Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

THƯ BẠN ĐỌC


Về cuộc tuần hành thứ hai vào ngày mai
Từ:
....
Đến:lamkhanghn@yahoo.com.vn

Cháu chào chú Diện,

Cháu là một độc giả theo dõi blog của chú từ lâu rồi. Được biết ngày mai chú sẽ tham gia vào cuộc tuần hành phản đối những hành động leo thang của trung quốc (cháu xin phép chưa bao giờ viết hoa hai từ này) cùng với những cô, bác blogger có tiếng nói trên cộng đồng mạng Việt Nam, cháu nảy ra một vài suy nghĩ muốn gửi đến chú.

Cuộc tuần hành ngày 05/06 đã gây ra được một tiếng vang khá lớn đối với dư luận quốc tế (cháu cũng đã tham gia và cái mặt của cháu giờ được trưng trên BBC, Wall Street Journal... và cháu rất lấy làm tự hào vì điều đó :). Cuộc tuần hành đó được phát động khá sớm, khoảng 1-2 tuần trước đấy, vì vậy sự chuẩn bị có thể nói là sẽ chu đáo hơn ngày mai. Cháu thiết nghĩ việc chúng ta đi biểu tình ngoài mục đích tập hợp anh em trong nước để nói lên tiếng nói quyết tâm của nhân dân Việt Nam với nhà cầm quyền trung quốc, mục tiêu lớn hơn là tạo được sự quan tâm và ủng hộ của dư luận quốc tế đối với Việt Nam khi hữu sự - mặc dù đây là điều không ai muốn nhưng đối với kẻ côn đồ và thâm hiểm như tàu khựa thì ta không thể nói trước được điều gì. Vì vậy, cháu viết thư cho chú về một ý kiến cháu vừa nảy ra, thay vì tuần hành qua các đường phố lớn của Hà Nội như lần trước, lần này ta sẽ cố gắng đi qua những Đại Sứ Quán của các quốc gia có quyền lợi trực tiếp trên Biển Đông như các nước ASEAN, Mỹ hoặc thậm chí là Nhật Bản, Hàn Quốc với những khẩu hiệu về tinh thần đoàn kết chống lại sự bành trướng của đế quốc trung hoa.

Việc tuần hành ngày mai cháu nghĩ là tính tự phát sẽ cao hơn tuần trước, thế nên hy vọng qua chú và các cô bác blogger có tiếng nói, việc tuần hành sẽ diễn ra một cách có hiệu quả nhất.

Tái bút: cháu sẽ tham gia lần tuần hành thứ hai vào ngày mai, ngay sau đó cháu sẽ bay sang Pháp với hành trang là gần 1000 lá cờ Tổ quốc để sát cánh cùng anh em bên Pháp biểu tình trước đại sứ quán trung quốc ở Paris vào cuối tuần sau.

Chúc chú sức khoẻ và trí lực luôn dồi dào!
Cháu Tuấn!

Đọc tiếp...

DƯƠNG DANH HUY: VIỆT NAM CẦN PHẢN ĐỐI NGAY LÊN LIÊN HIỆP QUỐC

Việt Nam cần phản đối lên Liên Hiệp Quốc

TT - Sau sự kiện tàu Bình Minh 02, một mặt Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố một cách hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và ngang ngược rằng hành động của Trung Quốc là “bình thường”, thậm chí là “chính đáng”, một mặt bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc tuyên bố những lời hay chữ đẹp tại Diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 10 (còn gọi là Đối thoại Shangri-La). 

Ngay sau những lời hay chữ đẹp đó, các tàu Trung Quốc lại tiến hành cản trở và phá hoại tàu khảo sát địa chấn Viking 2 đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Những hành động của Trung Quốc vượt quá tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa - Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Vượt quá tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa

Để hiểu sự kiện Bình Minh 02 và sự kiện Viking 2 có thể xem bản đồ. Bờ biển và vị trí các đảo trong bản đồ này được kết hợp từ hai cơ sở dữ liệu World Data Bank II của CIA và World Vector Shoreline của cơ quan bản đồ quốc phòng Mỹ, độ chính xác rất cao.

Sự kiện Bình Minh 02 xảy ra tại điểm X trên bản đồ, tọa độ 12O48‘25‘‘ Bắc, 111O26‘48‘‘ Đông. Sự kiện Viking 2 xảy ra tại điểm Y trên bản đồ, tọa độ 6O47‘30‘‘ Bắc, 109O17‘30‘‘ Đông.

Các chấm tròn là lãnh hải 12 hải lý xung quanh các đảo, đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough. Đường màu xám bao quanh hai quần đảo là đường cách đều hai quần đảo này và các vùng lãnh thổ không bị tranh chấp. Đường màu đỏ từ cửa vịnh Bắc bộ ra đến quần đảo Hoàng Sa là đường cách đều Việt Nam - Hải Nam không tính quần đảo Hoàng Sa. Đường màu đỏ từ quần đảo Hoàng Sa đi xuống phía nam là đường 200 hải lý tính từ bờ biển đất liền Việt Nam.

Điểm X và điểm Y nằm cách xa các chấm tròn này, chiếu theo luật quốc tế chúng sẽ không nằm trong vùng biển thuộc hai quần đảo này, tức là không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.

Như vậy, việc tàu Trung Quốc uy hiếp và phá hoại tàu Bình Minh 02 và Viking 2 là những hành vi bành trướng vùng tranh chấp một cách vô cớ ra cả những vùng biển không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.

Các tuyên bố tiếp nối của Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau sự kiện Bình Minh 02 cho thấy Trung Quốc sẵn sàng bỏ qua sự công bằng, lẽ phải và luật pháp quốc tế trong việc theo đuổi sự bành trướng đó.

Một chính sách có hệ thống

Điều cần nhấn mạnh là hai sự kiện Bình Minh 02 và Viking 2 không phải là những sự kiện đơn lẻ mà là những bước trong một chính sách có hệ thống của Trung Quốc.

Trung Quốc hiện đang “cấm đánh cá” trong vùng biển phía bắc 12O Bắc và phía tây 113O Đông. Vùng biển này bao gồm một vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn của Việt Nam không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa. 

Điều đáng chú ý về vùng “cấm đánh cá” này là Trung Quốc đã thiết kế nó sao cho xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng không xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước Đông Nam Á nào khác, và không xâm phạm vùng bên ngoài 200 hải lý, nơi cả thế giới có quyền đánh bắt.

Có thể thấy trên bản đồ rằng hai vùng Mộc Tinh, Hải Thạch (được đánh dấu bằng ký hiệu M và H) không liên quan với tranh chấp Trường Sa. Hai vùng này cũng nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Thế nhưng, năm 2007 Trung Quốc đã ép Hãng BP rút ra khỏi hợp tác với Việt Nam trong hai vùng này.

Trước đó, vào năm 1992 Trung Quốc ký hợp đồng khảo sát dầu khí với Công ty Mỹ Crestone trong vùng Tư Chính. Trung Quốc còn tuyên bố rằng sẽ dùng hải quân để yểm trợ việc khảo sát. Khu vực cụ thể của hợp đồng này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chiếu theo luật quốc tế thì vùng Tư Chính không nằm trong tranh chấp Trường Sa.

Những điều trên thể hiện một chính sách có hệ thống của Trung Quốc để mở rộng vùng tranh chấp ra cả những vùng biển không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa. Trung Quốc dùng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa như hỏa mù để ngụy trang cho chủ trương chiếm phần lớn biển Đông.

Có thể Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm cách gây ra những sự kiện Bình Minh 02 và Viking 2, thậm chí những sự kiện còn nghiêm trọng hơn.

Sự xâm phạm phải bị trả giá

Trước mắt, Việt Nam phải không nhượng bộ về những sự kiện này. Nếu nhượng bộ, các công ty dầu khí nước ngoài sẽ không còn dám hợp tác với Việt Nam, ngay cả các vùng biển của Việt Nam không thuộc tranh chấp cũng sẽ rơi vào tay Trung Quốc.

Về lâu dài, Việt Nam phải xác định và khẳng định ranh giới cho các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và khẳng định rằng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa chỉ có thể nằm trong các vùng biển đó. Những hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam bên ngoài vùng tranh chấp đó là một sự bành trướng vô cớ vượt quá tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.

Sau khi xác định, Việt Nam phải công bố rộng rãi các ranh giới biển của mình. Tất cả các bản đồ Việt Nam nên thể hiện quan điểm của Việt Nam đâu là ranh giới của tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa, đâu là ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa. Việt Nam nên gửi bản đồ thể hiện quan điểm đó đến các nước trên thế giới và các cơ quan quốc tế. Như vậy để thế giới thấy rõ yêu sách của Việt Nam và yêu sách đó công bằng và phù hợp với luật quốc tế hơn yêu sách của Trung Quốc.

Yêu sách của Trung Quốc đối với 75% diện tích biển Đông là vô lý và Trung Quốc phải ngụy trang cho yêu sách đó bằng sự mù mờ. Việt Nam phải đối trọng điều đó bằng những ranh giới hợp lý và minh bạch.

Trong những trường hợp xâm phạm như sự kiện Bình Minh 02, Viking 2, nếu các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia đều lên án hành vi của Trung Quốc thì tiếng nói chung đó sẽ mạnh mẽ hơn chỉ có Việt Nam lên án.

Trong mỗi trường hợp cụ thể, mọi sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam đều phải trả một giá xứng đáng trong lĩnh vực ngoại giao và hình ảnh của nước xâm phạm trước cộng đồng quốc tế. Nếu nước có hành động xâm phạm không phải trả giá ít nhất là bằng hình ảnh xứng đáng thì họ sẽ tiếp tục xâm phạm, và sự xâm phạm sẽ ngày càng ngang ngược hơn. Để thực hiện điều này, không có cách nào khác hơn là mỗi cơ quan nhà nước có chức năng, mỗi người Việt có khả năng phải tích cực làm cho thế giới thấy rõ “hình ảnh xứng đáng” của Trung Quốc.

Những hành động xâm phạm ngày càng leo thang của Trung Quốc đã chứng minh rằng không thể sống cạnh một nước vừa lớn, vừa muốn bành trướng, bằng cách phản đối song phương mỗi khi họ xâm phạm chúng ta. Đã đến lúc Việt Nam phải phản đối lên Liên Hiệp Quốc các hành động xâm phạm của Trung Quốc.

Việt Nam có thể đề nghị Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc xin ý kiến tư vấn của Tòa án công lý quốc tế. Nếu chúng ta không phản đối lên Liên Hiệp Quốc các hành động xâm phạm của Trung Quốc, thì đến lúc cần sẽ khó thuyết phục Đại hội đồng rằng ý kiến tư vấn của Tòa án công lý quốc tế là cần thiết. Vì vậy, ngay từ bây giờ chúng ta phải phản đối lên Liên Hiệp Quốc tất cả các hành động xâm phạm của Trung Quốc.

DƯƠNG DANH HUY (Quỹ Nghiên cứu biển Đông)
Đọc tiếp...

MỖI KIỀU BÀO LÀ MỘT SỨ GIẢ VỀ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐÔNG

Mỗi kiều bào là một sứ giả về chủ quyền Biển Đông 


Theo phân tích của các chuyên gia Quỹ nghiên cứu Biển Đông, người Việt Nam ở nước ngoài cũng có một vị trí quan trọng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa
quyết tâm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc
                                                            Ảnh:
Hoàng Long
TS Giáp Văn Dương- Quỹ nghiên cứu Biển Đông cho rằng, với những nước nhỏ, yếu, phương thức giải quyết tranh chấp Biển Đông là dựa vào sức mạnh của ngoại giao nhân dân và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Đặc biệt, người Việt Nam ở nước ngoài có thể đóng góp vào việc khẳng định chủ quyền biển đảo bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó có nhiều hình thức mà người dân trong nước không có được, như việc tiếp cận các kho tư liệu về biển đảo ở các thư viện nước ngoài, phổ biến thông tin về chủ quyền biển đảo của Việt Nam đến cộng đồng quốc tế để tạo sự ủng hộ từ bên ngoài, hỗ trợ về mặt kinh tế, kĩ thuật cho ngư dân, bộ đội, hỗ trợ các dự án nghiên cứu về biển đảo, v.v.

Trong một bài viết mới đây, TS Trần Vinh Dự- Quỹ nghiên cứu Biển Đông cũng phân tích để đưa ra những việc cụ thể mà người Việt Nam ở nước ngoài cần làm để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đầu tiên là cần đọc nhiều hơn để hiểu về bản chất sự việc, lập trường của các bên, và các lợi ích cũng như thiệt hại của các nước trong cuộc xung đột này, đặc biệt là lợi ích quốc gia của nước mà người Việt đang sinh sống. Tiếp đến, nói về cuộc xung đột này với bạn bè, đặc biệt là người nước ngoài và người Trung Quốc là một công việc hết sức quan trọng và cần tới sức mạnh đông đảo của người Việt ở nước ngoài. Việc lên tiếng bằng các hình thức đấu tranh bất bạo động để phản đối lại hành vi xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam của Trung Quốc cũng hết sức có ý nghĩa... Ở mức cao hơn nữa là vận động chính giới của các nước bản địa ủng hộ việc tìm giải pháp cho cuộc xung đột này bằng con đường hòa bình. 

Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Thám- Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM cho rằng, mỗi kiều bào đang định cư ở trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp thế giới sẽ là một tuyên truyền viên về sự thật chủ quyền biển, đảo và đường lối, chủ trương đúng đắn, đầy chính nghĩa của Việt Nam trong cộng đồng và bạn bè khắp thế giới. Điều ấy sẽ góp phần tạo ra sự lan tỏa và kết nối tinh thần dân tộc Việt mạnh mẽ hơn. Điều này hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng, bởi trong hơn 30 năm qua, Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh đã góp phần tích cực vào việc thông tin tuyên truyền, động viên bà con kiều bào khắp năm châu tự hào, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, nhận thức đúng đắn về tình hình đất nước, đoàn kết hướng về quê hương.

Ông Phan Thám cho biết, hiện nay, lực lượng trí thức Việt kiều rất đáng kể, khoảng 400.000 người, ở 100 quốc gia khắp thế giới. Trong hầu hết các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, từ điện tử, sinh học, vật liệu mới, tin học đến hàng không, vũ trụ, sử học, luật học... đều có mặt chuyên gia người Việt. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lực lượng này đã có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả. Đại bộ phận ý kiến của bà con kiều bào đều xem chủ quyền lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng, ai mang dòng máu Lạc Hồng cũng đều bức xúc khi chủ quyền đất nước bị xâm phạm. Bà con ở nhiều nước đã tham gia phong trào tặng quà cho chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo; chương trình "Nước ngọt cho Trường Sa” cũng được trí thức kiều bào hưởng ứng tích cực. Nhiều kiều bào đã được tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo” của Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam. Về sự việc Trung Quốc trắng trợn vi phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông, ông Phan Thám cho hay, nhiều kiều bào khắp nơi trên thế giới đã biểu lộ sự bức xúc và phản đối mạnh mẽ. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài bày tỏ mong muốn Nhà nước có chủ trương và biện pháp thích hợp để vừa giữ gìn được hòa bình, ổn định để phát triển, đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Để mỗi kiều bào trở thành một sứ giả về chủ quyền biển đảo, Nhà nước cần khuyến khích các chuyên gia, trí thức kiều bào, với lợi thế của họ, có thể tìm kiếm các tài liệu liên quan đến chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trong các kho lưu trữ, các bảo tàng quốc gia hoặc tư nhân ở nước ngoài; cung cấp cho Nhà nước để bổ sung vào nguồn chứng cứ chứng minh chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Cạnh đó, tạo điều kiện cho trí thức kiều bào yêu nước tư vấn về luật pháp quốc tế liên quan đến biển, đảo và tranh chấp biển, đảo. Thực tế, trong thời gian qua, trí thức kiều bào cũng đã tham gia nhiều ý kiến sắc bén trong lĩnh vực này như GS sử học Ngô Vĩnh Long - kiều bào Mỹ, chuyên gia về Trung Quốc; TS Từ Đặng Minh Thu - kiều bào Mỹ, về luật quốc tê. Theo đó, để dấy lên lòng tự tôn dân tộc, hướng sắp tới là chúng ta cần tiếp tục phát động phong trào hướng về Tổ quốc, tham gia đóng góp cụ thể, thiết thực cho các chương trình xây dựng, bảo vệ biển, đảo trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

H.L
Nguồn: Đại Đoàn Kết.
Đọc tiếp...

TIN KHẨN CẤP: TÀU HẢI GIÁM TQ ĐANG BÁM TÀU BÌNH MINH 02

Tàu Hải giám Trung Quốc đang bám theo tàu Bình Minh 02


Một lần nữa, tàu Bình Minh 02 lại bị tàu Hải giám Trung Quốc bám theo khi đang làm nhiệm vụ thăm dò trong lãnh hải Việt Nam.


Tàu Hải giám Trung Quốc phá hoại tàu Bình Minh 02 trong vụ việc ngày 26/05


Cập nhật 12h10 ngày 11/06:

Theo nguồn tin riêng của Báo Năng lượng Mới:
Vào lúc 11h24 sáng nay, 11/06/2011, tàu Bình Minh 02 khi đang làm nhiệm vụ thăm dò ở tọa độ 12052’34’’ độ vĩ Bắc – 111052’34’’ độ kinh Đông, nằm trong vùng lãnh hải Việt Nam đã bị tàu Hải giám của Trung Quốc bám theo. Tàu Hải giám Trung Quốc có biểu hiện quấy rối, ngăn cản hoạt động của tàu Bình Minh 02.

Cập nhật 13h15 ngày 11/06:
Lúc 12h, tàu Hải giám Trung Quốc đã tạm thời ngừng đeo bám tàu Bình Minh 02 và đi ra khỏi khu vực hoạt động của tàu Bình Minh 02.

Petrotimes sẽ tiếp tục cập nhật đến bạn đọc thông tin về diễn biến vụ việc…

Bản tin trên Tuổi Trẻ Online:
Tin tặc nước ngoài tấn công trang web Petrotimes.vn

TT - HÀ NỘI - Trang điện tử Petrotimes.vn của báo Năng Lượng Mới đã bị tin tặc tấn công từ chối dịch vụ trong khoảng 30 phút - trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 10-6, tổng biên tập báo Năng Lượng Mới Nguyễn Như Phong cho biết như vậy. Theo ông Phong, bộ phận kỹ thuật của báo xác định hướng tấn công từ chối dịch vụ (DDOS) chủ yếu từ nước ngoài.

Trước đó, khoảng 20g30-21g tối 9-6, trang Petrotimes.vn đã bị tin tặc tấn công. Vào thời điểm này, khi truy cập vào website luôn nhận được các thông báo lỗi không thể truy cập được hoặc báo không có dữ liệu. Đến ngày 10-6, trang web này vẫn còn phải chỉnh sửa nhưng không bị mất dữ liệu, cơ bản đảm bảo thông tin đến bạn đọc.

Trang điện tử Petrotimes.vn của báo Năng Lượng Mới (thuộc Hội Dầu khí VN) là nơi đăng tải bài viết, hình ảnh và clip về việc tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Viking 2 vào ngày 9-6. Những hình ảnh đăng tải trên Petrotimes.vn cho thấy tàu Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của VN và cắt cáp của tàu Viking 2, là những bằng chứng sống động về hành vi phá hoại này.

MINH QUANG


Đọc tiếp...

THƯỢNG NGHỊ SỸ MỸ LÊN ÁN TRUNG QUỐC SỬ DỤNG VŨ LỰC TẠI BIỂN ĐÔNG

*Mỹ kêu gọi các nước ở biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế

SGTT.VN - Ngày 10.6, văn phòng thượng nghị sỹ Jim Webb đã ra thông cáo báo chí bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc liên tiếp sử dụng vũ lực nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền biển tại Biển Đông.

Thượng nghị sỹ Jim Webb.
Theo thượng nghị sỹ Webb, chủ tịch Tiểu ban các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương thuộc ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, các quan chức bộ Ngoại giao và bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cho biết ngày 9.6 vừa qua, ba tàu của lực lượng an ninh hàng hải Trung Quốc đã lao vào và làm hỏng cáp của tàu thăm dò Viking II của Việt Nam khi tàu này đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý thuộc thềm lục địa Việt Nam. 

Hành động này xảy ra sau những va chạm hôm 26.5 ở biển Việt Nam và trong tháng 3.2011 ở gần Philippines cũng như một số va chạm hồi năm ngoái tại quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư) nằm dưới sự quản lý của Nhật Bản.

Thông cáo viết: "Hành động đe dọa của Trung Quốc gây quan ngại sâu sắc. Mỹ có lợi ích chiến lược rõ ràng trong việc tạo điều kiện cho một phương thức tiếp cận đa phương, hòa bình để giải quyết các tranh chấp kể trên, đảm bảo tự do thông thương theo luật pháp quốc tế"

Ngày 13.6 tới, Thượng nghị sỹ Webb sẽ đệ trình một nghị quyết lên Thượng viện Mỹ lên án việc Trung Quốc sử dụng vũ lực tại Biển Đông, đồng thời kêu gọi tìm ra một giải pháp đa phương và hòa bình cho các tranh chấp về lãnh hải tại Biển Đông.

Tàu ngư chính 311 của Trung Quốc tham gia phá cáp thăm dò địa chấn của tàu Viking II thuộc Petro Việt Nam ngày 9.6.2011 tại thềm lục địa Việt Nam.
Trước đó, hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner ngày 10.6 nói rằng Mỹ lo ngại trước những căng thẳng liên quan tới tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông và kêu gọi tìm một giải pháp hòa bình cho tình hình hiện nay. 

Phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói: “Chúng tôi quan tâm về những thông tin ở biển Đông, chúng tôi tin rằng những điều đó chỉ làm gia tăng căng thẳng, và không giúp ích gì cho hòa bình và an ninh ở đây”.

Do đó, Mỹ ủng hộ một quy trình ngoại giao hợp tác. Mỹ kêu gọi tất cả các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế, trong yêu sách cả trên đất liền và trên biển của mình.

