Lăng Hoàng đế Minh Mạng. Huế. Ảnh: Internet. |
Thưa chư vị,
Đêm qua trời đổ mưa rào. Và người xưa thường viết những bài thơ mừng mưa (hỷ vũ) để tạ ơn trời đất về những trận mưa rào trong đêm ấy. Cách đây 178 năm, sau một trận mưa rào giữa đêm, Hoàng đế Minh Mạng của nước Đại Nam đã thức dậy rất sớm (nhà vua thường dậy vào giờ Dần, tức là 3h sáng) và viết một bài thơ, trong đó có những câu thơ: Y ôn niệm chức tồn dư ý. Thực bão tư nông động ngã tâm 衣 溫 念 織 存 余 意, 食 飽 思 農 動 我 心 (Mặc ấm nhớ người dệt vải, đó là điều còn mãi trong ý ta. Ăn no, nhớ người cày ruộng, điều đó còn lay động tâm can ta). Từ đó, ông tiến hành cải cách hành chính và cai trị đất nước bằng cả tài trí, tâm lực của mình, đưa nước Đại Nam thành một quốc gia hùng mạnh lúc bấy giờ!
Xem thế, biết vua ngày xưa thương dân, yêu dân và có trách nhiệm với dân với nước, có trách nhiệm với chính cái ngôi vị của mình lắm!
.
ĐỌC VÀI BÀI THƠ TRỌNG NÔNG CỦA CÁC VUA NGUYỄN.
Phan Thuận An
Suốt mấy ngàn năm kể từ ngày lập quốc, trong bất cứ triều đại quân chủ nào, các vua chúa Việt Nam cũng lấy nghề nông làm mũi nhọn số một trong chính sách kinh tế nước nhà. Lý do rất dễ hiểu: đó là sinh lộ của cả dân tộc.
Chính sách trọng nông truyền thống ấy đã được triều đình nhà Nguyễn (1802-1945) chẳng những tiếp tục thực hiện mà còn đẩy mạnh và phát triển hết năng lực sẵn có bằng rất nhiều phương thức thích hợp và biện pháp hữu hiệu.
Với những tư liệu phong phú hiện nay có được, người ta có thể viết nhiều luận án về chính sách khuyến nông của triều Nguyễn và hiệu quả tốt đẹp của nó.
Ở đây chỉ xin giới thiệu vài bài thơ chữ Hán và chữ Nôm của ba vị vua nhà Nguyễn là Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức; trong đó nói lên quan điểm trọng thị và tấm lòng ưu ái của mình đối với nông dân. Thật là hiếm có và khó tìm đối với các vị hoàng đế hay thơ, nhưng chúng tôi may mắn sưu tầm được, nay xin cung cấp để tham khảo..
Bài thơ đầu tiên là Vị nông ngâm của vua Minh Mệnh, làm theo thể thơ Đường luật, thất ngôn bát cú bằng chữ Hán vào năm Nhâm Thìn (1832). Một điều thú vị hiện nay chúng ta có thể thấy được bản thủ bút của tác giả với nét chữ nhẹ nhàng bay bướm. Vào khỏang năm 1942, Paul Boudet, một học giả Pháp đã có dịp vào trong Hoàng cung Huế để khảo sát các tư liệu lịch sử, và đã chụp được ảnh bản thủ bút này. Ông liền cho đem đăng tấm ảnh ấy kèm theo bài viết của ông trên Bulletin des Amis du Vieux Hué, số 3, tháng 7-9 năm 1942, planche LVIII. Nay xin phiên âm, dịch nghĩa bằng văn xuôi và văn vần như sau:
VỊ NÔNG NGÂM.
Tiền tiêu hàm hỷ tế thời lâm,
Kế thử liên liên tế tế châm.
Lẫm liệt đông trung chi thuận hậu,
Tuấn tuần điền thượng khủng hàn xâm
Y ôn niệm chức tồn dư ý,
Thực bão tư nông động ngã tâm.
Giá sắc gian nan tòng cổ trọng,
Vô thời bất dĩ cử vi ngâm.
Nhâm Thìn hoạt bút.
Dịch nghĩa:.
NGÂM NGỢI NHÀ NÔNG.
