Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

TƯNG BỪNG 21.6: NHẬU THỊT CHÓ VÂN ĐÌNH 13 MÓN

Mười ba món Thịt chó Vân Đình

Vân Đình Hùng
Lời dẫn của Nguyễn Xuân Diện:
Vân Đình là một thị trấn nhỏ, nằm ngay bên con đường trảy hội chùa Hương, rộn ràng trong mưa bụi mỗi độ xuân về, là thủ phủ của huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây. Xưa Vân Đình là một vùng đất cổ thuộc huyện Sơn Minh, phủ ứng Thiên, trấn Sơn Nam thượng; năm tháng trôi qua, thiên tai địch họa trải đã nhiều song cũng không xóa được những vết tích cổ kính nơi đây.
Tôi có anh bạn là một tay sành ẩm thực có hạng. Dấu chân anh đã in khắp các miền non nước, và anh thì đã biết đến không biết bao nhiêu là của ngon vật lạ, đặc sản thời trân các nơi. Khi tôi hỏi anh đã biết đến các món vịt cỏ, thịt chó Vân Đình chưa thì anh ta lôi kéo tôi đến ngay mấy cái quán vịt ở đường Láng, và còn hẹn sẽ đưa đi một vòng quanh Hà Nội để đếm xem có bao nhiêu cái quán đề biển Thịt chó Vân Đình, ra vẻ là người sành điệu lắm. Tôi bảo anh ta chỉ là một gã biết ngọn mà không biết gốc....

Tôi còn nhớ mãi đận về ăn cưới ông bạn nối khố ở Vân Đình. Anh chàng lấy vợ ở cái tuổi 30, so với trai làng là “qúa chậm”. Sau một chục năm ở chiến trường về, lấy cô giáo làng vừa trẻ lại vừa xinh, nên bọn bạn chúng tôi lại khen chậm nhưng chậm chắc.

Làng đang vào vụ gặt mùa, tiết trời se lạnh, đường về làng đầy những rơm phơi kín. Chúng tôi được thông báo rằng cỗ cưới ở Vân Đình là cỗ thịt chó. Thấy lạ, bọn lính cũ cùng đơn vị ở Khe sanh năm 1972, thằng nào cũng sắp xếp công việc để vào dự cưới ông bạn Vân Đình.

Ở đây có lệ ăn cỗ dựng rạp trước hôm đón dâu. Chúng tôi vào đúng lúc cả nhà đang tất bật, mỗi người một việc, người đi mượn bàn ghế, người đi mượn phông màn của uỷ ban xã, người chuẩn bị bát đĩa, soong nồi, củi, rơm ...Ông cụ thân sinh ra chú rể đang túi bụi với công việc chuẩn bị cho bữa cỗ ngày dựng rạp và ngày hôm sau đón dâu. Chú rể giới thiệu chúng tôi với ông già, và sau một tuần trà thơm, chúng tôi xin được giúp ông già làm cỗ. Không khí thân mật đã làm mất đi cái khoảng cách chủ khách, chỉ còn lại không khí thật ấm cúng ngày nào, cùng chiến hào của một thời chiến tranh.

Thật ra chúng tôi chỉ ngồi nhặt rau, gọt vỏ chuối, giã riềng và bổ củi. Tôi được ông già cho phụ giúp việc làm thịt chó. Người Vân đình gọi việc vặt lông chó là “sỏi vỏ”. Sau giai đoạn sỏi vỏ là “thui”. Ông già nói ngày mai khi làm cỗ đại trà thì chỉ thui bằng rơm mới thôi. Hôm nay có các anh về dự cưới em nó, bố sẽ thui bằng cây thanh hao cho đúng cách để các anh được thưởng thức hương vị Làng Vân. Mà thật lạ, cái bó cây thanh hao người ta dùng làm chổi quét nước, ấy vậy mà dùng nó để thui chó thì vừa nhanh, thịt chó lại có mùi thơm rất lạ ngay từ lúc nó vừa thui xong. Nhìn con chó vàng ươm, tròn mây mẩy, khuỷu chân trước hơi quá lửa nứt ra, mỡ cháy sủi bọt đã thấy chảy cả nước miếng rồi. Ông già xách con chó vừa thui ra sân giếng khơi, tôi nhanh nhẹn kéo mấy gầu nước đổ đầy cái chậu to tướng. Toàn thân con chó được sát muối, ông cụ bảo làm thế nó sẽ hết mùi hôi, rồi ông lấy một mớ rơm mới chà sát sạch sẽ rồi dội nước. Bởi như ông nói, sau lúc mổ thì không được rửa thịt nữa, sợ nó nhạt(!). Con chó được đặt nằm ngửa trên một chiếc nong đã được rửa sạch, phơi khô, chiếc thớt gỗ nghiến Lạng sơn đã ghi đậm những vết băm chặt của không biết bao lần làm cỗ như thế này đã sẵn sàng. Thịt được phanh ra và các món gần như được định liệu ngay từ khi mổ. Tôi được ông cụ giải thích: ở Vân đình người ta làm cỗ thịt chó thường có 13 món gồm: 5 bát, 8 đĩa. Nếu cầu kỳ, nhất là mấy ông đồ nho gặp bạn văn chương thì có thể hơn. Năm bát gồm có Sáo nạc (bằng thịt nạc, mỗi miếng tái to gần bằng bao diêm) đem ướp kỹ rồi hầm nhừ. Sáo xương, Tam tam (giả thịt ba ba gồm hai cánh sườn, thêm một chút thịt ba chỉ thái con chì, lạc rang chín tới xảy sạch vỏ, giã vỡ đôi, chuối xanh, đậu phụ nướng thái con chì, xương sông, tía tô, mẻ...), Sáo trâu (giả thịt trâu, gồm phần nạc ở vai, cổ, thái mỏng ướp hành khô, tỏi băm, không được dính giềng, nấu với rau cần tuốt hết lá hoặc cọng rau muống non). Và cuối cùng là bát nước chấm được gọi là “Lòng chuột”. Thực ra món này không phải làm bằng thịt chuột, nhưng từ xưa người Làng Vân vẫn gọi món này như vậy, chẳng ai biết xuất xứ của nó từ đâu? Món này làm bằng bộ cuống họng băm nhỏ, phổi, lá lách và các thùy gan nhỏ (còn thùy gan to phải dùng cho món khác) cũng thái nhỏ đem xào chín tới với khế chua vắt nước, lọc mẻ, ớt tươi, trước khi bắc ra thì cho tiết hãm (tiết không bị đông, được hãm như tiết canh) và lá chanh. Riêng lá chanh tôi thấy ông cụ nói rằng sau khi hái không được rửa - sợ mất mùi, mà phải lau sạch từng lá trước khi xé nhỏ cho vào nồi lòng chuột. Món này thay mắm tôm chanh ớt. Người Làng Vân ăn thịt chó không chấm mắm tôm! Món lòng chuột được chấm với chả nướng, thịt luộc, dồi luộc sao cho khi ăn mỗi miếng thịt luộc, dồi hoặc chả được gắp kèm thêm khế, lục phủ ngũ tạng, ớt ... trong bát nước chấm, mới đủ độ ngon.
.
Trong tám đĩa, mỗi thứ một vẻ, đầu vị phải kể đến đĩa dồi, “sống ở đời ăn miếng dồi chó... “, thứ hai là đĩa luộc (hay hấp), thứ ba là đĩa nhựa mận (hay Cháy cạnh) món này làm bằng các loại thịt thừa khi chế biến, thái vuông mỗi chiều hơn một đốt ngón tay, rang cháy cạnh cho chảy mỡ ra, rồi mới cho mẻ lọc vào, khi bắc ra nêm thêm một môi tiết hãm. Món thứ tư là đĩa “Gan sống mỡ gáy", nhưng không phải làm bằng gan sống và mỡ gáy! Món này khi pha thịt phải lựa được hai nửa miếng nầm ngực băm dối, vết dao chỉ làm đứt da, để lại những vạch chéo, ướp riềng mẻ, mắm tôm độ một tiếng trước lúc nướng. Hai thùy gan to nhất cũng được khía dối ướp lẫn. Khi nướng phải có ý, không được nướng phía bì trước, phải úp miếng nầm xuống, nướng chín tới, sau đó hơ qua mặt có bì, hai miếng gan phải nướng sao cho không sống, không chín quá. Lúc thái, thái vuông mỗi chiều bằng một đốt ngón tay, chấm với muối tiêu chanh để ngay ở trên đĩa. Khi ăn phải gắp hai miếng, một miếng nầm nướng, một miếng gan nướng ăn lẫn. Cái sậm sật của sườn non, quện với vị bùi của gan nướng làm cho thực khách ngỡ ngàng khi thưởng thức. Đĩa thứ năm, thứ sáu, thứ bảy là ba loại chả. Chả miếng, giống như các hàng thịt chó thông thường. Nhưng người Làng Vân lúc pha thịt chả thường thái thành từng miếng to sao cho cứ hai miếng đó sau khi nướng thì thái được một đĩa bày mâm. Miếng thịt chọn để nướng chả phải lẫn cả nạc, cả mỡ, cả bì, sau đó kẹp trong một cái gắp bằng tre tươi chẻ mỏng nướng trên chậu than Đục Khê đỏ rực. Khi chín thái mỏng tang, bày lên đĩa, lúc ăn chấm với lòng chuột. Chả bọc làm bằng các loại thịt vụn sau khi chế biến, mang băm nhỏ, nặn thành hình cái bánh mỳ nhỏ, dẹt, lấy mỡ màng tang (hay còn gọi là mỡ chài) bọc ra ngoài rồi đem nướng, có người thích ăn thêm xương sông thì bọc thêm một lượt xương sông ngoài cùng để khi nướng có mùi thơm lạ hơn. Đĩa chả thứ ba cũng là đĩa thứ bảy đó là Chả sầu bóp tiết. Tôi cũng không biết người Làng Vân đình gọi tên này bắt đầu từ một điển tích gì ngay cả cụ già cũng chẳng giải thích gì thêm. Để có đĩa chả này phải lựa những miếng thịt mông cuối, nhiều nạc, ít mỡ, thái vuông quân cờ, ướp riềng, mẻ, mắm tôm trước một giờ, sau đó cho vào một cái lưới dùng để nướng chả. Khi chả vừa chín thì gắp từng miếng nhúng vào tiết hãm pha một chút rượu mạnh để miếng chả có mầu rất bắt mắt, bóng láng như được tráng một lớp men màu bã trầu, cau Đông trầu Quế vôi Đào. Khi bày đĩa phải quay phía bì lên rồi đem vừng trắng rang rắc lên chốc. Mỗi đĩa có sáu miếng, mỗi người trong mâm chỉ được nếm một miếng thôi.

Bảy món đĩa trên đều được ông bố chú rể hướng dẫn tôi một cách tỷ mỉ. Song tôi nghe cũng như vịt nghe sấm, nghe thì hay, thì thích, thấy rõ lạ, nhưng nó lại chạy từ tai trái sang tai phải rồi chạy đi đâu mất?

Đĩa cuối cùng ông già nói rằng kể cho anh nghe cho đủ, nhưng anh không phụ giúp tôi được đâu. Cứ trông cái bộ dạng lóng nga lóng ngóng của anh là tôi đã phải làm lấy một mình rồi. Tôi chăm chú nhìn ông già thao tác, đầu tiên ông lấy toàn bộ bì lạng lẫn chút mỡ, cuốn lại rồi lấy lạt giang buộc, bỏ vào nồi luộc. Các miếng thịt nạc ngon nhất được ướp hành khô, giềng, mắm muối sau một lúc, đem nướng chín tới. Ông thái mỏng các miếng thịt nạc vừa nướng tới vẫn còn lòng đào, ông gọi là “tẩy” tái dê, tuyệt nhiên không có chữ thái ở đây. Tay nghề của ông thật điêu luyện, miếng thịt trông thì to bản nhưng mỏng. Bì luộc vớt ra để nguội thái chỉ như tẩy nem chạo. Cả hai thứ được hộn lại, rồi đem muối, bột ngọt, thính trộn đều. Thính dùng cho món tái dê phải được rang bằng đậu tương, xay nhỏ thành bột mịn trộn thêm một quả thảo quả (có nơi gọi là quả tò ho) nướng than chín cháy vỏ, rồi cũng đem giã nhỏ như đậu tương vậy. Lúc bày ra đĩa rắc thêm ít lá chanh thái chỉ.

Trong các món đĩa thì món tái dê làm thật công phu và dân bợm nhậu cũng sẽ rất khoái vì hương vị đặc biệt của nó. Không phải thịt dê, nhưng ăn nó na ná.

Mười ba món thịt chó trong một mâm cỗ như hội tụ tất cả hương vị độc đáo của một vùng quê. Tôi không dám nói dân Làng Vân có trình độ “Văn hoá ẩm thực”, nhưng nếu bạn được chứng kiến từ đầu một bữa cỗ bằng thịt chó của người Làng Vân thì mới thấy hết cái tinh xảo trong chế biến, cái hợp lý trong cách dùng gia vị và điệu nghệ trong nấu nướng của họ.
.
Công việc nấu nướng lại là của các bà, các cô, họ nêm gia vị, mắm muối rồi ngửi món đang nấu, tuyệt nhiên không thấy ai nếm bao giờ. Khi ăn chưa thấy thực khách nào chê mặn hay nhạt vì món nào cũng vừa vặn. Các món được nấu chín, cách trình bày cũng thật độc đáo. Họ bày rất hài hoà từ đĩa rau thơm đến tám món đĩa, năm món bát, nhìn mâm cỗ cứ như là một tác phẩm nghệ thuật vậy. Điều đặc biệt nữa mà chỉ người Làng Vân mới làm còn các nơi khác chưa thấy nói tới là: nếu ăn thịt chó ở Vân Đình trong mùa lạnh thì các bát nấu khi bưng mâm ra thường được đặt trên một cái đĩa men lam Bát Tràng đựng rượu mạnh. Lúc cả mâm nâng chén, người bưng mâm sẽ châm lửa đốt rượu trong đĩa nhằm giữ cho bát nấu được nóng. Các cụ Vân Đình gọi là ăn bát sáo hỏa thang.Chuyện vãn một hồi, ông già mời chúng tôi xơi cơm. Mâm cỗ được bày ra, bốn anh em chúng tôi, và hai bố con chú rể ngồi thưởng thức cái vất vả, nhưng phấn khởi như một niềm vui nhân đôi. Rượu được rót ra, tiếng mời chào râm ran...

Hôm sau vào ngày đón dâu, bữa tiệc trước lúc đón dâu dễ tới năm chục mâm, mâm nào cũng năm bát, tám đĩa đều chằn chặn. Phải tới hơn ba mươi năm rồi, kỷ niệm về một vùng quê cứ hiển hiện trong tôi như một giấc mơ đẹp. Khó có một vùng quê nào nấu thịt chó mà có những mười ba món như người Vân Đình.
.
Chú thích ảnh: Lâm Khang đi nhậu về, say quá! Chẳng chụp được ảnh thịt chó Vân Đình. Đành lấy tạm mấy cái trên mạng, nhưng không phải TC Vân Đình. 
.
*Bài viết do thi sĩ Vân Đình Hùng gửi riêng Nguyễn Xuân Diện - Blog.

Đọc tiếp...

TẠP CHÍ QUỐC TẾ SẼ CẢI CHÍNH VỀ BẢN ĐỒ "ĐƯỜNG LƯỠI BÒ"

Tạp chí quốc tế sẽ cải chính về bản đồ "đường lưỡi bò"


VNN - Trước hàng loạt thư kiến nghị của các nhà khoa học Việt Nam về một bài báo tháng 4/2011 của nhóm tác giả Trung Quốc sử dụng bản đồ đường lưỡi bò, Ban Biên tập Tạp chí khoa học quốc tế Quản lý chất thải cho biết sẽ cho đăng một đính chính trong số tạp chí tới, khẳng định bản đồ Trung Quốc sử dụng trong bài báo nói trên chứa đựng thông tin sai lệch.

Trước đó, ngày 19/4/2011, Tạp chí khoa học quốc tế Quản lý chất thải (Journal of Waste Management- Italy) đã đăng tải một bài báo của các nhà khoa học Trung Quốc (Jun Tai, Weiqian Zhang, Yue Che và Di Feng – công tác tại Phòng nghiên cứu trọng điểm Thượng Hải về đô thị hóa và khôi phục sinh thái, Đại học East China Normal và Viện nghiên cứu thiết kế kỹ thuật môi trường Thượng Hải, Trung Quốc) với tiêu đề: “Thu gom phân loại chất thải rắn đô thị tại nguồn: Một phân tích so sánh” (Municipal solid waste source-separated collection in China: A comparative analysis).
.


Bản đồ Trung Quốc với đường lưỡi bò trong bài báo trên Tạp chí Waste management

Theo đó, trang số hai của bài báo, (trang 1674 Tập 31, số 8 (8/2011) của Tạp chí), các tác giả Trung Quốc đã sử dụng một ảnh minh họa thể hiện rõ đường đứt khúc hình chữ U vẫn được Trung Quốc dùng để tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Sự nghiêm trọng ở chỗ, đây là lần đầu tiên đường chữ U (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”) được vẽ một cách chính thống trên tạp chí khoa học. Bài báo thực chất chỉ để một số thành phố trong khu vực nghiên cứu thử nghiệm của Trung Quốc nhưng lại chèn đường lưỡi bò ở phía dưới. 

Động thái này của các nhà khoa học Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm và phản ứng mạnh mẽ của các nhà khoa học Việt Nam.  

Một bước đi có chủ ý

Tiến sỹ Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện quy hoạch thủy lợi miền Nam cho biết: “Theo các đồng nghiệp ở nước ngoài thì từ trước đến nay, tạp chí này cũng đã đăng nhiều bài báo của các tác giả người Trung Quốc có bản đồ Trung Quốc nhưng chưa bao giờ có hình “lưỡi bò” như lần này”.

“Rõ ràng đây là bước đi có chủ ý của Trung Quốc lấn dần từng bước với mục đích tranh thủ sự đồng tình của cộng đồng quốc tế”, TS Tô Văn Trường bình luận.

Ông nói: “Rõ ràng đây là bước đi có chủ ý của Trung Quốc lấn dần từng bước với mục đích tranh thủ sự đồng tình của cộng đồng quốc tế”. 

TS. Trường đề nghị: “Đây là tạp chí quốc tế về chất thải rắn có tiếng trên thế giới có tác động rất lớn đến cộng đồng khoa học, cho nên phía Việt Nam cần phải lên tiếng mạnh mẽ phản đối Trung Quốc.

Nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã email về ban biên tập tạp chí yêu cầu cải chính thông tin sai lệch trên.

Giáo sư Phạm Quang Tuấn (Autralia) là một trong nhiều trí thức đã chính thức gửi email cho giáo sư Raffaello Cossu, Đại học Padua, Italy, là Trưởng Ban biên tập của Tạp chí này để phản ánh các thông tin sai lệch trên. 

Email của GS Tuấn nói rõ: Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng nước bên trong đường đứt đoạn là đơn phương và không dựa trên bất kỳ luật pháp quốc tế nào. Vì thế, nó đang bị tất cả các quốc gia trong khu vực phản đối mạnh mẽ.

"nếu Ban biên tập xem kĩ bản đồ của Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) hiển thị cả đất liền, sẽ rất dễ hiểu vì sao. Đường chữ U của Trung Quốc chồng lấn vào vùng bờ biển 100 hải lý của các quốc gia khác, trong khi Công ước Luật biển LHQ đã khẳng định rất rõ các quốc gia có chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý tính từ bờ biển.

Hình do NXD-Blog chèn vào bài viết của VNN.

Ngay cả khi tính tới việc Trung Quốc là một bên tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thì đường đứt đoạn chữ U này cũng không có một cơ sở nào. Trên thực tế, theo UNCLOS, những hòn đảo nhỏ không người ở như quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa chỉ được tính là 12 hải lý, chứ không được phép có EEZ".
Ông Tuấn chỉ rõ, trong những năm gần đây, TRung Quốc đã sử dụng đường đứng đoạn này để gây hấn nhằm chiếm đoạt hầu hết nguồn tài nguyên ở Biển Đông mà sự kiện gần đây nhất là nước này cho pháp hoại thiết bị thăm dò dầu khí của Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Waste Management là tạp chí khoa học chính thống, có uy tín của Nhóm công tác về chất thải quốc tế (International Waste Working Group) có trụ sở tại Padova, Italy, một tổ chức phi lợi nhuận sáng lập năm 2002 bởi các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực quản lý chất thải. Tuy nhiên thật đáng tiếc, thông tin của các tác giả người Trung Quốc đăng tải trên Tạp chí lại phản ánh một thông tin hoàn toàn sai sự thật về chủ quyền của Việt Nam.  

Đây không phải lần đầu tiên chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam bị thông tin sai lệch. Vụ ghi chú sai về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Hội Địa lý Hoa Kỳ năm 2010 vẫn còn là bài học nóng hổi. 

Thảo Lam
Nguồn:  VietNamnet.



Đọc tiếp...

HOAN NGHÊNH GIỚI KHOA HỌC VN ĐÃ CẢNH GIÁC, HÀNH ĐỘNG KỊP THỜI

Giới KH Việt phản đối chú thích sai về bản đồ TQ

20/06/2011 14:19:43 
 
Bee.net.vn - “Rõ ràng đây là bước đi có chủ ý của Trung Quốc lấn dần từng bước với mục đích tranh thủ sự đồng tình của cộng đồng quốc tế” - TS Tô Văn Trường nói về việc các tác giả Trung Quốc chú thích sai sự thật về bản đồ Trung Quốc có liên quan đến chủ quyền Việt Nam.

Ngày 19/4/2011, Tạp chí khoa học quốc tế Quản lý chất thải (Journal of Waste Management- Italy) đã đăng tải một bài báo của các nhà khoa học Trung Quốc (Jun Tai, Weiqian Zhang, Yue Che và Di Feng – công tác tại Phòng nghiên cứu trọng điểm Thượng Hải về đô thị hóa và khôi phục sinh thái, Đại học East China Normal và Viện nghiên cứu thiết kế kỹ thuật môi trường Thượng Hải, Trung Quốc) với tiêu đề: “Thu gom phân loại chất thải rắn đô thị tại nguồn: Một phân tích so sánh” (Municipal solid waste source-separated collection in China: A comparative analysis).

Trong bài báo này các tác giả Trung Quốc đã chú thích sai sự thật về bản đồ Trung Quốc có liên quan đến chủ quyền Việt Nam.

Theo đó, trang số hai của bài báo, (trang 1674 Tập 31, số 8 (8/2011) của Tạp chí), các tác giả Trung Quốc đã sử dụng một ảnh minh họa thể hiện rõ đường đứt đoạt hình chữ U vẫn được Trung Quốc dùng để tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Sự nghiêm trọng ở chỗ, đây là lần đầu tiên đường chữ U (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”) được vẽ một cách chính thống trên tạp chí khoa học. Bài báo thực chất chỉ để một số thành phố trong khu vực nghiên cứu thử nghiệm của Trung Quốc nhưng lại chèn đường lưỡi bò ở phía dưới.  
.

Bản đồ Trung Quốc với đường lưỡi bò trong bài báo trên tạp chí Waste Management vi phạm chủ quyền Việt Nam
Động thái này của các nhà khoa học Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm và phản ứng mạnh mẽ của các nhà khoa học Việt Nam.

Tiến sỹ Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện quy hoạch thủy lợi miền Nam cho biết: “Theo các đồng nghiệp ở nước ngoài thì từ trước đến nay, tạp chí này cũng đã đăng nhiều bài báo của các tác giả người Trung Quốc có bản đồ Trung Quốc nhưng chưa bao giờ có hình “lưỡi bò” như lần này”.

Ông nói: “Rõ ràng đây là bước đi có chủ ý của Trung Quốc lấn dần từng bước với mục đích tranh thủ sự đồng tình của cộng đồng quốc tế”.

TS. Trường đề nghị: “Đây là tạp chí quốc tế về chất thải rắn có tiếng trên thế giới có tác động rất lớn đến cộng đồng khoa học, cho nên phía Việt Nam cần phải lên tiếng mạnh mẽ phản đối Trung Quốc.

Không chỉ có các nhà khoa học VN mà các hiệp hội khoa học, các tổ chức xã hội kể cả các tạp chí khoa học chuyên ngành của nước ta cần phải lên tiếng về "sự cố" do Trung Quốc gây ra. Đây rõ ràng là 1 kênh thông tin rất cần các chuyên gia VN phản ứng nhanh và có hiệu quả.  Dù biết rằng người TQ rất giỏi "lobby" trong vấn đề này nhưng nếu quyết tâm và tổ chức tốt, chúng ta vẫn thành công hoặc hạn chế tối đa các thiệt hại không đáng có. Việc cần gấp hiện nay là yêu cầu ban biên tập Tạp chí khoa học quốc tế Quản lý chất thải phải cải chính lại hình vẽ đường lưỡi bò". 



