Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

CHỦ NHÂN SÁNG KIẾN QUĂNG LƯỚI BẮT NGƯỜI NÓI GÌ?

QUĂNG LƯỚI BẮT NGƯỜI VI PHẠM GIAO THÔNG
Đối thoại với chủ "sáng kiến" quăng lưới...

Trung tá Vũ Quốc Tường, Đội phó Đội CSGT TP Thanh Hóa, người đã có sáng kiến này, cho rằng biện pháp có nhiều ưu điểm nhưng... “Chúng tôi vừa làm vừa lo!”.

. Xin ông cho biết CSGT TP Thanh Hóa đã áp dụng biện pháp quăng lưới trong hoàn cảnh nào?

+ Cuối năm 2009 đầu 2010, tình trạng đua xe tại TP Thanh Hóa diễn ra rất rầm rộ. Chúng tôi đã sử dụng nhiều biện pháp như dùng bàn chông, bì rơm, súng bắn sơn… nhưng đều không hiệu quả. Hơn nữa những biện pháp này rất nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện cũng như người thi hành công vụ. 

Quái xế thấy lưới là sợ!

. Và thế là ông nảy ra sáng kiến dùng lưới?

+ Khi sử dụng biện pháp quăng lưới này lập tức mang lại hiệu quả rất cao. Những thanh niên đua xe thấy lưới là sợ nên đến giữa năm 2010, tình trạng đua xe tại TP Thanh Hóa đã chấm dứt hẳn. 


Sau khi Thành ủy ban hành Chỉ thị 04 về tăng cường đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông. Trong đó tập trung hạn chế tối đa các đối tượng đua xe, lạng lách đánh võng, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, chở nhiều người… Lãnh đạo tỉnh đã đồng ý cho mở rộng thực hiện biện pháp này để bắt những đối tượng không chấp hành hiệu lệnh vào ban ngày. 

. Ưu điểm của biện pháp này thế nào? CSGT TP Thanh Hóa đã chuẩn bị những gì khi thực hiện việc quăng lưới để đảm bảo an toàn cho người vi phạm cũng như người tham gia giao thông khác, thưa ông?

+ Ưu điểm của biện pháp này là khi bị lia lưới vào gầm xe, đối tượng điều khiển phương tiện không dừng lại đột ngột mà chậm dần đều. Do đó, nó đảm bảo an toàn cho những người làm nhiệm vụ và cho người tham gia giao thông. Từ khi quăng lưới chống đua xe vào cuối năm 2009, chưa có một tai nạn đáng tiếc nào xảy ra. Tuy nhiên, có khoảng năm trường hợp bị ngã, bị xây xát phải đưa vào bệnh viện nhưng chỉ phải điều trị không quá một ngày.

Từ khi áp dụng biện pháp này vào ngày 28-10, chúng tôi đã sử dụng và bắt được khoảng hơn 30 trường hợp. Khi bắt đầu thực hiện, chúng tôi cũng đã giành một buổi để hướng dẫn cho các anh em dân phòng cách lia lưới sao cho chính xác. Đến bây giờ có nhiều người quăng rất tốt nhưng không tránh khỏi việc có người quăng vào bánh trước. Nhưng việc lia vào bánh trước xe máy không đáng lo ngại vì phần đầu của xe không có nhiều các bộ phận chìa ra nên rất khó quấn vào bánh. Chúng tôi cũng quán triệt cho những người thực hiện biện pháp này là phải dự liệu tình hình. Nếu đường đông và có thể xảy ra nguy hiểm thì không nên áp dụng.

Một tổ công tác của Công an tỉnh Thanh Hóa, bên trái là đống lưới để quăng vào xe người vi phạm. Ảnh: NGUYỄN DÂN
Thừa nhận: Nhìn khá phản cảm

. Tại sao lại giao cho dân phòng thực hiện biện pháp này? Ông có dự liệu trường hợp nó sẽ gây tai nạn nghiêm trọng cho người dân hay không? 

+ Thực ra tôi cũng không hoàn toàn đồng ý với việc sử dụng biện pháp này vào ban ngày vì sợ các đối tượng bị quăng lưới sẽ sợ, tránh dẫn đến tự mất thăng bằng và va vào người tham gia giao thông. Bình thường thì không sao chứ nếu xảy ra chết người thì ai chịu trách nhiệm?

