Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Đi tìm vẻ đẹp Ca trù - Bài 8: NGHỆ SĨ NHÂN DÂN QUÁCH THỊ HỒ

Quách Thị Hồ 
-Sênh phách giọng sầu gửi bóng mây
Nguyễn Xuân Diện 

Tiếng hát của Quách Thị Hồ đẹp và tráng lệ như một tòa lâu đài nguy nga, lộng lẫy, mà mỗi tiếng luyến láy cao siêu tinh tế của bà là một mảng chạm kỳ khu của một bức cửa võng trong cái tòa lâu đài ấy. Tiếng hát ấy vừa cao sang bác học, vừa mê hoặc ám ảnh, diễn tả ở mức tuyệt đỉnh nhất các ý tứ của các văn nhân thi sĩ gửi gắm trong các bài thơ. 

Có một thời gian rất dài ca trù không được quan tâm. Có lẽ từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cùng với những tàn dư xấu xa của chế độ phong kiến, sinh hoạt cô đầu, hay hát ả đào, vốn đã có tiếng rất xấu từ đầu thế kỷ, cũng bị quét đi, không thương tiếc. Các cô đào, dù hát còn hay, dù còn thanh sắc cũng giấu kỹ phách, các kép hát thì gác đàn lên xà nhà, giấu đi cái hành trạng một thời làm nghề hát xướng của mình để nhập vào cuộc sống mới. Không ai dám hát, không ai dám đàn, không ai dám nhận mình là cô đầu nữa. Con cái các đào kép một thời lững lẫy bỗng đâm ra xa lánh, sợ sệt cha mẹ mình. Tiếng xấu sinh hoạt ả đào trùm lên cả xã hội. Nhắc đến cô đầu người ta sợ. Nhắc đến hát ả đào, người ta nghĩ đến một thú ăn chơi làm cho người ta khuynh gia bại sản, có hại cho phong hoá và luân lý. Người ta cho cô đầu là cái người: “Lấy khách - khách bỏ về Tàu, lấy nhà giàu - nhà giàu hết của”.

Mà cũng có chỗ không oan. Với vẻ thanh thoát của vóc dáng của những người không phải chịu cảnh chân lấm tay bùn, các cô lại khéo ăn nói, do được tiếp xúc toàn với văn nhân nho sĩ, nên nhiều người đã bị các cô làm cho mê mẩn. Có người phải bán ruộng, bán nhà; có kẻ phải giấu lương tháng, lừa dối vợ con để lấy tiền đi hát. Nhà hát lại là nơi hấp dẫn nhất trần đời: nào các cô hát hay, nào các cô tiếp rượu khéo, nào các cô đấm bóp ấm êm. Biết bao cảnh đánh ghen tầy trời nơi các ca quán. Biết bao đôi vợ chồng phải ly biệt, tan cửa nát nhà vì cô đầu. Tiếng xấu ấy, trăm năm còn in vết.

Các người ca thưở trước đều tìm một nghề khác kiếm sống, giấu biệt cái nghề ca hát của mình đi. Có đào nương phải kiếm một gánh nước chè độ nhật cho đến tận lúc cuối đời. Nhiều đào nương lần hồi kiếm các công việc để độ nhật, và giấu biệt đi cái nghề ca hát của mình, cho dù nó đã từng đem lại ít nhiều vinh quang cho bà trong thời trẻ trung. Có đào nương trở về với công việc đồng áng, cố che lấp đi cái nghề ca hát của mình. Gặp lại các bà để hỏi về ca trù, các bà còn run sợ, các bà không dám nói. Mặc dù thưở trước Tổ đã cho các bà ăn lộc, cho các bà những hào quang, nhưng nay thì các bà dứt khoát dứt ra khỏi cái liên hệ này. Tìm gặp các bà, có cảm giác như họ đang ôm trong mình một khối u lớn. Có bà trả lời giằn dỗi, như hắt nước lạnh vào người đang hỏi chuyện. Lâu dần trong số họ trở nên kiêu ngạo, cao đạo, nào tránh gặp báo chí, nào tránh gặp truyền hình, nào tránh các cuộc giao lưu. Không ai dám đến gần khiến cho người đào nương già nua lại trở nên cô độc, thù ghét xung quanh, khinh ngạo mọi người trong và ngoài nghề.

