Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011

TIẾNG THỞ DÀI CỦA ÔNG NGUYỄN KHOA ĐIỀM

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm:
“Giờ chỉ còn chường mặt ra trong thơ”
Chủ Nhật, 5.6.2011 | 14:11 (GMT + 7) 

Từ dạo quay về làm dân ở Huế, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, sống rất lặng lẽ và kín tiếng. “Bây giờ tôi chỉ còn chường cái mặt tôi ra trong thơ”, ông nói thế khi bị thắc mắc.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong phòng làm việc của mình ở Huế.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong phòng làm việc của mình ở Huế.

Nhưng mới đây, ông làm tôi ngạc nhiên khi trong một hội thảo về văn hoá Huế, ông bất ngờ có một tham luận khá gay gắt và “nặng lời”. Phải chăng ông không còn “biết sợ điều phiền toái” nữa, như trong một câu thơ của mình trước đó?

Ông không trả lời ngay câu hỏi của tôi. Ông bảo từ ngày nghỉ hưu về Huế, ngoài chuyện làm thơ, đọc sách, mối quan tâm lớn nhất của ông là các vấn đề văn hoá: “Đó là mối quan tâm nhiều năm của tôi. Tôi thấy tình hình ta cứ làm văn hoá như thế này, ta còn đi xuống nữa. Cho dù ta có tham vọng phát triển đất nước giàu mạnh lên, nhưng hiện văn hoá chúng ta không được chuẩn bị tốt, thì lý tưởng xây dựng xã hội tốt đẹp đó còn lâu mới tới được. Kinh tế cũng không phát triển được”.

Xin ông nói rõ hơn về ý này?

- Tôi nói văn hoá là nói theo nghĩa rộng chứ không phải theo nghĩa tổ chức các câu lạc bộ sáng tác văn học. Toàn bộ cách chúng ta làm ăn, toàn bộ cách chúng ta xử sự, làm kinh tế, quản lý, luật pháp... chúng ta đang rất thiếu hụt về văn hoá. Việt Nam đã bị mất mát rất nhiều về văn hoá do chiến tranh, nhưng cũng do chính chúng ta làm mất. Khi đã thiếu văn hoá, con người ta rất dễ làm điều xằng bậy. Tôi thấy bây giờ trong ứng xử với nhau, cái gì mà con người ta có thể bày tỏ thái độ là họ bày tỏ rất thô bạo. Đó là sự thiệt hại lớn, không lường được đối với sự phát triển đất nước. Cái sai trong con người, cái sai về văn hoá là cái khó điều chỉnh nhất bởi biết đằng nào mà sửa, mà thay đổi.

Tôi đang lo là nhiều người hiện chỉ mới thấy hiện tượng mà chưa thấy được cái gốc sâu xa của vấn đề. Hiện văn hoá vẫn là cái khó đánh giá, khó nhận xét và quy kết. Ví dụ như một người quan sát nền văn hoá Việt Nam, họ phê phán những người làm lãnh đạo văn hoá không tốt, nhưng sự phê phán đó cũng không có chừng độ nào cả. Bởi vậy đôi khi có những cái sai lù lù ra đó, nhưng chúng ta vẫn không nói được một cách rành mạch về chúng.

Vấn đề nữa là hiện trong dân có một tâm lý rất phổ biến là người ta không thích guồng máy hành chính hiện tại. Người ta không thích và ngại tiếp xúc với chính quyền, trong khi cuộc sống của người dân lại có hàng trăm thứ phải gắn với chính quyền, bởi những “người đầy tớ của dân” luôn vòi vĩnh, lạnh nhạt... với dân. Đó là biểu hiện của một sự xuống cấp về văn hoá giao tiếp, văn hoá hành chính, ứng xử. Với một guồng máy như vậy thì làm sao đất nước phát triển khi thiếu sự tin cậy giữa chính quyền và người dân. Hiện dân chỉ đối phó với chính quyền. Tôi không rõ chúng ta điều chỉnh vấn đề này như thế nào?

Thưa, trong một hội thảo về văn hoá Huế mới đây, ông nói: “Ý thức bảo vệ, phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể là một ý thức đương đại...”. Từng là một người làm quản lý văn hoá ở cấp cao nhất, ông thấy ý thức này ở Việt Nam như thế nào?

