Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

GS. NGUYỄN MINH THUYẾT: "ĐỪNG TỰ HUYỄN HOẶC MÌNH"












Bài phỏng vấn không đăng báo:
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: “Đừng tự huyễn hoặc mình”

PV: Bộ VHTT&DL vừa tổng kết 10 năm Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá. Có 16 triệu gia đình được công nhận là gia đình văn hóa, đạt tỉ lệ 78,8% trên tổng số hộ gia đình Việt Nam. Ông có ấn tượng gì về con số này?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (Giáo sư NMT): Gần 80% gia đình văn hóa là con số rất lớn. Nhưng phải xem thực chất danh hiệu ấy như thế nào. Nếu có đến gần 80% gia đình văn hóa thì ứng xử của người dân trong gia đình cũng như ở ngoài xã hội phải khác. Nhưng quanh ta có biết bao nhiêu chuyện đáng buồn. Trong gia đình, ruột thịt có thể đâm chém nhau vì nhà đất, vợ có thể thiêu cháy chồng vì tiền, con có thể dìm cha xuống nước vì lẽ gì không biết v.v... Đến nữ sinh cũng chửi tục, rồi đánh xé nhau, quay video phô bày lên mạng. Ngoài phố thì mạnh ai nấy đi, rác rưởi tiện đâu vất đó,… Mỗi ngày ít nhất cũng phải chứng kiến vài anh đái bậy, mấy ông vừa cưỡi xe máy vừa nhổ phì phì,... Chỉ từng ấy thôi là đã đánh giá được văn minh nước mình đến đâu. Đó là chưa kể các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm,… đã và đang xâm nhập vào tận căn bếp, giường ngủ của không ít gia đình.

PV: Vậy theo ông, chuyện công nhận danh hiệu gia đình văn hóa đã thiên về hình thức, số lượng mà không đúng thực chất?

Giáo sư NMT: Không phải chỉ danh hiệu gia đình văn hoá mới thiên về số lượng, thiếu thực chất đâu. Bạn cứ nghĩ mà xem, gần như 99% cán bộ, công chức, viên chức, lao động năm nào cũng đạt danh hiệu lao động giỏi, lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, nhưng khoa học – giáo dục vẫn lạc hậu, kinh tế vẫn chậm phát triển, đời sống vẫn nheo nhóc,… Bệnh thành tích nặng quá rồi. Ai cũng biết thế, nhưng không ai muốn chữa. Chỉ có ngành giáo dục ra quân rầm rộ được chừng một năm, rồi đâu lại đóng đấy.

PV: Ông nghĩ như thế nào về nguyên nhân của tình trạng xuống cấp về văn hoá hiện nay?

Giáo sư NMT: Trước hết là suốt mấy chục năm qua, chúng ta phải tập trung toàn lực vào kinh tế, ít quan tâm đến văn hoá. Trong nhà thì người lớn mải làm mải ăn, thoát được nghèo lại lo làm giàu, sao nhãng việc dạy bảo con cái, sao nhãng cả việc quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Ở cơ quan, đơn vị thì người làm quản lý phải lo nuôi quân, nuôi bằng đủ mọi cách, đẩy dần lễ nghĩa về hàng sau. Trong xã hội thì phần ngân sách dành cho cả hai lĩnh vực văn hoá lẫn thông tin chỉ từ 1,5% đến 1,6%. Nhiều nơi, nhà văn hoá trở thành xa xỉ, bị thay dần bằng khách sạn, nhà hàng. Khai trương doanh nghiệp, động thổ các công trình kinh tế thì khách đến đông vui, nhưng khai giảng ở trường đại học, mời được một cán bộ cấp thứ trưởng về dự đã mừng như bắt được vàng. Nguyên nhân thứ hai là từ khi chấm dứt chế độ thực dân – phong kiến đến nay, chúng ta ít nhất đã hai lần thay đổi rất căn bản quan niệm về nếp sống, nhưng nếp cũ bị xoá đi mà nếp mới vẫn chưa định hình. Lần cách tân thứ nhất là xoá sạch “tàn tích” thời thực dân – phong kiến, còn lần thứ hai là rũ bỏ những quan niệm và nếp sống gắn bó với cả một thời gian khó, ngây thơ mà trong sáng, bước vào kinh tế thị trường. Mỗi lần cách tân là một lần rơi rụng, mất mát khá nhiều. Nguyên nhân thứ ba là chúng ta luôn thiếu những biện pháp cụ thể, hữu hiệu để gây dựng nếp sống mới. Xã hội nhiều phong trào thi đua với những khẩu hiệu to tát, biện pháp chung chung quá. Nhiều mà nội dung không cụ thể nên thường làm hình thức, chiếu lệ. Lâu dần, tự mình lại huyễn hoặc mình về kết quả, hiệu quả của phong trào.

