Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

ĐÊM GIAO THỪA NHỚ MẸ - tùy bút của Trần Mạnh Hảo

Đêm giao thừa nhớ Mẹ
Tùy bút của Trần Mạnh Hảo

Thật hạnh phúc cho những ai ngoài tuổi tri thiên mệnh vẫn còn có mẹ, để ngày tết còn niềm nương tựa và an ủi lớn nhất trong đời. Mẹ ngồi đó, tóc bạc như hoa mơ hoa mận, bên nồi bánh chưng quây quần con cháu. Trong mắt mẹ, tôi dù bao nhiêu tuổi vẫn cứ là trẻ thơ, vẫn còn nằm trong tã lót của tình mẹ thuở lọt lòng. Và đêm giao thừa, trước ngọn lửa, mẹ đồng nghĩa với tuổi thơ tôi. Ôi những ngày thơ bé, những tết nghèo thơm nức ổ rơm, chiều ba mươi tết tôi như con chó con ngồi bên mẹ, cùng mấy đứa em xem mẹ làm bếp, ngồi chờ ăn tóp mỡ. Ngoài trời, mưa bụi bay như sương, thi thoảng gió xuân mang hơi lạnh mùa đông còn sót lại sột soạt ngoài đầu hè, tiếng lá chuối khô cọ vào nhau nghe như tiếng đồng tiếng sắt. Tôi mê những ngày tết có rét, có mưa bụi bay, có hoa cải vàng ngoài vườn và bướm trắng dẫn đường con trẻ chạy.

Có khi sáng ba mươi tết mẹ còn ra đồng cấy nốt đám ruộng xa để cho cây lúa cũng được ăn tết như người. Tôi dẫn ba đứa em, cuốn áo bông vào rụt rịt như những khúc giò vừa bó, thập thò như cua cáy ngoài ngõ chờ mẹ về chuẩn bị tết nhất. Tôi chạy ra sông, sông trốn vào sương mà lưng lửng nước. Tôi chạy ra đồng, gió bấc tưởng tôi là lá khô, cứ thổi như thằng bé chín tuổi không còn trọng lượng. Tôi sợ, chạy về nhà, úp mặt vào ổ rơm mà gọi mẹ. Tiếng lợn bị chọc tiết hú như còi đâu đó trong làng làm mấy anh em càng sốt ruột. Mẹ vẫn còn khuất sau màn mưa phùn gió rét ngoài đồng, cấy vội đám lúa kịp mùa xuân. Thế rồi trưa ba mươi tết mẹ từ ngoài đồng về, vừa đi vừa chạy như gió bấc, môi tím ngắt, rét run cầm cập, chưa kịp rửa đôi chân lấm bùn đã chạy vội sang hàng xóm chia phần thịt lợn. Tôi chạy ra vườn lôi thanh củi ướt vào cho mẹ nhóm bếp. Bếp lửa là tâm điểm của ngày tết. Khói cuốn lấy mấy mẹ con như dây buộc. Lửa ấm làm mặt mẹ hồng hào rạng rỡ. Bếp lửa và niềm vui con cái trả lại tuổi trẻ cho mẹ.

Ngoài vườn, trước bờ ao, hoa đào đang tự sưởi ấm mình bằng những chấm hoa vừa hé đỏ như than hồng. Bướm ong rét quá tìm đến đốm lửa hoa mà sưởi. Tôi ngồi bên mẹ canh nồi bánh chưng mà vơ vẩn thương gió bấc không có mẹ nên phải tha phương cầu thực đầu đường xó chợ. Tự nhiên ngủ gật, tôi mơ thấy mẹ bị gió bấc cuốn mất, hoảng hốt tỉnh dậy, dùng hai tay trẻ con ôm chặt lấy mẹ như hai sợi lạt buộc ghì bó lúa. Mẹ vẫn ngồi đó, lửa ấm làm má người đỏ hồng thì con gái, tóc buông phủ bờ vai như một miếng bóng đêm vừa đặc lại đen nhánh. Tôi rúc đầu vào nách mẹ như chú gà con, làm mẹ bị nhột bật cười. Các em tôi lăn ra ổ rơm bên cạnh ngủ như lợn con. Thỉnh thoảng, gió rét đập cửa như có ý xin vào sưởi ấm.

