Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

Ý CHÍ CỦA TỔ TIÊN VỀ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO

Nguyễn Xuân Diện
Khánh Ly ghi
27-12-2009
Ngày 25-12 vừa qua, tại TP.Huế, nhà nghiên cứu Phan Thuận An đã hiến tặng cho Nhà nước ta một châu bản liên quan đến việc thực thi chủ quyền của nhà Nguyễn trên quần đảo Hoàng Sa. Đây là văn bản thứ 2 liên quan đến chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, được ông Phan Thuận An tìm thấy trong tủ sách gia đình. Trước đó, ngày 10-4, trước sự chứng kiến của dòng họ Đặng ở Lý Sơn, đại diện UBND tỉnh Quảng Ngãi đã trao tài liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa mà tộc họ Đặng gìn giữ đã 174 năm nay cho đại diện Bộ Ngoại giao.
.
Nhân dịp này, TS Nguyễn Xuân Diện, Phó Giám đốc Thư viện, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (người đầu tiên khảo sát văn bản về Hoàng Sa ngay tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) đã trả lời phỏng vấn của Đại Đoàn kết về ý nghĩa của những văn bản quý giá này trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa. 
.
Thưa TS. Nguyễn Xuân Diện, việc tìm ra các châu bản về Hoàng Sa (ở Huế) và tài liệu Lý Sơn có ý nghĩa thế nào trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa?

TS. Nguyễn Xuân Diện: Trước tình hình biển Đông đang diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay, Việt Nam đang chuẩn bị những hồ sơ về mặt pháp lý và lịch sử để đấu tranh đòi lại chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa thì việc phát hiện ra những tư liệu mới là rất quan trọng. Những văn bản đã phát hiện ở Lý Sơn, châu bản ở Huế là những tài liệu lần đầu tiên được công bố không những bổ sung cho những hồ sơ đã có mà còn thể hiện ý thức của người dân Việt Nam đối với chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông nói chung và Hoàng Sa – Trường Sa nói riêng. Vì thế việc dòng họ Đặng ở Lý Sơn hay nhà nghiên cứu Phan Thuận An ở Huế hiến tặng cho Nhà nước những tài liệu đó đã thể hiện ý thức trách nhiệm của người dân với đất nước, tổ tiên.

Các tài liệu và châu bản mới tìm thấy gồm cả 3 thứ tiếng (Hán, Pháp, Việt) có thể được xem như có giá trị xuyên suốt qua các thời đại để khẳng định chủ quyền?

TS. Nguyễn Xuân Diện: Phải nói rằng chúng ta đã có nhiều chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa – Trường. Đó là tài liệu chính sử, tài liệu địa phương chí, bản đồ cổ, những ghi chép và khảo cứu của các học giả trong và ngoài nước đã lần lượt được công bố từ lâu nay. Những văn bản mới được phát hiện, hiến tặng và công bố vừa qua là những văn bản cực kỳ quan trọng xét về phương diện lịch sử. Trong đó những châu bản có ý nghĩa quan trọng đặc biệt vì trên đó mang bút tích của nhà vua – nguyên thủ quốc gia, là những tài liệu độc bản (chỉ có một bản duy nhất). Văn bản tờ lệnh Lý Sơn ghi rõ là những người ở bộ Binh (tương đương Bộ Quốc phòng) và các quan đầu tỉnh Quảng Ngãi đang thực hiện sắc lệnh của triều đình để tổ chức thám sát tại các hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trong văn bản này có một lời dặn như sau: “Đường biển ấy là nơi quan yếu, phải dốc sức mà thừa hành để cho công việc được mười phần trọn vẹn. Nếu bất cẩn, sẽ phạm trọng tội”. Đó không chỉ là mệnh lệnh đưa ra đối với những người thừa hành công vụ lúc bấy giờ mà còn là một thông điệp quan trọng mà người xưa gửi lại cho hậu thế. Như vậy, việc phát hiện công bố những tài liệu này đã làm đầy đủ thêm những hiểu biết của chúng ta về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa liên tục qua các thời kỳ lịch sử.
.
Qua công tác dịch thuật, đã tìm thấy những nội dung gì về Hoàng Sa (nhất là nội dung của 2 châu bản mới phát hiện từ Huế)? Tài liệu Lý Sơn mà ông đã trực tiếp dịch có những điều gì mới, quan trọng và ông rất tâm đắc? 

