Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

THỨC TRẮNG ĐÊM TRƯỚC PHIÊN TÒA PHÚC THẨM


Thưa chư vị,

Tôi biết đêm nay, tại Việt Nam có nhiều người thức trắng đêm để hướng tâm tư và suy nghĩ về TS Cù Huy Hà Vũ và về phiên tòa phúc thẩm vụ án Cù Huy Hà Vũ được tiến hành vào sáng mai (2.8.2011). Tại sao tôi lại nói chắc như vậy? Ấy là bởi vì đêm nay, tôi cũng sẽ thức trắng để đọc cho hết tất cả những gì liên quan đến vụ án này trên internet mà tôi chưa kịp đọc.

Ông Cù Huy Hà Vũ không phải là người thân thích của nhiều người trong chúng ta. Nhưng phiên tòa sơ thẩm hôm 4 tháng 4 đầu năm nay và xa hơn là việc bắt giữ ông với lý do ông đang ở trong phòng khách sạn với một cô gái và dưới sọt rác có 02 chiếc bao cao su đã qua sử dụng khiến tất cả chúng ta bất bình, nhiều người phẫn nộ. Đây, bản khai của cô gái ấy, ở đây (bấm).

Và kể từ đấy, internet đã truyền đi không biết bao nhiêu tin bài, hình ảnh, video...về ông và về vụ án. Trước đó, ít người biết đến ông. Sau rồi càng ngày càng nhiều người biết đến ông. Họ tìm đọc đủ bộ các bài viết và trả lời PV của ông để rồi tự suy ngẫm trong chồng chất những giằng co trong tâm tưởng. Trước, ít người gửi trọn niềm tin nơi ông. Sau rồi, cứ như dây buộc vào, càng có nhiều người tin vào ông hơn.

Và đây, trang Anh Ba Sàm công bố bản ghi âmTướng Nguyễn Trọng Vĩnh thuật lại cuộc trao đổi với cựu lãnh đạo Công an về TS Cù Huy Hà Vũ. 

Chập tối nay, TTX Việt Nam cũng đã đăng tin: Ngày 2/8, xét xử phúc thẩm bị cáo Cù Huy Hà Vũ (TTXVN).

ABS thông báo: Phiên tòa xử TS Cù Huy Hà Vũ sáng mai bắt đầu hồi 7h30′, chứ không phải là 8h30′. Cả 4 Luật sư đã nhận được thẻ vào dự. Gia đình TS CHHV/LS Dương Hà được 3 người dự.

23h26': Không biết giờ này, LS Nguyễn Thị Dương Hà đã đi nghỉ chưa? BBC đã chuyển tải ước mong của bà mong chồng được trắng án. Chắc không chỉ có bà Dương Hà mong vậy. Hai người chú, cô em gái và họ hàng 9 họ của TS Cù Huy Hà Vũ cũng mong chờ điều này!

0h37': Nhà văn Phạm Viết Đào cũng đang thao thức. Và như mọi lần, ông muốn "tiên tri" về phiên tòa ngày mai. Ông viết trên Blog: "Tôi tin ngày mai, Cù Huy Hà Vũ sẽ được thả tại tòa...".

"Sở dĩ tôi đưa ra sự giải đoán này là căn cứ vào việc Tòa đã cấp giấy chứng nhận bào chữa cho 4 luật sư, lại còn hào phóng gửi 3 giấy mời cho gia đình Cù Huy Hà Vũ…Với những động thái đó cho thấy, không khí dân chủ đã bắt đầu len lỏi vào phiên tòa này cho dù rất ít; Chỉ cần 1 % dân chủ trong tranh tụng tại tòa; 1 % sự minh bạch công khai với người dân về cung cách xét xử thôi thì chắc chắn bản cáo trạng trái pháp luật sẽ bị bác bỏ, Cù Huy Hà Vũ sẽ đàng hoàng ra khỏi phiên tòa…Chúng ta hãy chờ xem kết quả này vào ngày mai ?!".

Còn nhớ, trước cả năm trời, ông đã dự đoán đúng về người nắm giữ vị trí TBT, và nhiều chuyện khác. Mong rằng, lần này ông Đào lại đúng. 

0h57': Từ chiều Chủ nhật (31.07), nhà văn Trần Nhương đã gửi lời "Chúc Vũ minh mẫn để trình bày trước tòa và cầu mong các quan tòa công minh, sáng suốt xử công khai đàng hoàng theo luật pháp ưu việt của chế độ chúng ta".

01h05': Dạo quanh làng báo chí quốc doanh, thấy các báo cũng đã loan tin về phiên tòa phúc thẩm sẽ diễn ra sáng nay (sáng nay - vì đã sang ngày mới rồi). Này là VietNamnet. Này là Bi-net. Này là Tuổi Trẻ. Tất cả đều có dòng cuối cùng là TTX VN - một "siêu tòa soạn" ở Việt Nam. Riêng Thanh Niên, đến giờ này chưa thấy đưa. 

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh thì "tích hợp" được cả TTX VN lẫn TTO (Tuổi trẻ Online). 

01h28: Ngưng cập nhật tại đây. Việc tiếp nhận comments và đưa comments lên vẫn tiếp tục.



Đọc tiếp...

NHỮNG CUỐN SÁCH MỚI NHẤT TRÊN GIÁ

Lâm Khang thư viện vừa tiếp nhận các ấn phẩm quý báu
mà các tác giả, dịch giả và bạn bè gửi tặng. Chúng tôi chân thành cám ơn
và xin trân trọng giới thiệu với chư vị
.

Từ Văn Books tặng NXD & Trang Thanh Hiền

  Hai cuốn sách trên do TS Mai Thanh Sơn tặng chiều nay (1.8.2011)

 Chị Nguyễn Thị Hồng Ngát tặng. 

 DVD "Người con của Rồng"(về Lý Công Uẩn) do Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát tặng cu Moon.
Ngay lập tức anh cu đã gọi điện cảm ơn Bà Hồng Ngát và nói đây là bộ đĩa hay nhất mà Moon có.
(DVD này do bà Hồng Ngát chỉnh lý kịch bản)
Nguyễn Xuân Diện-Blog hân hoan giới thiệu cùng chư vị
Đọc tiếp...

TIN CỰC NÓNG: ĐẾN LƯỢT NHÀ THƠ BẰNG VIỆT ĐƯỢC AN NINH GHÉ THĂM

NHÀ THƠ BẰNG VIỆT ĐƯỢC AN NINH GHÉ THĂM

Nguyễn Trọng Tạo
.


Nhà thơ Bằng Việt

Tôi đang chuẩn bị đi ăn tối thì nhận được điện thoại của nhà thơ Bằng Việt. Ông thông báo cho tôi tin sốt dẻo: Sau khi câu nói của ông được tôi công bố trên mạng (Nếu không tha bổng cho Cù Huy Hà Vũ thì đấy là một sự ngu xuẩn), trưa nay 1.8.2011, ông được một đ/c an ninh của Bộ gọi điện xin gặp. Và hai người đã có cuộc trò chuyện thú vị bên những cốc bia.