Mẹ tôi mười bảy tuổi đã phải về làm dâu với muôn vàn cơ cực. Mẹ bị bà nội bắt nạt, sai khiến còn hơn con ở. Mỗi lần cực quá, mẹ chạy ra vườn, núp vào khóm chuối khóc thút thít, tự lấy nước mắt mình an ủi mình. Mẹ bảo vì khi có mang tôi, mẹ hay khóc, sợ con sau buồn nên lúc tủi thân, lúc đau khổ cứ phải tự mình đóng kịch, đóng vai người suốt ngày chỉ biết tươi như hoa, giả lả cười, giả lả nói, giả lả vui. Riết rồi lộng giả thành chân, mẹ cứ tưởng đời mình chưa hề buồn khổ, chưa hề bị hành hạ. Đến nỗi khi bụng mẹ chửa kềnh càng, còn bị mẹ chồng nọc ra sân dùng roi đánh, đau quắn mông nhưng vẫn phải lễ phép xin lỗi và cám ơn mẹ chồng vì mình được ăn roi. Rằng con xin ăn thêm năm đến mười roi nữa mới xứng tội ạ…Đời con gái mẹ qua đi với những trận đòn, với những lần chửa đẻ chẳng hề biết thế nào là hạnh phúc. May mà có đám cào cào châu chấu là chúng mày an ủi mẹ, thương mẹ.

Có những khuya cả nhà ngủ cả, mẹ bảo nhỏ vào tai tôi như thế. Có lúc, mẹ tủi thân, lặng đi, đoạn ôm lấy bốn đứa con còn bé dại hỏi : chúng mày có thương mẹ không ? Lũ lợn con chúng tôi cùng hét to: thương! Mẹ sung sướng hôn chúng tôi rồi cười ứa nước mắt. Cả lũ tí teo thấy mẹ khóc, sợ quá cùng khóc theo.

Tôi thấy mẹ khác nào mưa gió, suốt ngày cong như con tôm trên đồng cầy cấy, mò cá, vạt tép, bắt cua, mót lúa…Tối về lại xay thóc, giã gạo, có khi không dầu đèn, mẹ vừa đốt thanh củi nhặt thóc trong rá gạo vừa ru đứa em năm tháng tuổi ngủ. Tiếng mẹ ru buồn cả đêm mưa, buồn lây cả tiếng tàu chuối khuya ngoài vườn. Những đêm quê hương xưa nỗi buồn không ngủ. Nỗi buồn đi ngoài đường như ma. Nỗi buồn len lén như sương ngoài ngõ. Nỗi buồn trong trời đất sâu xa như lặn vào hết tâm hồn tôi qua lời ru của mẹ, qua tiếng thở dài của đêm tối ngoài vườn chuối mẹ thường ra núp thở than.

Tôi lớn lên, đi học. Một gánh mồng tơi bầm tím vai mẹ ra chợ chưa đổi được thếp giấy. Tôi đòi cây bút máy. Mẹ phải đi mò cá hàng chục đêm tôi mới có cây bút máy Hồng Hà. Rồi tôi đi lính. Nửa đêm về sáng tiễn tôi ra bến xe lên đường đi vào cõi…tử, mẹ cố không khóc. Nhưng ra đầu ngõ, mẹ không bước được nữa. Mẹ ngã gục vào gốc cây bàng. Tôi ngoái nhìn thấy mẹ ôm chặt gốc bàng như thể muốn tôi thành một gốc cây đầu ngõ vậy. Tôi ù té chạy, sợ quay lại sẽ không thể đi khỏi cái xã quê hương mình, nơi cán bộ xã đầy đọa tôi vì lý lịch, không cho đi đại học, bắt ở nhà làm tổ trưởng gánh phân bắc ( phân người), phải đút lót mười con gà mới được gọi nhập ngũ… Tôi đi mà lòng luôn ở bên Mẹ. Tôi không dám đôn mẹ mình lên thành quê hương, thành đất nước. Mẹ chỉ là mẹ tôi thôi, như khoai lúa người cho tôi ăn, như nguồn sữa vật chất và tinh thần người nuôi tôi mãi mãi…

