Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

GIỚI THIỆU BÀI VỞ NGÀY MAI

Thưa chư vị,

Cám ơn chư vị đã nhộn nhịp ghé thăm, với 4,7 vạn lượt trong ngày hôm nay. Và cũng xin cảm ơn đến các vị đã quan tâm gọi điện thoại, gửi e-mail thăm hỏi, thậm chí có vị còn đến tận nhà để thăm hỏi Lâm Khang chủ nhân.

Dự kiến ngày mai, NXD - Blog có các bài vở sau:

- Bài của Giáo sư Chu Hảo về tinh thần của dân tộc Việt Nam - qua quan sát cuộc biểu tình ở Tp Hồ Chí Minh và Hà Nội. 

(Kèm theo là những hình ảnh của các giáo sư, tiến sĩ, nhân sĩ trí thức Tp HCM xuống đường phản đối nhà cầm quyền Bắc Kinh, ảnh do bạn đọc cung cấp).

- Bài của Bùi Công Tự về những thách thức đối với Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội Khóa XIII.

- Giới thiệu lại chùm bài về cuốn sách Văn Minh Vật chất của người Việt của tác giả Phan Cẩm Thượng, với các bài viết của Nguyên Ngọc, Phan Cẩm Thượng.

- Lâm Khang chủ nhân có bài viết về bộ phim thể hiện việc "cõng rắn cắn gà nhà", "bó giáo quy hàng" trước Trung Quốc đang được ông Hoàng Tuấn Anh (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) và ông Trần Bình Minh (Đài TH Việt Nam) hợp sức đưa lên sóng đài truyền hình quốc gia.

Đêm nay Hà Nội sau mưa rất mát giời, Lâm Khang chủ nhân không dám giữ chư vị ngồi lâu thêm nữa ở hiên trà. Và chúc các vị, đặc biệt là các bạn trẻ (30-45) được ngon giấc (trường hợp có tập trận xin cũng hết sức khẽ khàng, không manh động, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của các bạn nhỏ bên cạnh).

Lâm Khang kính trình!


Đọc tiếp...

LỜI CẢNH BÁO GỬI TỚI CÁC DOANH NGHIỆP

Kính gửi anh Diện,

Tôi là Hứa Văn Cởi, người lao động tự do bán thất nghiệp ở Ba Vì, HN. Mỗi khi có điều kiện vào mạng internet tôi đều ghé thăm blog của anh. Tôi muốn góp một tiếng nói vào hy vọng ngăn chặn phim Đường tới Thăng Long lên sóng.

Vậy gửi anh bài này, nhờ anh đăng bài nếu có thể.
Trân trọng cảm ơn anh!
HVC

CẢNH BÁO MỘT SỐ DOANH NGHIỆP QUẢNG CÁO TRÊN VTV3
VÀO GIỜ PHÁT SÓNG PHIM
“LÝ CÔNG UẨN - ĐƯỜNG TỚI THÀNH THĂNG LONG”

Những năm đầu thế kỷ 20, trong dân gian lưu truyền câu “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Bưởi”. để chỉ một số người giầu có nhất nước lúc bấy giờ. Ta lưu ý rằng Bưởi (chỉ nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi) chỉ đứng thứ tư và không phải người duy nhất đứng thứ tư mà vị trí thứ tư còn được dành cho một số đại phú khác: tứ Định, tứ Trạch, tứ Hỏa.

Bạch Thái Bưởi
Ngày nay, những vị khác đã lui vào quyên lãng, duy có tên tuổi Bạch Thái Bưởi thì lại bừng sáng cùng với sự lớn mạnh lên của giới doanh nhân Việt Nam. Ở Quảng Ninh có một cảng biển, ở Hà Nội có một câu lạc bộ doanh nhân và ở nước ta có một giải thưởng cho doanh nhân tiêu biểu mang tên Bạch Thái Bưởi… Sở dĩ như vậy vì ông không chỉ là một doanh nhân đại thành đạt xuất thân đói khổ mà trên hết ông là một người Tự Cường Dân Tộc, Yêu Nước, Thương Nòi. Và vì thế, ông cũng được nhân dân hết sức ủng hộ ,chính tinh thần yêu nước của người Việt đã giúp doanh nghiệp của ông vượt qua những cơn khó khăn ngặt nghèo khi cạnh tranh với người Tây, người Hoa. Nội dung khẩu hiệu người Việt dùng hàng Việt do ông khởi xướng đến nay vẫn giúp nhiều doanh nghiệp, thậm chí Đảng Cộng Sản cũng dùng nội dung này để phát động thành phong trào…

Tôi chưa được xem phim LCU- ĐTTTL nên không thể nói gì về nội dung phim nhưng rõ ràng, dư luận cho tôi thấy tinh thần dân tộc của nhân dân ta đang bị xúc phạm nặng nề vì các cách người ta làm với bộ phim này. Có người đã gọi phim này là “Đường tới Trung Hoa”! Thế mà, giữa khi giặc Tàu đang ngang ngược và trắng trợn xâm phạm chủ quyền ta, gây tội ác với đồng bào ta thì ngày 30 tháng 6 này “Đường tới Trung Hoa” sẽ lên sóng truyền hình. Sao lại thế? Thì đã có rất nhiều tiếng nói bàn rồi, ở đây, tôi chỉ bàn đến khía cạnh quảng cáo của doanh nghiệp.