Biện pháp này chỉ thích hợp nhất khi chống đua xe. Mặt khác, khi áp dụng vào ban ngày biện pháp này nhìn khá phản cảm. Đáng lý việc quăng lưới phải giao cho CSGT làm nhưng từ ngày 28-10 lại giao cho dân quân tự vệ nên cũng đáng lo ngại. Vì tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông tại TP Thanh Hóa rất cao nên chúng tôi dự định chỉ thực hiện đến hết tháng 11, khi mọi chuyện đi vào nề nếp sẽ chấm dứt. Chúng tôi cũng vừa làm vừa lo nhưng thực tiễn thấy hiệu quả nên cứ im lặng mà làm.

. CSGT TP Thanh Hóa thực hiện biện pháp này dựa trên những cơ sở pháp lý nào, thưa ông?

+ Biện pháp này không nằm trong bất cứ biện pháp nghiệp vụ nào của công an. Theo tôi nó chỉ là một loại công cụ trợ giúp cho người thực thi pháp luật. Chúng tôi cũng đã báo cáo lên Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) để xin ý kiến. Tuy nhiên, có lẽ Bộ Công an vẫn chưa hình dung được biện pháp này là như thế nào nên chưa cho ý kiến hay ban hành các hành lang pháp lý. Chúng tôi cũng rất mong muốn có một cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đánh giá cụ thể nếu được thì có thể nhân rộng vì thanh thiếu niên đua xe rất sợ biện pháp này. 

. Xin cảm ơn ông.

Quăng lưới bắt xe là phạm luật


Hàng trăm email gửi về tòa soạn bày tỏ sự phản đối biệp pháp này của Công an TP Thanh Hóa. Xin trích một vài ý tiêu biểu mời bạn đọc xem đầy đủ trên Pháp Luật online.

Việc tung lưới vào bánh xe rất nguy hiểm (nguy hiểm cho người đứng chặn để tung và người điều khiển xe, chưa kể trên xe có người già và trẻ em ngồi sau). Tôi không ủng hộ phương án này.
Phan Minh (phanminh…@gmail.com)

Hành vi tung lưới nếu gây ra tai nạn thì sẽ giải quyết thế nào? Đừng nói lúc đó lại dựa vào quy định liên quan đến “thi hành công vụ” để giảm nhẹ trách nhiệm nhé!
Lê Trung Phát (letrungphatl…@gmail.com)

Thiếu gì biện pháp mà lại đi áp dụng biện pháp ấu trĩ như vậy. Nếu biện pháp này áp dụng trong cả nước thì nước ta trở thành một “ngư trường” mất.
Huyden (huydend…@yahoo.com)

Lưu ý đối tượng vi phạm trong trường hợp này mọi người đều biết là vi phạm hành chính, không phải là tội phạm. Tại sao lại phải dùng biện pháp trấn áp tội phạm với họ. Nếu xảy ra hậu quả chết người hoặc gây thương tích cho người điều khiển phương tiện hoặc người đi đường, ai là người chịu trách nhiệm?
Than van danh (www.thanv...@gmail.com.vn)

Cảnh sát làm vậy là sai, quan trọng nhất là an toàn cho con người. Tôi cho rằng thực thi công quyền như thế là quá ấu trĩ, coi việc làm của mình quan trọng hơn tính mạng của nhân dân.
Tuấn Huỳnh (take_18…yahoo.com)

Chưa có quy định, sao đã làm?

Đại tá Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ Công an), cho biết biện pháp này Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã báo cáo và thực tế là họ đang thử nghiệm trong việc chống đua xe. Việc này cũng chưa phát sinh vấn đề gì lớn lắm vì chưa có tai nạn xảy ra.

Còn theo Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Cục phó Cục CSGT đường bộ - đường sắt, ông chưa biết việc Công an TP Thanh Hóa đã thực hiện biện pháp này. “Chuyện quăng lưới, tôi chỉ biết Công an tỉnh Thanh Hóa có báo cáo đề xuất. Phải có hành lang pháp lý mới làm được chứ chưa có mà đã làm rồi thì chết. Nhỡ đâu người điều khiển phương tiện xô vào nhau thì sao? Bây giờ chỉ đang xin ý kiến thôi, đã cho làm đâu. Ý tưởng của Công an tỉnh Thanh Hóa còn phải nghiên cứu kỹ về pháp luật và phải bổ sung thì mới làm được” - ông Tuấn nói.
 NGUYỄN DÂNghi
THANH LƯUthực hiện
Nguồn: PL Tp HCM