Đấy là chuyện của mấy mươi mươi năm xưa. Giờ đây, tôi ngồi thắp nén hương trước ảnh mẹ. Khói nhang như tóc mẹ từ thế giới hư vô còn rụng về đôi ba sợi cho tôi tưởng vọng. Mẹ trên tấm ảnh chừng vẫn rét, vẫn cứ đội khăn len và mặc áo len. Trong Sài Gòn này tết đổ mồ hôi. Mẹ ngồi trên bàn thờ vẫn rét, vẫn cứ là không gian của bờ bãi sông Hồng ngày tết. Con đâu kiếm được mưa phùn quấn quít, bọc lấy ngọn gió xuân như quê ta mà dâng mẹ lúc này. Mẹ tuy già nhưng tươi tắn nhìn tôi như sắp mỉm cười, như muốn nói với tôi rằng mẹ vẫn hiện hữu trên đời bằng chính thân xác và tâm hồn tôi, vẫn sống trong hoài niệm, trong ký ức con cái, xóm giềng.

Rằng mấy đứa con chính là di tượng của mẹ còn sống động, còn bay nhảy trên mặt đất. Tôi không hề ngủ gật và nằm mơ như thuở xưa. Nhưng gió bấc đã đến và thổi bay mẹ tôi đi về cõi khác mất rồi. Người Việt mình có câu :” Sinh dữ, tử lành”. Ngày tết, trước giao thừa, là dịp chúng ta tưởng nhớ đến cha mẹ, ông bà đã khuất. Mẹ đã hóa thành nấm cỏ xanh ngoài đồng vắng sau làng. Cỏ ấy ngày xưa mẹ từng dạy tôi cầm liềm cắt về nuôi trâu ăn lấy sức kéo cày. Nay mẹ lại biến thành nấm đất nuôi cỏ xanh. Chỉ có đội kèn dế là ở mãi bên mẹ để cử hết bản nhạc này đến bản nhạc khác, những bài ca Requiem, kinh cầu hồn của tạo vật.

Bây giờ mẹ thở bằng nhịp triều lên xuống của con sông chảy qua làng, toả kênh mương mà nối với nơi mẹ nằm. Cua cáy lại đến nhờ nấm đất mẹ mà trú ngụ. Ngày xưa còn trẻ, suốt ngày mẹ ở ngoài đồng, ngoài bãi, ngoài sông tìm cái sống dưới bùn đất nuôi chúng tôi. Giờ nằm xuống, mẹ lại ở ngoài đồng cả đêm ngày, ở mãi mãi, chung nhà với cua cáy, cá tôm. Tôi từng làm đóm mạ chạy ra đồng, xách giỏ cua đỡ mẹ. Con cua cắp để lại càng trên tay, lên bờ, lặng người, rứt càng cua ra khỏi tay rồi mẹ mới ngồi đau. Đôi bàn tay búp măng của mẹ lúc nào cũng đầy vết cua cắp, vết ngạnh cá trê đâm, vết gai từ các chà cá cào xước. Những móng tay, móng chân mẹ nào có được sơn son đỏ như phụ nữ đô thị bây giờ. Tôi thương nhớ màu phù sa quánh phèn sơn trên móng chân, móng tay mẹ từ thuở còn thiếu nữ cho đến lúc về với đất. Mẹ tôi đã hóa phù sa, hóa mưa phùn, hóa bếp lửa, hóa ngồng cải vàng hoa lấm tấm bướm, hóa gió xuân ưng ửng cành đào, hóa thăm thẳm mù tăm…