Nếu xưa cụ Bạch đã thành công vì yêu nước thì nay hình ảnh doanh nghiệp sẽ xấu đi đáng kể (thậm chí  bị tẩy chay) vì đồng lõa với những gì đi ngược lại tinh thần yêu nước thiêng liêng ấy.

Vì vậy, với một thiện chí cao nhất, tôi long trọng cảnh báo tới các doanh nghiệp có hình ảnh quảng cáo khi phim “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” được phát sóng.

Hãy Thận Trọng!


Hà nội 5-6-2011
Hứa Văn Cởi

Đọc tiếp...

TS CÙ HUY HÀ VŨ ĐÃ TỪNG KIẾN NGHỊ CẤM CHIẾU BỘ PHIM PHẢN QUỐC

Kiến nghị cấm chiếu bộ phim “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” của TS Cù Huy Hà Vũ


Lời dẫn của Bauxite Việt Nam: Mặc dù đã được tin Hội đồng duyệt phim quốc gia mở rộng sau khi thẩm định lần thứ hai, có để xuất kiến nghị không công chiếu phim “Lý Thái Tổ – Đường tới thành Thăng Long” trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long, nghĩa là từ 1-10-2010 đến 10-10-2010, ông Cù Huy Hà Vũ vẫn khẩn thiết nhờ BVN đăng bản kiến nghị của cá nhân ông gửi Quốc hội xin cấm chiếu bộ phim vĩnh viễn trên phạm vi toàn quốc, vì theo ông, đây là một bộ phim bôi nhọ văn hóa dân tộc một cách hệ thống với dụng ý rất xấu mà với thói quen dùng từ của mình, ông gọi thẳng thừng là “phản quốc”. BVN tán thành đưa bản kiến nghị này lên công luận, bởi theo chúng tôi, tuy Hội đồng duyệt phim đã đi đến những kết luận xác đáng, song về mức độ giải quyết đối với nó thì cách nói có phần quá uyển chuyển của Hội đồng vẫn chừa lại một khả năng là bộ phim có thể sẽ được tự do công chiếu sau ngày Đại lễ kết thúc, mà như thế, tác hại rất nghiêm trọng của nó đối với công chúng, nhất là thế hệ trẻ, vẫn còn nguyên. Kiến nghị của ông Cù Huy Hà Vũ chính là nhằm chấm dứt khả năng nguy hại này mà những người chịu trách nhiệm trước dân tộc không được phép nhân nhượng.

Bauxite Việt Nam

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
———————————————————–
Hà Nội ngày 01 tháng 10 năm 2010
.
KIẾN NGHỊ CẤM BỘ PHIM PHẢN QUỐC
“LÝ CÔNG UẨN – ĐƯỜNG TỚI THÀNH THĂNG LONG”

Kính gửi: QUỐC HỘI VIỆT NAM
UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Tôi là Cù Huy Hà Vũ, công dân Việt Nam, 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội, nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội – Thủ Đô nước Việt Nam, xin gửi tới Quốc hội lời chúc tốt đẹp nhất.

Thưa Quốc hội,

Cũng chính để tôn vinh Thủ đô yêu dấu ngàn năm tuổi của tất thảy người Việt chúng ta, bằng Kiến nghị này tôi yêu cầu Quốc hội khẩn cấp CẤM BỘ PHIM PHẢN QUỐC “LÝ CÔNG UẨN – ĐƯỜNG TỚI THÀNH THĂNG LONG” do Trịnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Trường Thành sản xuất, Tạ Huy Cường đạo diễn, Đoàn Thị Tình thiết kế trang phục… được chính thức đưa vào Chương trình Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng làm Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia, trước khi được bí mật quay ở trường quay Hoành Điếm, Trung Quốc!

Chỉ những gì mà những kẻ chủ trương tung ra trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã đủ cho thấy bộ phim này xuyên tạc lịch sử, xúc phạm vĩ nhân, xúc phạm dân tộc Việt Nam, tóm lại, phản quốc đến cỡ nào!

PHẢN QUỐC TỪ TÊN PHIM

Dân tộc Việt Nam ta có tục “kỵ húy”. “Húy” có nghĩa “kiêng, tránh”, sau được sử dụng để chỉ tên riêng, nhất là của người đã quá cố. Do đó mới có câu “nhập môn vấn húy”, nghĩa là đến nhà ai thì phải tìm hiểu tên riêng của gia tiên người ta để mà tránh.

Các triều đại phong kiến Việt Nam bắt đầu từ Nhà Trần nâng “kỵ húy” lên thành “Quốc húy”, cấm nói, viết tên riêng trước hết của vua. Kẻ nào phạm “Quốc húy” sẽ bị “tru di tam tộc”.

Vậy “Lý Công Uẩn” là tên riêng của Lý Thái Tổ thì chỉ nên sử dụng khi đề cập giai đoạn trước khi Ngài lên ngôi Hoàng đế nước Đại Cù Việt chứ dùng để đặt tên cho một bộ phim đề cập cả giai đoạn sau đó rõ ràng là phạm “Quốc húy”, là hành vi báng bổ, xúc phạm nghiêm trọng người đứng đầu Nhà nước phong kiến Việt Nam, qua đó, xúc phạm nghiêm trọng dân tộc Việt Nam!

