉnh cột là tượng Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen. Lối kiến trúc này cho phép liên tưởng đến cấu tạo của các Phật tràng, Kinh tràng – một loại kiến trúc Phật giáo thường được dựng lên để kiến tạo công đức. Loại kiến trúc này bắt đầu thịnh hành vào thời Đường, lan truyền đến Triều Tiên Nhật Bản và Việt Nam. Thời Đinh - Lê ở nước ta, kinh tràng được tạo dựng khá nhiều, Nam Việt vương Đinh Liễn từng dựng 100 tòa kinh tràng vào năm Quý Dậu (973).

Kinh tràng, Phật tràng thường có cấu trúc khi hình trụ khi hình lục giác, nhưng phần nhiều là hình bát giác, gồm ba phần đỉnh thân và đế. Trên các mặt của thân tràng thường có khắc kinh Phật, chân đế chạm khắc hoa lá vân mây sóng nước, đỉnh chạm khắc tượng phật, bồ tát… Hiện đã phát hiện được 14 kinh chàng bát giác loại nhỏ ở kinh đô Hoa Lư Ninh Bình có khắc kinh Đà la ni, ngoài ra còn có một kinh tràng lớn hình bát giác cao hơn 3m, do Đại Hành Hoàng đế Lê Hoàn dựng tại Hoa Lư, trên các mặt của kinh tràng này khắc bài chú trong Kinh Lăng Nghiêm và một số bài kệ. 

Xin hãy quan sát ảnh chụp cột đá chùa Dạm dưới đây:


Chân cột là một bệ đá rộng có chạm khắc hoa văn sóng nước, thân cột chạm đôi rồng chầu và đỉnh cột vẫn còn nguyên các lỗ mộng để lắp đặt đài sen. Nếu ta hình dung đỉnh cột là một đài sen lớn đỡ tượng phật Quan Âm thì đây là một Phật tràng hoàn chỉnh, có mô hình đúng với nguyên tắc kiến trúc Phật tràng nói chung đồng thời mang đậm phong cách mỹ thuật thời Lý với dáng rồng đặc trưng và đài sen – mẫu hình kiến trúc Phật giáo rất phổ biến ở thời kỳ này.

Như vậy với những gì thư tịch cho biết cùng những lỗ mộng còn lại trên đỉnh cột, chúng ta có thể chắc chắn phần trên của cột đá chùa Dạm chính là một đài sen đỡ tượng phật Quan Âm. Và như vậy cột đá chùa Dạm cũng là một Phật tràng tương tự Phật tràng chùa Diên Hựu, được dựng trước chùa Thần Quang thời Lý. 

Như trên đã nói, kiến trúc Phật tràng Kinh tràng khá thịnh hành vào thời Đường. Ở TQ hiện còn nhiều kinh tràng đang được được bảo tồn rất cẩn thận. Đặc biệt khu vực phía Nam TQ đã phát hiện được khá nhiều kinh tràng, nổi tiếng có kinh tràng chùa Địa Tạng ở Vân Nam (nước Đại Lý cũ). Tuy nhiên phong cách kiến trúc về chi tiết khác với nước ta.

 Phần đỉnh của một Kinh tràng thời Đường - niên hiệu Khai Thành năm thứ 2 (837)
 (Chùa Long Hưng thành phố Hàng Châu TQ)

 Kinh tràng chùa Địa Tạng Vân Nam

Trước đây ta đã biết Phật tràng Hoa Lư Ninh Bình, Phật tràng chùa Diên Hựu Hà Nội, và nay là Phật tràng chùa Dạm Bắc Ninh, nếu so sánh với một số Phật tràng trong khu vực, chúng ta có thể khẳng định vào thời Lý và trước đó, Việt Nam từng có kiến trúc chùa viện kết hợp Phật tràng khá hoành tráng, đồng thời Phật tràng của Việt Nam, được tạo dựng thống nhất với ý tưởng kiến trúc mang hình bông sen, đã thể hiện được một phong cách mỹ thuật khá riêng biệt cho loại hình này. Qua đó có thể thấy, đây là những di tích kiến trúc Phật giáo quan trọng, xứng đáng là niềm tự hào cho tinh hoa trí tuệ của người Việt, do đó rất cần được các cơ quan chức năng cho bảo vệ khẩn cấp và phục dựng lại nguyên trạng.

