Chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ mới là thuần Việt?
TS Trần Trọng Dương
- Bài viết riêng cho Nguyễn Xuân Diện blog
Bài viết “Chữ Nôm hay chữ quốc ngữ mới là thuần Việt?” của tác giả Thu Thảo đăng trên http://vietnamnet.vn đã thu hút tôi ngay từ cái tên. Bởi lẽ, bài viết đặt vấn đề cốt tử của bản sắc văn hóa Việt Nam qua trường hợp văn tự. Sapo của bài viết trích ý kiến của nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân, như sau: “Không thể nói chữ Nôm thuần Việt được, vì chữ Nôm do người Việt vay mượn từ tiếng Hán nên chịu nhiều ảnh hưởng từ nền văn hóa Trung Hoa. Chữ quốc ngữ mới là ngôn ngữ của người Việt”.
Câu sapo của bài báo khiến chúng tôi giật mình. Bởi lẽ nội dung của câu ấy cho thấy sự mù mờ về mặt khái niệm: văn tự và ngôn ngữ. Tại sao tôi lại nói như vậy?
Câu sapo của bài báo khiến chúng tôi giật mình. Bởi lẽ nội dung của câu ấy cho thấy sự mù mờ về mặt khái niệm: văn tự và ngôn ngữ. Tại sao tôi lại nói như vậy?
Câu nói “Chữ quốc ngữ mới là ngôn ngữ của người Việt” là câu sơ suất nhất. Bởi lẽ “chữ viết” không thể là “ngôn ngữ” được, chữ viết chỉ là cái vỏ ghi âm của ngôn ngữ mà thôi. Như tiếng Việt có lịch sử 12 thế kỷ. Từ góc nhìn lịch đại, tiếng Việt có hai hệ thống ghi âm[1] khác nhau. Thứ nhất là chữ Nôm, thứ hai là chữ Quốc ngữ. Nói một cách dễ hiểu hơn, chữ Nôm và chữ quốc ngữ là hai hệ thống chữ viết cho cùng một ngôn ngữ: Tiếng Việt.
Còn muốn xác định cái nào là THUẦN VIỆT ở góc độ văn tự học và văn hóa học, thì chúng ta phải có một hệ tiêu chí. Chứ không thể dùng mỗi tiêu chí “mượn Hán” để phủ định cái này hay khẳng định cái kia. Những công việc ấy phải hết sức bình tĩnh và khách quan. Từ góc nhìn DI SẢN, chúng ta sẽ xem xét, so sánh chữ Nôm với chữ Quốc ngữ cổ từ mốc thời gian từ 1945 trở về trước. Chúng tôi xin đưa ra các tiêu chí sau.
Thứ nhất là về chủ thể sử dụng. Chữ Nôm và chữ Quốc ngữ đều có chủ thể sử dụng là người Việt. Thế nhưng, nếu như chữ Nôm được phần lớn cộng đồng cư dân Việt dùng làm công cụ ghi chép từ giữa thế kỷ XX trở về trước; thì chữ quốc ngữ cổ chỉ hạn hẹp trong cộng đồng cư dân theo Thiên Chúa giáo, phải đến đầu thế kỷ XX, chữ quốc ngữ mới dần lấn lướt, và chính thức “độc dụng” từ năm 1945 đến nay (xem bài Ai bức tử chữ Hán chữ Nôm? của Vũ Thế Khôi http://vanhoanghean.com.vn/ nhung-goc-nhin-van-hoa/goc- nhin-van-hoa/213-ai-qbc-tq-ch- han-nom.html).
Thứ hai là về chủ thể sáng tạo. Chữ Nôm là sản phẩm chữ viết duy nhất do chính người Việt sáng tạo trên cơ sở vay mượn tự hình chữ Hán để ghi lại tiếng Việt. Chữ quốc ngữ là sản phẩm do người phương Tây sáng tạo trên cơ sở vay mượn chữ cái La Tinh để ghi lại tiếng Việt. Cũng cần nhắc lại ở đây rằng vay mượn văn tự là hiện tượng phổ biến của mọi nền văn hóa trên thế giới trừ văn hóa Trung Hoa, văn hóa Hy- La, và văn hóa Ai Cập.
Thứ ba là về nguồn gốc văn hóa. Chữ Nôm có nguồn gốc bản địa, nguồn gốc Việt, mang đặc tính của văn tự Đông Á, chính vì vậy trong lịch sử, chúng ta từng nằm trong khối đồng văn (Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên). Nói chữ Nôm là Việt bởi lẽ, nó là do người Việt sáng tạo, để ghi tiếng Việt, và cho người Việt dùng. Người Trung Quốc, người Nhật Bản, người Triều Tiên, không thể đọc được chữ Nôm, mà chỉ có người Việt mới đọc được. Còn chữ quốc ngữ là có nguồn gốc ngoại lại, nguồn gốc Tây Âu, do người châu Âu sáng tạo.
