Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

GS. NGUYỄN MINH THUYẾT: "ĐỪNG TỰ HUYỄN HOẶC MÌNH"












Bài phỏng vấn không đăng báo:
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: “Đừng tự huyễn hoặc mình”

PV: Bộ VHTT&DL vừa tổng kết 10 năm Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá. Có 16 triệu gia đình được công nhận là gia đình văn hóa, đạt tỉ lệ 78,8% trên tổng số hộ gia đình Việt Nam. Ông có ấn tượng gì về con số này?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (Giáo sư NMT): Gần 80% gia đình văn hóa là con số rất lớn. Nhưng phải xem thực chất danh hiệu ấy như thế nào. Nếu có đến gần 80% gia đình văn hóa thì ứng xử của người dân trong gia đình cũng như ở ngoài xã hội phải khác. Nhưng quanh ta có biết bao nhiêu chuyện đáng buồn. Trong gia đình, ruột thịt có thể đâm chém nhau vì nhà đất, vợ có thể thiêu cháy chồng vì tiền, con có thể dìm cha xuống nước vì lẽ gì không biết v.v... Đến nữ sinh cũng chửi tục, rồi đánh xé nhau, quay video phô bày lên mạng. Ngoài phố thì mạnh ai nấy đi, rác rưởi tiện đâu vất đó,… Mỗi ngày ít nhất cũng phải chứng kiến vài anh đái bậy, mấy ông vừa cưỡi xe máy vừa nhổ phì phì,... Chỉ từng ấy thôi là đã đánh giá được văn minh nước mình đến đâu. Đó là chưa kể các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm,… đã và đang xâm nhập vào tận căn bếp, giường ngủ của không ít gia đình.

PV: Vậy theo ông, chuyện công nhận danh hiệu gia đình văn hóa đã thiên về hình thức, số lượng mà không đúng thực chất?

Giáo sư NMT: Không phải chỉ danh hiệu gia đình văn hoá mới thiên về số lượng, thiếu thực chất đâu. Bạn cứ nghĩ mà xem, gần như 99% cán bộ, công chức, viên chức, lao động năm nào cũng đạt danh hiệu lao động giỏi, lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, nhưng khoa học – giáo dục vẫn lạc hậu, kinh tế vẫn chậm phát triển, đời sống vẫn nheo nhóc,… Bệnh thành tích nặng quá rồi. Ai cũng biết thế, nhưng không ai muốn chữa. Chỉ có ngành giáo dục ra quân rầm rộ được chừng một năm, rồi đâu lại đóng đấy.

PV: Ông nghĩ như thế nào về nguyên nhân của tình trạng xuống cấp về văn hoá hiện nay?

Giáo sư NMT: Trước hết là suốt mấy chục năm qua, chúng ta phải tập trung toàn lực vào kinh tế, ít quan tâm đến văn hoá. Trong nhà thì người lớn mải làm mải ăn, thoát được nghèo lại lo làm giàu, sao nhãng việc dạy bảo con cái, sao nhãng cả việc quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Ở cơ quan, đơn vị thì người làm quản lý phải lo nuôi quân, nuôi bằng đủ mọi cách, đẩy dần lễ nghĩa về hàng sau. Trong xã hội thì phần ngân sách dành cho cả hai lĩnh vực văn hoá lẫn thông tin chỉ từ 1,5% đến 1,6%. Nhiều nơi, nhà văn hoá trở thành xa xỉ, bị thay dần bằng khách sạn, nhà hàng. Khai trương doanh nghiệp, động thổ các công trình kinh tế thì khách đến đông vui, nhưng khai giảng ở trường đại học, mời được một cán bộ cấp thứ trưởng về dự đã mừng như bắt được vàng. Nguyên nhân thứ hai là từ khi chấm dứt chế độ thực dân – phong kiến đến nay, chúng ta ít nhất đã hai lần thay đổi rất căn bản quan niệm về nếp sống, nhưng nếp cũ bị xoá đi mà nếp mới vẫn chưa định hình. Lần cách tân thứ nhất là xoá sạch “tàn tích” thời thực dân – phong kiến, còn lần thứ hai là rũ bỏ những quan niệm và nếp sống gắn bó với cả một thời gian khó, ngây thơ mà trong sáng, bước vào kinh tế thị trường. Mỗi lần cách tân là một lần rơi rụng, mất mát khá nhiều. Nguyên nhân thứ ba là chúng ta luôn thiếu những biện pháp cụ thể, hữu hiệu để gây dựng nếp sống mới. Xã hội nhiều phong trào thi đua với những khẩu hiệu to tát, biện pháp chung chung quá. Nhiều mà nội dung không cụ thể nên thường làm hình thức, chiếu lệ. Lâu dần, tự mình lại huyễn hoặc mình về kết quả, hiệu quả của phong trào.

PV: Vậy, chúng ta cần có những giải pháp gì để thay đổi tính hình, xây dựng nếp sống mới, các giá trị đạo đức mới trong gia đình và xã hội?

Giáo sư NMT: Trước hết, Đảng, Nhà nước cần quan tâm đến văn hóa, giáo dục nhiều hơn nữa, thường xuyên hơn nữa. Nghị quyết của Đảng coi văn hóa là nền tảng tinh thần và động lực của xã hội, còn phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Cần hiện thực hóa quan điểm đúng đắn này bằng cách tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực ấy. Không phải chỉ tăng cường đầu tư kinh phí. Quan trọng là thường xuyên đầu tư nghiên cứu, chỉ đạo, lãnh đạo, kiểm tra, điều chỉnh kịp thời, ít nhất cũng như trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh - quốc phòng. Thứ hai, thông qua các hình thức giáo dục, tuyên truyền và tổ chức hoạt động thực tiễn, khôi phục các giá trị đạo đức truyền thống và hình thành những giá trị mới. Hãy bắt đầu từ những chuyện cụ thể, phù hợp với từng đối tượng. Ví dụ, hiện đang có nhiều ý kiến đề nghị đưa nội dung phòng, chống tham những vào chương trình giáo dục từ tiểu học. Theo tôi, đặt vấn đề như thế là sai lạc về đối tượng và nội dung. Đối tượng cần học phòng, chống tham nhũng là người lớn, nhất là người có chức có quyền, chứ không phải mấy cháu nhỏ. Về nội dung giáo dục, chắc chắn là dạy các cháu chống lãng phí thì cần thiết hơn. Người Việt mình mắc nặng căn bệnh lãng phí nặng lắm. Trẻ con ăn cơm bỏ mứa là chuyện thường, người lớn thì nhậu nhẹt tưng bừng, mua sắm tùm lum,... Chuyện lãng phí ngân sách thì khỏi nói. Nhìn sang các nước phát triển, thấy người ta giàu nhưng tiết kiệm lắm. Từ bé, trẻ đã được dạy ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu, đã ăn là phải ăn cho hết. Nếp sống ấy di theo con người đến suốt đời. Về chi tiêu thì ngay ở Thái Lan, khi tổ chức SEAGAMES Chiang Mai, người ta cũng tận dụng các cơ sở sẵn có, kể cả ký túc xá sinh viên, sân vận động trường học; lễ khai mạc cũng không cố làm cho hoành tráng. Đó là những điều mình phải học. Giải pháp thứ ba theo tôi là phải có chế tài. Phải phạt nặng những hành vi thiếu văn hóa ở nơi công cộng. Trẻ em và vị thành niên vi phạm pháp luật, vi phạm quy định trật tự, văn minh nơi công cộng, phải xử lý trách nhiệm cả bố mẹ hay người đỡ đầu. Ta hãy nhìn sang các nước phát triển xem tại sao không mấy ai dám đi lậu vé, xả nước thải vào nguồn nước hay xúc phạm nhân phẩm, xâm phạm thân thể người khác. Bởi đi lậu vé, nếu bị phát hiện, phải chịu phạt gấp 50 lần tiền vé. Xả nước thải vào nguồn nước hay làm nhục người khác, thậm chí có lời nói, hành vi khiếm nhã với phụ nữ v.v... phải ra tòa. Còn bố mẹ để con hư có khi bị tước cả quyền chăm sóc con. Ở Singapore, Chính phủ thường xuyên định hướng nếp sống cho người dân, những vi phạm về nếp sống ở nơi công cộng đều bị xử lý rất nghiêm. Thậm chí, người ta còn giữ cả cách xử phạt truyền thống như sẵn sàng nọc người, kể cả người nước ngoài, ra đánh giữa nơi công cộng vì tội bôi bẩn tượng đài; Chính phủ nước ngoài xin miễn cho hình phạt ấy cũng không được. Còn mình chỉ có giáo dục, tuyên truyền mà không làm cho người dân tự đặt mình vào khuôn khổ nếp sống văn minh thì rất khó giải quyết.