Ông Toner khẳng định, Mỹ và cộng đồng quốc tế có một phần lớn lợi ích trong duy trì an ninh trên biển trong khu vực, Mỹ đề cao tự do hàng hải, phát triển kinh tế và tôn trọng luật pháp quốc tế ở biển Đông.

Người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, “Điều cần có ở đây là quá trình ngoại giao hợp tác, một quá trình hòa bình, để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và những tranh chấp khác. Phô trương lực lượng ở biển Đông, và những hành động như thế, tôi cho rằng chỉ làm tăng thêm căng thẳng”.

Đáng chú ý, hãng tin AFP bình luận, mặc dù Trung Quốc nói cam kết hòa bình ở biển Đông, nhưng thái độ quả quyết hơn về sự chiếm lĩnh ở biển Đông đã gây nên lo ngại cho các nước trong khu vực.


Hôm 26.5, tàu hải giám của Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh 2 thuộc tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN, trong vùng đặc quyền kinh tế và vùng chủ quyền của Việt Nam.Tiếp đó, hôm 9.6, tàu cá Trung Quốc có sự yểm trợ của tàu ngư chính đã phá cáp tàu thăm dò của tàu Viking II cũng thuộc PVN trong vùng chủ quyền của Việt Nam.

Việt Anh- Vietnam+ 

Đọc tiếp...

ÔNG DƯƠNG TRUNG QUỐC: TẠI SAO TA LẠI NGẠI CHỮ "BIỀU TÌNH"!

Biển Đông và lòng yêu nước của người Việt

10/06/2011 10:05 

(VTC News) - Vấn đề Biển Đông gắn với ý thức công dân về lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, đó là điều thiêng liêng và cũng là thử thách quan trọng nhất của mỗi công dân trước nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc.

Sự kiện tàu của Trung Quốc liên tiếp cắt, phá cáp của tàu Việt Nam, ngay trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta đã khiến dư luận bức xúc. Đặc biệt các bạn trẻ đã có nhiều hành động lên án việc làm sai trái đó của phía Trung Quốc.

Lòng yêu nước lại trỗi dậy, sôi sục trong mỗi người trẻ. Nhưng làm thế nào để hiện điều đó đúng mực, thông thái và đạt hiệu quả cao nhất?

Sáng nay 10/6, VTC News đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội, Nhà sử học Dương Trung Quốc xung quanh câu chuyện này.

Biển Đông và lòng yêu nước của người Việt
Sự kiện biển Đông đang làm trỗi dậy lòng yêu nước thường trực trong mỗi người dân Việt Nam. Ảnh: Internet.

- Nhiều bạn trẻ khi thấy Trung Quốc có những hành động vi phạm lãnh hải Việt Nam đã bày tỏ ý kiến trên các diễn đàn. Nhiều bạn đòi đưa ra Tòa án quốc tế, nhiều bạn khác tỏ thái độ bức xúc trước những hành động của Trung Quốc... Ông có nhận xét gì về những hành động này?

Trước hết việc các bạn trẻ còn quan tâm đến những vấn đề chính trị thời sự, lại là những vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia thì đó là một điều rất đáng mừng. Đáng sợ nhất là sự thờ ơ của tuổi trẻ cho rằng đấy là chuyện của ... người lớn. Bày tỏ ý kiến trên diễn đàn cùng là điều tốt vì các bạn trẻ đã biết sử dụng công cụ của thời đại, ý thức được quyền của mình trong mối quan hệ với cộng đồng.

Bộc lộ trên mạng là cách thể hiện trước cộng đồng, do đó điều này cần đến sự chín chắn và có trách nhiệm. Đương nhiên nó tuỳ thuộc vào hiểu biết, nhận thức của mỗi người nên khó có thể tìm thấy sự đồng thuận tuyệt đối. Tôi không khuyên các bạn trẻ nên hay không nên nhưng đã lên mạng thì phải có bản lĩnh  và cũng cần quan tâm nhiều hơn đến đời sống thực, vì mạng cũng là môi trường ta dễ bị rơi vào tâm thế “ảo” ,đôi khi lợi bất cập hại.

Vấn đề là ở chỗ phát biểu như thế nào (kể cả nội dung và thái độ). Một nội dung đúng đắn, một thái độ đúng mức sẽ có tính thuyết phục, chia sẻ hay định hướng cộng đồng trên mạng. Những nhận thức sai lầm, thái độ quá khích cũng sẽ có tác động ngược lại ... Cần ý thức sức mạnh của mạng trên cả 2 mặt tích cực và tiêu cực đó. Để dân tộc không bị phân tâm khi đứng trước những thử thách lớn của lịch sử, những phát biểu trước cộng đồng, tôi xin nhắc lại cần đến sự chín chắn và có trách nhiệm.

Đương nhiên vấn đề khó lại chính là chỗ nói thế nào là đúng đắn và thái độ thế nào là đúng mức. Ngoài sự khác biệt giữa những người tham gia trên mạng còn có sự khác biệt giữa quan điểm chính thống của Nhà nước với người dân. Đứng trước những vấn đề phức tạp như thế này thì lý tưởng nhất là có sự đồng thuận hay nhất trí của các bên.

Để có được sự đồng thuận ấy thì Nhà nước cần chủ động trong việc giáo dục, tuyên truyền kể cả sự lắng nghe, thuyết phục hay tiếp thu những tiếng nói từ phía người dân.  Thái độ của người dân như thế nào một phần là từ cách ứng xử của nhà nước. Đây là một việc rất quan trọng vì đó là nền tảng của sự đoàn kết trong hành động.

Cuối năm 1946, khi đi kiểm tra công việc chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân tái xâm lược, mọi người đều nói quyết tâm, Bác Hồ nói rằng quyết tâm chưa đủ, phải “tín tâm” thì mới “đồng tâm” được. Bởi vậy theo tôi, nếu để các bạn trẻ có những nhận thức sai về thực trạng, hành động không phù hợp với ý đồ của Nhà nước thì cần phải nhận rằng có phần do lỗi tại người lớn trong đó có cả những đoàn thể và cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước.

- Có ý kiến cho rằng lòng yêu nước phải thể hiện bằng hành động, chứ không phải là những lời nói trên các mạng xã hội. Ý kiến của ông về điều đó?

Đương nhiên lòng yêu nước thì phải được thể hiện bằng hành động, còn hành động như thế nào thì thật khó nói vì tuỳ thuộc vào hoàn cảnh mỗi người. Chung nhất là thực hiện tốt tư cách công dân và tìm được sự đồng thuận chung với cộng đồng. Lý tưởng nhất là có được sự đồng thuận với Nhà nước trong những vấn đề hệ trọng của nước nhà.

Biển Đông và lòng yêu nước của người Việt
Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc. 

 - Ngày 5/6, một số phương tiện truyền thông ở ngoài nước loan tin về việc đã xảy ra "các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc" trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng chúng ta lại dùng từ “tụ tập” để nói về điều đó. Ông nghĩ sao về điều này?

Tại sao ta lại ngại chữ “biểu tình”. Biểu tình được ghi trong Hiến pháp nhưng đáng tiếc nó chưa được luật hoá nên mỗi người  hiểu khác nhau. Đông người đến môt chỗ làm một việc, nếu để ăn uống, chơi bời, giải trí thì đó là tụ tập, còn đến để bày tỏ chính kiến thì là  “biểu tình”. Nội dung chính kiến thì ủng hộ, chào mừng... hay phản đối, đả đảo cũng đều là biểu tình. Vấn đề là phản đối hay ủng hộ cái gì mới là điều đáng xem xét.

