Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

CHÙA MỘT CỘT - MỘT HUYỆT MẠCH QUAN TRỌNG CỦA LONG THÀNH



Chùa Một Cột rất cần có một cuộc đại trùng tu, nhưng…
Trần Thị Kim Anh 
viết riêng cho NXD-Blog 

Được biết ngày 30/9, UBND quận Ba Đình đã tổ chức Hội nghị xin ý kiến các nhà khoa học và các nhà quản lý về việc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa chùa Một Cột- chùa Diên Hựu. Không thuộc diện được hỏi ý kiến, nhưng là người yêu quý lịch sử Thăng Long – Hà Nội, tôi xin cống hiến đến chư vị bài viết dưới đây. 

Điểm lại các tư liệu về chùa Diên Hựu - Một Cột: 

Tư liệu đầu tiên và cổ nhất hiện biết về chùa Diên Hựu - Một Cột chắc chắn là văn bia Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi được khắc đá năm 1121 đời vua Lý Nhân tông, 16 năm sau khi chùa được trùng tu. Văn bia cho biết, năm 1105 niên hiệu Long Phù Nguyên Hóa đời vua Lý Nhân tông, chùa được trùng tu lớn. Văn bia mô tả rất kỹ kiến trúc chùa trong lần trùng tu này như sau: “Mở rộng chùa Diên Hựu ở viên lâm phía tây cấm thành, noi theo quy chế cũ trước đây, nhưng thực hiện những mưu tính mới theo ý vua, đó là đào ao sen Linh Chiểu, giữa ao vọt lên một cột đá. Trên đỉnh cột đặt hoa sen ngàn cánh, trên hoa đặt vững một tòa điện tía. Trong điện đặt tượng Quan Âm dát vàng. Bên ngoài ao có hành lang vẽ vây quanh, bên ngoài vòng hành lang là ngòi nước biếc, mỗi mặt đều bắc cầu vồng đi thông vào. Nơi cây cầu ở sân phía trước, hai bên đầu cầu có hai ngọn bảo tháp lợp ngói lưu ly”. (Hướng tây cấm chi danh viên, quảng Diên Hựu chi quang tự. Tích tòng tiền chi cựu chế, xuất thánh ý chi tân mưu. Tạc Linh Chiểu chi phương trì, nhi trì trung dũng nhất thạch cán. Cán thượng kỳ thiên diệp liên hoa, hoa thượng nhi kiều an cam điện. Điện trung tọa kim tướng chi Năng nhân. Trì chi ngoại chu nhiễu họa lang, hoàn lang chi ngoại hựu sơ bích trì, mỗi giá phi kiều dĩ thông chi. Tiền kiều chi đình tả hữu Phạn  lưu ly bảo tháp… Thác bản hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu 32724 – 32725).

Tư liệu thứ hai là bài thơ viết về chùa Diên Hựu (延祐寺) của Thiền sư Huyền Quang (1254 -1343), trong bài có hai câu tả thực như sau:

Si vẫn đảo miên phương kính lãnh
Tháp quang song trĩ ngọc tiêm hàn
Hình chim thần ngủ ngược trên gương nước lạnh
Bóng đôi tháp sừng sững như đôi ngón tay ngọc giá băng

Tư liệu thứ ba là Đại Việt sử ký toàn thư. Toàn thư nói về thời điểm làm chùa và giải thích cái tên chữ Hán của chùa là Diên Hựu rằng: Năm Kỷ Sửu, niên hiệu Thiên Cảm Thánh Vũ năm thứ 6 (1049). Mùa đông tháng 10, dựng chùa Diên Hựu (mãi mãi tốt lành). Trước đây vua (Lý Thái Tông) nằm mơ thấy Phật Quan Âm ngồi trên đài sen dẫn vua lên đài. Đến khi tỉnh dậy nói lại với quần thần, có kẻ cho là điềm bất tường. Có vị thiền sư là bậc mẫn tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá giữa mặt đất, làm đài sen và tượng Quan Âm ở đỉnh cột như đã thấy trong mộng, cho các sư đi vòng quanh tụng kinh cầu cho vua được trường thọ. Cho nên đặt tên như vậy.(Sơ, đế mộng Quan Âm phật tọa liên hoa đài dẫn đế đăng đài. Cập giác, ngữ quần thần, hoặc dĩ vi bất tường. Hữu tăng thiền tuệ giả khuyên đế tạo tự, lập thậch trụ vu địa trung, cấu Quan Âm liên hoa đài vu kỳ thượng như mộng trung sở kiến, tăng đồ toàn nhiễu tụng kinh cầu diên thọ, cố danh). 

