Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

KIẾN NGHỊ CỦA MỘT CÔNG DÂN VỀ QUYỀN BIỂU TÌNH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
******
Hà nội ngày 29 tháng 6 năm 2011

KIẾN NGHỊ CỦA CÔNG DÂN TRẦN VŨ HẢI
ĐỀ NGHỊ UBTVQH GIẢI THÍCH ĐIỀU 69- HIẾN PHÁP

Kính gửi: ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI  NƯỚC CỘNG HÒA 
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (UBTVQH)

Tôi, Trần Vũ Hải, công dân của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt  Nam (CHXHCNVN), địa chỉ liên hệ tai: 81 phố Chùa Láng, Đống đa, Hà Nội và 227 đường Hùng Vương, Quận 5, T.p Hồ Chí Minh, hiện đang hành nghề luật sư.

Theo Điều 53- Hiến pháp hiện hành của nước CHXHCNVN 1992 (“HP 1992”) “Công dân có quyền…tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, …”.

Với tư cách công dân của nước CHXHCNVN, tôi xin kiến nghị UBTVQH thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình theo Khoản 3, Điều 91 của HP 1992 “giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh;”. Cụ thể, tôi đề nghị UBTVQH giải thích Điều 69-Hiến pháp 1992 “Công dân có quyền …biểu tình theo quy định của pháp luật.”.

Theo quy định của Điều trên và phù hợp với Điều 50-HP 1992, biểu tình là một quyền công dân cơ bản (quyền con người về chính trị), được tôn trọng ở Việt Nam.

Tuy nhiên, Quốc hội chưa ban hành Luật Biểu tình. Vậy tôi đề nghị UBTVQH giải thích, trong trường hợp Quốc hội chưa ban hành Luật Biểu tình, công dân Việt Nam có quyền thực hiện một quyền công dân cơ bản  là quyền biểu tình không ?

Quan điểm của tôi với tư cách một luật sư: trong trường hợp Quốc hội chưa ban hành Luật Biểu tình, công dân Việt Nam vẫn có quyền biểu tình vì đây là quyền công dân cơ bản (quyền con người về chính trị), được Nhà nước CHXHCNVN tôn trọng và bảo đảm theo Điều 50 Hiến pháp 1992. Để thực hiện quyền này, công dân chỉ cần thông báo công khai về mục đích và địa điểm biểu tình.

Tôi đề nghị UBTVQH sớm giải quyết kiến nghị này trong phiên họp UBTVQH lần thứ 41 (từ ngày 29 đến 30/6/2011) để công dân Việt nam yên tâm thể hiện tinh thần yêu nước, thực hiện quyền biểu tình phản đối những chính sách và hành vi gây hấn, xâm phạm chủ quyền Việt Nam và ủng hộ những đường lối, hành động đúng đắn để bảo vệ chủ quyền biển đảo và lợi ích dân tộc của Việt Nam.

Trân trọng

 Luật sư  Trần Vũ Hải
(Kiến nghị đã được gửi tới UBTVQH hôm nay 29-6-2011)

Nguồn: Ba Sàm
____________

Một số hình ảnh về các cuộc biểu tình phản đối TQ:
.








 



















Ảnh: Nhiều tác giả.
Đọc tiếp...

CẢNH GIÁC TRƯỚC NHỮNG MƯU MÔ GIAN MANH CÓ CHỦ ÐÍCH!

Trần Lê
(NCTG) Bản tin của Tân Hoa Xã mang tựa đề “Trung Quốc thúc giục sự đồng thuận với Việt Nam trên vấn đề Biển Hoa Nam” mới được đăng trên mạng basam.info vào đêm 28-6 vừa qua, lập tức đã nhận được nhiều ý kiến đầy âu lo của các “công dân mạng” vì nội dung bất thường và đầy tính gian manh của nó.


Luôn nhớ tới các anh... - Ảnh: Thùy Giang

Trích lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, Tân Hoa Xã cho hay, trong thời gian Thứ trưởng Ngoại giao, phái viên đặc biệt của Chính phủ Việt Nam Hồ Xuân Sơn “đã có những cuộc thảo luận tới cùng trên vấn đề Biển Hoa Nam trong thời gian diễn ra chuyến viếng thăm của phái viên đặc biệt, và hai bên đã thỏa thuận giải quyết những tranh chấp thông qua các cuộc hội đàm hữu nghị và tránh gây nên những động thái có thể làm trầm trọng thêm hay gây nên phức tạp cho vấn đề”.

Trong các cuộc đàm phán tại Bắc Kinh vào tuần trước, đôi bên đã đạt được một thỏa thuận song phương trên vấn đề Biển Hoa Nam [Biển Đông], theo đó, “cả hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam và nguyện sẽ tích cực hướng dẫn công luận và ngăn ngừa những lời bình luận hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin cậy giữa nhân dân hai nước” (lời ông Hồng Lỗi).

Trên tinh thần đó, tại một họp báo ngắn vào ngày thứ Ba 28-6, phía Trung Quốc đã bày tỏ “hy vọng phía Việt Nam cũng như chúng tôi sẽ thực hiện đầy đủ sự nhất trí và có được những nỗ lực gìn giữ hòa bình và ổn định trên Biển Hoa Nam”. Kèm theo đó, bản tin cũng nhắc lại quan điểm: “Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố về chủ quyền không thể tranh cãi của mình tại các hòn đảo trên Biển Hoa Nam và những vùng biển xung quanh các hòn đảo này.

