Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

ÔNG DƯƠNG TRUNG QUỐC: TỪ VỤ TIÊN LÃNG, XEM LẠI LUẬT ĐẤT ĐAI

Từ vụ Tiên Lãng, xem lại Luật Đất đai

Chủ Nhật, 12/02/2012 23:11

Theo ông Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vụ Tiên Lãng là rất thỏa đáng


Bị phá sập nhà, gia đình ông Đoàn Văn Vươn - Đoàn Văn Quý phải dựng lều ở tạm. 
 Ảnh: Thế Dũng
Với tư cách đại biểu Quốc hội, thành viên Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Dương Trung Quốc cho rằng từ vụ Tiên Lãng, chúng ta bàn về sửa đổi Luật Đất đai vào lúc này là rất chín muồi vì Hiến pháp 1992 cũng đang được tiến hành sửa đổi.
Lời nhắc nhở sửa luật
Phóng viên: Ông suy nghĩ gì sau vụ việc ở Tiên Lãng - Hải Phòng, nhất là trong bối cảnh sắp sửa đổi Luật Đất đai?
- Ông Dương Trung Quốc: Sự kiện Tiên Lãng như một tiếng súng báo hiệu, một lời cảnh báo vào thời điểm mà thời gian giao đất đã sắp hết hạn. Do đó, rất có thể không chỉ có ông Đoàn Văn Vươn mà còn rất nhiều người lâm vào hoàn cảnh tương tự. Tôi đã tiếp cận khá nhiều vụ khiếu kiện đất đai, tất cả chỉ gói gọn vào vấn đề chính quyền thực hiện quyền đại diện thu hồi đất của nông dân.
Luật Đất đai được quy định bởi Hiến pháp 1992 - hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Việt Nam không chấp nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai. Ngay trong thời phong kiến, tuy nói rằng đất là của vua nhưng trên thực tế phần lớn đất đai là nằm trong làng xã. Các làng xã lại được quản lý bởi những tập tục rất lâu đời, mang yếu tố dân chủ làng xã và tạo nên sự ổn định. Bên cạnh đất công cũng có cả đất tư nhân và giữa hai thành phần này luôn tác động lẫn nhau. Đất tư luôn có xu hướng phát triển, tạo ra mâu thuẫn trong xã hội, trong cộng đồng và Nhà nước dùng chính sách quân điền để điều chỉnh một cách hợp lý (dùng đất của người giàu chia cho người nghèo). Nhà nước không can thiệp nhưng thể hiện quyền quản lý của mình thông qua các làng xã.
Theo tôi, Luật Đất đai 1993 đã tạo ra hình thái như sau: Thứ nhất, quyền sở hữu toàn dân là một hư quyền. Thứ hai, quyền sử dụng là thực quyền (quyền của người sử dụng gần như là quyền tư nhân). Thứ ba, quyền đại diện (chính quyền hành pháp) là đặc quyền. Đặc quyền khi không có sự giám sát chặt chẽ sẽ chỉ là ý chí nhà lãnh đạo địa phương, có thể tước đoạt đất của người dân với những lý do nằm ngoài quy định luật pháp. Tình trạng tùy tiện đó minh chứng bằng vụ Tiên Lãng là rõ nhất.
Từ vụ Tiên Lãng chúng ta rút ra được bài học gì về vấn đề cán bộ, công tác thi hành luật và giám sát việc thực thi luật pháp?
- Luật rõ ràng khi ở trên giấy, cái khó nhất là đưa luật vào cuộc sống, bao gồm những văn bản dưới luật và năng lực thực thi của bộ máy hành pháp. Vấn đề là ở khả năng giám sát văn bản dưới luật và việc thực thi luật của các thiết chế dân cư (HĐND, Quốc hội cũng như các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có MTTQ). Ngay khi xảy ra vụ Tiên Lãng, tôi đã phát biểu trước Quốc hội rằng trách nhiệm này thuộc về cơ quan giám sát, cơ quan giám sát là Quốc hội (giám sát pháp luật và thực thi pháp luật tại địa phương). Tôi rất mong Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thể hiện vai trò của mình không chỉ với cương vị là Thủ tướng mà còn là đại biểu Quốc hội tại TP Hải Phòng. Với hai “vai” ấy, là nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, Thủ tướng không chỉ xử lý vụ việc mà còn phát hiện những bất cập trong hệ thống thực thi pháp luật để góp phần điều chỉnh luật đất đai và xây dựng hiến pháp.
