Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

Nguyễn Thị Từ Huy: TÂM VÀ TÀI

TÂM VÀ TÀI
Nguyễn Thị Từ Huy
“… không phải người Việt Nam không đủ tài để nhận ra hậu quả, không phải không đủ tài để đề xuất các giải pháp. Nhưng các giải pháp được lựa chọn, các quyết định được đưa ra, không phải xuất phát từ chữ Tâm. Do đó mà cái tài cũng bị triệt tiêu, bất chấp những nỗ lực tuyệt vọng của một số người.”
Cuối năm là thời điểm người ta nghĩ nhiều về tương lai. Vì năm mới thường mang theo những viễn tưởng về cuộc sống ở phía trước, về những gì mới mẻ và tốt đẹp. Tôi cũng không thoát khỏi tâm trạng chung đó. Và tôi thấy tương lai phụ thuộc vào hai chữ mà dường như Nguyễn Du đã đặt cạnh nhau trong thế đối lập: Tâm/Tài, trong câu thơ mà có lẽ tất cả những ai đã trải qua ghế nhà trường, và thậm chí không đến trường, cũng đều biết: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Tuy nhiên, hai chữ đó có thực sự là bị đặt vào thế đối lập không ?

Trước hết cần ý thức được rằng, trong một thế giới rất phát triển như thế giới của chúng ta ở thời điểm hiện nay, nếu chúng ta không có tài, tức là không có các năng lực trí tuệ, không có khả năng vươn tới sự bình đẳng với các nước khác, thì chắc chắn tương lai sẽ chẳng có gì đảm bảo. Vậy trong thế giới ngày nay cái tâm có ít quan trọng hơn cái tài không?

Trong câu thơ Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài, ý tưởng của Nguyễn Du khá rõ ràng: cần phải hiểu rằng cái tâm quan trọng hơn cái tài.

Tôi lấy một ví dụ ở lĩnh vực giáo dục để nói rằng nếu thiếu cái tâm thì cái tài cũng chẳng thể giúp người giáo viên thực hiện được trách nhiệm giáo dục.

Làm sao người thầy còn thực hiện được chức năng giáo dục khi bản thân ông ta không hành động đúng theo các “mệnh lệnh”1 của đạo đức? Một giáo sư gây khó dễ để buộc sinh viên phải mang tiền đến nhà mình rồi mới chịu đọc luận án của người sinh viên, cái luận án do chính mình hướng dẫn, thật khó hình dung giáo sư đó sẽ thực hiện bổn phận giáo dục của người giáo viên như thế nào, cho dù rằng trên lớp hay thậm chí trong những đối thoại hằng ngày ông ấy có ý thức dùng bài giảng hay những câu chuyện với mục đích giáo dục sinh viên. Hay thậm chí cả khi ông ấy lên án các hiện tượng cần phê phán trong xã hội, thì đối với những sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh mà ông đã nhận tiền, những lời phê phán ấy có giá trị ra sao ? Thậm chí nữa, cả khi ông ấy ca ngợi những điều tốt đẹp thì liệu những điều tốt đẹp ấy có bị sinh viên phán xét lại qua cái lăng kính nơi phản chiếu hành vi nhận tiền của ông, hay là họ dẹp những điều tốt đẹp ấy sang một bên, hay họ xem đó như là những món đồ trang sức ? Hay họ không còn có phản ứng gì nữa ? Họ tiếp tục nghe những điều tốt đẹp và tiếp tục đem tiền đến nhà thầy để cảm ơn thầy đã nói với họ những điều tốt đẹp ấy, và hơn thế, còn cho họ những con điểm đẹp.  Rồi đến lượt họ, họ sẽ nhận phong bì của học trò để lại tiếp tục rao giảng những điều tốt đẹp và lên án những điều xấu xa. Đây chính là tình huống tệ nhất. Các hành vi phản giáo dục của người thầy đã lãnh trọn hậu quả của chúng, đã thực thi những hiệu lực tồi tệ của chúng, cho dù ông có nói giỏi bao nhiêu chăng nữa. Nói giỏi là cái tài của người giáo viên, nhưng cái tâm thể hiện ở hành động nhận hối lộ từ học trò của ông ấy.

Tuy nhiên, hai chữ Tâm và Tài của Nguyễn Du có thể được diễn giải theo một cách khác. Có lẽ cần phải hiểu rằng chính cái tâm quyết định cái tài có phát triển được hay không. Cái tài sẽ không phát huy hiệu lực của nó khi không có cái tâm.