Toàn thư cũng ghi nhận các lần trùng tu chùa Diên Hựu: Lần thứ nhất vào năm Tân Tỵ niên hiệu Long Phù Nguyên Hóa nguyên niên (1101), vào mùa xuân, “đổi niên hiệu, cho trùng tu chùa Diên Hựu”. Lần thứ hai, vào năm 1106, “mùa thu, tháng 9, làm hai ngọn tháp chỏm trắng ở chùa Diên Hựu… Bấy giờ vua cho sửa chùa Diên Hựu đẹp hơn trước, đào hồ dưới đài sen gọi là hồ Linh Chiểu. Bên ngoài có hành lang vẽ, ngoài hành lang có ngòi nước biếc, bắc cầu vồng đi thông vào, trước sân chùa xây bảo tháp”. Lần thứ ba là vào đầu thời Trần, năm 1249 niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình đời vua Trần Thái tông chùa được trùng tu. Lần trùng tu này, vua hạ chiếu vẫn theo như cũ. (Kỷ Dậu xuân chính nguyệt, trùng tu Diên Hựu tự, chiếu nhưng cựu).

Một tư liệu nữa do Phạm Đình Hổ cung cấp qua Vũ Trung tùy bút (bản R.1609 Thư viện Quốc gia). Ông cho biết: “Chùa Diên Hựu ở thời Lý tục gọi là chùa Một Cột, nằm ở bên ngoài cửa Bạch Hổ của hoàng thành, về phía Đông Nam trường Thái Hòa. Trạng nguyên nhà Mạc là Trần Tất Văn trong bài ký ứng chế Diên Hựu tự ký có tả đại lược như sau: Một cây cột đá sừng sững giữa ao sen, trên dựng chênh vênh một ngôi lầu, bốn mặt có hành lang vòng quanh. Xem những lời đó có thế biết quy chế to lớn diễm lệ của nó. Từ trung hưng đến nay, ao sen hoang tàn, hành lang đổ nát, chỉ còn cây cột, trên đỉnh cột có tòa lầu nhỏ, trong thờ tượng Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, phía trước có bắc cây cầu vồng lợp mái cong. Ngôi tiền điện phía nam ao lợp bằng tranh tre. Năm Ất Sửu niên hiệu Gia Long (1805), đắp thành Thăng Long, cây cầu vồng bị triệt bỏ, cảnh chùa càng thêm hoang phế. Dân cư tương truyền, bùn đất trong ao lẫn vô số kể kim sắt…, người ta cho là nơi Cao Biền trấn yểm”.

Ngoài ra, tại thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ một văn bản chép nguyên văn một văn bia mang tên Nhất trụ tự bi, mang số hiệu 20917, có niên đại Cảnh Trị năm thứ 3 (1665), do Hòa thượng Tỳ khưu Lê Tất Đạt ghi. Nội dung như sau:

Nước Việt ta trước đây trong phủ Long Biên có một cái hồ vuông. Niên hiệu Hàm Thông (nguyên bản chép là Phong) nguyên niên nhà Đường (860) dựng một cột đá giữa hồ, làm lầu ngọc ở trên cột, đặt tượng Phật Quan Âm để phụng thờ. Địa khí chung đúc linh thiêng, điều cầu xin bao giờ cũng được. Đến triều Lý dựng đô ở đây, cũng nhân theo đó càng thêm tôn kính, rất là linh dị. Khi vua Lý Thánh Tông chưa có hoàng tử, thường hương khói cầu tự ở đây. Một hôm ngài mộng thấy Phật Quan Âm dắt lên trên lầu, bế một đứa trẻ đặt vào lòng ngài. Tháng đó Hoàng thái hậu liền có mang hoàng tử. Vua bèn làm thêm ngôi chùa Diên Hựu ở bên hữu chùa Một Cột, để mở mang việc thờ phụng, để tỏ rõ sự tôn sùng. Trải bốn triều đại tu sửa đều nhân theo đó, cùng hưởng phúc hà sa.

Tuy nhiên văn bản này không đủ độ tin cậy nên chúng tôi không sử dụng[1].

