Thứ Hai, 13 tháng 6, 2011

HỊCH YÊU NƯỚC 2011

HỊCH YÊU NƯỚC
Tác giả: Khuyết danh

Ta thường nghe:

Trần Quốc Toản tay không mà bóp cam ra bã, hận mình không đủ tuổi giúp nước. Thiếu niên Võ Thị Sáu thân là nữ nhi lại khiến giặc Pháp ngước nhìn kinh sợ. Anh hùng Kim Đồng, hi sinh ở tuổi 14 để bảo vệ cán bộ cách mạng. Rõ ràng từ xưa đến nay, yêu nước đâu cần đứng tuổi. Anh hùng từ thuở thiếu niên, thời nào chẳng có. Ta cùng các ngươi vốn là tri thức trẻ; những chuyện trên đều đã nghe qua. Ấy vậy mà không biết lấy điều tốt làm gương, cứ mãi đắm chìm trong mộng ảo tầm thường.

Huống chi, ta cùng các ngươi sinh phải thời hội nhập, kẻ thù lại kề sát bên. Văn hóa, chính trị, xã hội như rơm khô gần lửa, chẳng mấy chốc mà bốc hơi. Xem tivi thấy toàn phim khựa, tức ngang cuống họng. Đọc tin tức thấy ngư dân bị chơi bẩn, thương trào nước mắt. Bước vào chợ là lạc giữa mê cung “made in china”, buồn nước thương nhà. Thật khác nào: dâng thịt thơm cho hổ, tự kề cổ vào đao!

Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm viết note, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa. Chỉ hận Đặng Tiên sinh chết quá sớm không còn nghe ta cáu; căm Hồ đại nhân chưa có cơ hội diện kiến để chơi với lão một phen; dẫu cho trăm thân ta lênh đênh trên biển Đông, nghìn thây ta gởi lại ngoài hải đảo, cũng nguyện xin làm.

Nay, các người là người trẻ, nắm giữ tương lai, lại được nước nhà tạo điều kiện ăn học. Vậy mà: thấy nước nhục mà không biết lo; trông kim ngạch xuất nhập khẩu Việt - Trung như đôi đũa lệch mà không biết ngượng; thấy thác Bản Giốc, Hoàng Sa, Trường Sa lọt vào tay giặc mà không biết tức. Lại còn có kẻ đắm chìm trong game online, kẻ dạt nhà khóc lóc theo mấy anh trai nhảy đẹp, kẻ chìm trong bia rượu, gái gú. Đáng thẹn lắm thay!

Nếu bất chợt 1 tỷ 2  nó tràn sang, tài khoản game ảo có đánh lại bọn giặc thật? điệu nhảy đẹp có tránh hết mưa đạn dày? bia ngọt mồi ngon có làm say chết giặc? rồi nước mất, gái đẹp sẽ vào tay ai?

Nay ta bảo thật các ngươi: Nên lấy việc sống cạnh nước lớn làm nguy, làm láng giềng với tay bẩn mà sợ. Giặc Thanh và ta là kẻ thù không đội trời chung, 3000 năm cả trăm lần giao đấu. Thế giặc đang lên như sóng nước, cương lúc này khác nào ta tự diệt vong, chiến tranh chỉ là bước đường cùng. Nhưng mà ta vẫn còn đường để chọn. Trước mắt phải luyện tập thân thể, trau dồi kiến thức cho ai nấy đều giỏi như Ngô Bảo Châu, để người người cường tráng như là Lý Đức. Sau phải cống hiến hết mình cho đất nước.

Ta tin: thế nước có lúc thịnh lúc suy, song hào kiệt thời nào cũng có. Trí tuệ Việt sẽ thành danh, vang tiếng, nước Việt ta sẽ hóa hổ, hóa rồng. Lúc ấy: Bọn họ sợ run, bỏ thói cắn càn; Họ sang Việt Nam phải dạ thưa cung kính.

Khi ấy: Chẳng những tông miếu ta được hương khói nghìn thu, mà tổ tiên các ngươi cũng được bốn mùa thờ cúng; chẳng những thân ta kiếp này thỏa chí, mà đến các ngươi, trăm đời sau còn để tiếng thơm.

Thế nên: Chớ nóng máu, mà mắc kế gian. Đừng thờ ơ, phải giữ lửa lòng. Cho nên ta viết bài hịch này để các ngươi hiểu rõ bụng ta. Và hát rằng:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Tác giả Khuyết danh
Nguồn: Trần Nhương.com
Đọc tiếp...

MỘT BÀI PHÚ ĐẶC SẮC: HOÀNG SA NỘ KHÍ PHÚ

 HOÀNG SA NỘ KHÍ PHÚ 

Kha Tiệm Ly

Ngựa cũ quen đường,
Đĩ già lậm nết. 
Việc phế hưng mỗi thuở khác nhau,
Mộng bá chủ bao đời y hệt!

Ta thấy ngươi,
Từ Đông Chu bị họa Thất Hùng,
Đến Hậu Hán bị xiềng Tam Quốc.
Đất Trường An thây chất chập chùng,
Bờ Vô Định xương phơi chất ngất!

Đã biết,
Hễ gieo chinh chiến là kín đất đau thương,
Nếu động can qua thì mịt trời tang tóc.

Vậy mà sao,
Chẳng lo điều yên nước no dân,
Lại quen thói xua quân chiếm đất?

Như nước ta,
Một dải non sông, nam bắc chung giềng,
Trăm triệu anh em, trước sau như nhất.
Hoàng Liên, Tam Đảo, Hồng Hà, Cửu Long , là máu là xương,
Phú Quốc, Côn Sơn, Trường Sa, Hoàng Sa là da là thịt.
Máu xương đâu lẽ tách rời,
Thịt da dễ gì chia cắt?
Mà là liền tổ quốc phồn vinh,
Mà là khối giang sơn gấm vóc.
Người trăm triệu nhưng vốn một lòng,
Tim một trái dẫu nhiều sắc tộc!
Nữ nhi chẳng thiếu bậc anh hùng,
Niên thiếu cũng thừa người kiệt xuất.
Mười năm phục quốc, gươm Lê Lợi thép vẫn sáng ngời,
Ba lượt phá Nguyên, sông Bạch Đằng cọc còn nhọn hoắt.
Thùng! Thùng! Thùng! Liên hồi giục, trống Ngọc Hồi hực bước tiến quân.
Đánh! Đánh! Đánh! Luôn miệng thét, điện Diên Hồng, vang lời sát thát.
Ải Chi Lăng, Liễu Thăng chết còn lạc phách kinh hồn,
Sông Nhị Hà, Sĩ Nghị chạy còn đứng tim vỡ mật.
Thoáng thấy vó câu Thường Kiệt, Khâm Châu ngàn dặm, không còn bóng quỉ bóng ma,(1)
Chợt nghe tiếng sét Đống Đa,Quảng Đông toàn tỉnh chẳng tiếng con gà con vịt. (1)
Hùng khí dù dậy trời Nam,
Nghĩa nhân lại tràn đất Bắc:

Thương ngươi binh bại, tàn quân về còn cấp xe ngựa rình rang (2)
Trọng kẻ trung can, hổ tướng chết vẫn được khói hương chăm chút.(3)
Mạc Cửu đem quân lánh nạn, chúa ta vẫn mở dạ đón người,
Hoa kiều mượn đất ở nhờ, dân ta vẫn chia cơm xẻ thóc.
Phúc cùng hưởng khi mưa thuận gió hòa,
Họa cùng chia lúc sóng vùi gió dập.
Giúp các ngươi như kẻ một nhà,
Thương các ngươi như người chung bọc!

Thế mà nay,
Ngươi lại lấy oán trả ơn,
Ngươi lại lấy thù báo đức!
Ăn đàng sóng, nói đàng gió, y như đĩ thúi già mồm.
Lộn bề ngược, tráo bề xuôi, khác chi điếm già bịp bạc.

Kéo neo tuần hạm, ào ào đổ bộ Hoàng Sa,
Quay súng thần công, ầm ỉ tấn công Đá Bắc.
Chẳng chấp hải qui,
Chẳng theo công ước.
Quen nết xưa xấc láo, giở giọng hung tàn,
Lậm  thói cũ nghênh ngang, chơi trò bạo ngược.
Nói cho ngươi biết; dân tộc ta:
Từng đánh bọn ngươi chỉ với ngọn giáo dài,
Từng đuổi bọn ngươi chỉ bằng thanh kiếm bạc.
Từng đánh Tây bằng ngọn tầm vông,
Từng đuổi Nhật với thanh mác vót!

Vì khát tự do mà uống nước đìa,
Vì đói độc lập mà ăn cơm vắt.
Sá chi tóc gội sa trường,
Đâu quản thây phơi trận mạc.
Hãy liệu bảo nhau,
Nhìn thây Gò Đống mà liệu  thắng liệu thua,
Thấy cọc Bạch Đằng mà nghĩ sau nghĩ trước!
Đừng để Biển Đông như Đằng Giang máu nhuộm đỏ lòm,
Đừng để Hoàng Sa là Đống Đa xương phơi trắng xác!
Nếu ngươi dựa vào hỏa tiển, phi cơ,
Thì ta cũng có tuần dương, đại bác.
So vũ khí, thì kẻ nhược người cường,
Đọ trái tim, coi ai gang ai sắt?
Thư hãy xem tường,
Hoàng Sa hạ bút.

K.T.L.

Nguồn: Trannhuong.com
Chú thích:

(1) Sử ghi: Khi Lý Thường Kiệt đem quân qua Khâm Châu, Liêm Châu, cũng như khi quân Thanh bại trận Đống Đa chạy về, thì dân Tàu vùng biên giới kinh hoàng chạy  theo. “Từ Nam Quan về bắc hàng trăm dặm vắng tanh, không thấy bóng con gà, con vịt”
(2) Sự kiện Lê Lợi cấp ngựa và lương thực cho tù binh quân Minh về nước
(3) Sự kiên dân ta lập miếu thờ Sầm Nghi Đống hạ tướng của Tôn Sĩ Nghị)

Đọc tiếp...

QUYẾT DIỆT KÌNH NGƯ TRÊN BIỂN ĐÔNG

Tàu chiến của Hải quân Việt Nam. Ảnh: Mai Thanh Hải-blog
Diệt kình ngư ngoài Đông Hải 
Vũ Thế Long

Ngày ấy, ngư dân miền Trung nước Việt đang sống an bình, ngày ngày ra khơi đánh cá. Tôm cá nhiều vô kể, cứ đến mùa cá là hàng đoàn thuyền đánh cá họp nhau lại cùng ra khơi. Khắp mặt biển xanh vang câu hò câu hát. Họ cùng nhau ra biển của mình, sống chết có nhau cùng nhau hợp lực vẫy vùng với sóng to gió lớn, cùng sẻ chia những mẻ cá lớn cá nhỏ. Thuyền về cá đầy khoang, nhà nhà đều vui vẻ. Cả vạn chài sung túc no đủ vui vẻ chan hoà. Hàng năm, cứ đến mùa biển lặng, Vua lại cử cả một hải đòan ra tuần thú ngoài đảo cát xa xôi tế lễ tiền nhân ngàn đời đã mở mang trông nom đảo qúy đem về bao sản vật trời ban cho dân Việt…

Chuẩn bị xuất kích. Ảnh: Mai Thanh Hải-blog
Cuộc sống đang an bình, Thế rồi, mấy tay anh chị trong vạn chài tách đòan đi đánh lẻ, tự nhiên chúng vớ được những đàn cá lớn và trở nên giàu có. Chúng  bỏ tiền đóng thuyền to, thuê những tay chài nghèo khó lực lưỡng lặn sâu mò san hô ngọc trai và bao sản vật qúy dưới lòng biển khơi. Quăng lưới lớn, câu dài bắt cá to. Chúng ngồi hưởng lộc trời của muôn dân mà chẳng phải làm gì.Từ đấy, vạn chài đang thanh bình bỗng trở nên lục đục. Người người ra khơi nhưng mạnh ai nấy đánh. Thấy luồng cá to thì ngấm ngầm vơ vét mà chẳng báo cho bạn chài hay, Đánh được bao cá, mò được bao ngọc chẳng ai kiểm sóat. Chúng chỉ dâng lễ cho quan trên rồi hưởng một mình mọi báu vật của thiên hạ. Kẻ thì trở nên giàu nứt đố đổ vách, người thì nghèo xác nghèo xơ. Đội thuyền tan tác. Nhiều thuyền gặp sóng cả gió to nhưng đi lẻ loi nên bị sóng dữ nhận chìm chẳng có bạn chài nào cứu vớt. Xóm chài tuy có khang trang lên chút đỉnh nhưng không còn cái không khí vui tươi chan hòa như ngày nào. Kẻ thì nhà cao cửa rộng nghênh nghênh ngang ngang, người thì túp lều che thân cũng không đủ chỗ mà chui mà rúc lại bị lũ cường quyền trong thôn trong xã thi nhau quấy nhiễu hạch sách đủ điều.