Thứ tư về thời điểm hình thành. Theo kết quả nghiên cứu của nhiều thế hệ học giả từ Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn đến Nguyễn Tài Cẩn…, chữ Nôm là sản phẩm văn hóa của thời đại Lý Trần, mà văn bản sớm nhất hiện còn là bản dịch Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh ghi lại tiếng Việt tiền cổ ở thế kỷ XII. Chữ quốc ngữ là sản phẩm được hình thành từ thế kỷ XVII, với một số văn bản do các giáo sĩ phương Tây viết trong quá trình truyền giáo.
Thứ năm về mục đích chức năng. Chữ Nôm ra đời từ nhu cầu nội sinh về mặt văn hóa. Người Việt đã sáng tạo ra thứ văn tự của riêng mình để ghi tiếng mẹ đẻ của mình, và quan trọng nhất là lưu giữ lại toàn bộ đời sống văn hóa của mình. Ca dao, tục ngữ, truyện tiếu lâm, thơ ca dân gian, thơ ca bác học, cho đến sinh hoạt làng xã …và muôn vàn yếu tố văn hóa cổ truyền Việt Nam khác, còn lại đến nay một phần đều nhờ vào sự truyền tải của thứ văn tự này. Về mục đích chính trị, việc các triều đại Lý- Trần- Lê- Nguyễn dùng song song chữ Nôm với chữ Hán là thể hiện ý thức tự cường về mặt văn hóa, đồng thời vừa là để hiểu và chống lại các thế lực của người Trung Hoa. Lối ứng xử này đến nay vẫn còn nguyên giá trị với tư cách là một bài học của cha ông? Trong khi đó, chữ quốc ngữ, thuở ban đầu, được làm ra là nhằm mục đích truyền giáo, rộng hơn là truyền bá văn hóa phương Tây, và nó chính là công cụ để người Tây Dương xâm lăng nước Việt. Léopold Pallu de la Barrière[2] đã từng phải thốt lên: “trong tất cả những rào cản hòng chống lại ta ở châu Á, chữ viết của họ là rào cản vững chắc nhất”. Nhận thức rõ điều đó, từ năm 1869 đến 1919, Pháp lần lượt ban hành các đạo luật G.Ohier, J.Lafont, Le Myre de Vilers và Albert Sarraut nhằm “diệt Hán – Nôm, hưng quốc ngữ”, nhằm tách dân chúng ra khỏi tầng lớp Nho sĩ, cô lập Đại Nam với các nước đồng văn và quan trọng nhất là “biến những đứa trẻ Annam trở thành người ngoại quốc trên chính đất nước của chúng” [trích lời Toàn quyền Paul Bert 1886][3]. Thực chất, về mặt lịch sử, đó là CUỘC CHIẾN TRANH VỀ CHỮ VIẾT được ngụy danh dưới cái tên “đồng hóa” (assimilation).
Thứ sáu, về quãng thời gian sử dụng. Chữ Nôm được dùng ít nhất từ thế kỷ XII cho đến năm 1945, tức là thời gian sử dụng khoảng 700- 800 năm. Chữ Quốc ngữ được sử dụng từ thế kỷ XVII, mãi đến năm 1945 mới chính thức trở thành văn tự duy nhất của Việt Nam. Như vậy thời gian sử dụng của chữ quốc ngữ vào quãng 300 năm.
Thứ bảy về số lượng văn bản cổ hiện còn. Các văn bản chữ Nôm hiện còn lưu trữ ở Việt Nam (chủ yếu là Viện NC Hán Nôm), Nhật Bản, Trung Quốc, Ý, Hà Lan, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Mỹ…quãng 1500 tác phẩm[4], với số lượng lên đến hàng trăm nghìn trang viết. Các văn bản chữ quốc ngữ có lẽ chỉ có hai trăm tác phẩm, và số lượng chỉ bằng 1/ 10 so với chữ Nôm (cả về đầu sách, và số trang sách).
Thứ tám, về nội dung đề cập. Chữ Nôm đề cập đến mọi vấn đề của cuộc sống người Việt trong vòng bảy tám trăm năm, từ văn học, lịch sử, y học, luật pháp, cho đến thư từ, gia phả, thần phả, khoán ước… Trong khi, chữ quốc ngữ chỉ giới hạn phần lớn trong các văn bản kinh thánh, thư từ của Thiên Chúa giáo.