Nếu hiểu cái tâm tách biệt khỏi cái tài và quan trọng hơn cái tài, thì có thể giả định tình huống: nghèo cũng được, khủng hoảng cũng được nhưng chỉ cần giữ cái tâm là được. Nếu hiểu cái tâm quyết định cái tài, thì có thể giả định tình huống: sự nghèo hèn trên diện rộng, sự khủng hoảng, tình trạng tồi tệ, bất công, tội ác là do thiếu cái tâm mà ra. Vì cái tâm quyết định sự lựa chọn và hành động. Cái tâm sẽ quyết định rằng các giải pháp hữu hiệu (vốn là kết quả của cái tài) được thực hiện hay bị chối từ. Hãy nhìn sự xuống cấp của nền kinh tế, của nền giáo dục, của văn hóa, sự xuống cấp và khủng hoảng không thể chối cãi được của xã hội chúng ta hiện nay, nguyên nhân, theo tôi, không phải vì người Việt Nam bất tài. Giáo dục suy vi không hẳn vì giáo viên bất tài, và nếu giáo viên trở nên bất tài thì không hẳn vốn dĩ từ đầu đã bất tài. Giáo dục suy vi vì có những điều ai cũng biết là đúng và cần phải thực hiện, nhưng lại từ chối không thực hiện. Động cơ thúc đẩy sự từ chối đó không phải là vì thiếu tài, và không phải là vì thiếu người tài.

Các vấn đề về kinh tế không được giải quyết, hay sản xuất (điện, than, khoáng sản) bị thua lỗ, không phải vì không có các giải pháp hiệu quả. Mà các giải pháp hiệu quả hoặc đã không được đề xuất (do nghĩ rằng có đề xuất cũng chẳng ai nghe), hoặc đã đề xuất mà không được sử dụng. Hoặc các giải pháp hiệu quả bị loại trừ, các giải pháp tồi tệ thì được lựa chọn một cách cương quyết. Thực tế cho thấy rằng không ít những giải pháp thua lỗ đã được lựa chọn với một quyết tâm cao độ, bất chấp mọi sự phân tích hợp lý. Như vậy không phải người Việt Nam không đủ tài để nhận ra hậu quả, không phải không đủ tài để đề xuất các giải pháp. Nhưng các giải pháp được lựa chọn, các quyết định được đưa ra, không phải xuất phát từ chữ Tâm. Do đó mà cái tài cũng bị triệt tiêu, bất chấp những nỗ lực tuyệt vọng của một số người.

Nguyên nhân khiến cho cái tài của chúng ta hoặc không được sử dụng, hoặc bị cùn mòn, bị lãng phí đi, một phần (một phần thôi, dĩ nhiên) nằm trong câu trả lời mà Nguyễn Du đã đưa ra từ hai trăm năm trước. Và tại sao ông hỏi “Không biết ba trăm năm lẻ nữa/Thiên hạ ai người khóc Tố Như?”? Nếu chúng ta tiếp tục duy trì tình trạng như hiện nay, nếu mỗi cá nhân đem cái tâm của mình bán dần như bán vàng (tôi mượn một ý thơ của Nguyễn Duy), hay là bán dần như bán đất, cốt chỉ để đảm bảo cho sự tồn tại mang tính vật chất, hay sự tồn tại của chính vật chất (bởi vì nhà cửa, ô tô, tiền bạc trong tài khoản dĩ nhiên tồn tại lâu hơn con người, chúng đâu có chết, rút cục khi thân xác trở lại thành hư không thì chỉ còn chúng tồn tại mà thôi), thì ba trăm năm lẻ nữa (tính từ thời điểm câu thơ Nguyễn Du ra đời) còn có cái tâm nào nữa để khóc Tố Như đây? Khóc thực sự chứ không phải khóc theo kiểu ông giáo nói giỏi nhưng nhận phong bì cũng giỏi ở ví dụ trên đây.

Năm tới là năm Rồng, có khả năng cho chúng ta cất cánh không? Có lẽ chẳng có vận may nào ngoại trừ những cố gắng thay đổi thực trạng của xã hội hiện nay được mỗi người thực hiện một cách có ý thức và ủng hộ ý thức của những người khác.
————-
1. Hai khái niệm đạo đức của Kant: mệnh lệnh nhất quyết và mệnh lệnh giả thuyết.
Nguồn: Tia Sáng.

11 nhận xét :

  1. “… không phải người Việt Nam không đủ tài để nhận ra hậu quả, không phải không đủ tài để đề xuất các giải pháp. Nhưng các giải pháp được lựa chọn, các quyết định được đưa ra, không phải xuất phát từ chữ Tâm. Do đó mà cái tài cũng bị triệt tiêu, bất chấp những nỗ lực tuyệt vọng của một số người.”