PV: Trông người lại ngẫm đến ta, cả thế giới đang tự hỏi, vì sao người Nhật kiên cường đến thế khi đối diện với thảm họa? Không xảy ra chuyện cướp bóc, hỗ loạn, mọi người vẫn trật tự, kỷ luật, nêu cao ý thức cộng đồng? Và hầu hết mọi người đều tự nhủ không biết bao giờ người Việt mình mới thực sự có một cuộc ''cách mạng''về ý thức như người dân Nhật Bản. Cá nhân nào cũng thấy, cũng ngưỡng mộ, nhưng tại sao lại không thể tạo thành một cộng đồng như vậy, ở Việt Nam?

Giáo sư NMT: Không chỉ Nhật, mà ở các nước Châu Á quanh ta, truyền thống được bảo tồn rất tốt. Người Nhật vẫn giữ nếp sống gia đình, nếp cư xử cộng đồng cổ truyền, mặc dù là một nước có nền kinh tế phát triển hạng nhất nhì thế giới. Từ chính khách cho đến người dân, khi mắc lỗi đều nhận lỗi rất chân thành, cúi gập người trước người đối thoại hoặc công chúng. Người Hàn Quốc cũng vậy. Tôi sang Thái, sang Lào, thấy nếp sống cổ truyền được tôn trọng lắm, người dân hiền lành và rất thực thà. Người Việt mình có ưu điểm là tiếp thu rất nhanh cái mới. Nhưng có thể vì dễ thích ứng quá nên cũng dễ mất đi nhiều giá trị truyền thống. Thêm vào đó, xã hội phát triển theo hướng xô bồ đang ảnh hưởng đến nền nếp gia đình rất nhiều.

PV: Là một đại biểu Quốc hội, lại là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, ông sẽ làm gì để những ý tưởng của mình sớm thành hiện thực?

Giáo sư NMT: Không năm nào Uỷ ban chúng tôi không có một số cuộc giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực phụ trách của mình. Riêng về đời sống văn hoá ở cơ sở, trong đó có Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, thì Uỷ ban đã có báo cáo giám sát trình Quốc hội và gửi Chính phủ, các cơ quan hữu quan, các tỉnh thành ngay đầu khoá XII (2007), trong đó có nhiều kiến nghị theo hướng như tôi nói. Những năm tiếp theo, trong các đợt giám sát về nơi vui chơi, giải trí cho thanh thiếu niên, về điện ảnh, về di sản văn hoá và về nghệ thuật biểu diễn v.v…, chúng tôi cũng kiến nghị những biện pháp rất cụ thể. Bản thân tôi cũng thường xuyên lên tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sau các kiến nghị của Uỷ ban, tình hình có chuyển biến nhưng rất chậm và chuyển biến không cơ bản. Chắc chắn khoá tới, Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ tiếp tục quan tâm, ráo riết đôn đốc thực hiện các kiến nghị của Uỷ ban về vấn đề này. Còn tôi, tuy không tham gia Quốc hội khoá tới nữa nhưng sẽ tiếp tục theo dõi và đóng góp ý kiến để góp phần tạo ra những chuyển biến mới, chuyển biến cơ bản trong việc xây dựng con người và nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc này lớn lắm, không kêu gọi được sự quan tâm của toàn xã hội thì đất nước khó có thể phát triển bền vững được.
.
TL (thực hiện)
Đọc tiếp...

NGUY CƠ NỖI NHỤC NGÀN NĂM KHÔNG RỬA SẠCH

Bùi Công Tự

Kể từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đến nay, bá quyền bành trướng Trung Quốc đã có lịch sử 2.000 năm nếm mùi thất bại nhục nhã trong các cuộc xâm lăng tổ quốc Việt Nam chúng ta.

Nếu dân tộc ta không có truyền thống đoàn kết, bất khuất, độc lập tự cường thì đất nước ta đã trở thành quận huyện của Đại Hán từ rất lâu rồi.

Sự thật đó đã được ghi chép cả trong lịch sử Trung Quốc, người Trung Quốc không thể phủ nhận!

Xin biết ơn tổ tiên chúng ta, thế hệ này qua thế hệ khác, đã hy sinh xương máu gìn giữ đất nước Đại Việt thân yêu.

Sau năm 1975, chúng ta những tưởng đất nước mãi mãi được hòa bình, không còn kẻ nào dám xâm phạm chủ quyền đất nước ta. Nhưng thực tế những người cầm quyền Bắc Kinh đã liên tục gây chiến tranh xâm lược nước ta.

Tháng 2/1979 họ đem hàng chục vạn quân đánh vào các tỉnh biên giới phía Bắc, từ Quảng Ninh đến Lào Cai gây nhiều tội ác với nhân dân ta. Sau đó suốt thập kỷ 80 của thế kỷ 20 họ gây hấn lấn chiếm đất đai của ta ở vùng biên giới, ác liệt nhất là năm 1984 tại Hà Giang. Năm 1988 họ đánh chiếm một số đảo của ta ở Trường Sa. Trước đó năm 1974 họ đã xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Để bảo vệ biên cương và biển đảo của tổ quốc, hàng ngàn chiến sĩ chúng ta đã oanh liệt hy sinh.

Âm mưu xâm chiếm biển Đông trong đó có quần đảo Trường Sa của Việt Nam càng ngày càng đốt cháy ruột gan nhà cầm quyền Bắc Kinh. Báo chí liên tục đưa tin về những hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc. Hành động Trung Quốc cho ba tàu hải giám (thực chất là tàu quân sự) xâm phạm vùng chủ quyền của Việt Nam, cắt cáp thăm dò địa chấn và cản trở hoạt động tác nghiệp của ngành dầu khí Việt Nam ngày 26/05/2011 là hành động cực kỳ nguy hiểm, được coi là lời tuyên chiến xâm lược Việt Nam.

Nhiều nhà chiến lược đã nhận định rằng việc Trung Quốc xâm lược quần đảo Trường Sa của Việt Nam là chắc chắn xảy ra, không lâu nữa. Nếu họ thực hiện được dã tâm này thì Việt Nam không chỉ mất lãnh thổ với nguồn tài nguyên phong phú trong nước biển và dưới lòng đáy biển mà còn bị bao vây, cản đường ra với thế giới.

Vậy ngay bây giờ chúng ta phải làm gì?

Phải bằng mọi cách chặn đứng âm mưu xâm lược của Trung Quốc!

Chặn đứng bằng cách nào?

Tôi đề nghị các nhà lãnh đạo cho phép nhân dân xuống đường biểu dương sức mạnh đoàn kết, phản ứng mạnh mẽ và trực diện âm mưu xâm lược của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Báo chí được phép đưa đầy đủ các thông tin về âm mưu và hành động tiến tới xâm lược nước ta của Trung Quốc, phản ánh dư luận xã hội, tạo nên sức mạnh bảo vệ chủ quyền.

Ta làm được như thế chắc chắn Trung Quốc sẽ phải chùn tay.

Về phía nhà nước, tôi đề nghị đẩy mạnh hơn nữa hoạt động ngoại giao, làm cho thế giới hiểu rõ hơn chính nghĩa của ta, ủng hộ ta, lên án Trung Quốc xâm lược.

Từ ngày nhậm chức, TBT Nguyễn Phú Trọng chưa đi thăm nước ngoài. Tôi đề nghị ông TBT trước hết sang thăm Indonexia - nước đương kim Chủ tịch ASEAN, xúc tiến cũng cố khối liên minh này, làm phá sản âm mưu “bẻ từng chiếc đũa” của Trung Quốc. Tôi mong khối ASEAN có được một cam kết:” Trung Quốc tấn công bất cứ một quốc gia nào thuộc khối ASEAN là tấn công cả khối ASEAN”.

Bên cạnh việc tìm kiếm các đồng minh chiến lược, quan trọng hơn là chúng ta phải cũng cố khối đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng lực lượng, cũng cố và phát huy sức mạnh của chính mình để bảo vệ tổ quốc.

Hiện nay đất nước ta đang gặp nhiều khó khăn, lòng dân có phần dao động. Tình hình quốc tế cũng không thuận lợi cho ta. Chính vì thế đòi hỏi từ lãnh đạo tới thường dân phải đề cao lợi ích quốc gia để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Có người nói dân tộc ta cứ khi nào bị dồn đến chân tường thì sẽ bật lên sức mạnh. Điều đó liệu phần nào đúng chăng? 

Nếu chúng ta để cho Trung Quốc chiếm được biển Đông và quần đảo Trường Sa thì nỗi nhục này ngàn đời không rửa sạch!

Tổ tiên ta đã làm chủ biển đảo từ thuở Lạc Long Quân đưa 50 người con xuống biển, tử thuở Mai An Tiêm khai phá đảo hoang trồng nên những trái dưa hấu đầu tiên.

Tiếp nối bài học ứng xử mềm dẻo, khôn khéo mà sáng suốt, kiên quyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với việc huy động được sức mạnh toàn dân tộc bảo vệ tổ quốc, tôi tin rằng dân tộc ta sẽ chiến thắng.

TP Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 05 năm 2011
Đọc tiếp...

TƯỚNG LÊ VĂN CƯƠNG : CHỦ QUYỀN QUỐC GIA LÀ TỐI THƯỢNG

Thiếu tướng Lê Văn Cương:

Chủ quyền quốc gia là tối thượng

Thứ Ba, 31/05/2011 00:19

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an, khẳng định như vậy trước hành vi xâm phạm lãnh hải Việt Nam của tàu Trung Quốc

- Phóng viên: Ông nhìn nhận thế nào trước việc 3 tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam?

- Ông Lê Văn Cương: Phải khẳng định đây là hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế. Việc làm này vi phạm thô bạo Hiến chương Liên Hiệp Quốc (LHQ) và 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình mà Trung Quốc là một trong những nước khởi xướng, vi phạm Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc đã ký kết, Tuyên bố về ứng xử biển Đông (DOC) ký giữa Trung Quốc và ASEAN năm 1982, vi phạm những cam kết quốc tế được công nhận rộng rãi khác mà Trung Quốc đã ký kết và công nhận.

- Việc làm của Trung Quốc có phải thể hiện tham vọng của họ ở biển Đông?

- Không những có tham vọng bành trướng mà còn ngang ngược và trắng trợn. Tàu hải giám Trung Quốc đã có những hành động “quan phương” chứ không phải là “phi quan phương” vì đây chính là những tàu quân sự của Trung Quốc được cải hoán chứ không phải tàu bình thường. Việc làm này đi ngược lại những cam kết trước đây của Trung Quốc. Mới cách đây 6 tháng, tháng 10-2010, Thủ tướng Trung Quốc đã có điện gửi những người đồng nhiệm ASEAN cam kết “Trung Quốc muốn tạo dựng một vùng biển hòa bình và hợp tác”.

- Trước phản ứng của phía Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du cho rằng “Việt Nam đã tiến hành hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng biển do Trung Quốc quản lý, làm tổn hại lợi ích và quyền quản lý của Trung Quốc ở “Nam Hải”, đi ngược lại nhận thức chung của hai nước về vấn đề biển Đông”. Ông nhận xét gì về phát biểu này?

- Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tỏ ra mâu thuẫn trong những phát ngôn của mình. Ngày 21-10-2010, tại Côn Minh, trong cuộc họp vòng 5 nhóm công tác về tình hình biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN, chính bà Khương Du đã công khai tuyên bố Trung Quốc luôn coi trọng cao độ, thực hiện nghiêm túc các cam kết nhằm tăng cường lòng tin chính trị, tạo điều kiện cho việc giải quyết tranh chấp, cùng nhau giữ gìn hòa bình ổn định ở biển Đông. Điều đó cho thấy Trung Quốc đã “nói một đằng, làm một nẻo”.
 
Bộ đội Trường Sa sẵn sàng bảo vệ vùng biển của Tổ quốc. Ảnh: THẾ DŨNG

- Sau phản ứng của phía Việt Nam, chúng ta cần phải làm gì để thế giới hiểu thêm về hành động ngang ngược của Trung Quốc?

- Những tuyên bố của ta là đúng lúc, thiết thực nhưng chưa đủ. Chủ quyền quốc gia là tối thượng của một dân tộc, là vĩnh cửu, là trường tồn. Không ai có quyền được mặc cả độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia mình cả. Theo tôi, phải nói rõ việc làm của Trung Quốc đã vi phạm gì, vi phạm đến đâu sự độc lập của chúng ta, để cho thế giới biết chúng ta không kích động chủ nghĩa dân tộc mà là tinh thần tự tôn dân tộc.

Theo tôi, nhân dân Trung Quốc là những người hòa hiếu, muốn quan hệ tốt đẹp với Việt Nam, nhiều nhà lãnh đạo có công xây đắp mối quan hệ Việt – Trung. Vì vậy, ta phải thông báo cho người dân Trung Quốc biết về những hành động của chính phủ họ. Phải củng cố quan hệ song phương với Trung Quốc, phải cho cộng đồng quốc tế biết. Đồng thời vừa phải mở mặt trận ngoại giao vừa phải tạo sự đồng thuận ở Việt Nam để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

- Nhận định của ông về diễn biến tiếp theo trên biển Đông là gì?