Theo nhà thơ Bằng Việt thì anh an ninh hỏi có phải ông nói như thế không, ông khẳng định là ông đã nói như thế với tôi (Nguyễn Trọng Tạo), và không có gì phải cải chính cả. Và ông giải thích cho đ/c an ninh là vì sao ông đã phải dùng từ “ngu xuẩn”.

Dưới đây là 3 câu chuyện của ông nói với đ/c an ninh, và ông đồng ý cho ghi âm. Ông kể tóm tắt cho tôi như sau:

- Sách Cổ học tinh hoa có câu chuyện con chim mải bắt con sâu mà không biết phía sau đang có kẻ rình bắn mình. Mà chính người rình bắn cũng bị sương phủ ướt có thể bị cảm. Đó là tham cái lợi trước mắt mà quên cái hại sau lưng. Đó cũng là một cái ngu. Vậy việc bắt bỏ tù Cù Huy Hà Vũ mà không tập trung tranh thủ sự đồng tình dư luận thế giới về Biển Đông với nhiều hậu họa xâm lược thì cũng là một cái ngu vậy.

- Chuyện bắt và xử Cù Huy Hà Vũ chỉ vì tự do ngôn luận thì cũng chẳng khác gì chuyện “Lấy thúng úp voi”. Lấy thúng úp voi là một sự ngu.

- Cù Huy Hà Vũ là con của nhà cách mạng, nhà thơ nổi tiếng Huy Cận chứ có phải xa lạ gì đâu. Các đ/c lãnh đạo của ta không ai không biết điều đó. Và ai cũng biết chế độ đã cử CHHV đi học ở Pháp để thành một tiến sĩ luật. Nếu những ý kiến của anh ấy, cách làm của anh ấy chưa hợp thời thì hãy tranh luận, hoặc gặp riêng trao đổi thì chắc sẽ bảo lưu lại đã, có gì mà phải làm to chuyện như thế. Đó chẳng phải là một sự ngu hay sao.

Đ/c an ninh có nói: Như vậy tức là ông không đồng tình với các tuần tự tố tụng, luận tội và xử phiên sơ thẩm về CHHV?

Nhà thơ Bằng Việt cho biết, ông là người đã từng học luật ở Liên Xô (cũ) và ông cũng hiểu luật pháp, cho nên cách làm vội vàng và thiếu minh bạch của Tòa sơ thẩm là ông không đồng tình. Ông cũng cho biết, nhiều bạn học của ông thời đó cũng làm to trong các cơ quan pháp luật nhà nước như Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao Hà Mạnh Trí… Nếu như sự mong muốn của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sẽ mở thêm nhiều đại học nước ngoài tại Việt Nam, thì lúc đó cũng sẽ đào tạo ra nhiều CHHV, liệu chúng ta sẽ đối xử với họ như thế nào?

Được biết câu chuyện giữa nhà thơ Bằng Việt và đ/c an ninh kéo dài 1 giờ, rất văn minh, lịch sự. Và ông cũng đồng ý cho tôi công bố câu chuyện qua cuộc điện thoại này. 
Hà Nội, 1.8.2011

Đọc tiếp...

LÊ DŨNG TƯỜNG THUẬT BUỔI LÀM VIỆC VỚI CƠ QUAN ĐIỀU TRA

Chủ nhật, ngày 31 tháng bảy năm 2011

Làm việc với anh em số 7 Thiền Quang 


Đúng 9 giờ, theo như đã hẹn thì mình đã ra gặp anh Đáp - điều tra viên. 

Sau màn chào hỏi của những người đàn ông với nhau - ngoài anh Đáp còn có một em của phường ngồi đọc báo và nghe - thì hai bên thống nhất nội dung sẽ làm việc: theo đúng giấy mời đã gửi. 

Thứ nhất: mình xác nhận việc đã ký vào đơn gửi lãnh đạo Công an Hà nội. Đó chính là chữ ký của mình, mực xanh. Có một mẫu duy nhất, còn giải thích rõ là chữ ký đó nếu ra ngân hàng rút tiền lương không dùng thẻ thì phải ký đúng mới được. Mấy em ngân hàng còn làm " rắn" nguyên tắc kinh người cơ mà. 

Thứ hai : Nội dung cơ bản của đơn đã gửi cũng được mình đọc lại: một là yêu cầu lãnh đạo công an Hà nội trả lời trước công luận về cơ sở pháp lý nào đã cho phép công an và đám đeo băng đỏ dám đánh giật cờ, giật biểu ngữ, tóm mọi người biểu tình lên xe, chửi bậy, thả đoàn người ở công an Mỹ đình mà không hề có lãnh đạo hay nhân viên làm việc, lập biên bản về sự việc ?. Hai là : hành vi của Minh - an ninh Hoàn kiếm đạp vào mặt Đức - cựu chiến binh, đảng viên đang làm tại Bưu điện Hà nội - qua video quay được, có cả 3 công an áo xanh khiêng Đức như con lợn phải được lãnh đạo công an Hà nội điều tra, xử lý đúng pháp luật những nhân viên công lực đã vi phạm. 

Anh Đáp xác nhận lại nội dung này và ghi vào biên bản. 

Tuy nhiên, một số nội dung mà mình góp ý luôn với anh Đáp xoay quanh biên bản : theo tôi đây phải là mẫu biên bản làm việc, chứ không phải là biên bản ghi lời khai. Lời khai chỉ dành cho người vi phạm và có biên bản xác nhận vi phạm rồi. Anh Đáp không nói gì, tiếp tục ghi vào " biên bản ghi lời khai." 

Ngoài các nội dung làm việc : xác nhận đã ký đơn, xác nhận đã đi biểu tình ở tất cả các buổi, anh Đáp cẩn thận còn ghi rõ : tôi không viết đơn, chỉ ký, không gửi đi, không nói ra việc ai làm đơn... còn có các ghi chép thông tin về Bố, Mẹ, Chị và em của mình. Nhà đông con quá, những 5 người nên anh Đáp ghi hơi mỏi tay. Trong lúc ghi mình thấy cần góp ý với anh Đáp: anh có nghề ghi chép chuyên nghiệp nên chữ đẹp, tôi mà bảo cho viết như anh là chịu vì bỏ viết lâu rồi, chỉ gõ máy. Sao lãnh đạo không trang bị cho anh em máy tính để gõ rồi in xoẹt ra hai bản cho nhanh nhỉ?\

Ghi xong thì anh Đáp đưa cho mình đọc. OK. Tôi ký rồi, anh ký vào đây. Vâng, anh coppy cho tôi một bản và hai bên ký, tôi lưu lại một bản. Anh Đáp bảo nguyên tắc của an ninh là không được tiết lộ nội dung làm việc. Mình cũng nói luôn nguyên tắc của mình : tôi từng được đào tạo ISO từ năm 99, hàng năm tôi phải tuyển nhân sự cho cơ quan, phòng vấn, phổ biến các văn bản pháp luật cho anh em kỹ sư mới, họp hành cả tuần nên tôi phải chấp hành các nguyên tắc, qui đinh của pháp luật về văn bản, biên bản. Nếu anh không giao tôi một bản thì chỉ mình anh ký, anh có thể ghi rõ là tôi yêu cầu như vậy để lãnh đạo biết là anh đã đi làm việc với tôi hôm nay. Nếu bất kỳ lúc nào, bên công an cần tôi đến để làm việc về các nội dung này thì tôi sẵn sàng, chỉ cần thông báo trước để tôi sắp xếp lịch làm việc của mình.