Dù tôi có đưa tay ra ngoài nghìn dặm cũng không với tới mẹ nữa. Tóc bạc rồi tôi vẫn là đứa trẻ mồ côi. Mồ côi cả gió bấc, mưa phùn, cả nén hương trên bàn thờ viếng mẹ dù xúm xít đứng chung cả cụm vẫn cứ mồ côi. Và tôi lại trở thành con trẻ, đang đi một mình giữa làng, chợt thình lình gọi mẹ. Và tôi, lại trở thành anh lính trẻ xa nhà lần đầu, mười tám tuổi rồi mà nửa đêm còn nhớ mẹ ứa nước mắt. Và tôi, lại trở về nằm trên võng dưới hầm mùa mưa Bà Rá đêm tránh bom B.52, sốt rét ác tính quật tưởng chết, vừa thở hắt ra vừa gọi mẹ để giã từ…Và tôi, sẽ mãi là cậu bé con lấm lem đất cát ngồi đầu ngõ đợi mẹ đi chợ về để được chia quà. Mẹ đi chuyến chợ vô biên này, tôi ngồi chờ hết năm này qua năm khác, mà mẹ ơi sao mẹ chẳng về ăn tết ?

Giao thừa đến rồi đó mẹ. Ở phía bên kia của cuộc sống, mẹ không cần ai mừng tuổi đâu. Mẹ từng bảo chúng con rằng, trước khi các con chào đời, các con ở đâu vậy, chả đứa nào có tuổi, chả đứa nào biết mình sẽ là thằng Hảo, con Hinh…Vâng, sau này, chắc chắn tôi lại về nơi ấy, nơi trước khi sinh ra, tôi đã chết hàng tỉ tỉ năm rồi vậy. Mẹ đã đưa tôi từ cái chấm mờ trong hỗn độn sự chết mà xuất hiện thành hình hài của nỗi sống. Giờ mẹ lại về nơi từng vớt tôi lên từ bể hư vô. Nơi con người bước vào cuộc đời, vất vả cực nhọc kiếm sống, hạnh phúc, khổ đau rồi lại trở về, như những đứa con về với mẹ vĩnh hằng.

Cõi ấy không có nồi bánh chưng chụm bằng gộc tre già đượm lửa. Cõi ấy không có những đứa trẻ xúng xính trong bộ quần áo mới, bám vạt áo mẹ đi chúc tết bà con hòng kiếm tiền mừng tuổi. Sợ cõi ấy chỉ có Niết Bàn, chỉ có Thiên Đường vui hơn tết, không kiếm đâu cho mẹ một chút khổ đau, một chút buồn tủi mà nhớ đến chúng con, nhớ đến kiếp người, nhớ đến thời con gái mẹ phải ngậm bồ hòn làm ngọt, ăn toàn nỗi đau mà sinh nở hạnh phúc cho kẻ khác.

Nhưng mẹ ơi, cái thế giới vui buồn sướng khổ này, dù mẹ con mình mỗi người chỉ đến một lần thôi, song mưa phùn gió bấc, hoa xuân bướm vàng, bánh chưng, mắt lá răm, dưa hành và câu đối đỏ tình nghĩa lắm, quý hóa chúng ta lắm, cứ muốn níu chúng ta ở chơi hết tết này đến tết khác, đừng bỏ giao thừa lại cho ai đó ngồi thắp hương tưởng niệm mà tội thay cho người còn sống. Mẹ từng dạy con phải nén và giấu nỗi buồn riêng vào tâm hồn, để khoe niềm vui ra cho mọi người cùng hưởng như hoa đào ngày tết. Thế mà con lại giãi bày nỗi buồn thiếu mẹ trên mặt blogs xuân phút đón giao thừa. Âu cũng là một cách giúp cho những ai còn có Mẹ trên đời biết rằng, Mẹ chính là mùa xuân, là ngày tết của tâm hồn chúng ta vậy.