Từ các tư liệu trên chúng tôi xin được đưa ra một số ý kiến về chùa Diên Hựu – Một Cột như sau: 

1. Nguồn gốc chùa Diên Hựu - Một Cột:

Ban sơ, khi xây dựng chùa Diên Hựu, trước chùa, người ta cho dựng một cột đá lớn trên mặt đất với đỉnh cột là tượng Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen. Lối kiến trúc này cho phép liên tưởng đến cấu tạo của các kinh chàng (Thạch chàng / Cột kinh) – một loại kiến trúc Phật giáo, thường được dựng lên để kiến tạo công đức. Loại kiến trúc này bắt đầu thịnh hành vào thời Đường, lan truyền đến Triều Tiên Nhật Bản và Việt Nam. Thời Đinh - Lê ở nước ta, kinh chàng được tạo dựng khá nhiều, Nam Việt vương Đinh Liễn từng dựng 100 tòa kinh chàng vào năm Quý Dậu (973).

Kinh chàng thường có cấu trúc khi hình trụ khi hình lục giác, nhưng phần nhiều là hình bát giác, gồm ba phần đỉnh thân và đế. Trên các mặt của thân chàng có khắc kinh phật, chân đế chạm khắc hoa lá vân mây sóng nước, đỉnh chạm khắc tượng phật, bồ tát…Hiện đã phát hiện được 14 kinh chàng bát giác loại nhỏ ở kinh đô Hoa Lư Ninh Bình có khắc kinh Đà la ni, ngoài ra hiện còn một kinh chàng lớn hình bát giác cao hơn 3 m, do Đại Hành Hoàng đế Lê Hoàn dựng tại Hoa Lư, trên các mặt của kinh chàng này khắc bài chú trong Kinh Lăng Nghiêm và một số bài kệ. Hiện kinh chàng này vẫn còn tại chùa Một Cột ở Hoa Lư. Chùa Một Cột hiện nay ở Hoa Lư vốn là ngôi chùa cổ thời Tiền Lê, ngôi chùa này hiện thuộc vùng bảo vệ đặc biệt của khu di tích Cố đô Hoa Lư Ninh Bình. Chùa được xây dựng theo kiểu chữ “Đinh”, hướng chính Tây, kiến trúc bao gồm cột kinh, chính điện, nhà tổ, phòng khách, nhà ăn, tháp… 

Sách Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biện do Vân Bồng Đỗ Tử Mân soạn vào niên hiệu Tự Đức 15 (1862) cho biết, cho đến bấy giờ (1826), “tại hai xã Trường Yên Thượng và Trường Yên Hạ ở phía tây bắc huyện Gia Viễn vẫn còn thấy rõ cấu trúc nội thành ngoại thành cùng dấu tích và tên gọi của Cáp Môn, Cầu Đông, Cầu Dền, Cầu Mống, Đình Ngang. Trường Tiền, Chùa Tháp, Chùa Một Cột. Đặc biệt sách cho biết, còn một cái cột đá vừa cao vừa to, khắc kinh phật, rêu phủ không thể đọc hết, có lẽ là di tích của chùa Một Cột”. Vậy phải chăng, khi kinh đô được dời ra La thành, ban đầu nhà Lý đã mô phỏng kiến trúc kinh đô Hoa Lư ?. Và mẫu chùa Diên Hựu ban đầu, với kinh chàng đặt trước chùa - chính là được mô phỏng theo chùa Một Cột ở kinh đô Hoa Lư?