- Đúng vậy, nó là một ý thức rất mới, chỉ ra đời cách đây vài trăm năm thôi. Lúc đó người ta mới bắt đầu nghĩ rằng văn hoá là một thành tố trong việc phát triển đời sống xã hội và xây dựng con người. Trước đây, rất nhiều giá trị, tất nhiên là quý, nhưng người ta chỉ coi như của cải đơn thuần (ví dụ cái bình cổ). Ở nước ta, phải nói rằng ý thức này ra đời chỉ khi người Pháp vào Việt Nam. Đền Sóc, đền Phù Đổng vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể thế giới, nhưng việc này đã được chuẩn bị từ thời kỳ ông Nguyễn Văn Huyên (Viện Viễn đông bác cổ) kia. Từ những năm 1930, ông đã có những công trình viết bằng tiếng Pháp về Phù Đổng thiên vương.

Muốn hình thành một ý thức như vậy trong xã hội, từ các nhà quản lý cho đến giới nghiên cứu, người dân... thì cần phải có một quá trình tuyên truyền rất công phu. Bởi đôi khi chúng ta đang phá mà không biết là mình phá. Có một thời kỳ, ý thức của chúng ta về các vấn đề này không được tốt. Chúng ta nhìn các giá trị lịch sử trước đây bằng một con mắt không thân thiện. Đứng trước các cung điện triều Nguyễn, chúng ta chửi nó là sản phẩm của giai cấp thống trị. Ngay cả một cái bình cổ trong nhà cũng bị quy kết là tôn thờ các giá trị phong kiến. Bài trừ tất cả các loại văn hoá liên quan tới phong kiến, thực dân... chúng ta đã cắt đứt quá khứ, cắt đứt sâu chừng nào thì được cho là có quan điểm lập trường tốt chừng đó. Đó là một thái độ rất nguy hại. Mấy chục năm nay đã điều chỉnh lại, nhưng không phải đã điều chỉnh hết được. Vậy mới có chuyện ta sống chung với các giá trị của hôm qua nhưng vẫn coi thường, vẫn khinh miệt...

“Ngày nay nhiều hoạt động tinh thần được thực hiện theo nguyên tắc của tiền bạc chứ không phải nguyên tắc của văn hoá, càng không nói là nguyên tắc đạo đức nữa...”. Ông nhận định như vậy có “nặng lời” quá không?

- Tôi thấy chẳng có gì nặng lời cả. Đúng là hiện nay, nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật của ta đang chạy theo đồng tiền. Tôi lấy ví dụ phim “Đường tới thành Thăng Long”, với danh nghĩa phục vụ cho ngày lễ lớn, nhưng lại đi mượn Tàu làm cho, để rồi cuối cùng mất cả trăm tỷ, vậy không phải chạy theo tiền là gì? Hay gần đây là những cuộc bán đấu giá trợ giúp người nghèo, đồng bào bị lũ lụt, thiên tai... lại chỉ là những trò đùa; rồi chuyện xuất bản sách giáo khoa... tiền cả. Tuồng, chèo, cải lương... bây giờ xập xệ hết vì không có tiền. Nếu cứ để kéo dài như vậy thì không biết sẽ tối tăm đến mức nào nữa.

Cái gì làm ra tiền thì đổ xô vào, cái gì không làm ra tiền thì bỏ, ngó lơ... là đang phổ biến. Khi bước vào thời kinh tế thị trường, chúng ta có một cái quên rất cơ bản, đó là kinh tế thị trường này chỉ phát triển khi các yếu tố khác cũng được phát triển thì mới có thể phát triển tốt và lành mạnh. Nếu chỉ thuần tuý là thị trường, tức làm ra tiền, thì nó phát triển không những không bền vững mà còn đầy thảm hoạ. Hãy nhớ khi chủ nghĩa tư bản ra đời, kèm theo đó là các hệ tư tưởng quan trọng về dân chủ, nhân đạo, về quyền con người, về bảo vệ di sản truyền thống... để làm cho con người vững vàng hơn trước các giá trị đồng tiền. Còn hiện ta như đang thả hết, chỉ coi kinh tế là quan trọng. Chúng ta như một người lâu nay đói khát, bỗng dưng thấy một đống tiền trước mặt là tất cả cùng nhào vồ lấy cho thật nhiều mà quên mất các giá trị làm nên sự đứng đắn, tử tế của một con người.

Tôi xin lặp lại câu hỏi: Có cảm giác, bây giờ ông đã thôi không “biết sợ điều phiền toái”?

- Sống trong một xã hội như xã hội mình thì khi nào cũng phải sợ, bởi điều phiền toái xuất hiện từ những phía mà mình không ngờ được, thậm chí nhiều khi nó đến từ anh em, bạn bè, bởi ta chuẩn bị cho sự phát triển con người chưa đầy đủ. Con người thì bao giờ cũng cần có sự tự do, thanh thản, cần sự chủ động lựa chọn trong suy nghĩ và phát biểu. Nhưng hiện ta chưa đạt tới những điều kiện như vậy, cho nên con người luôn gặp những khó khăn. Thậm chí ngay cả quyền được nói của nhà báo cũng chưa được thể hiện đầy đủ. Hay quyền được đi bỏ một lá phiếu đúng nghĩa của người dân cũng chưa đạt. Cho nên bất cứ lúc nào ta cũng có thể bị phiền toái.

Tôi thường nói với một vài anh em, hiện tôi như gái đã có chồng. Mà chồng thì chỉ có một thôi. Tức là, dù chồng có chết đi rồi, thì tôi cũng chỉ một chồng chứ không tái giá hay léng phéng tìm đối tác. Tôi sống với xã hội này cũng như vậy. Tôi biết mình đã gắn bó, đã được nuôi dưỡng từ trong máu thịt với hệ thống xã hội, với chế độ này. Tôi luôn gắn bó một lòng, nhưng không hẳn khi nào hôm nay tôi cũng phải suy nghĩ như hôm qua cả. Tôi phải có những suy nghĩ mới của tôi về tất cả mọi chuyện.

Nhưng từ đó để nói rằng tôi đi tìm kiếm những cơ hội khác, những manh mối khác thì không phải. Ngày hôm qua tôi chưa nói về điều A, điều B vì tôi chưa nghĩ tới, hoặc thời điểm đó tôi cũng chỉ mới suy nghĩ tới ngang đó. Đã có người hỏi tôi là vấn đề đó hôm qua không thấy bác nói, nhưng bây giờ bác nói? Thật ra hôm qua chưa nghĩ được. Tôi phải sống như mọi người, với chừng ấy năm tháng, đến giờ phút này, tôi cũng chỉ mới nhìn được như mọi người. Bởi tôi luôn mong muốn cho quê hương, đất nước đạt được những giá trị mới chứ không phải giá trị cũ.

Vậy nên thích hơn cả vẫn là “chường cái mặt mình ra trong thơ”?

- Đúng vậy. Bây giờ tôi chỉ còn chường cái mặt tôi ra trong thơ. Thơ thì phải nói thật lòng mình, không thể giấu mình, không thể nói dối... Việt Nam chúng ta lại quan niệm văn học là đạo lý, trách nhiệm... nên gò bó sự sáng tạo cũng như hạn chế sự thổ lộ. Trong khi văn chương phải thể hiện cái đẹp nội tâm của con người. Gần đây ý thức như vậy đã có, nhưng chưa đủ. Vì vậy tôi đã nghỉ hưu, nhưng nhiều người lãnh đạo mong tôi phải thế này thế kia, phải làm thơ ngợi ca, phải hô hào tiến lên... Vừa rồi khi tôi công bố một số bài thơ trên báo sau khi về Huế, có rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí có người chê trách tôi “đổi giọng”, nhưng tôi không quan tâm...
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Hoàng Văn Minh thực hiện
Nguồn: Lao Động Online.
Đọc tiếp...

BẢN TIN CỦA TTX VIỆT NAM VỀ CUỘC BIỂU TÌNH HÔM NAY

Về việc một số người tụ tập gần Đại sứ quán Trung Quốc


Ngày 5.6, một số phương tiện truyền thông ở ngoài nước loan tin về việc đã xảy ra "các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc" trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở TP.HCM. Đó là thông tin sai sự thật.

Trên thực tế, sáng 5.6, có một số ít người đã tự phát tụ tập, đi ngang qua Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở TP.HCM để thể hiện tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, bày tỏ thái độ phản đối việc các tàu hải giám của Trung Quốc cản trở hoạt động, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 khi tàu này đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Những người này cho rằng, hành động của các tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.

Những người này tụ tập một cách trật tự, bày tỏ thái độ một cách ôn hòa, và sau khi được các đoàn thể, các cơ quan chức năng của Việt Nam giải thích, họ đã tự giải tán, ra về.

------------------------------------------------------------

Hoàn toàn nhất trí với TTX Việt Nam, cuộc tụ tâp tự phát hôm nay không phải là cuộc biểu tình và mời chư vị xem thêm một số hình ảnh sáng nay tại ĐSQ TQ và đường phố Hà Nội
.
 













  

Đọc tiếp...

TRÊN TRANG TIN CỦA CÁC HÃNG BBC VÀ RFI

BBC Việt ngữ:
Biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam

Các cuộc biểu tình chống chính sách của Trung Quốc tại Biển Đông đã diễn ra sáng Chủ nhật 05/06 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Các nhân chứng cho hay con số người tham gia cuộc biểu tình hiếm khi xảy ra ở Hà Nội là 'hàng trăm người', trong khi con số ở TP Hồ Chí Minh được biết là đông đảo hơn.

Người biểu tình mang cờ Việt Nam và các biểu ngữ phản đối hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam cũng như yêu sách đường chín đoạn của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Đã nhiều lần kế hoạch biểu tình chống Trung Quốc bị ngăn cản, nhưng lần này các cuộc tuần hành đã diễn ra tại cả hai đô thị lớn nhất nước, dường như đã có sự nhân nhượng ngầm của chính quyền.
Người biểu tình mang cờ Việt Nam và các biểu ngữ phản đối hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam cũng như yêu sách đường chín đoạn của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Một nhân chứng

Tại Hà Nội, nhân chứng nói đám đông đa phần là thanh niên đã tụ tập từ sáng sớm trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc trên phố Hoàng Diệu.

Nhiều người mặc áo T-shirt màu đỏ có sao vàng, mang theo các khẩu hiệu 'Phản đối Trung Quốc gây hấn' và 'Trung Quốc gãy chấm dứt việc xâm lược biển đảo của Việt Nam'.

Một số người mang cờ Trung Quốc có hình sọ người của hải tặc.

Đám đông tụ họp chừng nửa tiếng, tới khoảng 8:45 phút sáng thì bị công an giải tán.

Từ vị trí trên đường Hoàng Diệu , đoàn người đã tiến về hướng Hồ Hoàn Kiếm, hát vang quốc ca Việt Nam và kêu gọi phản đối Trung Quốc.

Tại TP Hồ Chí Minh, đám đông tiến về Lãnh sự quán Trung Quốc qua các ngả Chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, với con số người đông đảo hơn Hà Nội, mà nhân chứng nói cao điểm có thể hàng nghìn.

Nhiều người mang khẩu hiệu đòi Trung Quốc phải bồi thường thiệt hại cho Việt Nam trong các vụ gây hấn và sách nhiễu.

Bên ngoài tòa lãnh sự quán Trung Quốc trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, thanh niên cũng hát quốc ca và một số bài hát cách mạng.

Phản ứng chính quyền

Hai cuộc tuần hành tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được biết đã kết thúc trong buổi sáng.

Lời kêu gọi tổ chức biểu tình ôn hòa chống chính sách của Trung Quốc đối với lãnh thổ Việt Nam đã được lưu truyền nhiều ngày nay trên internet và các diễn đàn cũng như mạng liên kết xã hội.
Cuộc tuần hành theo tôi được biết đã diễn ra bình tĩnh, trật tự, không cản trở giao thông và cũng không mang các biểu ngữ mang tính kích động.
 Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh

Lúc đó đã có nhận xét rằng cuộc tuần hành có thể sẽ được phép diễn ra, vì sức ép của sự bức xúc lớn trong xã hội sau việc ngày 26/05 tàu hải giám Trung Quốc gây hấn với tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam chưa có phản ứng gì trước hoạt động biểu tình và báo chí chính thống cũng chưa có tường thuật về sự việc này.

Tuy nhiên, bên lề diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La tại Singapore, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh nói với BBC rằng ông "được biết đã có nhiều người dân tụ tập phản đối" chính sách của Trung Quốc tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Biểu tình trước cửa đại sứ quán TQ
Ông Vịnh nói: "Đây là hành động tự phát của người dân".

Ông thứ trưởng cho hay ông được thông báo qua điện thoại rằng sau khi các địa phương vận động giải thích, đám đông đã tự động giải tán.

"Cuộc tuần hành theo tôi được biết đã diễn ra bình tĩnh, trật tự, không cản trở giao thông và cũng không mang các biểu ngữ mang tính kích động."

Thế nhưng Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nói quan điểm của riêng ông đối với các hoạt động biểu tình như trên là "không nên, dù đây là bắt nguồn từ lòng yêu nước".

"Người dân phải tin rằng Nhà nước sẽ có giải pháp, có đủ trách nhiệm để vừa giữ chủ quyền lãnh thổ, vừa duy trì hòa khí và quan hệ với Trung Quốc."

Dư luận bức xúc

Năm 2007-2008 đã có một số cuộc biểu tình chống Trung Quốc cũng tại Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh.
Sau đó hoạt động này bị chính quyền ngăn cản, vì không muốn quan hệ với nước lớn láng giềng bị ảnh hưởng, cũng như ngăn chặn việc "các thế lực xấu" lợi dụng lòng yêu nước của người dân.

Đã có cáo buộc đảng Việt Tân tại hải ngoại có thể tham gia kích động chống chính quyền trong nước, khiến tổ chức này phải lên tiếng giải thích.

Việt Tân hôm thứ Bảy ra thông cáo nói họ "tôn trọng vị trí độc lập ... của mọi đoàn thể, tập hợp người Việt yêu nước khác" và bác bỏ 'sự hiểu lầm' nói trên.

Trước cuộc tuần hành nhiều cá nhân, tổ chức của Việt Nam bằng cách này hay cách khác cũng đang tìm cách bày tỏ thái độ của mình trước hành xử "ngang ngược" của Trung Quốc.

Từ nhiều ngày nay, liên tục có các cáo buộc tàu Trung Quốc vi phạm lãnh hải của Việt Nam, uy hiếp ngư dân và các tàu thuyền của Việt Nam.

Sinh viên Việt Nam tại Australia và c̣ông đồng người Việt ở Los Angeles cũng đã có các cuộc biểu tình trước cơ quan đại diện ngoại giao của Trung Quốc trước các cuộc tuần hành ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.

RFI - Việt ngữ:
Cả ngàn người xuống đường tại Sài Gòn và Hà Nội phản đối Trung Quốc 
.
Biểu tình tại Hà Nội ngày 05/06/2011, phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông
Biểu tình tại Hà Nội ngày 05/06/2011, phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông - REUTERS
Trọng Nghĩa / Trọng Thành
 
Hàng trăm người tập hợp trước đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, cả ngàn người trước tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh, vào hôm nay, 05/06/2011, đông đảo người dân trong nước, đã xuống đường phản đối các hành động của Trung Quốc, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại khu vực Biển Đông.

Các cuộc biểu tình và tuần hành đã diễn ra một cách ôn hòa, quy tụ chủ yếu là thanh niên, nhưng cũng thu hút nhiều nhân sĩ trí thức lớn tuổi.

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, khoảng 300 người đã tập hợp biểu tình trong nửa tiếng đồng hồ trước khi giải tán một cách ôn hòa theo yêu cầu của 50 cảnh sát vũ trang được phái đến nơi theo dõi.

Hãng tin Mỹ AP còn cho biết thêm là sau khi rời nơi biểu tình, đoàn người còn tuần hành qua các đường phố trung tâm Hà Nội hướng về hồ Hoàn Kiếm, vừa đi vừa hát quốc ca và hô vang các khẩu hiệu chống Trung Quốc.

Những người tham dự đã mang theo đủ loại biểu ngữ, nội dung đả kích Trung Quốc xâm lấn vùng biển đảo của Việt Nam như : "Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam", " Phản đối Trung Quốc gây hấn", "Trung Quốc phải chấm dứt gây hấn", "China, hàng xóm to xác, xấu tính", "Phản đối đường lưỡi bò phi pháp"…
 .
Có người còn trương cờ Trung Quốc nhưng bên trên có in thêm biểu tượng của quân cướp biển là hình chiếc đầu lâu bên trên hai lưỡi kiếm đan chéo vào nhau. Bên cạnh đó cũng có những khẩu hiệu ghi bằng Việt ngữ và Hoa Ngữ, nội dung nêu bật "Trung Hoa vĩ đại, xử sự tầm thường".

Một biểu ngữ khác mang chân dung tướng Võ Nguyên Giáp bên trên ghi chữ "Trung Quốc phải chấm dứt gây hấn", bên dưới kêu gọi "Việt Nam tinh nhuệ hóa quân đội".

Trả lời câu hỏi của AFP, một tư chức 50 tuổi, giải thích lý do thúc đẩy ông tham gia cuộc biểu tình như sau : "Chúng tôi đến đây để yêu cầu chính phủ có một số biện pháp bảo vệ chủ quyền quốc gia". Một sinh viên 21 tuổi cho biết là sở dĩ họ phải biểu tình vì cảm thấy đất nước bị Trung Quốc sỉ nhục.

Trả lời RFI, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện tại Hà Nội, một người đã quan sát cuộc biểu tình, xác nhận đây là một hành động "tự phát" của quần chúng :

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện tại Hà Nội
05/06/2011
by Trọng Thành

"Cuộc tuần hành, biểu tình trước đại sứ quán tại Hà Nội diễn ra ngày hôm nay là cuộc biểu dương lực lượng không có người tổ chức, người cầm đầu, đều là do tự phát.
 .
Vào khoảng lúc 7giờ 30, đã có lác đác một số người tập trung ở một số quán cà phê xung quanh công viên, chỗ có tượng đài Lênin, tức là trước cửa đại sứ quán Trung Quốc.

Đến lúc vào khoảng gần 8 giờ, đã có khoảng 100 người tụ tập, giương cao biểu ngữ và khẩu hiệu. Chúng tôi thấy tất cả những khẩu hiệu này đều là phản đối việc nhà cầm quyền Trung Quốc vừa có cử chỉ gây hấn tại vùng Biển Đông thuộc lãnh hải của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.

Tất cả những người đi biểu tình hôm nay đều thể hiện một tinh thần yêu nước, luôn luôn đứng bên cạnh nhau và tỏ một thái độ rất cương quyết đối với Trung Quốc. Cử chỉ thì rất ôn hòa.

Vào khoảng gần 9 giờ, cảnh sát, các lực lượng an ninh có tới và yêu cầu mọi người dời khỏi khu vực vườn hoa ở trước cửa đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội. Họ dùng một cái dây mềm tiến vào đoàn người để buộc đoàn người rời khỏi cái khu vực vườn hoa đó. Lúc đó có hai đoàn, một đoàn kéo về Bờ Hồ, một đoàn kéo dọc theo đường Phùng Hưng rồi cũng ra Bờ Hồ, tuần hành trên các đường phố. Kết thúc cuộc tuần hành là vào khoảng 12 giờ.

Chúng tôi thấy rằng buổi tuần hành, biểu tình hôm nay diễn ra ở Hà Nội là ôn hòa và rất tôn trọng các điều luật, không có gây ra một sự cố gì đáng tiếc.

Tôi thấy là người dân đã thể hiện được tinh thần yêu nước, luôn luôn đứng bên cạnh nhau và đứng bên cạnh chính quyền Việt Nam trong việc phản đối sự xâm phạm lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc trong thời gian vừa rồi. Cuộc biểu tình này không phải là cuộc biểu tình lớn, nhưng tôi rất mừng là lòng dân rất đoàn kết và các cơ quan an ninh hôm nay đã ứng xử một cách rất là « được », không gây ra một sự xung đột nào.

Tôi cho rằng, dù là tự phát nhưng cuộc tuần hành đã thể hiện được tinh thần của nhân dân Việt Nam trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên khu vực Biển Đông thuộc lãnh hải của Việt Nam trong thời gian vừa qua".


Tính đến 12 giờ trưa nay, giờ Paris, tức 18 giờ Hà Nội, báo chí chính thức tại Việt Nam chưa thấy đưa tin về các cuộc biểu tình, nhưng thông tin, hình ảnh và video về các cuộc biểu tình đã rộ nở trên các trang blog.

Ít nhất 1000 người biểu tình tại Sài Gòn

Theo nguồn tin trên blog, tại thành phố Hồ Chí Minh, thủ phủ kinh tế của Việt Nam, phong trào biểu tình rất rầm rộ, quy tụ từ ít nhất 1000 người cho đến 3000 người, có ước tính lên đến 8000 người.

Theo các nhân chứng, công an đã cho chận xe trên các đường phố phía trước tổng lãnh sự quán Trung Quốc, ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai (tên cũ là Hồng Thập Tự rồi Xô Viết Nghệ Tĩnh) và Phạm Ngọc Thạch (tức là Duy Tân trước đây), nhưng vẫn cho người đi bộ vào. Sau khi tập hợp trước tổng lãnh sự quán Trung Quốc, đoàn biểu tình cũng tuần hành trên các trục lộ lớn khu vực chung quanh Nhà thờ Đức Bà, tòa tổng lãnh sự Mỹ, dinh Thống Nhất (tức Dinh Độc lập).

Về phong trào biểu tình ở Sài Gòn, giới quan sát ghi nhận nhiều yếu tố đáng lưu ý. Trước hết là số người tham gia rất đông, vượt mức 1000, lại có sự hiện diện của nhiều nhân sĩ, trí thức, như nhà sử học lão thành Nguyễn Đình Đầu, ông Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, nhà thơ Đỗ Trung Quân, ông Huỳnh Tấn Mẫm, cựu lãnh đạo phong trào sinh viên Sài Gòn trước đây…

Mặt khác, đoàn biểu tình cũng hô hàng loạt khẩu hiệu khi đứng trước cửa tòa tổng lãnh sự Trung Quốc như : "Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam", "Ðả đảo Trung Quốc"… Biểu ngữ cũng đa dạng, có cả khẩu hiệu bằng Anh ngữ như "China must respect UNCLOS 1982 (Trung Quốc phải tôn trọng Công ước Luật Biển Liên Hiệp Quốc) ; Justice and Peace on Oriental Sea (Hòa bình và Công lý trên Biển Ðông) ; Paracel and Spratly belong to Viet Nam (Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam)…”

Một sinh viên tại Thành phố Hồ Chí Minh
05/06/2011
by Thụy My

Một sinh viên 24 tuổi, đã từng tham gia cuộc biểu tình chống Trung Quốc cách nay 4 năm, lần này cũng có mặt trong đoàn người đã không tránh khỏi so sánh hai sự kiện. Trả lời RFI, anh cho biết : 

Theo hãng AFP, biểu tình là một hành động đầy rủi ro tại Việt Nam, và nhiều người tham gia các cuộc biểu tình chống Bắc Kinh trước đây, vào năm 2007, từng bị bắt giữ sau khi chính quyền Việt Nam bị Trung Quốc phản đối vì đã cho phép sự kiện này diễn ra.