Hiện khoảng 80% vụ khiếu kiện là liên quan đến đất đai nhưng tỉ lệ thực thi lại cực kỳ thấp. Vụ ông Đoàn Văn Vươn nếu không có mùi thuốc súng thì có lẽ cũng đã “chìm” giống như nhiều vụ khác. Đành rằng hành động của ông ta là sai nhưng rất cần đánh giá đúng bản chất và nguyên nhân sự việc. Vụ Tiên Lãng góp phần làm chúng ta giật mình, vì nếu không có vụ này thì tất cả mọi việc có thể sẽ trôi đi, nhất là năm 2013 - thời điểm kết thúc 20 năm giao đất - sắp đến gần.
Kết luận của Thủ tướng rất thỏa đáng
Thủ tướng cũng đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành siết chặt quản lý đất đai, tránh để xảy ra sai phạm tương tự. Theo ông, làm thế nào để không còn những vụ đau lòng như Tiên Lãng?
- Tôi đã rất xúc động khi nghe phát biểu của vợ ông Đoàn Văn Vươn trên truyền hình là “mong Thủ tướng quan tâm nhiều hơn đến những trường hợp của người nông dân khác có cùng hoàn cảnh liên quan đến đất đai như gia đình tôi”. Tôi nghĩ, những kết luận của Thủ tướng về vụ Tiên Lãng là hết sức thỏa đáng, đồng thời hoan nghênh ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về thắt chặt hơn công tác quản lý đất đai ở các tỉnh, thành.
Ngay trong phần đầu phát biểu kết luận, Thủ tướng đã nêu rõ là ngay từ năm 1987, chúng ta có 3 lần sửa đổi lớn, đặc biệt kể từ khi Luật Đất đai 1993, chúng ta xóa bỏ ruộng đất tư nhân, bên cạnh đó cũng đã có hàng trăm văn bản hướng dẫn thi hành khác. Ngoài việc chỉ đạo về pháp luật, tôi nghĩ phải xem xét lại toàn bộ Luật Đất đai, phải dự báo được tình hình sắp tới để Luật Đất đai phát huy được điểm tốt và hạn chế tối đa những nhược điểm. Tôi mong xem xét lại việc có còn giữ thời hạn giao đất hay không và hướng tới một lộ trình chúng ta có nên công nhận sở hữu tư nhân hay không. Điều này góp phần vô cùng quan trọng vào hiến pháp đang sửa đổi.
Không nên đặt ra thời hạn giao đất
* Thưa ông, thời hạn giao đất theo Luật Đất đai 1993 là 20 năm, sắp tới sửa luật có nên kéo dài thời hạn hay xóa bỏ hẳn?
- Những người tham gia xây dựng Luật Đất đai 1993 có nói trong tư tưởng chỉ đạo là sẽ giao đất lâu dài, ổn định cho nông dân. Đặt ra thời hạn chỉ nhằm thể hiện quyền quản lý, định đoạt của Nhà nước. Chỉ thu hồi đất đai với một số trường hợp đặc biệt nhưng muốn dùng thời hạn 20 năm như một sự thử nghiệm, giống như một lời nhắc nhở đây là đất của Nhà nước. Câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ giải quyết thời hạn 20 năm ấy như thế nào? Nếu chúng ta giữ nguyên cột mốc 20 năm thì sẽ có những hành động kiểm chứng việc làm của người nông dân, sẽ không có kiểu thừa kế, bỏ hoang… Nhưng nếu Luật Đất đai còn duy trì thời hạn giao đất thì bộ máy công quyền sẽ thực hiện một khối lượng thủ tục hành chính lớn và phức tạp để kéo dài quyền sử dụng đất cho dân và quan hệ xin - cho sẽ nảy sinh những vấn đề phức tạp.
Do vậy, theo tôi, nếu sửa Luật Đất đai thì không nên đặt ra thời hạn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là giao vĩnh viễn bởi vì Nhà nước có quyền định đoạt có điều kiện (chẳng hạn phục vụ cho những lợi ích quan trọng của quốc gia), ngay cả khi thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất như đã từng có trong lịch sử trước năm 1993 thì quyền đó vẫn được thực thi.
Duyên Anh thực hiện