Những hồ sơ lịch sử của Trung Quốc đã cho thấy rằng năm 1958, chính phủ Trung Quốc đã khẳng định các hòn đảo trên Biển Hoa Nam như là bộ phận thuộc lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc, và kế đó Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã bày tỏ sự tán đồng trong bức thư ngoại giao ngắn của mình gửi tới Thủ tướng khi đó là ông Chu Ân Lai.  

Chưa từng có sự bất đồng nào từ bất cứ quốc gia nào đối với chủ quyền của Trung Quốc trên khu vực này cho tới những năm 1970, khi các nước bao gồm Việt Nam và Philippines tuyên bố chủ quyền từng phần ở đây. Sau những cuộc đàm phán và tranh chấp kéo dài, ông Đặng Tiểu Bình đã khởi xướng đề xuất của mình về vấn đề đặt qua một bên những tranh chấp và đề nghị cùng nhau khai thác trong khu vực này”.

*

Thoạt nhìn, có thể nghĩ, bản tin của Tân Hoa Xã cũng những lời lẽ của ông Hồng Lỗi có vẻ bất thường vì nó mang tính quá... mềm mỏng, hòa hoãn, nhắc nhiều đến “thảo luận”, “thỏa thuận”, “giải quyết những tranh chấp thông qua các cuộc hội đàm hữu nghị”. Khác hẳn với những thực tế trong thời gian qua, khi Trung Quốc thường xuyên gây hấn với Việt Nam tại Biển Ðông, truyền thông Trung Quốc thường xuyên đăng tải những ý kiến hung hãn kiểu sẽ tát vỡ mặt Việt Nam, dạy cho Việt Nam một bài học lớn hơn.

Tuy nhiên, chỉ cần đọc lại đến lần thứ hai - hoặc không cần đến thế - là đã có thể dễ dàng nhận ra những mưu mô tuy gian manh nhưng không quá “kín đáo” của phía Trung Quốc, thể hiện qua phát ngôn của ông Hồng Lỗi và lời lẽ của bản tin Tân Hoa Xã!

Bắc Kinh hy vọng đôi bên “thực hiện đầy đủ sự nhất trí và có được những nỗ lực gìn giữ hòa bình và ổn định trên Biển Hoa Nam”, nhưng lại trên quan điểm “chủ quyền không thể tranh cãi của mình tại các hòn đảo trên Biển Hoa Nam và những vùng biển xung quanh các hòn đảo này”, và còn viện dẫn phát biểu năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Ðồng (mà giới luật gia đã cho rằng thực ra không hề có giá trị pháp lý với việc “xác lập chủ quyền” của Trung Nam Hải ở những quần đảo vốn đã thuộc chủ quyền của một nước khác), vậy phải hiểu mong muốn của phía Trung Quốc là như thế nào?

Câu trả lời rất rõ ràng. Là muốn dần dà thôn tính trên bản đồ và trong thực tế những vùng đất đã có chủ. Là muốn “biến Biển Ðông thành ao nhà”. Là muốn biến vấn đề chủ quyền thành vấn đề kinh tế theo phương châm từ thời Ðặng Tiểu Bình - “gác tranh chấp, cùng khai thác”, nhưng lờ đi vế đầu của lời họ Ðặng, rằng Trung Quốc vẫn phải nắm chủ quyền, như phân tích của TS Vũ Cao Phan, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc, trong bài trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Phượng Hoàng (Trung Quốc).

Ðể thực hiện ý đồ đó, đương nhiên là Trung Quốc muốn Việt Nam loại “yếu tố quốc tế” khỏi những tranh chấp tại Biển Ðông. Nhưng thử hỏi, trong vấn đề chủ quyền ở Biển Ðông, có những gì mà chỉ “thuần” liên quan tới Việt Nam và Trung Quốc? Hoàng Sa của Việt Nam thì Trung Quốc đã chiếm giữ, Trường Sa đang là vấn đề tranh chấp đa phương, còn “đường lưỡi bò” tất yếu là vấn đề của khu vực. Biến vấn đề đa phương thành song phương, buộc Việt Nam sa vào thế cô khi phải loại trừ “những thế lực bên ngoài can dự vào” là âm mưu quá dễ nhận ra của Bắc Kinh!

Nhưng như thế chưa đủ, Bắc Kinh lại còn đòi phải “tích cực hướng dẫn công luận và ngăn ngừa những lời bình luận hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin cậy giữa nhân dân hai nước”. Ở đây, phải nói ngay rằng Trung Quốc đã đánh tráo khái niệm: người dân Việt Nam không bao giờ muốn gây chiến và luôn muốn “hữu nghị và tin cậy” với người dân Trung Quốc. Nhưng bài học của gần 4 thập niên qua cho thấy họ nhất thiết phải cảnh giác và tỉnh táo trước những mưu đồ bánh trướng và bá quyền của chính phủ Trung Quốc.

Phải hiểu những bài viết, nhận định mang tính cảnh tỉnh của các nhân sĩ, trí thức và người dân Việt Nam, những cuộc biểu tình yêu nước, phản đối chính sách gây hấn của chính quyền Trung Quốc thời gian gần đây như những nỗ lực để gây dựng một nền hòa bình thực sự giữa hai nước, để người dân hai nước được sống trong tình cảm “hữu nghị và tin cậy”. Nếu phía Trung Quốc cho rằng có thể hợp thức hóa việc dẹp bỏ những ý kiến, những biểu hiện ái quốc ấy của người dân Việt bằng những “thỏa thuận song phương” nào đó, thì chắc chắn là họ đã nhầm!

