Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

GẶP LẠI HAI GIÁO SƯ LƯƠNG - TUNG "TÀI NĂNG VÀ ĐẮC DỤNG"


 


Thôi, các bác bình gì thì bình. Tôi không bình nữa!

Đọc tiếp...

THƯ CỦA LS TRẦN VŨ HẢI GỬI BỘ NGOẠI GIAO VỀ BẢN KIẾN NGHỊ 2/7/11


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh Phúc
*****
Hà nội, ngày 11/7/2011
Kính gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam
V/v: Buổi làm việc giữa đại diện Bộ Ngoại giao và những người ký tên Kiến nghị 2/7/2011.

Tôi – công dân Trần Vũ Hải, đang hành nghề luật sư, người chuyển Kiến nghị của 18 công dân Việt Nam yêu cầu Bộ Ngoại giao Việt Nam cung cấp thông tin về quan hệ với Trung Quốc (dưới đây viết tắt là Kiến nghị 2/7/2011) – được biết ngày 8/7/2011 đại diện Bộ Ngoại giao (ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao) đã trao đổi với trợ lý của Luật sư Trần Vũ Hải (LS TVH) để xác định thời gian làm việc giữa đại diện Bộ Ngoại giao và 18 vị ký tên vào Kiến nghị trên. Ông Trần Duy Hải (TDH) đã đề nghị LS TVH thông tin cho các vị trên rằng 9 giờ sáng 13/7/2011, đại diện Bộ Ngoại giao (Ủy ban biên giới quốc gia) sẽ tiếp các công dân ký tên vào Kiến nghị tại trụ sở Bộ Ngoại giao (số 1 Tôn Thất Đàm). Trước đó, ông TDH đã liên lạc qua điện thoại với ông Chu Hảo, một vị ký tên Kiến nghị 2/7/2011, để mời 18 vị ký Kiến nghị này gặp đại diện Bộ Ngoại giao vào ngày 8/7/2011, và ngay sau đó, trợ lý của LS TVH đã liên lạc với ông TDH đề nghị Bộ Ngoại giao chuyển giấy mời riêng hoặc giấy mời chung thông qua văn phòng LS TVH để chuyển đến 18 vị trên.

Tôi đã thông tin nội dung trên cho các vị ký tên Kiến nghị 2/7/2011. Hầu hết các vị hoan nghênh tinh thần cầu thị của Bộ Ngoại giao,  cho biết sẵn sàng tham dự buổi làm việc giữa đại diện Bộ Ngoại giao và những người ký tên vào Kiến nghị. Các vị này cho rằng, đây sẽ là buổi làm việc chính thức, nghiêm túc, công khai giữa một Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với công dân, nên Bộ Ngoại giao cần có xác nhận bằng văn bản về buổi làm việc này, trong đó nêu rõ thời gian, địa điểm Buổi Làm việc, tên lãnh đạo Bộ Ngoại giao tham dự Buổi Làm việc, tên những người ký Kiến nghị 2/7/2011 được mời.  Tôi kính đề nghị Bộ Ngoại giao gửi văn bản với những nội dung trên tới Văn Phòng Luật sư Trần Vũ Hải, 81 Chùa Láng, Đống Đa, Hà nội, hoặc theo số fax: 3835.2455 để chúng tôi chuyển đến các vị ký Kiến nghị trên.

Chúc Buổi Làm việc giữa đại diện Bộ Ngoại giao và những người ký tên Kiến nghị 2/7/2011 sẽ diễn ra.

Nơi nhận:                                                                                                                                Trân Trọng
-Như trên.
-Các vị ký tên vào Kiến nghị 2/7/2011                                                                                Ký Tên
  Trần Vũ Hải


Đọc tiếp...

