Bùi Xuân Đính
Phan Văn Xưởng người xã Khánh Thọ, huyện Hà Đông (nay thuộc huyện Duy Xuyên), tỉnh Quảng Nam, đỗ Cử nhân khoa Giáp Ngọ đời Vua Minh Mạng (năm 1834), là Án sát tỉnh Biên Hòa dưới thời Vua Thiệu Trị. Vào năm Giáp Thìn (năm 1844), tại thôn Tân Mỹ của tỉnh này xảy ra vụ kiện tranh chấp tài sản. Người cần được lập di chúc để được hưởng thừa tự đã tìm cách đút lót cho Xưởng 80 lạng bạc. Xưởng không những nhận mà còn dung túng người nhà và lại dịch xuống làng sách nhiễu. Những người thân của người bị hại thấy bị thua thiệt bèn khiếu kiện Xưởng, nhưng họ lại kêu kiện ở Gia Định mà không phải ở Biên Hòa. Phan Văn Xưởng lo sợ, bèn thân chinh đến tỉnh Gia Định van xin Tổng đốc tỉnh này giao vụ kiện cho Bố chính tỉnh Biên Hòa Đỗ Huy Cảnh tra xét. Những người khiếu kiện không chịu, tiếp tục về Kinh đô Huế kêu cầu.
Vua Thiệu Trị xem xong đơn của dân bèn quyết ngay :
“Phan Văn Xưởng vốn là người trong khoa đạo (1) , từ khi nhậm chức tới nay mọi việc để đọng lại, đến khi bị dân kiện là tham tang, lại vượt cõi sang Gia Định để yết kiến riêng, chẳng khác gì con vật ngoe nguẩy đuôi để cầu người thương! Vậy không thể để cho hạng đen tối thấp hèn ấy tại chức được”.
Rồi Vua sai bãi chức Xưởng. Bố chính Đỗ Huy Cảnh cũng bị giải chức, về Kinh đô đợi xét án. Một loạt quan lại triều đình được điều đến để tra xét vụ này.
Trong quá trình điều tra, các quan đã phát hiện một tội khác của Phạm Văn Xưởng. Vốn là, trong tập Thỉnh an (báo cáo hàng năm của quan địa phương về tình hình địa hạt gửi về triều) của Xưởng có nói đến viên Tri huyện huyện Bình An (tỉnh Biên Hòa) Nguyễn Khắc Điều là người siêng năng, chính trực, Điều còn bỏ tiền của riêng để cứu giúp những người nghèo khó nên được các nha lại và nhân dân tin phục.
Khi đó, Vua Thiệu Trị tin lời tâu của Xưởng là đúng, bèn thưởng cho Nguyễn Khắc Điều 20 lạng bạc, một súc lụa hoa, lại thăng bổ Điều làm Tri phủ. Vua còn thông dụ cho các quan lại ở Kinh đô và các tỉnh, khích lệ họ “noi theo gương tốt” của Nguyễn Khắc Điều !
Song, chưa bao lâu thì xảy ra vụ kiện dân sự trên đây. Các quan điều tra phát hiện Nguyễn Khắc Điều đã đưa cho Phan Văn Xưởng hơn 100 quan tiền để nhờ Xưởng làm tờ Tâu lên Vua biểu dương lòng thanh liêm và hảo tâm của mình !
Vua Thiệu Trị đọc bản tâu, lấy làm lạ rồi dụ các bề tôi : “Số tiền đút mà Phan Văn Xưởng nhận đó là do tay Nguyễn Khắc Điều đưa ra, mà chính tích của Nguyễn Khắc Điều lại ở miệng Phan Văn Xưởng nói ra, biết đâu lại là cùng một bọn tham ô, tâng bốc lẫn nhau?”.
Rồi Vua sai cách chức Nguyễn Khắc Điều, thu lại số tiền đã hậu thưởng trước đây, chờ xét xử. Sau khi vụ án được điều tra, Phan Văn Xưởng bị tội trảm giam hậu (bị tội chém, nhưng giam lại chờ xét lại án sau), Nguyễn Khắc Điều bị tội đánh trượng hết bậc và tội đồ (đi làm lao dịch), Đỗ Huy Cảnh có dính dáng đến vụ việc này cũng bị phạt 100 trượng và tội đồ (đi làm lao dịch) ba năm; Tổng đốc Định - Biên vì bao che cho bọn Xưởng, Điều cũng bị giáng chức một cấp; riêng Đỗ Huy Cảnh và Phan Văn Xưởng còn bị phạt tội đồ với mức án hai năm rưỡi vì “tâu báo hàm hồ”.
Lời bàn:
Câu chuyện trên đây không chỉ liên quan đến nhân cách của hai viên quan phủ huyện, mà còn đặt ra những vấn đề về công việc thanh tra, giám sát si thời Vua Thiệu Trị.