Không những thế, Thăng Long chỉ tồn tại với tư cách là “Kinh đô” của nước Đại Cù Việt chứ chưa bao giờ là “thành” với nghĩa đơn vị hành chính thông thường. Do đó gọi “thành Thăng Long” thay cho “Kinh đô Thăng Long” hay “Kinh thành Thăng Long” dứt khoát là hành vi xuyên tạc lịch sử, như thể người Việt không có Vua, không có Kinh đô, và qua đó, không có Nhà nước của riêng mình!

Tóm lại, đặt cho phim cái tên “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” là gián tiếp phủ nhận Độc lập dân tộc mà tổ tiên ta đã giữ vững trước phong kiến Trung Quốc cách đây 1000 năm!

PHẢN QUỐC QUA BÚI TÓC ĐẶC “HÁN”

Trong phim “Lý Công Uẩn – đường tới thành Thăng Long”, tóc của vua Lý Thái Tổ được búi trên đỉnh đầu, điều này khác biệt hoàn toàn với cách búi tóc của ngưòi Việt từ xưa tới nay.

Thực vậy, người Việt, nhất là nam giới, từ cổ xưa đã có tục vấn tóc thành một búi sau ót trông như củ hành nên cách búi tóc này được gọi là “búi tóc củ hành”. Hình người trên cán muôi Việt Khê thời đại Hùng Vương cho thấy rõ điều này.

clip_image002

Nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 – 1784) trong Kiến văn tiểu lục chép: “Thời nhà Trần, người trong nước đều cạo đầu cho nên trong Sứ Giao châu thi tập của Trần Cương Trung nhà Nguyên chua rằng: “Con trai đầu trọc, người nào có quan chức thì trùm đầu bằng khăn xanh, nhân đân đều như sư cả… Lúc ở nhà để đầu trần, có khách mới đội khăn, nếu đi ra ngoài thì có một người mang khăn đi theo, duy có quốc vương búi tóc, dùng lụa là phủ lấy búi tóc trông xa như luân cân (khăn xếp bằng thao xanh – CHHV chú thích) của nhà đạo sĩ”. 

Nói cách khác, “búi tóc củ hành” là Bản sắc văn hóa đậm đà của dân tộc Việt Nam, là Quốc hồn, hơn thế nữa, là Độc lập dân tộc tiềm ẩn trong từng người Việt yêu nước! Và tiêu biểu nhất cho người Việt biết giữ Quốc hồn – Độc lập dân tộc ấy chính là vua Hàm Nghi: cho đến cuối đời, sau 55 năm bị thực dân Pháp lưu đày tại Alger (thủ đô Algérie) sau công cuộc “Cần vương” bất thành, Ngài luôn để “búi tóc củ hành cùng khăn vấn, áo the như một Tuyên ngôn Trường kỳ kháng chiến.

clip_image004
Vua Hàm Nghi (1871 – 1943)

clip_image006
Ảnh Vua Lý Thái Tổ trong phim

Vậy thì búi tóc trên đỉnh đầu đặc Hán mà Lý Thái Tổ có trong trong phim không chỉ là một sự bội phản văn hóa mà nghiêm trọng hơn, bội phản dân tộc Việt Nam! 

PHẢN QUỐC QUA TRANG PHỤC, KIẾN TRÚC ĐẶC “HÁN”

Về trang phục của vua, trong Lịch triều hiến chương loại chí, ở mục Quy chế về mũ áo của đế vương, Phan Huy Chú (1782 – 1840) chép: Lê Đại Hành lên ngôi, mặc áo long cổn, về sau mặc áo phần nhiều dùng vóc đỏ, mũ sức trân châu… Lý Thái Tông (vị Hoàng đế thứ hai của nhà Lý, trị vì từ năm 1028 đến năm 1054 – CHHV chú thích) mới chế thứ mũ gọi là ‘bát giác tiêu dao’ bằng vàng. Từ đời Lý, đời Trần trở về trước, mũ áo của vua thế nào, không thể khảo cứu được. Xem trong sử có hai thứ kể trên, tạm chép ra đây để biết đại khái”.

Như vậy, trước và sau Lý Thái Tổ, vua ta có dùng mũ đồng nghĩa vị Hoàng đế đầu tiên của Nhà Lý dùng mũ là chuyện không phải bàn cãi. Tuy nhiên, chụp cho Ngài cái mũ nhái từ mũ “Bình thiên” của Hoàng đế Trung Quốc có từ Tần Thủy Hoàng rõ ràng là bất chấp bản sắc văn hóa dân tộc. Thực vậy, mũ “Bình thiên” rất khó, nếu không muốn nói là không thể, dùng cho vua Việt vì mũ này được tạo ra để chụp vào búi tóc trên đỉnh đầu của người Hán trong khi người Việt, như trên đã mô tả, lại để “búi tóc củ hành” sau ót. 

Để nói, nếu cần thiết phải có thì mũ cho Lý Thái Tổ phải được thiết kế có phần lồi phía sau, tương ứng với “búi tóc củ hành” được vén lên mà mũ của vua Gia Long (chân dung do người Pháp vẽ) hẳn là một gợi ý thích đáng.

clip_image008
Vua Gia Long (1762 – 1820)

Vả lại, cho dù độc lập dân tộc vẫn được giữ vững nhưng để giảm thiểu sinh sự từ đế quốc Trung Quốc, Lý Thái Tổ vẫn cử sứ sang nước này để cầu phong và được nhà Tống phong làm Giao Chỉ quận vương, rồi Nam Bình vương. Do đó, không thể có chuyện Lý Thái Tổ dùng mũ nói riêng, trang phục nói chung, y chang Hoàng đế Trung Quốc!

Còn nếu muốn thể hiện ý chí độc lập cao độ của người Việt ta với đế quốc phương Bắc thông qua cái mũ thì lịch sử cũng cung cấp cho ta đủ chất liệu để thực hiện. Thực vậy, khỏi cần nhái mũ “Bình thiên” (bằng Trời) để tỏ ngang bằng với Hoàng đế Trung Quốc mã hãy tạo cho Lý Thái Tổ hẳn mũ “Xung thiên” (chống Trời) có hai cánh chĩa lên trời mà người đứng đầu các triều đại sau của Việt Nam đều đội khi thiết triều hay tế lễ.

Tóm lại, chụp cho Lý thái Tổ cái mũ “Bình thiên” chẳng những không nâng cao được mà ngược lại, hạ thấp đến không ngờ vị thế của nước Đại Cù Việt so với đế quốc phong kiến Trung Quốc vì một trang phục đặc Hán như vậy rất dễ tạo cho người xem cảm giác vua ta là một người Hán được Nhà Tống phái sang cai trị nước Nam! 

clip_image010
Vua Lý Thái Tổ đội mũ “Bình thiên” trong phim Tần Thuỷ Hoàng đế đội mũ “Bình thiên”

clip_image012
Tranh cổ Trung Quốc

Tiếp nối ý đồ thâm hiểm nói trên là áo xống trong phim được thêu thùa rất lộng lẫy, y hệt trang phục của triều đình Trung Quốc trong khi nếu thừa nhận ông tổ nghề thêu ở Việt Nam là Lê Công Hành, đi sứ Trung Quốc vào thời Lê Thái Tông (trị vì từ 1433 đến 1442) – như có nhà nghiên cứu đã nêu – thì trang phục của vua, quan Nhà Lý quyết không thể nào như trong phim.

Áo giáp cũng vậy, rập theo mẫu của Trung Quốc. Đoàn Thị Tình người thiết kế trang phục không giấu giiếm: “Giáp trụ của tướng lĩnh dựa vào tám pho tượng Kim Cương”. Mà Kim Cương nào phải người Việt gì cho cam, là thần tướng hộ vệ Phật pháp – sản phẩm tôn giáo du nhập từ Trung Quốc.

Rồi đàn bà mặc quần, một hình ảnh phải nói thẳng là “quái thai” so với thực tế vì sử chép quân Minh, tức 4 thế kỷ sau, vẫn ra sức cấm phụ nữ ta mặc váy, lẽ dĩ nhiên với mưu đồ đồng hóa cho bằng được dân tộc Việt. Đó là chưa kể đến trang phục của diễn viên quần chúng, tất tật đều “sao y” Trung Quốc.

Trang phục có thể nói là duy nhất mang tính Việt là áo tứ thân dùng cho cung nữ, thế nhưng lại là xuyên tạc lịch sử. Thực vậy, loại trang phục này là của dân nghèo (thời xưa khổ vải do người Việt dệt chỉ rộng 35-40 cm nên phải chắp nhiều mảnh mới thành một cái áo) nên không thể là thứ dùng trong cung đình.

Bên cạnh trang phục thì kiến trúc trong phim cũng góp phần rất đắc lực trong việc xuyên tạc lịch sử Việt Nam theo hướng Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc. Điện Kính Thiên trong Hoàng thành Thăng Long còn lưu lại ở thế kỷ XIX chỉ có 2 mái thế nhưng trong phim cung điện 8 thế kỷ trước đó lại có những 3 mái; kiến trúc đặc thù Việt là mái đao uốn lên trời một cách tinh thế thì được thay bằng mái nhọn hoắt…

clip_image014
Điện Kính Thiên trong Hoàng thành thăng Long thế kỷ XIX

clip_image016
Cung điện trong phim

Đến đây, một câu hỏi không thể không được đặt ra: một bộ phim phản dân tộc, phản quốc như vậy tại sao có thể được đưa vào Chương trình quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, một sự kiện trọng đại không chỉ mang tính lịch sử – văn hóa mà còn mang tầm vóc chính trị rõ rệt?

Công văn số 3055/BVHTTDL- ĐA ngày 14/9/2009 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Thứ trưởng Lê Tiến Thọ ký thay Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh gửi Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long cho biết Văn phòng Chính phủ bằng Công văn số 5082 giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu tham gia Dự án xây dựng bộ phim truyền hình “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” có sự hỗ trợ từ phía Đài truyền hình ASEAN của Trung Quốc. Cũng tại Công văn trên, Bộ này khẳng định: “Bộ phim “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” được hoàn thành hứa hẹn là một công trình nghệ thuật hấp dẫn, mang tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn” và “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kính trình Phó Thủ tướng xem xét, đưa bộ phim vào nội dung chính thức của chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”. Chẳng chậm trễ, ngày 23/9/2009, Văn phòng Chính phủ gửi Bộ này Công văn số 6599/VPCP – KGVX thông báo “Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng có ý kiến: Đồng ý”.