PV: Vậy, chúng ta cần có những giải pháp gì để thay đổi tính hình, xây dựng nếp sống mới, các giá trị đạo đức mới trong gia đình và xã hội?

Giáo sư NMT: Trước hết, Đảng, Nhà nước cần quan tâm đến văn hóa, giáo dục nhiều hơn nữa, thường xuyên hơn nữa. Nghị quyết của Đảng coi văn hóa là nền tảng tinh thần và động lực của xã hội, còn phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Cần hiện thực hóa quan điểm đúng đắn này bằng cách tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực ấy. Không phải chỉ tăng cường đầu tư kinh phí. Quan trọng là thường xuyên đầu tư nghiên cứu, chỉ đạo, lãnh đạo, kiểm tra, điều chỉnh kịp thời, ít nhất cũng như trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh - quốc phòng. Thứ hai, thông qua các hình thức giáo dục, tuyên truyền và tổ chức hoạt động thực tiễn, khôi phục các giá trị đạo đức truyền thống và hình thành những giá trị mới. Hãy bắt đầu từ những chuyện cụ thể, phù hợp với từng đối tượng. Ví dụ, hiện đang có nhiều ý kiến đề nghị đưa nội dung phòng, chống tham những vào chương trình giáo dục từ tiểu học. Theo tôi, đặt vấn đề như thế là sai lạc về đối tượng và nội dung. Đối tượng cần học phòng, chống tham nhũng là người lớn, nhất là người có chức có quyền, chứ không phải mấy cháu nhỏ. Về nội dung giáo dục, chắc chắn là dạy các cháu chống lãng phí thì cần thiết hơn. Người Việt mình mắc nặng căn bệnh lãng phí nặng lắm. Trẻ con ăn cơm bỏ mứa là chuyện thường, người lớn thì nhậu nhẹt tưng bừng, mua sắm tùm lum,... Chuyện lãng phí ngân sách thì khỏi nói. Nhìn sang các nước phát triển, thấy người ta giàu nhưng tiết kiệm lắm. Từ bé, trẻ đã được dạy ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu, đã ăn là phải ăn cho hết. Nếp sống ấy di theo con người đến suốt đời. Về chi tiêu thì ngay ở Thái Lan, khi tổ chức SEAGAMES Chiang Mai, người ta cũng tận dụng các cơ sở sẵn có, kể cả ký túc xá sinh viên, sân vận động trường học; lễ khai mạc cũng không cố làm cho hoành tráng. Đó là những điều mình phải học. Giải pháp thứ ba theo tôi là phải có chế tài. Phải phạt nặng những hành vi thiếu văn hóa ở nơi công cộng. Trẻ em và vị thành niên vi phạm pháp luật, vi phạm quy định trật tự, văn minh nơi công cộng, phải xử lý trách nhiệm cả bố mẹ hay người đỡ đầu. Ta hãy nhìn sang các nước phát triển xem tại sao không mấy ai dám đi lậu vé, xả nước thải vào nguồn nước hay xúc phạm nhân phẩm, xâm phạm thân thể người khác. Bởi đi lậu vé, nếu bị phát hiện, phải chịu phạt gấp 50 lần tiền vé. Xả nước thải vào nguồn nước hay làm nhục người khác, thậm chí có lời nói, hành vi khiếm nhã với phụ nữ v.v... phải ra tòa. Còn bố mẹ để con hư có khi bị tước cả quyền chăm sóc con. Ở Singapore, Chính phủ thường xuyên định hướng nếp sống cho người dân, những vi phạm về nếp sống ở nơi công cộng đều bị xử lý rất nghiêm. Thậm chí, người ta còn giữ cả cách xử phạt truyền thống như sẵn sàng nọc người, kể cả người nước ngoài, ra đánh giữa nơi công cộng vì tội bôi bẩn tượng đài; Chính phủ nước ngoài xin miễn cho hình phạt ấy cũng không được. Còn mình chỉ có giáo dục, tuyên truyền mà không làm cho người dân tự đặt mình vào khuôn khổ nếp sống văn minh thì rất khó giải quyết.