    Phải rồi,
    "chữ tâm kia mói bằng ba chữ tài,
    Có tài mà cậy chi tài
    Chữ tài liền với chữ tai một vần"

    Thiếu cái tâm thì chỉ là robot mà thôi!

    Trả lờiXóa
  2. Cô Nguyễn Thị Từ Huy (và cả cụ Nguyễn Du)đã phân hoạch toàn bộ phẩm tính của con người thành hai :Tâm và Tài.Nếu mức độ của Tâm hoặc Tài là trung bình,tốt hoặc xấu thì sẽ có 9 trạng thái khác nhau của mỗi cá nhân.Với tập hợp số đông (nhóm xã hội, cộng đồng,quốc gia..) thì tổ hợp nào là tối ưu nhất cho sự phát triển hệ thống ?
    Sự phân hoạch thành 02 phẩm chất đã đủ tốt để nghiên cứu ? Sự cảm khái của Nguyễn Thị Từ Huy là một ghi nhận, nhưng chắc chắn chưa đủ để soi xét các vấn đề lớn thuộc về hệ thống.Sự tiếp cận của các khoa học khác cũng khá quan trọng trong việc nghiên cứu với tư cách đo lường định lượng, nó có thể hiệu quả và khá rõ ràng.

    Trả lờiXóa
  3. Tôi nhận thấy chị TH nói về việc Thầy hướng dẫn nhận tiền mới đọc luận Văn Thạc sỹ rất đúng,họ không biết, nhưng trong mắt học trò, họ đã bị coi thường, đó là tổn thất lớn nhất. Tôi tình cờ gặp nhiều người là học trò cũ nói về một ông thầy nổi tiếng ở đại học sư phạm HN1,ngành Toán, dù ông này có chương trình đưa nhiều sv sang Tây học,nhưng việc nhận phong bì đọc luận Văn,luận án vẩn là vết đen trong tâm hồn học trò dành cho ông.

    Trả lờiXóa
  4. Liệu người có tâm có tài có được vời ra L Đ đất nước hay không? Đó mới là vấn đề.

    Trả lờiXóa
  5. Thơ Tôn Nữ Hỷ Khương cũng thấm đượm chữ "Tâm"

    "Sống trên đời gắng giữ trọn chữ Tâm
    Và nhất niệm báo ân - đừng báo oán."

    và bài thơ hay nặng trĩu tình người:

    Còn Găp Nhau

    Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
    Chuyện đời như nước chảy hoa trôi,
    Lợi danh như bóng mây chìm nổi
    Chỉ có tình thương để lại đời.

    Còn gặp nhau thì hãy cứ thương
    Tình người muôn thuở vẫn còn vương,
    Chắt chiu một chút tình thương ấy
    Gửi khắp muôn phương vạn nẻo đường.

    Còn gặp nhau thì hãy cứ chơi
    Bao nhiêu thú vị ở trên đời,
    Vui chơi trong ý tình cao nhã
    Cuộc sống càng thêm nét tuyệt vời.

    Còn gặp nhau thì hãy cứ cười
    Cho tình thêm thắm, ý thêm tươi
    Cho hương thêm ngát, đời thêm vị
    Cho đẹp lòng tất cả mọi người.

    Còn gặp nhau thì hãy cứ chào
    Giữa miền đất rộng với trời cao,
    Vui câu nhân nghĩa, tròn sau trước
    Lấy chữ chân tình gửi tặng nhau.

    Còn gặp nhau thì hãy cứ say
    Say tình, say nghĩa bấy lâu nay
    Say thơ, say nhạc, say bè bạn
    Quên cả không gian lẫn tháng ngày.

    Còn gặp nhau thì hãy cứ đi
    Đi tìm chân lý - lẽ huyền vi
    An nhiên tự tại - lòng thanh thản
    Đời sống tâm linh thật diệu kỳ.

