Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

DƯƠNG DANH HUY: VIỆT NAM CẦN PHẢN ĐỐI NGAY LÊN LIÊN HIỆP QUỐC

Việt Nam cần phản đối lên Liên Hiệp Quốc

TT - Sau sự kiện tàu Bình Minh 02, một mặt Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố một cách hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và ngang ngược rằng hành động của Trung Quốc là “bình thường”, thậm chí là “chính đáng”, một mặt bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc tuyên bố những lời hay chữ đẹp tại Diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 10 (còn gọi là Đối thoại Shangri-La). 

Ngay sau những lời hay chữ đẹp đó, các tàu Trung Quốc lại tiến hành cản trở và phá hoại tàu khảo sát địa chấn Viking 2 đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Những hành động của Trung Quốc vượt quá tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa - Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Vượt quá tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa

Để hiểu sự kiện Bình Minh 02 và sự kiện Viking 2 có thể xem bản đồ. Bờ biển và vị trí các đảo trong bản đồ này được kết hợp từ hai cơ sở dữ liệu World Data Bank II của CIA và World Vector Shoreline của cơ quan bản đồ quốc phòng Mỹ, độ chính xác rất cao.

Sự kiện Bình Minh 02 xảy ra tại điểm X trên bản đồ, tọa độ 12O48‘25‘‘ Bắc, 111O26‘48‘‘ Đông. Sự kiện Viking 2 xảy ra tại điểm Y trên bản đồ, tọa độ 6O47‘30‘‘ Bắc, 109O17‘30‘‘ Đông.

Các chấm tròn là lãnh hải 12 hải lý xung quanh các đảo, đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough. Đường màu xám bao quanh hai quần đảo là đường cách đều hai quần đảo này và các vùng lãnh thổ không bị tranh chấp. Đường màu đỏ từ cửa vịnh Bắc bộ ra đến quần đảo Hoàng Sa là đường cách đều Việt Nam - Hải Nam không tính quần đảo Hoàng Sa. Đường màu đỏ từ quần đảo Hoàng Sa đi xuống phía nam là đường 200 hải lý tính từ bờ biển đất liền Việt Nam.

Điểm X và điểm Y nằm cách xa các chấm tròn này, chiếu theo luật quốc tế chúng sẽ không nằm trong vùng biển thuộc hai quần đảo này, tức là không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.

Như vậy, việc tàu Trung Quốc uy hiếp và phá hoại tàu Bình Minh 02 và Viking 2 là những hành vi bành trướng vùng tranh chấp một cách vô cớ ra cả những vùng biển không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.

Các tuyên bố tiếp nối của Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau sự kiện Bình Minh 02 cho thấy Trung Quốc sẵn sàng bỏ qua sự công bằng, lẽ phải và luật pháp quốc tế trong việc theo đuổi sự bành trướng đó.

Một chính sách có hệ thống

Điều cần nhấn mạnh là hai sự kiện Bình Minh 02 và Viking 2 không phải là những sự kiện đơn lẻ mà là những bước trong một chính sách có hệ thống của Trung Quốc.

Trung Quốc hiện đang “cấm đánh cá” trong vùng biển phía bắc 12O Bắc và phía tây 113O Đông. Vùng biển này bao gồm một vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn của Việt Nam không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa. 

Điều đáng chú ý về vùng “cấm đánh cá” này là Trung Quốc đã thiết kế nó sao cho xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng không xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước Đông Nam Á nào khác, và không xâm phạm vùng bên ngoài 200 hải lý, nơi cả thế giới có quyền đánh bắt.

Có thể thấy trên bản đồ rằng hai vùng Mộc Tinh, Hải Thạch (được đánh dấu bằng ký hiệu M và H) không liên quan với tranh chấp Trường Sa. Hai vùng này cũng nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Thế nhưng, năm 2007 Trung Quốc đã ép Hãng BP rút ra khỏi hợp tác với Việt Nam trong hai vùng này.