Còn TS Trần Ngọc Tiến Dũng (đang làm việc tại Pháp) đã chính thức gửi email cho giáo sư Raffaello Cossu, Đại học Padua, Italy, là Trưởng Ban biên tập của Tạp chí này để phản ánh các thông tin sai lệch trên.

Trong email gửi GS. Cossu, TS. Trần Ngọc Tiến Dũng đã nêu lên 4 điểm:
   
1. Không tìm thấy ở bất cứ bản đồ quốc tế nào (thậm chí là bản đồ Trung Quốc xuất bản trước 1940) thể hiện Trung Quốc như vậy. Đây là lần đầu tiên bản đồ Trung Quốc dạng này xuất bản trên tạp chí khoa học quốc tế.
   
2. Trong khi chú thích ghi là: “Các vị trí địa chất…” nhưng phía bên trong và bên ngoài đường đứt đoạn thực tế là vùng biển.

Ông giải thích: Vùng biển ở đây là Biển Nam Trung Hoa, là Biển Đông ở Việt Nam và là Biển Tây Phillipines ở Philipines. Đường đứt đoạn là cái gọi là tuyên bố hình chữ U của Trung Quốc đang bị cộng đồng quốc tế phản đối. Bởi vì nó vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về luật biển (UNCLO) năm 1982 (mà Trung Quốc đã tham gia ký kết) cho phép các quốc gia ven biển mở rộng tới 200 hải lý (tương đương 400km) làm vùng đặc quyền kinh tế.

Nhìn vào ảnh chú thích của bài báo, độ dài đường đứt đoạn hơn 2000km từ Đảo Hải Nam của Trung Quốc là điều không thể.

3. Tôi cho rằng các tác giả của bài báo đã nhầm lẫn từ: “địa chất” (Geological) và từ địa lý (Geographical).Trong bối cảnh của bức ảnh, tốt hơn là sử dụng từ “địa lý” (Geographical).

4. Tôi mong muốn Tạp chí danh tiếng của chúng ta và các tác giả bài báo có thể hiệu đính bảo đồ của Trung Quốc mà không có đường đứt đoạn gây tranh cãi xâm phạm chủ quyền của các quốc gia khác.

Waste Management là tạp chí khoa học chính thống, có uy tín của Nhóm công tác về chất thải quốc tế (International Waste Working Group) có trụ sở tại Padova, Italy, một tổ chức phi lợi nhuận sáng lập năm 2002 bởi các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực quản lý chất thải. Tuy nhiên thật đáng tiếc, thông tin của các tác giả người Trung Quốc đăng tải trên Tạp chí lại phản ánh một thông tin hoàn toàn sai sự thật về chủ quyền của Việt Nam.

Đây không phải lần đầu tiên chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam bị thông tin sai lệch. Vụ ghi chú sai về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Hội Địa lý Hoa Kỳ năm 2010 vẫn còn là bài học nóng hổi.

Đứng trước sự việc này, một lần nữa cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam cần có tiếng nói cương quyết, không để các hiện tượng như vậy lặp lại tạo tiền lệ hết sức nguy hiểm cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước.
Minh Phạm 
Nguồn: Bee.net.vn.
.
GIÁO SƯ NGUYỄN ĐĂNG HƯNG VIẾT:

Tôi cũng có theo dỏi việc này tại Bỉ và vừa gởi cho một số trí thức Việt Nam một thư điện tử như sau:

Các đồng nghiệp, các bạn thân mến,

Tôi rất vui báo cho các bạn  một tin vui, nhỏ thôi, nhưng có tính cách tiêu biểu trong những ngày dầu sôi lửa bỏng, những ngày Trung Quốc liên tục gây hấn với Việt Nam tại biển đông !

Chuyện nói về bài báo: “Municipal solid waste source-separated collection in China: A comparative analysis”, published in Volume 31, Issue 8, Pages 1671-1904 (August 2011).của các tác giả người Trung Quốc trong ấy có dùng bản đồ Trung Quốc có vẻ thêm “cái lưởi bò oan nghiệt ” mà chúng ta ai cũng biết. Không ăn nhập gì với nội dung bài báo nhưng họ cố tình qua mặt mọi người chính thức hoá sự kiện chiếm đoạt của họ !

Sau đó TS. Trần Ngọc Tiến Dũng (mà tôi chưa quen ), đã phát hiện và phản đối với ban biên tập cùng các đồng nghiệp qua một e-mail mà nội dung được bee.net.vn diễn tả chi tiết như trên.

Một nghiên cứu sinh Việt Nam rất trẻ, đang nghiên cứu khoa học sau tiến sỹ (postdoc) tại Phần Lan, TS Lê văn Út đã hưởng ứng sau khi nhận được điện thư của TS Dũng. Đầu tháng 6/2011, TS Lê Văn Út đã tham gia một sê-mi-na tại Padova (Ý) và nhân dịp này có gặp TS Raffello Cossu, giáo  sư  trưởng khoa công nghệ môi trường, Đại học Padova (Ý). Chính giáo sư này là Tổng biên tập tạp chí Waste Management, nơi đăng tải bài báo khoa học của các tác giả người Trung Quốc. Sau khi trở về Phần Lan , TS Út đã viết e-mail nhắc nhở nhà khoa học này trên tinh thần điện thư của TS Dũng.

Như đã chờ đợi, GSTS Raffello Cossu đã phản ứng ngay có nội dung như sau.

“… The Editor in Chief is evaluating the matter as a priority and will publish a note on the next issue of our Journal, stating that the map of China published in the article contained incorrect information… bản dịch: ” …Tổng biên tập đang ưu tiên xem xét việc này và sẽ cho đăng tải trong số tới của tờ báo nói rõ bản đồ Trung Quốc được đăng tải trong bài báo là một thông tin không chính xác…”. 

Phản hồi có nội dung rất tích cực cho Việt Nam. 

Tôi cho đây là điểm son của tinh thần yêu nước của các trí thức trẻ VN !
Xin có lời khen là các nhà khoa học trẻ Việt Nam ngày nay đáng nể thật !
Trí  thức Việt Nam ngày nay mà cảnh giác và hành động kịp thời như vậy thì rất quí hoá!
Bành trướng Trung Quốc, khi họ có manh tâm thì họ sẽ làm bất cứ ở đâu, ngay trong một bài báo khoa học.
Tôi đã từng thấy và nghe họ tuyên truyền Việt Nam là đất cũ của họ, khi đi tham dự hội nghị cơ học tại Tây An (1992).

Thân ái,
Nguyễn Đăng Hưng,

Bài đọc thêm: 
"Hoan nghênh giới KHVN đã cảnh giác, hành động kịp thời!"
21/06/2011 08:19:29
 
- Sau khi đăng tải bài viết "Giới khoa học Việt phản đối chú thích sai về bản đồ Trung Quốc", Bee.net.vn đã nhận được phản hồi của GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng (Việt kiều Bỉ) về sự việc này.
Chúng tôi xin đăng tải nội dung bức mail này:

"Xin gởi nội dung mail tôi vửa gởi cho các trí thức Việt Nam:

Các đồng nghiệp, các bạn thân mến, Tôi rất vui báo cho các bạn một tin vui, nhỏ thôi, nhưng có tính cách tiêu biểu trong những ngày dầu sôi lửa bỏng!

Chuyện nói về bài báo : "Municipal solid waste source-separated collection in China: A comparative analysis", published in Volume 31, Issue 8, Pages 1671-1904 (August 2011) của các tác giả người Trung Quốc trong ấy có dùng bản đồ Trung Quốc có vẽ thêm "cái lưỡi bò oan nghiệt " mà chúng ta ai cũng biết. Không ăn nhập gì với nội dung bài báo nhưng họ cố tình qua mặt mọi người...

