Hai ngôi đình cổ Hà Nội trở thành di tích quốc gia | |
Đình Kim Ngân, 42 Hàng Bạc và đình Tú Thị số 2 Yên Thái vừa được
Bộ VH - TT và DL công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Đây là hai công trình có giá trị kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu mang
dấu ấn làng nghề, phố nghề của khu phố cổ Hà Nội.
|
|
Dấu ấn làng nghề trong phố cổ
Phố cổ Hà Nội thu hút du khách bởi
những thứ còn sót lại của làng nghề, phố nghề cách đây hàng trăm năm.
Điều đó được lưu dấu rõ nét ở những đình cổ thờ ông tổ nghề. Đánh giá về
kiến trúc của đình Kim Ngân, GS Trần Lâm Biền cho rằng, ở đây in dấu ấn
đậm nét của nhiều họa tiết chạm khắc tinh xảo. Kiến trúc ấy do bàn tay
khéo léo của những người thợ mộc, thợ nề cùng với thợ kim hoàn tạo nên,
mà ta khó tìm thấy sự hội tụ đó ở các di tích khác. Lịch sử còn ghi,
Đình Kim Ngân là công trình kiến trúc tín ngưỡng cổ được xây dựng từ
thời Hậu Lê. Đình do người dân Châu Khê tụ cư tại phố Hàng Bạc khởi dựng
để thờ ông Tổ Bách Nghệ - ông Tổ sinh ra toàn nghề chứ không phải thờ
người đã mang "đặc ân” nghề nghiệp đến cho dân làng Châu Khê. Các giá
trị đích thực mà di tích đình Kim Ngân còn bảo lưu được đó là các giá
trị về mặt kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, tồn tại phát triển của một
nghề ở Hà Nội. Đình có diện tích 575m2, có kiến trúc cơ bản gồm: Nghi
môn, sân, tiền tế hậu cung kiến trúc theo kiểu chữ "công”, đại đình 3
gian, hậu cung 3 gian được nâng lên trên cao và là hậu cung kép, có sàn
thờ và hệ thống vách ngăn riêng biệt, nối giữa hậu cung và tiền tế là
ống muống theo kiểu kiến trúc 2 tầng mái, mái trên liên kết với tiền tế,
mái dưới tạo không gian hở của hai bên.
Bên cạnh đó, đình Tú Thị là nơi thờ
ông Tổ sư nghề thêu, Tiến sĩ Lê Công Hành. Phần lớn thợ thêu là người
làng Quất Động, huyện Thường Tín về Hà Nội sinh sống và mở các cửa hàng ở
phố Hàng Trống. Không ai rõ niên đại chính xác xây đình, nhưng văn bia
còn lại ở hậu cung ghi, lần trùng tu đình lần thứ nhất vào năm Thành
Thái 3 (1891). Đình xây ba lớp hình chữ Tam, các nếp kiến trúc do trùng
tu nhiều lần nên pha tạp, vật liệu không đồng nhất. Ngoài cùng là 3 gian
nhà cỏ, rồi đến sân, 3 gian bái đường và hậu cung, nghệ thuật trang trí
lồng đèn, rồng chầu mặt nguyệt, chữ Thọ. Các di vật đồ gỗ đều sơn son
thếp vàng gồm hoành phi, câu đối, ngai, hòm sắc, ống… chuông đồng, 2 bia
đá ghi tên những người công đức sửa đình dựng ở hai bên sân. Đặc biệt
có 1 hòm sắt để một số đồ thêu rất quý, 1 đôi câu đối bằng vải thêu chữ
nền nhung đen viền kim tuyến… Cho đến nay, nghề vàng bạc vẫn cứ thịnh
vượng trên con phố Hàng Bạc, và nghề thêu tuy có bị mai một, nhưng những
cửa hàng bán sản phẩm thêu tay vẫn còn trên phố Hàng Trống hay một vài
con phố khác. Và những thợ thêu khởi nguồn từ làng Quất Động luôn chinh
phục được khách mua hàng với đường thêu tinh tế, mềm mại, có hồn, khẳng
định một nghề truyền thống tồn tại trong lòng phố cổ từ nhiều thế kỷ.
Một tiềm năng du lịch ngủ quên
Không chỉ có giá trị về mặt lịch
sử, kiến trúc, đình Kim Ngân và Tú Thị còn là những địa chỉ văn hóa thú
vị cho khách du lịch khi tới Hà Nội. Khi mà tốc độ đô thị hóa tới mức
chóng mặt như hiện nay thì phố nghề, làng nghề Hà Nội còn lại được xem
là của hiếm. 36 phố nghề, giờ chỉ còn vài con phố giữ được nghề truyền
thống. Như vậy, việc cấp bằng di tích quốc gia cho 2 đình cổ Hà Nội như
là một sự khẳng định làng nghề, phố nghề là di sản quý giá của phố cổ.
Rất khó có thể khôi phục được phố nghề như trước đây. Vì vậy, những hoạt
động văn hóa ở những ngôi đình cổ như là một sự hoài niệm của người Hà
Nội, và với khách du lịch thì đó là những trải nghiệm.
Đặc biệt trong không gian rộng ở
đình Kim Ngân, một địa chỉ ca trù mà người Hà Nội và du khách trong và
ngoài nước thường lui tới vào mỗi dịp cuối tuần. Đình cũng là nơi các
nghệ nhân thể hiện nghệ thuật sắp đặt qua các sản phẩm của nhiều làng
nghề Hà Nội như: nghề Nón làng Chuông, nghề Quạt Chàng Sơn, sắp đặt
không gian trung thu cổ với hướng dẫn làm đèn ông sao, tàu thủy, tiến sĩ
giấy, đèn kéo quân… những trò chơi đậm chất dân gian. Kế đó, một hoạt
động đặc sắc khiến khách du lịch mê mẩn đó là các nghệ nhân của phố Hàng
Bạc tới đình Kim Ngân trình diễn nghề làm vàng bạc. Nhiều hướng dẫn
viên du lịch lấy làm tiếc khi "màn” trình diễn của nghệ nhân đầy sức thu
hút khách nước ngoài, nhất là ở tour phố cổ, nhu cầu khách xem các nghệ
nhân trình diễn là rất lớn nhưng lại ít được ngành du lịch để ý.
Văn bia trong Đình Kim Ngân
Thêm nữa, một con số gây bất ngờ,
trong phố cổ hiện có khoảng 50 đình thờ tổ nghề. Tuy nhiên, phần đông du
khách mới chỉ biết tới đình Đồng Lạc 38 Hàng Đào (đình chợ bán yếm
lụa), đình Kim Ngân và đình Tú Thị. Những ngôi đình còn lại lẩn khuất
trong những khu dân cư, đường vào rất khó khăn hoặc nhiều ngôi đình bị
người dân chiếm dụng làm chỗ ở từ nhiều năm nay.
Và việc cấp bằng di tích quốc gia
cho 2 đình cổ Hà Nội cũng góp phần nuôi hy vọng cho tour phố nghề làng
nghề - bản sắc của Hà Nội.
Tuấn Kiệt
Nguồn: Đại Đoàn Kết
|
Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012
HAI NGÔI ĐÌNH THỜ TỔ NGHỀ Ở HÀ NỘI VỪA ĐƯỢC XẾP HẠNG
Nhãn:
Báo Đại Đoàn Kết
,
Di sản
,
Hà Nội
,
Làng nghề - Phố nghề
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét