GS.TS Nguyễn Minh Thuyết:
TỘI CHO HAI CHỮ "BIỂU TÌNH"!
Đào Tuấn thực hiện
"Tội cho hai chữ "biểu tình". Nó có tội vạ gì. Nước ta là một nước dân chủ. Nhưng một Quốc hội dân chủ thì nghị sĩ không cần phải nói khéo. Cũng như một quốc gia dân chủ thì người dân không phải coi cái gì là tế nhị, nhạy cảm"- GS TS Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu QH các khóa XI, XII trả lời PV.
Đại biểu phải quen với sinh hoạt dân chủ
PV: Xin bắt đầu bằng cuộc tranh luận nảy lửa trên diễn đàn QH xung quanh dự án Luật Biểu tình. Thưa ông, vì sao cũng là đại diện cho nhân dân mà các đại biểu lại có những ý kiến hoàn toàn ngược nhau liên quan đến một quyền cơ bản của công dân như vậy?
GS TS Nguyễn Minh Thuyết: Đại biểu QH (ĐB) là đại diện cho nhân dân và những phát biểu của họ tại QH phải nói lên tiếng nói của người dân. Nhưng nhân dân là một tập hợp đa dạng, và hiểu được dân để nói đúng ý dân là điều không dễ. Khi ĐB nói những điều phù hợp với lợi ích của đông đảo nhân dân thì dù họ có khiêm tốn nói đó là ý kiến cá nhân, người dân vẫn đồng tình. Ngược lại, dù ĐB có tự khẳng định là mình nói thay cho đại bộ phận nhân dân mà nội dung ý kiến không phù hợp với lợi ích của người dân thì cũng không được người dân tán thành. Trong trường hợp tranh luận về Luật Biểu tình, tôi cho rằng ĐB Hoàng Hữu Phước đã ngộ nhận ý kiến mình đại diện cho nhân dân. Ngay sau cuộc tranh luận tại QH, một trang mạng nổi tiếng đã tổ chức thăm dò và kết quả là có tới 98% ý kiến đồng ý ban hành Luật Biểu tình. Từ Hiến pháp năm 1946, quyền này đã được nói tới dưới hình thức quyền hội họp. Đến Hiến pháp 1959, biểu tình đã được coi là quyền hiến định. Biểu tình là quyền cơ bản của con người và chính nhờ những cuộc biểu tình như thế, Chính phủ mới biết được lòng dân mà điều chỉnh hành vi của mình. Luật Biểu tình cũng sẽ tạo điều kiện để Nhà nước thực hiện vai trò quản lý trật tự xã hội tốt hơn. Như vậy, xét cho cùng, biểu tình là có lợi cho Nhà nước. Cũng may tại QH vừa rồi còn có ĐB Dương Trung Quốc nói lại, chứ nếu không, người dân sẽ nghĩ về QH rất khác. Được biết, sau cuộc họp, ông Hoàng Hữu Phước có những lời khá nặng nề trên blog cá nhân. Nếu đúng như vậy thì thật là đáng tiếc. ĐB phải quen với sinh hoạt dân chủ, quen với việc người ta nói khác ý mình và quen với phản ứng của những người đã bầu ra mình, thông qua báo chí.
PV: Trong chính ngày QH Việt Nam tiến hành chất vấn, cuộc họp QH một nước khác đã biến thành cuộc ẩu đả khi các nghị sĩ đối lập thậm chí xịt hơi cay vào mặt nhau khi thông qua Hiệp định thương mại với Mỹ. So với nước ngoài, nghị sĩ Việt Nam có vẻ hiền hơn, hay ở Việt Nam các nghị sĩ không đại diện cho những quyền lợi đối lập nhau?
GS TS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi đã từng thăm toà nhà Nghị viện Anh. Trong phòng họp Nghị viện, người ta xếp các hàng ghế của nghị sĩ thành hai khối đối diện với nhau, qua một chiếc bàn to, với khoảng cách chừng 3m. Người ta giải thích đó là khoảng cách an toàn khi các nghị sĩ thời xưa muốn "nói chuyện" với nhau bằng ... kiếm. Ở Nghị viện một nước châu Á mà tôi có dịp tới quan sát cuộc họp, các nghị sĩ phản đối nhau bằng cách đập bàn ầm ĩ rồi đứng cả lên la lối, không cho phe đối lập nói. Chuyện ẩu đả không hiếm trên nghị trường thế giới. Còn Quốc hội Việt Nam, từ thời Dân chủ Cộng hòa đến nay chưa từng xảy ra trường hợp ẩu đả nào. Cả Nội quy kỳ họp QH cũng như dư luận xã hội nước ta đều không chấp nhận chuyện nghị sĩ "thượng cẳng chân hạ cẳng tay".
