Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

NGHỆ AN: ẦM Ĩ GIẢI BÀ HỒ XUÂN HƯƠNG NĂM NAY

GIẢI THƯỞNG HỒ XUÂN HƯƠNG
- Không ổn ngay từ khung khổ pháp lý

Phạm Xuân Cần

Lời tác giả: Trước khi quyết định đưa bài này đăng báo, tôi đã gửi bản thảo đến hai vị lãnh đạo có thẩm quyền và trách nhiệm cao nhất về Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương như một kiến nghị, với hy vọng bài báo này không cần “lộ sáng”, mà sự việc vẫn được xử lý theo chiều tích cực. Thế nhưng, phản hồi từ hai vị là rất khác nhau. Chiều hôm qua, ngày 1/11/2011 Ban Chỉ đạo Giải đã họp và quyết định vẫn tiếp tục giải thưởng tai tiếng này. Vì vậy, bài báo này mới có cơ hội đến với quý vị. Một cơ hội bất đắc dĩ!

Đã có trên dưới chục bài báo viết về Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương năm nay. Tuy nhiên, xem lại các văn bản mang tính chất là khung khổ pháp lý mới thấy: Giải thưởng HXH năm nay không ổn ngay từ thể lệ, quy chế và các quy định khác. Với một khung khổ pháp lý như thế không phát sinh rắc rối mới là chuyện lạ.

1.Sai thẩm quyền và ngược quy trình

Theo các quy định hiện hành, khung khổ pháp lý cho các giải thưởng của UBND tỉnh Nghệ An đều phải được xây dựng theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và phải thông qua các cuộc họp ủy ban nhân dân tỉnh. Đặc biệt, về mức thưởng phải thông qua Hội đồng Nhân dân tỉnh để ra nghị quyết, sau đó UBND tỉnh mới ra quyết định. Ngay ở Nghệ An, việc xét các giải thưởng về khoa học công nghệ, báo chí, môi trường…đều thực hiện theo quy trình thuận đó. Nhưng riêng với Giải thưởng HXH năm 2011, quy trình đã bị/được đảo ngược. Ngày 22/11/2010, UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định số 3908/QĐ.UB.VX “Về việc thành lập Ban chỉ đạo, Hội đồng sơ khảo, Hội đồng chung khảo Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương lần thứ IV, giai đoạn 2006 – 2010”. Rõ ràng đây là một văn bản quyết định mang tính cá biệt. Hơn một tháng sau, ngày 6/1/2011 UBND tỉnh ra quyết định số 59/QĐ.UBND.VX “về việc phê duyệt Thể lệ giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương”, giai đoạn 2005 – 2010”. Đúng ra văn bản quyết định phê duyệt Thể lệ Giải chính là văn bản quy phạm pháp luật (vì nó có chứa quy tắc xử sự chung, được áp dụng nhiều lần đối với mọi đối tượng, hoặc một nhóm đối tượng). Dựa trên cơ sở văn bản quy phạm pháp luật này mới phát sinh các quyết định cá biệt khác để áp dụng. Tuy nhiên, Quyết định 59 đã được xây dựng và ban hành theo quy trình của một văn bản quyết định cá biệt. Sự sơ sài, thiếu sót và không chặt chẽ về pháp luật có nguồn gốc từ đây. Đó là chưa kể vì coi là quyết định cá biệt, nên sau này nội dung của nó đã bị tùy tiện thay đổi mà không theo một quy trình chuẩn nào.  Rõ ràng, “con” đã sinh ra “cha”!

Sai sót về thẩm quyền và quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp này là không nhỏ!

2.Tiền hậu bất nhất dẫn đến “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Sự việc sẽ không đáng phải săm soi lắm, nếu như hai văn bản này không có gì mâu thuẫn, thế nhưng điều đáng nói là trong trường hợp này “con” lại khác “cha”! Quyết định 3908 giao cho Hội VHNT tham mưu xây dựng Điều lệ của giải, nhưng sản phẩm được phê duyệt của quyết định 59 lại là Thể lệ. Tương tự như vậy, Quyết định 3908 quy định việc thành lập Hội đồng sơ khảo và Hội đồng chung khảo, nhưng trong Thể lệ lại ghi là “Ban sơ khảo và Hội đồng chung khảo” (mục III, 2.). Đến văn bản “Quy chế làm việc của Hội đồng giải thưởng VHNT HXH lần thứ IV, giai đoạn 2005 – 2010”, thì lại ghi là Hội đồng sơ khảo, trong đó có từng ban riêng. Về nội dung, Điều lệ có thể không khác Thể lệ, Hội đồng có thể không khác Ban là mấy, nhưng điều quan trọng là việc làm này chứng tỏ một cách làm việc tùy tiện, không nghiêm túc, đặc biệt không hề chuyên nghiệp về kĩ thuật lập pháp. Bên cạnh đó, Thể lệ có quy định thành phần “Ban sơ khảo” và “Hội đồng chung khảo”, tuy nhiên chỉ ghi chung chung là “Gồm các văn nghệ sỹ có năng lực thẩm định và một số đại diện sở, ban ngành cấp tỉnh có liên quan”. Vì không quy định cụ thể về tỷ lệ thành phần hội đồng (bao nhiêu là chuyên gia, bao nhiêu là quản lý) và tiêu chí thành viên hội đồng, nên điều này rất dễ bị tùy tiện khi lập các ban bệ. Thế nhưng, lo lắng đó cũng là thừa, vì thực ra khi văn bản này ra đời thì các Hội đồng xét thưởng đã được sinh trước đó hơn một tháng, bởi quyết định 3908. Phải chăng Thể lệ Giải đã căn cứ vào danh sách nhân sự có sẵn để xây dựng quy định về Hội đồng?