Trong trao đổi nói trên giữa Chính phủ và Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, có 2 phi lý cùng cực:

Thứ nhất, phim chưa làm thì không thể đưa vào nội dung của bất cứ chương trình kỷ niệm nào chứ đừng nói Chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội mang tầm quan trọng quốc gia bởi do Chính phủ chủ trì!

Thứ hai, ngay cứ cho rằng bộ phim đã được hoàn tất thì để được đưa vào Chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, bộ phim phải được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước đã rồi sau đó nếu thấy ổn thì Bộ này mới có thể đề nghị Chính phủ đưa vào Chương trình. Thế nhưng như ta đã thấy, “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long lại theo quy trình ngược: “đi” từ Chính phủ xuống Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để rồi sau đó Bộ này chỉ làm cái việc hợp pháp hóa “việc đã rồi”!

Để nói, chính Chính phủ, chứ không phải ai khác, đã chủ động đưa bộ phim phản quốc “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” vào Chương trình kỷ niệm 1000 năm thăng Long –Hà Nội bởi nếu không, hai phi lý cùng cực nói trên khó có thể tồn tại.

Thưa Quốc hội,

Bất luận thế nào, một khi bộ phim phản quốc này được công chiếu thì chắc chắn đó sẽ là thảm họa không chỉ đối với Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội mà còn đối với chính dân tộc Việt Nam vì những lý do đã rõ.

Bởi lẽ trên, tôi kiến nghị Quốc hội thực hiện quyền hạn của mình quy định tại Khoản 9 Điều 84 Hiến pháp (Bãi bỏ các văn bản của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội) và căn cứ Khoản 4 Điều 11 Luật điện ảnh (Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh: Xuyên tạc sự thật lịch sử; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc…) để bãi bỏ ngay tức khắc văn bản của Chính phủ đưa bộ phim phản quốc “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” vào Chương trình kỷ niệm 1000 năm thăng Long – Hà Nội đồng thời yêu cầu Chính phủ cấm chiếu vĩnh viễn bộ phim phản quốc này trên phạm vi toàn Việt Nam.

Tôi đợi chờ hồi âm tích cực từ Quốc Hội.

Trân trọng,
NGƯỜI KIẾN NGHỊ
CÙ HUY HÀ VŨ

ĐT: 0904350187


Đọc tiếp...

HÃNG BBC QUAN TÂM TỚI "ĐƯỜNG TỚI THÀNH THĂNG LONG"

Phim tranh cãi về Lý Công Uẩn được ra mắt
.
Cảnh trong phim 'Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long'
Chuyên gia Trung Quốc chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên VN (Hình: Tân Hoa Xã)

Bộ phim từng gây nhiều tranh cãi "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" do Công ty Cổ phần Truyền thông Trường Thành sản xuất cuối cùng đã được phép phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia VTV3 vào ngày 30 tháng Sáu, theo truyền thông trong nước. 

Công văn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi Đài Truyền hình Việt nam, đề ngày 15/3/2011, được báo chí trong nước trích dẫn, cho hay bộ phim đã được chỉnh sửa và trở nên phù hợp hơn với lịch sử Việt Nam về nhiều mặt từ hình thức, diễn xuất tới nội dung:

"Kịch bản phim đã thêm lời dẫn chuyện vào những chỗ cần thiết để làm rõ thông tin muốn chuyển tải cho người xem biết và tự hào về một giai đoạn lịch sử của nước ta", văn bản của Bộ chủ quản ngành văn hóa trong nước khẳng định.

"Các diễn viên được chọn rất hợp vai, diễn xuất tốt, âm nhạc phù hợp với Việt Nam. Về cơ bản, tinh thần lịch sử trong phim được tôn trọng, không bị bóp méo, luôn đề cao tầm vóc và tình cảm của một vị vua vì dân, thương dân, biết đặt lợi ích của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân."
Nội dung phim không có gì vi phạm chính trị cũng như mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc
Công văn của Bộ Văn hóa gửi VTV
Đặc biệt công văn này đưa ra quan điểm mang tính thẩm định về khía cạnh chính trị và quan hệ giữa Việt Nam và nước láng giềng Trung Quốc, khi cho biết:

"Nội dung phim không có gì vi phạm chính trị cũng như mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc."

Bộ phim "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" do đạo diễn Trung Quốc Cận Đức Mậu thực hiện theo đặt hàng của công ty Trường Thành và kịch bản do chính lãnh đạo công ty Trường Thành, ông Trịnh Văn Sơn chắp bút, chủ trì có sự chỉnh sửa, cố vấn trong quá trình làm phim của cố vấn Trung Quốc.

Bộ phim truyền hình 19 tập lúc đầu được dự kiến ra mắt và phát sóng nhằm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vào tháng 10 năm 2010, nhưng đã bị tạm ngừng cấp phép do có quá nhiều ý kiến tranh cãi và phản đối từ nhiều giới trong nước vốn cho rằng đây là một bộ phim "Trung Quốc nói tiếng Việt".

"Một bộ phim gây tranh cãi sẽ không phù hợp để chiếu trong dịp trọng đại như kỷ niệm 1000 năm Thăng Long," tờ Dân trí trích lời đại diện Cục Điện Ảnh, ông Lê Ngọc Minh, Phó Cục trưởng, phát biểu trước truyền thông trong nước hồi cuối năm ngoái.

Phản đối kịch liệt

Giáo sư Lê Văn Lan
Giáo sư sử học Lê Văn Lan từng phản đối việc nhóm làm phim
giới thiệu ông trong phim với tư cách cố vấn lịch sử.

Tuy nhiên, ngay sau khi được tin về lịch phát sóng của bộ phim vào cuối tháng, nhà sử học Lê Văn Lan, xuất hiện trên trang blog cá nhân của Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện hôm thứ Bảy, 4 tháng Sáu, và cho biết ông "phản đối kịch liệt việc chiếu bộ phim này."

"Nói chung, tinh thần và những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta oanh liệt là thế, nhưng phim này thể hiện rất mờ nhạt, còn thì đấu đá nội bộ, thậm chí chém giết, sát phạt nội bộ và được tô đậm bằng những trường đoạn rất rùng rợn," Giáo sư Lan đánh giá về bộ phim qua ba lần chỉnh sửa và xét duyệt.

"Tóm lại, những nhân vật lịch sử trong phim đều bị bóp méo làm cho sai lệch đi. Điều này rất nguy hiểm, không chỉ vì nó là một sự xuyên tạc lịch sử trong một tác phẩm nghệ thuật; mà hơn thế, qua đây thì việc giáo dục truyền thống của dân tộc đã bị ảnh hường nghiêm trọng," chuyên gia hàng đầu về cổ sử Việt Nam, đồng thời là một trong các sáng lập viên của Viện Sử học Việt Nam nhận xét.

Ông Lan cũng đưa ra kết luận về hình thức, trang phục của các diễn viên trong bộ phim từ sau khi vượt qua lần xét duyệt cuối cùng hồi tháng 2 năm 2011:
Tóm lại, những nhân vật lịch sử trong phim đều bị bóp méo làm cho sai lệch đi. Điều này rất nguy hiểm, không chỉ vì nó là một sự xuyên tạc lịch sử trong một tác phẩm nghệ thuật; mà hơn thế, qua đây thì việc giáo dục truyền thống của dân tộc đã bị ảnh hường nghiêm trọng
Giáo sư Lê Văn Lan

"Không chỉ trang phục của nhà Vua mà của văn võ bá quan và trăm họ đều rất... Tàu. Rồi thì lại cả cảnh chùa chiền, cung điện, nhà cửa, ngựa xe, binh khí... cũng đều là rất Tàu."

Sau khi phủ nhận và một lần nữa lên tiếng việc tên tuổi của ban thân được nhóm làm phim đưa vào giới thiệu trong phim như là một cố vấn lịch sử của phim, Giáo sư Lê Văn Lan dự đoán về phản ứng của dư luận trước việc 19 tập phim sắp ra mắt ra sao trên trang blog của Nguyễn Xuân Diện:

"Tôi tin chắc rằng đồng bào tôi cũng như tôi không thể "tự hào" về mình, và tổ tiên của mình, ở một giai đoạn lịch sử quan trọng lại Tàu như thế này!"

"Và tôi nghĩ rằng, sẽ có nhiều người kêu gọi tẩy chay bộ phim này."
Tôi tin chắc rằng đồng bào tôi cũng như tôi không thể "tự hào" về mình, và tổ tiên của mình, ở một giai đoạn lịch sử quan trọng lại Tàu như thế này! Và tôi nghĩ rằng, sẽ có nhiều người kêu gọi tẩy chay bộ phim này
Giáo sư Lê Văn Lan
Nếu được phát sóng vào cuối tháng này trên kênh truyền hình quốc gia, "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" coi như chính thức được ngành văn hóa và truyền thông Việt Nam chấp nhận, kể từ sau khi nhận được giấy phép của các ngành Tuyên giáo, Văn hóa từ quý đầu năm nay.

Bộ phim truyền hình lấy chủ đề lịch sử được cho là tiêu tốn tới hàng chục triệu đôla trong quá trình làm phim, đã được chỉnh sửa nhiều lần theo yêu cầu của Cục Điện ảnh và Hội đồng duyệt phim quốc gia, mà ngày 20-21 tháng Hai, là lần duyệt phim thứ ba và cuối cùng mà bộ phim trải qua trước Hội đồng.

Hiện tại, hãng truyền thông Trường Thành và Đài VTV3 được cho là đang tiến hành mời các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia quảng cáo trước khi "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" lên sóng "vào giờ vàng" trên một kênh truyền hình vốn có tác dụng giáo dục, thông tin và giải trí hàng đầu khi phủ sóng toàn quốc ở Việt Nam.

Nguồn: BBC Việt ngữ.

Mời đọc thêm trên các báo chí trong nước:




Đọc tiếp...

GS CHU HẢO TRẢ LỜI PV VỀ "ĐƯỜNG LƯỠI BÒ"

Thân gửi TS Nguyễn Xuân Diện,

Trong file kèm theo là bản gốc bài trả lời phỏng vấn của tôi cho báo NLĐ. Theo thoả thuận trước, đáng lẽ bài này sẽ được đăng trên báo in vào ngày 5 tháng 6 (nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ đi tìm đường cứu nước và ngày con cháu của Người được biểu tình trong ôn hoà để tỏ rõ quyết tâm giữ nước). Nhưng đêm ngày 4 tháng 6 tôi được phóng viên thông báo là hoãn đăng đến đầu tuần sau. Tôi tưởng là đã bị loại, nhưng buổi chiều chủ nhật thì bài này được đưa lên NLĐ online. Tuy nhiên một số đoạn, có ý tứ riêng của nó, thì đã bị bỏ.