Không có chuyện ẩu đả thì tốt, nhưng đúng là các ĐBQH Việt Nam lành quá. Lành và không hiểu hết, không sử dụng được hết quyền và nghĩa vụ của mình.
Trong QH ta không có những nhóm lợi ích đối lập nhưng đại diện từ các nhóm lợi ích thì có. Tại kỳ họp thứ 1, có đại biểu là doanh nhân cho rằng không nên hạn chế tín dụng đối với kinh doanh bất động sản và chứng khoán. Trong phiên chất vấn Thủ tướng tại kỳ họp thứ 2, doanh nhân này lại đề nghị Thủ tướng cho lời khuyên các DN nên đầu tư vào đâu. Thủ tướng làm sao mà có quyền khuyên DN đầu tư vào đâu, trừ phi khuyên đầu tư vào miền núi, vùng sâu vùng xa, hải đảo. Mà xin Thủ tướng một lời khuyên cũng không phải là chất vấn. Bản thân các giải trình của một số Bộ trưởng (chẳng hạn, giải trình của Bộ trưởng Tài chính về lỗ lãi của ngành xăng dầu, hay Bộ trưởng Công thương về câu chuyện lương ngành điện 7,3 triệu đồng) cũng làm không ít ĐB và cử tri băn khoăn về nhóm lợi ích. Các bộ không thể đại diện cho DN như vậy được.
PV: Thưa ông, câu chuyện nghị sĩ đội mũ sắt đi họp hay nghị sĩ ẩu đả ở cuộc họp nghị viện nước ngoài liệu có phải là thước đo mức độ dân chủ, hay văn hóa nghị trường?
GS TS Nguyễn Minh Thuyết: Theo tôi, điều quan trọng nhất là nghị viện có tranh luận dân chủ không, có thực quyền không. Còn nếu các nghị sĩ đánh nhau mà người dân chấp nhận, thậm chí thấy đó là do nghị sĩ quyết liệt bảo vệ quyền lợi cho dân thì cũng không sao. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh mà. Còn ở Việt Nam, người dân có tiêu chuẩn khác. Vừa rồi, có vị ĐB khi chất vấn nói Bộ trưởng Bộ GTVT trả lời lòng vòng như thế thì ai làm Bộ trưởng cũng được, hoặc khóa XII có vị nói một Bộ trưởng không xứng đáng với chức Bộ trưởng của mình, nói vậy thô quá, khó có thể nhận được sự đồng tình.
Trong kỳ họp thứ 2 này, tôi rất ấn tượng với phát biểu tranh luận của ĐB Dương Trung Quốc và chất vấn của ĐB Lê Bộ Lĩnh. Đó là những phát biểu sáng giá. Tại phiên chất vấn Thủ tướng hôm qua, ĐB Lê Bộ Lĩnh đã đưa ra những câu hỏi đúng tầm chính khách. Hỏi những điều mà người dân quan tâm và chờ đợi. Nhưng tôi không hiểu vì sao ĐB Lĩnh phải dùng cụm từ "biểu hiện lòng yêu nước" thay vì dùng “biểu tình”. Thật tội cho hai chữ "biểu tình". Nó có tội gì đâu? Nước ta là một nước dân chủ. Ở một Quốc hội dân chủ thì nghị sĩ không cần phải nói khéo. Cũng như ở một quốc gia dân chủ thì người dân không thể coi những việc đương nhiên phải làm là tế nhị, nhạy cảm.
PV: Chủ tịch QH Nguyễn Văn An từng nói về con số 400, tức là hơn 90% là đảng viên. Khóa này tỷ lệ còn cao hơn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến một số nghị quyết của QH có nội dung khác với cuộc tranh luận tại Quốc hội mà trường hợp 92,9% đại biểu thông qua dự án mở rộng thủ đô là một ví dụ?