3. Diễn biến về mặt kiến trúc của chùa Diên Hựu - Một Cột:

Chùa Diên Hựu – Một Cột là một kiến trúc Phật giáo được xây dựng trong viên lâm phía tây Hoàng thành. Viên lâm (vườn cảnh lớn) là một dạng kiến trúc cảnh quan thời cổ, được vua chúa cho kiến tạo làm nơi nghỉ ngơi giải trí. Viên lâm hoàng thành bắt đầu được tạo dựng cùng với hoàng thành nhà Lý, nằm ở phía tây hoàng thành, thuộc khu vực vườn Bách Thảo và bảo tàng Hồ Chí Minh hiện nay. Dựa vào cảnh quan tự nhiên nơi này, người ta đào hồ đắp núi nhân tạo, trồng cây cối hoa lá thả chim muông làm thành một khu vườn lớn riêng cho vua quan hoàng tộc nhà Lý. Dấu tích núi Sưa, các hồ nước ở khu vực Bách thảo, sông Ngọc Hà… ngày nay rất có thể là dấu vết còn lại của viên lâm hoàng thành Thăng Long. Được biết viên lâm này tồn tại qua thời Lê sơ, bởi vua Lê thánh tông từng có câu thơ tả khu vườn cảnh này sau mưa: Viên lâm vũ quá lục thành ác [Viên lâm sau mưa, lá xanh thành bức rèm]. Đến thời Lê - Trịnh, vua Lê thất thế, khu viên lâm này không người coi sóc, bị bỏ hoang phế, dân cư lấn chiếm dần. Thời kỳ này chúa Trịnh cho kiến trúc khu viên lâm khác rất nổi tiếng gọi là Kỳ viên gắn liền với kiến trúc phủ chúa, từng được Phạm Đình Hổ nhắc đến trong Vũ trung tùy bút.

Như trên đã nói thì chùa Một Cột ngày nay chỉ là một phần trong quần thể kiến trúc chùa Diên Hựu, đó nguyên là một kinh chàng được kiến tạo phía trước chùa, với cấu tạo là một cột đá bát giác dựng trên mặt đất (sân trước chùa), các mặt của cột đá đều khắc kinh Phật, đỉnh cột là đài sen và tượng Quan âm (chưa có điện thờ). 

Năm 1106, 57 năm sau, chùa được vua Lý Nhân tông cho trùng tu mở rộng, trở thành một quần thể kiến trúc lớn. Riêng kinh chàng trước sân chùa được thêm vào những nét mới. Kinh chàng được đặt giữa một hồ vuông thả sen gọi là hồ Linh Chiểu, trên đỉnh cột là tòa sen mạ vàng. Giữa tòa sen là ngôi điện sơn màu tía, sườn nóc điện có gắn hình tượng chim thần để trang trí và tỵ tà. Trong điện đặt tượng Phật mạ vàng. Vây quanh hồ sen là hành lang sơn vẽ, vòng ngoài hành lang là hào nước xanh biếc, mỗi mặt đều bắc cầu vồng để đi vào, ở sân phía trước, hai bên đầu cầu dựng hai ngọn tháp lợp ngói lưu ly.

Đến đầu thời Trần, chùa được trùng tu vào năm 1249, vẫn giữ nguyên kiến trúc của lần trùng tu năm 1106.

Đến thời Mạc, có lẽ tòa sen đã hư hỏng nên không thấy tư liệu nhắc đến tòa sen nữa, chỉ còn “Một cây cột đá sừng sững giữa ao sen, trên dựng chênh vênh một ngôi lầu, bốn mặt có hành lang vòng quanh”.

Sau thời kỳ Trung hưng của nhà Lê, cùng với sự suy tàn của viên lâm, chùa hư hỏng dần. Theo ghi chép của Phạm Đình Hổ thì Chùa Diên Hựu lợp bằng tranh tre, chùa Một Cột thì ao sen hoang tàn, hành lang đổ nát, chỉ còn cây cột, trên đỉnh cột có tòa lầu nhỏ, trong thờ tượng Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn và một cây cầu vồng lợp mái cong phía trước. 

Đến năm Ất Sửu niên hiệu Gia Long (1805), đắp thành Thăng Long, cây cầu vồng bị triệt bỏ, dấu tích kiến trúc của chùa Một Cột thời Lý gần như không còn.

Theo sách Lịch sử thủ đô Hà nội (Trần Huy Liệu chủ biên – Nxb Sử Học. 1960) thì chùa Một Cột được trùng tu vào khoảng những năm 1840-1850 dưới thời Nguyễn, không rõ lần trùng tu này ra sao. Năm 1922 chùa lại được trùng tu. Ngày 11 tháng 9 năm 1954, trước khi rút khỏi thủ đô, người Pháp cho đặt mìn phá hủy, chùa chỉ còn cây cột với mấy cái xà gỗ. Sau khi tiếp quản Hà Nội, Chính phủ VNDCCH cho phục dựng lại chùa như hiện nay. 