.
Sài Gòn những ngày tết tha phương cầu thực 
T.M.H.
Nguồn: TranNhuong.com.


16 nhận xét :

  1. Mẹ chẳng bao giờ mất cả! Và cha cũng vậy, chẳng bao giờ mất cả!
    Chúng ta là hiện thân của sự hòa hợp của cả hai dòng sống, chúng ta mang theo cả quá khứ của tình tự mẹ-cha, nói rộng hơn, đó là tình tự của dân tộc, tiếp nối từ đời này qua đời khác!
    Chúng ta mang theo quá khứ ngàn năm để hướng tới tương lai, và mai đây, khi chúng ta nằm xuống, chúng ta vẫn chưa bao giờ mất! Đó là kỳ dịệu của cuộc sống!

    Trả lờiXóa
  2. "Mẹ từng bảo chúng con rằng, trước khi các con chào đời, các con ở đâu vậy, chả đứa nào có tuổi, chả đứa nào biết mình sẽ là thằng Hảo, con Hinh…Vâng, sau này, chắc chắn tôi lại về nơi ấy, nơi trước khi sinh ra, tôi đã chết hàng tỉ tỉ năm rồi vậy. Mẹ đã đưa tôi từ cái chấm mờ trong hỗn độn sự chết mà xuất hiện thành hình hài của nỗi sống. Giờ mẹ lại về nơi từng vớt tôi lên từ bể hư vô..."

    Cảm ơn nhà văn, bài viết thật cảm động.Tôi mất mẹ từ 40 năm nay,vẫn chưa viết được một dòng về Mẹ, dù mỗi ngày tôi vẫn nhớ đến ba mẹ tôi,dù mỗi ngày tôi vẫn không quên đốt nén nhang trước di ảnh và mỉm cười với Ba mẹ.
    Tôi cũng hiểu, ba mẹ chẳng bao giờ mất dù nhìn dưới nhiều mặt. Thân hình này còn mang máu huyết của cha mẹ. Trí tuệ,và cả trái tim mình cũng là tinh anh của cha mẹ...chẳng hạn.

    Ai đó đã viết; "Âm dương không cách trở
    Trăng lặn chẳng lìa trời"
    Ba mẹ và cả tổ tiên bao đời vẫn còn đó như bóng trăng trên trời những đêm nguyệt tận. Ba mẹ vẫn quanh ta, vẫn mỉm cười với ta: sống xứng đáng với hoài bão và thương yêu của Ba mẹ.
    Cảm ơn Anh thật nhiều.
    Tịnh Ý

    Trả lờiXóa
  3. Bác Hảo có mẹ và cuộc đời buồn quá, những người có mẹ và cuộc đời sung sướng thì chắc họ không bận tâm nhiều về mưa phùn gió bấc của mẹ !!!!

    Trả lờiXóa
  4. TRẦN MẠNH ĐỨC
    ĐÃ ĐI GẦN HẾT VÒNG ĐỜI
    BAO GIỜ MẸ CŨNG LÀ TRỜI CỦA CON!!!

    Trả lờiXóa
  5. ai ghet tran manh hao khong biet nhung toi luon kinh trong Ong. chuc Ong mot nam moi nhieu niem vui. Co dip ra thanh pho VINH xin Ong goi sdt 0982037567 toi se don Ong. Han hanh duoc don Ong

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Trần Mạnh Hảo là một nhà văn lớn trong thế hệ chúng ta. Nếu có ai đó không có cảm tình với ông thì thật sự tiếc cho họ!
      Bác Trần Mạnh Hảo đã vắt kiệt sức mình để trang trải trên trang giấy, ai không đọc bác Trần Mạnh Hảo thì biết đâu mai này sẽ hối tiếc, tôi tin như vậy!

      Xóa
    2. Đồng ý với hai bác.

      Xóa
  6. Trích:
    "Mẹ chính là mùa xuân, là ngày tết của tâm hồn chúng ta vậy."