Về nội dung, có thể nói Thể lệ Giải thưởng VHNT HXH là một văn bản hết sức sơ sài (gần ba trang), không hề đề cập tiêu chí và “ba rem” chấm điểm. Các thành viên chỉ có thể chấm điểm hoàn toàn bằng cảm nhận chủ quan của riêng mình. Với một lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, khó lượng hóa như văn học nghệ thuật, mà thể lệ, tiêu chí không rõ ràng như vậy thì việc phát sinh thắc mắc, khiếu kiện phức tạp là điều không thể tránh khỏi. Nếu so sánh các quy định về giải HXH với các quy định về Giải Sáng tạo KHCN Nghệ An, thì mới thấy các quy định về Giải HXH sơ sài và cẩu thả một cách đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, trong bài báo này chúng tôi chủ yếu khảo sát về khía cạnh pháp lý của các văn bản, nên chưa bàn sâu về các vấn đề đó.

Sai sót quan trọng nhất và có thể là một trong những nguyên nhân gây ra rắc rối cho giải thưởng HXH lần này chính là sự thiếu nhất quán về thành phần hội đồng giải thưởng giữa các văn bản pháp lý.

Sau ba lần trao giải trước, hình như những người có trách nhiệm đã tiên liệu được phức tạp sẽ phát sinh, nên ngay trong văn bản đầu tiên, đó là Quyết định 3908 về thành lập BCĐ, HĐSK, HĐCK, tại điều 2, điểm 3 đã ghi: “Để đảm bảo khách quan, các thành viên của các Ban sơ khảo, Hội đồng chung khảo không vừa là những người có tác phẩm tham dự Giải”. Điều này thể hiện một quyết tâm cao để ngăn ngừa tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, mà ba lần giải trước đó đã có lời dị nghị. Thế nhưng, đến văn bản tiếp theo sau đó là Quyết định về việc bổ sung, thay thế thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ thư ký giúp việc, Hội đồng sơ khảo Giải thưởng VHNT HXH lần thứ IV” (Số 6410, ngày 30/12/2010), quy định trên đây đã bị hủy bỏ. Phải chăng có ai đó đã vin cớ nếu loại các thành viên HĐSK, HĐCK ra thì sẽ không có tác phẩm xứng đáng, để tác động đến lãnh đạo tỉnh thay đổi quyết định? (Điều này cần phải được làm rõ). Đến “Thể lệ giải thưởng”, thì “quyết tâm chống tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” đã được “chế biến” thành: “Thành viên HĐSK, thành viên HĐCK nếu có tác phẩm dự giải thì không được dự các phiên họp xét, cho điểm tác phẩm của mình” (điểm 2, mục III của Thể lệ Giải). Cuối cùng văn bản “Quy chế làm việc của HĐGT VHNT HXH lần thứ IV” cũng chỉ nhắc lại: “thực hiện nghiêm điểm 2, mục III Thể lệ Giải thưởng”, mà không có cụ thể hóa gì thêm.

Thực ra quy định về thành phần hội đồng xét thưởng, trong đó có vấn đề cho phép hay không cho phép thành viên hội đồng đồng thời là người có tác phẩm dự giải, là một quy phạm pháp luật, thậm chí là quy phạm quan trọng nhất trong thể lệ của Giải thưởng này. Nhưng, điều này lại được đặt trong  các quyết định cá biệt (QĐ 3908 và QĐ 6410). Chính vì vậy, người ta đã dễ dàng sửa đổi nó một cách tùy tiện, không theo quy trình nghiêm ngặt của  việc xây dựng, ban hành, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật. Cho dù vì nguyên nhân gì thì tình trạng thay đổi tùy tiện, “tiền hậu bất nhất” này cũng là một tác nhân quan trọng làm bùng nổ sự rắc rối, phức tạp.