Thứ chín, về sự góp mặt của các danh nhân. Chữ Nôm và văn học chữ Nôm đã trở thành sản phẩm văn hóa đặc hữu của người Việt, với hàng trăm danh nhân, văn sĩ. Hoàng đế Trần Nhân Tông – người đang được làm hồ sơ để công nhận là danh nhân văn hóa thế giới, là tác giả đứng ở “đầu mốc lịch sử” với hai bài phú Nôm, ca Nôm thế kỷ XIII. Danh nhân Chu Văn An người mở đầu thơ Việt với “Quốc ngữ thi tập” (lưu ý từ thế kỷ XIX về trước, tất cả các văn bản chữ Nôm đều được người Việt gọi là QUỐC NGỮ hay QUỐC ÂM). Tuệ Tĩnh- vị Thánh thuốc Nam của người Việt, nổi tiếng với phương châm “thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt”, là nhà từ điển học đầu tiên với cuốn từ điển Hán Việt cổ nhất, là dịch giả có danh tính đầu tiên trong lịch sử dân tộc, là tác giả của nhiều bài thuốc Nôm trong thế kỷ XIV. Nguyễn Trãi- nhà thơ lớn, nhà chính trị lớn, danh nhân văn hóa thế giới, người đã làm nên nền văn học Việt, ngôn ngữ Việt với tập thơ “Quốc âm thi tập”. Lê Thánh Tông và các triều thần là tác giả của tập thơ Nôm Hồng Đức quốc âm thi tập - đỉnh cao khác của ngôn ngữ thơ Việt Nam ở thế kỷ XV. Và nhiều danh nhân khác như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Thế Nghi, Nguyễn Du, Tự Đức, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương,… Trong khi đó, sự góp mặt của các nhân vật bên mảng quốc ngữ chúng ta chỉ thấy có một số ít giáo sĩ phương Tây như A. de Rhodes với Từ điển Việt Bồ La và Phép giảng tám ngày (tk XVII), hay Bento Thiện, Philiphe Bỉnh,… Theo ước tính của chúng tôi, thì số lượng danh nhân xuất hiện ở mảng chữ Nôm lên đến hàng trăm (đến nay chưa thể thống kê hết được). Trong khi đó số lượng tác giả chữ quốc ngữ cổ là ít hơn khá nhiều.
Với chín tiêu chí như đã nêu, chúng tôi thiết nghĩ, vấn đề đã khá sáng rõ, không cần phải thuyết minh thêm nữa. Việc chữ Quốc ngữ (Latin nguồn gốc Châu Âu) thay thế chữ Nôm (văn tự khối vuông, nguồn gốc Đông Á- bản địa) vào năm 1945 là do nhiều yếu tố và hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Nhưng với mục tiêu “đi tìm ngày kỷ niệm chữ viết dân tộc” như ý định của một số nhà nghiên cứu, chúng tôi thiết nghĩ cần phải có cái nhìn ở chiều sâu của lịch sử và cái bề rộng của văn hóa, cũng như cần phải dốc sức thực hiện những hoạch định có tính chiến lược cho tương lai văn hóa Việt Nam. Đến đây, xin mượn lời nhà sử học Dương Trung Quốc để kết thúc bài viết như là một cách ngỏ cho một vấn đề còn để ngỏ.
“Tôi cho rằng ý tưởng về ngày chữ viết của dân tộc rất hay và cần thiết. Nhưng vấn đề bức xúc hiện nay là nước ta có hơn 54 dân tộc, có rất nhiều loại ngôn ngữ, chữ viết khác nhau. Tại sao không đưa chữ Hán Nôm vào đời sống, tất nhiên không phải là sự trở lại mà là để gìn giữ văn hóa nước nhà? Có nhiều loại chữ nhưng chữ nào chuẩn hóa? Vì vậy, cần phải có Luật ngôn ngữ.”
T.T.D
Bài viết riêng cho Nguyễn Xuân Diện blog
[1] Xin chú ý, là chữ Hán và chữ Nôm không phải là chữ viết tượng hình như nhiều người vẫn hiểu mà là hệ thống chữ viết thuộc loại hình “ghi âm kiêm biểu ý”. Riêng chữ Hán, vào thời sơ thủy của nó, cách nay 2000-3000 năm, mới là chữ tượng hình.
[2] Trung úy hải quân thuộc Bộ Tham mưu- Tổng tư lệnh hạm đội vùng biển Trung Hoa và quân đội viễn chinh Pháp, Phó Đề đốc Rigault de Genouilly) [xem Lịch sử về cuộc viễn chinh ở Nam Kỳ năm 1861 (Histoire de l’expéditon de Cochichine en 1861 )].
[3] Triều Anh. Những trang sử cuối cùng của chữ Hán Nôm. Nxb Tổng Hợp Đồng Nai. 1999. Tr.
[4] Riêng Viện Hán Nôm (theo thống kê của GS Trần Nghĩa năm 1993), đã có 1373 cuốn. Chưa kể số sách sưu tầm trong 20 năm trở lại đây, và nhiều sách nằm ở nhiều thư viện khác trong nước cũng như nước ngoài. Ngoài ra cũng phải kể đến hệ thống sách chữ Nôm về kinh thánh cũng lên đến cả trăm cuốn, tiêu biểu như tác giả Majorica với Truyện các Thánh (dày 4000 trang, vào thế kỷ XVII).