Anh Đáp thấy vậy nên bảo em ngồi cùng phòng mời lãnh đạo phường lên, làm cái biên bản tiếp để anh Lê Anh Dũng - lãnh đạo công an Hà cầu ký làm chứng về các nội dung mình yêu cầu. 

Xong, rất vui vẻ và đơn giản, cả hai bên tôn trọng các nguyên tắc của nhau, tôn trọng pháp luật. Nếu tất cả công an đều tôn trọng pháp luật như anh Đáp và anh Dũng lãnh đạo phường Hà cầu như vậy thì chả có buổi làm việc hôm nay, chỉ vì mấy tay như Minh Hoàn kiếm và đám côn đồ kia nên mất bao thời gian của mình và cơ quan an ninh. Chưa nói đến hình ảnh của công an Việt nam bị bôi bẩn qua các hành vi coi thường Nhân dân, xúc phạm Nhân dân, coi thường pháp luật như thế. 

Xong về cái biên bản làm việc, anh em nói chuyện ngoài lề. Anh Đáp - chắc cũng lứa như mình - cũng hỏi : quê mình gốc Ứng hòa, quê anh Nhanh...vầng, nhà tôi với nhà anh Nhanh cách nhau quãng đồng, con cháu hai làng lấy nhau suốt í mà. Lãnh đạo an ninh Hà nội cũng nhiều anh em Ứng Hòa cả. 

Kết thúc buổi làm việc, anh em bắt tay nhau, mình cũng không quên nói là hy vọng lãnh đạo công an Hà nội sẽ sớm hoàn tất việc điều tra, xử lý sớm vụ này, lấy lại hình ảnh tốt đẹp của ngành và của anh em nhà mình trong ngành công an. 

Nguồn: Lê Dũng-Blog.


Lê Dũng tái bút:

1- Điều chưa hài lòng nhất là khi công an mời mình - Nhân dân - ra làm việc mà không có lấy một cốc nước, nói chuyện, ghi chép cả tiếng đồng hồ khô cả cổ. Trong khi ở mỗi cuộc họp giao ban tại công trình của mình chỉ 2 tiếng đã phải uống hết cả chai nước lọc.

Có lẽ cần yêu cầu nhà nước phải ghi rõ việc : cấp kinh phí để anh em mua nước uống khi mời hay làm việc với Dân trong bao nhiêu phút, nếu qua bữa thì duyệt cả xuất ăn là bao nhiêu. Đó là những bất cập của chính sách mà chúng ta cần phải khắc phục.

Chúng tôi chỉ làm cho doanh nghiệp, họp thì có nước uống, xong rồi đi ăn với nhau bữa cơm. Như thế công việc mới tốt vì muốn làm ăn với nhau được hay không thì phải nói chuyện, ca fe với nhau để hiểu nhau đã, sau đó mối nói đến chuyện hợp tác làm ăn. Phải không các bác ? 

2- Một sáng kiến giúp công an đỡ vất vả.

Qua việc được mời đi làm việc với anh em an ninh về việc xác nhận đã ký chữ ký của mình vào đơn gửi đi nơi này nơi kia thì tôi có một ý tưởng thế này :

Từ lần sau khi ký đơn hay ký gì đó thì làm một cái Video quay cảnh người ký đơn, nói trước ống kính sau đó ký vào đơn trong lúc máy quay tiếp tục quay.

Video này sau đó sẽ gửi cùng đơn có các chữ ký đến nơi cần gửi. Ví dụ gửi cho công an rồi thì không cần phải mất công đi xác minh lại người ký đơn. Như thế đỡ tốn công sức đi làm việc của anh em công an mà cũng đỡ đi nhều thời gian lãng phí của người ký đơn, tiện cả đôi đằng.

Còn nữa : chỉ có mỗi cái việc là xác nhận chữ ký mà cũng mất toi cả buổi sáng, phải kê khai cả thông tin về các Cụ nhà mình, anh chị em ruột : nào tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp , nói làm việc ... điều này là rất ngớ ngẩn vì những lý do sau :

- Khi tôi đã U50, có gia đình riêng, có hộ khẩu mà mình là chủ hộ. Việc tôi là do ai sinh ra, đang làm gì ở đâu thì đã có công an nơi các hộ kia họ quản lý. Mỗi người trong gia đình đều có gia đình giêng, đều là chủ hộ cả, vậy có cần thiết phải kê họ ra cho mất thì giờ ?

- Việc kê khai các thông tin cá nhân của người được mời trong buổi làm việc cũng là thừa. Vì khi anh đi làm việc, anh mời ai thì anh đến phường nơi người kia bị quản lý khẩu là có đủ hết thông tin cả hộ người ta rồi, công an khu vực phải cấp thông tin cho anh em trên đội của Thành phố để ghi vào. Buổi làm việc chỉ đơn giản với nội dung chính theo giấy mời thôi, rất nhanh và đỡ mất thời gian của cả hai bên.

Đây chính là những bất cập của một nền hành chính đã quá lạc hậu, không còn phù hợp nữa, cần có những quyết sách quan trọng để tiến tới văn minh và phát triển kịp thời đại. Cái gọi là Chính phủ điện tử nó hay ở chỗ đó, chỉ click chuột vào một cái là tất cả các thông tin về cá nhân đều được hiện ra, in ra nếu cơ quan chức năng có quyền. Nếu chúng ta làm được như vậy thì sẽ tiết kiệm được nhiều tấn giấy lộn chỉ vì dùng để viết biên bản, chép lại thông tin của cá nhân có sẵn trên mạng ngoài việc đã có sẵn trong sổ hộ khẩu rồi.

Tuy nhiên, nếu Chính phủ điện tử thành công thì lương hay tiền phải được chuyển qua tài khoản, nếu tiền biếu xén như dịp Tết hay lễ thì làm sao ? ừ nhỉ.