LỜI KỂ CỦA NHÀ BÁO PHI KHANH VỀ VIỆC BỊ TẠM GIỮ TẠI CƠ QUAN CÔNG AN

TÔI BỊ CÔNG AN TẠM GIỮ VÌ CHỤP ẢNH NHỮNG NGƯỜI BIỂU THỊ LÒNG YÊU NƯỚC
Phi Khanh

Nhà báo Phi Khanh

Sáng 10/7/2011 khi đi đến chơi nhà bạn ở 28 phố Điện Biên Phủ , quận Ba Đình, TP Hà Nội, tôi gặp một số người tự phát tụ tập biểu thị tinh thần yêu nước, bảo vệ biển đảo Việt Nam. Lúc ấy có hai xe bus đi đến, nhiều công an mặc sắc phục và những người mặc thường phục lao vào bắt giữ họ. Tôi vội lấy máy ảnh chụp nhanh vài kiểu. Một chiến sĩ công an thấy vậy túm ngay lấy tôi, đẩy lên xe bus. Tôi hỏi lớn: Tại sao lại giữ tôi? Người công an đẩy tôi lên xe đáp: Không cần biết, cứ lên đi! Thế là tôi cùng những người khác bị đưa đến trụ sở Công an Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội. Tại đây, các anh công an gọi từng người ra ghi biên bản. Tiếp xúc với tôi là một công an mặc thường phục. Tôi nói: Chúng ta làm quen với nhau đi, anh tên gì? Trả lời: Trần Quốc Hà, thiếu tá công an huyện Từ Liêm. Anh Hà lấy tờ giấy A4 bắt đầu hỏi: Bác tên gì, địa chỉ ở đâu? Tôi xuất trình chứng minh thư, thẻ nhà báo. Anh Hà ghi chép và hỏi: Vì sao bác đi biểu tình? Nghe câu hỏi suýt nữa thì tôi ngã ngửa. Rõ ràng anh này không nói chơi, nhưng tại sao anh lại dùng chữ “biểu tình” y như bọn phản động quốc tế thế nhỉ? Đường lối bảo vệ biển đảo của Nhà nước ta là rất rõ ràng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta đã từng tuyên bố là chỉ có một số ngưòi dân tụ tập tự phát để biểu thị tinh thần yêu nước chứ không có chuyện “biểu tình”. Rồi tôi hoang mang, chẳng lẽ bọn phản động quốc tế đã vào tận cơ quan Công an Hà Nội? Tất nhiên hỏi thì phải trả lời. Tôi nói ngắn gọn: Tôi không đi biểu tình, tôi đến chơi nhà bạn thấy có tụ tập thì chụp ảnh,đó là hành động tác nghiệp bình thường của nhà báo, thế thôi! Anh Hà hỏi tiếp: Bác có dùng ảnh để đăng báo không? Trả lời: Tôi chụp ảnh và phải báo cáo với Ban biên tập, còn đăng hay không là quyền của Ban biên tập chứ không phải quyền của tôi. Hỏi: Bác có nói thêm gì hay không? Trả lời: Anh ghi rõ vào, công an khi tiếp xúc với dân cần phải lễ phép. Theo Điều 5, Tiết 1 của Điều lệnh công an thì khi gặp dân phải đứng nghiêm, giơ tay chào, nói năng phải thưa gửi. Tôi thấy công an hôm nay rất thiếu văn minh và giữ tôi là vi phạm Luật báo chí, theo Nghị định 02/2011/NĐ-CP của Chính phủ thì phải bị xử phạt hành chính. Anh Hà ghi xong đưa tôi đọc lại, câu chữ bị anh “bẻ cong” như thế này: “Tôi nhận thấy đã vi phạm Luật báo chí, phải bị xử phạt theo Nghị định 02…”. Tôi trả anh ta tờ giấy và bảo: Ghi như thế này không được, anh phải sửa lại là “tôi thấy công an đã vi phạm Luật báo chí…”, nếu không tôi không kí. Mất năm mười phút để tranh luận về câu chữ, tôi dứt khoát: Anh không sửa thì tôi không kí! Cần phải nói rõ là tôi hợp tác với công an, trình bầy đầy đủ nhưng công an không hợp tác với tôi, bằng chứng là không sửa theo lời tôi nói. Đến đây thì các anh công an bảo: Bác không kí thì chúng tôi cũng không cần! Tốt thôi, vậy là biên bản không có chữ kí của tôi.

Trong số những người bị tạm giữ có một anh nhà báo của đài truyền hình NTK và một chị của báo Asahi (Nhật bản). Tôi tự nghĩ nếu công an hỏi tôi thế nào thì chắc cũng hỏi hai nhà báo này y như vậy. Tức là sẽ hỏi: Vì sao các anh chị đi biểu tình, hoặc vì sao các anh chị đến nơi biểu tình? Mà như thế thì gay, bởi báo chí chính thức của Nhà nước nói rằng đưa tin biểu tình là vu cáo, hoàn toàn không phải là sự thật, chỉ có một số người tụ tập tự phát biểu thị tinh thần yêu nước. Nay anh công an hỏi thế thì quá là “lạy ông tôi ở bụi này” còn gì? Lạy ông Giời phù hộ cho các anh công an thông minh sáng suốt, đừng đặt câu hỏi ngớ ngẩn như thế với những phóng viên báo chi nước ngoài.

Các anh công an ghi biên bản với từng người, một lát sau anh công an tên Thanh (tôi hỏi họ gì nhưng anh không nói) bảo tôi: Bác có thể về được rồi! Tôi vê vê ngón tay làm động tác đếm tiền và hỏi: Đâu nhỉ? Anh Thanh ngạc nhiên: Bác hỏi gì cơ? Đến lượt tôi ngạc nhiên y như anh: Năm chục đi xe ôm chứ còn gì nữa! Anh Thanh bảo: Làm gì có! Hỏi lại: Vậy tôi về bằng gì? Các anh công an xúm vào chứng minh rằng không ai đưa tiền cho tôi, rằng tôi về đi. Tôi đáp: Tôi không đi đâu hết, các anh đưa tôi đến đây thì phải có trách nhiệm đưa tôi về, nếu không thì gọi cái xe bus đã chở tôi đến đây trả tôi về chỗ sáng nay. Tôi gọi điện cho Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh nhưng không thấy Trung tướng nhấc máy. Cuối cùng các anh công an Mỹ Đình đưa cho tôi 50 nghìn đồng để đi xe ôm về. Ngay lúc đó tôi gọi một anh xe ôm đến và bảo: Nhờ anh chở tôi về sân Cột cờ cạnh Lăng Bác, gửi anh cả 50 nghìn đồng này, thừa thiếu không tính nhé! Anh xe ôm cầm tiền cười ngặt nghẽo: Hay thật !

      
       Những công dân bị đưa lên xe bus về cơ quan Công an Mỹ Đình

   Nguồn:  http://honglam.vnweblogs.com/
   Nguồn: Trần Nhương.com

Chùm ảnh bạn đọc gửi đến:
Hình ảnh được cho là người Trung Quốc có mặt 
trong các cuộc biểu tình tại Hà Nội











Người đàn ông này đã có mặt trong cuộc biểu tình ngày 26.6.Ảnh chụp ngày 26.6.2011
 

Đọc tiếp...

NGÀY MAI, CƯỠNG CHẾ TẠI KHU ĐẤT VÀNG 22-24 HÀNG BẢI, HÀ NỘI

 
Dự án khu đất “vàng” 22 – 24 Hàng Bài:
Kết luận thanh tra đã thực sự khách quan?