Bỗng một hôm, đang trời yên biển lặng, tàu ra khơi xa buông câu thả lưới, chợt ầm ầm có cơn sóng lớn bất thần xuất hiện. Dân chài hỏang hốt thấy từ phương Bắc lừ lừ một lũ kình ngư cao to như những trái núi di dộng đang lao thẳng vào những con thuyền yếu ớt, nhỏ bé. Tàu bè vỡ tan, chúng nuốt chửng những khoang cá đầy ắp mà mất bao ngày cật lực mất bao công sức mới gom góp được. Từ đấy, cả vạn chài mất ăn mất ngủ. Những ngư dân sống sót trở về họp nhau lại bàn cách ứng phó. Mấy tay chài sừng sỏ nhiều kinh nghiệm bày kế “Kình ngư to là thế nhưng không đáng sợ. Chúng tham ăn lắm. Hễ thấy, ta cứ cho nó lại gần, thủ sẵn kiếm sắc giáo nhọn, thừa cơ nó há mồm đâm tàu, anh em ta chui vào miệng nó dùng dáo mác mà đâm thủng sọ, phanh thây xé xác chúng ra liệu chúng làm gì nổi ta? To xác mà tham lam cũng không đáng sợ. Chỉ lo mình có dám quyết tâm sống mái với chúng hay không mà thôi. Nếu thuyền nào cũng đồng lòng thì Kình ngư có to, có khỏe đến mấy ta cũng diệt hết?”. Lại có kẻ hèn hạ xúi: “Thôi nó to , nó khỏe như thế, mình đánh nó thì khác nào như trứng chọi đá. Đánh làm sao được? Gặp kình ngư thì cứ qùy xuống mà vái rồi dâng cả khoang cá cho nó. No bụng rồi xin nó tha cho mà về. Đi kiếm mẻ khác vậy. Miễn là mình còn thuyền còn, thì cá còn”…

Nói là làm. Mấy ngư phủ dũng mãnh nhất vạn chài rút cuộc tuy có giết được một hai Kình ngư nhưng vài người dũng mãnh nhất cũng đành ngậm ngùi nằm trong bụng cá. Những tay hèn hạ dâng cả khoang thuyền đầy cá cũng chẳng được an thân. Nuốt sạch cá, lũ Kình ngư nuốt luôn cả kẻ hèn hạ đang qùy lạy vừa dâng cả thuyền cá đầy ắp cho chúng.

Đội Chiến thuyền của nhà Vua có nhiệm vụ ra đảo xa tuần thú cũng vô cùng hoang mang lúng túng. Gửi sớ tâu vua ba lần bảy lượt mà chẳng được Vua ban chỉ dụ đối phó. Các quan vội vã cử người về tận triều đình cấp báo.

Đang ngồi uống rượu xem chọi gà, nghe hát với lũ cận thần và mỹ nữ, nghe tin dữ, Vua đang nâng chén rượu bỗng mặt biến sắc. Tay run run, Ngài hỏi đi hỏi lại có đúng là như vậy không? Vua phán: “Quái lạ! từ xửa từ xưa Tiên đế ta đã cưỡi cơn sóng dữ chém sạch lũ kình ngư rồi cơ mà ? Sao lại có Kình ngư mới xuất hiện là thế nào?”. Ngài vội vã triệu tập quần thần để tìm kế sách đối phó. Lũ cận thần đang say ngất nga ngất ngưởng trong men rượu nồng, máu chọi đang phừng phừng trong hiệp chọi dang dở, hốt ha hốt hoảng đóng khăn áo vào triều bàn nghị sự.

Nhà vua thuật lại sự tình rồi hỏi lũ cận thần kế sách. Lũ cận thần gần vua nhất thì lúng ba lúng búng chẳng biết nói năng ra sao. Có vài kẻ nhìn trước nhìn sau mong cho giá ngự sớm kết thúc để vội về ôm nhanh túi vàng bao năm vơ vét được cùng vợ con đào tẩu thóat thân. Một vài trung thần thì xúm lại bàn tính và xem xét lại những kinh nghiệm mà Tiên đế thủa xưa đã diệt kình ngư ra sao hầu mong gỡ được thế bí…

Vua nhớ lại tích xưa, khi giặc nhà Ân xâm lăng bờ cõi, tiên đế đã sai sứ giả mang loa đi rao khắp thiên hạ mong tìm được người tài ra cứu nước. Rút kinh nghiệm xưa, sứ giả đi đến những nhà có trẻ con mong tìm ra được những trẻ lên ba như Thánh Dóng bỗng bật dậy biết nói xin ra cứu nước. Tìm mãi mà chẳng thấy trẻ nào? Có Mấy đứa xung phong noi gương Thánh Dóng nhưng lại không biết cầm cây gậy tre chứ đừng nói gì đến cung đến kiếm bởi chẳng ai dạy. Thấy vũ khí là run bởi trẻ con bấy giờ bị cấm ngặt .  

Sứ giả đi đến đâu cũng rặt một tin đồn: “Cứ tìm đến Ngư ông trăm tuổi mà hỏi”. Đi khắp nơi mà chẳng tìm được ai ngòai câu trả lời “Ngư ông trăm tuổi”…

Nhà vua ủ rũ lo lắng. Suốt bao tháng trời mà lũ Kình ngư vẫn không ngừng tác oai tác quái. Mỗi ngày chúng lại hãm hại thêm nhiều ngư dân. Không những thế, chúng còn định phá cả thuyền bè nhà cửa trong bến nữa.

Bỗng một đêm, Hòang thượng mơ thấy Ngư ông từ dưới biển Đông hiện lên trong ánh hào quang rực rỡ. Tiên ông ôn tồn hỏi: “Nhà ngươi lại có chuyện gì cần đến ta chăng?”. Hòang thượng qùy xuống phủ phục dưới chân Tiên ông và chợt ngộ ra mình đã có nhiều lần gặp Ngư ông và nghe ngài cảnh báo nhiều điều nhưng lúc ấy Vua bỏ ngòai tai. Nay trong lúc tâm trí rối bời, ngài cầu mong mong xin tiên ông tha thứ và cho kế sách chồng lũ Kình ngư tàn ác đang tác oai tác quái ngòai Đông Hải và khắp nơi.

Tiên ông dõng dạc truyền vang như tiếng sấm rền ngòai biển Đông: “Nhà ngươi quên cả rồi sao? Muốn chém được cá kình thì biển Đông phải dậy sóng! Tòan dân thiên hạ, già trẻ gái trai đều phải đồng lòng. Mỗi người đều nhất loạt ném đá đuổi bầy cá dữ. Nhỏ thì ném một viên sỏi, lớn thì bẩy cả trái núi to xuống biển. Khi ấy, Đông Hải sẽ xuất hiện đại sóng thần. Bão táp phong ba nổi lên giận giữ sục sôi. Khi ấy, không một lòai Kình ngư nào có thể bức hiếp được nước non này”. Nghe lời truyền, nhà Vua bỗng nhớ tới lời tiên đế dạy từ đời xửa đời xưa: “Đẩy thuyền cũng nhờ dân! Lật thuyền cũng do dân”.

Hòang thượng vã mồ hôi, người lạnh tóat tỉnh cơn mê. Ngài bỗng ngộ ra một chân lí mà ai cũng biết nhưng chỉ có những người tài hiền mới làm nổi mà thôi. 

3 giờ sáng 13 - 6 – 2011
Sau đêm không ngủ từ Quảng Bình về 

*Bài viết do Tiến sĩ Vũ Thế Long gửi trực tiếp cho Nguyễn Xuân Diện-Blog
Xin chân thành cảm ơn tác giả!
   
Đọc tiếp...

5 VIDEO CLIP VỀ CUỘC BIỂU TÌNH Ở HN 12.6.2011

Một người phụ nữ tham gia biểu tình, sáng 12.6 tại HN
 VIDEO CLIP SỐ 1



VIDEO CLIP THỨ 2



VIDEO CLIP SỐ 3


VIDEO CLIP SỐ 4


VIDEO CLIP SỐ 5


Các video Clip trên đều do bạn đọc gửi đến NXD-Blog.
Xin cảm ơn các bạn!

Đọc tiếp...

TRANG BAUXITE VN TƯỜNG THUẬT CHI TIẾT CUỘC BIỂU TÌNH 12.6.2011

Vũ Danh – Lại đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược 

.

clip_image030
Lên sân Công viên Lê Nin. Ảnh: Phan Dương Hiệu & Vũ Dương



Ngay sau vụ Viking 2, GS Nguyễn Huệ Chi gọi điện cho tôi nói: Tình hình có vẻ khẩn trương đấy, hãy chuẩn bị tinh thần để nếu cần thì đi biểu tình một lần thứ hai. Tôi hồi hộp và cũng sung sướng như mở cờ, vì nếu lại được đi biểu tình thì lần này có điều kiện để chụp những bức ảnh “nóng” hơn lần trước, vì lần trước hơi chủ quan nên không chụp được nhiều, lại về hơi sớm nên bỏ qua đi mất những pha quan trọng trên suốt tuyến đường đoàn biểu tình tuần hành. Điều không ngờ là khi tôi sang trao đổi cho rõ thêm về những điều GS định phân công cho mình ngày mai thì anh Huệ Chi nói ngay: “Mai mình cũng sẽ tham gia. Những cuộc như thế này mà ỷ thế tuổi tác nằm nhà là một thiếu sót lớn trong cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng. Danh cứ có mặt ở đây vào lúc 6 giờ rưỡi, chúng ta cùng xuất phát. Chịu khó chở mình với nhé”. Thế thì còn gì nữa. Hôm trước mới là quân chứ hôm nay đã xuất tướng rồi thì khỏi bàn, tôi sẽ làm hết sức mình dưới sự điều hành trực tiếp của anh.

Đúng 6 giờ rưỡi sáng chúng tôi đã nai nịt gọn ghẽ và lên đường. Vì là sáng Chủ nhật nên dù trời đã sáng bạch mà đường vẫn vắng vẻ, xe chúng tôi chạy bon bon, đi thẳng một mạch từ Đội Cấn lên Điện Biên Phủ rất nhanh. Nhưng đến gần Điện Biên Phủ thì điện thoại di động reo. Đầu bên kia Nguyễn Xuân Diện cho biết: “Thầy ơi, có thể Quán café Cột Cờ nó đóng cửa đấy, chúng ta hãy đổi sang Quán café Trung Nguyên ở số 36, cứ đến đấy chờ nhau”. Chẳng sao. Cũng gần cả thôi mà. Nhưng trời còn sớm chán, hãy rảo qua một vòng quanh Công viên Lê Nin xem binh tình đã chứ. Trời ơi, người biểu tình thì chửa thấy đâu nhưng lực lượng an ninh đã đông đặc. Xe cảnh sát đậu đầy từ ngã tư Hoàng Diệu cho đến tận ngã tư Trần Phú và Điện Biên. Lực lượng đeo băng bảo vệ ngồi đặc các góc phố, các vệ đường. Cảnh sát cơ động đứng rải đầy dọc theo Công viên, giữa sân lát đá Công viên cũng chỉ công an là công an. Thế này thì có vẻ gay go, họ đã chuẩn bị đâu vào đấy, khó mà “làm ăn” được với họ đây. Chúng tôi đi quành lại, đến số 36, cả khu vườn café còn rất vắng vẻ, tìm vào một hàng ghế ngoài vườn, ngồi chờ mọi người tụ tập xem sẽ đối phó thế nào.






 
clip_image016

Một chốc thì bắt đầu lục tục đến. Nguyễn Xuân Diện, Phạm Xuân Nguyên, nhiều anh em trẻ, hai mẹ con chị H và nhiều người khác, toàn thanh niên. Diện giới thiệu: “Đây, Mạnh Thường Quân của chúng ta đây. Chị H sẽ cung cấp cho chúng ta 1.000 chai nước và 1.000 ổ bánh mỳ kẹp thịt, không sợ khát hoặc đói nữa, có thể đi đến chiều”. Ai nấy ồ lên vui mừng. Lại một cái đầu trắng xuất hiện. Ai thế? Anh Huệ Chi reo lên: “A, anh Hiển, GS Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện nguyên tử Đà Lạt. Có mặt anh là thêm một sức mạnh cho chúng ta rồi”. Đang tay bắt mặt mừng thì điện thoại Nguyễn Xuân Diện đổ chuông: Hóa ra Nhà hàng café bên Cột Cờ đã mở. “Mở rồi à?” “Thế này thì chắc thuận lợi chứ không khó khăn lắm đâu”. Lập tức bảo nhau kéo sang Café Cột Cờ vì ở đấy mới tiếp cận nơi biểu tình nhanh chóng và “cơ động” được. Trên đường đi, nhìn thấy số lượng công an vẫn đông nghịt chứ không có gì thay đổi, có khi còn dày đặc hơn. Mặc, cứ vào đây ngồi chờ đợi xem. Chúng tôi không chui vào trong quán mà xuyên ra sau, đi tuốt lên một bệ cao, ngồi vào các ghế băng để đợi đông người hơn, cũng để dễ quan sát tình hình bên kia.

clip_image018
Tại quán café Cột Cờ nhìn sang Công viên Lê Nin. Người tóc trắng đứng giữa là GS Phạm Duy Hiển

clip_image020
Nhóm phóng viên hãng Reuteurs đang hỏi về những câu khẩu hiệu trên bức ảnh ĐT Võ Nguyên Giáp

Người kéo đến lác đác, có cả hai người Âu mang theo máy ghi hình cùng chân chống, hỏi ra mới biết là phóng viên hãng Reuteurs. Đến 8 giờ thì đã được khoảng vài chục người. Sốt ruột quá! Nhìn sang bên kia thấy lực lượng CSCĐ áo xanh cứt ngựa, đội mũ bảo hiểm đi lại nườm nượp mà có phần lo ngại, vì bên mình có chừng ấy mống thì quá mỏng manh, không khéo làm trò cười cho họ. Nhưng đã đến giờ rồi. Một người nào đấy hô lên: Chúng ta cứ xuống đường xem nào, việc gì mà băn khoăn. Rất nhanh chóng mấy thanh niên đổi ngay áo đang mặc sang áo phông đỏ có ngôi sao vàng, rút cờ ra và tất cả ào xuống, đứng bên này đường vài phút rồi mạnh dạn bước hẳn sang bên kia đường. Ồ, hóa ra người đi biểu tình đang lảng vảng xung quanh đây cả, như một tín hiệu, nhìn thấy người ra là những ai đứng lẻ loi đây đó trên quãng đường này đều rút hết băng cờ giương lên và gia nhập ngay vào hàng ngũ, con số đột ngột tăng, đã có đến năm bảy mươi người. Lực lượng CSCĐ dồn đến ngay. Nhưng mà lạ, sao lần này họ có vẻ nhẹ nhàng, mặt không gườm gườm như Chủ nhật tuần trước. Không một tiếng quát nạt, cũng chẳng một dùi cui nào chĩa ra. Các bạn ấy chỉ nói: “Các bác các anh chị biểu tình thì nên đi ở dưới lề đường, trên khoảng sân công viên đã có lệnh ngăn lại, đừng lên đó”. GS Huệ Chi lên tiếng: “Công viên là nơi vui chơi công cộng, chúng tôi có quyền lên chứ, chúng tôi đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược thì phải đến gần Đại sứ quán Trung Quốc kia kìa, để giơ khẩu hiệu lên họ mới nhìn thấy, đứng đây có được gì đâu”.

Và thế là cả đoàn bước hẳn lên Công viên khiến anh em CSCĐ phải rẽ ra cho mọi người đi. Không ai bảo ai đoàn người cứ lừng lững tiến về phía bãi cỏ gần Cổng ĐSQ Trung Quốc, và người đến tham gia càng đông, chỉ một chốc đã có đến khoảng 200 người.
.
clip_image022
Bắt đầu xuống đường

clip_image024
Sang đường

clip_image026

Sang đường
clip_image028
Chúng tôi đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược thì phải đến gần Đại sứ quán Trung Quốc đằng kia kìa



clip_image036
Phóng viên nước ngoài và trong nước bắt đầu đổ tới tác nghiệp

Không ngờ mấy vị Giáo sư hăng hái thế, đi vượt lên trước cánh trẻ, vì thế mà có tin đưa ngay lên mạng là cuộc biểu tình do GS Nguyễn Huệ Chi và GS Phạm Duy Hiển cầm đầu, kỳ thực ai cũng biết hai vị cũng chỉ là người tham gia chứ chẳng hề “cầm” ai. Mà không chỉ có hai vị, lực lượng trí thức lần này không ít, còn có GS Hoàng Xuân Phú và GS Nguyễn Yên Đông đều ở Viện Toán học giương cao một tấm biểu ngữ rất lớn. Tất cả mọi người tụ tập lại trên những mô đất dưới bóng cây và khác hẳn lần trước, hàng loạt tiếng hô khẩu hiệu bắt đầu vang vang: Việt Nam – Hoàng Sa / Việt Nam – Trường Sa / Đả đảo Trung Quốc xâm chiếm lãnh hải / Đả đảo Trung Quốc gây hấn / Việt Nam muôn năm… cứ lặp đi lặp lại, ngân rền không dứt. Các hãng tin, hãng truyền hình phương Tây, Nhật Bản, và cả một nữ phóng viên Trung Quốc cũng len vào tác nghiệp, cô này chỉ chụp ảnh, ghi hình còn các hãng khác thì phỏng vấn nhiều người ngay tại chỗ; hai phóng viên Nhật Bản quây lấy GS Huệ Chi và nhiều cư dân mạng cũng nhận ra khuôn mặt quen thuộc của anh, xúm lại quanh anh chào hỏi và bắt tay, trong khi anh cố sức thoát khỏi tình thế bị “vây bủa” bằng cách giới thiệu GS Hiển đứng ngay bên cạnh: “Đây, GS Phạm Duy Hiển đây mới quan trọng, người vừa lên tiếng trên trang mạng chúng tôi yêu cầu Nhà nước lùi việc xây nhà máy hạt nhân lại 10 năm nữa, cốt tránh cho đất nước một tai họa như Nhật Bản”. Người ta ồ lên trầm trồ.