Lần này, các cuộc biểu tình đã được gián tiếp bật đèn xanh cho thấy là việc Trung Quốc chèn ép Việt Nam tại Biển Đông đã trở thành nghiêm trọng, đặc biệt sau vụ Bắc Kinh cho tàu hải giám tiến vào bên trong vùng thềm lục địa của Việt Nam để cắt cáp thăm dò của tàu nghiên cứu địa chấn của Việt Nam, ở ngoài khơi miền Trung Việt Nam cuối tháng Năm vừa qua, rồi sau đó tiếp tục sách nhiễu một tàu thăm dò khác của Việt Nam ngoài khơi miền Nam… Khi bị phản đối, Bắc Kinh lại đổ lỗi cho Việt Nam là đã hoạt động tại các vùng biển thuộc chủ quyền của họ.

Đọc tiếp...

NHỮNG HÌNH ẢNH ĐẸP SÁNG NAY Ở HÀ NỘI VÀ TP HỒ CHÍ MINH

NHỮNG HÌNH ẢNH TRÊN ĐƯỜNG PHỐ HÀ NỘI SÁNG NAY


















Chùm ảnh của Lê Tuấn Anh

 

VÀ ĐÂY NHỮNG HÌNH ẢNH ĐẸP TỪ THÀNH PHỐ MANG TÊN BÁC HỒ

do Nhà báo Nguyễn Quốc Thái vừa gửi từ Sài Gòn (người chụp: Cao Lập) tới Anh Ba Sàm


Andre Hồ Cương Quyết

 
Từ trái qua: Đình Vượng, Vương Đình Chữ, cụ Phạm Đình Đầu, cựu “quan chức” Mặt trận Tổ quốc Lê Hiếu Đằng, Nhà thơ Đỗ Trung Quân, Nhà báo Quốc Thái, cô Trần Tử Vân Anh, Andre Hồ Cương Quyết, Huỳnh Tấn Mẫm

 Đoàn tuần hành đang qua bên hông Nhà thờ Đức Bà

Trước tòa Lãnh sự Trung Quốc

Ngó như đi hội vậy nhưng là thứ mà bọn bành trướng khiếp sợ nhất

Người Bắc, người Hà Nội chắc còn phải học hỏi nhiều …

+ Tiếp theo là hình ảnh do độc giả QN  gửi:
Trẻ người … già dạ!


 
Những khẩu hiệu rất ôn hòa – Chính quyền còn mong muốn nào hơn?

 
Bác cháu ta cùng nhau đi giữ nước!

 
Nghèo nhưng không hèn!


tiếp tục cập nhật...
Đọc tiếp...

NỐI VÒNG TAY LỚN - ĐÁP LỜI NON SÔNG


MỘT TRĂM NĂM TRƯỚC, NGÀY NÀY, BÁC HỒ RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC
Từ sự ra đi của Bác nghĩ tới trách nhiệm thế hệ trẻ

Giới trẻ ngày nay phải làm chủ được tri thức hiện đại, biết đau với nỗi đau của đất nước, biết lo nỗi lo chung của đất nước…

Với một tình yêu nước cháy bỏng, khi rời khỏi nước, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã xác định rằng ra đi là “sẽ trở về giúp đồng bào ta”. Suốt gần ba thập niên sống và làm việc ở nước ngoài nhưng, về ý thức, Người không hề xa tổ quốc. Tinh thần ấy của Người vẫn còn nguyên giá trị to lớn, nhất là đối với trí thức trẻ trong thời đại ngày nay. 

Đây là một trong những nội dung đã được làm sáng tỏ tại Hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh - hành trình tìm đường cứu nước” tổ chức tại TP.HCM hôm 31-5.

Rời khỏi nước là để về cứu nước

Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Hoàng Linh, Phó Giám đốc Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, cho biết nhiều học giả nước ngoài có những nhận định sâu sắc về cuộc hành trình đầy gian lao nhưng vĩ đại của Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, cuộc hành trình đã làm thay đổi cả diện mạo của dân tộc Việt Nam. Lý giải cho câu hỏi: “Tại sao Nguyễn Tất Thành lại quyết định rời đất nước?”, nhà ngoại giao William J. Duiker, GS sử học ĐH Penn State, viết: “Không nghi ngờ gì khi rời Sài Gòn tháng 6-1911, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã hoàn toàn nhận thức được những bất công mà đất nước mình đang phải gánh chịu và trong nước chưa có lời giải. Biết đâu anh có thể kiếm được những lời giải đó trong cuộc hành trình của mình”. 