Người dân Việt Nam khao khát hòa bình, muốn được phát triển kinh tế, muốn “hợp tác cùng khai thác” với Trung Quốc, nhưng phải trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng chủ quyền của mỗi bên, vì chủ quyền của đất nước là điều thiêng liêng và tối thượng. Việt Nam có thể khoan dung mà quên đi những xung đột thương đau do phía Trung Quốc gây ra trong vòng 40 năm qua (xâm chiếm lãnh thổ, chiến tranh biên giới, tàn sát dân lành, bạo hành ngư dân, v.v...), nhưng quyết không chấp nhận sự áp đặt vô lối mà Bắc Kinh đã ỉ mạnh mà đặt ra.

Cuối cùng, để “rộng đường dư luận” và đập tan những mưu đồ xảo trá của phía Trung Quốc, người dân rất muốn được biết cụ thể nội dung những thỏa thuận song phương đã được đôi bên ký kết trong chuyến công du vừa qua của Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn. Một khi có được sự đồng lòng và ủng hộ của người dân, mọi khó khăn, trở ngại  đều có thể vượt qua, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chiêm nghiệm, bởi lẽ:

Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi. Nó kết thành làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (*).

(*) Báo cáo Chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ II của Đảng Lao động Việt Nam (tháng 2-1951).
Trần Lê
Đọc tiếp...

THÔNG BÁO CỦA ANH BA SÀM, NGUYỄN TRỌNG TẠO VÀ NGUYỄN XUÂN DIỆN

ANH BA SÀM THÔNG BÁO:

Kính cáo: Bắt đầu từ ngày 1-7-2011, Ba Sàm xin dọn về lại ngôi nhà chính (anhbasam.wordpress.com), đồng thời có một số điều chỉnh quan trọng.

Trước hết, sẽ thử nghiệm trao toàn quyền quản lý ngôi nhà cho các độc giả tin cậy. (Căn lều tạm sẽ được đóng cửa vào ngày 7-7-2011 và để dự phòng).

Việc thay đổi sẽ đem lại nhiều thuận lợi hơn cho khâu quản trị do được chuyên môn hóa:  cải tiến, nâng cấp, tận dụng các tiện ích …

Với riêng BS cũng sẽ có điều kiện hơn để tập trung cho việc học hỏi kiến thức mọi mặt, hoàn thiện kỹ năng báo chí và công nghệ của mình.

Sẽ có một số trục trặc ban đầu, ảnh hưởng đôi chút nội dung, do BS không trực tiếp quản thủ, mà chỉ hướng dẫn, gửi những bình luận tới cho người coi sóc nhà.

Cuộc “cải cách” này cũng là liền mạch với tiêu chí mà BS vẫn đang thực hiện, đó là nhắm tới một tờ báo của dân chúng, mọi người cùng tham gia, từ những phản hồi bình luận, phát hiện tin tức, gửi bài vở, cho tới chung tay quản lý.

Cám ơn sự quan tâm, đóng góp của bà con.
.

NHÀ THƠ, NHẠC SĨ NGUYỄN TRỌNG TẠO THÔNG BÁO:

 .
Kính gửi bạn đọc gần xa,

 

THÔNG BÁO VỀ WEBSITE nguyentrongtao.org

Do quá tải nên website nguyentrongtao.org tạm thời không vào được trang chủ. Mời bạn vào để đọc bài tại blog này.

 

Trong thời gian trang web đang nâng cấp, kính mong bạn đọc gần xa thông cảm.

Trân trọng cám ơn!

Nguyễn Trọng Tạo
Website: http://nguyentrongtao.org

.

NGUYỄN XUÂN DIỆN CŨNG THÔNG BÁO:

.

Chiều nay, 29.6.2011, Nguyễn Xuân Diện đi chấm bài nên từ 14h đến 17h tôi không cập nhật cho Nguyễn Xuân Diện-Blog (đưa bài, "phê duyệt" comments) được. 

.

 

Nguyễn Xuân Diện - Blog kính báo!

Đọc tiếp...

TIN MỚI TỪ LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM

LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM RA QUYẾT ĐỊNH THÀNH LẬP
BAN NGHIÊN CỨU PHÁP LÝ VỀ BIỂN ĐÔNG VÀ HẢI ĐẢO
(BAN NGHIÊN CỨU LUẬT BIỂN)




Nguyễn Xuân Diện xin chúc mừng quyết định đúng đắn của Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Chúc mừng 12 thành viên của Ban Nghiên cứu Pháp lý về Biển Đông và Hải đảo.
Đặc biệt chúc mừng 3 người bạn của Nguyễn Xuân Diện: 
Nguyễn Nhã - Đinh Kim Phúc - Hoàng Việt

* Và xin ý kiến độc giả cả nước như sau:

Theo tôi được biết, hiện học giả Đinh Kim Phúc chỉ mới có 01 máy tính để bàn đã cũ. Nguyễn Xuân Diện muốn ngỏ lời với chư vị chúng mình cùng góp tiền mua tặng anh Đinh Kim Phúc một chiếc máy tính xách tay, và 1 máy scan ảnh và tài liệu để anh tiến hành công việc được thuận lợi hơn. Ý kiến của chư vị thế nào?

Thông tin về Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc:


Bổ sung lúc 10h50:

Xin cảm ơn chư vị đã đồng lòng với Nguyễn Xuân Diện thể hiện tại các comments ở dưới bài viết. Vì vậy, xin thưa rõ như sau:

1 - Việc mở TK tiếp nhận tiền sẽ không do Nguyễn Xuân Diện làm, mà do người khác giúp NXD và các vị;.

2 - Chỉ tiếp nhận tiền đủ để mua 01 máy tính và 01 máy scan, sau đó đóng tài khoản; Tiền dư, nếu có, sẽ chuyển sang việc mua cuốn sách "Chủ quyền quốc gia Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa" do Ông Đinh Kim Phúc chủ biên để tặng cho các bạn thanh niên. Sách mua theo giá bìa, có chữ ký của Ông Đinh Kim Phúc, Ông Hoàng Việt và Nguyễn Xuân Diện (là các đồng tác giả của cuốn sách). Nhưng cố gắng không có tiền dư thừa ngoài việc mua máy tính và máy scan.