Đáng mừng là trong các phát ngôn chính thức của Nhà nước đưa ra đều cho rằng hiện tượng “tụ tập” ấy bắt nguồn từ bức xúc của một số người dân, là một cách bày tỏ lòng yêu nước trước những gì xảy ra trên Biển Đông mà quan điểm chính thức của Nhà nước đều nói đến những hành động sai trái từ phía Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của nước ta và cách thể hiện sự bức xúc cũng diễn ra một cách đúng mức.

Vấn đề là cách thể hiện ấy vì không phải chủ trương của Nhà nước nên chính quyền đã sử dụng lực lượng để bảo đảm an ninh và tìm cách giải tán cuộc “tụ tập” một cách ôn hoà.

Ở đâu đó có xảy ra những tranh biện về việc nên hay không nên, nhưng quan trọng nhất trong chuyện này là đã không có sự xung đột. Đó là điều đáng mừng. Nó cũng cho thấy ý thức của những người tham gia rất tỉnh táo, dám thể hiện quan điểm của mình mà không bị ai xúi bẩy, kích động, có bức xúc nhưng vẫn bình tĩnh và không quá khích. Điều này giúp Chính phủ nhận ra điều phải làm và có điều kiện thực thi những giải pháp ngoại giao theo quan điểm phù hợp với lòng dân. Điều đó cũng cho thấy sự cần thiết phải luật hoá “quyền biểu tình” vì nếu biết cách sử dụng thì đó chính là lợi khí của Nhà nước mà lại thoả mãn quyền bày tỏ chính kiến của người dân.

- Đối với vấn đề biển Đông, cần thể hiện lòng yêu nước thế nào?
     
Vấn đề Biển Đông gắn với ý thức công dân về lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, đó là điều thiêng liêng và cũng là thử thách quan trọng nhất của mỗi công dân trước nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc. Nhưng đây cũng là một vấn đề phức tạp trong nhận thức cũng như trong hành động. Trong quá khứ, chúng ta đã có môt kinh nghiệm rất dày dạn của nền ngoại giao nhân dân, mỗi người một vị trí khác nhau, có thể hiện khác nhau nhưng đều đồng hướng cho mục tiêu chung.

Biển Đông và lòng yêu nước của người Việt
Tàu Trung Quốc phá cáp tàu Việt Nam sáng 9/6. Ảnh: Petrotimes. 

Bộ đội thì đánh giặc cho giỏi, nông dân thì làm nhiều thóc gạo, nhà ngoại giao thì khôn khéo đấu tranh, Việt kiều thì vận động hành lang, văn nghệ sĩ cũng có công việc của mình v.v...., tất cả như một dàn hợp xướng. Muốn thế phải có bản nhạc hay (đường lối tốt) để ai cũng phải hiểu ý đồ của tác giả, lại  có những nhạc công hay ca sĩ giỏi có kỷ luật (nhân dân), và rất quan trọng phải có nhạc trưởng không những có tài lại được mọi người tuân phục (nhà lãnh đạo).

Thời mới độc lập, để thực hiện một đường lối ngoại giao khôn ngoan đánh bại âm mưu của đối phương, Bác Hồ ký Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946. Nhiều người dân chưa hiểu, nhà lãnh đạo đứng trước đám đông thề với dân là “không bao giờ bán nước”. Từ đó, dân tin, dân làm theo ...

Bây giờ cũng phải làm sao cho dân tin rồi đường lối đúng mới được dân hưởng ứng. Đương nhiên thực tiễn bao giờ cũng phức tạp hơn lời nói, nhưng cái nguyên lý chỉ có dân tin, dân ủng hộ thì Nhà nước mới thành công là muôn thuở.

-Làm sao để các bạn trẻ Việt Nam được hiểu sâu sắc về lịch sử biển đảo nước ta, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa để nâng cao ý thức chủ quyền dân tộc?

Phải làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền trong dân nhưng tuyên truyền giáo dục trên tinh thần dân chủ chứ không chỉ áp đặt một chiều, trong đó có tuyên truyền giáo dục về Biển Đông (giá trị, những kiến thức về pháp lý, những bằng cứ và bài học lịch sử..).

Ví như ta bức xúc muốn đem sự việc ra kiện, đã kiện thì phải thắng, muốn thắng phải hiểu luật, hiểu cơ sở pháp lý và lịch sử với những chứng cứ lập luận thuyết phục chứ không thể chỉ bẳng ý chí... Trong những tri thức lịch sử ta phải học tổ tiên, cha ông vì sao cha ông ta đã khẳng định và giữ được chủ quyền cả ngàn năm?

Vì sao dân vẫn thờ ông Sĩ Nhiếp (người dạy chữ Hán) mà vẫn dùng chữ Hán viết “Nam Quốc sơn hà Nam đế cư” và đánh gịăc phương Bắc xâm lược ? Vì sao không triều đại nào (kể cả Quang Trung) không nhận sắc phong mà không ông vua nào của nước ta  bước qua biên giới nhận sắc phong nhưng lãnh thổ vẫn được bảo toàn vững chãi... Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần học cả những bài học không thành công, những bài học về những gương xấu trong lịch sử...

Biển Đông và lòng yêu nước của người Việt
Giới trẻ luôn hướng về Hoàng Sa - Trường Sa.  

Riêng với vấn đề Biển Đông còn phải trang bị những tri thức hiện đại của thế giới về biển, luật biển và những vấn đề mang tính thời sự liên quan đến Biển Đông, đóng góp thiết thực vào việc phát triển tiềm lực kinh tế, quốc phòng của Biển... Đó chính là nền tảng để đạt được sự đồng thuận trong nhân dân và giữa người dân với Nhà nước...

Phát biểu mới đây nhất ở Nha Trang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững niềm tin vào truyền thống bảo vệ Tổ quốc của dân tộc và đưa ra những đối sách cụ thể trong quan hệ đối ngoại... Tôi nghĩ đấy chính là cơ sở để mỗi người dân thể hiện lòng yêu nước của mình và Nhà nước thể hiện năng lực đoàn kết, tổ chức để biến lòng yêu nước thành những thành quả cụ thể.

Tôi tin rằng thế hệ trẻ thời nào cũng như toàn dân đều có lòng yêu nước. Có thể có những cách thể hiện khác nhau tuỳ theo thời đại nhưng cốt lõi thì chẳng có gì thay đổi. Biết tổ chức và phát huy lòng yêu nước của người dân chính là trách nhiệm của Nhà nước, trong đó có vai trò của các đoàn thể liên quan tới giới trẻ.

Xin cảm ơn ông!


Hoàng Lan thực hiện




Đọc tiếp...

YÊU NƯỚC ĐÂU CHỈ YÊU TRONG MỘT BUỔI SÁNG?

Biểu tình tại Hà Nội sáng Chủ nhật 5.6.2011. Ảnh: Mai Kỳ
Hiện nay, trên các mạng xã hội, người dân yêu nước Việt Nam lại hò hẹn nhau để có cuộc biểu tình tại ĐSQ Trung Quốc (ở HN) và Lãnh sự quán Trung Quốc (Tp Hồ Chí Minh) vào sáng ngày mai, bắt đầu từ 8h.

Đây là một việc rất bình thường. Vì sao?