Vị quan đầu tiên là Phan Văn Xưởng, chịu trách nhiệm “chăn dắt dân” ở một phủ gồm nhiều huyện, nhưng “mọi việc để đọng lại”, chẳng những không làm tròn trách nhiệm của mình mà còn “thản nhiên” phạm một lô tội :
Trước hết là nhận hối lộ trong một vụ kiện dân sự tranh chấp tài sản thừa kế, lại còn cho thuộc hạ xuống sách nhiễu dân, để đến nỗi khi dân khiếu kiện lên quan trên, Xưởng lại “hạ mình” chạy chọt (đương nhiên không tránh khỏi phải chạy bằng tiền) để vụ án được chuyển về cho người thân quen xử, mong hòng thoát tội hoặc được nhẹ tội.
Không chỉ nhận hối lộ của dân, Phan Văn Xưởng còn nhận hối lộ của quan lại dưới quyền, rồi làm tờ Tâu sai lệch về vị quan đã hối lộ mình lên vua, để vua khen thưởng, thăng chức cho kẻ đó. Tội hối lộ đã lớn, tội đánh lừa cả vua của Xưởng còn lớn hơn nhiều. Xưởng đúng là “hạng quan đen tối thấp hèn” - như lời Dụ của Vua Thiệu Trị, và cái án “trảm giam hậu” dành cho cho viên “quan đen” này là thích đáng.
Người thừ hai là Nguyễn Khắc Điều đã cả gan hối lộ quan trên để làm một việc “động trời” là nhờ quan trên “nổ” (khoe) giúp cho mình trong tập Thỉnh an - một loại văn bản pháp lý chính thống của Nhà nước phong kiến xưa kia, từ đó đánh lừa được cả vua, đến mức vua ban thưởng cho bạc, lụa hoa, lại thăng bổ làm Tri phủ và hơn nữa, còn thông dụ cho các quan lại ở Kinh đô và các tỉnh, khích lệ họ “noi theo gương tốt” của mình ! Tội của Điều đúng như Vua Thiệu Trị phán xét là cùng với Phan Văn Xưởng - một bọn tham ô, tâng bốc lẫn nhau. Thiết nghĩ, mức án đánh trượng và đi làm lao dịch dành cho Điều là quá nhẹ.
Thời phong kiến, Nhà nước rất coi trọng đến đội ngũ quan lại cấp huyện, phủ coi họ là “quan thú lệnh”, vì họ là người gần dân nhất, thay mặt Nhà nước “chăn nuôi dân”. Chủ trương, chính sách của triều đình có xuống được với dân hay không, tình của người dân có thấu lên đến triều đình hay không phụ thuộc một phần lớn vào cái tâm, sự mẫn cán của các quan thú lệnh này. Bởi vậy, Nhà nước, nhất là thời Nguyễn còn ban thêm cho họ tiền dưỡng liêm, ngoài tiền lương chính, để nuôi lòng thanh liêm của họ.
Vậy mà, hai viên quan thú lệnh Phan Văn Xưởng, Nguyễn Khắc Điều đã phụ lại ân điển của triều đình, phạm hết tội này đến tội khác, mà cao nhất là lừa cả vua. Câu ngạn ngữ mà cha ông ta đúc kết “Coi trời bằng vung” thật đúng với hai viên quan đen này.
Liên can đến vụ án này còn có cả Tổng đốc tỉnh Gia Định đã dễ dãi cho chuyển vụ án dân kiện quan cho Bố chính tỉnh Biên Hòa Đỗ Huy Cảnh xét xử mà lẽ ra thuộc phạm vi trách nhiệm của mình; để rồi sau đó, viên Bố chính này tìm cách bao che cho những kẻ lừa dối cả vua Phan Văn Xưởng và Nguyễn Khắc Điều.
Vụ án này còn để lại những bài học kinh nghiệm về công tác kiểm tra, thanh tra quan lại, nhất là quan lại cấp huyện cùng quy trình làm việc của họ; về quy trình báo cáo, về việc xét án ... Những bài học đó vẫn chẳng cũ với xã hội ta ngày nay.
Bài đã đăng trên tạp chí Kiểm tra.
(1) Quan có trách nhiệm vụ can gián (can ngăn) vua và đàn hặc (phê phán, tố cáo) lỗi lầm của các quan.
Nếu vụ tiên lảng Hải phòng mà thủ tướng quyết đơ]cj thế này nhỉ. Nhưng ai xét trách nhiẹm vụ VINASIn ta!
Trả lờiXóaBao giờ nước ta tiến tới ...ngày xưa?
XóaThời phong kiến đang thịnh, luật pháp thật nghiêm khắc không để các "quan" khinh nhờn như thời nay: thưởng phạt phân minh, ái tình dứt khoát.
Trả lờiXóalần đầu tiên vào blog của bác, thấy toàn những bài viết chất lượng :)
Trả lờiXóaThời nay cũng làm láo báo cáo hay . Nhưng khi bị phát hiện báo cáo láo vẫn cứ lên lương . Bởi vậy có câu thơ rằng " Thẳng thắn thật thà thường thua thiệt / Lèo lá lương lẹo lại lên lương ". Đấy là cái dị biệt xưa nay !
Trả lờiXóa