4. Chùa Một Cột phải chăng là một huyệt mạch quan trọng của Long thành?

Toàn thư chép: “Mùa đông tháng 10, dựng chùa Diên Hựu (mãi mãi tốt lành). Và giải thích: Trước đây vua (Lý Thái Tông) nằm mơ thấy Phật Quan Âm ngồi trên đài sen dẫn vua lên đài. Đến khi tỉnh dậy nói lại với quần thần, có kẻ cho là điềm bất tường. Có vị thiền sư là bậc mẫn tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá giữa mặt đất, làm đài sen và tượng quan âm ở đỉnh cột như đã thấy trong mộng, cho các sư đi vòng quanh tụng kinh để cầu trường thọ, cho nên đặt tên như vậy”. Theo đó thì chùa Diên Hựu được xây dựng để giảm nhẹ sự bất tường và tạ ơn đức Phật. Điều này cho phép hiểu rằng sự tồn tại của chùa Diên Hựu mang lại sự may mắn và an lành cho kinh đô và Quốc chủ. 

Từ xa xưa, người Thăng Long vẫn truyền tụng, khu vực phía tây hoàng thành Thăng Long từng bị Cao Biển trấn yểm. Mạch núi đất kéo từ núi Nùng (khu vực điện Kính Thiên) đến khu vực công viên Thủ Lệ ngày nay bị cắt đoạn đứt nối chính là dấu tích của sự kiện này. 

Phải chăng khi định đô ở Thăng Long, sau khi dò tìm được huyệt mạch bị trấn yểm, nhà Lý đã cho xây chùa và đặt một kinh chàng lớn ở đây để giúp hóa giải và điện an kinh đô?. Tên chùa được đặt là Diên Hựu mang ý nghĩa kéo dài mãi mãi sự tốt lành cho kinh đô. Trong lần trùng tu năm 1106, để khai thông huyệt mạch, người ta đã đào ao Linh Chiểu để kinh chàng ở vào vị trí chính giữa ao. Ao được đặt là Linh Chiểu   (Ao Thiêng) có lẽ để nói về sự linh thiêng của nơi này. (Điều này cũng lý giải vì sao bùn đất trong ao có lẫn rất nhiều kim sắt). Đồng thời, cùng với việc mở rộng chùa, vua Nhân tông cũng bắt đầu thực hiện nghi tiết tắm Phật rất long trọng để cầu an cho kinh đô và đất nước vào mồng một hàng tháng tại đây, nghi tiết này sau trở thành lệ thường . 

Chùa Một Cột trong thời Lê Sơ, thời Mạc và sau khi nhà Lê trung hưng tuy không còn vị trí như ở thời Lý - Trần, song vẫn được giữ gìn coi trọng, những lời lẽ ca ngợi sự thiêng liêng của chùa của văn thần nhà Lê và nhà Mạc chứng tỏ đây vẫn thực sự là chốn thiêng. 

Thời Lê mạt, chùa bị bỏ hoang tàn. Không bao lâu nhà Lê mất, Thăng Long mất vị trí là kinh đô.
Năm 1955, sau khi được phục dựng, chùa Một Cột được coi như biểu tượng của Hà Nội trong nhiều thập kỷ. Chỉ từ khi đổi mới đến nay ý nghĩa đó mới phai nhạt dần. Được biết, trong khi tiến hành xây dựng lăng chủ tịch Hồ Chí Minh, có ý kiến muốn phá bỏ chùa Diên Hựu - Một Cột…May sao điều đó đã không xảy ra! Tuy nhiên đáng tiếc chùa đã bị lấn át mất hẳn vị thế vốn có của nó. 

5. Ý kiến:

Qua những gì đã trình bày ở trên, theo chúng tôi, chùa Diên Hựu - Một Cột không chỉ là một di tích lịch sử văn hóa quan trọng của kinh đô – thủ đô Thăng Long – Hà Nội mà còn là một biểu tượng tâm linh của ngàn năm Thăng Long. Do đó, việc trùng tu chùa Diên Hựu – Một Cột là vô cùng cấp thiết, và phải là một cuộc đại trùng tu để đưa chùa Diên Hựu – Một Cột trở lại nguyên diện mạo ban đầu của nó. Tuy nhiên cuộc đại trùng tu này không thể được tiến hành một cách vội vàng chộp giật như đã từng làm ở các di tích khác. Do trùng tu sửa chữa tùy tiện không cần đến ý kiến của các nhà chuyên môn, chỉ cốt nhắm tới cái lợi trước mắt, chúng ta đã mất đi hàng loạt các ngôi chùa quý giá quanh Hồ Tây như Trấn Quốc, Kim Liên, Tây Hồ, Tảo Sách, Trích Sài, Võng Thị …cùng rất nhiều di tích quý giá khác trên khắp đất nước từng góp phần tạo nên nét đặc thù cho bộ mặt văn hóa tinh thần của người Việt Nam.  Để chùa Diên Hựu – Một Cột trở lại đúng với tầm vóc của nó, hãy thận trọng trong đợt trùng tu này, cần tham khảo ý kiến đóng góp của những nhà chuyên môn thực thụ, sử dụng kinh phí thật thích đáng. Nếu chưa đủ điều kiện làm lớn, chúng ta chỉ nên sửa chữa nhỏ, chờ khi có khả năng thật sự hãy làm, đừng vội vã kẻo di họa cho hậu thế. 