TS. Nguyễn Xuân Diện: Như đã nói, qua quá trình khảo cứu các văn bản đó, tôi thấy những văn bản mới này là những tài liệu chân thực, đáng tin cậy, có niên đại rõ ràng, được người dân lưu giữ qua biết bao biến thiên của lịch sử. Điều đặc biệt nhất, đó chính là những văn bản mang tính pháp lý của Nhà nước với chữ ký ấn triện của nhà vua và các quan chức cấp tỉnh.

Thưa ông, những cứ liệu lịch sử đó có tác dụng, ý nghĩa thế nào đối với việc khẳng định giá trị lịch sử? Trên thế giới, đã có trường hợp nào xảy ra tương tự như ở Việt Nam (khẳng định chủ quyền của mình trên vùng đất mà quốc gia khác đang chiếm đóng trái phép), có được công nhận và đấu tranh có kết quả?

TS. Nguyễn Xuân Diện: Các cuộc tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên thế giới vẫn thường phải được giải quyết ở các cơ quan pháp luật quốc tế. Các nước có liên quan phải đưa ra trước pháp đình quốc tế một hồ sơ pháp lý trong đó trình bày những lý lẽ của mình đối với chủ quyền khu vực đang tranh chấp. Trong trường hợp như vậy những tài liệu có tính chất Nhà nước rất quan trọng. Vì vậy có thể nói những tài liệu Lý Sơn hay châu bản vừa là tài liệu lịch sử vừa là chứng cứ pháp lý đối với việc giành lại quần đảo Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Thưa tiến sĩ, chúng ta cần phải làm gì để phát huy vai trò những cứ liệu lịch sử trong giai đoạn hiện nay (nhất là trường hợp các tài liệu vừa phát hiện) để đấu tranh đòi chủ quyền trên lĩnh vực nghiên cứu, học thuật (nhất là lịch sử)?

TS. Nguyễn Xuân Diện: Tại cuộc hội thảo “Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông – Lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế” do Học viện Ngoại giao tổ chức tại Hà nội, ngày 17 tháng 3 năm 2009 các nhà khoa học đã đưa ra một số khuyến nghị trong đó nêu nên “4 hóa” đối với vấn đề này là: Quốc tế hóa, công khai hóa, xã hội hóa, phi nhạy cảm hóa.

Như vậy đối với những tài liệu vừa phát hiện được, chúng ta cần công bố rộng rãi không những cho dư luận trong nước biết, mà còn trên các diễn đàn quốc tế. Làm được như vậy, đối với trong nước là khơi dậy được lòng yêu nước và ý thức được chủ quyền biển đảo của nhân dân, khuyến khích việc tìm tòi hiến tặng những văn bản khác đang được lưu giữ trong dân gian; đối với quốc tế việc công bố sự thật hiển nhiên như vậy sẽ tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận rộng rãi.

Thưa ông, việc lập ra các hải đội Hoàng Sa ngày xưa với việc thành lập dân quan tự vệ vừa qua có ý nghĩa như thế nào?

TS. Nguyễn Xuân Diện: Ngay từ thời Lý, nhà vua đã cử người đi ra khắp các đảo xa gần ngoài khơi để đo đạc, thám sát, vẽ bản đồ đưa về triều đình. Sang thời Lê và trong suốt thời Nguyễn, nhà nước phong kiến đã tổ chức được các hải đội như đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải ra các quần đảo để thám sát, đo đạc biên vẽ, cắm mốc, thu nhặt hải sản và các vật dụng bị trôi dạt về dâng nộp cho triều đình. Những người dân binh này được cấp lương ăn trong 6 tháng, được cấp vũ khí để tự vệ. Như thế việc thành lập dân quân tự vệ biển hôm nay chính là tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha ông xưa. Trong văn bản Lý Sơn mà chúng tôi đã khảo cứu và phiên dịch có nêu chi tiết rằng trong các thuyền đi Hoàng Sa năm xưa có trang bị vũ khí và súng ống, thì việc trang bị cho dân quân tự vệ biển ngày nay cũng là một công việc cần được đặt ra. 