Trần Hải Sơn

Dư luận đang rất quan tâm đến cách giải quyết các khiếu nại liên quan đến quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi khu đất “vàng” 22 – 24 Hàng Bài của các cơ quan chức năng Thành phố Hà Nội. Vụ việc này thu hút sự chú ý của mọi người bởi nó chính là phép thử xem liệu pháp luật có thực sự đi vào cuộc sống và được chính các cơ quan Nhà nước tôn trọng hay không?
Một câu hỏi khác đang chờ được giải đáp đó là cách ứng xử của chính quyền đối với gia đình chính sách? Khi tổ quốc lâm nguy, người dân cả nước nói chung và con em các hộ dân trong số nhà 22 Hàng Bài nói riêng đã không tiếc máu xương chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng đất nước, có người con ra đi từ số nhà này đã mãi mãi không trở về, cũng có bà mẹ già trong gia đình này vò võ chờ con, hằng đêm khóc thầm và chỉ biết tưởng nhớ tới con qua tấm bằng Tổ Quốc ghi công. Có gì cao cả hơn những đóng góp đó? Có gì thiêng liêng hơn sự hy sinh đó? Khi đã trải qua những mất mát lớn lao như vậy thì vấn đề vật chất đâu có nhiều ý nghĩa, cái mà người dân mong chờ là sự công bằng. Tuy nhiên, điều này dường như là một sự đòi hỏi xa xỉ trong cái nhộn nhạo, ồn ào của nền Kinh tế thị trường. Người ta đôi khi chỉ nhìn vào các giá trị vật chất và để cho các giá trị này dẫn dắt mình, họ đâu biết các giá trị tinh thần và tâm linh của Ngôi nhà đôi khi còn quan trọng và ý nghĩa hơn nhiều bởi đó chính là một phần máu thịt trong tâm hồn mỗi con người và chính các giá trị này đã từng một thời tạo nên cốt cách của người Hà Nội, điều mà nhiều nhà văn hóa đang tìm kiếm, gìn giữ.    
Ánh sáng của công lý tưởng như le lói trong lòng những người dân đang sinh sống tại đây khi Văn phòng Chính phủ có công văn số 1348/VPCP-KNTC đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo kiểm tra lại vụ việc và UBND thành phố Hà Nội ra văn bản số 1853/UBND-TNMT với nội dung giao các cơ quan hữu quan của thành phố kiểm tra, rà soát quá trình giải quyết khiếu nại quyết định thu hồi đất. Trong thời gian kiểm tra, UBND quận Hoàn Kiếm tạm dừng việc thực hiện các quyết định 424 và 425 về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đất. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, cái tia hy vọng nhỏ nhoi đó như vụt tắt khi Thanh tra thành phố ra Báo cáo thanh tra và UBND thành phố ra văn bản không chấp nhận khiếu nại của các hộ gia đình nơi đây. Mặc dù vậy, kết quả này hoàn toàn có thể đoán trước được khi Chủ đầu tư đã nhiều lần “cởi mở” về năng lực của họ trong việc tác động đến quá trình ra Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất. Vậy khả năng thực sự của họ có như họ thể hiện không? Sự thật và công lý liệu có giành được chiến thắng?
Những câu hỏi trên sẽ được lần lượt làm sáng tỏ qua các phân tích sau:
 1. Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất của UBND quận Hoàn Kiếm có đúng luật?
Các chuyên gia, luật sư đã đưa ra những đánh giá cụ thể và rõ ràng về vụ việc này trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng. Đơn cử như quan điểm của GS. TS Đặng Hùng Võ: “Dự án Trung tâm thương mại - Văn phòng và nhà ở tái định cư tại 22-24 Hàng Bài không thuộc dự án loại A nên chủ đầu tư phải thoả thuận giá đền bù với người dân. Việc phải thoả thuận giá đền bù đồng nghĩa với việc không được phép cưỡng chế”.  Ông Võ nhấn mạnh:Theo tôi, không nên so sánh giá đất mà các hộ dân ở đây đưa ra cao hay thấp mà điều quan trọng là thoả thuận có đạt kết quả không? Có đúng các quy định trong Bộ luật Dân sự không?"[1].
Đây là một nhận xét đúng đắn và khách quan. Nghiên cứu các quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh vấn đề này, cụ thể là các quy định từ Điều 38 đến Điều 45 thuộc  Mục 4 – Thu hồi đất, Chương 2 của Luật Đất đai 2003, chúng ta thấy rằng:
 “Đối với dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất”- Khoản 2 Điều 40.
Ngoài ra, Nhà nước chỉ thực hiện việc thu hồi đất trong các trường hợp thuộc Khoản 1 Điều 40 Luật Đất đai:
“1. Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế trong trường hợp đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ”.
Khoản 2 Điều 36 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 đã đưa ra định nghĩa rõ ràng về việc thu hồi đất cho mục đích phát triển kinh tế. Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 35/2002/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 51/1999/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) cũng thể hiện rất chi tiết thế nào là dự án nhóm A. 
Hơn nữa, theo Điều 28 Nghị định 69/2009/NĐ-CP quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, chúng ta thấy những trường hợp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Khoản 1 Điều 40 nêu trên, Nhà nước không áp dụng thủ tục thu hồi đất mà chủ đầu tư và người sử dụng đất thỏa thuận theo hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất…
“Điều 28: Áp dụng thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với dự án đầu tư
1. Trình tự, thủ tục thực hiện đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế:
2. Đối với dự án đầu tư sử dụng đất không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì không phải làm thủ tục thu hồi đất; sau khi được giới thiệu địa điểm, chủ đầu tư và người sử dụng đất thỏa thuận theo hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất đối với trường hợp thay đổi mục đích sử dụng đất”.

