Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Trang Thanh Hiền: GIẢI MÃ HÌNH RỒNG CÓ ĐÔI TAY PHỤ NỮ Ở ĐỀN VUA ĐINH


Giải mã hình rồng có đôi tay phụ nữ ở đền vua Đinh
Trang Thanh Hiền

TP - Những con rồng có bàn tay phụ nữ ở đền vua Đinh là trường hợp hy hữu, không nói là có một không hai. Từ những ẩn ngữ được các nhà chạm khắc dân gian tạo tác nên, chúng ta lại có dịp soi chiếu lại lịch sử về các vị vua tiền triều.

Phát hiện mới này đang gây xôn xao giới nghiên cứu. Sau đây là bài viết của nhà nghiên cứu mỹ thuật Trang Thanh Hiền (Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội) kiến giải biểu tượng rồng có đôi tay phụ nữ này. 

Như chúng ta biết triều đại nhà Đinh, Tiền Lê chỉ tồn tại ngắn ngủi trong lịch sử có vỏn vẹn 42 năm, tuy nhiên đây lại là triều đại có rất nhiều biến cố, thậm chí cả những nghi án cung đình, mà hiện nay các nhà sử học vẫn còn chưa thống nhất quan điểm.

Đây cũng là triều đại hiếm hoi trong lịch sử Việt Nam mà một bà hoàng đã làm hậu hai ông vua, Đinh Tiên Hoàng và Lê Hoàn. Chính bộ ba này đã tạo nên những mắt xích quan trọng trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của nhà nước phong kiến tập quyền thống nhất đầu tiên ở nước ta. 

Ngoài ra trong lịch sử xây dựng và trung tu đền vua Đinh và vua Lê này, việc thay đổi vị trí thờ tự và đặt tượng của các vị quân vương và bà hoàng Thái hậu Dương Vân Nga đã từng tạo nên những câu chuyện thú vị trên chính các kiến trúc và chạm khắc của khu đền này. 

Như hình tượng phượng đã được rút khỏi các chạm khắc đá chân tảng ở đền vua Đinh khi đền này được trùng tu vào thế kỷ XIX, cũng là khi bà Dương Vân Nga đã được tách ra thờ ở đền vua Lê cách đó 500m. 

Theo một số nhà nghiên cứu lịch sử, thì trước kia, Đinh Tiên Hoàng và Lê Hoàn đã từng được phối thờ ngồi chung một tòa với Dương hậu ở đền vua Đinh hiện nay. Đến thời Hậu Lê, dưới con mắt của các nhà Nho, cho đây là trái đạo nên bỏ đi. 

Theo những điều ghi nhận trên các bia còn được lưu giữ ở đền vua Đinh thì năm Hoằng Định 9 (1608), Bình An Vương Trịnh Tùng cho trùng tu lại đền vua Lê, sau đó năm Hoằng Định 12 (1611), sửa lại tượng và rước hoàng hậu và Lê Hoàn về đền vua Lê cùng với Lê Ngọa triều. Năm Chính Hòa 17 (1689) trùng tu đền vua Đinh.

Có thể lần trùng tu này đã hoàn thiện những kiến trúc gỗ ở đền vua Đinh và lặp lại giống hệt với các thức kiến trúc đền vua Lê dựng năm 1611 trước đó. Không chỉ điều này, quan sát mô hình kiến trúc cũng như kết cấu của hai đền, chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận ra sự giống hệt nhau về kiểu thức bố cục. 


Trở lại với những sập đá có chạm hình rồng ở đền vua Đinh, một được đặt trước tam quan ngoại và một được đặt trước bái đường. Vị trí này cũng được lặp lại y hệt ở đền vua Lê nhưng với hai chiếc sập không có chạm. 

Như vậy rất có thể hai chiếc sập đá chạm rồng này đã có ở đền Đinh ngày nay trước khi tượng Dương Vân Nga và Lê Hoàn được đưa về thờ trong đền vua Lê. 

Điều này cũng có nghĩa chúng thuộc về đền thờ các bậc vua tiền triều và bà Thái hậu Dương Vân Nga trước khi di tích này được tách làm hai nơi. Giả thuyết này có những nhân tố hợp lý, bởi sập rồng vốn là sản phẩm của nền văn hóa phong kiến và là vật biểu tượng cho vua. Do có hai vị vua được phối thờ nên ắt hẳn phải có 2 chiếc sập rồng. 

Đây cũng là mấu chốt giải thích cho những đôi tay phụ nữ trên những con rồng mang biểu tượng vua này. Phải chăng vai trò lịch sử của bà Dương Vân Nga đã được thể hiện ra rất rõ ở đây.