Tháng 3/2012
                                                                                                                             T.T.K.A

18 nhận xét :

  1. Tại bảo tàng Mỹ thuật, phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội cũng có một cột đá như thế ở sân.

    Trả lờiXóa
  2. Người Viêt bây giờ(cũng học mót của dân chợ búa Tầu) suốt ngày ăn con, cây, rễ, quả, nước, kim loại,,, mong bổ dương nên suốt ngày cũng cứ nghĩ người ta luôn thờ Linga

    Trả lờiXóa
  3. Chị Kim Anh nữ sĩ thân yêu của em. Em tra mãi các từ điển mà chưa ra cái chữ "Phật tràng", chỉ gặp cái chữ là "Kinh tràng / chàng" hoặc "thạch tràng / chàng" mà thôi. Kinh tràng có nghĩa như sau:Nhà Phật viết kinh vào lá cờ dùng làm nghi vệ thì gọi là kinh tràng, khắc vào cột đá thì gọi là thạch tràng. Cũng có khi người ta chú giải: Kinh chàng, cũng được gọi là thạch chàng. Cây cột đá có khắc văn kinh. Thông thường là cột đá hình bát giác khắc kinh Phật đính tôn thắng đà la ni. Phong tục này thịnh hành ở Trung quốc từ khoảng giữa đời Đường đến đời Ngũ đại Liêu Kim. Về sau truyền đến Triều Tiên, Nhật bản. Hiện nay rất nhiều di tích Kinh chàng còn được tìm thấy ở miền Bắc Trung quốc.
    Đọc "tràng" hay "chàng" thì cũng một chữ mà thôi.
    Như vậy, cái khái niệm "Phật tràng" mà chị nói có thể là cách nói tắt "Phật kinh tràng" rồi bỏ chữ "kinh" đi chăng? Hoặc nó là một tạp ngữ / tục ngữ nên từ điển không đưa vào. Bởivậy, ta nên cứ nói là Thạch tràng hoặc Kinh tràng cho nó ổn. Ngày trước, khi thầy Hà Văn Tấn viết bài về mấy Kinh tràng Hoa Lư chúng em cũng đã dị nghị một số điều cần sửa rồi. Hai cái "kinh tràng" tiêu biểu, gần như cùng thời, ở ta là: 1 ở Nhất trụ tự (Hoa lư), 1 ở thôn Cầu Tự (vốn là Cựu tự) ở xã Ngọc xá huyện Quế võ, Bắc ninh. Bao giờ chị em mình lên đó chơi.
    Còn cái chuyện cái cột đá chùa Dạm là gì, em mách chị gõ lên mạng mấy chữ Hán " Đăng Tháp - Đồng Tử Tự " thì thấy rõ Lý Nhân Tông đã "kiến Quảng chiếu chi đăng đài, hướng đoan môn chi đình thượng" ở Lãm Sơn như thế nào. Nó cũng là cái Đăng đài quảng chiếu như cái Đăng đài chùa Đồng tử đời Bắc Tề (dựng năm 556, cao 4m có 6 góc) bên Trung quốc thôi. Có điều cái của mình cao đẹp hơn 1 ít. Ông Nguyễn Hùng Vĩ ngày xưa nói trúng rồi đấy. Kính. Em y. chị.

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn em, chị xin lĩnh ý và tìm hiểu thêm. Chị y.em

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đọc trao đổi của hai chị em trên đây sao tôi vui quá và nể quá! Thật bất ngờ, qua blog này mà tôi biết ở miền Bắc có cả một lớp người dấn thân vào ngành văn hóa học một cách hăng say, đoàn kết, trong sáng và hướng thượng đến thế này.

      Nói thật lòng, không biết tôi có thể thay mặt nhiều người miền Nam và nhiều người Việt đang sống ở nước ngoài không nhỉ, điều mà tôi chứng kiến đây đã lau sạch hết bao nhiêu nước mắt đau khổ của chúng tôi mấy chục năm qua rồi! Tạ ơn anh linh tiên tổ vẫn luôn luôn phù hộ đoàn con nước Việt! Giờ tôi lại đang trào nước mắt, nhưng là nước mắt cảm động và mừng vui!

      Cho tôi rụt rè nói: tôi "y." các vị biết bao!

      Xóa
    2. Tôi thấy Ha Lê lúc nào cũng một niềm đau đáu với quê hương, với Tổ quốc. Bạn lại chẳng bao giờ có thành kiến như nhiều người "phía bên kia". Xin chép tặng bạn bài Nhớ Bắc của nhà thơ xứ Đồng Nai Huỳnh Văn Nghệ.

      NHỚ BẮC
      (Huỳnh Văn Nghệ)

      Ai về Bắc ta đi với
      Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
      Từ độ mang gươm đi mở cõi
      Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

      Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng!
      Mà ta con cháu mấy đời hoang
      Vẫn nghe trong máu buồn xa xứ
      Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương

      Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ
      Xem nhịp từng câu vọng cổ buồn
      Vẫn thương vẫn nhớ mùa vải đỏ
      Mỗi lần phảng phất hương sầu riêng.

      Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên
      Chinh Nam say bước quá xa miền
      Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm
      Muốn trở về quê, mơ cảnh tiên.