Bên cạnh đó Luật Nhà ở số 56/2005/QH11 năm 2005 cũng quy định:
“Điều 5. Bảo hộ quyền sở hữu nhà ở
1. Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu nhà ở của chủ sở hữu.
2. Nhà ở thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân không bị quốc hữu hoá. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước quyết định trưng mua hoặc trưng dụng nhà ở thì Nhà nước bồi thường cho chủ sở hữu nhà ở theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán và tạo điều kiện để họ tạo lập nhà ở khác”.
Do vậy, có thể khẳng định chắc chắn  rằng, dự án này chịu sự điều chỉnh của Khoản 2 Điều 28 Nghị định 69 năm 2009 và khoản 2 Điều 40 Luật Đất đai 2003, Điều 5 Luật Nhà ở 2005 nên không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế được. Chủ đầu tư phải thỏa thuận với các hộ dân theo hình thức chuyển nhượng, góp vốn, cho thuê… bởi dự án này không thuộc Khoản 1 Điều 40 Luật Đất đai 2003 như trích dẫn ở trên.

2. Báo cáo kết quả thanh tra số 1169/BC-TTTP-P2 ngày 10 tháng 06 năm 2011 có khách quan?

- Việc Thanh tra thành phố cố gắng bảo vệ quyết định số 7774/QĐ-UB ngày 17/11/2004 của UBND thành phố thu hồi đất tại 22- 24 Hàng Bài dựa trên cơ sở Luật Đất đai 1993Nghị định 04/2000/NĐ-CP, Nghị định 66/2001/NĐ-CP  …  để cho rằng, các văn bản pháp lý này quy định không phải thỏa thuận với người đang sử dụng đất khi thu hồi đất, là điều có thể đoán trước được. Tuy nhiên hẳn Thanh tra thành phố không thể vì vậy mà cố tình “bóp méo” luật pháp bởi vào thời điểm ra quyết định, ngày 17/11/2004, thì Luật Đất đai 2003 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2004) và văn bản hướng dẫn quan trọng của Luật như Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về thi hành Luật Đất đai đã có hiệu lực và thay thế hai Nghị định nêu trên (Nghị định 181 có hiệu lực từ ngày 16/11/2004 và Khoản 2 Điều 186 quy định Nghị định này thay thế hai Nghị định trên).
Việc viện dẫn công văn số 2162/BTNMT-ĐĐ ngày 02/07/2004 về việc thi hành Luật Đất đai 2003 trong thời gian chưa có các Nghị định hướng dẫn để giải thích cho tính hợp lý của Quyết định 7774/QĐ-UB là ngụy biện bởi nếu áp dụng Luật đất đai cũ cùng các văn bản hướng dẫn của nó thì căn cứ vào Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 04/2000/NĐ-CP ngày 11 tháng 02 năm 2000 thì toàn bộ trình tự tiến hành thủ tục để UBND Thành phố ra Quyết định giao đất chỉ mất 30 ngày. Như vậy, không thể có chuyện công ty kinh doanh xây dựng nhà (Thuộc Tổng công ty đầu tư phát triển nhà Hà Nội) nộp hồ sơ trước ngày 01/07/2004 bởi đến ngày 17/11/2004 UBND thành phố mới ra Quyết định.
Việc dẫn chiếu Thông tư 01/2005/TT-BTNMT ngày 13/04/2005 để bảo vệ và hợp lý hóa một Quyết định ra trước đó gần 5 tháng là không thuyết phục và mâu thuẫn với chính các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Vì vậy, không thể dựa vào Luật và Nghị định đã hết hiệu lực để ra quyết định khi mà Luật và Nghị định thay thế đã có hiệu lực pháp lý, điều này cũng đồng nghĩa với việc Quyết định 7774/QĐ-UB không có giá trị pháp lý.
