Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

MIẾN ĐIỆN BẮT ĐẦU GẶT HÁI KẾT QUẢ TỪ NHỮNG CẢI TỔ DÂN CHỦ

Miến Điện bắt đầu gặt hái kết quả từ những cải tổ dân chủ 

.

Blogger kiêm nhà báo Nay Phone (giữa) nằm trong số các tù chính trị được ân xá hôm 13/1/2012 (REUTERS)

Thanh Phương
 
Trung thành với chính sách « có qua thì có lại », Hoa Kỳ hôm qua 13/1/2012 tuyên bố sẳn sàng tái lập hoàn toàn bang giao với Miến Điện sau khi chính quyền nước này trả tự do cho hàng trăm tù chính trị. Đối với Washington, quyết định ân xá các tù chính trị là một bước tiến quan trọng cho tiến trình chuyển đổi dân chủ và hoà giải dân tộc ở Miến Điện.

Hôm nay 14/1/2012, một bộ trưởng Miến Điện cho biết trong đợt ân xá hôm qua, có khoảng 300 tù chính trị được trả tự do, tuy rằng đối với chính quyền, những người đó không phải đã bị giam vì lý do chính trị. Việc phóng thích các tù nhân chính trị là điều mà phương Tây vẫn liên tục yêu cầu Miến Điện thực hiện để chứng tỏ thực tâm cải tổ dân chủ chính quyền « dân sự ».

Cho nên, hôm qua 13/1/2012, quyết định ân xá của tổng thống Thein Sein ngay lập tức đã được tổng thống Barack Obama hoan nghênh, xem đây là « một bước tiến quan trọng cho tiến trình chuyển đổi dân chủ và hoà giải dân tộc ở Miến Điện ». 

Chính ông Obama là người mà từ năm 2009 đã đề ra chính sách « chìa bàn tay ra » để cắt đứt với chiến lược cô lập Miến Điện, lúc ấy còn nằm dưới sự lãnh đạo của một chế độ quân sự. Washington nhận thấy chiến lược cô lập này đã không mang lại kết quả mong muốn, mà trái lại càng đẩy Miến Điện, một quốc gia rất giàu tài nguyên thiên nhiên, vào vòng tay của Trung Quốc. 

Vào tháng 11 năm ngoái, tổng thống Mỹ đã từng tuyên bố rằng « sau những năm tháng đen tối, từ nhiều tuần qua, chúng ta nhìn thấy ánh sáng le lói của tiến bộ .» 

Hôm qua, ông Obama nói rằng « ánh sáng le lói ấy đã sáng hơn một chút ». Tổng thống Hoa Kỳ cho biết ông yêu cầu Ngoại trưởng Hillary Clinton có những biện pháp để « nắm lấy cơ hội lịch sử và đầy hy vọng này ». 

Ngay sau đó, bà Clinton thông báo là Washington sẽ tiến hành trao đổi đại sứ với Miến Điện. Như vậy, bà sẽ thực hiện đúng lời hứa đã đưa ra vào cuối năm ngoái trong chuyến viếng thăm lịch sử ở nước này, tức là « đáp lại mỗi hành động của chính quyền Miến Điện bằng một hành động ». Hiện giờ, hai nước vẫn có quan hệ ngoại giao, nhưng từ năm 1990 Hoa Kỳ chỉ duy trì một đại biện ở Miến Điện, tức là thấp hơn một bậc so với đại sứ. Với việc nâng cấp đại diện lên hàng đại sứ, như vậy là Mỹ sẽ tái lập hoàn toàn bang giao với Miến Điện. 

Tuy nhiên, cả tổng thống Obama lẫn Ngoại trưởng Clinton đều chưa đề cập đến khả năng bãi bỏ các biện pháp trừng phạt đối với chế độ Miến Điện. Các biện pháp này bao gồm việc cấm đầu tư của Mỹ vào Miến Điện, cấm nhập vào Hoa Kỳ những hàng hóa từ Miến Điện, kể cả đá quý, hạn chế việc cấp visa nhập cảnh cho các thành viên chính phủ Miến Điện. 

Ngoại trưởng Clinton đã báo trước là tiến trình xích lại gần nhau giữa hai nước sẽ là « một tiến trình rất dài » và tùy thuộc vào những cải tổ của chính phủ Miến Điện. Về phần tổng thống Obama hôm qua đã kêu gọi chính quyền Miến Điện bảo đảm cho những tù chính trị vừa được phóng thích và tất cả những người khác được tự do tham gia vào tiến trình chính trị, cũng như thả những tù chính trị còn lại. 

Không chỉ trả tự do cho tù chính trị, chính quyền Miến Điện hôm thứ năm vừa qua còn đã ký thỏa thuận ngưng bắn với lực lượng phiến quân Karen, trong nỗ lực hòa giải với các nhóm sắc tộc. Chính quyền Miến Điện cũng đã có những tỏ thái độ hòa giải với phe đối lập. Vào tuần trước, một cố vấn của tổng thống Thein Sein tuyên bố là bà Aung San Suu Kyi sẽ có một « vai trò chính thức », thậm chí có thể được bổ nhiệm vào chính phủ. 

Như vậy là chính phủ Mìến Điện đã thực hiện gần đúng ba yêu cầu mà phương Tây đưa ra từ 20 năm nay : cho bà Aung San Suu Kyi trở lại chính trường, trả tự cho toàn bộ tù chính trị và tái lập đối thoại giữa các sắc tộc. 