Đêm trước mọi người đều mừng trận mưa cứu mùa màng,
Tiếp đó hạt mưa nối nhau rơi rả rích.
Trong mùa đông lạnh lẽo mà mưa như thế thì biết là thời tiết thuận lợi,
Người nông dân lội bì bõm trên ruộng, sợ e bị nhiễm lạnh.
Mặc ấm phải nhớ đến người dệt vải, đó là điều còn mãi trong ý ta,
ăn no phải nghĩ đến người làm ruộng, đó là điều làm cảm động đến lòng ta.
Nỗi gian nan trong chuyện cấy gặt, từ xưa vốn được coi trọng.
Không lúc nào ta không đem nỗi gian nan ấy cất lên thành khúc ngâm.
Viết năm Nhâm Thìn (1832)
Dịch thơ:
Đêm qua mừng trận mưa rào,
Từng cơn rả rích rót vào canh thâu.
Rét đông mưa giúp hoa màu,
Sợ ai ì oạp ruộng sâu lạnh lùng.
Ấm người, thợ dệt góp công,
No lòng, ta nhớ nhà nông muôn phần.
Bao giờ tôn trọng nông dân,
Ngâm nga ta đã mấy lần vì ai.
Bài thơ thứ hai là của vua Triệu Trị, mang tựa đề NÔNG LẠC.
Chúng tôi bắt gặp bài thơ này ngay trên di tích Huế. Ở Điện Hoà Khiêm trong phạm vi lăng Tự Đức, hiện nay vẫn còn treo 16 bức tranh mầu, minh hoạ 16 bài thơ ngự chế mà cuối mỗi bài đều viết dòng lạc khoản “Thiệu Trị Ất Tỵ cung lục”. Năm Ất Tỵ thời Thiệu Trị là năm 1845. Với sự dè dặt thường lệ và cần thiết đối với ý nghĩa của hai chữ “cung lục” ở đây, chúng tôi nghĩ rằng vua Thiệu Trị là tác giả của những bài thơ này, mà đáng chú ý nhất là bài mang nội dung khuyến nông ấy:
NÔNG LẠC.
Chung tuế cần cù lực bá canh,
Thu thành vạn bửu toại tư sanh.
Nhương nhương lũng mẫu hoàng vân bố,
Ức úc thương sương ngọc lạp doanh.
Phủ ngưỡng hàm hân gia cấp túc,
Trưng khoa bất nhiễu pháp nghiêm minh.
Chiêu diên tửu thực hương thôn hội,
Tuý bảo mao nghê hỷ uỷ tình.
Dịch nghĩa:
NIỀM VUI CỦA NHÀ NÔNG.
Quanh năm làm việc cần cù, ra sức cày cấy khắp cả.
Mùa thu làm nên muôn vật quý báu, toại ý về của cải vật chất nuôi sống.
Lớp lớp trên ruộng đồng, lúa chín trải ra như đám mây vàng.
Ăm ắp bồ, kho, tràn đầy hạt ngọc (tức là lúa gạo).
Ngó xuống trông lên đều hớn hở, việc cung cấp cho gia đình được đầy đủ.
Trong việc trưng thu không bị sách nhiễu,
Phép nước được giữ gìn nghiêm minh.
Xóm làng mở hội mời nhau đến cùng ăn uống,
No say, già trẻ đều mừng rỡ thỏa lòng.
Dịch thơ:
Cần cù ruộng thấp đồng cao,
Sang thu cái sống được bao đền bù.
Mây vàng giăng hạt ruộng khô,
Ngọc làng ăm ắp đầy bồ chật kho.
Cảnh nhà giờ đỡ phải lo,
Làm theo phép nước trưng thu đàng hoàng.
Tiệc mừng tấp nập xóm làng,
No say ai cũng rộn ràng niềm vui.
(Vũ Bạch Ngô dịch)
Và bài thơ thứ ba là MỪNG ĐẶNG MƯA của vua Tự Đức, viết bằng chữ Nôm. Bài thơ đã từng được phiên âm ra chữ quốc ngữ và đăng trong mục Văn uyển của Thần kinh tạp chí, số 10, tháng 5 năm 1928, tr.914.