PV: Trông người lại ngẫm đến ta, cả thế giới đang tự hỏi, vì sao người Nhật kiên cường đến thế khi đối diện với thảm họa? Không xảy ra chuyện cướp bóc, hỗ loạn, mọi người vẫn trật tự, kỷ luật, nêu cao ý thức cộng đồng? Và hầu hết mọi người đều tự nhủ không biết bao giờ người Việt mình mới thực sự có một cuộc ''cách mạng''về ý thức như người dân Nhật Bản. Cá nhân nào cũng thấy, cũng ngưỡng mộ, nhưng tại sao lại không thể tạo thành một cộng đồng như vậy, ở Việt Nam?

Giáo sư NMT: Không chỉ Nhật, mà ở các nước Châu Á quanh ta, truyền thống được bảo tồn rất tốt. Người Nhật vẫn giữ nếp sống gia đình, nếp cư xử cộng đồng cổ truyền, mặc dù là một nước có nền kinh tế phát triển hạng nhất nhì thế giới. Từ chính khách cho đến người dân, khi mắc lỗi đều nhận lỗi rất chân thành, cúi gập người trước người đối thoại hoặc công chúng. Người Hàn Quốc cũng vậy. Tôi sang Thái, sang Lào, thấy nếp sống cổ truyền được tôn trọng lắm, người dân hiền lành và rất thực thà. Người Việt mình có ưu điểm là tiếp thu rất nhanh cái mới. Nhưng có thể vì dễ thích ứng quá nên cũng dễ mất đi nhiều giá trị truyền thống. Thêm vào đó, xã hội phát triển theo hướng xô bồ đang ảnh hưởng đến nền nếp gia đình rất nhiều.

PV: Là một đại biểu Quốc hội, lại là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, ông sẽ làm gì để những ý tưởng của mình sớm thành hiện thực?

Giáo sư NMT: Không năm nào Uỷ ban chúng tôi không có một số cuộc giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực phụ trách của mình. Riêng về đời sống văn hoá ở cơ sở, trong đó có Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, thì Uỷ ban đã có báo cáo giám sát trình Quốc hội và gửi Chính phủ, các cơ quan hữu quan, các tỉnh thành ngay đầu khoá XII (2007), trong đó có nhiều kiến nghị theo hướng như tôi nói. Những năm tiếp theo, trong các đợt giám sát về nơi vui chơi, giải trí cho thanh thiếu niên, về điện ảnh, về di sản văn hoá và về nghệ thuật biểu diễn v.v…, chúng tôi cũng kiến nghị những biện pháp rất cụ thể. Bản thân tôi cũng thường xuyên lên tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sau các kiến nghị của Uỷ ban, tình hình có chuyển biến nhưng rất chậm và chuyển biến không cơ bản. Chắc chắn khoá tới, Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ tiếp tục quan tâm, ráo riết đôn đốc thực hiện các kiến nghị của Uỷ ban về vấn đề này. Còn tôi, tuy không tham gia Quốc hội khoá tới nữa nhưng sẽ tiếp tục theo dõi và đóng góp ý kiến để góp phần tạo ra những chuyển biến mới, chuyển biến cơ bản trong việc xây dựng con người và nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc này lớn lắm, không kêu gọi được sự quan tâm của toàn xã hội thì đất nước khó có thể phát triển bền vững được.
.
TL (thực hiện)

14 nhận xét :

  1. Tôi thấy GS. Thuyết nói quá đúng. Khu dân cư tôi ở năm ngoái được công nhận là "Khu dân cư văn hoá", người ta cho dựng ở 2 đầu đường vào khu dân cư 2 cái biển to tướng "Khu dân cư văn hoá số I phường X". Sang khu bên cạnh, chưa được công nhận thì gặp cái biển "Khu dân cư số... phấn đấu trở thành khu DCVH". Chạy quá lên tí nữa lại gặp cái biển khác "Khu dân cư số... phấn đấu giữ vững danh hiệu khu DCVH". Đi khắp TP gặp rất nhiều cái biển như thế, cái nào cũng to, nghe đâu kinh phí mấy chục triệu một cái, ý nghĩa chưa thấy đâu, thấy lãng phí tiền của dân quá. Không biết các cụ ở trên có thấy?

    Trả lờiXóa
  2. Bác Thuyết ơi, ở cái đất nước mà làm bốc hơi 4,5 tỷ "Obama đồng" mà không kỷ luật ai thì các vấn nạn về xã hội và văn hóa sẽ không thể cải thiện được đâu. Cái gốc "cơ chế" mà không thay đổi thì có ngày mất cả tổ quốc đới!