Trong hoàn cảnh ấy, chỉ có một người phụ nữ, người mà nét tài hoa và đa tình còn in trên khuôn mặt đã nhăn nheo, mà nét kiêu sa lừng lẫy chốn ca trường còn trong từng âm thanh giọng nói - vâng chỉ có người ấy là dám nhận mình là một ả đào, như bà đã từng nói là bà dám đeo cái biển trước ngực “Tôi là ả đào”. Bà kể rằng: Hồi trước có mấy ông lãnh đạo văn hóa nói thẳng vào mặt tôi rằng: "Cái nghề ca trù của bà chỉ phục vụ bọn thực dân phong kiến, cái cây đã chết, cho nó chết, lấy đâu hoa mà nở". Lúc đó tôi cười: "Rồi xem, hoa có nở không?".(Báo Lao Động chủ nhật, số 40, ngày 20.10.1991, tr.5). Đấy, thái độ của bà rõ ràng và tự tin như vậy! Vâng, cả cuộc đời của bà lúc nào cũng một niềm thuỷ chung với nghề tổ. Bà được Tổ cho ăn lộc, đem cho bà vinh quang và cả đắng cay nữa. Bà dám sống cho nghề tổ, chịu vinh, chịu nhục vì nghề. Khi bà ba mươi tuổi, đang lừng lẫy chốn ca trường, thi sĩ Trần Huyền Trân viết tặng bà bài thơ Sầu chung. Một bài thơ mà từng chữ, từng lời hiểu bà từ gan ruột. Bà là Quách Thị Hồ nghệ sĩ lớn nhất của ngành ca trù trong thế kỷ XX.

Giáo sư Trần Văn Khê thăm Bà Quách Thị Hồ

Bà Quách Thị Hồ và khách tri âm: Nhà thơ Ngô Linh Ngọc
Cho đến một hôm, GS Trần Văn Khê, từ Pháp trở về. Ông ghi âm tiếng hát của bà để đem đi giới thiệu với thế giới.

Năm 1978, Hội đồng Âm nhạc Quốc tế của UNESCO và Viện Nghiên cứu Quốc tế về Âm nhạc So sánh đã trao bằng danh dự cho bà vì bà có công lao đặc biệt trong việc bảo tồn một bộ môn nghệ thuật truyền thống có giá trị văn hóa và nghệ thuật cao. Và từ đó tên tuổi của bà cùng tiếng hát ca trù độc đáo của Việt Nam trở nên vang lừng trong bốn biển. Năm 1988, tại Liên hoan quốc tế Âm nhạc truyền thống tại Bình Nhưỡng, có sự tham gia của 29 quốc gia, băng ghi âm tiếng hát của Quách Thị Hồ, đại diện cho Việt Nam được xếp hạng cao nhất.

Hai Nghệ sỹ Ca trù: Quách Thị Hồ và Nguyễn Thị Phúc (1952). Ảnh: TL

Bà được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Và cho đến hôm nay, bà là người đầu tiên và duy nhất được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân ngành ca trù. Sau bà, không còn ai được phong Nghệ sĩ Nhân Dân về ca trù nữa. Và bà thật xứng đáng với danh hiệu này. Tiếng hát ca trù độc đáo, lạ lùng và đầy sức hấp dẫn của Quách Thị Hồ đã vang lên, đại diện cho Việt Nam, làm rạng rỡ cho âm nhạc và văn hoá Việt Nam.

