Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011

TẠI LIÊN HỢP QUỐC: VIỆT NAM PHẢN ĐỐI TRUNG QUỐC VI PHẠM CHỦ QUYỀN

Việt Nam phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển 

Ngày 17-6, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ), Đại sứ Việt Nam Lê Lương Minh đã lên tiếng phản đối Trung Quốc có những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. 

Đại sứ Lê Lương Minh lên tiếng phản đối Trung Quốc tại Hội nghị thường niên các nước thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (từ 14-6 đến 17-6). 


Tàu Viking 2 của Việt Nam - Ảnh: tư liệu

Đại sứ Lê Lương Minh tố cáo Trung Quốc cho phép các tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc cắt và gây rối dây cáp của hai tàu thăm dò địa chấn thuộc Công ty PetroVietnam đang hoạt động trong khu vực chủ quyền lãnh hải Việt Nam ở Biển Đông và cho rằng hành động này vi phạm trắng trợn chủ quyền biển của Việt Nam. 

Đồng thời đại sứ lên án và bác bỏ cái gọi là bản đồ "đường lưỡi bò" 9 đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông. 

Đại sứ Lê Lương Minh yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động vi phạm chủ quyền biển của Việt Nam và thực hiên nghiêm chỉnh Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982. 

Đại sứ khẳng định Việt Nam kiên trì giải quyết bất đồng Biển Đông bằng giải pháp hòa bình thông qua đối thoại đa phương giữa các bên trên cơ sở Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982, DOC và các công ước quốc tế khác liên quan.

TTXVN 
Đọc tiếp...

HOAN NGHÊNH THÔNG CÁO CHUNG VIỆT - MỸ VỀ BIỂN ĐÔNG

Mỹ-Việt ra thông cáo chung về Biển Đông

Hải quân Mỹ thăm Việt Nam
Hoa Kỳ và Việt Nam vừa ra thông cáo chung kêu gọi tự do lưu thông hàng hải và phản đối việc dùng vũ lực tại Biển Đông.

Thông cáo chung này được đưa ra sau vòng Đối thoại về chính trị-an ninh-quốc phòng Việt- Mỹ lần thứ tư diễn ra hôm thứ Sáu 17/06 tại Washington D.C., trong đó các diễn biến mới nhất tại Biển Đông đã được hai bên thảo luận.

Sau cuộc họp, hai bên thống nhất rằng "việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do lưu thông hàng hải tại Biển Đông là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế".

Thông cáo chung cũng viết: "Tất cả các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông cần phải được giải quyết thông qua tiến trình hợp tác ngoại giao, không sử dụng vũ lực".

Văn bản thông cáo đăng tải trên website của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho hay: "Hai bên ghi nhận rằng các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và hàng hải cần phải tuân thủ các nguyên tắc đã được luật pháp quốc tế công nhận, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982".

"Hai nước tái khẳng định tầm quan trọng của Tuyên bố chung về cách hành xử của các bên ở Biển Đông ký kết giữa Asean và Trung Quốc năm 2002 và khuyến khích các bên đạt thỏa thuận về Bộ quy tắc ứng xử."

Căng thẳng gia tăng

Thông cáo được đưa ra vài ngày sau khi Trung Quốc điều tàu Hải Tuần 31 qua Biển Đông, và Philippines cũng quyết định điều tàu chiến lớn nhất tới khu vực này.

Trung Quốc chuẩn bị tập trận ba ngày, trong khi Việt Nam đã bắn đạn thật hôm thứ Hai 13/06.

Bản thông cáo ra hôm 17/06 tại Washington D.C. có đoạn: "Mỹ nhấn mạnh rằng các vụ việc gây quan ngại trong những tháng gần đây không có lợi cho hòa bình và ổn định trong khu vực".

Tất cả các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông cần phải được giải quyết thông qua tiến trình hợp tác ngoại giao, không sử dụng vũ lực.
Nội dung thông cáo
Cuộc đối thoại chính trị-an ninh-quốc phòng Việt Mỹ lần thứ tư do Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các Vấn đề Chính trị và Quân sự Andrew Shapiro chủ trì.

Trung Quốc đã nhiều lần tỏ tức giận về việc "một bên thứ ba" tham gia vào tranh chấp Biển Đông, nhất là sau khi giới chức Hoa Kỳ, kể cả Ngoại trưởng Hillary Clinton, tuyên bố rằng tự do lưu thông ở Biển Đông là "quyền lợi quốc gia" của Mỹ.

Thời gian gần đây, Việt Nam tỏ ra nỗ lực trong việc kêu gọi và tranh thủ dư luận nước ngoài, nhất là Hoa Kỳ, trong vấn đề Biển Đông.

Thượng Nghị sỹ Jim Webb, trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai tuần rồi, nói: "Tình hình chủ quyền tại Biển Đông thực ra lại giúp quan hệ giữa hai bên (Việt Nam và Hoa Kỳ) bằng cách nó khiến cả hai hiểu rõ điểm chung trong quyền lợi của mình".

Ông Webb, người từng tham chiến ở Việt Nam, cũng kêu gọi chính phủ Mỹ cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông.

Một điểm đáng chú ý là trong thông cáo chung sau cuộc đối thoại, không có điểm nào đề cập tới vấn đề nhân quyền, vẫn được cho là chủ đề mà Việt Nam và Hoa Kỳ còn nhiều khác biệt.


Đọc tiếp...

BÙI CÔNG TỰ: CÓ MỘT TRUNG QUỐC KHÁC

CÓ MỘT TRUNG QUỐC KHÁC
Bùi Công Tự

Theo chúng ta được biết thì "Văn minh Trung Hoa" thật sự đáng kính nể. Đó là một nền văn minh vào loại sớm nhất và lớn nhất của loài người. Trong số những sáng tạo của họ, tôi đặc biệt khâm phục kiểu chữ viết tượng hình độc đáo mà cụ Hàn Thuyên ngày xưa đã học để tạo ra chữ Nôm cho người Nam chúng ta. Cũng nhờ có chữ Nôm mà chúng ta lưu giữ được Truyện Kiều trước khi có chữ Quốc ngữ.

Tôi có cảm giác là hình như các học giả Việt Nam nghiên cứu về Trung Quốc (TQ) còn nhiều hơn cả nghiên cứu về đất nước mình ? Các nhà văn, nhà báo, doanh nhân và khách du lịch Việt Nam cũng nói về TQ với rất nhiều mỹ tự.

Nhưng có một đất nước TQ khác như là những điều tôi nói dưới đây thiết nghĩ ngay cả người TQ cũng không thể không thừa nhận.

1. Một nước TQ nội chiến liên miên

Người Việt Nam ta, đến trẻ con cũng biết ít nhiều về lịch sử TQ. Đó là lịch sử của những cuộc nội chiến liên miên giữa các tập đoàn quân phiệt cát cứ, giữa Đại Hán với Đại Hán. Những cuộc chiến "nồi da xáo thịt", "cốt nhục tương tàn". Hiện thực ấy ngoài ghi chép của các sử gia (như Tư Mã Thiên) còn được tái hiện một cách sinh động trong các tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng như "Đông chu liệt quốc", "Tam quốc diễn nghĩa", vv.. mà chúng ta đọc thấy họ chém giết nhau dã man, coi mạng người như con ngóe. Những trận đánh xương chất thành núi, máu chảy thành sông (như trận Xích Bích).

Cuộc nội chiến gần đây nhất của người Trung Hoa là cuộc chiến giữa Hồng quân của ĐCS Trung Quốc và quân đội của Quốc dân đảng TQ, kéo dài từ năm 1927 đến năm 1949. Lúc đầu quân của ĐCS thất bại, phải làm cuộc vạn lý trường chinh, một cuộc rút chạy dài 12000km từ Giang Tây đến Diên An trong thời gian 370 ngày (từ 16/10/1934 đến 19/10/1935). Trong cuộc rút lui này, Hồng quân từ lúc có 300.000 người đã bị quân Tưởng tiêu hao, bị chết đói, chết rét, chết bệnh mất 270.000 người, khi tới Diên An chỉ còn 30.000 người.

Có thể nói cuộc nội chiến này đến nay vẫn chưa chấm dứt. Những năm 1960 trong một thời gian dài TQ bắn đại bác qua eo biển Đài Loan. Hiện nay chính phủ Đài Loan đang mua nhiều vũ khí, hiện đại hóa quân đội, đề phòng TQ lục địa tấn công bất cứ lúc nào.

2. Một nước TQ bá quyền xâm lược

Lúc ban đầu, lãnh thổ của người Hán chỉ là một vùng đất nhỏ là bình nguyên Hoa Bắc. Trải qua lịch sử nghìn năm, họ đã liên tục gây chiến tranh xâm lược các quốc gia láng giềng, mở rộng lãnh thổ gấp 900 lần. Có thời gian TQ xâm lược nước ta 1000 năm mà sử ta quen gọi là nghìn năm Bắc thuộc. Nhưng vượt trội hơn các tộc Việt khác (trong Bách Việt) tổ tiên chúng ta đã không cam chịu khuất phục, không để bị đồng hóa, đã vùng lên giành độc lập. Sau đó các đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh đời nào cũng đem quân xâm lược nước ta nhưng chúng đều chuốc lấy thất bại nhục nhã.

Tại TQ hiện nay vẫn nổ ra các cuộc bạo động của các dân tộc thiểu số (người Duy Ngô Nhĩ, người Tạng). Bởi vì hai vùng đất bao la này vốn là những quốc gia riêng biệt. Người Trung Quốc xâm chiếm Tân Cương vào thời nhà Thanh. Còn vùng Tây Tạng - nóc nhà của thế giới - thì mới sát nhập vào TQ năm 1951 sau khi ĐCS TQ giành được chính quyền năm 1949. Bây giờ đang tồn tại một chính phủ Tây Tạng lưu vong mà lãnh tụ tinh thần là Đạt Lại Lạt Ma - một người được cả thế giới biết tiếng và ủng hộ (trừ TQ).

Có điều đáng lên án là ở lịch sử hiện đại, khi các nước đế quốc có nhiều thuộc địa như Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, ... đã trả lại độc lập cho các nước thuộc địa của họ thì nước CHND Trung Hoa vẫn tiếp tục đi xâm lược. Năm 1951 họ xâm lược Tây Tạng, năm 1956 xâm lược 3 đảo phía đông và năm 1974 xâm lược nốt 3 đảo phía Tây thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Năm 1988 họ xâm chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Năm 1995 họ xâm chiếm đảo Vành khăn của Philipin. Hiện tại họ đang từng bước xâm chiếm biển Đông và các đảo  thuộc chủ quyền của Việt Nam và các nước ASEAN.

3. Một nước TQ không có truyền thống giữ nước, chống ngoại xâm

TQ có "truyền thống đi xâm lược" nhưng lại không có truyền thống đấu tranh giữ nước khi đất nước họ bị xâm lăng. Câu chuyện "Chiêu Quân cống Hồ", "Tô Vũ chăn dê" cho thấy người Hán đã phải thần phục người Mông Cổ ngay từ TCN.

TK XIII, năm 1279 quân Mông Cổ xâm chiếm toàn bộ lãnh thổ TQ (lúc ấy đã rộng tới vùng Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay). Người Hán đầu hàng. Người Mông cổ lập nên nhà Nguyên cai trị Trung Quốc 100 năm từ 1279 đến 1368.

Năm 1662 người Mãn Thanh, một tộc người ở phía Đông bắc (không nói tiếng Hán) đã đánh bại nhà Minh. Người Mãn lập nên nhà Thanh cai trị người Hán đến tận năm 1912.

Những năm cuối TK XIX - đầu TK XX, người Anh, Pháp, Bồ Đào Nha chỉ đem đến những lực lượng nhỏ với súng trường và ít khẩu pháo trên những tàu chiến cũ kỹ. Thế mà người TQ đã vội đầu hàng, phải cắt đất cho họ làm tô giới, nhượng địa.

Năm 1931 quân đội Nhật Hoàng chỉ có 10.000 lính gồm bộ binh, pháo binh đánh chiếm vùng Mãn Châu (Đông bắc TQ). Quân TQ tại đó cả bộ đội chủ lực và địa phương đông tới 448.000 binh sĩ mà vẫn bị thất bại. Nhật chiếm được Mãn Châu lập ra Mãn Châu quốc.

Sau đó trong thế chiến II, Nhật chiếm đại bộ phận lãnh thổ TQ một cách dễ dàng. Chỉ có lực lượng của Quốc Dân Đảng chống cự yếu ớt. Bạn đọc chắc còn nhớ chúng ta đã được xem nhiều bộ phim do điện ảnh TQ thực hiện, trong đó mô tả người TQ run sợ trước quân lính Nhật như thế nào ? Chính Hồng quân Liên Xô đã đánh tan đội quân Quan Đông của Nhật giải phóng TQ.

Ông Mao Trạch Đông - "Người cầm lái vĩ đại" của TQ có câu nói :"Bất đáo trường thành phi hảo hán" (Ai chưa đặt chân đến Vạn lý trường thành thì chưa là hảo hán).

Vậy thưa các vị hảo hán Trung Hoa, các vị tự hào vì ngồi trên con tàu vũ trụ nhìn xuống quả đất thấy vạn lý trường thành. Nhưng tôi xin hỏi: Tổ tiên các vị xây đắp bức Trường thành vạn lý ấy để làm gì ?

Trong con mắt nhiều người nước ngoài bức thành ấy không phải là kỳ quan mà là nỗi nhục cho dân tộc Hán. Vì sao ? Vì chỉ để ngăn vó ngựa của tộc người du mục với số dân ít ỏi ở phía Bắc (người Mông Cổ, người Mãn) mà người Hán đã phải mất 20 thế kỷ (từ TK V-TCN đến TK XVI), bỏ mạng biết bao nhiêu triệu người dài vạn dặm. Bức thành ấy không phải đắp bằng đất, bằng đá mà bằng xương máu nhân dân TQ. Nhiều câu chuyện, nhiều bài thơ kể về nỗi thống khổ này. Hãy tưởng tượng những người lao động khổ sai trong đói rét bệnh tật và sự đàn áp dã man. Như thế người TQ chẳng nên tự hào về Vạn lý trường thành.

4. Một nước TQ luôn gây xung đột với các quốc gia láng giềng

Từ khi thành lập, nước CHND Trung Hoa luôn gây ra những vụ xung đột căng thẳng ở biên giới với các quốc gia láng giềng.

Năm 1962 xung đột với Ấn Độ. Chiến tranh nổ ra trong 1 tháng từ 20/10/1962 đến 20/11/1962. TQ đánh chiếm được một số vùng đất của Ấn Độ. Bị Ấn Độ phản công họ phải rút quân nhưng đến nay vẫn còn chiếm đóng một vùng đất của Ấn Độ mà họ nhận là của TQ.

Những năm thập niên 1960 TQ gây căng thẳng với Liên Xô suốt dọc 4380km đường biên. Nhiều cuộc đấu súng và cả đấu mồm (chửi bới). Cao điểm là cuộc nổ súng dữ dội tại nhiều vị trí ngày 2/3/1969. Kết quả TQ thất bại vì quân Liên Xô quá mạnh và đã chuẩn bị kỹ. Đối với Việt Nam, năm 1956 và năm 1974 họ chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Suốt 2 thập niên 1970-1980 họ gây căng thẳng ở biên giới phía Bắc với các thủ đoạn lấn đất, di chuyển cột mốc, gài mìn, bắn pháo, lôi déo dân, ...tháng 2/1979 họ đánh chiếm các tỉnh biên giới phía Bắc và đã thất bại. Năm 1988 họ đánh chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Năm 1995 họ chiếm đảo Vành Khăn của Philipin.

Từ năm 2004 đến nay TQ liên tục có những hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt nam và các nước trong vùng biển Đông với những thủ đoạn thô bạo. Có thể nói trong hơn nửa thế kỷ qua nước CHND Trung Hoa thường xuyên gây xung đột với tất cả các quốc gia láng giềng có chung đường biên, kể cả Myanma. Với Nhật Bản thì xung đột trên biển.

5. Một TQ với nhiều thủ đoạn thâm độc

Người Hán rất đa mưu. Họ có những "đại gia mưu lược" chỉ ngồi trong màn mà vận trù tính toán thế cuộc. Những thủ đoạn, mưu lược của họ rất thâm độc, lắm khi "quái thai", phi nhân tính. Ở đây tôi chỉ giới hạn trong những thủ đoạn chính trị, không nói đến những thủ đoạn về kinh tế và các lĩnh vực khác.

Thời nhà Tần, Tần Thủy Hoàng có chủ trương "đốt sách chôn nho" và đã thực hiện cực kỳ dã man. Mục đích là diệt tận gốc những tư tưởng phê phán triều đình. Khi quân Minh sang xâm chiếm nước ta vào thành Thăng Long chúng cũng thiêu hủy hết các văn tự của ta mà chúng chiếm được. Ta còn thấy chủ trương đó truyền đến cả bọn diệt chủng Pôn Pốt khi tập đoàn này được TQ nuôi dưỡng. Và khi Mao Trạch Đông nói câu: "Trí thức là cục phân" thì ông ta đích thực là con cháu Tần Thủy Hoàng.

Vùng miền núi tỉnh Vân Nam là nơi trồng nhiều cây thuốc phiện, lại tiếp giáp vùng "Tam giác vàng". Có nguồn tin nói rằng trong một thời gian dài ĐCS TQ tổ chức đường dây chế biến, vận chuyển thuốc phiện để đưa vào các nước phương Tây nhằm tiêu diệt CNTB tận sào huyệt của chúng ?

Nhiều thủ đoạn thâm độc của họ thường được đúc kết trong những câu nói ngắn gọn:

"Tọa sơn quan hổ đấu": Ngồi trên núi xem hai con hổ đánh nhau, không phải động tay chân mà có xương hổ nấu cao.

"Viễn giao cận công": Giao thiệp hữu hảo với nước ở xa để đánh chiếm nước ở gần.
Những câu trong cái gọi là "phương châm 16 chữ" và "nội dung 4 tốt" mà Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào lừa phỉnh chính là một thủ đoạn thâm độc của nhà cầm quyền Bắc Kinh đối với nước ta. Thực chất chúng nói một đằng làm một nẻo.

Ngoài những thủ đoạn thâm độc của các nhà chính trị, quân phiệt TQ, giới trí thức "phù quyền" TQ cũng nghĩ ra nhiều thủ đoạn nguy hiểm.

Những năm gần đây họ tuyên truyền khái niệm "biển là lãnh thổ quốc gia" để hợp thức hóa đường yêu sách lưỡi bò phi lí của TQ trên biển Đông. Hiện tại họ lại đang bàn thảo về khái niệm "nhu cầu không gian sống". Họ nói rằng TQ cần mở rộng không gian sống không chỉ ở biển Nhật Bản, biển Đông mà còn cần phải mở rộng ra cả Ấn Độ Dương.

Kết luận

Các nhà thơ thường ví tổ quốc Việt Nam như một con thuyền mong manh đậu bên bờ biển cả. Tôi nghĩ nếu là con thuyền thật thì cha ông chúng ta đã nhổ cây sào khua mái chèo rẽ sóng đưa đất nước đến một miền xa nào đó nơi có những láng giềng thân thiện, để tránh xa ông láng giềng Đại Hán lúc nào cũng âm mưu thôn tính chúng ta.

Nhưng đất nước lại là núi sông, ruộng đồng, biển cả. Ta đã ở nơi này thì ta chấp nhận chiến đấu để sống còn với trọn vẹn độc lập chủ quyền. Điều đó cha ông ta đã làm được, chúng ta phải nối tiếp truyền thống kiên cường ấy.

Muốn đập tan âm mưu thâm độc, ngang ngược, tham lam, quái thai, bất chấp lẽ phải của bành trướng đại Hán thì chúng ta phải hiểu rõ về họ. Bài viết trên đây của tôi mong đóng góp một phần cho mục đích đó.

TP Hồ Chí Minh, 18/06/2011
 .
*Bài viết do tác giả Bùi Công Tự gửi riêng NXD-Blog.
Xin chân thành cảm ơn tác giả!
Đọc tiếp...

ANH EM ƠI! HÃY HÒA VÀO DÒNG THÁC YÊU NƯỚC VIỆT NAM!

Thư gửi những bạn trẻ xuống đường phản đối xâm lược 

Đỗ Trung Quân

Tôi luôn được an ninh nhắc nhở hãy khuyên can các bạn đừng xuống đường. Câu trả lời của tôi là  “Không thể!".

Làm sao tôi với tư cách một người lớn tuổi hơn lại làm điều ấy khi các bạn bày tỏ lòng yêu nước của mình ôn hòa, không bạo lực không manh động. Cản trở các bạn, vậy tôi là ai ?

Khi viết huyết thư cùng hàng ngàn người khác đòi ra mặt trận đánh bọn PolPot tràn sang giết đồng bào mình năm 1978, tôi cũng trạc bằng tuổi các bạn bây giờ. Nay thì trước họa nghìn đời: Trung Nam Hải bá quyền gây hấn đe dọa chủ quyền đất nước. Các bạn cũng thế thôi.

3 năm trước một ông Hiệu trưởng Đại học tại Sài Gòn nói như ra lịnh: “Ở đây, ai không phải sinh viên thì ra về !”. Câu trả lời từ một người áo rách, nón sờn: “Thế tôi đạp xích lô thì không yêu nước được à?". Anh xích lô trẻ tuồi ấy chắc chắn không bao giờ là người nhảy vào hôi của của một người bị cướp giựt bất thành, khi tiền rơi vãi đầy đường ngày 17-6 vừa qua. Nạn nhân bị “cướp” đến hai lần bởi thói tham lam, sự vô cảm của chính đồng bào mình. Buồn không !

Nhưng thôi, hãy trở lại với chuyện  của ta.

Hãy nhớ đến những con tàu đánh cá rách nát nằm cô đơn trên những bến của mình. Những con tàu không thể ra biển vì bị tàu Trung Quốc đâm, bắn. Những con tàu ấy còn may mắn trở về được dù không còn có thể ra biển. Biết bao tài sản khác của người ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu.

Những ngư dân Việt Nam, chính họ mới là người giữ biển hàng trăm năm nay.Chính họ hơn ai hết thuộc lòng từng cụm đảo chìm đảo nổi, từ những ngấn thủy triều, từng luồng cá. Sự có mặt của họ đã xác định chủ quyền biển đảo, lãnh hải của đất nước rồi. Nếu vì lẽ nào đó hoặc không còn phương tiện, hoặc bị đe dọa sinh mạng vì những kẻ luôn nhân danh “bạn tốt “, nếu họ không còn ra biển được phải nhường vùng biển sinh sống tự bao đời cho Trung Quốc thì chính chúng ta đang tự để mất dần lãnh hải chủ quyền thiết thực hàng ngày của chính mình.

Xuống đường chống Trung Quốc là chuyện phải phải làm. Nhưng cũng còn những điều thiết thực khác. Hãy chung tay giúp ngư dân mình bám biển. Ngư dân ra khơi được nghĩa là cơm áo vốn đã cơ cực vẫn còn. Nghĩa là bằng cách khác cũng khẳng định biển đảo, chủ quyền của mình còn.

Hãy chú ý đến chương trình này : Xây dựng chương trình Cùng ngư dân bám biển (SGTT).
Nguồn: BaSam.

Xuân Bình - Xuân Diện chiều 18.6.2011
Đọc tiếp...

CUỐI TUẦN, XEM LẠI VIDEO BUỔI HẦU ĐỒNG TẠI L'ESPACE



Chương trình Thuyết trình và Diễn xướng hầu đồng, tại Trung tâm Văn hóa Pháp
(L'Espace - 24 Tràng Tiền, Hà Nội)
17h đên 21h30 ngày 23 tháng 2 năm 2011 (21 tháng Giêng Tân Mão)


























Đọc tiếp...

ĐẠO VĂN - MỘT TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP BỊ CÁCH CHỨC

Cách chức một trưởng ban biên tập vì đạo văn

(PL)- Ngày 17-6, ông Khúc Ngọc Vĩnh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đăk Nông, cho biết vừa có quyết định kỷ luật buộc thôi chức trưởng ban biên tập tạp chí Nâm Nung đối với bà Võ Thị Lệ Thủy.

Đồng thời, Hội cũng buộc bà Thủy hoàn trả lại kinh phí hỗ trợ các tác phẩm mà bà đã vi phạm bản quyền (với số tiền 8 triệu đồng).

Trong thời gian từ năm 2008 đến 2010, bà Thủy đã nhiều lần đạo văn các tác phẩm nổi tiếng của các nhà văn thuộc Hội Nhà văn Việt Nam. 

H.NAM - Nguồn: Pháp luật tp HCM.
Đọc tiếp...

4h14: HÀ NỘI MƯA TO, NHỚ BÀI THƠ MỪNG MƯA CỦA VUA MINH MỆNH

Lăng Hoàng đế Minh Mạng. Huế. Ảnh: Internet.

Thưa chư vị, 

 

Đêm qua trời đổ mưa rào. Và người xưa thường viết những bài thơ mừng mưa (hỷ vũ) để tạ ơn trời đất về những trận mưa rào trong đêm ấy. Cách đây 178 năm, sau một trận mưa rào giữa đêm, Hoàng đế Minh Mạng của nước Đại Nam đã thức dậy rất sớm (nhà vua thường dậy vào giờ Dần, tức là 3h sáng) và viết một bài thơ, trong đó có những câu thơ: Y ôn niệm chức tồn dư ý. Thực bão tư nông động ngã tâm 衣 溫 念 織 存 余 意, 食 飽 思 農 動 我 心 (Mặc ấm nhớ người dệt vải, đó là điều còn mãi trong ý ta. Ăn no, nhớ người cày ruộng, điều đó còn lay động tâm can ta). Từ đó, ông tiến hành cải cách hành chính và cai trị đất nước bằng cả tài trí, tâm lực của mình, đưa nước Đại Nam thành một quốc gia hùng mạnh lúc bấy giờ! 

 

Xem thế, biết vua ngày xưa thương dân, yêu dân và có trách nhiệm với dân với nước, có trách nhiệm với chính cái ngôi vị của mình lắm!

.
ĐỌC VÀI BÀI THƠ TRỌNG NÔNG CỦA CÁC VUA NGUYỄN.
Phan Thuận An 

Suốt mấy ngàn năm kể từ ngày lập quốc, trong bất cứ triều đại quân chủ nào, các vua chúa Việt Nam cũng lấy nghề nông làm mũi nhọn số một trong chính sách kinh tế nước nhà. Lý do rất dễ hiểu: đó là sinh lộ của cả dân tộc.

Chính sách trọng nông truyền thống ấy đã được triều đình nhà Nguyễn (1802-1945) chẳng những tiếp tục thực hiện mà còn đẩy mạnh và phát triển hết năng lực sẵn có bằng rất nhiều phương thức thích hợp và biện pháp hữu hiệu.

Với những tư liệu phong phú hiện nay có được, người ta có thể viết nhiều luận án về chính sách khuyến nông của triều Nguyễn và hiệu quả tốt đẹp của nó.

Ở đây chỉ xin giới thiệu vài bài thơ chữ Hán và chữ Nôm của ba vị vua nhà Nguyễn là Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức; trong đó nói lên quan điểm trọng thị và tấm lòng ưu ái của mình đối với nông dân. Thật là hiếm có và khó tìm đối với các vị hoàng đế hay thơ, nhưng chúng tôi may mắn sưu tầm được, nay xin cung cấp để tham khảo..

Bài thơ đầu tiên là Vị nông ngâm của vua Minh Mệnh, làm theo thể thơ Đường luật, thất ngôn bát cú bằng chữ Hán vào năm Nhâm Thìn (1832). Một điều thú vị hiện nay chúng ta có thể thấy được bản thủ bút của tác giả với nét chữ nhẹ nhàng bay bướm. Vào khỏang năm 1942, Paul Boudet, một học giả Pháp đã có dịp vào trong Hoàng cung Huế để khảo sát các tư liệu lịch sử, và đã chụp được ảnh bản thủ bút này. Ông liền cho đem đăng tấm ảnh ấy kèm theo bài viết của ông trên Bulletin des Amis du Vieux Hué, số 3, tháng 7-9 năm 1942, planche LVIII. Nay xin phiên âm, dịch nghĩa bằng văn xuôi và văn vần như sau:

VỊ NÔNG NGÂM.

Tiền tiêu hàm hỷ tế thời lâm,
Kế thử liên liên tế tế châm.
Lẫm liệt đông trung chi thuận hậu,
Tuấn tuần điền thượng khủng hàn xâm
Y ôn niệm chức tồn dư ý,
Thực bão tư nông động ngã tâm.
Giá sắc gian nan tòng cổ trọng,
Vô thời bất dĩ cử vi ngâm.
Nhâm Thìn hoạt bút.

Dịch nghĩa:.

NGÂM NGỢI NHÀ NÔNG.

Đêm trước mọi người đều mừng trận mưa cứu mùa màng,
Tiếp đó hạt mưa nối nhau rơi rả rích.
Trong mùa đông lạnh lẽo mà mưa như thế thì biết là thời tiết thuận lợi,
Người nông dân lội bì bõm trên ruộng, sợ e bị nhiễm lạnh.
Mặc ấm phải nhớ đến người dệt vải, đó là điều còn mãi trong ý ta,
ăn no phải nghĩ đến người làm ruộng, đó là điều làm cảm động đến lòng ta.
Nỗi gian nan trong chuyện cấy gặt, từ xưa vốn được coi trọng.
Không lúc nào ta không đem nỗi gian nan ấy cất lên thành khúc ngâm.
Viết năm Nhâm Thìn (1832)

Dịch thơ:

Đêm qua mừng trận mưa rào,
Từng cơn rả rích rót vào canh thâu.
Rét đông mưa giúp hoa màu,
Sợ ai ì oạp ruộng sâu lạnh lùng.
Ấm người, thợ dệt góp công,
No lòng, ta nhớ nhà nông muôn phần.
Bao giờ tôn trọng nông dân,
Ngâm nga ta đã mấy lần vì ai.

Bài thơ thứ hai là của vua Triệu Trị, mang tựa đề NÔNG LẠC.

Chúng tôi bắt gặp bài thơ này ngay trên di tích Huế. Ở Điện Hoà Khiêm trong phạm vi lăng Tự Đức, hiện nay vẫn còn treo 16 bức tranh mầu, minh hoạ 16 bài thơ ngự chế mà cuối mỗi bài đều viết dòng lạc khoản “Thiệu Trị Ất Tỵ cung lục”. Năm Ất Tỵ thời Thiệu Trị là năm 1845. Với sự dè dặt thường lệ và cần thiết đối với ý nghĩa của hai chữ “cung lục” ở đây, chúng tôi nghĩ rằng vua Thiệu Trị là tác giả của những bài thơ này, mà đáng chú ý nhất là bài mang nội dung khuyến nông ấy:

NÔNG LẠC.

Chung tuế cần cù lực bá canh,
Thu thành vạn bửu toại tư sanh.
Nhương nhương lũng mẫu hoàng vân bố,
Ức úc thương sương ngọc lạp doanh.
Phủ ngưỡng hàm hân gia cấp túc,
Trưng khoa bất nhiễu pháp nghiêm minh.
Chiêu diên tửu thực hương thôn hội,
Tuý bảo mao nghê hỷ uỷ tình.

Dịch nghĩa:

NIỀM VUI CỦA NHÀ NÔNG.

Quanh năm làm việc cần cù, ra sức cày cấy khắp cả.
Mùa thu làm nên muôn vật quý báu, toại ý về của cải vật chất nuôi sống.
Lớp lớp trên ruộng đồng, lúa chín trải ra như đám mây vàng.
Ăm ắp bồ, kho, tràn đầy hạt ngọc (tức là lúa gạo).
Ngó xuống trông lên đều hớn hở, việc cung cấp cho gia đình được đầy đủ.
Trong việc trưng thu không bị sách nhiễu,
Phép nước được giữ gìn nghiêm minh.
Xóm làng mở hội mời nhau đến cùng ăn uống,
No say, già trẻ đều mừng rỡ thỏa lòng.

Dịch thơ:

Cần cù ruộng thấp đồng cao,
Sang thu cái sống được bao đền bù.
Mây vàng giăng hạt ruộng khô,
Ngọc làng ăm ắp đầy bồ chật kho.
Cảnh nhà giờ đỡ phải lo,
Làm theo phép nước trưng thu đàng hoàng.
Tiệc mừng tấp nập xóm làng,
No say ai cũng rộn ràng niềm vui.
(Vũ Bạch Ngô dịch)

Và bài thơ thứ ba là MỪNG ĐẶNG MƯA của vua Tự Đức, viết bằng chữ Nôm. Bài thơ đã từng được phiên âm ra chữ quốc ngữ và đăng trong mục Văn uyển của Thần kinh tạp chí, số 10, tháng 5 năm 1928, tr.914.

MỪNG ĐẶNG MƯA.

Tình cờ may gặp trận mưa rào,
Thiên hạ vui mừng hẳn biết bao.
Thần núi ứng mây thêm đậm đậm,
Ơn trời rước nước khắp ào ào.
Tràn đồng hột ngọc nhờ no đủ,
Một giọt cân vàng khó ước ao.
Hai tháng tưởng cầu nay mới đặng,
Rằng thanh minh võ tạc non cao.

Qua sử sách, chúng ta thấy nông nghiệp đã được các vua quan nhà Nguyễn gọi là “bản nghệ” (nghề gốc), khác với thương nghiệp thường được họ coi là “mạt nghệ” (nghề ngọn) (Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện Sử học, Hà Nội, Tập III, 1963, trang 9). Các tác giả của bộ Minh Mệnh chính yếu đã dành riêng hai quyển VIII và IX để ghi chép về sự nghiệp phát triển nghề nông của vua Minh Mệnh (Xem: Minh Mệnh chính yếu, phần Trọng nông, Tập 3, bản dịch của Võ Khắc Văn và Lê Phụ Thiện, Sài Gòn, 1974, tr.1-96).
Ba bài thơ ngự chế trên đây góp phần làm sáng tỏ hơn về chính sách kinh tế của nhà Nguyễn.

Bài viết nhỏ này được viết dưới dạng cung cấp tư liệu văn học và lịch sử liên quan đến chủ trương khuyến nông của các vua nói trên, chúng tôi xin miễn bàn thêm gì khác nữa ở đây./.

P.T.A
Tạp chí Hán Nôm số 2 (13) – 1992, trang 75-76
Đọc tiếp...