3 - Trao tặng bằng hiện vật: 01 máy tính và 01 máy scan, không trao bằng tiền mặt;

4 - Công khai danh tính, số tiền của chư vị tại Nguyễn Xuân Diện-blog (vì vậy đề nghị ghi rõ họ tên khi gửi tiền);

Nguyễn Xuân Diện kính trình!

12h47': THÔNG BÁO TÀI KHOẢN TIẾP NHẬN 

Thưa chư vị,

Tôi đã nhờ được Thạc sĩ Hoàng Việt (người có tên trong Danh sách trên, số 10) giúp tôi và chư vị: 1- Mở tài khoản tiếp nhận tiền; 2- Mua máy tính xách tay và máy scan tặng anh Đinh Kim Phúc; 3- Thông báo chi tiết số tiền nhận được và người gửi. Xin cảm ơn anh Hoàng Việt nhiều lắm! Dưới đây là tên và số Tài khoản:
- Tên Tài khoản: HOÀNG VIỆT
- Số Tài khoản: 1 9 0 0 2 0 1 2 7 1 4 3 7
- Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp Hồ Chí Minh
Chi nhánh Mạc Thị Bưởi, Quận 1 - Tp Hồ Chí Minh
Nguyễn Xuân Diện kính trình!
Đọc tiếp...

PHÓ CHỦ TỊCH HỘI HỮU NGHỊ VIỆT - TRUNG TRẢ LỜI PV TRUYỀN HÌNH TQ

Truyền hình Trung Quốc phỏng vấn học giả Việt 

về tranh chấp Biển Đông

Tuần Việt Nam giới thiệu toàn văn bài trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Phượng Hoàng (Trung Quốc) của TS Vũ Cao Phan, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc như một góc nhìn cần tham khảo.
Tiến sĩ Vũ Cao Phan , nhà nghiên cứu quan hệ Việt - Trung, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc đã có buổi trả lời phỏng vấn Đài Truyền  hình Phượng Hoàng (Hồng Kông, Trung Quốc) trong tư cách Cố vấn khoa học Viện nghiên cứu Trung Quốc (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam). Một phần của bài trả lời phỏng vấn này đã được phát trong Chương trình liên tuyến "Nhất hổ nhất tịch đàm" được truyền phát đến hơn 150 quốc gia trên thế giới tối thứ bảy, 25 /6/2011.

Phía Trung Quốc luôn leo lên trước

Sự thể hiện cứng rắn gần đây của Việt Nam ở Nam Hải (Biển Đông) biểu thị một thái độ gì ?

Trả lời : Nếu chỉ nhìn vào riêng biệt các sự kiện xảy ra gần đây để đánh giá phản ứng và thái độ của Việt Nam thì sẽ  không chính xác. Phải nhìn rộng ra một chút, nhìn xa ra một chút. Vài năm gần đây ngày càng có nhiều các tàu đánh cá của phía Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu hết lưới cụ rồi đòi tiền chuộc. Như năm ngoái chẳng hạn, hàng chục tàu thuyền, hàng trăm ngư dân khu vực miền Trung bị bắt giữ. Đây vốn là vùng đánh cá truyền thống lâu đời và yên lành của ngư dân Việt Nam, bây giờ bỗng nhiên liên tục xảy ra những sự việc như vậy.

Có lần tivi Việt Nam chiếu cảnh hàng trăm thân nhân của những người đánh cá đứng, ngồi lam lũ trên bờ biển khóc lóc ngóng lo chồng con trở về đã gây ra rất nhiều bức xúc trong dư luận xã hội (điều này chắc các bạn Trung Quốc không biết).

Nhà đương cục Việt Nam đã nhiều lần tiếp xúc với phía Trung Quốc về vấn đề đó nhưng hầu như không được đáp ứng. Lần này Trung Quốc hành động mạnh hơn thì phản ứng của Việt Nam cũng buộc phải mạnh hơn, không có gì quá bất thường.

Tàu hải giám Trung Quốc, đội tàu thường xuyên quấy nhiễu vùng biển Việt Nam

Trong tinh thần ấy, tôi nghĩ, phát biểu của lãnh đạo Việt Nam cũng chỉ là những phản ứng tự vệ, đâu có phải là lời lẽ đe dọa chiến tranh như các bạn vừa suy luận. Nếu người dân Trung Quốc thấy bất thường thì có lẽ là vì các bạn không biết đến các sự kiện trước đó như tôi vừa nói.

Còn nếu gọi đây là một sự leo thang thì phải thấy là Việt Nam leo theo các bạn Trung Quốc. Đúng thế đấy, phía Trung Quốc luôn luôn leo lên trước.

Theo ông, tranh chấp trên Nam Hải (Biển Đông) sẽ được giải quyết bằng vũ lực hay đàm phán ?

Ở Việt Nam loại câu hỏi như thế này hầu như không được đặt ra; tôi nói hầu như nghĩa là không phải không có. Mặc dù Việt Nam đã phải đương đầu với nhiều cuộc chiến tranh suốt hơn nửa thế kỷ qua nhưng không nhiều người nghĩ đến khả năng có một cuộc chiến tranh Trung - Việt vào lúc này vì những hòn đảo ở Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải).