Xin gửi TS bản gốc, trong đó những dòng chữ màu đỏ là các đoạn bị cắt, để chia sẻ với ban đọc của Blog Lâm Khang.

Thân ái!
Chu Hảo

Toàn văn bài trả lời phỏng vấn Giáo sư Chu Hảo:

Phóng viên: - Theo dõi các diễn biến gần đây về Biển Đông, ông nhìn nhận thế nào về việc tàu hải giám Trung Quốc ngang ngược xâm phạm sâu sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN để cản trở, cắt cáp thăm dò địa chấn tàu Bình Minh 02 trong khi Người phát ngôn Bộ Ngoại TQ lại nói là “hoạt động bình thường”?

GS Chu Hảo: - Tôi cho rằng đó một bước leo thang nguy hiểm nhưng đã được chuẩn bị kỹ của phía Trung Quốc nhằm biến yêu sách “đường lưỡi bò” hay còn “đứt đoạn 9 khúc”… trên Biển Đông thành hiện thực. Đó hoàn toàn không phải là một hành động gây hấn bột phát mà được lên kịch bản từ trước với những toan tính sâu xa. Thứ nhất, TQ muốn lập lờ đánh tráo giá trị khi xâm phạm sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta nhưng lại la làng lên rằng đây là vùng tranh chấp. Toan tính thâm sâu là một chiêu trọng yếu để hiện thực hoá “đường lưỡi bò” vì yêu sách không chỉ “ngoạm” những vùng biển đảo rộng lớn thuộc chủ quyền của VN mà còn của nhiều quốc gia và khu vực ở Biển Đông. Thứ hai, TQ muốn đo lường phản ứng của VN cũng như khu vực và quốc tế trước bước leo thang mới - xâm phạm sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của một quốc gia có chủ quyền. Thứ ba, để dọn đường cho những bước đi tiếp theo trong tham vọng hiện thực hoá yêu sách “đường lưỡi bò”.

- Căn cứ nào để ông nhận định hành động của TQ với tàu Bình Minh 02 ngày 26-5 vừa qua là một kịch bản được dàn dựng trước?

- Nếu nhìn lại những hành động xuyên suốt của TQ để thực hiện yêu sách “đường lưỡi bò” là thấy rất rõ điều đó. Nhiều năm qua, TQ đã đầu tư rất mạnh cho hạm đội Nam Hải cũng như lực lượng mà họ dựa vào để đòi chủ quyền trên Biển Đông như giám hải và tuần ngư. Sau khi chính thức công khai yêu sách “đường lưỡi bò” tháng 5-2009, TQ cũng đồng thời cũng gia tăng các hành động đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông. Đó là các hành động cản trở, xua đuổi, uy hiếp, thậm chí bắt giữ tàu đánh cá VN trong vùng biển thuộc chủ quyền của mình; ra các lệnh cấm đánh bắt cá; tăng cường tầu giám hải, tuần ngư, tàu quân sự… Ngoài VN, TQ cũng gia tăng các hành động tương tự với các nước khác trên Biển Đông.

Ngay việc 2 trong số 3 tàu hải giám xâm TQ phạm vùng đặc quyền kinh tế của VN để cản trở hoạt động tàu Bình Minh 02 là những tàu hiện đại, mới hạ thuỷ cũng cho thấy hành động gây hấn này hoàn toàn không phải bột phát.

- Cho rằng TQ đã lên kịch bản để hiện thực hoá yêu sách “đường lưỡi bò” thì theo ông bước tiếp theo sẽ là gì?

- Những hành động trên của TQ có thể nhằm “dọn đường” cho bước leo thang tiếp theo là đưa dàn khoan dầu khổng lồ mà nước này vừa chế tạo vào hoạt động ở các vùng tranh chấp trên Biển Đông, thậm chí không loại trừ cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước trong khu vực. Hiện các nước trong khu vực Biển Đông đều đang theo dõi sát động thái này với mối quan tâm và lo ngại sâu sắc. Trường hợp TQ đơn phương tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác dầu ở khu vực còn tranh chấp sẽ đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà TQ đã ký với ASEAN.

- Vì sao TQ đã ký kết DOC mà lại luôn có những hành động đi ngược lại cam kết của chính họ trên Biển Đông?

- Tham vọng hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” che mờ tất cả. Biến Biển Đông thành “ao nhà” của mình, TQ không chỉ khống chế một huyết mạch hàng hải, một khu vực địa chính trị chiến lược trọng yếu của khu vực và thế giới mà còn mặc sức khai thác các nguồn tài nguyên giàu có như dầu khí, hải sản… Tuy nhiên, xét theo luật pháp quốc tế hiện đại cũng như luật pháp quốc tế cổ điển, yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở khoa học, không có giá trị pháp lý quốc tế và không ai có thể chấp nhận được. Ngay cả nhà nước cho tới học giả TQ cho đến nay vẫn không thể trả lời được câu hỏi làm sao xác định được tọa độ cũng như vị trí chính xác trên thực địa của từng đoạn cũng như của toàn bộ 9 đoạn của “đường lưỡi bò” mà yêu sách. Đó là lý do để TQ miệng nói đối thoại nhưng lại dùng sức mạnh vượt trội về mọi mặt so với các nước và khu vực còn lại trên Biển Đông để dần biến yêu sách của mình thành “sự đã rồi”.