Sau đó anh Trần Ngọc Tiến Dũng (mà tôi chưa quen), đã phát hiện và phản đối với ban biên tập cùng các đồng nghiệp qua một e-mail mà nội dung được Bee.net.vn diễn tả chi tiết như trên.
.
"… Tổng biên tập đang ưu tiên xem xét việc này và sẽ cho đăng tải trong số tới của tờ báo nói rõ bản đồ Trung Quốc được đăng tải trong bài báo là một thông tin không chính xác…”.
GS.TS Raffello Cossu, Tổng biên tập tạp chí Waste Management
Một nghiên cứu sinh Việt Nam rất trẻ, đang nghiên cứu khoa học sau tiến sỹ (postdoc) tại Phần Lan, TS Lê Văn Út (ĐH QG TP.HCM) đã hưởng ứng sau khi nhận được điện thư của TS Dũng. Đầu tháng 6/2011, TS Lê Văn Út đã tham gia một sê-mi-na tại Padova (Ý) và nhân dịp này có gặp TS Raffello Cossu, giáo sư  trưởng khoa công nghệ môi trường, Đại học Padova (Ý). Chính giáo sư này là Tổng biên tập tạp chí Waste Management, nơi đăng tải bài báo khoa học của các tác giả người Trung Quốc.

Sau khi trở về Phần Lan , TS Út đã viết e-mail nhắc nhở nhà khoa học này trên tinh thần điện thư của TS Dũng.

Như đã chờ đợi, GSTS Raffello Cossu đã phản ứng ngay có nội dung như sau.

“… The Editor in Chief is evaluating the matter as a priority and will publish a note on the next issue of our Journal, stating that the map of China published in the article contained incorrect information… bản dịch: "… Tổng biên tập đang ưu tiên xem xét việc này và sẽ cho đăng tải trong số tới của tờ báo nói rõ bản đồ Trung Quốc được đăng tải trong bài báo là một thông tin không chính xác…”.

Tôi cho đây là điểm son của tinh thần yêu nước của các trí thức trẻ VN ! Đám hậu sinh khá thật ! Trí thức VN ngày nay mà cảnh giác và hành động kịp thời như vậy thì quá hay! ...

Cùng thời điểm TS Út gửi mail nhắc nhở tạp chí Waste Management, nhiều nhà khoa học Việt Nam cũng đã có những phản ứng tương tự.
"Chúng tôi rất hoan nghênh sự phát hiện kịp thời của của nhà khoa học trong và ngoài nước. Chúng tôi  tiếp tục theo dõi những phản ứng từ  phía tạp chí Waste Management về việc này. ...".
GS.TS Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

GS Nguyễn Kim Đan (ở Pháp) viết:

"Kính gửi ông Tổng biên tập,

Trong bài báo nhan đề: “Thu gom phân loại chất thải rắn đô thị tại nguồn: Một phân tích so sánh” của các tác giả Jun Tai, Weiqian Zhang, Yue Che và Di Feng, xuất bản tại Tập 31, Số 8, ở các trang từ 1671-1904 (tháng 8/2011) trên Tạp chí của ông, hình số 2 đưa ra một bản đồ địa lý của Trung Quốc, bao gồm cả “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tuyên bố là vùng biển thuộc lãnh thổ Trung Quốc ở Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa). Đường lưỡi bò này của Trung Quốc bao trùm cả các đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Trung Quốc không thể đưa ra chứng cứ thuyết phục về hoạt động chủ quyền, một cách liên tục và hòa bình, trong một thời gian dài tại toàn bộ vùng biển rộng lớn này. Mặc dù Trung Quốc tuyên bố về quyền sở hữu đối với các đảo ở Trường Sa nhưng thực tế họ chưa bao giờ chiếm giữ quần đảo này cho đến tận 1988 khi hải quân của họ đụng độ với hải quân Việt Nam và lần đầu tiên trong lịch sử họ giành quyền kiểm soát 6 đảo đá. Trung Quốc tiếp tục chiếm giữ thêm nhiều đảo trong các vụ đụng độ sau đó với Việt Nam vào năm 1992 và với Philippines vào năm 1995.

Một cách tự nhiên, Biển Đông là sự kết hợp các chế độ kinh tế giữa các quốc gia Đông Nam Á và giữa họ với các vùng đất phía Nam Trung Quốc. Biển Đông là ngôi nhà chung của các quốc gia trong khu vực và quy tụ các mối quan tâm chung của các quốc gia bên trong và bên ngoài khu vực. Bởi vậy, các vấn đề của Biển Đông nên được xử lý công bằng, tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền và lợi ích của mỗi quốc gia.

Hình số 2 trong bài báo này sẽ gây nên một vấn đề ngoại giao và chính trị nghiêm trọng giữa các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc. Vì vậy, tôi viết thư này đề nghị ông xem xét lại để gỡ bỏ ít nhất là hình minh họa này trong bài báo".

Tiến sĩ Tô Văn Trường là người gửi đến các nhà báo trong nước thông tin về việc tạp chí Waste Management đăng thông tin sai sự thật về bản đồ Trung Quốc, đã giúp Bee.net.vn cập nhật phản ứng của các nhà KHVN. Ông vừa gửi mail thông báo thêm:  "Chúng tôi, gần chục người đều đã nhận được phản hồi tích cực từ ban biên tập tạp chí quốc tế về quản lý chất thải ở Ý sẽ xem xét chỉnh sửa lại bản đồ hình chữ U của Trung Quốc trong số xuất bản lần tới. Việc tuy nhỏ nhưng thể hiện sự phản ứng nhanh nhạy, kịp thời kết hợp hiệu quả giữa các nhà khoa học VN ở trong và ngoài nước vì sự bảo vệ lãnh thổ của quóc gia. Nếu có sự lãnh đạo hướng dẫn vào cuộc của các tổ chức khoa học, chúng tôi tin rằng sẽ tăng sức mạnh tiếng nói của cộng đồng khoa học VN với cộng đồng quốc tế.

Hôm nay là ngày nhà báo cách mạng VN, xin chức các anh chị nhà báo  luôn khỏe mạnh, chân cứng đá mềm".


Đọc tiếp...

KINH LUÂN: TỔ QUỐC NHÌN TỪ ....SÂU



Tổ Quốc nhìn từ… sâu
Kinh Luân

Cây lá non tơ: Thức nhắm mọi loài sâu
Mùa Xuân đến, sâu cũng mùa sinh sản
Không có thứ lá nào là không có loài sâu đặc chủng
Để phá mùa màng- chí ít cũng rầy nâu…

Rắn như lim táu, sâu gặm đành phía giác
Bền như sắt, bê tông, chia phần trăm, phần chục
Những chỗ tầng cao tưởng loài sâu không với tới được
Sâu cũng mầy mò đánh lận bằng các cọc nứa, cọc tre.

Những công trình lớn đến bom đạn khó đâm xuyên
Mà bất ngờ vẫn có khi 2 nhịp cầu dẫn xập
Đoạn đường Đông Tây vẫn tưởng đẹp nhất nhì đất nước
Chúng vượt tầm, kí tá trước cả rót vốn ODA (!)

Sâu ngày xưa chỉ nhắm lá, chừa hoa
Để mùa màng còn có cơ kết trái
Ong bướm kia vẫn bay vào trong lớp học
Để các em về lúc tối ngủ vẫn nằm mơ

Sâu bây chừ không chừa tứ thiết
Sắt thép xi măng…chúng nhắm trụ các công trình
Sâu lớn mức không chim chóc nào ăn được
Đến đại bàng, kình ngạc cũng chào thua…

Sâu bây giờ sinh ra trước cả rau
Thừa uy vũ, thuốc cũng đành bất lực
Sâu kiên kết đa quốc gia, chi phối đất nước
Bọ xít quê mùa Bauxite ví dụ, Vina…

Đất nước này đã lắm thóc, nhiều rau
Không thể ngồi yên nhìn lũ sâu phá hoại trước sau
Kiên quyết trừ sâu - tham nhũng khi chúng còn trong trứng
Để mãi mùa vàng và rộn rã bướm hoa.
.........

*Bài do tác giả gửi qua comment.
CHÙM ẢNH CÁC LOÀI SÂU:

Theo Flickr, TreNature

Đọc tiếp...