Xét trên phong cách tạo hình, những chiếc sập này tuy có nhiều điểm tương đồng, nhưng cũng không ít những dị biệt. Cùng là con rồng cuộn khúc trong một đồ án gần vuông, biểu tượng cho sự khát khao về quyền lực tập trung và sự hài hòa giữa vương quyền với thần quyền. 

Con rồng ở sập ngoài có ba tay đầy chất nữ tính và một chân. Có thể chiếc sập này có niên đại sớm hơn bởi các nét chạm khắc ít nhiều mềm mại uyển chuyển hơn. 

Con rồng ở sập trong cũng có ba tay và một chân nhưng những cái tay lại có phần nhỏ nhắn hơn chiếc sập kể trên. Một vài hình ảnh rồng, thú, chạm ở mặt tiền cảnh của sập này cũng cho thấy phong cách thuộc niên đại muộn hơn. 

Trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam, người ta có thể bắt gặp vô số những hình tượng tiên cưỡi rồng, nắm râu, nắm bờm rồng trên các chạm khắc đá, gỗ ở đình làng, nhưng trường hợp những con rồng có bàn tay phụ nữ như thế này lại là trường hợp hy hữu, không nói là đặc biệt chỉ có ở đền vua Đinh. 

Lý giải về điều này một số nhà nghiên cứu cho rằng đây là do sự ảnh của văn hóa Chăm trong việc nhân cách hóa hình tượng nghệ thuật. Tuy nhiên chúng tôi lại cho rằng không phải ngẫu nhiên mà ảnh hưởng của Chăm lại hiện diện ở đây mà không có ý nghĩa.

 Bởi lẽ trên chiếc sập đá đặt trước đền thờ các vị vua tiền triều khi đưa những mô típ này vào ắt phải có những dụng ý nhất định. Vậy phải chăng với những chiếc tay rồng trên hai chiếc sập này phải có những cách giải thích khác? 

Và cách giải thích đơn giản nhất đồng thời cũng tương đồng với việc phối thờ chung hai ông vua và một bà hoàng vào cùng một khu đền, thì những đôi tay rất nữ tính này của con rồng chính là ẩn ngữ để nói về một bà vương hậu lấy hai đời vua, mà giữ yên xã tắc. 

Quan sát kỹ hơn ta còn phát hiện ra có nhiều điểm thú vị, như đôi tay ở phía thân được đặt song song nhau, một tay nắm sừng, một nắm xoắn hai búi bờm rồng lại với nhau, như thể sự hậu thuẫn của bà Thái Hậu sau lưng hai ông vua để điều hòa mối cương thường của đất nước. Đó cũng là sự ghi nhận của thái độ lịch sử với vai trò của Hoàng Thái Hậu Dương Vân Nga “một vai gánh vác cả đôi sơn hà” bằng một hình tượng nghệ thuật có phần ý tứ. 

Ngoài ra trên cả hai bộ sập này, người ta còn nhìn thấy một bàn tay khác đang vuốt một chiếc râu rồng mà cùng đôi với nó lẽ ra là một bàn tay thì lại là một cái chân với đầy đủ năm móng vuốt theo đúng qui cách tượng trưng cho quyền lực của vua. 

Lý giải điều này sẽ ít nhiều khó khăn, bởi theo lẽ thông thường, khi nhân cách hóa con vật, người ta thường tạo nên sự đăng đối, tức nếu là tay sẽ là hai đôi tay, hay hai đôi chân, trong khi những hình ảnh nhìn thấy ở đây lại hoàn toàn thiếu đi tính cân bằng đó. 

Phải chăng chiếc tay vuốt râu rồng được đặt ở một vị trí rất khiêm tốn trên hai chiếc sập này còn mang một ẩn ý khác ứng với truyền thuyết về việc bà hoàng hậu Dương Vân Nga đã từng lấy Ngô Xương Văn (con trai của Ngô Quyền) và sinh ra Ngô Nhật Khánh trước khi làm vợ của Đinh Tiên Hoàng. 

Mặc dù xung quanh câu chuyện này còn có rất nhiều nghi vấn, nhưng khi làm hai chiếc sập đá này, dân gian có thể đã cố tình đưa chúng vào như thể một sự ngẫu nhiên nhưng lại mang những hàm nghĩa rất rõ ràng về lịch sử.

Gần đây, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế có phát hiện ra hình tượng rồng có đôi tay vũ nữ trên hai chiếc sập đá đền thờ vua Đinh ở cố đô Hoa Lư, Gia Viễn, Ninh Bình. Bản dập của những chiếc sập này hiện đang được triển lãm tại Trung tâm Việt Art centre (từ ngày 3-12/4).