GS TS Nguyễn Minh Thuyết: Cũng chính Chủ tịch Nguyễn Văn An đã giải thích với các bạn nước ngoài về việc hơn 90% ĐBQH là đảng viên mà sinh hoạt QH vẫn dân chủ. Theo Chủ tịch Nguyễn Văn An, ở các nước theo chế độ đa đảng, mỗi đảng viên ra trước QH nhất thiết phải phát biểu theo quan điểm của đảng mình. Còn ở Việt Nam, ý kiến của các đại biểu là đảng viên vẫn đảm bảo đa dạng, tranh luận rất sôi nổi. Tôi thấy cách giải thích này rất thuyết phục. Nhưng lúc biểu quyết thì đúng là có vấn đề thật. Bởi khi Trung ương đã quyết thì đảng viên phải theo nghị quyết của TƯ. Ví dụ, khi thăm dò dự án mở rộng thủ đô, tôi nhớ có 226 phiếu thuận và 226 phiếu chống. Nhưng khi biểu quyết thì tỷ lệ lên tới 92,9% tán thành. Chỉ có 4 phiếu chống, trong đó có phiếu của tôi. Tôi quan niệm mình nghĩ sao thì phải nói vậy, và đã nói thì phải làm đúng những điều mình nói. Nhưng cũng may con số tán thành mở rộng thủ đô hồi đó là 92,9% chứ nếu là 100% thì không thể chấp nhận nổi. Sau nghị quyết mở rộng thủ đô, Bộ Chính trị và TƯ đã điều chỉnh phương thức lãnh đạo của Đảng đối với QH, mà trường hợp dự án Đường sắt cao tốc sau đó là một ví dụ.
Quốc hội treo nhiều luật rất cơ bản
PV: Kể từ năm 1992, Quốc hội khóa nào cũng được mùa làm luật, nhưng vì sao những dự án luật liên quan đến dân chủ dân quyền, như Luật Lập hội, Luật Biểu tình, QH lại nợ dân lâu đến như vậy? Thưa ông?
GS TS Nguyễn Minh Thuyết: Chương trình xây dựng pháp luật hầu hết đều do Chính phủ đề xuất. Chính phủ có thể đã cố gắng cân đối các mặt nhưng có vẻ quy hoạch xây dựng pháp luật vẫn không hợp lý. Trước năm 2003, QH tập trung làm các luật liên quan đến kinh tế để đủ điều kiện gia nhập WTO. Tuy nhiên giai đoạn đó qua rồi. Quả thực là QH nợ nhân dân quá lâu một số luật liên quan đến quyền tự do, dân chủ của dân. Cứ thập thò, đưa vào chương trình hoặc đưa dự thảo ra rồi lại rút. Ví dụ, Luật Trưng cầu dân ý, Luật về hội đã được đưa vào chương trình hoặc trình ra QH thảo luận từ khóa XI nhưng sau đó lại được rút khỏi chương trình. Luật Báo chí sửa đổi cũng chưa biết bao giờ mới thông qua được. Có thể đó là những vấn đề “nhạy cảm”. Nhân đây, xin nói là nhiều nước không có Luật Báo chí. Ở Mỹ, Hiến pháp (tu chính án năm 1791) quy định : “Nghị viện không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, báo chí, quyền của dân chúng được hội họp hoà bình và kiến nghị chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình.”
PV: Ông vừa dùng từ "nhạy cảm". Như thế nào là nhạy cảm, thưa ông?
GS TS Nguyễn Minh Thuyết: Đó là một thuật ngữ rất khó giải thích rõ ràng. “Nhân quyền”, “dân chủ” là nhạy cảm. “Biểu tình” nhạy cảm. Chống tham nhũng cũng thế, cứ như là chống Chính phủ vậy.
PV: Tại kỳ họp trước, QH được "báo cáo riêng" và không có thảo luận về tình hình Biển Đông. Vừa rồi QH nghe báo cáo dự thảo Luật Biển, rồi thảo luận trong tình trạng họp kín. Một dự án luật có nhất thiết phải họp kín, thưa ông?