24 nhận xét :

  1. Một "sáng kiến" bắt người theo kiểu "người nguyên thủy". Không lẻ chẳng còn cách nào lịch sự - văn minh hơn sao?

    Trả lờiXóa
  2. Nên chụp hình lại,xử lý nguội bằng biện pháp tịch thu xe , thiêu hủy với mọi hình thức(kèm theo phạt lao động công ích) mới ngăn chặn được nạn đua xe!Pháp luật phải nghiêm minh, cấm xin xỏ!:)

    Trả lờiXóa
  3. Còn gì man rợ hơn!
    Những người mà Bác Hồ dạy phải " Kính trọng dân " sẽ còn nghĩ ra những sáng kiến gì nữa để xử dân???
    Giữa thanh thiên bạch nhật và trên các đường phố lớn mà họ còn dám làm vậy thì khi "được mời" vô đồn CA rồi thì chỉ có CA biết mà thôi...
    Chắc phải thay dân!

    Trả lờiXóa
  4. Đây mà gọi là sáng kiến à? Tối kiến thì có. Ai đời nào lại sử dụng biện pháp vừa nhìn vào đã thấy rất phản cảm rồi. Sáng kiến thì có cái gì đó tính mới, hiện đại để theo kịp thời đại mà lại mang lại hiệu quả. Chứ biện pháp này chẳng khác gì quay về thời kỳ đồ đá.

    Trả lờiXóa
  5. Kinh chao bac Lam Khang!
    Toi la nguoi dan song tai Tp Thanh Hoa, xin thong tin lai the nay cho ro: Chi quang luoi doi voi truong hop: Ko chap hanh hieu lenh (chu yeu la thanh nien, ko doi mu bao hiem, lang lach, vuot den do), vi nhung doi tuong nay thuong gay TNGT cho nguoi tham gia GT.
    Xin cam on va chuc bac manh khoe!

    Trả lờiXóa
  6. Bọn đua xe, đánh võng, lạng lách là bọn man rợ, không cần phải dùng cách văn minh

    Trả lờiXóa
  7. Chả khác gì bọn quăng lưới trộm chó. Nhưng hành động này dã man hơn nữa, phi nhân tính!

    Trả lờiXóa
  8. Ngư trường của chúng ta ngày càng nhỏ dần. Đây là sáng kiến nhằm đi tắt đón đầu để mở rộng ngư trường lên đất liền. Xin cảm ơn CA Thanh Hóa.
    Người Sài Gòn.

    Trả lờiXóa
  9. Du khách nước ngoài đến VN mà được chứng kiến cảnh này giữa đường phố thì chắc họ sẽ vái tay tôn vinh cảnh sát VN là "cụ"!
    VN rất thích lập kỷ lục Ghi net.
    Tôi ủng hộ các biện pháp mạnh đối với các đối tượng coi thường luật giao thông nhưng kiểu này thì hơi bị "sốc".

    Trả lờiXóa
  10. Tại sao các nước khác không có đua xe mà ta có?
    Vấn đề là lực lượng cảnh sát phải hoàn thành nhiệm vụ bằng các phương pháp theo đúng pháp luật, không phải hoàn thành nhiệm vụ bằng mọi giá, kể cả hy sinh tính mạng người dân.

    Trả lờiXóa
  11. Hãy hỏi hoặc hãy đặt mình vào vị trí những người đã mất đi người thân, hoặc những người bị tàn phế do quái xế, do người tham gia giao thông phóng nhanh, vượt ẩu, coi thường luật pháp.
    Trong khi chưa có biện pháp hữu hiệu hơn, tôi nghĩ biện pháp trên chấp nhận được. Không thể vì "lịch sự" với đối tượng coi thường luật giao thông mà gây nguy hiểm cho cộng đồng, cho cảnh sát giao thông được.
    Nếu các bác, cách anh chị phê phán cách làm trên, hãy cho một giải pháp đi (lưu ý là giải pháp trước mắt, tức thời, chứ không phải lâu dài như chỉnh đốn tác phong CSGT, sửa luật,...) để bắt giữ phương tiện vi phạm.

    Trả lờiXóa
  12. Trích " Từ khi quăng lưới chống đua xe vào cuối năm 2009, chưa có một tai nạn đáng tiếc nào xảy ra. Tuy nhiên, có khoảng năm trường hợp bị ngã, bị xây xát phải đưa vào bệnh viện nhưng chỉ phải điều trị không quá một ngày."