1. Cuộc biểu tình ôn hòa ngày 5.6.2011 - ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước - đã khích lệ tinh thần yêu nước và lòng tự trọng của tất cả chúng ta. Cuộc biểu tình này đã thành công, đúng như Giáo sư Chu Hảo đã nhận định: "Chỉ có sự hiệp thông, không có ai là người đứng ra tổ chức hay hướng dẫn. Không có hành động quá khích, không có náo loạn, chỉ có sự phấn chấn vì được tự do bày tỏ thái độ phẫn uất trong ôn hòa. Không có sự trấn áp, không có những lời răn đe thô bạo, chỉ có sự cảm thông lặng lẽ và âm thầm bảo vệ của các lực lượng chức năng… Chỉ ngần ấy thôi cũng làm chúng ta vững tin hơn vào sức mạnh vô biên của khối đại đoàn kết của toàn dân mỗi khi độc lập dân tôc và chủ quyền lãnh thổ bị đe dọa".

2. Ngay sau cuộc biểu tình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng yêu cầu phía Việt Nam "xử lý dư luận" - tức là yêu cầu nhà chức trách Việt Nam xử lý những người biểu tình. Nếu phía Việt Nam làm như thế, tức là đã nghe theo lời đe dọa của họ; gây mất đoàn kết giữa chính quyền và những người yêu nước chân chính muốn biểu lộ lòng yêu nước và quyết tâm chống giặc ngoại xâm.

3. Vừa qua, Chủ tịch Nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có những tuyên bố đanh thép, làm nức lòng nhân dân và thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, sẵn sàng đáp trả bất cứ một hành động xâm phạm nào của Trung Quốc. 

Chúng ta không thể không đáp lại những lời tuyên bố hùng hồn mạnh mẽ ấy. Đó là lời núi sông mà chúng ta phải đồng lòng đáp lại, để phía Trung Quốc và thế giới biết nhân dân Việt Nam luôn luôn đứng bên Chính phủ trước bất cứ hiểm họa xâm lăng nào.

4. Chỉ sau chưa đầy 1 tuần cuộc biểu tình diễn ra, Trung Quốc lại ngang nhiên trắng trợn xâm phạm lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam, phá hoại tàu của ta. Đây thực sự là hành động hèn hạ của bọn côn đồ xã hội đen. 

Chúng ta lại cùng nhau xiết chặt tay đi dưới cờ đỏ sao vàng, để đáp lời sông núi, thể hiện quyết tâm sắt đá không sợ hy sinh, quyết giữ vững toàn vẹn non sông gấm vóc của cha ông!

Vì chúng ta là chính nghĩa, nên:

1. Thêm các khẩu hiệu bằng tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp...để thông điệp của người dân Việt Nam đến thẳng với quốc tế, nhưng cần phải ngắn gọn, chính xác. Tốt nhất nên nhờ các chuyên gia xem trước. 

2. Nếu phát hiện có các khẩu hiệu phá hoại, lợi dụng biểu tình để chống nhà nước, chế độ... cần kéo ngay các anh em an ninh gần nhất đến giải quyết, đưa những người này ra khỏi đám đông.

3. Lực lượng an ninh hãy bảo vệ những người biểu tình được bộc lộ lòng yêu nước, đưa lại những hình ảnh đẹp về người chiến sĩ công an nhân dân Việt Nam trên các báo chí quốc tế!

Nguyễn Xuân Diện-Blog


Đọc tiếp...

CÙNG NHAU NGHE HAI KHÚC HÙNG CA


.
TIẾN VỀ HÀ NỘI
Nhạc và lời: Văn Cao
.

TỔ QUỐC NHÌN TỪ BIỂN
Thơ: Nguyễn Việt Chiến - Nhạc: Quỳnh Hợp


...


Đọc tiếp...

LÒNG YÊU NƯỚC - Chu Hảo

Chu Hảo
Bài viết riêng cho NXD-Blog

"Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất, yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu và mùi cỏ thảo nguyên có hương rượu mạnh. Chiến tranh khiến cho mỗi công dân Xô Viết nhận ra vẻ thanh tú của chốn quê hương...".

Vào cuối mùa thu đầu tiên của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, bài tuỳ bút bắt đầu bằng những lời giản dị và đằm thắm trên của nhà văn - nhà báo Nga nổi tiếng, Ilya Êrenbua, đã khắc sâu vào tâm khảm của mỗi công dân Xô Viết và nâng đỡ tinh thần họ trên khắp các nẻo đường của cuộc chiến tranh khốc liệt cho đến ngày toàn thắng. Áng văn bất hủ ấy được kết thúc bằng câu " ...khi kẻ thù giơ bàn tay khả ố đụng đến Tổ quốc ta, chúng ta ai chẳng hiểu, mùa thu qua: mất nước Nga thì ta còn sống làm gì nữa ! "

Có lẽ vì người Nga chưa bao giờ thực sự bị mất nước, nên lòng yêu nước của họ có thể bắt đầu từ lòng yêu cuộc sống thường nhật thanh bình ở chốn quê hương. Tuy họ chưa được trải nghiệm cái nhục mất nước, ấy thế mà họ cũng đã thấu hiểu: mất nước Nga thì ta còn sống làm gì nữa? Và họ đã chiến đấu đến cùng để bảo vệ bờ cõi.

Còn chúng ta thì khác: "Một ngàn năm đô hộ giặc Tầu, môt trăm năm đô hộ giăc Tây...", lịch sử trường tồn của dân tộc ta cho đến ngày nay là lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, khẳng định chủ quyển lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Vì vậy, lòng yêu nước của nhân dân ta trước hết được hun đúc bới tinh thần Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Tinh thần yêu nước ấy đang bùng lên trong mấy tuần qua, bắt đầu  từ khi những hành động ngang ngược của tập đoàn bá quyền Trung Quốc trên Biển Đông, trong vũng lãnh hải thuộc chủ quyền đương nhiên của Việt Nam, với ý đồ thâm độc không cần che đậy (và cũng không thể che đậy!) về việc “ao nhà hóa” vùng biển quốc tế mênh mông.

Tinh thần yêu nước ấy được thể hiện khá rõ ràng trong các cuộc biểu tình diễu hành tự phát của hàng ngàn người tại Hà Nội và t/p Hồ Chí Minh, phản đối sự lộng hành khiêu khích của các tàu ngư chính Trung Quốc trong vùng thềm lục địa của nước ta, vào buổi sáng ngày 5 tháng 6 vừa qua. Chỉ có sự hiệp thông, không có ai là người đứng ra tổ chức hay hướng dẫn. Không có hành động quá khích, không có náo loạn, chỉ có sự phấn chấn vì được tự do bày tỏ thái độ phẫn uất trong ôn hòa. Không có sự trấn áp, không có những lời răn đe thô bạo, chỉ có sự cảm thông lặng lẽ và âm thầm bảo vệ của các lực lượng chức năng… Chỉ ngần ấy thôi cũng làm chúng ta vững tin hơn vào sức mạnh vô biên của khối đại đoàn kết của toàn dân mỗi khi độc lập dân tôc và chủ quyền lãnh thổ bị đe dọa.

Lòng yêu nước hàng ngày được biểu hiện ở từng người trong từng công việc cụ thể với lòng trắc ẩn, sự tự trọng và ý thức trách nhiệm công dân. Nhưng khi “kẻ thù giơ bàn tay khả ố đụng đến Tổ quốc ta” thì mọi tấm lòng nhất nhất chung về một hướng: “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do!”, “ Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ quyết  không chịu làm nô lệ!”
         