TIN BÊN LỀ:
1- Được biết các anh an ninh cũng đã đến thăm cô bé quàng khăn đỏ tham gia biểu tình yêu nước tại Hồ Gươm hôm 24.07.2011. Hiện chúng tôi chưa biết gì thêm về việc cô bé có bị dọa đuổi học hay không. Nhưng nếu cô bé này bị đe dọa đuổi học, thì tôi - Nguyễn Xuân Diện sẽ đến tận nhà Anh Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để trò chuyện với anh về chuyện này.

2- Sáng nay, Nguyễn Văn Phương cho biết, anh em an ninh thấy tên "Nguyễn Văn Phương" trong bản Kiến nghị được tham dự phiên tòa phúc thẩm vụ án Cù Huy Hà Vũ vào sáng mai (2.8.2011), nên đã trực tiếp đến gặp Anh Phương để hỏi về việc này.

Giời ạ! Người kia là Nguyễn Văn Phượng. Chữ ký của Anh Nguyễn Văn Phương, tôi tưởng bên an ninh phải thuộc từng nét đậm nhạt rồi chứ!
 
Đọc tiếp...

LỄ KHAI ẤN ĐỀN TRẦN: LINH THIÊNG HAY LỪA LỌC?


L Khai n đn Trn: Linh thiêng hay la lc ?
Trọng Thành (RFI)

RFI: Xin thân chào nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện, như anh biết, tại Việt Nam hiện nay, có một cuộc tranh luận xung quanh lĩnh vực tín ngưỡng và lễ hội, liên quan đến vấn đề «Phát ấn đền Trần», Phát ấn tại đền Trần Nam Định. Vấn đề này gây ra tranh cãi nhiều trên báo chí Việt Nam, cũng như là trong xã hội. Anh có thể cho biết, vì sao việc Phát ấn đền Trần, một hoạt động thuộc về văn hóa, lễ hội cũng như tín ngưỡng truyền thống mà lại trở thành một chủ đề gây nhiều tranh luận tại Việt Nam trong thời gian gần đây, cũng như vài năm trở lại đây ?

Nguyễn Xuân Diện: Thưa anh, sở dĩ có điều này, vì lễ Khai ấn đền Trần hàng năm đã gây ra lộn xộn, mất trật tự an ninh trong đêm 14 tháng Giêng. Và các nhà nghiên cứu thấy rằng, việc biến một lễ hội, từ một lễ hội nhỏ bé vùng Nam Định (phường Lộc Vượng) trở thành một lễ hội mang tính chất quốc gia, với sự tham gia của nhiều quan chức cao cấp của chính phủ, của Nhà nước, điều này khiến dư luận rất bức xúc. Một điều nữa là, các nhà nghiên cứu cho rằng, việc triển khai lễ Khai ấn đền Trần rầm rộ, không dựa theo một chứng cứ lịch sử nào, thì đó là một sự xuyên tạc nghiêm trọng đối với lịch sử nước nhà.

Về phía tôi, thì tôi thấy rằng là lễ hội đền Trần nói chung, và lễ hội Khai ấn đền Trần nói riêng, là một hoạt động đã xa rời lịch sử, Nhà nước đã tự đánh mất đi cái vai trò của mình trong việc giáo dục truyền thống, về những trang sử vẻ vang hào hùng của đời nhà Trần. Đó là thời đại «thượng mã đề thương, hạ mã đề thi», là tinh thần của hào khí Đông A, là tinh thần của «hòa quang đồng trần». Thì tất cả những điều này đã không được tuyên truyền ở lễ hội đó.

Người ta nhìn vào lễ hội đền Trần chỉ thấy một sự lộn xộn, một sự quảng bá cho một niềm tin mê lầm, rằng ấn đền Trần có thể mang lại cho người ta sự thăng quan tiến chức.

RFI: Thưa anh, vậy nguồn gốc từ đâu mà lễ Phát ấn đền Trần lại được tổ chức tổ chức như thế này ?

Nguyễn Xuân Diện: Ở đây tôi phải nói lại rằng là, sở dĩ lễ hội đền Trần đã được các cơ quan văn hóa, cũng như tỉnh Nam Định muốn biến nó thành một lễ hội quốc gia, thì nguyên nhân là do sự đặt hàng của tỉnh Nam Định đối với Viện nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật, tức là một viện chiến lược của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (Bộ VH, TT & DL), mặc dù đó chỉ là một lễ hội nhỏ bé thuộc một vùng ngoại vi thành phố Nam Định.

Cho đến nay các nhà nghiên cứu đã không xuất trình được một tài liệu nào để nói rằng lễ Khai ấn đền Trần là một lễ lớn và đã được chính sử ghi chép. Thực ra nó chỉ là một lễ hội, mà trong đêm 14, cái cụ thủ từ ở đền Trần đó đóng 9 cái ấn vào 9 tấm vải hoặc miếng giấy vàng để phát cho 9 điện thờ ở xung quanh đó. Đấy chỉ là một cái ấn tín mang tính chất tôn giáo, mà ở đây mang tính Đạo giáo (hay Lão giáo). Cái ấn này chỉ là một cái ấn để trừ tà ma thôi, thế nhưng không hiểu vì lý do gì, mà Viện Văn hóa Nghệ thuật và ngành Văn hóa tỉnh Nam Định đã biến nó thành một lễ Khai ấn được tiến hành ở triều đình sau những ngày nghỉ lễ tết.

Và hình như tỉnh Nam Định và Viện Văn hóa Nghệ thuật vẫn muốn lễ này được tiến hành rầm rộ như những năm trước, cho nên người ta đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo và thực chất là để hợp pháp hóa, «nhà nước hóa», «hành chính hóa» một lễ hội mang tính tâm linh tôn giáo như thế. Tôi thấy rằng cái ý chí ấy của các nhà nghiên cứu ở Viện Văn hóa Nghệ thuật, cũng như Sở Văn hóa tỉnh Nam Định, hay tỉnh Nam Định là một điều mà chắc chắn, hoặc đã từng vấp phải sự phản đối kịch liệt của các nhà nghiên cứu, ví dụ như giáo sư tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc ở Viện Việt Nam học và phát triển, tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên ở Viện Khảo cổ học, rồi giáo sư Nguyễn Văn Huy, nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, hay giáo sư tiến sĩ Ngô Đức Thịnh, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tín ngưỡng và Văn hóa Việt Nam,… Đấy là bối cảnh chung của các cuộc tranh luận gần đây.

RFI: Thưa anh, vậy thì, theo anh ở Việt Nam có những giải pháp nào đã và đang được đề ra để thoát ra khỏi tình trạng mâu thuẫn và tạm gọi là bế tắc hiện nay?