Sau đó, Đài Tiếng nói Việt Nam mới ghi âm tiếng hát của bà, phát trong các chương trình ca nhạc cổ truyền. Năm 1984, Trung tâm Nghe Nhìn (nay là Hãng Phim Truyền hình) tổ chức làm phim “Nghệ thuật ca trù” (Kịch bản và đạo diễn Ngô Đặng Tuất) tại Lỗ Khê. Đây cũng là dịp tập trung nhiều nhất các danh ca, danh cầm nổi tiếng trong giới ca trù như: Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Hào, Chu Văn Du, Nguyễn Thế Tuất, Phó Đình Kỳ, Đinh Khắc Ban, Phó Thị Kim Đức, Nguyễn Thị Mùi. Nhà nghiên cứu Ngô Linh Ngọc dẫn chương trình và đọc lời bình cho toàn phim. Năm 1980, Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội tổ chức biên soạn cuốn sách Hát Cửa đình Lỗ Khê, được dư luận đánh giá tốt.

Nghệ sĩ Quách Thị Hồ tạ thế lúc 3h 45 phút, ngày 4 tháng Giêng năm 2001, tức ngày 10 tháng Chạp năm Canh Thìn. Thọ 92 tuổi. Trong sổ tang đọc thấy dòng chữ của một nhà nghiên cứu: “Nghệ sĩ Quách Thị Hồ ra đi có mang theo tất cả những gì là cao quý, sang trọng và bác học của nghệ thuật ca trù trong thế kỷ XX”.


Nghĩ đến hôm bà mất, càng thấy thương bà, khi mất, không có đất chôn. Con cháu phải mua một mảnh đất mấy mét vuông bên Gia Thuỵ để làm nơi yên nghỉ cho bà. Ba thước đất đã vùi sâu một nghệ sĩ tài hoa, sống đã làm vẻ vang cho ca trù, danh thơm bốn bể, cùng với cả trăm cay nghìn đắng, mà vẫn sáng ngời lòng thuỷ chung với Tổ với nghề. Nay bà khuất nẻo suối vàng, nhưng tiếng hát của bà còn vang mãi, với non sông này, với nghệ thuật này.

N.X.D
Đọc thêm: 
Bà Quách Thị Hồ: Người ta đã vục mặt chúng tôi xuống bùn


Quách Thị Hồ: Này, cậu hỏi tôi sao không truyền nghề ca trù à? Ai mà học?

•Thưa bà, có một số ca sĩ nói rằng họ là học trò của bà.

Quách Thị Hồ: Tôi muốn họ quên tôi đi. Xấu hổ lắm! Bởi mấy anh chị ấy đến tôi chỉ xin học vẹt, học lỏm từng bài, để mà đi khoe, đi diễn, rằng ta hát ca trù, chứ có ai muốn học nghề, học đến nơi đến chốn đâu? Mà học làm gì?

Bà Quách Thị Hồ dựng đứng lưng song song với thanh tựa, miệng khép lại như để dấu biến những ngôn từ lệch đang ùn ứ bên trong. Bà chẳng khóc. Dễ gì mà lấy được nước mắt của bà?

Quách Thị Hồ: Hồi trước có mấy ông lãnh đạo văn hóa nói thẳng vào mặt tôi rằng: “Cái nghề ca trù của bà chỉ phục vụ bọn thực dân phong kiến, cái cây đã chết, cho nó chết, lấy đâu hoa mà nở”. Lúc đó tôi chỉ cười: “Rồi xem, hoa có nở không?".

Quách Thị Hồ: Người ta đã vục mặt chúng tôi xuống bùn.

•Tại sao vậy, thưa bà?

Quách Thị Hồ: Có lẽ người ta hiểu lầm hát ca trù - cô đầu - ả đào ở Khâm Thiên, ở Vạn Thái, ở Bạch Mai là loại “hát ôm”, đĩ điếm và họ thấy quan lại thường đến ăn chơi ở đó nên cho là văn hóa… đồ trụy. 