T.K.A
Tiết Trùng Dương năm Tân Mão 2011

 *Bài viết do nhà nghiên cứu Trần Kim Anh viết và gửi riêng cho Nguyễn Xuân Diện -Blog.
Xin chân thành cảm ơn tác giả!



[1] Ý kiến về văn bản này chúng tôi sẽ trình bày ở một nghiên cứu khác.

14 nhận xét :

  1. KTS Trần Thanh Vânlúc 02:12 16 tháng 10, 2011

    Ngày xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, số mệnh Chùa Một Cột đã một lần được đưa ra tranh cãi. Người chỉ thị phải đập bỏ Chùa Một Cột đi vì nó nhỏ nhoi quá, không cân đối với không gian hoành tráng của Khu vực Ba Đình là Chủ tịch Quốc Hội Trường Chinh.
    Ngược lại giới kiến trúc thì muốn giữ ngôi chùa lại nhưng không biết nên bảo vệ thế nào để thắng được vị NHẤT PHẨM TRIỀU ĐÌNH này.
    Lúc ấy tôi mới ngoài 30 tuổi, trong một buổi tối giao ban thường kỳ tại Văn phòng Chính phủ do cụ Đỗ Mười, lúc đó là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ xây dựng, trưởng ban xây dựng Lăng chủ trì, tôi kể lại câu chuyện TÌNH BẠN BÈ của chủ tịch Hồ Chí Minh và Sư cụ Côn trụ trì Chùa Diên Hựu như sau:

    "Sư cụ Côn là một Thầy đồ hiểu biết Lịch sử Văn Chương rất sâu sắc, Cụ lại là một nhà ngoại cảm kiêm Thầy thuốc Đông y cứu người rất giỏi. Hàng ngày, sau giờ tụng Kinh, Sư Cụ bày bàn bên gốc cây vối sau Chùa bán nước vối và giảng giải cho khách qua đường những hiểu biết của Cụ về Lịch sử và về các cách chữa bệnh dân gian.
    Từ Nhà Sàn nơi ở của Hồ Chủ Tịch đi lố cổng sau ra đấy chỉ hơn 100m. Lúc sinh thời, mỗi buổi chiều, sau giờ làm việc, Hồ Chủ Tịch thường ra Chùa thăm Sư Cụ và đàm đạo rất nhiều chuyện. Họ trở thành bạn thân.
    Thấy Sư Cụ phải lao động kiếm thêm tiền để mua cây thuốc về giúp người nghèo, Hồ Chủ Tịch tặng Cụ mỗi tháng 30 đồng trích từ tiền lương của Người để Sư Cụ Côn có thên vốn hành nghề..."

    Tôi chân thành kể câu chuyện đó và nhấn mạnh rằng giữ lại Chùa Một Cột là giữ lại một kỷ niệm của Chủ Tịch Hồ Chí Minh.
    Tôi không ngờ câu chuyện của tôi đã có tác động tới người nghe và Ngôi Chùa được cứu thoát.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người ở xa Hà Nộilúc 14:43 25 tháng 6, 2013

      KTS Thanh Vân lúc đó nghĩ rằng cần phải viện dẫn đến Chủ Tịch Hồ Chí Minh để giữ lại Chùa Một Cột, mà thâm tâm nghĩ giữ lại Chùa Một Cột là giữ lai di tích ngàn năm Lịch Sử Văn Hóa Dân Tộc . Tôi nghĩ KTS lúc đó tuy còn trẻ nhưng nhìn Lịch Sử Văn Hoá Dân Tộc ngàn năm chứ không chỉ nghĩ tới cái nhất thời . Có lẽ Trời, Đất Thăng Long và đức Phật linh ứng cho KTS Thanh Vân ! Nhờ vậy mà trải qua bao thăng trầm của Lịch Sử , chùa Một Cột vẫn tồn tại và con cháu sau này càng phải tôn quí, bảo tồn một di sản Văn Hoa vô cùng quí giá này .