Nguyễn Xuân Diện: Các nhà nghiên cứu ở Viện Văn hóa Nghệ thuật, tức Viện chiến lược của Bộ Văn hóa thì vẫn muốn tiến hành cái lễ Phát ấn này. Nhưng tôi, tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên, rồi tiến sĩ Lê Thị Minh Lý là Phó Cục trưởng Cục Di sản, rồi tiến sĩ Trần Chiến Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ VH, TT & DL và nhiều người khác nữa thì cho rằng: bây giờ những cái gì của dân gian thì phải trả về cho dân gian, quy mô của nó như thế nào thì phải trở về như cũ, và tiến hành theo đúng nghi lễ truyền thống ngày xưa.

RFI: Anh có nói đến chuyện trả cái nghi lễ này về văn hóa dân gian của địa phương, thì điều này cụ thể là gì ?

Nguyễn Xuân Diện: Cụ thể là chúng tôi cho rằng, vẫn nên duy trì lễ hội Phát ấn đền Trần, nhưng nó chỉ là một nghi lễ trong làng, và nó không được thổi phồng, nâng cấp lên thành lễ hội quốc gia. Đêm 14 thì cụ thủ từ lấy ấn và tiến hành đóng 9 cái ấn và phát cho 9 ngôi đền xung quanh để thờ cúng. Không phát ấn cho bất cứ người nào, và toàn bộ cái lễ này chỉ tiến hành trong nửa đêm ngày 14 như thế thôi. Chứ không phát ấn hay bán ấn.

RFI: Quan điểm của Bộ trưởng Bộ VH, TT & DL đưa ra đầu năm nay là không phát ấn vào đêm 14 tại đền Trần vì lý do an ninh, và để mở ra khả năng hoặc không phát hẳn hoặc phát vào những ngày tiếp theo. Vậy ý kiến của anh ra sao về quan điểm của ông bộ trưởng?

Nguyễn Xuân Diện: Quan điểm của tôi trước sau như một, tức là đúng giờ Tý, tức nửa đêm 14 rạng ngày 15 sẽ có lễ đóng ấn. Chỉ đóng 9 ấn và phát 9 cái mà thôi. Tại Hội thảo, tôi nói rằng, tỉnh Nam Định nên công bố trên báo chí ngay sau Tết. Như vậy mới có thể làm cho người ta hiểu đúng về cái lễ hội đền Trần nói chung và việc đóng ấn và phát ấn nói riêng.

Chúng tôi cũng không nên «duy ý chí» trong việc không đóng ấn trong đêm 14 để bảo đảm vấn đề an ninh. Vấn đề an ninh là của các cơ quan an ninh. Còn vấn đề văn hóa tâm linh là vấn đề của cộng đồng. Ở đây chúng ta phải tách bạch hai vấn đề này với nhau. Một khi tỉnh Nam Định công bố rằng «chúng tôi» sẽ đóng ấn vào đúng giờ Tý và sẽ chỉ phát 9 cái ấn xung quanh đền, thì an ninh không còn trở thành vấn nạn như mọi năm nữa, vì người ta sẽ không đến nữa.

RFI: Thưa anh, giải pháp mà anh đề ra tức là trung thành với lịch sử, thế nhưng có những người lại cho rằng, cái văn hóa cũng có lúc chuyển đổi và khi mà văn hóa chuyển đối, chuyển đối và trở nên thu hút hơn, mà mình lại dùng một cái mệnh lệnh từ cấp trên ban xuống không cho phép làm như vậy, thì phải chăng đấy cũng là một cách hành chính hóa, nhà nước hóa đối với một hoạt động văn hóa của xã hội theo một cách khác?

Nguyễn Xuân Diện: Hoàn toàn không phải như vậy, ngay ở trong Hội thảo mà tôi vừa tham gia (đây là hội thảo được tổ chức vào ngày 19/7/2011 tại Nam Định do chính quyền tỉnh Nam Định và Viện Văn hóa Nghệ thuật thuộc Bộ VH, TT & DL phối hợp tổ chức), trước ý kiến đề nghị đóng ấn và phát ấn vào những ngày rải rác sau đó, thì cái cụ thủ từ, cũng như ông đại diện gia tộc Trần ở Nam Định, cũng nói rằng chúng tôi không tán thành điều này, chúng tôi muốn cái nghi lễ linh thiêng này được diễn ra vào lúc nửa đêm ngày 14.

Ở đây tôi muốn nói thêm, hội thảo 19/7 vừa rồi là để bàn về mô hình lễ hội đền Trần nói chung vào năm 2012. Trong hội thảo này tôi đã phát biểu và tôi phê bình những người lập dự án đó là: bất cứ lễ hội nào, một khi có nhà nước «dúng» vào, tức là muốn nâng cấp thành lễ hội thành cấp vùng, cấp tỉnh hay quốc gia, thì phải có một «trục tư tuởng» xuyên suốt trong lễ hội đó. Thì ở đây, có nghĩa là phải tuyên truyền được cái hào khí Đông A, cái tinh thần thượng võ và cái tinh thần khai phóng, thế nhưng rất là tiếc rằng trong bản đề án lễ hội không có gì nhắc đến chuyện này. Vậy thì, bản thân cái việc đó chứng minh rằng Viện Văn hóa Nghệ thuật không hiểu gì về công việc mình đang làm.

Điểm thứ hai là đề xuất của Viện Văn hóa Nghệ thuật đặt tiêu đề hội thảo là «Mô hình lễ hội đền Trần» nói chung, thế nhưng cả đề án lại chỉ chăm chăm vào việc Phát ấn và đóng ấn, mà bỏ quên tất cả các chuyện khác. Như vậy, tôi thấy rằng, một khi nhà nước muốn «bao» cái lễ hội này, thì phải làm một cách đúng đắn, phải có cơ sở khoa học, phải có lớp lang, chứ không phải tùy tiện, như Viện Văn hóa Nghệ thuật đang muốn làm bây giờ.

RFI: Nếu như một giải pháp sang năm được thực thi, trong đó chính quyền đầu tư mở rộng diện tích nơi lễ hội, khiến lễ hội trở nên lớn hơn, to hơn, và ấn phát một cách dễ dàng hơn, mà lại tổ chức vào ngày giờ được cộng đồng tín ngưỡng địa phương mong muốn, thì phải chăng giải pháp tổng hợp như vậy sẽ thỏa mãn được nhiều ý kiến khác biệt, đúng không ạ?

Nguyễn Xuân Diện: Về chuyện thỏa mãn số đông, trong hội thảo vừa rồi, ông Đặng Văn Bài - phó giáo sư tiến sĩ -, đã đưa ra ý kiến rằng nhân dân mong muốn gì, chính quyền sẽ đáp ứng điều đó, nhân dân muốn có ấn, chính quyền sẽ cung cấp. Tôi cho rằng đây là một phát biểu thiếu trách nhiệm và duy ý chí. Không phải bất cứ điều gì mà nhân dân mong muốn, nhất là vấn đề tín ngưỡng, thì chính quyền cũng có thể đáp ứng, bởi vì vai trò của chính quyền là phải định hướng cho nhân dân, phải dẫn dắt nhân dân đến những điều tốt đẹp. Nếu như lễ hội đền Trần mà chính quyền thổi được vào đó cái hồn của hào khí Đông A, tinh thần thượng võ, tinh thần khai phóng, những cái điểm tốt đẹp nhất của đời Trần, thì chắc chắn sẽ được ủng hộ.

