GS. TSKH Lâm Quang Thiệp tham gia cuộc tuần hành vì HS-TS diễn ra trong tuần thứ 8 ở Hà Nội, hôm 24/7.
Một nhà giáo dục có tiếng của Việt Nam, nguyên thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Đào tạo, vừa lên tiếng cho rằng các cuộc biểu tình phản đối hành động của Trung Quốc trên Biển Đông trong nước vừa qua là có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước.
Trao đổi với BBC ngay sau khi tham gia cuộc biểu tình tuần hành tuần lễ thứ 8, hôm 24/7 tại Hà Nội, Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng biểu tình là một "động tác bình thường" nhưng cần thiết để "làm cho thế hệ trẻ ngày hôm nay biết phải thể hiện lòng yêu nước như thế nào."
Vị trợ lý đặc biệt qua nhiều nhiệm kỳ Bộ trưởng Giáo dục đánh giá rằng cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc trong nước trong suốt hai tháng qua "có rất nhiều tác động" và cho thấy "có rất nhiều người quan tâm tới Tổ Quốc." Ông cũng tin rằng, việc người dân thể hiện lòng yêu nước là một cách thức có thể giúp Chính Phủ có tiếng nói "mạnh mẽ hơn" trước Trung Quốc.
Giáo sư Thiệp giải thích vì sao ông quyết định lần đầu tiên hòa nhập với đồng bào, tham gia cuộc biểu tình vì Hoàng Sa, Trường Sa tại Hồ Hoàn Kiếm, hôm Chủ Nhật 24/07.
GS. Lâm Quang Thiệp: Tôi muốn cho con cháu mình biết là thể hiện lòng yêu nước như thế nào. Và chúng tôi nghĩ rằng việc mình thể hiện lòng yêu nước cũng là một cách để mình giúp cho Chính phủ có tiếng nói mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc. Đó là một lý do.
Lý do thứ hai là qua cuộc biểu tình lần trước, tôi thấy một số người thừa hành đối xử rất thô bạo với những người biểu tình. Và tôi muốn cho mọi người biết chắc là số người đó là không nhiều. Có lẽ số người đó là cá biệt, chứ không đến nỗi trong hệ thống lại có nhiều người như thế. Tôi không nghĩ như vậy, cho nên tôi muốn đi biểu tình để thể nghiệm điều đó.
BBC: Ấn tượng của Giáo sư khi ông đi biểu tình, tuần hành với bà con là như thế nào?
GS. Lâm Quang Thiệp: Tôi thấy những người đi trong đoàn biểu tình rất nhiệt tình thể hiện lòng yêu nước của mình. Đặc biệt là khi mọi người đứng trước tượng đài tưởng niệm "Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh," tôi thấy giây phút đó rất xúc động.
BBC: Các cuộc biểu tình, tuần hành tự phát của quần chúng như vậy, theo Giáo sư, đối với giới trẻ, có thể được coi là một hình thức giáo dục trực tiếp về lòng yêu nước hay không?
GS. Lâm Quang Thiệp: Tôi không biết được mức độ ảnh hưởng như thế nào, nhưng tôi thấy là có tác động. Khi đoàn biểu tình đi, thì các đoàn bộ hành đi ở ngoài đường, tôi nhìn thấy người ta dừng lại, vẫy tay, tức là có rất nhiều người hưởng ứng, mặc dù họ không đi trong đoàn biểu tình. Tôi nghĩ tác động là làm cho rất nhiều người biết và rất nhiều người quan tâm tới Tổ Quốc.
"'Lòng yêu nước trỗi dậy"
Cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc hôm 24/7 được cho là tập hợp đông người hơn sau vài tuần bị chính quyền cản trở
BBC: Vì sao sự kiện biểu tình, được cho là chưa từng có, kéo dài tới nay là 8 tuần tại ngay trung tâm của Thủ đô Hà Nội, lại được nhiều người chú ý, quan tâm đến như vậy?
GS. Lâm Quang Thiệp: Bây giờ là thời đại của mạng Internet, mà những hành động của Trung Quốc leo thang, xâm phạm chủ quyền biển của Việt Nam, thì nhiều người biết, và gây bức xúc với mọi người. Cho nên sự tham gia của nhiều người, đặc biệt của những người có thông tin, theo tôi là chuyện bình thường.
Đó là sự thể hiện lòng yêu nước của người Việt Nam. Và mỗi lần Việt Nam có hành động xâm lược của nước ngoài, thì bao giờ lòng yêu nước cũng trỗi dậy. Đó là điều bình thường!
BBC: Có nhiều thiếu nhi, học sinh, sinh viên, thanh niên xuất hiện trong các cuộc biểu tình, tuần hành vì Hoàng Sa, Trường Sa vừa qua, ông đánh giá như thế nào về hành vi này của họ?
"Tôi thấy giới trẻ nhiều người phát biểu rất hay. Người ta muốn thể hiện lòng yêu nước. Còn những em nhỏ, thì chính phụ huynh của họ cũng muốn giáo dục cho con cái của họ lòng yêu nước"
GS. Lâm Quang Thiệp: Tôi thấy giới trẻ nhiều người phát biểu rất hay. Người ta muốn thể hiện lòng yêu nước. Còn những em nhỏ, thì chính phụ huynh của họ cũng muốn giáo dục cho con cái của họ lòng yêu nước.
BBC: Nếu ý nghĩa là như vậy, thì tại sao nhiều trường học ở Việt Nam lại không hưởng ứng một cách chính thức?
GS. Lâm Quang Thiệp: Điều này cũng khó trả lời, bởi vì hiện nay, sự khuyến khích chính thức của Nhà nước không có, nên các nhà trường, một số trường Đại học không muốn làm việc ấy.
BBC: Nếu Trung Quốc tiếp tục đe dọa toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, và sắp tới lại diễn ra tuần hành, biểu tình thể hiện lòng yêu nước của đồng bào, thì nếu sức khỏe và thời gian cho phép, ông có tiếp tục tham gia hay không? Nếu con cháu, gia đình, học trò và đồng nghiệp của ông xin lời khuyên xem họ có nên tham gia hay không, thì ông sẽ nói thế nào với họ?
GS. Lâm Quang Thiệp: Nếu có điều kiện sức khỏe, tôi cũng sẵn sàng tham gia. Và tôi nghĩ những con em của mình tham gia là tốt, là biểu hiện của lòng yêu nước, thì mình cũng khuyến khích, vì cái đó cũng là giáo dục. Nhưng trong những cuộc biểu tình đó, không nên làm điều gì quá khích, vi phạm điều này, điều kia trong quy định của Nhà nước.
Mình đi một cách ôn hòa, thể hiện cho cả người trong nước và người nước ngoài biết người dân Việt Nam suy nghĩ như vậy. Miễn là không vi phạm phát luật, còn lại tôi nghĩ, việc đó hoàn toàn là nên.