12 nhận xét :

  1. Theo tôi, cần khẩn trương công nhận quyền tư hữu đất đai cho người dân trên những diện tích đất đai do công sức của nhân dân tạo dựng lên (do tổ tiên để lại, do trao đổi mua bán với nhau,do sở hữu lâu đời...). Các diện tích đất công do Nhà nước quản lý khi nhân dân địa phương có nhu cầu thì Nhà nước cho thuê lại theo chính sách, có thời hạn tùy theo mục đích sử dụng, hết thời hạn Nhà nước cho thuê tiếp hoặc thu hồi để phát triển những công việc theo quy hoạch sắp tới tại địa phương. Tư nhân muốn đầu tư bất động sản chỉ được phép thuê lại đất công của Nhà nước hoặc thỏa thuận mua lại của tư nhân với giá cả thị trường, không được phép sử dụng bất kì hình thức cấu kết với kẻ có thế lực để tịch thu đất của dân đền bù với giá rẻ mạt với bất kì danh nghĩa "dự án" nào nhằm thu lợi bất chính trên xương máu của nhân dân. Các khu vực đất đai mới do khai hoang phục hóa theo chính sách khuyến khích của nhà nước cần có chính sách công nhận cụ thể cho nhân dân yên tâm sản xuất.

    Với chính sách của Luật đất đai hiện nay thì mâu thuẫn về đất đai giữa nhân dân và Nhà nước sẽ ngày càng căng thẳng và sẽ đến lúc không kiểm soát được. Mãnh đất sản xuất trồng trọt hay để ở của người nông dân là tài sản quý giá nhất của họ, đừng nên coi thường mà tước đoạt đất của họ với bất kì lí do gì.

    Các khu vực đã lập dự án "treo" nếu địa phương chưa có nhu cầu sử dụng, sau một thời gian nhất định phải hủy bỏ "quy hoạch treo" trả đất lại cho nhân dân tự do sử dụng định đoạt, không nên "treo" hết chục năm này đến chục năm khác. Các quy hoạch phục vụ nhu cầu chung của xã hội tại các vị trí trọng điểm then chốt sớm muộn gì cũng phải thực hiện thì mới đưa vào "quỹ đất" tiềm năng phục vụ nhu cầu xã hội. Nhiều khu vực "quy hoạch treo" hiện nay đã buộc nhiều người dân đang lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

    Đồng Bào.

    Trả lờiXóa
  2. Việc tha bổng cho anh em Vươn Quý như phát pháo lệnh tiến đến sửa luật đất đai (tư hữu ruộng đất...) làm tiền đề thúc đẩy sản xuất nông, ngư nghiệp nói riêng, đồng thời tác động phấn khởi đến toàn thể người dân sống trên đất nước Việt nam có nhà trên đất (dù ở chung cư)
    Một cách cụ thể như Ông bà xưa đã nói "có an cư thì mới lập nghiệp"

    TH

    Trả lờiXóa
  3. Những ý kiến của ông Dương Trung Quốc là hoàn toàn chính xác. Luật đất đai từ tổ tiên chúng ta đã có từ ngàn năm, đâu có khác gì với luật đất đai của các nước văn minh tiên tiến hiện thời, tại sao ta không kế thừa mà lại phá bỏ, đi làm ra luật 1993 chẳng giống ai. Đất thì phải có chủ. Nếu là công thổ thì phải do một cơ quan nhà nước nào đó làm chủ. Nếu là tư thổ, thì cá nhân hoặc hội đoàn nào đó làm chủ. Lẽ dĩ nhiên làm chủ nhưng phải đóng thuế theo luật. Thuế đất canh tác và thuế nóc gia. Nếu trong trường hợp khẩn thiết vì lợi ích quốc phòng hay an ninh đặc biệt, thì chính phủ có thể trưng dụng nhưng phải bồi thường.
    Muốn yên dân, và tạo niềm tin nơi quần chúng. Thì việc tiên quyết chính quyền cần làm là miễn tố anh Đoàn Văn Vươn. Coi đây là thiện chí của chính phủ sửa sai những sai lầm về luật đất đai 1993 vốn chẳng giống con giáp nào. Chẳng những miễn tố mà còn phải xin lỗi nữa. Công nhận sai thì phải xin lỗi mới là CHÍNH NHÂN QUÂN TỬ. Mới là CHÍNH QUYỀN. Mới CHÍNH DANH.
    Khi danh đã chính rồi thì Ngôn sẽ thuận.
    Không hiểu đảng cộng sản có đủ dũng cảm để làm việc này không?
    Coi bộ khó. Nhưng nó quá dễ nếu so với công cuộc kháng chiến chống Đế Quốc Pháp.
    Tại sao cái khó ngày xưa làm được mà cái dễ bây giờ thì không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ủng hộ Trung Ngôn. Một khi xác định là công bộc nhân dân, "từ dân, do dân, vì dân" thì dù cấp chính quyền cấp dưới vi phạm, nhưng nó liên quan mật thiết tới các cấp bên trên, đến mức cao nhất! Một khi người dân để ý những người có trách nhiệm lời nói không đi đôi việc làm thì sẽ không có niềm tin. Tôi thậm chí coi lời xin lỗi là điều chưa cần "quân tử" cũng nên làm, vì làm chỉ có lợi chứ không hề có hại. Hành động của anh em họ Đoàn là mất hết niềm tin. không có hành vi sai trái của chính quyền, Tòa án địa phương ... thì không bao giờ họ lại chống lại như vậy. Vụ này đối với anh em Họ Đoàn sẽ là một chứng minh hùng hồn là Bản án của nước ta có thực sự vươn tới đạt chuẩn mực quốc tế hay không? Người dân cả nước tuy không nắm được Luật, nhưng đa số họ linh cảm thấy nếu anh em họ Đoàn bị kết án tội giết người, dù theo mức nhẹ cũng là bất công!