Về phía cá nhân, tôi tin cuộc tranh chấp sẽ được giải quyết một cách hòa bình. Thứ nhất là vì Chính phú hai nước luôn luôn cam kết sẽ giải quyết những tranh chấp này không phải bằng vũ lực mà thông qua con đường ngoại giao, đàm phán thương lượng.

Thứ hai, cả hai nước đều đang ra sức phát triển kinh tế sau nhiều năm bị tàn phá bởi Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc và chiến tranh ở Việt Nam; và công cuộc xây dựng phát triển kinh tế này đang đạt được những kết quả khả quan, chắc là không bên nào muốn để chiến tranh một lần nữa kéo lùi sự phát triển của đất nước mình.
Thứ ba, bối cảnh của một thế giới hiện đại - tôi muốn nói đến một dư luận quốc tế đã trưởng thành - sẽ mạnh mẽ góp sức ngăn ngừa một khả năng như vậy.

Thứ tư, và điều này cũng rất quan trọng, là nếu chính phủ hai nước có nóng đầu một chút thì lý trí và tình cảm của nhân dân cả hai bên sẽ giúp cho họ tỉnh táo hơn, tôi tin như vậy. Tôi xin hỏi lại anh, chắc anh cũng không muốn có muốn một cuộc chiến tranh chứ ?
Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra những va chạm, xung đột nhỏ.

Bản chất của tranh chấp Trung - Việt

Bản chất của sự tranh chấp Trung - Việt, theo ông, là vấn đề kinh tế hay chủ quyền ? Việt Nam nhìn nhận nguyên tắc "gác tranh chấp, cùng khai thác" như thế nào ?

Đây là một câu hỏi thú vị. Các sự kiện ở Biển Đông cho thấy có cả màu sắc tranh chấp về kinh tế lẫn tranh chấp chủ quyền. Quan sát khách quan thì thấy Trưng Quốc có vẻ nghiêng về lý do kinh tế, còn Việt Nam nghiêng về lý do chủ quyền nhiều hơn. Cách nhìn vấn đề như vậy sẽ giải thích được tại sao Việt Nam không mặn mà lắm với việc "gác tranh chấp, cùng khai thác". Ta thử phân tích xem tại sao nhé. Và đây là ý kiến của cá nhân tôi thôi.

Lý do thứ nhất là tài nguyên thì có hạn, một khi khai thác hết rồi điều gì sẽ xảy ra? Liên quan đến nó là lý do thứ hai: "gác tranh chấp, cùng khai thác" mà các bạn vừa nêu mới chỉ là một nửa lời căn dặn của ông Đặng Tiểu Bình mà nguyên văn là: "Chủ quyền của ta, gác tranh chấp, cùng khai thác", có đúng không? Như thế có nghĩa là khi đã cạn kiệt tài nguyên khai thác rồi, Việt Nam chẳng còn gì và Trung Quốc thì vẫn còn cái cơ bản là "chủ quyền"! Mà những hòn đảo và vùng biển ấy đâu chỉ có giá trị về tài nguyên?

Tôi ủng hộ việc hai nước cùng hợp tác khai thác tài nguyên ở Biển Đông nhưng ít nhất trước đó cũng phải làm sáng tỏ đến một mức độ nhất định nào đó (nếu chưa hoàn toàn) vấn đề chủ quyền.

Về câu hỏi của các bạn là bản chất của cuộc tranh chấp Việt - Trung là gì, kinh tế hay chủ quyền thì tôi đã phát biểu như vậy. Nhưng nếu cho tôi được phát triển theo ý mình thì tôi nói rằng, bản chất của cuộc tranh chấp này là chính trị. Quan hệ Việt - Trung không yên tĩnh đã từ mấy chục năm nay rồi và nó là một dòng gần như liên tục, trước khi xuất hiện vấn đề biển đảo những năm gần đây, có phải vậy không? Để giải quyết nó, các nhà lãnh đạo cần phải ngồi lại với nhau, ở cấp cao nhất ấy, một cách bình đẳng, bình tĩnh, thẳng thắn và chân thành. Vấn đề hóc búa đấy. Đương đầu với sự thật không dễ dàng, nhưng sẽ dễ dàng nếu xuất phát từ thiện chí mong muốn một sự bền vững thực chất cho tình hữu nghị Việt - Trung.
 
Làm gì để duy trì quan hệ hữu hảo Việt - Trung?

Theo ông, tương lai phát triển của quan hệ Trung - Việt sẽ như thế nào ? Làm cách nào để có thể duy trì quan hệ hữu hảo giữa hai nước ?

Tôi là một người có nhiều năm công tác ở Hội Hữu nghị Việt - Trung, có nhiều mối quan hệ gắn bó với Trung Quốc và nói một cách rất chân thành là tôi yêu Trung Quốc, khâm phục Trung Quốc và thậm chí có thể gọi là "thân Trung Quốc" cũng được. Vì thế, điều mong muốn thường trực của tôi là làm sao xây dựng được một mối quan hệ tốt đẹp, thật sự tốt đẹp giữa nhân dân hai nước. Chắc các bạn cũng muốn vậy. Nhưng có không ít việc phải làm. Có việc phải bắt đầu lại. 

Trước hết, như tôi đã nói là phải ngồi lại với nhau. Có vị bảo với tôi là ngồi mãi rồi còn gì. Không, ngồi như vậy chưa được, ngồi như vậy không được. Ngồi thế không phải là ngồi thẳng. 