Chữ viết cũng như mọi phát kiến của con người khác cần phải theo qui luật đào thải theo sự tiến bộ của nhân loại. Chữ Nôm hạn chế về tính truyền bá , hạn chế về tính đa dạng , không thể truyền tải hết các khái niệm khoa học, văn hóa xã hội bây giờ, nên sự đào thải là tất yếu. Ta chỉ nên coi nó là một phần của lịch sử. Cũng không cần đưa vấn đề chữ viết ra để bàn về tiêu chí thuần Việt hay không. Xét cho cùng chữ Nôm cũng cũng dựa, vay mượn chữ Hán. Chữ quốc ngữ cũng là xuất phát từ gốc Latin. Không chữ nào "thuần" Việt cả.
Trả lờiXóaVụ Tiên Lãng: Bí thư HP bị tố nói sai
Trả lờiXóaKhông đồng tình với Bí thư Thành ủy
Bí thư Hải Phòng cho rằng báo chí nói sai, ghép ảnh chỗ khác vào, chứ không có chuyện xe ủi phá nhà ông Vươn.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành đã đến “nói chuyện thời sự” tại CLB Bạch Đằng (nơi sinh hoạt của các cán bộ trung cao cấp nghỉ hưu) sáng 17/2, nội dung chủ yếu là vụ cưỡng chế đầm tôm nhà ông Vươn.
Theo ông Hoàng Châu (83 tuổi) - nguyên cán bộ tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng, trong phát biểu, ông Thành chủ yếu nói ông Vươn sai.
Ngày 18/2, UBND xã Vinh Quang đã tổ chức buổi làm việc, thông báo tình hình và lấy ý kiến của bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn).
Theo đó, UBND huyện bố trí nơi ở tạm đối với gia đình ông Vươn - bà Thương trong thời gian tiến hành giải quyết vụ việc tại dãy nhà điều hành Dự án Nuôi tôm xuất khẩu TNXP ở khu vực phía nam Cống Rộc, xã Vinh Quang.
Tuy nhiên, gia đình bà Thương đã từ chối nhận nhà vì ở đó không có điện, nước...
"Tôi lập tức phản ứng là lên bục phát biểu 4 vấn đề: Bí thư nói không đúng kết luận của Thủ tướng. Nói sai về báo chí. Việc nói như vậy và coi thường chúng tôi, những cán bộ trung cao cấp nghỉ hưu. Với tư cách một đảng viên, tôi đề nghị Bộ Chính trị đình chỉ công tác Bí thư Thành ủy của đồng chí Nguyễn Văn Thành" - ông Châu bức xúc.
Ông Nguyễn Khánh Chuân (87 tuổi, 65 tuổi đảng) - nguyên cán bộ Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, ông Thành không nói đến kết luận của Thủ tướng, chủ yếu nói khuyết điểm của ông Vươn, nói như vậy là nói một chiều. Chúng tôi không hài lòng với phát biểu của bí thư. Đúng ra ông Thành phải thừa nhận sai trái của cấp dưới và có cách xử lý. Ban Thường vụ Thành ủy cần nhận rõ trách nhiệm gì, trách nhiệm đến đâu...
Còn ông Phạm Quang Ngọc (83 tuổi) cho biết, bức xúc của ông Châu và các ông khác trong CLB Bạch Đằng cũng là bức xúc của ông và nhiều người khác.
Kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước
Ngày 18/2, các cán bộ lão thành, người có công với cách mạng sinh hoạt trong CLB Bạch Đằng gồm ông Nguyễn Cục - đại tá quân đội về hưu (84 tuổi, 64 tuổi Đảng), ông Nguyễn Viết Phúc - nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Kiến An (84 tuổi, 64 tuổi Đảng) và ông Lê Văn Thinh - đại tá quân đội về hưu (78 tuổi, 60 tuổi Đảng) đã có báo cáo - kiến nghị gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, bày tỏ sự bất bình của các thành viên CLB đối với ông Nguyễn Văn Thành - Bí thư Thành ủy Hải Phòng trong việc thông tin trái với kết luận của Thủ tướng về việc cưỡng chế thu hồi đất tại huyện Tiên Lãng.
Bản báo cáo - kiến nghị viết: "Xung quanh vụ việc Tiên Lãng, chúng tôi đang chờ đợi, hy vọng sự kiểm điểm nghiêm túc của lãnh đạo thành phố. Nhưng không ngờ đồng chí Nguyễn Văn Thành không hề nêu sai sót nào của Thành ủy, chính quyền, các cơ quan liên quan TP.Hải Phòng. Đồng chí Thành có những điều trình bày trái với kết luận của Thủ tướng như: "Báo chí nói sai, ghép ảnh chỗ khác vào, chứ đâu có chuyện xe ủi nhà ông Vươn, không ca ngợi công an, bộ đội, có biểu hiện bôi nhọ; có cán bộ lão thành nói không chuẩn; ông Vươn xây nhà không trong quy hoạch - trốn nợ thuế - không có tý công tích gì, trong khi đó Tiên Lãng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ông Vươn...”.