    Trả lờiXóa
  3. VN ta gia đình văn hóa nó là 1 chỉ tiêu,khác hẳn với việc cấp và làm sổ đỏ nhà đất.

    Bà chị gái tôi là ví dụ,hơn buồn nhưng tôi cũng đưa ra đây,"đầu năm đó anh chị tôi ly hôn,chị nuôi con,đến cuối năm tôi thấy nhà chị vẫn có tấm bằng gia đình văn hóa,tôi chỉ nhìn qua rồi bỏ đi "

    Trả lờiXóa
  4. Gia đình bạn tôi: chồng laKS bách khoa, vợ là giào viên PTTH; con một đứa là bác sĩ, một đứa đang là SV trường ĐH y khoa HN.
    Một gia đình khác , cạnh gia đình bạn tôi vừa rồi bị CA bắt quả tang vì chứa gái mại dâm và đanh bạc.
    Cả hai gia đình đều là "Gia đình Văn hóa".Cã hai gia đình đều vẫn tiếp tục phấn đấu để giữ vững danh hiệu đó. Có lẽ sang năm cả hai gia đình vẫn được.

    Trả lờiXóa
  5. khi mà có đến gần 80% gia đình văn hóa thì cần gì phát bằng GDVH cho tốn tiền, mà chỉ cần phát bằng gia đình không văn hóa cho hơn 20% còn lại thì tiết kiệm hơn.

    Trả lờiXóa
  6. Thứ Tư, 01/06/2011 20:07

    (NLĐO)- Lúc 10 giờ 5 phút sáng 1-6, thuyền trưởng Lê Văn Giúp cấp báo về Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Phú Yên, báo tin bị tàu quân sự Trung Quốc bắn và kìm kẹp ngay trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  7. Bac Thuyet noi dung nhung nguyen nhan thi chua du Em cho rang su suy doi ve chinh tri ,dao duc, loi song van hoa hien nay chu yeu la do lanh dao dang cac cap thieu guong mau, tham chi con tao ra trong xa hoi nhung loi song ki quai lam cho hieu ung lan truyen tren tat ca cac linh vuc doi song xa hoi.

    Trả lờiXóa
  8. HOan nghênh Thầy Thuyết. Tôi đề nghị: trong tình hình hiện thời nên xoá bỏ các loại thi đua, các loại khẩu hiểu, các loại danh hiệu, các phong trào học tập tấm gương, các phong trào làm gương, là gương ... đi. Tất cả đều nhiễm mùi dối trá.

    Trả lờiXóa
  9. Đàm Quang Đông:

    "Thượng bất chính, hạ tắc loạn"

    Do đó, muốn điều chỉnh hành vi của xã hội, phải bắt đầu từ trên xuống. Nhưng than ôi...

    Đành nghĩ cách khác vậy.

    Trả lờiXóa
  10. Xin góp ý với chủ blog ,để tránh hiểu lầm đề bài viết nên đổi là : GS Nguyễn Minh Thuyết : bộ VHTT&DL đừng tự huyễn hoặc mình
    Xin góp ý với bộ VHTT&DL, danh hiệu GDVH là danh hiệu mà tôi vứt vào sọt rác ngay vì người ký là một chủ tịch phường ko có mấy văn hóa ( tôi biết rõ anh này thường uống bia ôm. HeHe )

    Trả lờiXóa
  11. Bác Tổ dân phố ơi, chắc GS NM Thuyết không chỉ nhắc Bộ Văn hóa, TT & DL đâu.

    Trả lờiXóa
  12. Công tử à !
    Biết là vậy , nhưng thiên lôi cũng có nhiều loại, có thằng cũng khó trị lắm. Nên cứ nêu đích danh cho rõ ràng

    Trả lờiXóa
  13. Chủ trương thì hay , nhưng thực hiện chỉ có "bịp". Mà đúng thôi, họ bịp tất đâu phải chỉ có lĩnh vực văn hóa .

    Trả lờiXóa
  14. Khu phố tôi có đủ các tệ nạn : ĐĨ ĐIẾM, NGHIỆN HÚT, CỜ BẠC, NUÔI CHÓ CHO ỈA ĐẦY ĐƯỜNG ... nhưng vẫn là KHU PHỐ VĂN HOÁ. Thậm ngu.

    Trả lờiXóa