PHIILIPINES KÊU GỌI ASEAN LIÊN HIỆP LẠI

Philippines kêu gọi ASEAN đoàn kết để giải quyết tranh chấp Biển Đông

SGTT.VN - Hôm qua (16.6), thượng nghị sĩ Philippines, Edgardo Angara, phó chủ tịch uỷ ban về các vấn đề đối ngoại của thượng viện nước này, nhấn mạnh, trong tranh chấp ở Biển Đông, sự hỗ trợ của ASEAN chính là yếu tố căn bản và trước nhất.

Biểu tình phản đối các hành động của Trung Quốc trên vùng biển Tây Philippines. Ảnh: Reuters
Theo ông Angara, rõ ràng tranh chấp ở Biển Đông không chỉ liên quan mỗi Philippines và Trung Quốc, giải pháp cho vấn đề này không thể là hành động đơn phương. “Chúng ta cần phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nước trong khu vực, và từ ASEAN là điều chủ yếu, nhằm giải quyết vấn đề này một cách thấu đáo”, ông nói.

Đề xuất thành lập khối liên kết 

Thượng nghị sĩ khẳng định, rõ ràng Trung Quốc đang tiếp tục cách cư xử hung hăng ở nơi mà cả Philippines, Việt Nam và các nước có liên quan khác đều có lợi ích kinh tế lớn. Nhưng cách cư xử phô trương này của Trung Quốc là không đáng có. Từ đó, ông Angara cho rằng, “Chúng ta cần một diễn đàn nơi chúng ta có thể bày tỏ sự phản đối và giải quyết các khác biệt bằng con đường ngoại giao như thể đây là cách duy nhất chúng ta có”.

Đáng chú ý, ông Angara đề xuất Philippines nên có một đoàn ngoại giao chuyên trách để đàm phán với các nước ASEAN về việc thành lập một khối liên kết để giải quyết vấn đề ở Biển Đông. Đồng thời, nhóm công tác này cũng có trách nhiệm kết nối với Liên hiệp quốc để đàm phán, giải quyết hoà bình các tranh chấp lãnh thổ ở Trường Sa.

Trong khi đó, cựu chủ tịch hạ viện Philippines Jose de Venecia Jr nhận định, trong khi những lời nói bất hoà “bay qua bay lại” trên Biển Đông giữa các nước có liên quan, điểm mấu chốt là “vẫn chưa có gì thay thế cho đối thoại và một đàm phán chính trị”.

Trước đó, thượng nghị sĩ Loren Legarda, chủ tịch uỷ ban Đối ngoại của Thượng nghị viện Philippines, nhắc nhở các nước có quyền lợi ở Biển Đông nên tuân thủ với DOC mà Trung Quốc và ASEAN đã ký hồi 2002.

Đối thoại hoà bình

Hôm 16.6, người phát ngôn của tổng thống Philippines, ông Edwin Lacierda, đã bày tỏ sự hoan nghênh với phát biểu của Mỹ và Trung Quốc về sự cần thiết có một giải pháp hoà bình cho vấn đề Biển Đông.

“Chúng tôi nhắc lại rằng đối thoại hoà bình trên nền tảng đa phương là cách tốt nhất cho Philippines, ASEAN và tất cả các nước có liên quan. Chúng tôi sẵn sàng trở thành thành viên đáng tin cậy trong cộng đồng quốc tế, một quốc gia nghiêm túc về cam kết của mình và làm hài hoà lợi ích quốc gia với trách nhiệm quốc tế của mình”.

Tranh: Trần Nhương
Ông Lacierda nói, chính quyền của Tổng thống Aquino đã xác nhận cam kết thực hiện DOC qua những gì tổng thống Philippines phát biểu trong cuộc họp lãnh đạo ASEAN và Mỹ hồi tháng 9 năm ngoái. “Tôi tin tưởng điều này phù hợp với tuyên bố chính thức của ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về Biển Đông hồi tháng 7.2010, ủng hộ quá trình ngoại giao hợp tác. Là một nước yêu chuộng hoà bình, Philippines ủng hộ bất kỳ nỗ lực nào để giải quyết các bất đồng tiềm ẩn theo cách hoà bình nhất có thể”, Lacierda dẫn lời Tổng thống Aquino.

Văn phòng tổng thống Philippines cũng hoan nghênh Trung Quốc có tuyên bố không sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông của Trung Quốc. “Tuyên bố từ bộ Ngoại giao Trung Quốc là điều lạc quan. Điều tốt lành là chúng ta nghe họ nói rằng, họ không sử dụng vũ lực. Chúng tôi hoan nghênh điều đó”, Lacierda nói trong họp báo tại văn phòng tổng thống. “Nhờ thế, ít nhất chúng ta có một sự cam kết trong khu vực là không cần thiết phải sử dụng vũ lực để giải quyết tình hình”.

Cùng ngày 16.6, khi trao đổi với ngoại trưởng Úc, bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario nhấn mạnh, Philippines rất quan ngại nếu Trung Quốc cắm các cột mốc ở khu vực có tranh chấp ở Trường Sa.

Ca Thy (Philstar, Sunstar, Reuters)
Nguồn: SGTT.
Đọc tiếp...