(theo bao the thao 24h)
Văn hóa Việt cổ còn lưu dấu đến loại chữ "nòng nọc" mà sử Tàu có đề cập đến, tiếc thay trong bao lần xâm lăng đô hộ bọn chúng đã hủy diệt chữ Việt cổ của dân tộc Bách Việt cổ. Biết đâu trong quá trình phát triển khoa học khảo cổ và khoa học lịch sử chúng ta sẽ có những phát hiện thú vị về chữ viết cổ. Vậy "ngày kỷ niệm chữ viết dân tộc” sẽ là ngày nào cho chữ viết nào là chính thức? Thời gian sẽ trả lời. Tuy nhiên chọn một ngày làm ngày chữ viết dân tộc cũng là cần thiết. Tôi cũng đồng quan điểm với ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc.
Trả lờiXóaĐồng Bào.
tại sao, trên thế giới lại chỉ có Việt Nam và Bắc Triều Tiên từ bỏ văn tự truyền thống của mình nhỉ?
Trả lờiXóathế Trung Quốc, hàn Quốc, Nhật Bản không từ bỏ , sao họ vẫn phát triển hơn ta rất nhiều?
vấn đề có lẽ không phải do chữ viết lạc hậu đâu nhỉ?
Các nước Nhật, Đại Hàn đã ca ngợi nước ta may mắn có được chữ Quốc Ngữ; việc tách chữ viết Việt ra khỏi ngôn ngữ và khuôn chữ phức tạp Hán đã khiến dân Việt trở thành dân tộc ít người bị mù chữ. những ai muốn khôi phục Hán Nôm để sử dụng thay Quốc Ngữ, chẳng khác nào muốn một tử ngữ như Latin trở thành sinh ngữ cho dân tộc Ý vậy. Nghĩ quẩn nghĩ quanh, bây giờ lại học lại sử dụng computer bằng tiếng Nôm thì chắc phải khóc thét lên mất. Vưà phải thôi các vị yêu tiếng Nôm. Hãy gìn giữ tiếng Nôm bằng cách lập ra Viện Hán Nôm để duy trì, khảo cứu như ông Từ giữ Đền. Càng tách ra khỏi chữ viết hình tượng thì ngôn ngữ càng văn minh trong sáng. Thử xem các dân tộc có chữ viết ngoằn ngoèo có khá không. Hãy tách khỏi văn hoá Tầu và hướng về văn minh Tây Phương. Đó là hướng tới cuả thế hệ tương lai. Có ông cộng sản nào còn mặc áo dài khăn đóng đi công cán ngoại quốc không???
Trả lờiXóaBài viết này cho thấy tác giả làn gười am hiểu cả về lịch sử và ngôn ngữ. Nhưng lại kết bằng câu nói của ông DTQuốc, trong đó có ý "tại sao không đưa chữ Hán Nôm vào đời sống",thì lại khiến tôi thất vọng.
Trả lờiXóaThấy có trích lời và hình ảnh của ông DTQuốc trong Hội thảo về chữ Quốc ngữ:
(Chữ Nôm hay chữ quốc ngữ mới là thuần Việt
http://www.vietnamnet.vn/vn/giao-duc/60706/chu-nom-hay-chu-quoc-ngu-moi-la-thuan-viet-.html)
mới chợt nhớ lại câu nói của ông:
“(…) hiểu khái niệm tái cấu trúc và đặc biệt chữ “tái” như thế nào. “Tái” nếu là âm Hán Việt thì ta phải làm lại thôi. Còn nếu tái là chữ nôm thì là nửa sống nửa chín(…)”
(http://anhbasam.wordpress.com/2012/02/03/685-duong-trung-quoc-gap-go-dau-xuan-nham-thin/)
Chỉ với cái ý “tái là chữ nôm” trong lời trên, đã cho thấy ông DTQuốc chẳng phân biệt được thế nào là chữ Quốc ngữ, thế nào là chữ Nôm. (Chữ “tái” ở đây là viết theo chữ Quốc ngữ đấy ông Quốc ạ, không phải là viết theo chữ Nôm đâu).
Một người còn lầm lẫn giữa chữ Nôm với chữ Quốc ngữ như ông DTQuốc mà lại dự Hội thảo về chữ Quốc ngữ.
Rồi lại còn phát biểu trong Hội thảo: “Tại sao không đưa chữ Hán Nôm vào đời sống, tất nhiên không phải là sự trở lại mà là để gìn giữ văn hóa nước nhà?”
Không hiểu ông ngây thơ thế nào mà lại nghĩ đưa chữ Hán Nôm, có hình thức viết tương tự với chữ Hán, vào đời sống”?
Thiết nghĩ, một người tầm cỡ như ông, lại được cho là uyên bác, mà lại cứ phát... bừa kiểu này thì thật có hại cho khoa học.