- Nói như ông thì dù phi lý và ngang ngược nhưng TQ vẫn bất chấp để hiện thực hóa bằng được yêu sách của mình?

- TQ tham vọng và có sức mạnh song không dễ hiện thực hóa “đường lưỡi bò”. Cứ nhìn vào phản ứng quyết liệt và mạnh mẽ của Phillippines, một quốc gia tiềm lực yếu hơn TQ rất nhiều, cũng có thể thấy điều đó. Tàu quân sự TQ cản trở tàu thăm dò của mình, Phillippines lập tức cho máy bay chiến đấu ra răn đe, xua đuổi. TQ có những hoạt động bất thường ở vùng biển Philippines tuyên bố chủ quyền, đích thân Tổng thống nước này tuyên bố kiện lên LHQ… trong khi dư luận trong nước lên tiếng phẫn nộ.

- Song những phản ứng như vậy dường như đủ đến ngăn cản hành động của TQ?

- TQ có thể không ngại một quốc gia ASEAN tiềm lực thua xa mình nhưng bó đũa 10 nước ASEAN lại là chuyện khác. Ở đây không chỉ là vấn đề tiềm lực và sức mạnh mà quan trọng nhất là chính nghĩa, là lẽ phải. Một cường quốc mà để cả 10 nước láng giềng gần cùng phản ứng thì cường quốc đó không chỉ khiến khu vực mà cả thế giới phải dè chừng với con mắt đầy cảnh giác. Vấn đề vì thế phải làm sao để tiếng nói và hành động của ASEAN thực sự đồng nhất như chính hình ảnh trong biểu trưng của ASEAN là một bó lúa kết lại thật chặt với nhau trong một hiệp hội. Tư duy thờ ơ kiểu “không phải việc liên quan tới mình” của các quốc gia ASEAN khác trong từng việc, sự kiện xảy ra trên Biển Đông chính là một thứ thuốc kích TQ trong cơn thèm khát “đường lưỡi bò”.

- Vậy còn phản ứng của chúng ta?

- Chúng ta cần phản ứng thích đáng trên cả 3 cấp độ: song phương, khu vực và quốc tế. Chúng ta nhất quán tuân thủ DOC, Công ước về Luật Biển năm 1982 của LHQ cũng như thỏa thuận cấp cao hai nước VN-TQ nhưng cần dứt khoát và kiên quyết trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng và chủ động trong mọi tình huống. Những hành động xâm phạm ngang ngược và rõ ràng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa như ngày 26-5 vừa qua cần được ghi lại bằng các chứng cứ rõ ràng để thông tin nhanh nhất đến nhân dân trong nước, các nước trong  khu vực và toàn thế giới. Tàu cá hay các tầu khác hoạt động trong vùng biển của ta cũng nên có phương tiện ghi lại các hành động cản trở, uy hiếp… của tàu TQ làm bằng chứng và lập thành hồ sơ để cho thấy ai là bên đã vi phạm các thỏa thuận song phương, đa phương và luật pháp quốc tế.

Về cấp độ khu vực tôi đã nói ở trên. Điều cần làm trước mắt kiên trì và đẩy nhanh tiến trình DOC thành Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) để ràng buộc trách nhiệm pháp lý của TQ trong vấn đề Biển Đông.

Với những vụ việc ngang ngược và rõ ràng như vụ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa để cắt cáp thăm dò địa chấn tàu Bình Minh 02 vừa qua rất nên hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để đưa lên LHQ và kiện ra tòa án quốc tế. Thực tế tòa án quốc tế đã thụ lý và phán quyết về những vụ việc tương tự vụ tàu Bình Minh 02.

Kết hợp tốt phản ứng cả 3 cấp độ, tôi tin TQ sẽ luôn phải nghĩ kỹ trước mỗi hành động tiếp theo trên Biển Đông.

- Xin cảm ơn ông.

Đọc tiếp...

THÊM NHỮNG HÌNH ẢNH TỪ TP HỒ CHÍ MINH

XIN CẢM ƠN CHÙM ẢNH DO PHẠM BẮC CƯỜNG
GỬI TỚI NGUYỄN XUÂN DIỆN-BLOG

Một thanh niên đứng bất động 2 giờ đồng hồ bày tỏ thái độ phản đối Trung Quốc
Một nhà sư cùng xuống đường tham gia tuần hành
.
Riêng tấm hình này của Duy Ngọc. Nguồn: Anh Ba Sàm
Giáo sư Tương Lai tay cầm máy ảnh, tay giơ cao, miệng thét vang giữa đại lộ Sài Gòn
























Một nhà sư cùng xuống đường tham gia đoàn tuần hành phản đối nhà cầm quyền Bắc Kinh



















Người thanh niên đứng bất động khoảng 2h đồng hồ để tỏ thái độ phản đối Bắc Kinh





Bạn bè đến tiếp nước cho anh thanh niên


Đọc tiếp...