    Điều này không có nghĩa là "không bao giờ" xảy ra tai nạn nghiêm trọng hơn (gãy chân tay, chết người). Nếu một lần nào đó xảy ra thì ai là người chịu trách nhiêm ? Người có "sáng kiến" (tối kiến) hay người thực thi "sáng kiến". Chẳng lẽ lúc đó lại đổ vấy cho nhau ?

    Mong rằng suy nghĩ trước khi "phát huy"...

    TH

    Trả lờiXóa
  13. Mọi rợ đến thế là cùng.

    Trả lờiXóa
  14. Đây là biện pháp tối kiến chứ không phải sáng kiến,phản cảm quá

    Trả lờiXóa
  15. Trước hết tôi phản đối biện pháp này vì nó nguy hiểm cho người vi phạm và cả những người tham gia giao thông. Biện pháp này còn phản cảm, mất tính nhân bản trong một xã hội mà ta hướng tới: Xã hội văn minh.Trước một hiện tượng, sự việc chúng ta hay giải quyết theo cách trước mắt thiếu đầu tư trí tuệ nên dễ sai lầm mất lòng dân. Le.

    Trả lờiXóa
  16. Thế giới văn minh ơi, đất nước VN ngàn năm văn hiến của tôi đã áp dụng tới những công cụ chỉ dùng cho việc bắt xúc vật, động vật vào việc trấn áp người vi phạm luật. Thật là một đất nước văn minh hiện đại!!!

    Trả lờiXóa
  17. Quả Công An Thanh Hóa cũng đa mưu túc trí đấy chứ. Này nhé: ngoài biển Đông ngư dân Việt Nam ta bị bọn cướp biển Trung Quốc bắt ép đòi tiền chuộc, bắn giết đâm chìm tàu,...tai họa đủ đường nên càng ngày ngư trường càng thu hẹp lại là điều thực tế diễn ra. Và khi ngư trường thu hẹp lại, người đi biển ít dần thì lưới đánh cá dư nhiều đem cân bán ve chai giá rẻ mạt. Công an chớp thời cơ mua lại lưới đánh cá của các ngư dân từ bỏ các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa chuyển lên đánh bắt trên bờ thì thật chí lí lắm. Nếu được nhân rộng có thể nhận các ngư dân thất nghiệp vào lực lượng đánh bắt thì lúc đó khả năng quăng lưới sẽ 'chuyên nghiệp' ngay. Lợi nhuận thu được cũng rất cao thậm chí hơn cả đánh cá ngoài khơi, tiền có thể thu về cho Nhà nước tăng ngân sách vượt qua khủng hoảng kinh tế và một phần mãi lộ bỏ túi riêng cho lực lượng mình. Như thế chả phải tuyệt vời đấy sao.

    Tuýt Tuýt.

    Trả lờiXóa
  18. + Thực ra tôi cũng không hoàn toàn đồng ý với việc sử dụng biện pháp này vào ban ngày vì sợ các đối tượng bị quăng lưới sẽ sợ, tránh dẫn đến tự mất thăng bằng và va vào người tham gia giao thông. Bình thường thì không sao chứ nếu xảy ra chết người thì ai chịu trách nhiệm?

    Mạng người dân VN như con sâu cái kiến hay sao???

    Trả lờiXóa
  19. Cách này giống như cáh bắt Vân Trường trong Tam quốc chí.

    Trả lờiXóa
  20. "Công an TP Thanh Hóa cho biết sau khi nghiên cứu và kiểm nghiệm, nếu đảm bảo về mặt khoa học cũng như thực tế, sáng kiến này sẽ được triển khai và phổ biến áp dụng trên phạm vi toàn quốc."

    Trên đây là đoạn trích từ báo PL TpHCM mà blog bác Diện dẫn lại hôm qua. Theo mạch văn thì cụ thể lời trên là phát biểu của lãnh đạo CA Tp Thanh Hóa. Tôi thấy trước hết, phát biểu này là khó chấp nhận cả về măt thẩm quyền (CA Thanh Hóa sao lại có thể quyết thay cho thay cho cả nước?) lẫn về mặt lý lẽ (cứ tạm đồng ý là "sáng kiến" này tỏ ra có hiệu quả với tình hình ở Thanh Hòa, nhưng chắc gì đã tốt khi triển khai trên toàn quốc?).