Trang Thanh Hiền

15 nhận xét :

  1. Cảm ơn Trang Thanh Hiền - một bài viết với những thông tin thú vị.

    Trả lờiXóa
  2. 1- Ngày nay khi đọc lịch sử VN thấy nhiều điều đuộc các sử gia suy diễn tâng bốc mang đậm nét bản chất " khoa trương", " nổ ", " bốc phét ", nói quá sự thật thiên về anh hùng ca " tự sướng " đến mức rồ dại của người Việt
    2- Trước đây khi trên các phương tiện truyền thông đại chúng rầm rộ đưa tin về nhân vật có tên là Dương vân Nga thời nhà Đinh Tiên Hoàng tôi cứ ngỡ ngàng mãi, coi lại hóa ra là Dương thị vợ Đinh Tiên Hoàng:
    Tên em là Nguyễn Thị Tèo
    Quanh năm chỉ biết băm bèo thái khoai
    Mấy năm lao động nước ngoài
    Đổi tên là Nguyễn Tuyết Mai mơ màng

    Trả lờiXóa
  3. Đề nghị bác Diện cho đăng bài này để rộng đường dư luận :
    GS Ngô Bảo Châu 'tự mâu thuẫn'?

    Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã tham gia phản biện nhiều vấn đề xã hội trong nước
    Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, đồng chủ trì một trang mạng phản biện của giới trí thức Việt Nam, trang Bấm Bauxite Việt Nam, nói với BBC rằng Giáo sư Ngô Bảo Châu đã "tự mâu thuẫn" khi bàn về vai trò phản biện của trí thức trong một phỏng vấn đăng ở Việt Nam gần đây.
    http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/01/120123_vn_intelligentsia_huechi.shtml

    Trả lờiXóa
  4. Đúng là chưa thấy bao giờ. Cảm ơn tác giả phân tích.

    Trả lờiXóa
  5. Xin có đôi lời, Cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên huyện Gia Khánh và nay huyện Gia Khánh là huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình, Đền thờ Vua Đinh thuộc Hoa Lư, chứ không Gia Viễn.Không biết tác giả có nhầm lẫn gì chăng?

    Trả lờiXóa
  6. Nhìn hình ảnh thì chỉ thấy "vặn râu", "cắm sừng" thôi! Có nhất thiết phải gắn thành tích giữ nước của trăm họ với một người phụ nữ "thờ" dến 3 đời chồng như vậy không? E rằng giải thích có phần khiên cưỡng!!

    Trả lờiXóa
  7. Quả là càng học về văn hóa cổ Việt Nam càng thấy thích! Kỳ lạ và kỳ diệu quá chừng!

    Tết này bác Diện và phu nhân "đãi" độc giả một Giai Phẩm Xuân tuyệt vời! Quá đã luôn! hi hi.

    Trả lờiXóa
  8. Mời Bác Diện và chư vị đọc thông điệp Liên Bang đang dịch tại đây
    http://gocsan.blogspot.com/2012/01/2012-state-of-union-address-thong-iep.html

    Trả lờiXóa
  9. Thưa nữ sĩ Trang Thanh Hiền
    Con rồng mà bị nắm 2 lỗ tai thì chỉ còn là con rồng điếc
    Nói rộng ra, nhà lãnh đạo nào mà để đàn bà xen vào quyết định của mình là...thua
    Chỉ trừ trường hợp người đàn bà đó đã chứng minh được khả năng lãnh đạo
    Tôi không khoái biểu tượng Rồng
    Vì nó không có thuộc tính "đồng bào"

    TH

    Trả lờiXóa
  10. mã giải cho bức họa trên nằm ở con mắt thứ 3 của rồng. mọi giả kiến của TTH có phần võ đoán và sự kiến giải gượng ép, con mắt thứ 3 đã nói nên tất cả, 3 tay phụ nữ trên mình rồng tuy là đặc biệt, nhưng nghệ nhân dân gian đã kiến giải tường tận qua biểu tượng con mắt thứ 3 với ánh nhìn thẳng, trực diện. mong TTH nghiên cứu kỹ.

    Trả lờiXóa
  11. Xét cho cùng thì vì là có bàn tay phụ nữ nhúng sau lưng cầm sừng, ghị râu, xoắn bờm rồng như thế, chân còn lại của rồng trước mặt thì đã có con sư tử hùng hổ dám giơ cái chân trước lên dấu móng vuốt như thế, xung quanh bốn góc có xích sắt khép rồng co cụm lại thì thử hỏi rồng nào mà vẫy vùng được nữa. Hỏi sao mà ba đời vua đều yểu mệnh và chế độ duy trì quá ngắn ngủi. Đúng là đàn ông thua trí đàn bà, nhất là người đàn bà đẹp lại càng nguy hiểm hơn.