Ngược lại, ở đây tôi xin nói luôn: nếu lễ hội đền Trần có trọng tâm là lễ Khai ấn, mà trong lễ Khai ấn lại khuyến khích chuyện thăng quan, tiến chức, lợi lộc, quyền hành thì tôi cho rằng đấy là một việc rất không nên. Và nếu như chính quyền của tỉnh Nam Định dẫn dắt địa phương mình, cũng như dẫn dắt những người muốn đến dự đền Trần theo kiểu như thế, thì tôi cho rằng đấy thật là một điều vô cùng lầm lạc.

RFI: Thưa anh, xin được hỏi anh một câu cuối: quan điểm của anh về chuyện «phát ấn đền Trần» là phải giữ nguyên truyền thống, nhưng lại có một quan điểm khác cho rằng trong xã hội hiện đại hiện nay, một xã hội mở, thay đổi và có thể nói là dân chủ, thì cái chuyện chuyển hóa, cải tiến cái truyền thống có thể xảy ra. Và nhiều chuyên gia nghiên cứu về di sản văn hóa phi vật thể, họ cũng ủng hộ một cái nhìn «động» cho rằng, các truyền thống có thể thay đổi và có thể cải biên. Vậy ý kiến anh về chuyện này như thế nào ?

Nguyễn Xuân Diện: Tôi hiểu rằng truyền thống, các giá trị văn hóa vẫn được tiếp nối, vẫn được bổ sung qua các hoàn cảnh, cũng những thời kỳ lịch sử, thế nhưng trong chuyện này, cái điều gọi là phát huy hay cập nhật nó phải diễn ra trong một không gian và bối cảnh chung, đó là lễ hội đền Trần, tức là phải mở rộng lễ hội lớn hơn, đầy đủ hơn, có trục tư tưởng rõ ràng, có mục đích giáo dục truyền thống rõ ràng, thì điều đó chúng tôi rất khuyến khích. 

Tất nhiên, trong lễ hội đền Trần nói chung, nghi lễ Phát ấn là hạt nhân, nhưng chính vì nó là hạt nhân mà phải cần giữ gìn nó đúng như truyền thống. Ở đây yếu tố Khai ấn và Phát ấn phải là yếu tố "tĩnh" trong một cái "động" là toàn bộ lễ hội đền Trần sẽ diễn ra trong nhiều ngày trong dịp rằm tháng Giêng, nếu là như vậy thì tôi rất tán thành.

RFI: Ban Việt ngữ RFI xin chân thành tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn hôm nay.

Nguồn: RFI Tiếng Việt.
Mời chư vị nghe âm thanh của cuộc phỏng vấn
(tôi nghĩ rằng đây là bài trả lời được nhất của tôi, cho đến nay)
.
Đọc tiếp...

SAU BA NĂM HÓA RỒNG - thơ Trần Vũ Long


Sau ba năm hóa rồng 
Trần Vũ Long

Ừ nhỉ đã ba năm rồi đấy
quê mình hoá thế đất rồng
người ta bảo tiềm năng đang trỗi dậy
dân nghèo mở mặt sướng không
 
Ừ nhỉ đã ba năm rồi đấy
bao gái quê ra tỉnh được mấy mùa
ruộng không cấy lo chi cứ để vậy
dự án lâu dài chớ vội ăn thua
 
Trai xóm dưới xóm trên tụ lại
cũng mấy mùa sát phạt đỏ đen
mấy mùa chất ngất cơn men
chờ quê mình đến ngày hiện đại
 
Hiện đại hoá nghĩa là bê tông hoá
ta xót thương mấy bụi tre già
nhà xây mới mái tôn nắng loá
hết tiền đền bù mẹ lo đến niêu cơm
 
Ừ nhỉ đã ba năm rồi đấy
 
T.V.L
Đọc tiếp...

TẠI SAO TÔI KÝ KIẾN NGHỊ TRẢ TỰ DO CHO CÔNG DÂN CÙ HUY HÀ VŨ?

TẠI SAO TÔI KÝ KIẾN NGHỊ TRẢ TỰ DO CHO CÔNG DÂN CÙ HUY HÀ VŨ?

 Nguyễn Trọng Tạo 

Chưa rõ Kiến nghị trả tự do cho CHHV với 2000 chữ ký của các tướng lĩnh, nhân sĩ, trí thức và những người dân quan tâm đến vụ án CHHV sẽ có tác động gì đến phiên xử phúc thẩm vào ngày 2/8/2011 hay không, nhưng đây là một luồng ý kiến không thể bỏ qua ở một đất nước mà luôn tuyên bố là chế độ bảo đảm Tự do – Dân chủ. 

Tôi là người cũng đã ký tên vào bản kiến nghị này (số thứ 51), bởi tôi hiểu rõ vì sao tôi lại ký tên vào đó.

Sau khi danh sách được công bố trên trang BoxitVN, một cán bộ an ninh thân quen điện thoại hỏi tôi:

- Anh có ký tên vào Kiến nghị không?
- Có chứ.
- Ôi anh của em, anh ký vào đó làm gì?
- Anh muốn vụ án CHHV được minh bạch, đàng hoàng chứ không thể luộm thuộm như nó đã xảy ra.
- Vậy theo anh thì nó có gì khuất tất không?…

Chúng tôi đã trao đổi với nhau, và chú em của tôi vui vẻ nói:
- Vâng, em tôn trọng ý kiến của anh.

***
Ý kiến của tôi là:
Một là: Tại sao một vụ án “tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” lại khởi đầu bằng 2 bao cao su đã sử dụng? Đây là một kịch bản vụng về, gậy dị nghị về cung cách “làm án” của lực lượng CA vốn rất nhiều thành tích chống tội phạm. Vậy mà không hề được giải thích cho toàn dân ta và thế giới biết.

Hai là: Các ý kiến và khiếu kiện của CHHV là hoàn toàn công khai nhằm tác động đến Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Cho dù những ý kiến đó có cái đúng, cái sai thì vẫn cần được tiếp thu, trao đổi, vì đây là ý kiến và khiếu kiện của một công dân đặc biệt – một công dân trí thức am hiểu luật pháp. Phải nói, CHHV có nhiều ý kiến sắc sảo giàu tính dự báo và gợi mở, đặc biệt là thư gửi nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh về vấn đề quan hệ Việt – Trung.