Khánh Ly ghi.
17h ngày 27/12/2009.  Báo ra ngày 28.12.2009
Ảnh: Nguyễn Xuân Diện đang đo kích thước tờ lệnh Lý Sơn, ngày 10.4.2009 tại đảo Lý Sơn.
Đọc tiếp...

TIN NÓNG: BỘ NGOẠI GIAO VN ĐANG CHUẨN BỊ TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ

Trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ảnh: Internet
Nguyễn Xuân Diện-Blog trân trọng thông báo:

Vừa qua, các nhân sĩ trí thức Việt Nam đã có bản 
LIÊN QUAN ĐẾN QUAN HỆ VỚI TRUNG QUỐC
gửi đến Bộ Ngoại giao ngày 4.7.2011
Chiều nay, ông Trần Duy Hải, Phó Ban biên giới Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gọi điện đến Giáo sư Chu Hảo (người ký tên Kiến nghị) để thông báo: Bộ Ngoại giao đã dự kiến có buổi tiếp những người đã ký Kiến nghị vào Thứ Sáu (8.7.2011) tại Hà Nội.

Những người ký tên Kiến nghị đã ủy thác cho Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải chuyển văn thư Kiến nghị đến Bộ Ngoại giao, vì vậy, những người Kiến nghị sẽ chờ Giấy Mời (mỗi người đều nhận được Giấy  Mời) của Bộ gửi đến Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải, (VP sẽ chuyển đến từng người) theo địa chỉ ghi rõ trên bì thư:
Trang Anh Ba Sàm đưa tin:
Tin nóng! Hồi 18h50′, thứ Tư, 6-7-2011, – Chiều nay, một cán bộ cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao đã gọi điện cho một trong các vị nhân sĩ tham gia ký tên trong bản Kiến nghị (BS xin không nêu tên cả hai người) và cho biết: lãnh đạo Bộ phân công ông liên lạc với các vị tham gia ký tên vào bản Kiến nghị để thông báo mời các vị đến Bộ Ngoại giao vào thứ Sáu tuần này để gặp và trao đổi. Khi được vị nhân sĩ cho biết ông đang đi công tác, đề nghị Bộ liên lạc với những người cùng ký tên, ông cán bộ BNG cho biết mình chỉ có số điện thoại của vị nhân sĩ này thôi.
Theo quan điểm riêng của một số vị nhân sĩ, trí thức cùng ký tên vào bản Kiến nghị thì:
1- Hoan nghênh quyết định trên của BNG.
2- Bộ Ngoại giao đã biết rõ những người tham gia ký tên, nhưng nếu cần thiết, có thể liên lạc với Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải (nơi đã trực tiếp chuyển bản Kiến nghị tới BNG) để thông báo việc này.
3- Để thể hiện tinh thần nghiêm túc, trọng thị và minh bạch trước việc làm cao cả của các nhân sĩ trí thức về một sự việc trọng đại của đất nước, Bộ Ngoại giao cần có giấy mời cho từng vị ký tên trong bản Kiến nghị.
Nguồn: Anh Ba Sàm.
Nguyễn Xuân Diện-Blog thông tin bổ sung:

07h20 sáng nay (ngày 7.7.2011), Luật sư Trần Vũ Hải cho biết ông đang đi công tác. Trong sáng nay nhân viên Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải sẽ chủ động liên lạc với Bộ Ngoại giao về vấn đề này. Quan điểm của Luật sư Trần Vũ Hải là Bộ Ngoại giao thể gửi thư mời riêng cho từng vị ký tên trong bản Kiến nghị, hoặc cũng có thể có thư chung, ghi tên họ đầy đủ các vị đó. Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải sẽ có trách nhiệm chuyển lời mời.

Đọc tiếp...