    Đồng Bào.

    Trả lờiXóa
  12. Hi hi, kính các bác độc giả có nhận xét hơi... phản biện (xin tạm gọi thế) trên đây: Với tôi thì chính phản ứng của các bác cũng là một trong những yếu tố, vừa thú vị vừa giá trị, góp phần vào việc tìm hiểu sợi dây tinh thần xuyên suốt nào nằm tiềm ẩn bên dưới các di tích cổ mà tiền nhân để lại.

    Chúng ta cứ việc hồn nhiên phản ứng bằng tất cả cái... "tâm lý hiện đại" của chúng ta, ví dụ cái nhìn của chúng ta về vai trò nữ giới trong chính trường. Đó mới là bước một. Bước kế tiếp, chúng ta còn phải phản tỉnh tí để tự hỏi xem tại sao ngày nay chúng ta phản ứng như thế, và liệu tiên tổ ta xưa có cùng quan niệm như chúng ta về vai trò nữ giới không? Nếu có sự khác biệt nào, thì cái khác biệt đó do đâu mà có?

    Đó mới là một ví dụ thôi, chứ còn biết bao câu hỏi khác mà theo thiển ý, chúng ta khoan vội hài lòng với những hiểu biết của chúng ta hiện giờ. Biểu tượng Rồng chẳng hạn: đã chắc gì tiên tổ của chúng ta, qua từng thời đại, đã quan niệm về Rồng giống hệt chúng ta ngày nay?

    Nhận xét của bác ẩn danh về "con mắt thứ ba" thực đáng chú ý. Nhưng liệu đây có quả đúng là mắt không nhỉ? Nếu đúng thì có phải chỉ có ba mắt, nhỡ bốn thì sao? Tôi nghĩ cần phải truy tìm thêm nhiều tư liệu khác nữa để đối chiếu.

    Bao nhiêu năm (thậm chí bao nhiêu thế kỷ) chiến tranh loạn lạc, vật đổi sao dời, tôi e rằng khoa Việt Nam học của chúng ta còn phải cố gắng thật nhiều nữa mới mong có được một bức tranh toàn cảnh tương đối đầy đủ để có thể có một kết luận khả dĩ thuyết phục. Chúng ta vẫn còn đang trên con đường, rất vất vả và gai chông, tìm lại khuôn mặt tinh ròng của Hồn Việt Nam xưa cũ. Điều làm tôi thấy rất vui, là càng ngày càng có thêm nhiều học giả Việt Nam dấn thân vào con đường tìm hiểu cội nguồn văn hóa dân tộc, nhất là những nhà nghiên cứu trẻ. Con đường của chúng ta còn rất dài!

    Trả lờiXóa
  13. Bài viết này rất thú vị!
    Qua bài viết và đặc biệt qua bức tranh tôi thấy như sau. Ba bàn tay phụ nhìn khá giống nhau và tương đồng với bàn tay trên bức tượng. Tay thứ nhât túm râu là hình ảnh với Xương Văn, con của Ngô Vương, một trong các xứ quân sau này bị Đinh Tiên Hoàng dẹp. Tay thứ hai vặn râu là hình ảnh với người chồng già Đinh Bộ Lĩnh, bị thao túng, như chuyện đưa con nhỏ 6 tuổi lên làm vua, hay địa danh ngày nay là Bến Vân Sàng, tương truyền là nơi Vân Nga đặt giường chờ Lê Hoàn, khi Đinh Tiên Hoàng đã lẫn cẫn. Cái này phải nhờ TS. Diện khảo cứu rõ hơn, vì có ý kiến cho rằng, câu chuyện tình đẹp với hai vua chỉ là câu chuyện mới trong một vở chèo, chứ chính sử không ca ngợi việc này. Tay thứ ba cho thấy vũ dũng như Lê Hoàn cũng có thể bị thao túng. Hình ảnh chạm khắc là câu chuyện lịch sử mà người thợ xưa muốn ghi chép để gửi lại cho hậu thế. Chúc quí vị năm mới an lạc!

    Trả lờiXóa
  14. Một bài viết có tính lịch sử và học thuật mà không thấy tác giả cung cấp nguồn trích dẫn. Tại sao tác giả không nêu đích danh tác giả nào viết, viết ở đâu... mag chỉ nói cách chung chung "theo một số nhà nghiên cứu"?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thưa bác, ý kiến của bác rất xác đáng.
      Song mong bác hiểu giùm, đây là bài đăng trên báo TIỀN PHONG nên những chú thích và nguồn dẫn phải lược bỏ đi cả, vì báo in hàng ngày không thể đăng tải được các chú thích.

      Kính thư
      Lâm Khang

      Xóa