TIẾNG NÓI CỦA NHÂN DÂN TRONG KỶ NGUYÊN THÔNG TIN TOÀN CẦU

Truyền thông xông trận bảo vệ biển, đảo
Công chúng luôn cần được thông tin kịp thời, công khai cho mục đích lớn là đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Từ “tàu lạ” đến chỉ đích danh 

Thời kỳ đầu báo chí hầu như im lặng hoặc chỉ đưa tin “tàu lạ”, “tàu nước ngoài” vi phạm chủ quyền, bắt bớ và hành hung ngư dân ta trên biển ta. Giờ đây truyền thông đã kịp thời công khai hóa các vụ gây hấn có hệ thống của đủ các loại tàu vũ trang trá hình của Trung Quốc ở biển Đông, từ tàu cá, ngư chính đến hải tuần, hải giám… Ngay từ đầu năm 2010, nhiều tờ báo điện tử và báo viết đã sớm khuyến nghị Nhà nước hãy công khai hóa mọi âm mưu/hành động của Trung Quốc. Bên cạnh song phương, cần đẩy mạnh đa phương hóa vấn đề bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Hậu trường ngoại giao không còn là nơi “kín cổng cao tường”. Nhiều tờ báo từ lâu đã đề xuất các chủ trương lúc đầu có thể nghe hơi “nghịch nhĩ” nhưng những ngày này mới thấy hết tính cấp bách của việc giải thích và vận động dư luận thế giới. Không thể có sự ủng hộ của dư luận quốc tế nếu chính bản thân quốc gia bị xâm hại, có chính nghĩa lại không chủ động phản ứng thích đáng, kịp thời. Sự chủ động của truyền thông trong nước vì vậy có ý nghĩa vô cùng quan trọng. 

Và hạt giống đầu mùa đã cho vụ gặt. Cả thế giới những ngày qua đã theo dõi và bước đầu có phản ứng. Chính giới và các nhà hoạch định chính sách bày tỏ quan điểm, công luận cũng lên tiếng: Trung Quốc hãy xử sự như một nước lớn có trách nhiệm (báo chí Nhật)! Mỹ phản ứng quá yếu ớt trước các hành động gây hấn của Trung Quốc đối với Việt Nam (dư luận Mỹ)! Từ các nhật báo lớn như Le Monde, New York Times, Financial Times, Independent, Japan Times đến các báo tại Hàn Quốc, Pakistan, Dubai… đều loan tin, rồi tường thuật về các vụ Trung Quốc xâm phạm thềm lục địa của ta và lên án hành động Trung Quốc “bắt nạt” Việt Nam!...
.


Những bài báo thông tin về đấu tranh chủ quyền biển đảo trong thời gian qua. Ảnh: HTD

Không rơi vào bẫy khiêu khích

Nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình.
Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG
Chúng ta cũng sẵn sàng hiến dâng tất cả để bảo vệ quê hương, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Chủ tịch nước NGUYỄN MINH TRIẾT
Sau khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định quyết tâm của Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, các cơ quan ngôn luận trong nước cũng lần lượt lên tiếng. 

Do tính chất phức tạp và nhạy cảm của bang giao Việt-Trung, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo sẽ còn tiếp tục quyết liệt, lâu dài. Tiến hành đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cho các lực lượng, trong đó có truyền thông, là vấn đề rất hệ trọng. Báo chí Việt Nam quyết không mắc lỡm Trung Quốc trong đấu tranh khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa, không để cho Trung Quốc thực hiện chính sách “tằm ăn dâu” ở biển Đông. Mặt khác, chúng ta cũng nhất quyết không rơi vào bẫy khiêu khích.

Hãy phát huy mạnh mẽ hơn nữa, kịp thời hơn nữa tiếng nói của nhân dân! Đó là một lợi khí sắc bén trong kỷ nguyên thông tin toàn cầu!


Nhà nghiên cứuNGUYỄN ĐÌNH ĐẦU: 
Xây dựng nhận thức đúng về chủ quyền biển, đảo
Báo chí cần góp phần tích cực hơn nữa trong vấn đề đấu tranh giữ vững chủ quyền của quốc gia. Trong đó, báo chí cần chú trọng đến việc tuyên truyền để nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân đối với chủ quyền biển, đảo, tạo nên những mối gắn kết chắc chắn, sâu xa trong toàn bộ tầng lớp, bộ phận (trong cũng như ngoài nước) của dân tộc Việt Nam, hình thành nên thứ kháng thể vững chắc - tinh thần đại đoàn kết! Làm được điều ấy là đã dựng lên bức tường thành vững chãi, thứ sức mạnh to lớn giúp chúng ta đứng vững trong bất kỳ tình huống nào.

Trong thời gian qua, lượng thông tin của báo chí về biển, đảo đã nhiều hơn, kịp thời hơn. Tuy nhiên, việc tuyên truyền vẫn chưa thực sự đi vào chiều sâu. “Chiều sâu” ở đây chính là thông tin để xây dựng nhận thức, xây dựng niềm tin cho dân tộc trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Phải thông tin để người dân, nhất là giới trẻ biết nhiều hơn về lịch sử, biết rõ ràng hơn về sự thực chủ quyền những vùng biển, đảo không thể tranh cãi của Việt Nam trên biển Đông. Phải nói nhiều hơn nữa về quá trình ông cha ta đã đấu tranh gian khổ thế nào để tồn tại trên những vùng biển của chúng ta; cha anh của chúng ta đã đổ xương máu như thế nào để giữ cho được những phần biển, đảo thiêng liêng ấy. Phải xây dựng được một nhận thức trong toàn dân: Chủ quyền quốc gia là tối thượng!
M.CƯỜNG ghi
TS ĐINH HOÀNG THẮNG
Nguồn: Pháp luật Tp HCM.

Nguyễn Xuân Diện xin có mấy lời:

Đọc bài viết của TS Đinh Hoàng Thắng, tôi thấy TS đã đề cập đến bước chuyển biến quan trọng của báo chí ta trong cuộc đấu tranh bản vệ chủ quyền biển đảo của ta. Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc đã công khai tuyên bố sẽ đặt giàn khoan khổng lồ vào biển Đông  tháng 7 tới, thì trận đấu trên mặt trận tuyên truyền này chắc chắn còn nhiều gian truân. Nhất là trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng mà tôi thấy báo chí chính thống của ta lên tiếng rất muộn và rất yếu (so với các báo của cơ quan đoàn thể).

Phải nói dư luận khá bức xúc vì sự im lặng của các diễn đàn chính thức này trong một thời gian dài. Vẫn biết, “thuốc súng cần luôn luôn được giữ khô”(Một ngạn ngữ của châu Âu từng nói thế!). Vả lại, sức mạnh của xã hội dân sự chính là ở chỗ: các báo đảng/nhà nước không nhất thiết phải xuất hiện ở mọi nơi và mọi lúc. Nhưng trong khi bản tiếng Anh của Nhân dân Nhật báo (báo Đảng của TQ), báo Quân Giải phóng TQ đều có các bài theo kiểu "vừa ăn cướp vừa la làng" và vu khống VN một cách tệ hại, mà báo Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân của ta chưa có những đáp trả xứng đáng, đủ mạnh thì "thật là lạ trước bọn Tầu quen"! 

Phải để cho dư luận trong nước và quốc tế thấy hết tính nghiêm trọng khi Trung Quốc đang đi lại nước cờ cũ như hồi họ đánh chiếm Hoàng Sa trước đây, đặt VN và thế giới trước chuyện đã rồi! Phải vạch rõ tham vọng của TQ muốn thu tóm toàn bộ biền Đông và khoá cửa ra biển của Việt Nam cùng các nước trong vùng Đông Nam Á. Việc Trung Quốc không cần che dấu mưu đồ, không ngừng leo thang lấn biển đó đang khiến cho an ninh khu vực và trật tự thế giới biến động khó lường.


Đọc tiếp...

LÀM BÁO NÓI LÁO ĂN TIỀN

Tranh: Tô Ngọc Trang
NGUYỄN TRỌNG TẠO 

“Làm báo nói láo ăn tiền”, đó không phải chữ của tôi mà là chữ của nhà báo “kiệt hiệt” Vũ Bằng trong cuốn “Bốn mươi năm nói láo” (1969) của ông.

Lâu nay tôi chỉ nghe câu “nhà văn nói láo (hư cấu) nhà báo nói ngay” chứ chưa nghe “nhà báo nói láo” bao giờ. Nhưng khi đọc xong cuốn “Bốn mươi năm nói láo”  của nhà văn nhà báo Vũ Bằng, tôi mới ngộ ra rằng, đó chỉ là cách nói phiếm chỉ của ông – một người làm báo chân chính – đối với không ít “nhà báo nói láo ăn tiền” thời nào cũng có. Đó là những người mang danh “nhà báo” nhưng chỉ là bồi bút, cơ hội, xuyên tạc sự thật để cầu danh hưởng lộc.

Không có gì nhục nhã và tởm lợm hơn khi người ta cầu danh hưởng lộc bằng sự giả trá đi ngược lại Sự Thật.
Nhưng né tránh Sự Thật cũng là một tội lớn.