    Đúng vậy ! Tôi may mắn hơn nhà văn là vẫn còn Mẹ để thấy mùa Xuân hiện hữu cho tôi và các con cháu tôi quây quần 3 ngày Tết.

    Tôi rất ít khi comment bài của Ông mặc dù tôi đều có đọc chúng cả, đây là lần đầu tiên.

    Chúc nhà văn một mùa Xuân mới sức khỏe, khí lực và trí lực dồi dào.

    TH

    Trả lờiXóa
  7. Cam on nha van rat nhieu, that xuc dong doi voi toi.

    Trả lờiXóa
  8. sao lại phải tha phương...!

    Trả lờiXóa
  9. Ngày xưa bao giờ trở lại
    Cho con nũng nịu,vụng về
    Cầm tay tô từng nét chữ
    Ấm lòng cảnh sắc trời quê

    Mẹ tôi giờ không còn nữa
    Lối vàng hoa bướm rưng rưng
    Và tôi giờ không còn trẻ
    Vẫn mong được mẹ vỗ về.

    Trả lờiXóa
  10. Cụ thi sĩ Bùi Giáng, theo tôi biết, ít khi nhắc tới mẹ. Trừ một lần cụ tâm sự, rất ngắn (mà tôi không nhớ ở bài nào), đại ý: "Mẹ tôi là một phụ nữ rất thương con, hy sinh nhiều cho con, có điều bà hơi ác khẩu". Ra như cụ Bùi Giáng không "hạp khẩu" với mẹ cụ.

    Tôi rất yêu cụ Bùi Giáng và thơ của cụ. Lời tâm sự của cụ Bùi Giáng làm tôi rúng động sâu xa vì hai lẽ. Thứ nhất vì hoàn cảnh của tôi... giống cụ quá! Nhưng, điều thứ hai quan trọng hơn nhiều, là mặc dù vậy, tôi chợt nhận ra tất cả những chữ "EM" rất tha thiết rất nồng nàn trong thơ cụ Bùi Giáng đều có bóng dáng của... MẸ cụ! Vâng, dù Mẹ có như thế nào, dù tương giao giữa con với Mẹ có gặp trục trặc này nọ như thế nào, Mẹ vẫn la "nhân vật" lớn nhất làm nên cuộc đời con, hằn sâu trong nhân cách con, tiềm ẩn trong mọi giấc mơ của đời con. Tôi tin là đàng sau tất cả những người nữ mà cụ Bùi Giáng từng yêu, đều có bóng dáng của Mẹ cụ. Tôi ngẫm lại đời tôi thì thấy cũng thế thôi. Các bác giai độc giả của blog này, khi nghiệm lại những mối tình mình đã trải, các bác có cũng thấy như tôi không nhỉ?

    Thành ra đọc bài tùy bút trên của bác Trần Mạnh Hảo, đọc tới đâu tôi đau tới đó. Đau như thể cái lần phải rời cõi thiên đường lòng mẹ mà oa oa tiếng khóc chào đời! Đau, nhưng tôi vẫn đọc như nuốt từng chữ từng lời! Đau, nhưng vẫn ngọt ngào, vì bất chấp tất cả, tôi biết Mẹ tôi thương tôi biết bao và tôi cũng thương Mẹ biết bao! "Mẹ đã đưa tôi từ cái chấm mờ trong hỗn độn sự chết mà xuất hiện thành hình hài của nỗi sống". Mẹ "ăn toàn nỗi đau mà sinh nở hạnh phúc cho kẻ khác"! Cũng là mẹ tôi đó bác Trần Mạnh Hảo ơi!