Trong bài tham luận gửi tới hội thảo, Trưởng ban tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa cũng nhìn nhận đó là một quyết định táo bạo của chàng thanh niên 21 tuổi Nguyễn Tất Thành lúc đó. “Một thân một mình với hai bàn tay trắng bước chân xuống tàu vượt qua các hải cảng, đại dương, chấp nhận mọi thử thách gian lao với một đức tin và một nghị lực phi thường”.


Bác Hồ nói chuyện với đại biểu dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II năm 1956 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Ảnh tư liệu
Và trong cuộc viễn du 30 năm qua 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Năm 1941, Người về nước và đã trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc giành được những thắng lợi vĩ đại, với mốc son chói ngời là sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945…

Trí thức trẻ: Hãy cùng lo nỗi lo chung 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết. Người cũng căn dặn: Vì sự nghiệp 10 năm trồng cây, vì sự nghiệp 100 năm trồng người. 

Từ việc Bác ra đi tìm đường cứu nước 100 năm trước, nhìn lại sự ra đi học hỏi ở nước ngoài của nhiều bạn trẻ ngày nay, linh mục Nguyễn Công Danh, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, trăn trở: “Trong cả thế kỷ trước, nước Việt Nam nghèo nàn và lạc hậu đã có thể hun đúc một con người ra đi và tin, trông đợi người con ấy về làm cách mạng giải phóng dân tộc. Hôm nay, đất nước phồn thịnh hơn rất nhiều lần, một xã hội hiện đại hơn rất nhiều lần nhưng lại đang đối diện với tình trạng chảy máu chất xám đó đây. Trong số những bạn trẻ xuất ngoại lên máy bay đến những nước xa học tập, ta đón được bao nhiêu đứa con ấy trở về xây dựng và kiến tạo đất nước?”. 

Ông Danh cho rằng hơn lúc nào hết, cùng với việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chúng ta phải quay lại học hỏi nền giáo dục nhân cách và đạo đức của xã hội xưa để giúp cho thế hệ trẻ biết vươn lên với tinh thần, tình cảm và trách nhiệm của mình. Phải làm sao đó để giới trẻ làm chủ được một cách đúng đắn tri thức hiện đại, trở thành những người có đầy đủ tâm và tài, biết đau với nỗi đau của đất nước, biết lo với nỗi lo chung của đất nước. “Tức là phải biết tự xóa đói về thông tin, về trí tuệ, phải biết tự xóa nghèo về nhân cách và đạo đức làm người để thực sự trở thành những công dân tốt nhằm xây dựng đất nước vững mạnh, tiến bộ” - ông nhấn mạnh.


Chinh phục tri thức để phục vụ đất nước
Ngày trước, Bác Hồ chỉ có hai bàn tay trắng mà dám dấn thân, vượt qua mọi khó khăn để bôn ba khắp nơi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Điều đó làm tôi vô cùng khâm phục. Bản thân tôi cũng như trí thức trẻ ngày nay cần phải lấy đó làm tấm gương để vượt qua mọi khó khăn của mình, phấn đấu học tập, rèn luyện, chinh phục được đỉnh cao tri thức để phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
VÕ THÀNH ĐẠT, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn
Tạo điều kiện để trí thức trẻ cống hiến
Tôi nghĩ giới trẻ hiện nay không thiếu người có lý tưởng, có tinh thần yêu nước và muốn cống hiến hết mình cho đất nước. Hơn ai hết họ biết nước mình đang gặp khó khăn gì và cần điều gì. Tôi mong Nhà nước cần có cơ chế và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để thế hệ trẻ được phát huy hết khả năng của mình, góp sức đưa Việt Nam ngày càng đi lên, ngày càng giàu mạnh.
TRƯƠNG MINH TƯỚC NGUYÊN, Phó Bí thư Đoàn Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM
Đoàn kết để bảo vệ chủ quyền biển, đảo
Điều cần thiết hiện nay là cần phải kết nối truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam một cách xuyên suốt giữa các thế hệ, nhất là ở thế hệ trẻ. Đó chính là động lực, là sức mạnh to lớn để người Việt Nam vượt qua bao khó khăn, thử thách. Và đó cũng chính là sức mạnh to lớn để chúng ta bảo vệ những thành quả đã có được; bảo vệ chủ quyền, nhất là chủ quyền biển đảo của Việt Nam chúng ta.
PHẠM VŨ HOÀNG GIANG,
sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM
MINH CƯỜNG

Đọc tiếp...