Nhiều khi xem báo lại cứ tưởng đó là báo của ngày 1 tháng Tư – ngày nói dối.

Vẫn biết tính hiếu kỳ nhìn qua lỗ khóa của không ít người đọc báo, nhưng nhan nhản những vụ scandal xuất hiện trên báo lấn át những vấn đề nóng của xã hội cũng là tội ác.

Hình như người ta muốn lấy cái phụ để thay cho cái chính. Nhưng cứ làm mãi như thế, sẽ khiến cho người ta lầm tưởng cái chính là cái phụ, cũng là bóp méo sự thật, là đánh lạc hướng sự quan tâm của bạn đọc.

Mấy dịp ra nước ngoài, tôi đều thấy người Việt có vẻ chán ngán xã hội trong nước cũng chỉ vì đọc báo. 
Những bài báo trộm cắp, chém giết, loạn luân, tham nhũng, băng nhóm ma-phia luôn được đọc nhiều nhất, và người ta không còn biết cái gì khác đang diễn ra trên chính quê hương mình.

Ngay cả 2 cuộc biểu tình của nhân dân gần đây phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam một cách ngang ngược lại được hãng thông tấn lớn nhất của ta vo lại thành “cuộc tụ tập của một nhóm người” thì than ôi, hỏi còn ai tin được cái hãng ấy nữa không? Làm báo như vậy là coi thường người đọc trong thời đại truyền thông mạng đang phát triển tới đỉnh điểm như hiện nay. Những hình ảnh từ hiện thực được tung lên mạng ngay tức khắc với hàng trăm, hàng nghìn người mang khẩu hiệu, băng rôn đi biểu tình là câu trả lời đanh thép cho những nhà báo nào dám bóp méo vo tròn Sự Thật. Và câu nói của Ngô Bảo Châu lúc này càng trở nên chân lý khi ai đó muốn bưng bít thông tin kiểu ấy: “Không thể bảo vệ chế độ bằng sự sợ hãi” và dối trá.

Làm như vậy, họ có muốn kế thừa truyền thống của báo chí Việt Nam hay không?
Nhưng truyền thống đó là gì?

Theo quan niệm của nhà báo Vũ Bằng thì: “Làm báo là làm một cái gì nghiêm trang cao quý, có tính năng tranh đấu và xây dựng, mà người làm báo phải tha thiết với tự do, dân tộc, kinh qua những nghịch cảnh, thăng trầm để chống lại độc tài, độc đoán dưới mọi hình thức quan lại, phong kiến hay dân chủ giả tạo” (BMNNL).

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một cuộc nói chuyện với trường Đại học Nhân dân 1956, chỉ rõ: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ Quốc, phục vụ nhân dân – tức là phục tùng chân lý” – (HCMTT).

Nhà báo phải phục tùng chân lý, và không chỉ nhà báo – đó là điều hiển nhiên. Vậy mà hàng ngày, chân lý vẫn bị bóp méo. Nhưng đôi khi, nhà báo cũng bị lừa. Đi lừa và bị lừa là một cặp nhân-quả, còn biết trách chi ai?

Vậy nên, thời nay người ta đổ xô vào Internet để tìm thông tin nhiều chiều. Sự kiểm chứng của người đọc về thông tin khiến họ ngả vào những thông tin chiếm nhiều Sự Thật, và hơn nữa, là được thưởng thức loại báo chí “đa giọng điệu” chứ không đơn điệu đơn phương như báo chí một chiều. Thực tế đang hình thành lực lượng “nhà báo – blogger”, một lực lượng tự phát có thể làm thay đổi sự già nua của báo chí quan phương. Họ muốn xây dựng niềm tin mới vào báo chí tự do, cũng là một cách cảnh báo cho loại báo chí được bảo kê. Sự giảm sút tiara phát hành của báo giấy gần đây, một phần cũng do sự phát triển mạnh của báo mạng. Nhưng lực lượng “nhà báo – blogger” không kiếm được tiền, đấy chỉ là những người tự nguyện “nói thật – không tiền”, thậm chí “nói thật ăn đòn” nhưng họ vẫn quyết không từ bỏ Sự Thật – Chân Lý.

Vâng, “làm báo nói láo ăn tiền” và “làm báo nói thật ăn đòn” nghe thật chua xót, nhưng đó lại cũng là một sự thật song hành đang hiện diện.

Ngày nhà báo, thay cho lẵng hoa chúc mừng bằng một lời nói thật. Bạn có vui không?

Hà Nội, 21.6.2011
Đọc tiếp...

"HẢI QUAN" ĐÃ ĐẾN GẶP TÔI VÀ HỎI CHUYỆN

Nguyễn Xuân Diện trả lời PV báo Hải Quan. Ảnh: Báo Hải Quan
PV: Thưa TS, trên phương diện vừa là một nhà nghiên cứu, lại công tác ở vị trí gắn bó  mật thiết với báo chí, truyền thông là mảng thông tin- thư viện, TS có đánh giá gì về bước phát triển của đời sống báo chí thời gian qua?

TS NGUYỄN XUÂN DIỆN: Báo chí- truyền thông Việt Nam nay đã có sự phát triển vượt bậc so với trước đây. Điều này không chỉ khẳng định ở chỗ nước ta có đến hơn 1.000 ấn phẩm của các cơ quan báo chí mà ở sự đa dạng. Hơn nữa số người dùng internet hiện nay hơn 20 triệu cũng cho thấy truyền thông nay đã cập nhật được nhiều vấn đề đời sống và tiếp cận được đến bạn đọc một cách rất phong phú. Internet phát triển nhanh khiến truyền thông năng động, nhanh nhạy hơn, tin tức được lan truyền mạnh mẽ hơn. Nay thông tin như một dòng thác lan truyền đến mọi người- điều mà ít năm cách đây chưa phải đã có.

Tuy nhiên, cũng có phần đáng suy nghĩ là chủ yếu internet phổ biến ở đô thị, còn nông thôn thì việc này còn rất hạn chế, ngay cả xã bưu điện văn hóa thì chỉ có vài ba người truy cập internet, trong khi cửa hàng internet ở nông thôn phần lớn là dùng chơi game của nhóm thanh thiếu niên.

PV: Sự phát triển của công nghệ gắn liền với những loại hình báo chí- truyền thông hiện đại, chắc hẳn đang đặt ra những vấn đề cho báo chí hiện nay?

TS NGUYỄN XUÂN DIỆN: Chính vì internet phát triển nhanh nên vấn đề cho thấy báo chí- nhất là báo chí nhà nước cần cập nhật hơn và cạnh tranh hơn. Nó cũng đặt ra cho việc định hướng dư luận phải thật nhanh và khẩn trương. Vì có sự kiện đang xảy ra trong nước đã được đưa lên internet như các blog, mạng xã hội một cách nhanh chóng, gần như là đồng thời với sự kiện, thì báo chí chính thức có phần chậm chạp hơn khiến người dân không hiểu rõ thậm chí là hoang mang. Ví dụ sự kiện cháy kho pháo hoa ở Mỹ Đình hôm mùng 6 tháng 10 năm ngoái, việc xảy ra từ trưa mà tận chiều tối mới có cuộc họp báo và báo chí mới được đưa tin (có vài báo điện tử đã đưa lên trong 15 phút thì được yêu cầu gỡ bỏ). Trong buổi chiều hôm đó, nhiều người sẽ không hiểu vấn đề ra làm sao nên sẽ có nhưng suy đoán khác nhau. Trong khi đó, hình ảnh và thông tin về vụ việc này đã được đưa liên tục, liên tục lên internet. Đây là một thực tế cho thấy báo chí của các cơ quan nhà nước phải thật nhanh nhạy, bản lĩnh.

Cơ quan quản lý báo chí và chính các cơ quan báo chí phải bám từng giờ từng phút, chứ không chỉ trông chờ ở một cơ quan báo chí được (ý tôi nói cái “siêu” tòa soạn TTX Việt Nam). Sự chủ động của các tờ báo, nhất là báo điện tử là rất quan trọng. Công tác quản lý báo chí, truyền thông cần được phân cấp nhiều hơn nữa cho các tổng biên tạp để họ chủ động trong việc xử lý thông tin và đưa đến cho người đọc.

PV: TS thấy sự thay đổi nào trong công tác quản lý báo chí thời gian qua trước sự biến chuyển nhanh chóng của đời sống báo chí?