Lưu Trọng Văn
Nguồn: Báo Lao Động Chủ nhật, số 40, ngày 20.10.1991, tr.5.

4 nhận xét :

  1. Loạt bài hay quá anh Diện ạ.Tôi phải copi về máy để đọc dần. Cảm ơn anh nhiều. Chúc anh chị và các cháu mạnh khỏe !

    Trả lờiXóa
  2. trước đây rất lâu, có 1 lần tôi được nghe giọng hát của cụ Quách thị Hồ qua máy, tuy không rành về nghệ thuật ca trù nhưng tôi cảm thấy trong giọng hát của bà có gì đó làm cuốn hút, rất lạ. 10 năm khuất bóng nhưng giá trị nghệ thuật của ca trù qua giọng hát của cụ vẫn ở lại với nhân gian, nguyên vẹn. kính tưởng nhớ cụ. hậu nhân: Tín.

    Trả lờiXóa
  3. Đọc qua bài nầy thì tôi buồn và xót xa cho Cụ Quách Thị Hồ vì suốt cuộc đời Cụ đã sống và cống hiến cho nền nghệ thuật và văn hoá Việt Nam. Vậy mà khi chết thì nhà nước không ngó ngàng đến. Đây đúng là sự vắt chanh bỏ vỏ và vô nhân của nhà nước lúc đó.

    Cụ ơi, Cụ đã ra đi hơn 10 năm rồi và bây giờ cháu mới biết được. Tuy rằng hiện nay đã quá trể nhưng cháu tin rằng hồn Cụ vẫn anh linh và Cụ biết là cháu đang nghĩ gì và sẽ viết gì về Cụ.
    Cụ ơi, những đóng góp và hy sinh của Cụ trong thời gian qua thì hiện nay mọi người đã rõ. Đó là do Bác NXD, một người luôn kính trọng Cụ và nền văn hoá Ca Trù. Cháu mong rằng từ nay hương linh Cụ sẽ nhẹ nhàn và bình an trên cỏi thượng.
    Cụ ơi, ngày nào cháu có dịp về thăm quê hương thì cháu sẽ đến thăm mồ Cụ và cháu sẽ thắp ba nén hương để tỏ lòng thành kính vì yêu mến Cụ. Kính Cụ.

    Phải chăng xưa kia đã có những người làm việc không hay cho nên nền Ca Trù bị mang tiếng xấu?

    Cá nhân tôi thì vào thời điểm trên tôi chưa chào đời, nên không dám bình luận.
    Tuy nhiên vào thập niên 70 thì tôi xin bố me cho đi học âm nhạc trong lúc không cần đến trường thì bố tôi bằng lòng, nhưng me tôi thì không. Me tôi bảo tôi rằng: Học làm gì những thứ ấy vì đó là sướng ca vô loại. Nhà ta là giòng dỏi có ăn học vậy con không được giao du với bọn kia chứ đừng nói là học. Me cấm con đấy! Sau vài tháng thì tôi lại xin tiếp và me tôi vẫn giữ chủ trương củ. Tuy Bố tôi có khuyên me tôi nhưng đáng tiếc là me tôi vẫn không thay đổi tư duy. Cũng vì thế nên sự học vấn và cái nghề của tôi là do me tôi chứ không phải là sự mong muốn của tôi.

    Với những kinh nghiệm bản thân nên tôi mong rằng từ nay các me (bà mẹ hay bà má ở Miền Nam) sẽ để con mình tự chọn lựa môn học và lối sống, có như thế thì con mình mới có thể phát huy hết mọi khả năng trong công việc và sẽ sung sướng, yêu đời vì những đóng góp thiết thực của mình cho xã hội.

    Trả lờiXóa
  4. Cụ Quách Thị Hồ từng nói: "Người ta đã vục mặt chúng tôi xuống bùn". Trong sâu thẩm, tôi thấy cụ là một con người thật vĩ đại.

    Trả lờiXóa