    Một hôm, lúc đó tôi đã là "ông già 45 tuổi" rồi, tôi đi... hớt tóc thanh nữ. Khi cô bé hớt tóc vuốt mái tóc tôi chuẩn bị cắt, tự dưng nước mắt tôi tuôn ràn rụa. Cô bé hết hồn tưởng cái kéo cắt nhầm chỗ nào làm tôi đau. "Không sao đâu cô ạ. Chỉ vì tôi nhớ đến Mẹ. Ngày xưa Mẹ tôi cũng hay cắt tóc cho tôi thế này". Cái thằng bé trong tôi dường như đã đánh thức thiên chức làm Mẹ thiêng liêng sâu trong lòng cô thợ hớt tóc trẻ. Cô ấy tiêp tục hớt tóc cho tôi, nhẹ nhàng trìu mến không khác chi một bà mẹ chăm sóc đứa con thơ dại của mình. Kỳ diệu thay, ngay buổi tối đó, cậu em út gọi điện cho tôi, bảo Mẹ sắp từ nước ngoài về thăm. Mẹ nhắn tôi về nhà. Mẹ bảo tôi "xin phép vợ" trước đi, để được thức một đêm với Mẹ. Mẹ muốn thức trắng một đêm để trò chuyện với thằng con 45 tuổi là tôi cơ! Con muốn hòa giải với Mẹ. Đã bao năm rồi con mong muốn điều đó. Thế mà chính Mẹ lại là người chìa bàn tay ra trước cho con!

    Bác Trần Mạnh Hảo ơi. Vâng, Mẹ chính là mùa xuân, là ngày Tết của tâm hồn chúng ta! (Xin lỗi bác Diện và các bác vì có lẽ tôi dài dòng quá. Nhưng thôi cho phép tôi tâm sự tí nhé. Chúng ta rốt cuộc cũng chỉ là lũ trẻ con ngàn lần biết ơn Mẹ thôi mà! Tôi rất muốn qua Úc thăm Mẹ mà chưa thể. Mẹ tôi đã lớn tuổi lắm rồi, liệu có còn kịp không? Bao nhiêu năm lưu lạc, có ngày Tết nào mà con không nhớ đến Ba, đến Mạ đâu!).

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bùi Giáng là con người kì dị . Tôi đã gặp BG, đã nói chuyện với BG, đã đọc thơ văn của BG, mà thú thực tôi không thể hiểu được BG. Từ cách ăn mặc, nói năng đến cách sống của BG tôi cứ nghĩ BG là người ngoài hành tinh. Trước 75 tôi cũng có mua sách của BG mà tiếc rằng sau biến cố 30/4/75 tôi đã phải đốt đi vì sợ VC. Một buổi tối ít ngày sau 30/4/75 có một anh CB đội nón cối, nói tiếng NB, xưng là học trò cũ của tôi, đến xin tôi mấy cuốn sách trpng đó có sách của BG, tôi đâm hoảng, không dám cho CB đụng đến tủ sách nho nhỏ của tôi . Tôi đành lòng đốt đi mà sau này không còn khả năng tìm và mua lại những sách cần, nên trở thành người ngu dốt luôn. Từ đó đến nay tôi trở thành nông dân nửa mùa !

      Xóa
  11. Kính chào bác chủ nhà TS. NGUYỄN XUÂN DIỆN và các bác, các anh chị, các bạn trong giao diện dễ thương này.
    Sáng nay, sáng 29 tết ( 30 tết), ngày đẹp nhất của tết Nhâm Thìn, tác giả bài " Đêm giao thừa nhớ mẹ" ( TMH) kính chúc quý vị một mùa xuân vui khỏe, dù mẹ chúng ta đang trên bàn thờ. Hạnh phúc thay cho vị nào còn có mẹ bên cạnh.
    Kính thưa bác HA LE và các bác
    Cánh đàn ông chúng ta dù vào U 70 như Trần Mạnh Hảo vẫn chỉ là một bé con trong mắt mẹ mình. Đến ông trời to là thế mà các cụ còn bào ông trời cũng chỉ là đứa trẻ con : HÓA NHI. Nhưng ông trời thua chúng ta vì hình như ÔNG TRỜI KHÔNG CÓ MẸ. Bác HA LE đi hớt tóc thanh nữ mà ứa nước mắt vì nhớ mẹ từng cắt tóc cho mình là rất đúng. Còn tôi thì tuy đã già nhưng thấy cô gái đẹp nào cũng ứa nước mắt vì nhớ mẹ, vì chúng ta, cánh đàn ông vẫn còn trong tuổi bú tí...Sở dĩ ta yêu các bà các cô vì ta tìm thấy hình ảnh mẹ ta trong họ...
    Cám ơn các vị đã đọc bài viết mọn này của tôi và cho tôi món quà xuân lớn nhất : những tình cảm chia sẻ sâu sắc nồng nàn với nỗi nhớ mẹ của cậu trè ranh là tôi đang vào tuổi U 70.