      Xóa
  4. Sở hữu tư nhân đất đai sẽ giúp dân cố gắng sinh lợi nhiều hơn và nhà nước cũng thu thuế nhiều hơn . Hai bên đều có lợi . Nhưng luật cũng cần qui định rõ : khi nhà nước cần làm công trình quốc gia trên đất tư nhân thì tư nhân phải giao đất đó cho nhà nước và được đền bù xứng đáng theo giá thị trường chứ không thể nói vì tôi thích ở đây nên tôi không giao .Đồng thời việc này phải được thực hiện theo một qui trình chặt chẽ để tránh bị lợi dụng . Chuyện đơn giản chỉ có thế . Nhưng có lẽ vì những lợi ích nhóm nào đó mà lâu nay vẫn cứ trùng trình chưa chịu trao quyền sở hữu đất đai cho người dân !.

    Trả lờiXóa
  5. Nhà nước thường đề ra vô số các khẩu hiệu tốt đẹp nào là vì dân phục vụ, vì dân quên mình, vì lợi ích của dân...thì không thể tồn tại những luật lệ quái dị, trong đó có luật đất đai như thế được.
    Nếu đễ con quái vật này tiếp tục tồn tại, thì cũng có nghĩa: nhà nước đã trực tiếp đối đầu và tử chiến cùng với cả dân tộc này vậy.

    Trả lờiXóa
  6. Một bài viết hay:
    http://quechoa.info/2012/02/11/s%E1%BB%B1-bi%E1%BA%BFn-d%E1%BA%A1ng-tam-ly-xa-h%E1%BB%99i-d%C6%B0%E1%BB%9Bi-tac-d%E1%BB%99ng-c%E1%BB%A7a-tham-nhung/comment-page-1/#comment-107586

    Trả lờiXóa
  7. Nên nghĩ đến những người nông dân có đầu óc, có chí hướng làm ăn lớn. Muốn có một nền nông nghiệp VN hiên đai như các nước tiên tiến. Cần cho họ sở hữu ruộng dù bằng cách nào. Nếu đất đai là của UBND huyện muốn thu khi nào là quyền của chính quyền thì VN mãi mãi là các thửa ruộng bằng cái nong cho các bà già mắt toét canh tác mà thôi.

    Trả lờiXóa
  8. Rất đơn giản. Theo tôi, cứ xem luật đất đai của các nước văn minh như thế nào rồi áp dụng là chính xác nhất. Còn ông Dương Trung Quốc có nói cũng chỉ nói chung chung thôi, không giải quyết được gì.

    Trả lờiXóa
  9. CCB nói:

    Ông Dương Trung Quốc chỉ nói chung chung. Ông còn né tránh quá nhiều ,sợ chúng nó trù! Trong truyện này Ông chỉ tham gia ở múc thò tay gãi ghẻ!

    Trả lờiXóa
  10. MỌI CUỘC CÁCH MẠNG ĐỀU BẮT ĐẦU TỪ RUỘNG ĐẤT!= NGUYÊN LÝ.

    Trả lờiXóa
  11. Hãy đọc bài này: http://sgtt.com.vn/Loi-song/158770/Da-lam-quan-la-phai-dang-hoang.html
    Thật đáng xấu hổ cho những người đang lãnh đạo Hải Phòng. Sâu mọt quá, lại ngu dốt nữa. Chẳng hiểu luật pháp gì cả mà dám phê “đồng ý cưỡng chế” đồng lõa với q định trái pháp luật, trái đạo lý của Tiên Lãng.Trung ương nên cân nhắc, điều chuyển ông Nguyễn Sự ở Hội An ra làm bí thư thành ủy Hải Phòng thay Nguyễn Văn Thành, xem như một việc làm thí điểm.

    Trả lờiXóa