      (Chiến khu Đ 1946)

      Xóa
  5. Nhà mình ở đây, nhưng cũng chưa bao giờ tìm hiểu kỹ về cột đá này. Từ cột đá này nhìn theo hướng nam là thấy sông Đuống, và thẳng cột đá nhìn xuống là ngòi Con Tên, trên ngòi này có một cây cầu dựng bằng đá xanh nối hai bờ ngòi giữa thôn Nga Hoàng (Quế Võ) và Thôn Quan Đồng(Tiên Du) nhưng trong chiến tranh đã bị đánh sập, hiện chỉ còn hai bên đầu cầu và một số cột trụ, mình rất mong muốn tìm hiểu về cây cầu này mà không thấy có sử sách nào ghi lại!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Và chính ngòi Con Tên đã phá ngôi chùa này...

      Xóa
    2. Chùa Dạm bị phá do ...ta, thực hiện tiêu thổ kháng chiến!
      Không biết có phải vì ngòi Con Tên cắt long mạch không!
      Nhưng về kỹ thuật thì ngòi Con Tên chính là sông đào để vận chuyển đá (kể cả khối đá trụ khổng lồ này) từ sông Thiên Đức (sông Đuống) lên xây chùa Dạm.

      Xóa
  6. Hale mar 23 ơi. Bao giờ bạn đến Hà Nội, tôi sẽ chiêu đãi bạn những chuyến đi điền dã văn hóa cổ truyền. Đang nghèo thì chúng ta "phượt" kiểu dân dã. Đầu tháng lương thì tôi thuê xe mời bạn cho sang. Ăn uống thì sẽ rặt những thứ Bắc Bộ cổ truyền. Chắc bạn sẽ ngon miệng. Ta sẽ về cõi xưa để giặt giũ "bụi phố" bao năm. Bạn cứ ở cùng chúng tôi, đọc cổ thư và luận bàn, khỏi lo tiền khách sạn. Sẽ có những người tình nguyện hướng dẫn bạn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác lại làm tôi khóc rồi!... Bác ẩn danh mà tôi chưa hề được quen biết ơi, đa tạ bác! Ôi, bao giờ tôi mới được về cõi xưa? Nhưng nếu được về bây giờ thì tôi chưa vội "giặt giũ bụi phố bao năm" đâu bác à. Nếu được về để gia nhập đoàn quân chống giặc xâm lăng thì có lẽ tôi dứt lòng gởi vợ con lại cho... nước Mỹ nuôi. Oánh giặc bằng tay không tôi cũng chơi! Già rồi, tiếc cái mạng mình làm chi nữa? Chỉ mong lớp trẻ sau này được hạnh phúc sống trong một đất nước tử tế!

      Xóa
    2. Bác HaLe Thân mến ý chí bác thật tuyệt với .vậy oánh giặc bằng tay giờ bác được mấy nả bác xem như cụ Chu có học trò Thủy thần Sức già mong bác cùng cùng các vị trên khơi tim cội nguồn _lịch sử cho thế hệ trẻ chẳng những họ hăng say đánh giặc khi đất nước lâm nguy mà họ còn hết lòng dựng xây đất nước ,nói khí không phải .mong bác bỏ quá !

      Xóa
  7. Hồi những năm 196X, chúng mình đã thăm (phế tích lúc đó) và nghe thầy Lịch sử nói về chùa này, ông gọi đó là cột đá Cao Biền. Ngòi Con Tên thì tương truyền là cắt Long mạch (như ý NXD chăng!), nhưng thực sự thì nó là đường vận chuyển đá khối từ sông Đuống về xây chùa. Hồi đó, ở Bảo tàng Mỹ thuật (NTH, HN) cũng có trưng bày và giới thiệu về kiến trúc Chùa Dạm (chắc bạn đã xem cái cột giống thế). Do thời gian lâu rồi và không ở lĩnh vực này, nên rất muốn nhưng không có điều kiện tìm hiểu thêm!
    Xin cóp nhặt thêm vài chi tiết!