3.“Bỗng dưng”…Ban chỉ đạo? 

Điều khác biệt rõ nhất của kỳ giải thưởng lần này là sự xuất hiện của Ban Chỉ đạo. Sự ra đời của ban Chỉ đạo cùng với danh sách thành viên cụ thể được quy định tại Quyết định 3908, ngày 22/11/2010. Trong điều 1 của văn bản này, sau danh sách BCĐ có ghi: “BCĐ có nhiệm vụ chỉ đạo việc xét chọn Giải thưởng VHNT HXH lần thứ IV, giai đoạn 2005 – 2010 đạt kết quả tốt”. Đó là câu duy nhất có tính pháp lý quy định “chức năng, nhiệm vụ” của BCĐ. Sau đó, trong Thể lệ Giải không có một chữ nào nhắc đến BCĐ. Còn trong Quy chế HĐSK, HĐCK thì Ban Chỉ đạo được đặt ở ngay đầu trang, bên trái, với tư cách là cơ quan chủ trì, nhưng Quy chế lại là “Quy chế làm việc của Hội đồng Giải thưởng VHNT HXH lần thứ IV” (!). Điều đáng chú ý là trong một số quy định chi tiết của bản quy chế nói trên, BCĐ được nhắc đi nhắc lại là sẽ giám sát cuộc họp này, cuộc họp kia. Thế nhưng thẩm quyền này của BCĐ được quy định ở đâu thì không có. Ban chỉ đạo được thành lập nhằm mục đích để chỉ đạo Giải thưởng HXH được tổ chức nghiêm túc, chất lượng, nhưng rõ ràng chức năng, quyền và nhiệm vụ không rõ, quy chế hoạt động không có, văn bản gốc là Thể lệ Giải cũng không có chỗ cho thiết chế này. Điều này đã vô hình chung đặt BCĐ trong tình trạng lơ lửng, “chân không đến đất, cật không đến trời”.

4.Giải của Nhà nước hay giải của Hội VHNT?

Giải thưởng VHNT HXH là giải của chính quyền nhà nước tỉnh Nghệ An, vì vậy Chủ tịch UBND tỉnh có toàn quyền quyết định, đồng thời phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Mọi hoạt động của các loại hội đồng trước đó chỉ là hoạt động tư vấn. Tuy nhiên, cơ quan tư vấn gần nhất cho Chủ tịch UBND tỉnh nên và cần phải là một cơ quan nhà nước quản lý nhà nước về các hoạt động văn học nghệ thuật, mà cụ thể là Sở VHTTDL. Tương tự như cơ quan tư vấn về giải thưởng Sáng tạo KHCN là Sở KH&CN, tư vấn về giải thưởng báo chí là Sở TTTT, về môi trường là Sở TNMT. Việc quyết định 3908 của UBND tỉnh Nghệ An quy định: “Hội VHNT Nghệ An là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm xây dựng Điều lệ, cơ cấu và mức giải thưởng…” là không hợp lý. Hội VHNT có thể được tham vấn về Điều lệ, tổ chức lấy ý kiến của văn nghệ sĩ về Điều lệ giải theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, hoặc giới thiệu chuyên gia cho các Hội đồng xét thưởng, còn việc xây dựng văn bản pháp luật là của cơ quan nhà nước.

Sự thiếu chuyên nghiệp về pháp lý có lẽ có nguồn gốc từ việc giao cho Hội VHNT chủ trì xây dựng Điều lệ giải và các văn bản khác.

5.Kết luận và kiến nghị.

Khung khổ pháp lý cho giải thưởng HXH có quá nhiều vấn đề thiếu chặt chẽ và không hợp lý, thậm chí có sai sót về thẩm quyền và quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cho thấy nó được tư vấn rất tồi. Việc tổ chức thực hiện lại có dấu hiệu thiếu nghiêm túc. Đó là những nguyên nhân quan trọng làm phát sinh nhiều rắc rối, phức tạp. Chính vì lẽ đó, tính chính xác, khách quan của giải là không thể tin cậy. Báo Lao động Nghệ An, số ra ngày 6 tháng 10 năm 2011, có đăng bài “Nhân cách được nghiệm thu” của nhà báo Chỉnh Chu, bài báo kết luận: “Tỉnh đầu tư một khoản tiền lớn cốt để nâng cao chất lượng tác phẩm văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Nhưng điều đáng buồn là mục đích tốt đẹp đó đã không đạt được. Với số tiền lớn bỏ ra, chỉ làm được một việc là nghiệm thu nhân cách văn nghệ sĩ”. Đồng tình như vậy, nhưng với những gì đã nói ở trên, tôi đề nghị bổ sung thêm: “và nghiệm thu chất lượng của bộ máy vận hành giải”. Kết quả “nghiệm thu” như thế nào thì đã rõ!