    Nhớ khoảng năm 2004, Tp HCM có vị giám đốc CA mới (lâu quá tôi không nhớ tên). Tình trạng giao thông ở Tp HCM lúc đó rất hỗn loạn, nạn đua xe tràn lan gây nhiều tai nạn chết người, lực lượng CA giao thông rất vất vả... Khi báo chí hỏi vị giám đốc mới về biện pháp của ông, ông ngắn gọn trả lời: "điều đầu tiên và cần thiết nhất, phải làm cho bằng được, là cải thiện hình ảnh người công an giao thông (CAGT) trước mắt dân chúng!". Và quả sau đó ông làm thế thật. Nạn "làm luật" hay "mãi lộ" bớt hằn vì anh CAGT nào cũng ớn khi kỷ luật trong ngành được siết rất nghiêm, còn báo chí và cả người dân thì hăng hái theo dõi, giám sát (với cả máy chụp hình nữa) nhất cử nhất động của từng anh.

    Trên đây, bác ẩn danh 12:39 nói rằng cần một giải pháp trước mắt, cấp thời, còn chuyện chỉnh đốn tác phong CAGT là chuyện lâu dài, nhưng theo tôi, chính cái "chuyện lâu dài" này mới là gốc của vấn đề. Trong một trận bóng đá mà trọng tài điều khiển không nghiêm, không đúng, thiên vị hay có ý đồ mờ ám... thì cả đến những cầu thủ có tiếng là điềm đạm cũng dễ nổi khùng và chẳng thèm tôn trọng luật chơi nữa. Thượng bất chính thì hạ tắc loạn, ông bà mình nói không sai. Tôi ở bên Mỹ, thấy bên này cũng không thiếu mấy anh công an "ba bứa" cũng như không thiếu mấy tay yêng hùng xa lộ bạt mạng, nhưng luật của họ quá nghiêm, vi phạm là trả giá rất đắt, cho nên từ police cho tới dân đố anh nào dám giỡn mặt. Tôi tin rằng giải quyết tình trạng vi phạm giao thông được hay không chính là nằm ở điểm đó. Luật phải hết sức công bằng, nghiêm minh, và ngành CAGT cách riêng, hay toàn ngành CA nói chung phải là tấm gương triệt để tôn trọng luật pháp.

    Khi một sĩ quan CA đánh dân (cứ cho là người dân vi phạm giao thông đi) cho đến chết, mà cả trong ngành lẫn toà án đều lần lữa bao che không dám xử, thì dân - nhất là người trẻ, mà dân số trẻ ở xứ mình chiếm tỉ lệ rất cao - họ không coi thường CA, không coi thương luật pháp mới là lạ!

    Trả lờiXóa
  21. Thưa quý ẩn danh 12:39 -ngày 24/11/2011 : Về nghiệp vụ CA tôi nghĩ mấy anh không phải không làm được, nhất là trong thời đại kỹ thuật số và CNTT như bây giờ (Ngồi một chỗ có thể thu thế giới vào lòng bàn tay!);Đó là họ không làm mà thôi, phải chăng đây cũng là cách làm hình thức, phong trào , lấy điểm??? -Le.

    Trả lờiXóa
  22. Dùng lưới để bắt cá là thuộc nghành Ngư Nghiệp
    (người dân sống nghề chài lưới) và thỉnh thoảng thì cũng có những nông dân dùng lưới để bắt gia súc hay chim, chứ chưa bao giờ dùng để bắt người cả. Vậy mà ông Trung Tá Vũ Quốc Tường lại đem thực dụng để bắt dân thì thật là hết ý. Phải chăng ông ta xem dân như là cá, chim hay gia súc ??? Và ông ta cũng quên rằng quăng lưới bắt một người đang lái xe thì rất là nguy hiểm không chỉ riêng cho người đó mà còn cho cả những người lái xe xung quanh !!!
    Mong rằng những người lảnh đạo hãy ra lệnh ngưng
    ngay biện pháp quái đản nầy.

    Trả lờiXóa
  23. Tại sao có nhiều người "ném đá" việc làm của CATH như thế nhỉ? Có định kiến quá không? Chưa biết họ dùng lưới trong hoàn cảnh nào mà đã lên án? Tôi thấy nhiều người thiển cận và cực đoan quá rồi. Thử đề xuất một "sáng kiến" đi nào! Bó tay!

    Trả lờiXóa