Hội thảo này là “đất” của chuyên ngành ngôn ngữ học, thé mà hình như chẳng có nhà ngôn ngữ học nào tham dự?
Thật là không muốn nói vẫn cứ phải nói. Chán!
Hoan hô Trần Trọng Dương, viết rất hay.
Trả lờiXóaMời các nhà nghiên cứu tất cả những gì liên quan đến qua khứ dân tộc hãy đi học cẩn thân về Hán Nôm rồi hãy phát biểu.
Bạn nào phát biểu Bắc Triều Tiên từ bỏ ngôn ngữ chữ viết của mình phải xem lại. Trong 3 nước bị văn hóa Trung Hoa "thôn tính" là Nhật Bản, Việt Nam và Triều Tiên thì chỉ có Triều Tiên là tự thân thoát khỏi ảnh hưởng chữ viết ô vuông của Trung Hoa mà tự sáng tạo cho mình một cách ký âm rất độc đáo không đụng hàng đang sử dụng hiện nay. Nhật Bản thì sao? Lối viết Kanji của họ hiện nay 80% là chữ Hán (Kanji nghĩa là Hán tự); người Nhật và người Trung Hoa có thể qua lối viết này mà "bút đàm" với nhau và hiểu nhau. Romaji của họ cũng như quốc ngữ của ta vậy thôi - vay mượn chữ cái La-tin (Romaji là La mã tự). Việt Nam ta thì sao? Chữ Nôm cũng do "xào nấu" từ chữ Hán - thậm chí còn phức tạp hơn nếu học chữ Nôm thay vì chữ Hán. Chữ quốc ngữ cũng vay mượn!
Trả lờiXóaVấn đề là ta thua xa Triều Tiên. Tại sao không có một minh quân nào trong lịch sử đủ tài để đột phá như vua Cao ly đã sáng tạo cho dân tộc mình một thứ chữ độc đáo dường ấy?
Còn chúng ta cứ ngồi đây tung hô chữ này, khinh bạc từ kia mà không biết tự xấu hỗ khi vốn "văn hóa" có rất nhiều - hàng mấy nghìn năm văn hiến - mà phải đi vay mượn chỗ này chỗ kia đến bây giờ vẫn chưa trả được?
Vậy các ngài nay họp, mai bàn, tốn bao nhiêu tiền của để vinh danh cái gì? Thay vì nghiên cứu cách ký âm mới "made in Việt Nam 100%" hoặc chí ít cũng công nhận di sản hiện có do lịch sử để lại mà phát huy?
Nguy, nguy!!
Tôi chỉ là một người hay đọc sử, và quan tâm nhất là sử Việt nam, trong đó có văn hóa, ngôn ngữ và chữ viết.
Trả lờiXóaTrong bài viết của TTD và các comment đều không đề cập đến chữ viết mà ông giáo già Đỗ Văn Xuyền nghiên cứu và đề cập đến từ hơn 50 năm nay. Trích:"Nghiên cứu, tổng hợp các con chữ được ông Xuyền cho là sử dụng ở thời kỳ Hùng Vương, ông thấy rằng, bộ chữ này không có dấu, gồm 47 chữ cái. Bộ chữ thỏa mãn được 3 tiêu chuẩn kiểm tra ký tự của một dân tộc, được các nhà khoa học quốc tế đề ra. Thứ nhất, bộ chữ ghi lại được đầy đủ tiếng nói của dân tộc. Thứ hai, những đặc điểm của ngôn ngữ dân tộc thể hiện qua các đặc điểm của ký tự đó. Thứ ba, giải quyết được các "nghi án" về ngôn ngữ, ký tự của dân tộc đó trong quá khứ." hết trích.
Việc đưa chữ Hán Nôm vào đời sống nghĩa là thế nào? Quay lại dạy trẻ học chữ Hán hay chữ Nôm chăng? Việc đó chắc còn khó hơn học ngoại ngữ Anh, Pháp...
Vấn đề tôn vinh chữ viết nào chắc còn phải bàn cãi nhiều đây!
chữ Viết cổ nhất tìm thấy ở Việt nam hiện nay là trên mấy qua đồng.
Trả lờiXóaGiáo sư Hà Văn Tấn đã có những nghiên cứu công phu về những chữ viết này.
Kết luận giáo sư đưa ra là:
đây là chữ viết cổ của người bản địa
nhưng hiên giờ chúng ta chưa đủ sức để lý giải hết các chữ viết đó.
Việc đưa chữ Hán chữ Nôm vào đời sống hiện nay là điều không tưởng.
Trả lờiXóaÔng Dương Trung QUốc cũng biết như vậy (trong câu nói của ông).
nên chăng là nhà nước áp dụng chính sách ba ngôn ngữ ba văn tự:
là Việt, Anh, và Trung văn.
Đã có khá nhiều ý tưởng về hệ thống chữ viết riêng của Việt Nam.
Trả lờiXóaví dụ như Nguyễn Trường Tộ, và một số người khác nữa.