Về phần mình với mong muốn như vậy, tôi xin được gửi gắm đôi điều giống như là những lời tâm sự đến các bạn: 

Thứ nhất là, vấn đề đàm phán song phương giữa hai nước. Tôi nghĩ đàm phán song phương cũng tốt, cũng cần thiết. Những nơi có tranh chấp đa phương như quần đảo Trường Sa (Nam Sa) thì cần phải đàm phán nhiều bên còn như quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa) là vấn đề của riêng hai nước Việt Nam và Trung Quốc lại khác. Nhưng Chính phủ các bạn lại tuyên bố Hoàng Sa dứt khoát là của Trung Quốc, không phải là vấn đề có thể đưa ra đàm phán. Vậy thì còn cái gì nữa để mà "song phương" ở đây? Chính tuyên bố ấy của Trung Quốc đã đóng sập cánh cửa "con đường song phương". 

Tình trạng tranh chấp Hoàng Sa rất giống với tình trạng tranh chấp của đảo Điếu Ngư, giữa Trung Quốc và Nhật Bản mà ở đấy, địa vị của Trung Quốc hoàn toàn giống như địa vị của Việt Nam ở Hoàng Sa lúc này. Chẳng lẽ Trung Quốc lại có một tiêu chuẩn kép cho những cuộc tranh chấp giống nhau về bản chất sao ?Ư

Thứ hai là, chúng ta thường nói đến sự tương đồng văn hóa giữa hai nước như là một lợi thế cho việc chung sống hữu nghị bên nhau giữa hai dân tộc.  Điều đó đúng một phần, nhưng mặt khác, văn hóa Việt Nam, nhất là văn hóa ứng xử có sự khác biệt với lớn Trung Quốc. Nếu văn hóa ứng xử của người Trung Quốc là mạnh mẽ, dứt khoát, quyết đoán (và do đó thường áp đặt?), nặng về lý trí, thì văn hóa ứng xử của người Việt Nam là nhẹ nhàng, khoan dung, nặng về tình, ơn thì nhớ lâu, oán thì không giữ. Hình như các bạn Trung Quốc chưa hiểu được điều này ở người Việt Nam. Cần phải hiểu được như vậy thì quan hệ giữa hai bên mới dễ dàng. 

Tôi có thể lấy một ví dụ. Những sự kiện ở Nam Kinh, ở Lư Cầu Kiều xảy ra đã hơn bảy chục năm rồi. Nhưng mỗi khi có vấn đề với Nhật Bản, người Trung Quốc lại xuống đường biểu tình, đầy căm thù nhắc lại những sự kiện ấy. Người Việt Nam thì không như vậy. Phát xít Nhật đã góp phần gây ra nạn đói giết chết hàng triệu người Việt Nam năm 1945, và trong cuộc chiến tranh Việt Nam 1965 - 1975, người Mỹ, người Hàn Quốc đã gây rất nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam. Nhưng sau chiến tranh, chính những người lính các nước này khi trở lại Việt Nam đã rất ngạc nhiên bắt gặp những nụ cười niềm nở thân thiện của người dân. Có lẽ nhờ thái độ, cách ứng xử đó của người Việt Nam chăng mà Mỹ, Nhật, Hàn cuối cùng đã trở thành những đối tác kinh tế và thương mại lớn, và là những nước viện trợ hàng đầu cho Việt Nam sau chiến tranh? 

Nói như thế vì tôi thấy rằng, cách ứng xử nặng nề của phía Trung Quốc đối với Việt Nam đã và đang đẩy những người Việt Nam vốn rất yêu quý Trung Quốc ra xa các bạn, chứ không phải là Việt Nam cố đi tìm những liên minh ma quỷ để chống Trung Quốc. 

Lấy thêm một ví dụ nữa nhé! Bây giờ chúng ta đã có thể hiểu bản chất sự kiện (cũng có thể gọi là cuộc chiến tranh) tháng 2/1979 rồi. Người Việt Nam đã muốn quên đi, và khi tiếp xúc với các bạn Trung Quốc vẫn luôn giữ một sự niềm nở chân tình. Trái lại người Trung Quốc rất hay nói đến sự kiện đó. Các bạn biết không, năm 2009, tôi chẳng để ý đó là năm gì, giở báo, mạng của các bạn mới biết là đã 30 năm kể từ 1979. Không phải chỉ vào tháng 2 đâu mà suốt cả năm 2009 người ta nói về sự kiện này. Hàng mấy trăm bài viết, nhiều bài trên mạng mà nhìn vào chỉ muốn khóc. Lời lẽ thật tàn tệ. Thôi, cho chuyện này qua đi ...

Để Biển Đông không nổi sóng, các bên cần thẳng thắn và thiện chí.

Thứ ba là, quan hệ giữa hai nước chúng ta thậm chí phải trở nên đặc biệt vì chúng ta có sự tương đồng văn hóa, lịch sử, là láng giếng không thể cắt rời, từng hoạn nạn có nhau (bản thân  tôi là một người lính trong chiến tranh, tôi không thể nào quên sự giúp đỡ chí tình của nhân dân Trung Quốc về cả vũ khí, lương thực mà mình trực tiếp được sử dụng). Hai nước chúng ta lại đang cùng cải cách mở cửa, phát triển kinh tế. Chừng ấy lý do là quá đủ để quan hệ này trở nên hiếm có, trở nên đặc biệt. 

Tôi nói như vậy là muốn phát biểu thêm rằng, hai nước còn một lý do tương đồng nữa là cùng thể chế chính trị, cùng ý thức hệ, điều hay được người ta nhắc đến. 

Nhưng theo ý kiến cá nhân tôi - của riêng tôi thôi nhé - thì không cần nhấn mạnh điểm tương đồng này. Nó tồn tại như một điều kiện, một lý do thế thôi, không cần nhấn mạnh như cách hai nước vẫn làm. Giữa các nước có cùng ý thức hệ kiểu này vẫn xảy ra xung đột, chiến tranh vì quyền lợi quốc gia như chúng ta đã biết đấy thôi. Thực tế là quyền lợi quốc gia cao hơn ý thức hệ. Chúng ta nên thẳng thắn nhìn nhận vậy để khỏi dối lòng nhau. 