Trước đó, vào năm 1992 Trung Quốc ký hợp đồng khảo sát dầu khí với Công ty Mỹ Crestone trong vùng Tư Chính. Trung Quốc còn tuyên bố rằng sẽ dùng hải quân để yểm trợ việc khảo sát. Khu vực cụ thể của hợp đồng này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chiếu theo luật quốc tế thì vùng Tư Chính không nằm trong tranh chấp Trường Sa.

Những điều trên thể hiện một chính sách có hệ thống của Trung Quốc để mở rộng vùng tranh chấp ra cả những vùng biển không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa. Trung Quốc dùng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa như hỏa mù để ngụy trang cho chủ trương chiếm phần lớn biển Đông.

Có thể Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm cách gây ra những sự kiện Bình Minh 02 và Viking 2, thậm chí những sự kiện còn nghiêm trọng hơn.

Sự xâm phạm phải bị trả giá

Trước mắt, Việt Nam phải không nhượng bộ về những sự kiện này. Nếu nhượng bộ, các công ty dầu khí nước ngoài sẽ không còn dám hợp tác với Việt Nam, ngay cả các vùng biển của Việt Nam không thuộc tranh chấp cũng sẽ rơi vào tay Trung Quốc.

Về lâu dài, Việt Nam phải xác định và khẳng định ranh giới cho các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và khẳng định rằng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa chỉ có thể nằm trong các vùng biển đó. Những hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam bên ngoài vùng tranh chấp đó là một sự bành trướng vô cớ vượt quá tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa.

Sau khi xác định, Việt Nam phải công bố rộng rãi các ranh giới biển của mình. Tất cả các bản đồ Việt Nam nên thể hiện quan điểm của Việt Nam đâu là ranh giới của tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa, đâu là ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình không liên quan đến tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa. Việt Nam nên gửi bản đồ thể hiện quan điểm đó đến các nước trên thế giới và các cơ quan quốc tế. Như vậy để thế giới thấy rõ yêu sách của Việt Nam và yêu sách đó công bằng và phù hợp với luật quốc tế hơn yêu sách của Trung Quốc.

Yêu sách của Trung Quốc đối với 75% diện tích biển Đông là vô lý và Trung Quốc phải ngụy trang cho yêu sách đó bằng sự mù mờ. Việt Nam phải đối trọng điều đó bằng những ranh giới hợp lý và minh bạch.

Trong những trường hợp xâm phạm như sự kiện Bình Minh 02, Viking 2, nếu các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia đều lên án hành vi của Trung Quốc thì tiếng nói chung đó sẽ mạnh mẽ hơn chỉ có Việt Nam lên án.

Trong mỗi trường hợp cụ thể, mọi sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam đều phải trả một giá xứng đáng trong lĩnh vực ngoại giao và hình ảnh của nước xâm phạm trước cộng đồng quốc tế. Nếu nước có hành động xâm phạm không phải trả giá ít nhất là bằng hình ảnh xứng đáng thì họ sẽ tiếp tục xâm phạm, và sự xâm phạm sẽ ngày càng ngang ngược hơn. Để thực hiện điều này, không có cách nào khác hơn là mỗi cơ quan nhà nước có chức năng, mỗi người Việt có khả năng phải tích cực làm cho thế giới thấy rõ “hình ảnh xứng đáng” của Trung Quốc.

Những hành động xâm phạm ngày càng leo thang của Trung Quốc đã chứng minh rằng không thể sống cạnh một nước vừa lớn, vừa muốn bành trướng, bằng cách phản đối song phương mỗi khi họ xâm phạm chúng ta. Đã đến lúc Việt Nam phải phản đối lên Liên Hiệp Quốc các hành động xâm phạm của Trung Quốc.

Việt Nam có thể đề nghị Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc xin ý kiến tư vấn của Tòa án công lý quốc tế. Nếu chúng ta không phản đối lên Liên Hiệp Quốc các hành động xâm phạm của Trung Quốc, thì đến lúc cần sẽ khó thuyết phục Đại hội đồng rằng ý kiến tư vấn của Tòa án công lý quốc tế là cần thiết. Vì vậy, ngay từ bây giờ chúng ta phải phản đối lên Liên Hiệp Quốc tất cả các hành động xâm phạm của Trung Quốc.