- Theo tôi, từ nay đến năm 2020, Trung Quốc vẫn “diễn” tiếp mấy trò như vừa qua. Việt Nam cần phải sẵn sàng ứng phó. Chúng ta không xâm phạm chủ quyền của bất cứ nước nào nhưng ai xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ta thì ta cũng đủ sức giáng trả tương xứng. Phải củng cố khối đoàn kết toàn dân, mặt trận thống nhất trên thế giới, đồng thời sẵn sàng bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Thành lập trung đội dân quân biển

Thượng tá Lê Tiến Hưng, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng, cho biết trong những năm qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng TP cũng thường xuyên báo cáo tình hình ngư dân Việt Nam bị tàu nước ngoài tấn công ở vùng biển miền Trung lên Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các cơ quan chức năng Trung ương để có biện pháp xử lý. Trước đó, ngày 23-8-2010, Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng đã tổ chức công bố quyết định thành lập và ra mắt Trung đội Dân quân biển, gồm có 3 tiểu đội để bảo vệ ngư dân đánh cá trên hải phận Việt Nam.

Bảo vệ biển và ngư dân

Trung tá Nguyễn Văn Mỹ, Hải đội trưởng Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, cho biết từ đầu năm 2011 đến nay, Hải đội 2 đã đuổi hàng chục tàu thuyền đánh cá của Trung Quốc, tàu lạ xâm phạm vùng biển Quảng Nam để khai thác nguồn lợi thủy sản . Trong những ngày qua, Hải đội 2 đã điều động 2 tàu có công suất lớn tuần tra trên vùng biển Quảng Nam 24/24 giờ để bảo vệ vùng biển và ngư dân.
 
T.Phương - Q.Châu
 
BÍCH DIỆP thực hiện
Đọc tiếp...

Lời mở của Nguyễn Xuân Diện

Thưa chư vị,

Trưa nay, Trang phu nhân là người đầu tiên báo tin Nguyễn Xuân Diện-Blog (hhtp://nguyenxuandien.blogspot.com) đã bị kẻ xấu cướp mật khẩu, dành quyền kiểm soát và xóa sạch dữ liệu. Vì thế, trang blog đó, từ nay không còn là của Nguyễn Xuân Diện nữa. Mọi thư từ được gửi đến E-mail: xuandiencatru@yahoo.com.vn từ nay tôi cũng không còn nhận được nữa!

E-mail mới của Nguyễn Xuân Diện là lamkhanghn@yahoo.com.vn

Đây là điều đã được tiên liệu nên Lâm Khang tôi chẳng thấy bất ngờ. Vì thế, xin chư vị đừng gửi lời phân ưu đến Lâm Khang chủ nhân.

Làm blog, chỉ mong chia sẻ. Và như thế, trên dưới 2.000 bài viết và 21.000.000 comment của chư vị có mất đi đâu đâu. Nó đã được chúng ta ghi vào trong dạ. Tình yêu của chúng ta đối với Tổ quốc và văn hóa nghìn đời của cha ông truyền lại có bao giờ mà mất? Có ai mà xóa được?

Viết mấy dòng này, Lâm Khang tôi xin trước là cảm tạ chư vị xa gần đã nườm nượp ghé thăm hiên trà của Nguyễn Xuân Diện từ ngày 4.4.2009; rồi sau đó từ ngày này năm ngoái (31.5.2010) đến nay đã có tới 5,5 triệu lượt khách ghé thăm! Sau nữa, trân trọng thông báo trà đình đã được dựng lại, xin lại mong được là nơi hò hẹn của khách tri âm. Nhà mới còn nồng mùi vôi, lại trống trải quá, chư vị có ghé thăm, xin cũng thể tất , Lâm Khang tôi xin cảm tạ!

Giờ Mùi, ngày hăm chín tháng Tư năm Tân Mão
Nhằm ngày 31 tháng 5 năm 2011, Tây lịch

Lâm Khang Nguyễn Xuân Diện kính trình!

Tái bút: Lâm Khang chủ nhân cũng xin chúc bác Phạm Viết Đào đã dựng nhà mới, tại địa chỉ:  http://phamvietdao2.blogspot.com/


Đọc tiếp...