Hơn nữa, giả dụ một ngày nào đó một trong hai nước chúng ta có một thể chế chính trị khác thì sao, chúng ta lúc ấy còn cần duy trì quan hệ láng giềng tốt nữa không ? Vẫn cần chứ, rất cần. Vậy thì ... 

Tôi rất sẵn lòng cùng các bạn làm tất cả những gì để hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa đã hiểu biết càng hiểu biết nhau hơn nữa, đã gần gũi càng gần gũi nhau hơn nữa. Cám ơn Đài Truyền hình Phượng Hoàng đã dành cho tôi cuộc phỏng vấn này.
.

Trả lời phỏng vấn báo chí về việc Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đưa bài bình luận với những lời lẽ không chính đáng, mang tính chất đe dọa về vấn đề biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga cho biết:

"Quan điểm của Việt Nam về vấn đề này là hết sức rõ ràng. Việt Nam chủ trương giải quyết mọi vấn đề, trong đó có vấn đề biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và trên cơ sở luật pháp quốc tế. Thời báo Hoàn cầu đã đưa ra những bình luận thiếu thiện chí, không đúng với sự thật, và điều này hoàn toàn ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ hai nước, gây ra những tổn thương về tình cảm cho nhân dân Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng Thời báo Hoàn cầu cũng chỉ là tiếng nói của một nhóm người nhất định, chứ không phải đại diện cho nhân dân Trung Quốc. Tôi tin rằng nhân dân Trung Quốc cũng như nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới đều không thể đồng tình và chia sẻ với những bình luận thiếu thiện chí như vậy của Thời báo Hoàn cầu".

"Về phía Việt Nam, chúng ta bao giờ cũng nói rất rõ ràng về chủ trương giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hòa bình, thông qua thương lượng trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việt Nam luôn chủ trương phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với nhân dân Trung Quốc. Hai nước đang xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, nhân dân hai nước cũng như hai Đảng, hai nhà nước đều rất nỗ lực phát triển mối quan hệ vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Tôi tin rằng những bình luận thiếu thiện chí của tờ Thời báo Hoàn cầu đã không đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân 2 nước" - bà Nga nói.

 Nguồn: Tuần Việt Nam (VNN)

Đọc tiếp...

BẢN TIN CỦA TÂN HOA XÃ NGÀY 28.6.2011

Trung Quốc thúc giục sự đồng thuận 
với Việt Nam trên vấn đề Biển Hoa Nam
English.news.cn   2011-06-28 22:42:37

Bắc Kinh, ngày 28-6 (Tân Hoa Xã) – Trung Quốc hôm nay thứ Ba đã kêu gọi Việt Nam hãy thực hiện đầy đủ một thỏa thuận song phương trên vấn đề Biển Hoa Nam [Biển Đông] vốn đã đạt được trong thời gian diễn ra chuyến viếng thăm của phái viên đặc biệt của Việt Nam Hồ Xuân Sơn vào tuần trước.

“Chúng tôi cùng với phía Việt Nam đã có những cuộc thảo luận tới cùng trên vấn đề Biển Hoa Nam trong thời gian diễn ra chuyến viếng thăm của phái viên đặc biệt, và hai bên đã thỏa thuận giải quyết những tranh chấp thông qua các cuộc hội đàm hữu nghị và tránh gây nên những động thái có thể làm trầm trọng thêm hay gây nên phức tạp cho vấn đề,” theo lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi tại một  cuộc họp báo ngắn.

Cả hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam và nguyện sẽ tích cực hướng dẫn công luận và ngăn ngừa (guard against …) những lời bình luận hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin cậy giữa nhân dân hai nước, ông Hồng Lỗi nói.

“Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam cũng như chúng tôi sẽ thực hiện đầy đủ sự nhất trí và có được những nỗ lực gìn giữ hòa bình và ổn định trên Biển Hoa Nam,” ông Hồng Lỗi nhận xét.

Trong thời gian diễn ra chuyến viếng thăm mới kết thúc vừa qua của ông Hồ Xuân Sơn, cũng là Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông đã gặp Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc và đã tiến hành các cuộc trao đổi với Thứ trưởng Ngoại giao Trương Chí Quân.

Hai bên đã thỏa thuận cùng đẩy nhanh các cuộc hội đàm cho một hiệp định về những nguyên tắc cơ bản hướng tới giải quyết những tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam, đảm bảo hành động nỗ lực hơn để ký kết một thỏa thuận càng sớm càng tốt, theo như một bản thông cáo báo chí từ Bộ Ngoại giao về cuộc họp giữa ông Đới và ông Hồ Xuân Sơn.

Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố về chủ quyền không thể tranh cãi của mình tại các hòn đảo trên Biển Hoa Nam và những vùng biển xung quanh các hòn đảo này.

Những hồ sơ lịch sử của Trung Quốc đã cho thấy rằng năm 1958, chính phủ Trung Quốc đã khẳng định các hòn đảo trên Biển Hoa Nam như là bộ phận thuộc lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc, và kế đó Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã bày tỏ sự tán đồng trong bức thư ngoại giao ngắn của mình gửi tới Thủ tướng khi đó là ông Chu Ân Lai.  

Chưa từng có sự bất đồng nào từ bất cứ quốc gia nào đối với chủ quyền của Trung Quốc trên khu vực này cho tới những năm 1970, khi các nước bao gồm Việt Nam và Philippines tuyên bố chủ quyền từng phần ở đây.