clip_image038
Đi về phía ĐSQ Trung Quốc

clip_image040
Đi về phía ĐSQ Trung Quốc

clip_image042
Đi về phía ĐSQ Trung Quốc

clip_image044
Đi về phía ĐSQ Trung Quốc

clip_image046
Người tiếp nối đi theo

clip_image048
Người tiếp nối đi theo

clip_image050
Người tiếp nối đi theo

clip_image052
Các bạn trẻ tiếp nối đi theo

clip_image054
Các bạn trẻ tiếp nối đi theo

clip_image056
Đã đến nơi cần đến

clip_image058
Đã đến nơi cần đến

clip_image060
Đã đến nơi cần đến

clip_image062
Vòng ngoài

clip_image064
Vòng ngoài

Thế rồi một người cất lên tiếng hát trầm hùng. Mọi người hát theo. Ai cũng hát đến vỡ giọng các bài Tiến quân ca, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Dậy mà đi ơi đồng bào ơi … hát đi rồi hát lại vì sau ngần ấy năm những bài hát hùng tráng khác người ta hình như chỉ còn nhớ lõm bõm, người nào hứng chí chỉ được vài câu lại quên tịt nên đám đông lại đành hát trở lại bài vừa hát xong. Hát và hô khẩu hiệu cứ thế xen nhau một lúc lâu rồi cũng phải dừng vài phút để thở. Thì bỗng một người nào đó cất tiếng rất to hô từng câu rành rọt: Nam quốc sơn hà Nam đế cư, cả đám đông ầm vang đáp lại: Nam đế cư ư ư ư / Tiệt nhiên định phận tại thiên thưTại thiên thư ư ư ư / Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm lai xâm phạm ạm ạm ạm / Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư thủ bại hư ư ư ư. Người có cái giọng trầm hùng ấy lại chuyển sang hô bằng tiếng Việt: Sông núi nước Nam vua Nam ở vua Nam ở ở ở / Rành rành định phận tại sách trời – Tại sách trời ời ời ời / Giặc dữ cớ sao sang xâm phạm sang xâm phạm ạm ạm ạm / Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời đánh tơi bời đánh tơi bời đánh tơi bời. Bài thơ có sức kích thích hứng khởi mạnh hơn, lan tỏa hơn, trong khi đám CSCĐ đã bắt đầu rục rịch, hình như muốn mời đoàn biểu tình rút lui khỏi địa điểm quá “nhạy cảm”. Lập tức Phạm Xuân Nguyên đứng lên một mô đất cao và hắng giọng đọc thơ tiếp. Anh đọc bài thơ của anh làm trong chuyến đi thăm Trường Sa vào năm ngoái gây một sự xúc động lan truyền trong những người đang vây quanh anh vòng trong vòng ngoài. Hết bài thơ ấy, anh bắt ngay sang bài Đất nước rất dài của Nguyễn Khoa Điềm, liên tiếp hết câu này bắt sang câu khác, đọc không cho miệng nghỉ. Mấy CSCĐ giơ tay xua mọi người nhưng có những tiếng nói nghiêm hơn ngăn lại: “Để cho người ta đọc hết thơ đã nào” và những bàn tay kia đành rụt lại. Đó chính là cách câu giờ tuyệt vời để được đứng đối diện với cổng Sứ quán TQ thêm một lúc nữa. Nhưng bài thơ dài đến đâu rồi cũng hết. Và lần này thì không còn tìm ra cách gì để cho đám CSCĐ nhân nhượng. Họ không dùng dây như lần trước nhưng cậu nào cậu ấy áp sát nhau tiến lên và bà con biết ý đành lùi dần. Lại một cuộc dịch chuyển từ cổng Đại sứ quán TQ đến tượng Lê Nin khiến tôi chợt nghĩ đến cái tín hiệu cũ mà Chủ nhật trước đã nghĩ: thôi thì đành phải rời quỹ đạo anh Tàu mà tiến đến gần anh Nga trước khi có thể bắt tay với anh Mỹ – mệnh lệnh lịch sử rõ ràng là như vậy chứ không còn có cách nào khác. Chúng tôi bảo nhau quay đầu để biến cuộc biểu tình thành một cuộc tuần hành và áp sát sau chúng tôi là cả một đội CSCĐ hình như… đi theo để tiễn chân. GS Huệ Chi còn quay đầu dừng lại nói với họ: “Các cháu có nghĩ rằng làm thế này là làm nhục quốc gia hay không? Nhân dân chỉ muốn biểu dương lực lượng để bọn xâm lược biết quyết tâm sắt đá của cả nước chúng ta, thế mà lại đứng ra ngăn cản thì chỗ đứng của các cháu ở đâu?” Không một ai trong đám người “tiễn chân” đó có vẻ tức giận với câu nói của vị Giáo sư, có anh hình như lại hơi cười, ra ý “Chúng cháu biết cả, việc phải làm là làm thôi”. Và khi đến hết công viên Lê Nin thì họ cũng dừng lại.

clip_image066
Đả đảo quân xâm lược Trung Quốc

clip_image068
Đoàn quân Việt Nam đi / Chung lòng cứu quốc

clip_image070
Nhìn sau lưng đoàn biểu tình đang hô khẩu hiệu và hát

clip_image072
Nhìn sau lưng đoàn biểu tình đang hô khẩu hiệu và hát

clip_image074
Cảnh sát cơ động nhường bước cho đoàn biểu tình

clip_image076
Họ đang nhòm ai và nghĩ gì đây nhỉ?

clip_image078
Này, em là sinh viên trường nào đấy? Không em ở tỉnh xa về đây thôi mà.

clip_image080
Anh Phạm Xuân Nguyên đọc thơ


clip_image084
Kiên nhẫn chờ bài thơ đọc xong

clip_image086
Bắt đầu xoay hậu đội làm tiền đội để biến thành cuộc tuần hành

clip_image088
Bắt đầu xoay hậu đội làm tiền đội để biến thành cuộc tuần hành

clip_image090
Cuộc tuần hành bắt đầu

clip_image092
Những tấm ảnh lịch sử được ghi tới tấp

clip_image094
Đoàn tuần hành đi tràn xuống lòng đường. Ảnh Phan Dương Hiệu & Vũ Dương



clip_image100
Truyền hình nước ngoài ngồi xuống lòng đường trước đoàn tuần hành để tác nghiệp

clip_image102
Nữ mà hăng đến nam cũng không theo kịp


clip_image106
Vừa đi vừa hát

clip_image108
Người Buôn Gió (áo vàng) xông xáo trong hàng quân, chắc để tìm đề tài 
cho một chương “Đại Vệ chí dị” mới

Một anh vào khảng 40 tuổi đi trong đoàn nói: “Thôi mặc họ bác ạ. Cháu đây này, là đảng viên hẳn hoi mà cũng đi biểu tình đây. “Còn đảng còn mình”, nhưng nước mất thì đảng có còn được không, cháu nghĩ thế đấy nên cả hai Chủ nhật đều quyết tham gia, mặc dầu lần thứ hai này chỉ nghe phong thanh chứ không rõ ràng như lời kêu gọi vào Chủ nhật tuần trước”. Nhiều tiếng nói cùng phụ họa: “Đúng rồi, nước mất thì may ra cái đảng khốn nạn của bọn láng giềng nó bắt các anh làm tay sai đắc lực cho chúng để đàn áp cả dân tộc”. Rất nhiều tiếng cười vang lên: “Chứ còn gì!”.