DƯƠNG DANH HUY (Quỹ Nghiên cứu biển Đông)

5 nhận xét :

  1. Thảo dân nghe thấy rất chí lý nhưng không biét Người KHác có thấy không ? hay bị tàu nó nắn cho thọt ... lên tận cổ mà chả thấy có động tĩnh gì theo hướng đó cả.
    Ngay cả việc công bố công khai cho dân ta biết lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của ta đến đâu; nhà nước VN cai quản hoàng Sa, Trường Sa từ khi nào, ta tự làm mù mờ như vậy thì sao bọn Tàu không lấn tới.
    ngày mai rất mong được gặp cụ DI ở biểu tình nếu cụ còn khoẻ.
    Cám ơn Anh Huy.

    Trả lờiXóa
  2. Tiên sư cái lũ Hán tham
    Bay đừng có tưởng nước Nam sợ mày
    Từ xưa dân của choa đây
    Trẻ già trai gái dựng xây nước nhà.

    Mỗi khi cần phải xông pha
    Dân choa quyết chí không tha thằng nào.
    Hoàng, Trường Sa của chúng tao
    Quyết tâm bảo vệ chẳng nao núng lòng.

    Dân choa gan dạ anh hùng
    Năm châu bốn biển đã từng xuýt xoa.
    Trí-mưu-đức-dũng những là
    Luôn luôn ở thế bậc cha chúng mày.

    Tiên sư cái lũ mặt dày
    Quanh đi quẩn lại cắt dây nhà bà
    Bay đừng cậy thế chua ngoa
    To mồm lớn tiếng mà qua dở trò.

    Tiền sư cái lũ Tàu ô
    Tham lam vỗn dĩ là đồ bất lương
    Xưa kia tràn xuống biên cương
    Nướng bao nhiêu phận dân thường nơi đây.

    Máu xương đổ xuống đất này
    Ươm mầm dũng khí mỗi ngày thêm xanh
    Nếu bay còn muốn tung hoành
    Thì choa lại quyết đồng thanh diệt thù.

    Tiên sư cái lũ Tàu phù
    Lòng lang dạ sói bay ngu suốt đời
    Đừng hòng đi cướp của người
    Lấn giang sơn, lấn biển trời nước Nam.

    Làng giềng chi với sài lang
    Miệng thì hảo hảo, bụng đầy thép gang
    Dân choa hiếu nghĩa đường hoàng
    Bay là lũ chó cắn quàng cắn xiên.

    Tổ cha cái lũ Tàu điên
    Sao bay lại cứ làm phiền dân choa.
    Hãy mau cút xéo về nhà
    Để còn đẹp mặt mẹ cha chúng mày./.

    (TG: Hà Bắc)

    Trả lờiXóa
  3. Đúng vậy, cứ kiện đã việc gì phải đánh nhau ngay! Có phải Trung Quốc nuốt chửng rồi tiêu hóa được ngay HS-TS đâu mà lo! Nhưng mà tôi biết vì sao ta không dám kiện đấy, mà Trung Quốc thì cũng biết đấy, nên mới dám ngang ngược thế! Các bác lãnh đạo khổ nhỉ ? Nghĩ vỡ óc mà không ra nhỉ? Để tôi xem bác Diện có xóa còm này của tôi không rồi sẽ đóng góp ý kiến tiếp!

    Trả lờiXóa
  4. Một ý kiến đề xuất của một nhà khoa học yêu nước có cơ sở khoa học, có tình có lý, rất chính xác và đúng đắn. Mong sao các cơ quan có trách nhiệm cần nghiên cứu chu đáo

    Trả lờiXóa
  5. Cám ơn bài thơ chính khí ngang trời của NokiaX6 đăng.
    Chúng ta phải áp lực để QH khóa này phải thông qua luật biển. Nếu không sẽ có tội lớn với tổ tiên và con cháu may sau.
    Chúc mọi người ngày mai đi tuần hành khí thể nước dâng. Tối ở xa thủ đô nhưng lòng vẫn hướng về các Bác.
    HH

    Trả lờiXóa