      Xóa
    2. Qua chuyện kể của bà Trần Thanh Vân tôi mới biết là ông Trường Chinh chủ tịch quốc hội đã có ý định phá bỏ chùa Một Cột, một di tích lịch sử ngàn đời của cả dân tộc chỉ vì nó "nhỏ nhoi quá, không cân đối với không gian hoành tráng của khu vực Ba Đình"

      Kinh ngạc!

      Xóa
  2. Cám ơn Bác Trần Thanh Vân đã cho biết những điều tưởng như nhỏ nhoi nhưng vô cùng có giá trị đối với những thế hệ sau này !

    Trả lờiXóa
  3. Oi giơi ơi Trung tu lại chắc là giống như ô quan chưởng thôi. có thằng lại sắp mua được biệt thự roài.Khốn nạn

    Trả lờiXóa
  4. Các công cuộc trùng tu với đại tu đã biến những chùa chiền, di tích của VN đồng loạt trông giống Tàu cả. Chả biết đó có phải là âm mưu đồng hóa văn hóa của nước bạn hay không? Hay là do chính văn hóa dân ta bây giờ nó thế????

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý với bạn, vừa qua ba tôi có gửi cho chúng tôi những tấm ảnh cụ mới đi du lịch, thăm chùa chiền Việt Nam. Rất may là sau mỗi tấm hình cụ đều ghi rõ nguồn gốc nếu không chúng tôi đã tưởng cụ đi Tàu và chụp nó ở Tàu (!)

      Văn hoá đồng hoá nó nguy hiểm khôn lường, mất nước lúc nào không hay bạn nhỉ!

      Xóa
  5. Trùng tu là phải giữ lại cái nguyên gốc

    Trả lờiXóa
  6. Tôi, một hậu thế - cũng vô cùng cảm ơn bác Trần Thanh Vân. Tôi rất mong những người nắm trong tay mình quyền lợi của cả dân tộc, gánh trên vai mình trọng trách lớn lao, những người "cầm cân nảy mực" hãy nảy cho chuẩn để không vì quyền và lợi trước mắt của bản thân ... mà quên đi những giá trị vô giá ! Những giá trị đó không của riêng ai, cũng không tự nhiên mà có, đó là giá trị của muôn đời. Đuừng để đời cha ăn mặn, đời con khát nước"

    Trả lờiXóa
  7. Quê cháu có 1 ngôi chùa trên núi, không lớn lắm nhưng nghe đâu cũng trên trăm tuổi. Năm rồi, nhà chùa và chính quyền địa phương quyết định tu sửa. Sau 1 năm đi học xa về, cháu háo hức lên chùa để tham quan. Và thực sự hụt hẫng. Màu tường, mái vòm, phù điêu ... không khác gì ngôi chùa trong phim Tàu. Cảm giác đau lòng và tiếc nuối về những cảm xúc, ký ức mãi mãi không bao giờ quay trở lại :(

    Trả lờiXóa
  8. BÀI HỌC TRÙNG TU, "PHÁ HOẠI" CHÙA TRẤN QUỐC, TÂY HỒ.., Ô QUAN CHƯỞNG... VẪN CÒN SỜ SỜ RA ĐẤY!

    Rất đau lòng khi trở về Hà Nội nhìn những di sản "được" trùng tu lại cho "bằng chị bằng em" lại phô chương kệch cỡm đến thế!
    Những ký ức ùa về... tiếc nuối, tức giận và bất lực nhìn "đống" gạch, ngói, xi măng hoành tráng để chứng tỏ cho thế giới đại đồng biết tao giàu có hơn, văn minh hơn, hiện đại hơn rồi. Cái gì bé phải trùng tu lại cho to, cái gì nhỏ phải trùng tu cho thật lớn mà chẳng hiểu rằng TRÙNG TU NGHĨA LÀ GÌ (???)