Khi bắt đầu cuộc tuần hành mới thấy một vài nhà văn nhà thơ xuất hiện ở trong hàng. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ở đâu ló ra một lúc, mặt tươi cười cho khuôn hình lọt vào các máy ảnh rồi chốc sau cũng biến. Nhà văn Trần Nhương thì tất tả với chiếc máy quay di động chạy từ đầu hàng đến cuối hàng. TS Nguyễn Xuân Diện ôm chiếc laptop, vẫy một chiếc xe đi thẳng về trước nhà Thủy tạ để kịp thời tác nghiệp. Còn anh Ba Sàm thì nghe nói ngồi trên một chiếc taxi bám theo đoàn và tác nghiệp luôn trên đấy. GS Chu Hảo đến được Quán café Trung Nguyên hơi muộn nên đành ngồi lại không ra với đoàn nữa. Và GS Phạm Duy Hiển cũng thong thả cuốc bộ về 36 Điện Biên Phủ ngồi chờ đoàn, vì ở tuổi anh, một cuộc diễu binh xuống tận Bờ Hồ trong cái nắng gay gắt tháng Sáu không phải là chuyện dễ. Chỉ có GS Huệ Chi, GS Hoàng Xuân Phú và GS Nguyễn Yên Đông thì vẫn sát cánh cùng nhau, bước rất vững chãi trong hàng ngũ.

clip_image110
GS Nguyễn Huệ Chi, GS Nguyễn Yên Đông và GS Hoàng Xuân Phú sát cánh bên nhau. 
Ảnh: Nguyễn Quang Thạch

Cả đoàn đi đến ngã năm Điện Biên Phủ – Tràng Thi – Hàng Bông – Cửa Nam thì rẽ ngoặt theo Phan Bội Châu để vào đường Hai Bà Trưng. Bỗng có những tiếng bảo nhau đâu từ phía trên lan xuống: Đi sát vào Tòa án nhân dân Hà Nội và chụp cho được hình ảnh đoàn chúng ta đang diễu qua tòa nhà “nổi tiếng” ấy. Tôi và nhiều anh đeo máy ảnh vội vọt lên chờ sẵn để đoàn đi tới đúng vị trí là bấm máy. Vài tiếng xuýt xoa: “Xong rồi! Chúng ta chống Tàu cần nhớ rằng TS Cù Huy Hà Vũ cũng là người kiên quyết chống Tàu”.

clip_image112
Đây, Tòa án nhân dân TP Hà Nội

clip_image114
Vẫn là nơi cách đây ít lâu có một vụ án nổi tiếng được xử

clip_image116
Tượng Lý Thái Tổ nhô lên chút ít phía sau đoàn tuần hành

Nhiều câu khẩu hiệu và bài hát lại tiếp tục rền vang. Mãi đến Hồ Gươm, khi đoàn đến sát chân tượng vua Lý Thái Tổ mới thấy một người cao lêu đêu tóc trắng phớ quanh cái đầu hói, tất tả đi tới. Tôi hỏi GS Huệ Chi: “Ai đấy?”. Anh reo lên: A! Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, rồi hai người nắm chặt tay nhau. Tuấn bảo: “Em đến Công viên Lê Nin thì đoàn đã đi rồi, đuổi đến đây mới kịp”.

clip_image118
Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn bây giờ mới đuổi theo kịp đoàn

Cuộc diễu hành dừng lại chừng mười phút để chụp ảnh và mặc niệm trước người anh hùng rồi lại tiếp tục kéo nhau đi. Bây giờ thì hai bên Hồ Gươm những người trẻ tuổi đứng chờ sẵn để gia nhập vào vào cuộc tuần hành càng đông hơn. Trong đoàn có nhiều người vẫy tay và cứ thấy có bàn tay vẫy là lại có vài cô cậu chạy sang nhập đoàn. Nhìn từ đầu hàng đến cuối hàng thấy dài tít tắp mà cảm thấy nức lòng. Một đôi nam nữ đang làm lễ cưới trước tượng Lý Thái Tổ cũng được kéo luôn vào đoàn và họ sung sướng đi ở đầu hàng cho tới gần tượng quả địa cầu có khắc nổi bản đồ Việt Nam mới xin rẽ sang lối khác.

clip_image119
Cô dâu chú rể tham gia đoàn biểu tình trên quãng ven Hồ Gươm. Ảnh: Phan Dương Hiệu & Vũ Dương



clip_image124

Cả đoàn dừng lại chụp ảnh ở đây và ở cụm tượng “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” hơi lâu vì nhiều người, kể cả mấy đoàn truyền hình nước ngoài, xin được quay phim cảnh này. Tôi nghe Đỗ Minh Tuấn nói với Nguyễn Huệ Chi: “Lòng dân như thế này mà đàn áp người ta, làm cho người ta nhụt đi thì lạ quá” Một chốc lại thấy anh nói tiếp: “Tất nhiên mình cũng thông cảm, vì cái “thằng anh” thâm hiểm nó lên giọng kẻ cả bắt “thằng em” phải “xử lý” dân chúng. Hơn nữa cũng còn phải chờ có thêm thực lực chút nữa. Mới được vài chiếc tàu kilo chưa ăn thua. Lòng dân phải đi đôi với thực lực mới thành sức mạnh được. Hai cái ấy bên nào cũng không thể thiếu”. Khi đến cụm tượng đài “quyết tử quân” thì một chàng trẻ măng chạy đến hỏi: “Chú có phải chú Huệ Chi không?” “Phải, cháu là ai?” Cháu là con bố Phan Đình Diệu đây! Cháu mới từ Pháp về mấy hôm nay”. “Ôi sao mà vui thế! Tên cháu là gì?” “Cháu là Phan Dương Hiệu. Dương Hiệu là Diệu Hương, cả tên bố và mẹ gộp lại”. Hai chú cháu còn ríu rít bao nhiêu là chuyện, còn riêng tôi thì cảm thấy nở từng khúc ruột. Những Tiến sĩ trẻ măng như thế mà vừa chân ướt chân ráo về nước đã xông vào cuộc ngay thì thật là phúc cho đất nước mình. Làm sao một dân tộc nhiệt huyết như kia mà có thể mất vào tay bọn láng giềng phương Bắc được! Đang nghĩ vẩn vơ thì bỗng lại thấy Đỗ Minh Tuấn nói lọt vào tai: “Nhưng phải biết cách “nuôi” cái sức mạnh quý giá này anh ạ! Kẻ ngồi trên mà chỉ biết có mình, không nhìn thấy ai khác, và không biết “nuôi” ý chí của tuổi trẻ thì sớm muộn họ cũng trở thành một đám thờ ơ, đứng ngoài, hoặc lăn vào những trò vô nghĩa, vô trách nhiệm với đất nước. Anh cứ xem xem kia kìa, dân chúng hai bên đường ai không gia nhập thì đứng nhìn chúng mình một cách bàng quan thôi chứ có ai nở một nụ cười với người biểu tình đâu nào! Chứng tỏ trong mắt họ, đây là một đoàn người đang làm một việc gì khác chứ không liên quan gì đến vận mệnh của họ cả”. “Đúng vậy – GS Huệ Chi đáp lại. Bọn anh vừa có một bài xã luận nẩy lửa trên trang mạng cũng về vấn đề này đấy, Tuấn hãy đọc đi!”. Nhiều người đi sau hai người vội nói thay: “Chúng tôi đọc rồi. Bài ấy thì “đã” thật! Rất trúng và rất kịp thời! Nhưng cái đám “canh gác… ” sao mà tệ thế. Chỉ có thể đọc qua trang Ba Sàm chứ không làm sao leo tường vào trang Bauxite được! Mấy lâu nay bức bối tìm mọi cách mà cũng đành chịu”. Tôi thấy vị GS hơi nhăn mày, quay lại cười với họ mà không nói gì.