Quý vị tìm đọc cuốn Khái luận văn tự học chữ Nôm (nxb Giáo Dục, 2008)
của GS Nguyễn Quang Hồng,
phần phụ lục tác giả giới thiệu khá kỹ.
Cụ Xuyền em đọc lâu rồi các bác ơi!
Trả lờiXóacụ không phải là nhà khoa học,
và sản phẩm của cụ cũng không có gì là khoa học cả.
ôi chữ viết thời Hùng Vương!!!
Bạn nào hoan hô sớm thế,
Trả lờiXóaphải nhìn từ nhiều chiều, chứ đâu chỉ có mỗi Hán Nôm nhà bác.
Ông Dương Trung Quốc có lý, khi ông nhìn rộng hơn ở chủ thể,
Việt Nam không chỉ có tiếng Việt với chữ Nôm và chữ Quốc ngữ,
mà còn nhiều hơn nữa,
Người Thái có tiếng Thái chữ Thái
Người tày có tiếng Tày, chữ Nôm Tày,
Người Chăm có tiếng Chăm và chữ Chăm,
cái bia Võ Cạnh có chữ Chăm cổ từ thế kỷ thứ 2 cơ mà.
Hay là đề cử chữ Chăm nhỉ?
@ Đồng Bào ơi, bạn đừng để bọn Tàu nó lừa.
Trả lờiXóachữ nòng nọc không phải chữ của ta đâu, chữ của Tàu đấy,
bên Tầu nó gọi là chữ "khoa đẩu' (con nòng nọc).
Thôi xin các bác! Các bác yêu chữ Nôm thì xin mời các bác cứ học, cứ nghiên cứu. Nhưng xin các bác đừng bắt chúng cháu học phổ cập chữ Nôm vì nó rất khó học và gây rất tốn kém. Việc bắc 1 cây cầu với quá khứ dân tộc xin nhường cho các nhà nghiên cứu- 1 số nhỏ thôi - và đó là việc rất tốt. Hãy để cho các cháu học các thứ ngôn ngữ và chữ phổ biến và dễ học nhất sẽ tốt hơn cho các cháu.
Trả lờiXóaTôi thấy cái thứ chữ mà tôi đang gõ - mà các vị đang đọc đây là thứ chữ dễ học dễ phổ cập sẽ rất tốt cho chúng ta cho con cháu chúng ta và tôi cảm thấy mang ơn những người đã sáng tạo ra chúng bất kể đó là người Việt hay người ngoại quốc!
Chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ mới là thuần Việt?
Trả lờiXóaKhông nên đặt ra câu hỏi này bởi vì yêu cầu từng thời kỳ khác nhau và quá trình lịch sử đã xảy ra theo qui luật tự nhiên không bị áp đặt và rõ ràng là chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ đều thuần Việt.
1.Muốn rành rẽ vấn đề, tôi đề nghị hãy tái lập tộc danh KINH mà trước đây đã dùng trong khai lí lịch cán bộ, không đổi sang VIỆT như sau năm 1976. Cái tộc danh Việt gây ra bao nhiêu là rắc rối, sai lầm trong tư duy khoa học. Nó là thành quả của chủ nghĩa sô vanh. Nếu dùng Việt thì hoặc để chỉ quốc hiệu, hoặc nói đến cư dân Bách Việt cổ, gồm các tộc người khác nhau phía nam sông Dương Tử. Khái niệm có chính xác thì tư duy mới mạch lạc được.
Trả lờiXóa2. Chữ Nôm như ta vẫn hiểu là dùng tự hình chữ Hán để ghi âm tiếng Kinh (tộc người chủ thể của Đại Việt trước đây và Việt Nam sau này). Còn ghi tiếng Tày hay tiếng Choang thì đành gọi là Nôm Tày, Nôm Choang...
3. Chữ khoa đẩu được ghi trong từ thư thời Đông Hán nói về một thứ chữ của cư dân phương Nam thời Đào Đường, nghĩa là cách thời Đông Hán mấy ngàn năm. Khi đó chắc chắn chưa có người Kinh (tộc người = ethnie là một phạm trù lịch sử). Ông Vương Duy Trinh đầu thế kỉ 20, ông Đỗ Văn Xuyền cuối 20 đầu tk 21 nhầm nhọt lung tung rồi đi tìm loạn xạ.
4. Ông Hà Văn Tấn tìm được 28 dấu hiệu kí tự. Nay khoa học (Nga) trưng ra gần 100 dấu hiệu kí tự. Xem đó thì thấy cư dân phương nam (khác Kinh) đã hướng đến một ít dạng kí tự thô sơ để chỉ vật, chưa là kí tự hoàn chỉnh tồn tại có ngữ pháp trong văn bản. Loại này bị mất khi Hán tự tràn xuống. (Trùm ma túy Tây Bắc Giồng Sếnh, không biết chữ quốc ngữ cũng nghĩ ra dấu hiệu kí tự để nhớ tiền và vật).