GS TS Nguyễn Minh Thuyết: Không có quy định rõ trường hợp nào thì họp kín, trường hợp nào thì không. Thường thì trong trường hợp nghe báo cáo hoặc bàn luận những vấn đề bí mật quốc gia hay vấn đề đối ngoại, Quốc hội họp kín. Điều đó hợp lý vì những thảo luận tại QH sẽ không bị lộ hoặc không ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao. Tuy nhiên, đối với vấn đề Biển Đông - một vấn đề thiết thân với đông đảo người dân, được người dân hết sức quan tâm - thì QH cần họp công khai để người dân được biết và cũng để những nước liên quan biết rõ quan điểm của nhân dân thông qua các nghị sĩ. Luật Biển (Luật Các vùng biển Việt Nam) là một văn bản pháp quy, liên quan đến toàn dân. Người thực thi là nhân dân. Vì vậy, người dân càng cần được biết và được tham gia ý kiến. Mà theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì các dự án luật phải công khai.
PV: Tại kỳ họp vừa rồi, lần đầu mới xuất hiện việc các nghị sĩ QH đệ trình dự án luật. Cụ thể là Luật Nhà văn và Luật Đảm bảo quyền riêng tư. Thoạt nhìn, đây có vẻ như là một biểu hiện của dân chủ, nhưng theo ông, vì sao cử tri và nhân dân lại phản ứng dữ dội như vậy trước một biểu hiện của dân chủ?
GS TS Nguyễn Minh Thuyết: Việc cá nhân đại biểu đề xuất dự án luật theo tôi biết thì không phải đây mới là lần đầu tiên. Còn việc đề xuất 2 dự án luật nói trên gây ra phản ứng tiêu cực từ người dân là vì ý kiến đề xuất của ĐB không xuất phát từ lợi ích chung hoặc còn rất hời hợt. Chẳng hạn, nhiều người cho rằng ĐB đề xuất dự án Luật Đảm bảo quyền riêng tư xuất phát từ bức xúc cá nhân hơn là thấy sự cần thiết của dự án ấy đối với nhân dân. Còn đề xuất xây dựng Luật Nhà văn là một ý kiến hời hợt. Người đề xuất tuy là Hội viên Hội Nhà văn nhưng không hiểu rằng điều cần nhất đối với nhà văn không phải là luật hay tiền mà là tự do sáng tạo. Bên cạnh đó, cả hai ĐB đều không biết rằng việc đảm bảo quyền riêng tư đã được quy định trong Bộ luật Dân sự và những điều liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm v.v… của nhà văn cũng như của những người sáng tạo nói chung đã được quy định trong Luật Xuất bản và Luật Sở hữu trí tuệ.
PV: Năm nay, QH tiếp tục có nghị quyết giám sát lời hứa của các vị Bộ trưởng. Nghị quyết này theo ông cần phải làm thường xuyên hơn?
GS TS Nguyễn Minh Thuyết: Theo Luật Tổ chức QH và Nội quy kỳ họp QH, QH có thể ra nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn nếu thấy cần thiết. Nhưng việc ra nghị quyết đến khóa XII mới thực sự bắt đầu và cũng chỉ có ở 2 kỳ họp. Tôi cho rằng QH nhất thiết phải ra nghị quyết để xác định trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ, ngành đối với những vấn đề thuộc lĩnh vực điều hành của các cơ quan này, đồng thời yêu cầu những biện pháp buộc phải thực hiện, khuyến nghị những biện pháp cần xem xét. Bởi nếu không có nghị quyết, thì kết quả chất vấn của ĐB nhân dân sẽ phải phụ thuộc vào thiện chí của người trả lời chất vấn. Điều đó là không thể được.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Đào Tuấn (thực hiện)
Nguồn: Đào Tuấn -Blog.
Trân trọng,cám ơn nhiều đến đại biểu Nguyễn Minh Thuyết. Nhưnh tôi thấy rất buồn với trí tuệ,bản lĩnh của giáo sư tôi tin còn đóng góp nhiều nhiều hơn nữa cho nhân dân , dân tộc trên diễn đàn công khai chính thống nhất là Quốc hội.
Trả lờiXóaTiếc quá cho người dân khốn khổ !
Tôi hoan nghênh và ngưỡng mộ ĐB Dương Trung Quốc và nguyên ĐB Nguyễn Minh Thuyết và luôn có cảm giác không khí hội nghị QH nước ta như buỏi thiết triều của các triều đại PK ngày xưa mà tôi được thấy qua phim ảnh Tàu vậy.ĐB có cái gì đó sợ sệt khép nép,lựa chọn ngôn từ phải ý nhị như kiểu luôn sợ bị"trảm"vậy.ĐB cần phải biết rằng mình là người Đai diện của Dân,tiếng nói của mình là tiếng nói của Dân,vấn đề nào đó chưa hoặc không thỏa đáng thì cần ĐỀ NGHỊ chứ sao lại MONG BỘ TRƯỞNG nghe yếu đuối quá.Và ngán nhất là theo dõi phiên chất vấn mà lại bị yêu cầu của chủ CTQH "trả lời bằng văn bản" mặc dầu chưa bắt đầu phiên trả lời
Trả lờiXóaNghị trường hay thương trường dều là chiến trường.