Tuy phương Tây vẫn còn thận trọng, nhưng rõ ràng là những cải tổ táo bạo của chính quyền tổng thống Thein Sein đã bắt đầu gặt hái kết quả, đưa nước dần dần thoát khỏi thế cô lập. Chỉ có điều, theo các chuyên gia, đấu đá tranh giành quyền lực trong nội bộ giới lãnh đạo Miến Điện vẫn còn rất gay gắt, tuy không lộ rõ. Nguy cơ nước này quay trở lại đằng sau vẫn còn lớn.

Nguồn: RFI Việt ngữ.

5 nhận xét :

  1. Vô cùng khâm phục về sự thay đổi nhanh chóng đến bất ngờ của các nhà lãnh đạo Miến Điện. Cũng xin chúc mừng nhân dân Miến Điện có được những người lãnh đạo biết lắng nghe tâm nguyện của dân, đưa đất nước đi theo con đường dân chủ hợp lòng người. Với đà này, chắc chắn đất nước Miến Điện sẽ phát triển nhanh chóng và phồn vinh, nhân dân Miến Điện sẽ thực sự được sống trong một xã hội dân chủ, ấm no.
    Còn ở nước ta, một đất nước "dân chủ gấp vạn lần" các nước tư bản thì sao? Huhu! Hãy đợi đến "mùng thất" nhé!

    Trả lờiXóa
  2. Nhân năm mới 2012, chúc mừng cho nhân dân Miễn Điện, Chúng tôi hy vọng là khối Asean sẽ có được phổ quát chung về chế độ dân chủ, đảm bảo đầy đủ các quyền con người trên thực tế.

    Trả lờiXóa
  3. Tuy Miến Điện còn nhiều việc phải làm trong tiến trình dân chủ hóa đất nước, nhưng thời gian gần đây chính quyền Miến Điện đã có nhiều chương trình cải tổ chẳng hạn như ban hành luật cho phép người dân được biểu tình bày tỏ quan điểm, trả tự do cho tù chính trị...dã làm cho đất nước này dần dần lấy lại được cảm tình của thế giới, ngày hôm qua ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton, tuyên bố nước Mỹ đang xúc tiến việc thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ với nước này.
    Trong quá khứ, năm 1961, một công dân Miến Điện là ông U Thant (1909-1974) đã đắc cử chức Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc.
    Một nhân nhân vật đối lập hàng đầu của Miến Điện là bà Aung San Suu Kyi đã từng đọat giải Nobel hòa Bình năm 1991. Trong dịp thăm Miến Điện mới đây, lần đầu tiên sau 50 năm, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đích thân đến thăm bà Aung San Suu Kyi tại tư gia, dịp này bà ngoại trưởng Mỹ đã tỏ thái độ kính trọng khi nói về bà Aung San Suu Kyi với giới báo chí rằng, bà Aung San Suu Kyi là một nguồn cảm hứng đối với bà.
    Có vẻ như người dân Miến Điện đang hy vọng vào một tương lai sán lạn.

    Trả lờiXóa
  4. Hai gọng kềm mà chính quyền Bắc Kinh thò xuống Đông Nam Á, một cài ở Miến Điện và một gác lên biển Đông, xem ra sắp bị gãy một rồi! Tôi kính trọng và biết ơn nhân dân Miến Điện. Họ quả thực rất anh hùng!

    Có lần tôi gặp ở công viên một ông Mỹ người gốc Mễ, cũng đang dắt đứa con gái đi dạo. Ông rất vui vẻ trò chuyện với tôi khi biết tôi đến từ Việt Nam. Ông kể vợ ông là một phụ nữ tuyệt vời, và vì cô ấy mà ông "yêu" tất cả mọi người dân Đông Nam Á. Hóa ra vợ ông là người Miến Điện, mà theo tiếng ông gọi là Burma, sau sợ tôi không hiểu lại giải thích thêm là Myanmar. Tiếc là tôi chưa được diện kiến chị ấy!

    Trả lờiXóa
  5. NHÌN NGƯỜI TA THẤY MÀ HAM,
    MIẾN ĐIỆN NHƯ VẬY VIỆT NAM THẾ NÀO?
    1/ MIẾN ĐIỆN CÓ TÙ CHÍNH TRỊ ĐỂ THẢ, VIỆT NAM KHÔNG CÓ TÙ CHÍNH TRỊ, CHỈ CÓ TÙ
    HÌNH SỰ THÔI.
    2/ MIẾN ĐIỆN CÓ BÁO CHÍ TƯ NHÂN, VIỆT NAM CHỈ CÓ BÁO LỀ PHẢI THÔI.
    3/ MIẾN ĐIỆN CÓ ĐA ĐẢNG, VIỆT NAM CHỈ CÓ ĐỘC ĐẢNG THÔI. ĐỘC ĐẢNG MỚI ỔN ĐỊNH.
    ĐA ĐẢNG KHÔNG ỔN ĐỊNH, KHÔNG THỂ PHÁT TRIỂN ĐƯỢC.
    4/ IQ MIẾN ĐIỆN THẤP HƠN IQ VIỆT NAM, NÊN MIẾN ĐIỆN DẠI DỘT ĐA ĐẢNG.

    Trả lờiXóa