TS NGUYỄN XUÂN DIỆN: Về quản lý, tôi chưa thấy sự thay đổi nào, cách quản lý vẫn chậm chạp, lạc hậu so với thực tiễn.

PV: Báo chí- truyền thông hiện đại được nhiều người nhận định rằng, nó đang đóng góp rất tích cực vào việc xây dựng xã hội dân sự. Còn suy nghĩ của TS?

TS NGUYỄN XUÂN DIỆN: Internet thay đổi nhanh chóng là điều kiện tốt để xây dựng và tiến tới một xã hội dân sự hoàn thiện. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước chưa đưa ra được định hướng cho vấn đề này. Người dân luôn sợ một điều gì đó. Điều này ảnh hưởng đến việc thực hiện trách nhiệm của người dân trước vấn đề của xã hội. Báo chí hiện đại cần phải là một động lực, để tác động xây dựng xã hội dân sự ở Việt Nam.

Tôi không tán thành việc chia báo ra lề trái, lề phải. Thế nào lề trái, lề phải? Lề trái là sai trái, là vi phạm à? Trong khi đó đã có thông tư quy định người dân phải có trách nhiệm trước thông tin của mình đưa ra. Thực sự cơ quan truyền thông nhà nước đã buộc phải quan tâm đến mạng xã hội và chịu sự tác động của mạng xã hội. Ví dụ câu chuyện phim “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” (tháng 9 năm 2010 và tháng 6 năm 2011) cho thấy rõ điều đó.

Nếu có chuyện quan niệm lề trái, lề phải thì lề phải phải luôn đi đầu trong công tác thông tin trên khía cạnh tốc độ và tính định hướng. Nếu không các mạng xã hội áp đảo và sẽ kéo hết bạn đọc của báo chí chính thống. Thực sự là đang có xu hướng bạn đọc đến các thông tin trên mạng internet nhiều hơn mua báo giấy. Ngay cơ quan tôi trước đây đặt rất nhiều báo giấy nay thì rất ít. Tuy nhiên, ở nông thôn thì thường cả làng chỉ thường có hai tờ báo Nhân Dân và của Đảng bộ địa phương cấp phát cho cán bộ thôn (tất nhiên còn có đài tiếng nói và truyền hình nữa). Như vậy để góp phần thúc đẩy, nâng cao đời sống tinh thần xã hội thì cả kênh báo giấy và báo mạng điện tử phải được phát hành rộng rãi hơn nữa ở khu vực nông thôn.

Báo giấy nói chung là đang giảm dần lượng phát hành bởi báo điện tử và mạng internet đang phát triển nhanh. Do vậy, hiện nay các tòa soạn đã có trang điện tử (như một tờ báo điện tử) song hành cùng tờ báo giấy để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.  

PV: Nhờ sự xuất hiện của công nghệ hiện đại, bên cạnh báo chí chính thống - của cơ quan nhà nước thì hiện các kênh thông tin như blog, mạng xã hội - phát triển rất mạnh mẽ. Có ý kiến cho rằng, kênh thông tin không chính thống này thiếu sự tin tưởng?

TS NGUYỄN XUÂN DIỆN: Tôi cho rằng đó là suy nghĩ sai lầm. Bởi họ là một blogger người thật, việc thật có tên tuổi, có cơ quan công tác và họ chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà họ đưa ra. Thực sự báo chí đã lấy thông tin từ blog rất nhiều. Ví dụ, bài phỏng vấn trực tuyến của tôi với Nhà sử học Lê Văn Lan về phim “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” vừa rồi đã được hai tờ xin phép lấy lại và xuất bản cả ở báo giấy, cả báo điện tử. Do đó, không nên có suy nghĩ báo chí chính thống không được lấy thông tin từ blog. Bởi như vậy, báo chí chính thống đã chối bỏ một nguồn thông tin vô cùng phong phú từ nhân dân và từ chối sự phát triển của công nghệ hiện đại. Vấn đề là nhiệm vụ của nhà báo là phải kiểm tra nguồn thông tin khi sử dụng, chỉ sử dụng những thông tin chính xác từ các blogger đáng tin tưởng.

PV: Công nghệ hiện đại đang làm bùng nổ thông tin, kênh thông tin không chính thống đang là một thách thức đối với báo chí hiện nay?

TS NGUYỄN XUÂN DIỆN: Nếu kênh thông tin không chính thống có thông tin không đúng thì ngay lập tức báo chí chính thống phải phản bác và định hướng. Việc phản bác phải có tình, có lý. Báo chí chính thống không làm việc đó là tự từ bỏ vai trò, chức năng của mình. Cá biệt, có một số tờ có sự phản bác lại nhưng lại thành ra làm trò cười cho thiên hạ. Một số bài đưa ra nhưng không lập luận chặt chẽ, khách quan trong vấn đề chống diễn biến hòa bình. Nếu coi nhân dân là một túi khôn thì mạng xã hội cũng là một túi khôn nếu biết gạn lọc một cách thông minh.

Báo chí chính thống đã mang âm hưởng ca ngợi làm chủ đạo, đã sử dụng viết hết những cái màu hồng, tốt đẹp thì các blog, mạng xã hội bù đắp bằng những thông tin mang tính phản biện, những cái phê phán. Vì thế, các blog bị nhìn bằng một cặp kính đen. Blog đem lại sự cân bằng với báo chính thống. Đương nhiên báo chính thống cũng có tính phản biện nhưng chưa nhiều, chưa đáp ứng được lòng mong đợi của nhân dân.

Blog đang diễn đạt một cách phong phú những diễn biến của cuộc sống, những cảm xúc của người ta từ em bé đánh giày, người bán rong, những cuộc đời nghèo khổ, cũng như những vui buồn rất đời thường khác. Ở đó có rất nhiều những hoạt động sống đời thường, những rung động và góc cạnh của tâm tư mỗi con người. Tôi thấy báo chính thống nay đề cập quá nhiều đến người mẫu, người giàu, đại gia, clip sex... mà những cái đó khiến ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa truyền thống tốt đẹp của chúng ta. Tôi cảm giác rằng báo chí hiện phục vụ nhu cầu giải trí mà không có tính chất định hướng. Nhiều người không gửi bài cho báo chí nhà nước nữa, vì các cơ quan báo chí nhận bài của một người thì qua không biết qua bao nhiêu khâu mà nếu là một người dân thì khó mà theo dõi được bài sử dụng ra sao, có đăng không... Còn blog thì khác hẳn họ có thể đưa lên mạng luôn, tương tác luôn với tất cả bạn đọc thường xuyên.

Những định hướng của cơ quan quản lý hiện nay nặng tính giáo điều nhưng mà chưa đáp ứng được những mong muốn của nhân dân. Ví dụ việc chúng tôi đi biểu tình việc gì phải gọi là tụ tập đông người. Thời buổi này không thể giấu giếm được, nếu giấu thì cắt hết internet thôi, mà cắt thì nền kinh tế- xã hội bị đảo lộn. Do đó cần chấp nhận nó mà quản lý thật tốt, rõ ràng, chặt chẽ. Giới blogger, người tham gia mạng xã hội nhiều người rất thạo tin, giỏi công nghệ do đó quản lý được vấn đề này cần phải có cái đầu cao hơn, giỏi hơn.

Còn cơ quan quản lý báo chí nên để các tổng biên tập có quyền hơn nữa trong việc chủ động đưa thông tin và để họ chịu trách nhiệm trước thông tin đó. Phải phân quyền và tạo điều kiện tốt nhất để các tờ báo đưa tin kịp thời, nhanh nhất, đầy đủ nhất.

Tóm lại: Trước sự phát triển như vũ bão của thông tin như hiện nay, những người quản lý báo chí- lãnh đạo các tờ báo phải có bản lĩnh và trí tuệ hơn bao giờ hết. Muốn quản lý tốt và tránh những tác động tiêu cực từ các kênh thông tin không chính thống thì các tờ báo phải thông tin nhanh như mạng xã hội. Do đó, giao quyền chủ động hơn nữa cho các tổng biên tập, cần kết hợp các kênh thông tin để báo chí phản ánh thông tin hiệu quả nhất. Đó cũng là điều quan trọng để xây dựng và phát triển một xã hội dân sự tiến bộ.

Văn Bắc thực hiện
*Ghi chú: Một phần bài PV này đã đăng trên báo Hải Quan số ra hôm nay.

Chùm ảnh của buổi phỏng vấn của Báo Hải Quan:













Đọc tiếp...