- Thanh tra Thành phố cho rằng việc UBND quận Hoàn Kiếm ban hành Quyết định số 424/QĐ-UBND, Quyết định số 425/QĐ-UBND ngày 02/03/2011 áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định thu hồi nhà đất tại số nhà 22 phố Hàng Bài là thực hiện theo Khoản 1 Điều 40 - thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế cũng là ngụy biện bởi Khoản 1 Điều 40 và Khoản 2 Điều 36 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004,  Điều 28 Nghị định 69/2009/NĐ-CP năm 2009 của Chính phủ quy định rất rõ về trường hợp này như đã phân tích ở đầu bài viết.
Hơn nữa, dù muốn gò ép đến đâu thì dự án xây dựng Trung tâm thương mại của công ty Cổ phần thời đại mới T&T cũng không thể nào thuộc sự điều chỉnh của Điều khoản luật trên. Nghị định số 12/2009/NĐ-CP năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cũng đưa ra định nghĩa rất rõ về các dự án thuộc nhóm A trong phần Phụ lục. Vì vậy, việc tìm cách đánh tráo khái niệm ở đây càng trở nên nực cười.
Chúng ta đang xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa nên mọi cá nhân và tổ chức cần hành động trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Dư luận không thể tán thành với kết luận trên của Thanh tra thành phố Hà Nội khi cố tình vận dụng sai Luật theo hướng có lợi cho Chủ đầu tư. Trong buổi Đối thoại với các thành phần có liên quan và gia đình ông Hoàng Đình Trung  ngày 22 tháng 06 năm 2011 tại Trụ sở Thanh tra thành phố Hà Nội, ông Lưu Đức Bảo, Trưởng phòng Thanh tra 2 và cũng là người chủ trì buổi Đối thoại đã rất “sốt sắng” đưa ra định nghĩa hoàn toàn “mới” về “thu hồi đất sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế” nhằm chứng minh dự án của công ty cổ phần T&T tại khu đất “vàng” nêu trên thuộc sự điều chỉnh của Khoản 1 Điều 40 Luật Đất đai 2003 nêu trên khi ông Bảo lập luận: “Đây là trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế  … vì dự án này có đóng thuế”. Hẳn người đọc sẽ vô cùng ngạc nhiên với quan điểm này bởi có doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, thậm chí hộ kinh doanh cá thể nào (thuộc mọi thành phần kinh tế) không phải thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước?  Với định nghĩa này, ông Bảo đã thể hiện sự “dũng cảm” khi giành quyền giải thích pháp luật, một đặc quyền mà Khoản 3 Điều 91 Hiến pháp 1992 chỉ giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Khi được hỏi rằng trường hợp này cần phải áp dụng Luật Đất đai nào, ông Lưu Đức Bảo khẳng định là áp dụng Luật Đất đai 2003. Câu trả lời này là chính xác và cũng phù hợp với mạch ý mà ông và kết luận trong Báo cáo Thanh tra muốn khẳng định khi chứng minh cho dự án của Công ty CP T&T thuộc sự điều chỉnh của Khoản 1 Điều 40 Luật Đất Đai (mặc dù sự chứng minh này không có căn cứ pháp lý vì thực ra dự án này thuộc sự điều chỉnh của Khoản 2 Điều 40 Luật Đất đai 2003 như đã dẫn chứng ở trên). Với sự khẳng định này, ông Bảo đã vô tình loại bỏ tính pháp lý của Quyết định 7774/QĐ-UB ngày 17/11/2004 của UBND thành phố Hà Nội thu hồi đất tại 22 – 24 Hàng Bài vì Quyết định này được ban hành căn cứ theo Luật Đất đai 1993 và Nghị định 04/2000/NĐ-CP, các văn bản này đều đã hết hiệu lực tại thời điểm đó. Đã biết việc áp dụng Luật Đất đai 2003 là đúng, vậy tại sao ông, với vốn kiến thức “uyên thâm” của mình, lại cứ ra sức bảo vệ cho tính “pháp lý” của Quyết định 7774/QĐ-UB ngày 17/11/2004 và thể hiện sự bảo vệ đó một cách mạnh mẽ trong kết luận của Báo cáo Thanh tra số 1169/BC-TTTP-P2 ngày 10 tháng 06 năm 2011?  Đây là câu hỏi mà dư luận đang muốn tìm lời giải đáp.   