“Mềm nắn rắn buông”, đấy là bản chất của kẻ ý thế mạnh và bất chấp lẽ phải. Vì vậy vào lúc này, khi xung đột đối đầu thực sự chưa xẩy ra thì cách tốt nhất để ngăn chặn khả năng xấu nhất là chính quyền và nhân dân đồng lòng nhất trí, sát cánh bên nhau tỏ rõ ý chí “rất rắn” để kẻ quen đi bắt nạt không dám “nắn” thêm. Và xưa nay vẫn vậy, bạn bè tứ xứ chỉ khích lệ và ra tay giúp đỡ những kẻ có thể yếu nhưng không hèn.
       
*Bài viết do Giáo sư Chu Hảo viết riêng cho Nguyễn Xuân Diện-Blog.
Xin chân thành cảm ơn giáo sư!

Đọc tiếp...

RFA: NGƯỜI VIỆT PHẪN UẤT VỚI TRUNG QUỐC

Người Việt phẫn uất với Trung Quốc

Đăng bởi bauxitevn on 11/06/2011

Quỳnh Chi, Phóng viên RFA

Hôm thứ Năm 9-6, tàu Trung Quốc lại một lần nữa xâm phạm lãnh hải và cắt cáp của tàu thăm dò dầu khí Việt Nam.

clip_image002
Tàu hải giám số 84 đã trực tiếp cắt cáp của tàu Bình Minh 02. Photo courtesy of HDVietnam

Vụ việc còn chưa lắng dịu khi  tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam hôm 26 tháng 5, thì hôm thứ năm 9 tháng 6 lại thêm tin tàu cá Trung Quốc dưới sự bảo vệ của tàu hải giám [ngư chính] Trung Quốc cắt cáp tàu Viking II. Vụ việc mới này đánh động mạnh đến lòng yêu nước của hầu hết dân chúng Việt Nam. Quỳnh Chi trình bày thêm chi tiết như sau. 

Uất ức – tức giận

Sáng sớm thứ Năm, khi tàu Viking II, do Petrovietnam thuê đang thu nổ địa chấn, tàu cá Trung Quốc được sự yểm trợ của 2 tàu ngư chính nước này lao vào khu vực cáp của tàu Viking II, cắt ngang phần dây kéo giữ thiết bị tàu  này. Vụ việc đã làm tàu Viking II không thể hoạt động vì bộ phận cắt cáp chuyên dụng của tàu Trung Quốc cũng vướng vào cáp tàu Viking II.

Sự việc xảy ra tại lô 136.03, thuộc hải phận 200 hải lý của Việt Nam.  Việc này không khỏi làm nhiều người bức xúc vì nó xảy ra chỉ khoảng 2 tuần sau khi tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 cũng trong phạm vi 200 hải lý trên thềm lục địa Việt Nam. Luật sư Ngô Ngọc Trai, người luôn theo sát tình hình biển Đông cho biết phản ứng của mình:
Nghe báo tin về việc tàu Viking II vừa bị tàu Trung Quốc cắt cáp thì phản ứng đầu tiên tôi là bức xúc và tôi phản đối việc làm này của Trung Quốc.
LS Ngô Ngọc Trai
“Tôi luôn theo dõi sát hành động của Trung Quốc khi tàu hải giám nước này có động thái nguy hiểm, ngang ngược xâm phạm trắng trợn lãnh hải của Việt Nam khi cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh 02. Từ sáng giờ tôi ngồi trên xe ô tô đi công tác xa nên chưa nắm được thông tin về tàu Viking II sáng nay. Nhưng nghe báo tin về việc tàu Viking II vừa bị tàu Trung Quốc cắt cáp thì phản ứng đầu tiên tôi là bức xúc và tôi phản đối việc làm này của Trung Quốc”.

Phản đối và tức giận – có thể nói là cảm xúc chung của rất nhiều người khi thấy lãnh hải đất nước bị xâm phạm, đơn giản họ cảm thấy chính chủ quyền dân tộc bị xúc phạm một cách trắng trợn. 

Đó cũng chính là tâm sự của anh Trần Hoài Sơn, một nhân viên làm về công nghệ thông tin tại TP HCM. Mặc dù không biết nhiều về chính trị nhưng Sơn cho biết mình luôn quan tâm về độc lập và chủ quyền dân tộc. Chính vì thế anh Sơn cảm thấy tức giận khi tàu thăm dò dầu khí Việt Nam bị tấn công ngay trên lãnh hải của mình.

“Đây là lần thứ 2 việc này xảy ra rồi, đặc biệt việc tàu Viking II xảy ra chỉ sau khi cuộc họp ở Shangri-La (Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á 10) thì cho thấy những gì đã nói ở đó đã không được tôn trọng. Khi tôi nói chuyện với những người xung quanh thì thấy họ tức giận, cũng giống như tôi vậy”.
..
Đánh động lòng yêu nước
.
Việc Trung Quốc quấy nhiễu ngư dân đã không còn xa lạ. Những năm gần đây, [nhiều] tin tức về các tàu cá đánh bắt tại Hoàng Sa và Trường Sa bị phía Trung Quốc [bắt giữ]. Tính từ năm 2005 đến nay, chỉ riêng tại Quãng Ngãi đã có 33 tàu cá và gần 400 ngư dân Việt Nam bị phía Trung Quốc bắt giữ. Việc này đã làm nhiều ngư dân từ phẫn uất chuyển sang sợ hãi. Ông Dương Lúa, một ngư dân Quãng Ngãi nói với RFA:

“Tức chứ sao không tức, đó là quyền lợi của Việt Nam mình. Trung Quốc thường quấy nhiễu như vậy mà mình không làm được gì thì mình tức lắm chứ”.
clip_image004

Đoạn cáp bị tàu trên tàu Bình Minh 2 mà Trung Quốc cắt trước đây. Photo courtesy of HDVietnam

Cũng theo anh Lúa, khi tàu Trung Quốc vào sâu lãnh hải Việt Nam và gây hấn với tàu thăm dò dầu khí thuộc Petrovietnam, thì một ngư dân như anh càng lo sợ. Anh nói tiếp: 

“Nghe tin Trung Quốc quấy nhiễu như vậy thì chúng tôi rất sợ. Cả nước Việt Nam có quyền như vậy mà còn không làm gì được Trung Quốc, nên người dân như chúng tôi dĩ nhiên cũng thấy rất sợ”.

Sợ hãi là tâm trạng chung của rất nhiều ngư dân vì khi mà ngày càng nhiều ngư dân bị bắt, bị đánh đập, thì ra khơi là một điều ám ảnh.  Theo ông Lê Lập, một ngư dân tại huyện đảo Lý Sơn:

“Thật ra mình cũng giận chứ. Nước Việt Nam chủ quyền của mình mà giờ “nó” muốn lấn chiếm vô tới Quãng Ngãi luôn. Bây giờ tàu mình ở Trường Sa mà cũng bị “nó” khống chế và đe dọa.

Từ năm 1995 đến năm 2004, tàu cá Việt Nam ra Hoàng Sa thì không bị tàu Trung Quốc bắt. “Nó” chỉ đi tuần thôi chứ bây giờ ra Hoàng Sa là thì nó lấy tàu, nó đánh đập".
Tức chứ sao không tức, đó là quyền lợi của Việt Nam mình. Trung Quốc thường quấy nhiễu như vậy mà mình không làm được gì thì mình tức lắm chứ.
Ông Dương Lúa
Trong cuộc họp báo cùng ngày sau khi có tin tàu Viking II bị quấy rối, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối Trung Quốc và khẳng định khu vực xảy ra sự cố nằm trong phạm vi 200 hải lý của việt Nam. Bà Nga cho rằng “Các hành động có tính hệ thống này của Trung Quốc đang nhằm biến khu vực không có tranh chấp thành có tranh chấp, nhằm biến đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc thành hiện thực”. Thế nhưng nhiều người cho rằng, khi tình hình ngày leo thang thì phản ứng của Nhà nước là chưa đủ. Luật Sư Ngô Ngọc Trai cho biết:

“Tôi nghĩ đây không chỉ là công việc của cán bộ nhà nước mà là vấn đề xâm hại tới quốc gia, của dân tộc, của nhân dân. Chính vì thế, ngoài những phản ứng của Nhà nước, việc cần làm thông tin trên phương tiện truyền thông và cần thêm những động thái của nhân dân, của thanh niên như tổ chức những buổi tuần hành ôn hòa phản đối Trung Quốc”.