Cho đến khi vòng qua Nhà Thủy tạ, quành theo đường Trường Thi, giữa những tiếng hô Việt Nam – Trường Sa / Việt Nam – Hoàng Sa vừa hơi ngớt, lại bỗng thấy một giọng nói rất to như rít lên giữa đoàn người đi gần chỗ tôi: “Các anh thấy không, Việt Nam thua một trận bóng thì lập tức có một triệu người xuống đường biểu tình, thế mà thằng Tàu ngoạm hai miếng đau vào tàu thăm dò dầu khí của ta thì hai lần, mỗi lần được bấy nhiêu đây, 500 nhân mạng là cùng chứ mấy! Tức anh ách! Phải làm thế nào lần sau hễ nghe một tin gì về hành vi bỉ ổi của bọn chúng là hàng vạn người kéo nhau đến hô vang trời đất lên mới được!” Nhiều cái gật đầu hưởng ứng anh ta, nhưng cũng có những người nhìn anh cười và lắc đầu, hình như họ biết rõ “lực cản” là ở đâu rồi mà không tiện nói. Có người kể: “Đừng bảo họ hiền nhá! So với lần trước thì có hiền hơn thật, nhưng lúc nãy ở Công viên Lê Nin tôi chứng kiến có một tay cứ đi theo mấy cô cậu trông ra bộ sinh viên mà hỏi rất ngọt: “Này, các em ở trường nào thế?” May mấy cô cậu này cũng ranh, trả lời tránh đi: “Chúng em ở tỉnh xa, về đây tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm lược” anh ta mới tha cho đấy!” “Khiếp thế cơ à?” “Chứ lại không. Nhưng cũng có thể đây là cán bộ chuyên trách hoặc lãnh đạo một trường đại học nào, vì nghe nói nhiều “người quen” ở các trường ra đây đứng hai bên đường để nhận mặt người biểu tình. Đám ấy mới là khiếp. Có khác gì cái ông Hiệu trưởng Tr. mà mạng Anh Ba Sàm đã cho phơi áo”.

Cuộc diễu binh trở về vẫn khí thế không kém gì lúc xuất phát. Mặc cho trời càng về trưa càng nắng gắt, ai cũng toát hết mồ hôi nhưng tiếng hát và tiếng hô vẫn rền vang phố xá, làm giật mình những người đi trên đường. Khen thay cho 5 chiếc xe cảnh sát, 2 xe đen và 3 xe trắng, vẫn kiên nhẫn bám theo đoàn, người ngồi trong xe thỉnh thoảng lại phát loa nhắc nhở người qua đường hãy đi lên vỉa hè, và xe cộ thì tránh ra kẻo ách tắc. Họ chỉ lặp đi lặp lại có thế nhưng ai cũng biết đây là một cách “dẹp đường” cho đoàn biểu tình dễ dàng hành tiến. Tình nghĩa quân dân (hay “công an-dân” cũng rứa cả) đẹp quá cứ còn gì nữa.

clip_image126
Khi về đến phố Điện Biên, gần số nhà 24, lại có những tiếng nói phát ra từ đầu đoàn: Ai có máy ảnh thì đi nhanh lên trước, chờ đoàn đi đúng vào tấm biển đề “Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà vũ” thì chụp nhé. Tôi vội vọt lên và làm đúng cái điều người nào đó đã kịp thời nhắc nhở giúp mình.

clip_image128

Nhưng rồi bỗng có tiếng nhốn nháo ở phía cuối đoàn. Gì vậy nhỉ? Té ra khi qua đồn công an ở đây có mấy vị chức năng từ trong đồn ra mời Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn vào đồn. Vì đã đi quá xa nên tôi không kịp quay lại để chụp vài tấm ảnh một ông Đạo diễn giằng co với công an ra sao, hơi tiếc. Song cũng chỉ 15 phút sau là Tuấn lại được thả ra, nguyên do thế nào không ai kịp hỏi.

Cho đến khi đoàn tiến sát đến chỗ giao nhau giữa phố Điện Biên Phủ và phố Trần Phú thì một đội CSCĐ đã dàn hàng ngang rất nhanh, cản bước chân chúng tôi. Bên kia đã là Công viên Lê Nin. Chắc “cấp trên” rút được kinh nghiệm Chủ nhật tuần trước, không muốn cho đoàn trở lại trước cổng Đại sứ quán TQ một lần thứ hai, e sẽ làm những người bên trong “thức giấc”, chẳng phải là đã quá 11 giờ rưỡi rồi còn gì (nghe nói ở Bắc Kinh có cái “thói quen” ngủ trưa từ 11 giờ kia!).

clip_image130

Đoàn còn đứng lại đấy rất lâu. Bị chặn bất ngờ nên chẳng ai muốn giải tán. Nhưng không muốn cũng không được. Mọi việc kể cũng đã gọi là viên mãn. Một số anh em, trong đó có tôi và GS Huệ Chi, lần lần bỏ ngũ, cuốc bộ thong thả về 36 Điện Biên Phủ để nghi ngơi một chốc. Chúng tôi gặp lại chị H, người chỉ mới mất mấy thùng nước phát cho anh chị em dọc đường đi mà chưa mất một ổ bánh mỳ nào. Chị cười vui: “Bây giờ các anh muốn ăn gì cứ ăn, em thết”. Chúng tôi cũng gặp lại GS Phạm Duy Hiển đang ngồi với GS Chu Hảo để ngóng chờ tin tức của đoàn. Hàn huyên sôi nổi một lúc lâu rồi cuối cùng ai về nhà nấy.

V.D.

Đọc tiếp...