Ba là: CHHV là con của một công thần, 2 nhà thơ nổi tiếng Huy Cận và (cha nuôi) Xuân Diệu, lại được tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của đất nước như Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Anh, Nông Đức Mạnh, v.v… Đó không phải là lý do tiên quyết để bảo đảm cho thân nhân, nhưng đó là một điểm mạnh mà không phải ai cũng có trong việc tiếp thu truyền thống yêu nước và tri thức.

Bốn là: Vụ án xử sơ thẩm vội vàng và phức tạp đã gây ra sự bất tín về sự minh bạch và công bằng cho một vụ xử án, ảnh hưởng không nhỏ đến dư luận trong nước và thế giới, đến nỗi GS Ngô Bảo Châu đã khái quát: “Không thể bảo vệ chế độ bằng sự sợ hãi”.

Vì vậy, việc xử phúc thẩm vụ án CHHV phải làm rõ công tội để mọi người dân có thể “đồng thuận” được.

Mục đích chính của bản kiến nghị là đề nghị “trả tự do cho công dân CHHV”, điều đó không có gì đi ngược với chân lý và sự phát triến dân chủ trong xã hội Việt Nam.

***
Trước đây mấy ngày, sau khi dự lễ phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Nhà văn Sơn Tùng, tôi và Nhà thơ Bằng Việt ngồi uống bia với nhau. Câu chuyện thế nào lại dẫn đến vụ Cù Huy Hà Vũ và “cú đạp lịch sử” của một cán bộ an ninh đạp vào mặt người dân biểu tình vừa qua. Cũng xin nói thêm, Nhà thơ Bằng Việt từng học luật ở Liên Xô (cũ), nguyên thành ủy viên kiêm Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội và hiện đang tiếp tục giữ chức Chủ tịch Liện hiệp VHNT Hà Nội, ông là một người hiền lành và chín chắn, một trí thức tiêu biểu từng được chọn tham gia đoàn trí thức chúc mừng đại hội Đảng vừa rồi. Tôi phải kể ra dài dòng thế vì tôi khá bất ngờ về ý kiến của ông trước 2 sự kiện trên. Ông nói:
- Nếu không tha bổng cho Cù Huy Hà Vũ thì đấy là một sự ngu xuẩn.

Tôi thấy ông dùng 2 từ “ngu xuẩn” hơi nặng, nhưng ông bảo:

- Ngu xuẩn, không thể dùng chữ nào khác – Và ông nói tiếp – Ngay cả việc tay CA đạp vào mặt người biểu tình, nếu lãnh đạo không xin lỗi dân thì cũng là ngu xuẩn.

Tôi im lặng nhìn vào vỏ chai bia trên bàn. Vẫn chỉ 2 chai Ken chưa hết. Thì ra không phải bia nói (vì bia lượng của ông không thấp như thế). Bằng Việt đã nói lên sự hiểu biết và ngẫm ngợi của mình.

Tôi tự hỏi, tại sao một nhà trí thức, một ông quan đương chức, một nhà thơ nổi tiếng như Bằng Việt lại phải nói lên tiếng nói lương tâm của chính mình như thế. Và tôi hiểu đó là Sự Thật.

Còn các ngài, các ngài nghĩ sao?…
Hà Nội, 30.7.2011

Ảnh: 1- Nhà thơ Huy Cận và Cù Huy Hà Vũ; 2- Nhà thơ Bằng Việt
Nguồn: Nguyễn Trọng Tạo -Blog và Anh Ba Sàm.
Đọc tiếp...

KIẾN NGHỊ ĐƯỢC THAM DỰ PHIÊN TÒA PHÚC THẨM VỤ ÁN CÙ HUY HÀ VŨ


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------*------
Hà Nội, ngày 25 tháng 07 năm 2011

Kính gửi:   Ông Trương Hòa Bình,
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC)
Đồng kính gửi Ông Chánh Tòa phúc thẩm – TANDTC tại Hà Nội

Chúng tôi là những công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hết sức quan tâm đến phiên xử phúc thẩm vụ án Cù Huy Hà Vũ, được biết sẽ tiến hành vào ngày 2-8-2011 sắp tới;

Căn cứ theo quy định tại điều 18 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: “Việc xét xử của Tòa án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do bộ luật này quy định”;

Chúng tôi Đề nghị các Quý Ông cho tất cả những ai quan tâm đến vụ án như chúng tôi đều được tham dự phiên tòa này.

Chúng tôi không phải là những người có nghĩa vụ phải tham gia phiên tòa, mà chỉ là những người muốn thực hiện quyền tham dự phiên tòa (theo quy định nêu trên) nên không cần giấy triệu tập hay giấy mời của Tòa án. Chúng tôi chỉ mong muốn thực hiện quyền tham dự phiên tòa của công dân để tham gia giám sát hoạt động xét xử và thông qua đây cũng để được giáo dục thêm về pháp luật.

Trong điều kiện Tòa án không đủ chỗ ngồi, xin quý Tòa cho mắc loa và truyền hình ra trước sân Tòa án để những ai không vào được trong phòng xử vẫn có thể nghe tranh tụng giữa bị cáo, Luật sư và Biện lý cũng như kết luận của quý Tòa.

Rút kinh nghiệm về phiên xử sơ thẩm để lại quá nhiều tai tiếng trong ngày 4-4 vừa qua, chúng tôi khẩn thiết đề nghị quý Tòa không sử dụng lực lượng chức năng quá quy định, nhằm dùng lực lượng này vây bọc nhiều lớp xung quanh Tòa án, cản trở quyền tham dự của công dân, thậm chí bắt bớ nhân dân đến tham dự trái pháp luật. Đó là những hành vi đối phó vi Hiến, vi phạm nguyên tắc công khai xét xử của Tòa án, ảnh hưởng xấu đến uy tín của các cơ quan pháp luật Việt Nam trước nhân dân Việt Nam và công luận quốc tế, trái với luật pháp dân chủ của nước ta.

Kính mong các Quý Ông chấp thuận lời đề nghị chân thành của chúng tôi

Những người đề nghị:
Nguyễn Huệ Chi
Phạm Toàn
Nguyễn Xuân Diện
Trần Nhương
Hoàng Cường
Nguyễn Phú Hải
Lê Dũng
Vũ Khởi Phụng
Nguyễn Văn Phượng
Nguyễn Văn Lý
Nguyễn Mạnh Thường
Trần Văn Thủy
Võ Thị Hảo
Nguyễn Trung Chính
Phạm Hồng Sơn
Sơn Hà – CCB
Trần Thế Thắng – Công nhân hàn nối cáp quang
Nguyễn Văn Tuyến – Tiền khởi nghĩa, Đại tá, CCB
Nguyễn Trọng Vĩnh – Lão thành cách mạng
Trần Đức Quế - Cán bộ hưu trí (xin cho dự để xem đúng sai ra sao)
Nguyễn Tiến Nam
Đặng Bích Phượng
Trịnh Hữu Long
Bùi Thị Minh Hằng
Bùi Khải
Đọc tiếp...