Trả lờiXóaMỗi quyết dịnh sai hay đúng của quốc hội có ảnh hưởng ghê gớm đối với sinh mạng hay tài sản... quốc gia, gấp ngàn lần so với vụ VINASHIN! hay BOXIT-Tây Nguyên
CẦN PHẢI BAN HÀNH NGAY NHỮNG LUẬT CƠ BẢN ĐỂ NGƯỜI DÂN THỰC HIỆN QUYỀN DÂN CHỦ-CÔNG BẰNG-VĂN MINH:
Trả lờiXóa-PHẢI CÓ NƠI ĐỂ NGƯỜI DÂN NÓI LÊN TIẾNG NÓI CỦA MÌNH.(báo chí)
-PHẢI CÓ NƠI ĐỂ NGƯỜI DÂN BIỂU THỊ THÁI ĐỘ ĐỒNG TÌNH HAY KHÔNG ĐỒNG TÌNH.(biểu tình)
Vậy luật biểu tình,luật lập hội là hết sức cần thiết và cần làm ngay.Khi có đông người biểu tình (đồng hay nghịch)thì khi ấy mới có ĐỊNH LƯỢNG (thật) cho ĐB phát biểu tại nghị trường là đa số hoặc thiểu số.
Tránh những lời nói 'sai lầm' đáng tiếc như nghị Phước.
Đề nghị QH biểu quyết bổ sung GS Nguyễn Minh Thuyết thay nghị Hoàng hữu Phước làm ĐBQH. Còn HHP thì bí mật quốc gia còn bị lộ.
Trả lờiXóaTôi kính trọng GS Thuyết từ khi ông còn là đại biểu Quốc hội, theo dõi phát biểu của ông tại nghị trường các khóa trước.
Trả lờiXóaNhững phát biểu của ông đều biểu thị tấm lòng của người yêu nước, có TÂM và có TẦM
Phần lớn ý kiến của ông được rất nhiều "đồng bào" đồng tình, thỏa mãn.
Chúc ông sức khỏe và vẫn mãi còn tham gia việc nước ở cương vị hiện nay của mình.
TH
Thật thiệt thòi cho Dân, khi những người như ông không còn có tiếng nói ở chốn nghị trường. -Le.
Trả lờiXóaCòn GS Thuyết trên nghị trường thì đã hay quá nhất là vào thời điểm này, nhưng tôi nghĩ những vị như ông Quốc cũng rất tuyệt. Tuy nhiên về việc cống hiến cho xã hội, không nhất thiết là phải trong Quốc hội đâu, như các vị GS/TS Nguyễn Minh Thuyết, Chu Hảo, Ngô Đức Thọ, Nguyễn Quang A, Nguyễn Huệ Chi, ...họ vẫn âm thầm có những đóng góp đấy chứ. Chúc các bác sức khỏe, dân trông chờ vào các bác nhiều lắm!
Trả lờiXóaQuốc gia phồn thịnh cần huy động sức dân, sử dụng Người hiền tài ,Người tài họ rất tự trọng nên đòi hỏi người lãnh đạo phải có tầm .Thực trạng xã hội ta hiện nay tầng lớp lãnh đạo chỉ lo vun vén cho cá nhân rất thiển cận,làm cho người dân khổ đau,dân tộc bức bách.
Trả lờiXóaTôi rất ngưỡng mộ giáo sư Thuyết.
Trả lờiXóaTôi rất tiếc và rất buồn khi giáo sư không còn là Đại biểu Quốc Hội.