    Trả lờiXóa
  8. Về cái cột đá chùa Dạm, năm 1962 đã được Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa công nhận di tích lịch sử văn hóa Quốc gia, hình như thuộc loại công nhận đầu tiên. Sau đó, cột được Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, nhà nghiên cứu mĩ thuật đáng kính nhất ở Việt Nam lúc bấy giờ (thầy dạy vẽ "chui" cho hai GS khảo cổ học là Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng) chỉ đạo và tự tay làm thác bản thạch cao cột đá này. Từ thác bản này, người ta đúc ra chiếc cột để ở Bảo tàng mĩ thuật Việt Nam. Dẫu có một số chi tiết chưa y xì phoóc, nhưng đã là thác bản thì phản ánh trung thực nguyên mẫu. Không may, vì hám tiền nên ông Giám đốc khóa trước đã phá cái thác bản của cụ Nguyễn Đỗ Cung để thuê thợ đá đẽo một cái cột đá thanh (đá vôi xanh) rất dở hơi thế vào. Cái tội tham nhũng của ông này khá to đấy, nên mất chức rồi. Đến nay đành phải làm lại thác bản, việc này giao cho ông Vệ (một người tin tưởng được về tư cách) thuộc Bảo tàng vừa làm xong trước Tết ta.
    Về cái cột này là gì? Các cụ Nguyễn Đỗ Cung, cụ Nguyễn Bá Lăng (nhà kiến trúc sư kì cựu, người thiết kế chùa Một cột đang còn hiện nay), cụ Trần Từ (tức nhà dân tộc học trứ danh Từ Chi) đều thống nhất cho rằng, nó là cây cột "đỡ một tấm kiến trúc Phật giáo". Đến sau năm 1980, PGS Chu Quang Trứ mới vu cho nó là cái linga. Ông Trần Ngọc Thêm vuốt đuôi làm cụ Tạ Chí Đại Trường tưởng thật. Cái bệnh linga loang như si đa vậy. Tại hạ mới đi phỏng vấn GS Trần Quốc Vượng, cụ nói: "Lỗi là tại câu đùa tếu của tao, dẫn học trò đi, tao chỉ vào cái giếng chỗ mép bờ tường thứ 2 nói: Đây là cái l. còn cột kia là cái con c.. Chúng nó hớp luôn và về bịa ra là linga cho nó thời thượng. Chúng nó không phải là chúng mày. Chúng mày 'khốn nạn' hơn là cái chắc". Ngôn ngữ đời thường của thầy tôi là như vậy, nhưng đừng học theo cụ nhé, khỏi Tây Thi lại thành Đông Thi.
    Còn biến nó thành chuyện cột trấn yểm của Cao Biền, chuyện ngòi Con Tên làm đứt long mạch núi Quy Sơn là TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN. Những truyền thuyết này, tại hạ đọc thấy từ đầu thế kỉ XVIII đã có, nó vào cả thơ chữ Hán thời đó nữa cơ. Nhưng truyền thuyết là truyền thuyết, khoa học là khoa học. Truyền thuyết là loại sử liệu tính khả tin cực thấp luôn, đừng cả tin vào nó.

    Trả lờiXóa
  9. Em cũng cho rằng đây là 1 bản sao của kiến trúc chùa diên Hựu thời Lý, và như vậy thì chùa Diên Hựu hiện nay sai khác quá nhiều so với tinh thần từ thời Lý. Nên chăng phục dựng chùa 1 cột hiện nay theo mô hình cột chùa Dạm này và theo phân tích của cô Kim Anh

    Trả lờiXóa
  10. Hoan nghênh những người con yêu của Đất Việt; của Dân tộc Việt ! Tôi vừa đọc vừa cười vui bởi mừng rằng : Khi nào Đất Việt; Dân tộc Việt còn những người vừa có trí tuệ lại đầy nhiệt huyết, yêu và trân trọng bản sắc văn hóa Dân tộc; di sản văn hóa của Dân tộc như các quý vị thì Đất Việt và Dân tộc Việt sẽ trường tồn cùng với tinh hoa văn hóa của mình ! Xin cảm ơn tất cả các quý vị !

    Trả lờiXóa
  11. Đây là một Kinh Tràng rõ rành rành rồi còn Linga lin giếc cái gì. Tào lao hết chỗ nói. Mà sao chúng nó có thể "bịa" ra đây là một Linga đc nhỉ. Oái oăm.

    Trả lờiXóa
  12. Thật tuyệt vời ! Phật giáo Bắc Tông du nhập VN để lại những di tích không thể lẫn lận vào đâu được. Càng đi về phía Nam , ảnh hưởng của PG Bắc Tông cứ lạt dần cho đến khi đụng PG Nam Tông, PG Nguyên thủy . Ở Miền Trung , nhất là từ Đà Nẵng trở vào, PG Bắc Tông đụng Văn Hóa Chăm . Đến miền Đông Nam Bộ , PG Bắc Tông hầu như mất dần ảnh hưởng, dù có số người Hoa rất sùng Phật, Phật giáo của người Hoa vẫn khác với PG Bắc Tông của VN .
    Từ năm 1954, số người Bắc di cư vào Nam Bộ, số Phật tử Bắc di cư tuy không đông nhưng có vị hòa thượng, thượng tọa rất nổi tiếng tài cao đức trọng cả trong và ngoài nước, làm cho PG Bắc Tông có sức sống mãnh liệt ở Saigon, cụ thể với những ngôi chùa hoành tráng như Chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Nam Thiên Đệ Nhất Trụ, Việt Nam Quốc Tự, chùa Phổ Quang ...

    Trả lờiXóa