5. Dùng từ "thuần Việt" trong bài báo là của phóng viên. Không bắt phóng viên phải là nhà khoa học. Thông cảm cho chúng. Cũng không bắt bẻ ông Quốc, ông Ân mần chi vì họ cũng gà mờ trong chuyện này.
6. Người viết được như ông Trần Trọng Dương (và nhanh) về vấn đề này ở nước ta là cực hiếm. Bố thằng cò cũng đã đọc bài báo hôm 18/2, ngứa tay định gõ nhưng ước lượng 1 tuần mới xong.
Bài viết của TS Trần Trọng Dương cho người đọc cảm giác tác giả mong muốn một sự phục hưng chữ Nôm. Các loại chữ viết trên thế giới đều là các đóng góp trí tuệ của nhân loại, việc đặt ra ranh giới cho khái niệm "thuần Việt" như vậy mang tính sô vanh văn hóa và không cần thiết. các vấn đề học thuật ở lĩnh vực Chữ viết cần có sự tinh tế và công bằng hơn. Nếu vô tình hoặc cố ý, bài viết sẽ thiếu tính thuyết phục vì có vẻ muốn tôn vinh chữ Nôm (tốt thôi) và "hạ bệ" chữ quốc ngữ vì dính đến phương tây, dính đến một tôn giáo như cách viết của tác giả hình như có vẻ "lạc loài" (tuy đó là vấn đề lịch sử và có đến 10% dân số Việt theo tôn giáo này)cũng như muốn nói gì thì nói chữ quốc ngữ sẽ tồn tại vượt qua cái mốc 7,8 trăm năm của chữ Nôm. Chúng ta yêu quý vốn cổ nhưng không nên bài xích văn hóa ngoài Việt nam. Nên có cái nhìn mang tính Nhân loại hơn là cách nhìn nhận vấn đề nặng tính địa lý vùng miền. Dù sao xin cảm ơn tác giả về bài viết với nhiều cố gắng sưu tra công phu.
Trả lờiXóaNói rằng không có nhà ngôn ngữ học nào tham dự hội thảo là không đúng. Hôm đó, ít nhất có 2 thành viên của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam dự là TS Phạm Văn Tình - Uỷ viên BCH Hội và TS Đào Hồng Thu - Trưởng ban Kiểm tra của Hội. Và cũng nhân dịp đó, Thể thao & Văn hoá đã phỏng vấn TS Phạm Văn Tình
Trả lờiXóahttp://www.thethaovanhoa.vn/133N20120217094854330T0/nen-mo-rong-ngay-chu-quoc-ngu-thanh-ngay-ngon-ngu-dan-toc.htm
Chỉ tiếc là các lãnh đạo cao cấp của Viện Ngôn ngữ, Hội Ngôn ngữ và Khoa Ngôn ngữ đã không hiện diện.
1. Cần định nghiã hai chữ "Thuần Việt". Ngay cả hai màu trắng, đen do mắt thường ta nhìn thấy, chưa chắc đã là những màu thuần trắng hay thuần đen!!
Trả lờiXóa2. Theo nhận xét riêng cá nhân tôi thì nội dung bài viết chưa cập nhật những phát hiện mới về chữ Nguyên Nho (tức là chữ Nho nguyên thủy), chữ Nôm và chữ Quốc Ngữ abc... Xin đề nghị đọc thêm những bài viết mới của các học giả Đỗ Thành, Lý Nhĩ Chân, Hà Văn Thùy, Trần Đại sỹ, fanzung... và suy nghĩ thêm... Hãy chờ đợi, trước khi kết luận: chữ Nho của ai? Chữ Nôm của ai? "Vay mượn" của ai? "Chữ ta mà ta không biết"!
3. Đừng quên rằng khi tạo ra chữ Quốc Ngữ abc, không ít thì nhiều, chắc chắn phải có sự cộng tác của người Việt (kể cả người có đạo và người không có đạo Thiên Chúa).
4. Xin hãy đọc kỹ thêm bài "Ai bức tử chữ Hán, chữ Nôm?" Vũ Thế Khôi, dẫn trong bài.
5. Ít người chú ý đến số trang "đồ sộ" của các văn bản Công Giáo bằng chữ Nho, chữ Nôm... Tại sao? Có lẽ cần có sự "bao dung" ?? để công nhận đây cũng là kho tàng Hán Nôm quan trọng như kho tàng Hán Nôm trong đình chùa miếu mạo, trong các tác phẩm Văn Học Cổ? Công nhận hay không công nhận, nó vẫn tồn tại trong kho tàng Văn Học VN!
6. Cả ba thứ chữ Nho - Nôm- Quốc Ngữ abc đều cần có nhau, bổ túc cho nhau.
Viết chữ Quốc Ngữ abc như hiện nay mà thiếu kiến thức Nho Nôm thì dễ vấp sai phạm...