Kính chúc giáo sư nhiều sức khoẻ và đem tiếng nói của mình để giúp dân
Sao người ta lại sợ chống Chính phủ quá vậy??? Trong khi Chính phủ cũng do nhân dân gián tiếp bầu ra mà. Theo tôi thì Nhà Nước nên cho nhân dân tự do phản đối Chính phủ (nếu không nói là chống Chính phủ) nếu nhân dân không đồng ý với các chính sách của Chính phủ. Bởi vì Chính phủ là một ê kíp có thể được thay đổi thường kỳ thông qua các cuộc bầu cử. Để đảm bảo quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản như đã được ghi trong Hiến pháp thì phải cấm CHỐNG NHÀ NƯỚC. Nói một cách dễ hiểu là Nhà nước cho phép nhân dân chống Thủ tướng nhưng không cho chống Chủ Tịch nước. Như vậy là vừa đảm bảo cho người dân được hưởng quyền tự do dân chủ vừa đảm bảo quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Để thực hiện được điều này thì Chủ tịch nước phải là Nguyên thủ quốc gia đúng nghĩa, tức là Chủ tịch nước là tổng tư lệnh tối cao của quân đội.
Trả lờiXóaNhững người như GS Thuyết là những hình mẫu đại biểu lí tưởng cho Quốc hội ta, nhất là giai đọan hiện nay (tôi tín nhiệm Ông Thuyết nhất trong Nhiệm kỳ Quốc hội trước - ngôi sao sáng nhất trong các ngôi sao Đại biểu Quốc hội - lời báo chí nữa, chứ không chỉ của tôi đâu!). Trừ trường hợp Ông Thuyết không muốn tham gia nhiệm kỳ này thì tôi chịu, chứ Ông vẫn sẵn sàng chung gánh vác sơn hà mà bị ngăn, không được làm, - mà những người như Ông Phước, Hồng lại vào thì xin mời mọi người hãy có ý kiến!
Trả lờiXóaTôi vô cùng kính trọng GS. Nguyễn Minh Thuyết. Lời nói của bác chính là lời nói của dân. Tiếc là VN ko có nhiều người vừa có tài, có tâm và có dũng khí như bác.
Trả lờiXóaViệt Nam thiếu một đấu trường thực sự cho các nghị sĩ. Một vị đại biểu khóa trước (tôi không nhớ tên, một vị nữ lưu) đã nói về nhu cầu đào tạo kiến thức nghị trường cho các đại biểu QH.
Trả lờiXóaCuộc tranh luận do ĐB Hoàng Hữu Phước gây ra mới đây tuy làm nhiều người bực tức nhưng lại góp phần rất xây dựng văn hóa nghị trường. Không có bài phát biểu của ĐB Phước làm nền, làm sao thấy phản biện của ĐB Dương Trung Quốc hay ho và đầy ý nghĩa?
GS Thuyết cần phải đọc blog của ĐB Phước trước khi quyết định nó có "đáng tiếc" hay không. Tôi cho rằng việc ĐB Phước tiếp tục đính chính một số điều sau phiên họp vừa qua là tích cực, nhất là việc ông ấy nhắc nhở một số người và một số báo chí đã vô tình hay cố ý hiểu lầm vài điều ông ấy nói.
Hy vọng rằng văn hóa đối thoại của ta vươn lên từ đây với tiến độ mới. Cũng hy vọng rằng nó được hưởng không khí tự do mà nó cần có để phát triển. Và tự do ở đây xin được nói đích xác -- không nhạy cảm -- là tự do ngôn luận.
"Tôi cho rằng việc ĐB Phước tiếp tục đính chính một số điều sau phiên họp vừa qua là tích cực, nhất là việc ông ấy nhắc nhở một số người và một số báo chí đã vô tình hay cố ý hiểu lầm vài điều ông ấy nói."
Trả lờiXóa(bác Trần Khách)
Bác Phước chỉ đính chính thôi, bác có muốn đối thoại thì tổ chức một buổi đối thoại.
Các bài viết trên blog của bác từ trước đến giờ là bằng chứng chống lại bác ấy rồi.
Việc bác ấy nói như thế nào thì đã có bài viết của bác ấy, mọi người đều đọc cả!
Chỉ thắc mắc là các bài viết trên blog của bác ấy là do tự suy nghĩ mà viết hay ai mướn bác viết? Trong cả hai trường hợp thì đều tồi tệ như hau!
Bài trả lời của GS. Nguyễn Minh Thuyết rất trúng những vấn đề đang nhức nhối hiện nay. Trong hai khóa ở nghị trường, GS. Nguyễn Minh Thuyết đã làm được rất nhiều việc vì đất nước, vì nhân dân (có những phát biểu của ông làm tôi cảm động chảy nước mắt), nay ông lại tiếp tục đóng góp những ý kiến chí lý, chí tình, thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ.