Sau những cuộc đàm phán và tranh chấp kéo dài, ông Đặng Tiểu Bình đã khởi xướng đề xuất của mình về vấn đề đặt qua một bên những tranh chấp và đề nghị cùng nhau khai thác trong khu vực này.

Tháng 11 năm 2002, Trung Quốc và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN gồm 10 nước đã thông qua một bản Tuyên bố về Cách ứng xử trên Biển Hoa Nam, để đặt ra một cơ sở chính trị cho sự hợp tác thương mại có thể trong tương lai giữa Trung Quốc và ASEAN cũng như hòa hình và ổn định lâu dài trong khu vực.

Tháng 3 năm 2005, ba công ty dầu khí Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đã ký kết một bản thỏa thuận tay ba có tính bước ngoặt tại Manila nhằm cùng nhau khai thác các nguồn dầu và khí gas tại vùng Biển Hoa Nam đang tranh chấp. 

Người dịch: Ba Sàm
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
Lời bình của người dịch: Ối giời … Tiêu đời rồi em ơi?!

Ông Phạm Viết Đào nhận định:

- Trung Quốc đang tìm mọi cách để Việt Nam và Trung Quốc sớm đàm phán nhằm gạt Mỹ ra khỏi tranh chấp Biển Đông, trong khi thượng viện Mỹ vừa thông qua nghị quyết phản đối Trung Quốc ngày hôm qua 28/6.
- Việc ông này nói: "Cả hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam", nghe ra có vẻ xuyên tạc và đánh lừa dư luận. Coi chừng Việt Nam sẽ mắc bẫy và không có cơ hội sửa sai.
- Phải chăng Trung Quốc đang gấp gáp bằng mọi cách đẩy Mỹ ra khỏi tranh chấp Biển Đông và chuẩn bị cho việc đặt giàn khoan khủng bố CNOOC 981?
Tình hình xem ra có vẻ rất phức tạp với ông bạn vàng rất lắt léo này.
Chiều lòng Trung Quốc lúc này sẽ là sai lầm lớn; đừng tưởng sau "Thông tin chung báo chí Việt Nam - Trung Quốc" thì tình hình Biển Đông sẽ tránh được xung đột; nếu Việt Nam kiên định lập trường, thì rất có thể trong tháng 7 tới, Trung Quốc sẽ gây sự (?!). (Nguồn: Phạm Viết Đào-Blog).
 
Nguyễn Xuân Diện: 

Với bản tin chính thức này của Tân Hoa xã (Xin Hua) thì khả năng chắc chắn có một cuộc biểu tình lớn tại HN và Sài Gòn vào cuối tuần; nhất là khi giới nhân sĩ trí thức vừa ra TUYÊN CÁO được hưởng ứng mạnh mẽ và sâu rộng của nhân dân cả nước và kiều bào ở nước ngoài.

Không biểu tình thì thôi, nếu đã biểu tình, xin đừng để như ông Đông A đốt vào đít người biểu tình hôm 26.6 vừa rồi: 
Biểu tình lai rai
Tôi không phải là dân nhậu và kỳ thực cũng không hiểu lối thưởng thức ẩm thực nhậu lai rai. Lối nhậu lai rai có lẽ là một đặc trưng của vùng sông nước Nam bộ. Bắc bộ không có lối nhậu lai rai, cà kê suốt tối. Hai chữ "lai rai" chợt đến với tôi khi tôi thấy hôm nay Hà Nội lại có cuộc tuần hành nho nhỏ chống Trung Quốc lần thứ 4. Kỳ thực tôi cũng không hiểu ý nghĩa thông điệp của những người tham gia tuần hành. Thông điệp chống Trung Quốc đấy họ muốn gửi cho ai? Gửi cho Chính phủ Trung Quốc?  Nếu thế thì làm trò cười cho Trung Quốc bởi vì các cuộc biểu tình ngày càng không to lớn khí thế hơn mà trái lại nhỏ đi ỉu xìu. Như thế khác nào là một khẳng định với Trung Quốc rằng người Việt Nam càng ngày càng không quan tâm tới chuyện chống Trung Quốc, tinh thần chống Trung Quốc càng ngày càng đi xuống.[...]
Nếu các cuộc biểu tình ngày càng xỉu đi thì không ai lại tổ chức tiếp làm gì, bởi vì nếu tổ chức tiếp, thông điệp của chúng mất hết ý nghĩa. Những người tham gia tuần hành có lẽ không bao giờ nhận ra được ý nghĩa thông điệp như vậy của một cuộc tuần hành hay một cuộc biểu tình. Cứ xem các nước trên thế giới, không ở đâu có kiểu biểu tình lai rai như ở Việt Nam. Biểu tình lai rai đúng là một kiểu tố chất của những người chưa trưởng thành về chính trị. (Nguồn: ĐÔNG A-blog).


Ghi bên lề:
Nửa đêm qua, Nguyễn Xuân Diện nhận được thư của bác Nguyen Huu Giang hướng dẫn cho cách sửa chữ Nặc Danh thành chữ Khách hoặc Khách Vô danh. Sau một hồi loay hoay, Nguyễn Xuân Diện đã thực hiện được bản hướng dẫn của bác Huu Giang và sáng nay thì đã hoàn thiện. Từ nay, trên NXD-Blog, chữ Nặc danh sẽ không còn, thay vào đó là chữ Khách ẩn danh. Xin chân thành cảm ơn bác Nguyen Huu Giang, đã giúp Nguyễn Xuân Diện chỉnh sửa lại một bức hoành phi trong hiên trà nhỏ bé này để khách uống trà và ghi lưu bút không hiểu lầm chủ nhân.
Đọc tiếp...