    Tôn Nữ Hỷ Khương

    Trả lờiXóa
  6. Trích ;
    "Một giáo sư gây khó dễ để buộc sinh viên phải mang tiền đến nhà mình rồi mới chịu đọc luận án của người sinh viên, cái luận án do chính mình hướng dẫn, thật khó hình dung giáo sư đó sẽ thực hiện bổn phận giáo dục của người giáo viên như thế nào, cho dù rằng trên lớp hay thậm chí trong những đối thoại hằng ngày ông ấy có ý thức dùng bài giảng hay những câu chuyện với mục đích giáo dục sinh viên. Hay thậm chí cả khi ông ấy lên án các hiện tượng cần phê phán trong xã hội, thì đối với những sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh mà ông đã nhận tiền, những lời phê phán ấy có giá trị ra sao ? Thậm chí nữa, cả khi ông ấy ca ngợi những điều tốt đẹp thì liệu những điều tốt đẹp ấy có bị sinh viên phán xét lại qua cái lăng kính nơi phản chiếu hành vi nhận tiền của ông, hay là họ dẹp những điều tốt đẹp ấy sang một bên, hay họ xem đó như là những món đồ trang sức ? Hay họ không còn có phản ứng gì nữa ? Họ tiếp tục nghe những điều tốt đẹp và tiếp tục đem tiền đến nhà thầy để cảm ơn thầy đã nói với họ những điều tốt đẹp ấy, và hơn thế, còn cho họ những con điểm đẹp. Rồi đến lượt họ, họ sẽ nhận phong bì của học trò để lại tiếp tục rao giảng những điều tốt đẹp và lên án những điều xấu xa. Đây chính là tình huống tệ nhất. Các hành vi phản giáo dục của người thầy đã lãnh trọn hậu quả của chúng, đã thực thi những hiệu lực tồi tệ của chúng, cho dù ông có nói giỏi bao nhiêu chăng nữa. Nói giỏi là cái tài của người giáo viên, nhưng cái tâm thể hiện ở hành động nhận hối lộ từ học trò của ông ấy."

    Tôi không hiểu là từ lúc nào mà sự việc như đã trích ở trên lại ngang nhiên hiện hữu mà dư luận chỉ phản ứng một cách yếu ớt hoặc quay lưng lại với nó, để nó sống và phát triển ngày càng dữ dội và bỉ ổi hơn...Thượng bất chính hạ tất loạn.

    Hôm nay có 2 bài liên tiếp mà Tôi rất "nhức đầu" khi đọc và đọc một cách chậm rãi với sự có thể của tôi

    Cảm ơn TS Từ Huy và GS Chu Hảo

    TH

    Trả lờiXóa
  7. Tu Huy con cua nha van Chinh Tam, toi rat nguong mo va yeu cach song cua co. Neu ve Vinh xin goi 01276057777.Rat han hanh

    Trả lờiXóa
  8. Tác giả Từ Huy và bác Trần Mạnh Hảo cùng một đường đi.
    Từ Huy ngắc ngỏai trong triết học phương tây và tìm đến thi ca Việt Nam, bác Trần Mạnh hảo bằng tâm hồn nghệ sĩ, đã đến bến minh triết của thi ca Việt nam lâu rồi!
    Xin chúc mừng cả hai vị!

    Trả lờiXóa
  9. Mời đọc "Chúng tôi (Tự trào – Trí Thức – Tâm Tài)"
    http://vietsoul21.net/2010/06/15/chung-toi-t%E1%BB%B1-trao-tri-th%E1%BB%A9c-tam-tai/

    Trả lờiXóa
  10. Không biết TS.Diện có địa chỉ mail của TS.Huy hay không?Nếu có, có thể cho mình xin. Mình đọc nhiều bài của TS.Huy và thấy khá thú vị.Mình muốn trao đổi thêm qua mail

    Trả lờiXóa
  11. Chút suy nghĩ:
    Bài của TS.Huy dẫn lời cụ Nguyễn Du rằng "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Tiện đây liên hệ đến lời Bác Hồ đã từng dạy “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.
    Riêng tôi thì thực tình mà nói tôi không hoàn toàn đồng ý với 2 ý kiến trên cho lắm. Theo quan điểm của tôi thì không nên đặt đức-tài hay tâm-tài ra so sánh xem cái nào quan trọng hơn cái nào. Không khó để thấy rằng ngày nay khoa học chứng minh con người chưa bao giờ sử dụng hết năng lực của mình, và rằng trí tuệ, khả năng của con người có thể tập luyên mà thành. Cho nên một người nếu có cái tâm đủ tốt và vững vàng thì "tài" sẽ là cái đến sau và chắc chắn sẽ đến. và nếu như theo lời. Theo luận điểm như vậy thì rõ ràng là không tồn tại những người "có đức-không tài" hoặc "có tài-không đức". Hai cái đó phải đi đôi với nhau và cũng có thể xem là "Đồng nghĩa" với nhau:Người có đức đã xem như là có tài rồi và ngược lại...

    Trả lờiXóa