Và bài thơ thứ ba là MỪNG ĐẶNG MƯA của vua Tự Đức, viết bằng chữ Nôm. Bài thơ đã từng được phiên âm ra chữ quốc ngữ và đăng trong mục Văn uyển của Thần kinh tạp chí, số 10, tháng 5 năm 1928, tr.914.
MỪNG ĐẶNG MƯA.
Tình cờ may gặp trận mưa rào,
Thiên hạ vui mừng hẳn biết bao.
Thần núi ứng mây thêm đậm đậm,
Ơn trời rước nước khắp ào ào.
Tràn đồng hột ngọc nhờ no đủ,
Một giọt cân vàng khó ước ao.
Hai tháng tưởng cầu nay mới đặng,
Rằng thanh minh võ tạc non cao.
Qua sử sách, chúng ta thấy nông nghiệp đã được các vua quan nhà Nguyễn gọi là “bản nghệ” (nghề gốc), khác với thương nghiệp thường được họ coi là “mạt nghệ” (nghề ngọn) (Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện Sử học, Hà Nội, Tập III, 1963, trang 9). Các tác giả của bộ Minh Mệnh chính yếu đã dành riêng hai quyển VIII và IX để ghi chép về sự nghiệp phát triển nghề nông của vua Minh Mệnh (Xem: Minh Mệnh chính yếu, phần Trọng nông, Tập 3, bản dịch của Võ Khắc Văn và Lê Phụ Thiện, Sài Gòn, 1974, tr.1-96).
Ba bài thơ ngự chế trên đây góp phần làm sáng tỏ hơn về chính sách kinh tế của nhà Nguyễn.
Bài viết nhỏ này được viết dưới dạng cung cấp tư liệu văn học và lịch sử liên quan đến chủ trương khuyến nông của các vua nói trên, chúng tôi xin miễn bàn thêm gì khác nữa ở đây./.
P.T.A
Tạp chí Hán Nôm số 2 (13) – 1992, trang 75-76
Bác Diện ơi, em cũng theo Bác dạy sớm để quan tâm đến thời sự, chính trị đất nước sau đó phải đi cày để nuôi bu cháu. Chúc bác một ngày mới tốt đẹp!
Trả lờiXóaVua ngày xưa như thế ,vua ngày nay ở ta ra sao hả anh Nguyễn Xuân Diện?
Trả lờiXóaRẤT CÁM ƠN PHAN THUẬN AN VÀ ÔNG DIỆN VÌ TÌNH YÊU CỦA 2 NGƯỜI DÀNH CHO ĐẤT NƯỚC QUA BÀI VIẾT TRÊN. TÔI NGHĨ RẤT NHIỀU NỘI DUNG TRONG BLOG CỦA ÔNG NÊN ĐƯỢC QUẢNG BÁ RỘNG RÃI HƠN CHO CẢ QUAN VÀ DÂN NƯỚC VIỆT NAM MÌNH HƠN NỮA. DÙ BLOG CỦA ÔNG CÓ NHIỀU NGƯỜI ĐỌC ĐẾN ĐÂU CHĂNG NỮA (CHƯA KỂ THÌNH THOẢNG LẠI BỊ "TẠCH") THÌ CHẲNG QUA CŨNG NHƯ MỘT CÁI HẺM CỤT THÔI (XIN LỖI ÔNG NHÉ) MÀ Ý CỦA TÔI LÀ MUỐN ÔNG CÓ CÁCH NÀO PHỔ BIẾN NHỮNG NỘI DUNG TRONG BLOG CỦA ÔNG RỘNG RÃI HƠN NỮA HAY KHÔNG? TÔI NGHĨ ĐÓ CHÍNH LÀ CÁCH TỐT NHẤT THỂ HIỆN LÒNG YÊU NƯỚC ĐÓ ÔNG DIỆN Ạ.
Trả lờiXóaCảm ơn TS Diện đã cung cấp cho mọi người những bài thơ này. Đọc những bài thơ này của các vua, thấy thêm những phẩm chất phải có ở những người đứng trên tất cả, đều phải lo lắng cho việc "khoan sức cho dân".
Trả lờiXóa