    Trả lờiXóa
  12. Tôi dân Ha nam . Tôi rất thích văn của bạn . có dịp đọc không bao giờ bỏ qua được và thật sự rất xúc động Tôi cúng có hoàn cảnh gần như bạn đọc bài này tôi đã rơi nước mắt vì nhớ mẹ tôi . Chúc bạn mạnh khỏe , có nhiều bạn bè trong ấy và thuận lợi trong cuộc mưu sinh nơi đất xa

    Trả lờiXóa
  13. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo nhớ Mẹ thay cho bao người nhớ Mẹ mà không viết ra được như Trần Mạnh Hảo. Ai chẳng có Mẹ và ai cũng có những kỉ niệm về Mẹ . Kỉ niệm nhiều hay ít tùy hoàn cảnh. Nhưng quả thực có những đứa trẻ mồ côi ngay từ khi lọt lòng vì bị Mẹ bỏ rơi hay Mẹ qua đời khi mới sinh con . Không có thống kê nào về những đứa trẻ như thế . Có những đứa trẻ trên chuyến máy bay C 5 định mệnh bị rớt trên vùng trời Saigon đêm trước 30/4/75 nay còn sống sót đã trở về kiếm lại mẹ hiền mà mấy người được gặp lại Mẹ . Lại có câu chuyện thật cảm động của một nhân vật rất nổi tiếng trên chính trường CHLB Đức hiện thời là PTT gốc Việt Philipp Roessler có muốn tìm lại mẹ mình nhưng không thể .
    Ôi, cuộc chiến ! Một cuộc chiến kinh hoàng dai dẳng đã cướp đi sinh mạng hàng triệu người VN. Có hàng triệu người mẹ tiễn con ra chiến trường . Có đến hàng trăm ngàn người mẹ không được nhận xác con . Ngoài ra còn biết bao hệ lụy từ chiến tranh. Không chỉ những người mẹ mất con mà không biết bao nhiêu đứa con mất mẹ .
    Trên hành tinh này không ai đếm được những đứa trẻ Việt có cả cha lẫn mẹ là người Việt, những đứa trẻ cha Việt mẹ Tây, mẹ Mỹ , mẹ Phi, mẹ Tầu , hay một màu da khác nữa trên trái đất này, những đứa trẻ mẹ Việt cha Tây, cha Mỹ, cha Hàn , cha Nhật, , cha Hoa, cha Pháp, cha Phi hay một quốc tịch xa lạ nào nữa .
    Có thân phận nào như thân phận người Việt, như thân phận người mẹ Việt . Người phụ nữ Việt mà có người gọi một cách vừa xót thương, vừa kính phục, vừa khinh bỉ , là mẹ thế giới . Không biết có dân tộc nào mà người phụ nữ laị có chồng nhiều quốc tịch như phụ nữ Việt ? Không biết có dân tộc nào mà người phụ nữ là mẹ của những đứa con Mỹ, Phi, Hàn, Nhật, TQ, Đài Loan, Pháp, Anh, Na Uy, Đan Mạch ... Người mẹ Việt Nam, người Mẹ thật vĩ đại. Dòng giống mẹ Việt đã trải khắp 5 châu. Sữa mẹ Việt đã nuôi con cái đủ mầu da, quốc tịch . Nên vui hay buồn ? Nên khóc hay cười ?

    Trả lờiXóa