Với thực trạng như đã phân tích, việc trao giải trong tình hình hiện nay là rất không nên, không thể. Giải pháp duy nhất là hủy kết quả, làm lại từ đầu, mà cốt tử là xây dựng lại khung khổ pháp lý cho giải một cách thật nghiêm túc, chính xác và hợp lý. Có như vậy mới cứu vãn được thanh danh của Giải thưởng văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương lần thứ IV, cũng như tạo tiền đề thuận lợi cho các kỳ giải sau.

*Bài viết do tác giả Phạm Xuân Cần, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An
gửi trực tiếp cho NXD-Blog.Xin cảm ơn tác giả!

13 nhận xét :

  1. Người Đà nẵnglúc 08:25 3 tháng 11, 2011

    Tiếng nói phản biện xã hội đã đến lúc cần có những cú huých, để nó phát huy vai trò điều chỉnh xã hội tốt hơn.
    Uớc gì Tự do ngôn luận thực sự để mọi người Dân nói lên tiếng nói của Tri thức, Công lý, Chính nghĩa, Đạo đức, ... để xã hội phát triển tốt đẹp hơn bác Diện nhỉ?

    Trả lờiXóa
  2. Giai thuong hang nam cua HOI NHA VAN VIET NAM do ong HUU THINH lam chu tich HOI DONG, ong Thinh cung duoc du va da duoc giai(cach day vai nam)

    Trả lờiXóa
  3. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822) quả thực là biết lo xa cho hậu thế:
    "Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông,
    Chúng bảo nhau rằng, "ấy ái uông".

    Trả lờiXóa
  4. Khen ai khéo vẽ trò vui thế
    Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu?

    Trả lờiXóa
  5. Danh hiệu, giải thưởng thời nay dù ở đâu, cấp nào cũng chỉ để ban phát, mua bán thôi mà.

    Trả lờiXóa
  6. LŨ NGẨN NGƠ

    Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ ?
    Lại đây cho chị dạy làm thơ,
    Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
    Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa.

    (Hồ Xuân Hương)

    Chép tặng mấy bác trong Ban chỉ đạo Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương bài thơ "LŨ NGẨN NGƠ" của Hồ Xuân Hương.
    (Muathuhanoi)

    Trả lờiXóa
  7. "này này chị bảo cho mà biết !"
    Hồ Xuân Hương di chúc thế

    Trả lờiXóa
  8. Tac gia PXC vua moi bi ki luat hinh thuc canh cao cach day it lau,phai chuyen cong tac vi gay mat doan ket(o thanh uy Vinh).Do la su that, dieu nay o Nghe An ai cung biet. Cung nen cho ban doc biet nhan than tac gia,de ho khong ca tin?

    Trả lờiXóa
  9. Ông PXC bị khiển trách vì mất đoàn kết với ông Tô Hồng Hải, ông Hải là trưởng ban TG giả hồ sơ huân chương. Sống với người như THH không mất đoàn kết mới là lạ. Mà, thời nay bị Đảng kỷ luật vì mất đoàn kết với bọn tham nhũng, háo danh là vinh dự đấy chú ạ. Nhưng, quan trọng là bài viết này có đúng không?

    Trả lờiXóa
  10. Đợt giải trước cũng thế thôi, lần này thấy lần trước xong... nên tiến tới. Sự ban phát, chia chác, cánh hẩu ở ban thơ và ảnh còn dài dài...

    Trả lờiXóa
  11. Tinh nghe An bỏ ra số tiên không nhỏ(1,4 tỉ VNĐ) cho giải Hồ Xuân Hương. Đây là sự quan tâm cho sự phát triển của VHNT hay cho những kẻ "đục nước béo cò" chia chác?

    Trả lờiXóa
  12. Hơn 80 triệu dân Việt nam nếu dọi về giải Hồ xuân Hươnglần thứ IV của Tỉnh Nghệ An, thì không thể nào chấp nhận được; về khung khổ,thể lệ,các văn bản áp dụng cho giải quá sơ sài, không đảm bảo tính pháp lý.Tình trạng" sinh con rồi mới sinh cha...và con không giống cha". Thật quá thất vọng và quá buồn cho giải Hồ Xuân Hương...

    Trả lờiXóa
  13. Nếu ai hỏi giải Hồ Xuân Hương lần thứ IV của Nghệ An như thế nào? Thì khắp mọi Tỉnh thành trên toàn quốc và kể cả thế giới,ai ai cũng đều biết đến sự"lình xình"..chúng tôi hoan nghênh những người vì công lý đã lên tiếng, nhằm giúp Tỉnh xử lý những sai trái,bất công. Nhằm làm cho trong sạch giải Hồ Xuân Hương...

    Trả lờiXóa