RFI ĐƯA TIN VỀ VIỆC HÀ NỘI NGƯNG BIỂU TÌNH

Người dân Hà Nội tạm ngưng biểu tình phản đối Trung Quốc

Thụy My
Hôm nay, 31/07/2011, là chủ nhật đầu tiên kể từ tám tuần qua, người dân Hà Nội không xuống đường phản đối những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Sau tám tuần lễ biểu tình liên tiếp, các nhân sĩ trí thức đã từng kêu gọi tham gia biểu tình, nay đề nghị tạm nghỉ chủ nhật này. Bên cạnh đó, trận bão số 3, tức bão Nock-ten, gây mưa lớn tại Hà Nội cũng là một nguyên nhân.
Trên blog của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, nơi vẫn thường tường thuật trực tiếp các cuộc xuống đường, viết : «Cuộc biểu tình yêu nước và tưởng niệm các liệt sĩ đã bỏ mình vì Tổ Quốc diễn ra sáng chủ nhật 24/7 đã thành công. Để mọi người (trong đó có các lực lượng an ninh) cùng được nghỉ ngơi, thư giãn, chủ nhật tuần này (31/07), các nhân sĩ trí thức không tham gia biểu tình (trừ trường hợp Trung Quốc tiếp tục gây hấn)».

Thông báo còn mời những người dân đã tham gia các cuộc xuống đường trước đây cùng đến gặp gỡ tại một quán cà phê ở Hà Nội.

Cuộc biểu tình vào chủ nhật tuần trước tại Hà Nội đã thu hút ít nhất 300 người tham gia, và diễn ra một cách êm thấm. Trước đó, cuộc xuống đường phản đối Trung Quốc ngày 17/07 đã bị đàn áp khá thô bạo. Hình ảnh một người biểu tình bị một nhân viên công an mặc thường phục đạp vào mặt trong lúc đang bị bốn công an khiêng lên xe buýt, đã gây phẫn nộ trong cộng đồng. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân khiến số người biểu tình ngày 24/07 đông hơn hẳn, và chính quyền đã có nới tay hơn.

Một điểm đáng chú ý nữa là trong cuộc biểu tình chủ nhật 24/7, nhân kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ của Việt Nam, lần đầu tiên xuất hiện những biểu ngữ tưởng nhớ các binh sĩ quân đội Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong trận hải chiến năm 1974 khi Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa. Sự kiện này đã gây xúc động cho nhiều người. Giáo sư chuyên ngành nguyên tử Phạm Duy Hiển tham gia biểu tình hôm đó, được phát một tờ giấy A3 ghi tên một binh sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh ngày 17/01/1974 tại Hoàng Sa, sau đó đã ghi lại tâm sự : « Anh là ai, đồng đội của anh hôm ấy có những ai, mà sao đến tận bây giờ, một người Việt Nam có học như tôi mới biết ? ».

Qua điện thoại viễn liên, một sinh viên ở Hà Nội cho RFI biết vì sao anh không đi biểu tình ngày hôm nay:

- Sáng nay theo trên blog của tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện thì mọi người hôm nay nghỉ, để cho các bác già yếu sau nhiều tuần liên tiếp được nghỉ ngơi. Với lại hôm nay mọi người tuy không đi nhưng họp mặt nhau ở quán cà phê 36b Điện Biên Phủ đấy ạ. Rất tiếc là em bận, em không đi được. Ở Việt Nam thì hôm nay bão về nên ở Hà Nội trời mưa rất là to, em nghĩ đấy cũng là một lý do khiến mọi người không đi biểu tình.

RFI: Nhưng hình như ở khu vực gần đại sứ quán Trung Quốc cũng vẫn tiếp tục giăng dây để bảng cấm ?

- Ở đấy thì Chủ nhật hàng tuần đều bị cấm, nên chắc việc giăng dây là có đấy ạ.

RFI: Tạm nghỉ tuần này thì tuần tới bạn có đi nữa không ?

- Dạ có chứ !

RFI: Vì sao bạn đi biểu tình?

- Đó là vì hành động gây hấn quá hỗn xược của Trung Quốc nên em muốn bày tỏ thái độ của mình, của người dân, muốn nói lên lòng yêu nước của mình, chủ quyền Hoàng Sa Trường Sa của mình với toàn thể người dân trên thế giới để họ biết. Chứ những hành động ngoại giao của Việt Nam chỉ mang tính hình thức, không đủ sức nặng để nói với Trung Quốc. Theo em nghĩ, tiếng nói của người dân sẽ mạnh mẽ hơn tiếng nói của chính phủ. 

RFI: Bạn có bao giờ bị bắt chưa ?

- Dạ, bị bắt một lần vào ngày 10/7. Hôm ấy khoảng tám giờ rưỡi, cuộc biểu tình diễn ra được một lúc, độ khoảng mươi, mười lăm phút, mươi phút thôi, vừa mới đi được vài bước chân thì công an nhảy vào bắt một anh. Thế là em cũng xông vào để giải cứu cho anh đấy. Nhưng một lúc sau thì có một chiếc xe buýt tới, thế là công an họ nhảy vào, họ bắt tất, tống lên buýt rồi đưa về trụ sở công an Mỹ Đình.

RFI: Như vậy mà bạn vẫn không ngại đi biểu tình những lần tới ?

- Theo em nghĩ, đấy là quyền của công dân. Đây là quyền cơ bản của công dân, việc mình thực hiện quyền cơ bản của một con người thì chắc chắn điều đó là theo đúng Hiến pháp, mình không phải sợ gì cả !

RFI: Đối với nhà trường thì bạn có gặp rắc rối gì không khi tham gia các cuộc biểu tình như vậy ?
- Có một ít rắc rối, do công an đưa giấy về trường, nên nhà trường có gọi em lên một chút để nói chuyện. Nhà trường muốn yêu cầu em không đi biểu tình nữa, muốn em ký vào biên bản, trong đó ghi ý kiến của các thầy là đã bảo em không nên đi biểu tình. Còn em nói là em không đồng ý với ý kiến đó. Các thầy muốn em ký vào nhưng em không ký ! Các thầy quy vào điều 43 trong quy chế, nếu gây ảnh hưởng xấu đến nhà trường thì trường có quyền buộc thôi học. Em có biết đâu, hôm ấy các thầy dọa thế thì em mới biết cái luật ấy chị ạ. Em đi biểu tình thể hiện lòng yêu nước, nhà trường nói đấy là gây ảnh hưởng xấu đến nhà trường !

RFI: Rất cám ơn bạn.
Nguồn: RFI Tiếng Việt
Sinh viên Hà Nội - 20110731
31/07/2011

Đọc tiếp...