3. Có “khuất tất” gì trong việc ban hành Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất?
Thực tế, chủ đầu tư đã chứng minh được “năng lực” đặc biệt của mình trong việc thâu tóm khu đất “vàng” 22 – 24 Hàng Bài thông qua quá trình cổ phần hóa Công ty kinh doanh và xây dựng nhà (Thuộc tổng Công ty đầu tư phát triển nhà Hà Nội – Handico). Độc giả có thể tham khảo bài báo Vụ 1 tỷ đồng/m2: Cưỡng chế lại hoãn, tại sao? trên Diễn đàn kinh tế Việt Nam – VEF số ra ngày thứ bảy 23/04/2011 để thấy rõ việc phù phép biến đất Nhà nước thành đất của các ông chủ tư nhân qua phân tích của tác giả bài báo.  
Vì tự tin vào các “mối quan hệ” của mình nên trong quá trình làm việc, thương lượng với các hộ dân trong số nhà 22 Hàng Bài, đại diện Công ty CP T&T luôn thể hiện thái độ thách thức, thiếu thiện chí. Không ngừng phát huy và thể hiện “năng lực” đặc biệt đó, cũng trong buổi Đối thoại nói trên, Đại diện chủ đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP T&T Trần Hồng Sơn đã bày tỏ quan điểm rất “cởi mở”. Những thông tin mà ông Sơn đưa ra tại cuộc họp khiến người nghe phải giật mình bởi thông qua những lời nói mang tính “hù dọa”, người nghe cảm thấy ông có mối quan hệ rất thân thiết với các quan chức cấp cao khi ông trích dẫn lời nói và quan điểm của các vị này. Mặc dù cũng chỉ là một bên được Thanh tra thành phố mời tham gia buổi Đối thoại nhưng ông đã mạnh miệng chê Hà Nội khi nói: “Chính phủ cho rằng thành phố quá nhu nhược”. Đáng chú ý hơn, ông Sơn còn có lời lẽ xúc phạm những hộ dân nơi đây khi nói: “Anh Khôi[2] cho rằng đòi hỏi của các hộ gia đình là quá lố. Ô hay! Những thông tin này, nếu có, phải được truyền đạt bởi đại diện các cơ quan chính quyền, hà cớ gì mà ông Sơn lại chủ động chiếm lĩnh vị trí phát ngôn viên của các cơ quan đó. Dư luận cũng thấy thật lạ bởi dân có thiện chí thì họ mới tham gia đàm phán khi nhận được đề nghị của chủ đầu tư, đã đàm phán thì mỗi bên phải đưa ra quan điểm của mình để cùng thương lượng, vậy mà lại bị coi là “lố”?
Không biết những gì ông Sơn nói có đáng tin không, hy vọng đó là những điều không có thật bởi những vị quan chức cấp cao, những người được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách thì không thể có những nhận xét hồ đồ như vậy. Tuy nhiên, nếu đó là sự thật thì sự ngạo mạn mà ông thể hiện là điều có thể hiểu được và như vậy, việc người dân mang đơn đi khiếu nại để tìm công lý chẳng khác nào “mò kim đáy bể”.    
4. Trông đợi vào ánh sáng công lý.
Qua những phân tích trên, tính “khách quan” của Báo cáo Thanh tra số 1169/BC-TTTP-P2 ngày 10/06/2011 đã được phơi bày, với Báo cáo này thì văn bản số 4749/UBND-TNMT ngày 14/06/2011 của UBND thành phố Hà Nội cũng khó có thể đảm bảo được công bằng cho người khiếu nại.
Muộn còn hơn không, thành phố nên thu hồi ngay văn bản này, đồng thời đình chỉ 2 Quyết định số 424/QĐ-UBND và Quyết định số 425/QĐ-UBND của UBND quận Hoàn Kiếm ngày 02/03/2011 vì các văn bản này không phù với chính Quyết định số 18/2008/QĐ-UBND ngày 29 tháng 9 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.  Điều 3 Quyết định 18 nêu rõ:
Những trường hợp sau đây không áp dụng bản quy định này (Thực hiện khoản 2 Điều 40 Luật Đất đai 2003; khoản 3 Điều 1 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP; khoản 2 Điều 41 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP và khoản 2 phần I Thông tư số 116/2004/TT-BTC ngày 07/12/2004 của Bộ Tài chính)
1.      Dự án sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt, nhà đầu tư được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất
Hơn nữa, văn bản 4749/UBND-TNMT của thành phố và hai Quyết định trên của UBND quận Hoàn Kiếm cũng không phù hợp với Quy định về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư… (Ban hành kèm theo Quyết định số 39/2008/QĐ-UBND ngày 22/10/2008 của UBND thành phố Hà Nội). Điều 6 Quy định này nêu rõ:

“Các trường hợp Nhà nước không ban hành quyết định thu hồi đất
1. Nhà nước không thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế đối với các dự án không thuộc phạm vi điều chỉnh tại khoản 2 Điều 3 và Điều 4, Điều 5 Quy định này; hoặc trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện dự án có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 3, Điều 4, Điều 5 Quy định này nhưng chủ đầu tư tự nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của người đang sử dụng đất”.

Có thể khẳng định dự án này thuộc sự điều chỉnh của Điều 6 Quyết định nêu trên bởi các lập luận như đã phân tích. Ngoài ra, dự án này cũng không hề tồn tại trong Quyết định số 96/2000/QĐ-UB của UBND thành phố về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tỷ lệ 1/2000.

Thiết nghĩ, một Quyết định hợp lòng dân và dựa trên các quy định của pháp luật thì dù có phức tạp và khó đến đâu thì người dân vẫn chấp hành. Trong chiến tranh lẫn thời bình, rất nhiều gia đình sẵn sàng hiến nhà, hiến đất để Nhà nước thực hiện các mục tiêu công ích, có lợi cho xã hội như làm đường, xây trường học, bệnh viện…. Tuy nhiên, nếu khiên cưỡng mà áp dụng cưỡng chế sai Luật, lòng tin của nhân dân vào nhà nước sẽ bị tổn hại nghiệm trọng. Cái mất không chỉ bó hẹp trong phạm vi một khu phố, một dự án mà nó sẽ lan tỏa nhanh trong xã hội. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ nghĩ sao khi các cơ quan công quyền áp dụng sai luật gây mất công bằng?  Họ có còn mạnh dạn đầu tư vào một môi trường thiếu minh bạch như vậy không?  Đây cũng chính là những băn khoăn mà rất nhiều nhà đầu tư muốn bày tỏ. Lòng tin của người dân, vì vậy, là báu vật mà chính quyền cần gìn giữ.

  Đảng ta luôn quan tâm tới việc xây dựng một Nhà nước của dân, do dân và vì dân, nên phương châm lấy dân làm gốc phải được các “đầy tớ của dân” coi là kim chỉ nam cho mọi hành động của mình. Để chủ trương này không chỉ là khẩu hiệu, chính quyền phải luôn khách quan và quan tâm đến nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của người dân. Muốn vậy, mọi công chức phải thấm nhuần tư tưởng thượng tôn pháp luật, các cơ quan Nhà nước chỉ được “làm những gì Luật pháp cho phép”, còn người dân “được làm những gì Luật không cấm”, đó chính là cốt lõi của một Nhà nước pháp quyền và một Xã hội Dân  sự lành mạnh.
 

[1] Ngân Hà, báo Tiền Phong ngày 08/02/2011.
[2] Ông Hoàng Công Khôi, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

*Bài viết do tác giả gửi đến NXD-Blog, thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

Đọc tiếp...