Trả lờiXóaHoạt động của QH mới thời gian vừa đây khiến tôi thất vọng. Chắc là không thể nào xuất hiện được một đại biểu như GS. Nguyễn Minh Thuyết nữa. Còn loại như Hoàng Hữu Phước, Nguyễn Minh Hồng, Đặng Thị Hoàng Yến, Đặng Thành Tâm,... thì bỗng nhiên nở rộ. Loại ý kiến bất chấp sự thật và lẽ phải thông thường, coi dân như cỏ rác của ông HHP mà cũng có ngay mấy người hùa theo trong khi phản bác lại chỉ có mỗi mình ông Dương Trug Quốc. Nếu QH không còn may mắn sót lại ông Dương Trung Quốc thì chắc ý kiến của ông HHP vừa rồi sẽ được "đồng thuận" ? Nghĩ đến đấy thấy khủng khiếp quá.
Quốc Hội mình cao siêu quá!
Trả lờiXóaCác bác đại biểu khi họp rất nhiều người chẳng nói chẳng rằng! Vì các bác đang "hành thiền" trong suốt khóa họp!
Gửi bạn đọc Trần Khách,
Trả lờiXóađó là Cựu ĐBQH Ngô Minh Hồng, Giám dốc Sở tư pháp TP Hồ Chí Minh. Đại biểu này cũng có một số phát biểu đáng chú ý (không nguyên văn): ở Việt nam cấp dưới chỉ dám phê bình cấp trên duy nhất ở một điểm là "theo tôi thủ trưởng có khuyết điểm duy nhất là không giữ gìn sức khỏe".
Hòang Hải
Với biểu quyết mở rộng Hà Nội, đã khiến cho 2 Thành phố ngày càng phình to theo kiểu như 2 đầu quang gánh (1 cấu trúc theo tôi xấu!). Riêng tôi cũng không thể ủng hộ dự án này. Sau biểu quyết này người dân bàn tán khối người giầu to.
Trả lờiXóaI disapprove of what you say,but I will defend to death your right to say it.
Trả lờiXóa(Evelyn Beatrice Hall)
Xin tạm dịch:
Tôi không tán thành những gì bạn nói, nhưng tôi sẽ tranh đấu đến chết để bảo vệ quyền được nói của bạn
Nếu bác tiếp tục ra ứng cử ĐB QH thì nhân dân nhất định bầu bác Thuyết! Kính chào vị đại biểu đáng kính của nhân dân Việt Nam!
Trả lờiXóaĐồng Bào.
Thưa bác Trần Khách,
Trả lờiXóaTôi đã đọc bài trên blog của ông Hoàng Hữu Phước rồi mới dám nhắc đến chứ ạ. Nhưng tôi phải dùng chữ "nếu" vì blog là thông tin trên mạng,tôi chưa dám chắc 100% đó là của ông Phước.
Chưa cần Luật biểu tình vì dân trí thấp?
Trả lờiXóaTT - Bên lề phiên họp Quốc hội sáng 17-11, trả lời Tuổi Trẻ, đại biểu Hoàng Hữu Phước đề xuất đợi đến “khi nào trình độ dân trí cao hơn và kinh tế ổn định hơn thì mới có thể ban hành Luật biểu tình”.
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/465571/Chua-can-Luat-bieu-tinh-vi-dan-tri-thap.html
Toàn dân góp sức đòi lại Hoàng Sa
Trả lờiXóaTT - Đòi lại Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình là một việc lớn và lâu dài. Có rất nhiều việc phải làm và điều chắc chắn là phải huy động lực lượng và cần có thời gian. Đây chắc chắn phải là sự nghiệp toàn dân.
http://tuoitre.vn/Ban-doc/467122/Toan-dan-gop-suc-doi-lai-Hoang-Sa.html
Kính gửi các bậc nhân sỹ trí thức,
Trả lờiXóaMiến Điện đã thông qua Luật Biểu tình. Do đó nếu có thể, mong các vị sưu tầm và dịch ra tiếng Việt để mọi người tham khảo. Đây cũng là một bước đi hợp lý trong việc đòi nhà nước thông qua luật biểu tình ở Việt nam.
Kính
PQK