Là một trong những người tham gia biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc năm 2007 để phản đối nước này thành lập huyện Tam Sa, có thể thấy luật sư Ngô Ngọc Trai thuộc nhóm trí thức đứng lên khi cần để tiếng nói của mình được nghe thấy. Tuy nhiên,  không phải người nào cũng có thể làm được điều đó, đặc biệt đối với những người thấp cổ bé miệng như ngư dân. Họ chỉ biết than thở và cam chịu. Ông Lê Lập nói:

“Bây giờ chỉ dám đánh bắt ở Trường Sa mà đánh bắt ở gần thôi. Nhà nước mình cũng lên tiếng nhưng đâu có làm được gì nó đâu. Đụng tới Trung Quốc là tôi sợ coi chừng nó lấy luôn Quãng Ngãi này luôn chứ. Làm sao mà tôi dám hy vọng gì nữa. Mình đâu làm gì được nó hết”.

Việc Trung Quốc vào sâu lãnh hải Việt Nam chắc chắn gây ra nhiều bức xúc trong dân chúng. Nhưng một khi sự việc làm người dân “sợ” và “không dám hy vọng gì” thì quả thật dẫu không muốn chấp nhận cũng phải nói rằng chủ quyền đất nước không phải chỉ bị đe dọa mà đang bị mất đi. Bởi nơi có chủ quyền là người dân có thể tự do đi lại và mưu sinh trên đó.

Q. C.
Nguồn: rfa.org
Đọc tiếp...

PGS.TS NGUYỄN BÁ DIẾN: CẦN KHỞI KIỆN TRUNG QUỐC NGAY

Khởi kiện Trung Quốc là việc cần làm.

(Dân Việt) - "Một việc cần làm trong bối cảnh hiện nay là chúng ta nên gửi kháng thư lên Liên Hợp Quốc“ - PGS.TS Nguyễn Bá Diến - Giám đốc Trung tâm Luật Biển và Hàng hải quốc tế nhận định.

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Diến, hành động phá hoại hoạt động tàu Bình Minh 02 ngày 26.5 của 3 tàu hải giám của Trung Quốc (TQ); các tàu hải quân nước này nổ súng đe dọa, xua đuổi các tàu cá của ngư dân ta trong ngày 31.5 và cả vụ mới nhất là cắt cáp thăm dò của tàu Viking 2 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thuê ngày 9.6, đều nằm trong chiến lược nhằm độc chiếm biển Đông của TQ. Các sự việc này đều vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và các công ước quốc tế về biển Đông.
.
Tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp địa chấn ngày 26.5.

Lãnh đạo cấp cao của TQ luôn nói tại các hội nghị rằng, muốn giải quyết vấn đề biển Đông thông qua đối thoại hòa bình. Với những hành động như vừa qua, TQ có đi ngược lại với những tuyên bố đó?

- Từ chỗ đe dọa, bắt bớ các tàu cá Việt Nam ở Trường Sa và Hoàng Sa lâu nay, các vụ cắt cáp tàu thăm dò dầu khí cho thấy TQ đã tiến một bước xa hơn có quy mô lớn hơn và tính toán kỹ lưỡng hơn trong mưu đồ bá chủ biển Đông.

Với diễn biến ở biển Đông giữa Philippines với TQ cũng cho thấy, TQ đang đơn phương làm tình hình biển Đông trở nên rất căng thẳng. TQ không còn che giấu tham vọng làm bá chủ ở biển Đông, kể cả việc xâm phạm vùng thềm lục địa của các nước trong khu vực để gây sức ép, buộc các nước thừa nhận bản đồ hình lưỡi bò phi lý, thiếu cơ sở do nước này đưa ra.

Hiện nay, TQ có rất nhiều lực lượng hoạt động ở biển Đông, trong đó rất nhiều các tàu dân sự và tàu cá được vũ trang; hoặc tàu vũ trang giả dạng các loại tàu này.

Theo ông, có phải mức độ phản ứng của chúng ta những ngày qua quá ôn hòa nên TQ càng lấn tới các hoạt động xâm phạm lãnh hải Việt Nam?

- Chúng ta vẫn nên tiếp tục đường lối đấu tranh bằng con đường ngoại giao, hòa bình. Việc Bộ Ngoại giao, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và dư luận phản ứng như vậy là rất kịp thời.

Một việc cần làm trong bối cảnh hiện nay là chúng ta nên gửi kháng thư lên Liên Hợp Quốc. Cho dù TQ là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an nhưng nếu chúng ta đưa được vấn đề này ra, chắc sẽ gây được sức ép với TQ. Ngoài ra, việc khởi kiện TQ tại các tòa án Quốc tế cũng là việc cần làm.

Nếu thời gian tới, TQ tiếp tục có hành động ngang ngược, phản ứng của chúng ta nên như thế nào, thưa ông?

- Tôi đồng ý với quan điểm của nhiều người đánh giá những hành động vừa qua của TQ là một phép thử. Vì thế, nếu chúng ta quá nôn nóng sẽ dễ vấp phải sai lầm. TQ đang có biểu hiện dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp biển Đông, nếu chúng ta dùng vũ lực lúc này là chưa cần thiết.

Chúng ta còn có các giải pháp hành chính như xua đuổi, bắt giữ các tàu TQ nếu họ vi phạm chủ quyền của ta. Còn khi họ vẫn tiếp tục vi phạm chủ quyền và dùng vũ lực thì lúc đó chúng ta có quyền tự vệ, các quy định quốc tế không cấm điều đó. Không gây hấn nhưng chúng ta có quyền tự vệ.

Những vụ việc liên tiếp đối với cả tàu thăm dò dầu khí lẫn tàu cá gần đây đang làm ngư dân rất lo ngại. Nếu ở địa vị là ngư dân đi biển, lúc này, ông sẽ cảm thấy thế nào? 

- Tất nhiên là khó tránh khỏi cảm giác lo sợ. Trước đây và hiện nay, các cơ quan quản lý Nhà nước đã đặt ra nhiều chương trình, dự án để hỗ trợ, bảo vệ ngư dân như chương trình đánh bắt xa bờ, triển khai lực lượng cảnh sát biển, dân quân tự vệ, lực lượng kiểm ngư…

Tuy nhiên, các chương trình này chưa mang lại kết quả thiết thực như mong muốn. Một số chương trình được triển khai quá chậm. Các biện pháp hỗ trợ ngư dân phải được nghiên cứu bài bản, khi tổ chức thực hiện phải cụ thể, quyết liệt. Theo tôi hai việc cần làm ngay là tổ chức cho ngư dân đánh cá theo các tổ, đội; thứ hai là các lực lượng hải quân hay cảnh sát biển phải đi kèm để bảo vệ an toàn cho họ.

Xin cảm ơn ông!

Đọc tiếp...