    Ngay trung tâm văn hoá, chính trị của cả nước lúc nào cũng khoe học vấn đầy mình mà còn thế, thử hỏi những vùng sâu vùng xa thì thế nào đây, không phá nát bét mới là chuyện lạ (!!!)
    Mong tác giả bài này cùng các trí thức có tâm hãy lên tiếng cứu lấy những di sản của Việt Nsm đang bị phá từng ngày từng giờ...

    Trả lờiXóa
  9. Xin cảm ơn Chị Kiến trúc sư Trần Thanh Vân đã góp công giữ gìn một trong những di sản lịch sử văn hóa quý báu của nước nhà ! Trong quá trình trùng tu hoặc tôn tạo những di sản lịch sử văn hóa ở nhiều địa phương đang khá lộn xộn và tùy tiện .Nhất là trong việc trùng tu và đại tu các chùa chiền là điển hình của sự tùy tiện, xin đơn cử như ở tỉnh Thái Bình -nơi tôi thường về thăm người bạn là một Đại đức (xin phép không nêu pháp danh ), tôi được bạn cho biết ở tỉnh này có một vị Đại đức tuổi chừng ngoài bốn mươi , vốn có năng khiếu về hội họa nên vị này thường đứng ra trùng tu hoặc tôn tạo lại các chùa chiền từ khá nhiều nơi ở một vài huyện với sự hậu thuẫn của những chủ doanh nghiệp , của tín đồ, của một số vị chức sắc trong chính quyền . Song, điều đáng nói ở đây là việc làm của vị Đại đức này mang tính ngẫu hứng và tùy tiện : Nơi thì xây tháp cao chót vót theo kiểu Trung Hoa; nơi thì đào đất tạo thành hồ và đẳp núi giả; nơi thì : Chiếc cầu trên lối đi vào chùa làm theo kiểu Trung Hoa, nhưng bên trong chùa thì xây tháp theo kiểu Ấn Độ ... Xin phép được nêu câu hỏi rằng : Chỉ riêng một miền quê như tỉnh Thái Bình đã như vậy , không biết các nơi khác trên đất nước Việt thì thế nào ! Nên chăng ,các tín đồ Phật giáo ở tỉnh Thái Bình cần phải học đủ các tông phái trước khi vào chùa để khỏi bỡ ngỡ trước các kiểu mẫu kiến trúc lai tạp (?)(!).

    Trả lờiXóa
  10. Việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, chùa chiền đã và đang diễn ra ở khắp nơi với cách làm hết sức tùy tiện; vừa lai căng kiến trúc mang tính sao chép.lắp ghép pha tạp, khoa trương lố lăng và kệch cỡm ...của thói cậy quyền cậy thế, cậy tiền cậy của...bất chấp đạo lý , bất chấp dư luận dẫn đến phá bỏ di sản văn hóa của Dân tộc, và để rồi các di tích lịch sử văn hóa , chùa chiền ...sau khi qua bàn tay của những kẻ mông muội nhân danh tôn giáo đứng ra trùng tu -trùng tu thì ít mà thể hiện sự ngu si học mót , học đòi cho giống thiên hạ thì nhiều : Một phần giống Trung Hoa, một phần giống Ấn Độ, thoang thoảng giống Nhật, giông Hàn ..chỉ ở trong màn( trong ban thờ ) là của Việt Nam ! Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tiên tri trước được việc này, Ngài viết : "Con yết ạch ạch tranh khôn( dùng quyền lực để tranh khôn , tranh hơn ), Võ già mở hội ( Võ sư tuổi đã già, sức đã yếu mở hội thì ai xem) , Mông tôn làm chùa ( Nhân danh tôn giáo nhưng mê muội như kẻ có mắt mà không có con ngươi lại đứng ra làm chùa )". Nước Việt Nam sẽ đi về đâu khi những di tích lịch sử văn hóa cứ đang ngày bị biến tướng đi ! Mai sau, khi con cháu của chúng ta muốn tìm hiểu về bản sắc văn hóa của dân tộc mình thì biết tìm ở đâu, tìm ở phương trời nào trên thế gian này (?)(!).

    Trả lờiXóa
  11. Kẻ nào bằng mọi giá lấy cớ "trùng tu,tôn tạo" bất chấp mọi ý kiến của những nhà nghiên cứu di tích lich sử thì sớm muộn cũng bị "vật" chết!

    Trả lờiXóa